BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73244)
(Xem: 62215)
(Xem: 39401)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Duyên Nợ Thiếu Sinh Quân

14 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 2006)
Duyên Nợ Thiếu Sinh Quân
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Đi ăn tiệc Thiếu Sinh Quân về đã quá mười một giờ đêm, vả lại trong bữa tiệc gặp bạn hiền uống bia rượu chút đỉnh nên tôi chỉ muốn đi ngủ, nhưng đâu có được yên thân.

 - Anh ơi! Thiếu Sinh Quân là lính gì vậy anh?

 - Họ chưa là lính gì cả! Là lính quân trường cũng như Thủ Đức hay Đà Lạt.

 - Sao họ không chọn trường khác như anh?

 - Quân đội, không phải ai muốn đi học ở đâu cũng được. Thiếu sinh quân khác, các em còn nhỏ, có cha hoặc anh là tử sĩ nên mới được vào học. Họ vừa học văn hóa vừa được huấn luyện về quân sự?

 

 Trong cuộc đời quân ngũ ngắn ngủi, tôi có nhiều kỷ niệm với Thiếu Sinh Quân. Thực ra sự quen biết đã bắt nguồn từ lâu. Hồi học tiểu học trong lớp có anh bạn tên Trạng to con lớn xác hơn những đứa bạn đồng lứa, còn tôi thuộc loại "tí hon" nhưng hai đứa vẫn chơi với nhau. Trạng hay phá phách, tinh nghịch, thường bị phạt, nhưng chẳng bao giờ giận thầy cô, bạn bè. Bây giờ trên đất lạ quê người, tuổi đã ngoài năm mươi, ngồi nghĩ lại chuyện xưa, tôi thấy anh bạn của tôi chẳng có tội gì cả. Trẻ con đi học bậc tiểu học, tinh nghịch là chuyện thường, đứa nào thông minh mới có "sáng kiến" bầy ra trò để mà nghịch.

 Sau khi qua bậc tiểu học, mỗi người mỗi nơi, vài năm sau tôi mới có dịp gặp lại anh bạn Trạng. Mới đầu tôi nhận không ra, nghe có người gọi tên mình, nhìn kỹ mới biết. Ông bạn tôi tướng tá trông ngon lành hơn nhiều, đen ra, rắn chắc chứ không còn "bệu" như xưa. Nói chuyện với Trạng, tôi được biết "ông thần" này vẫn chưa bỏ tật tinh nghịch, ở nhà chịu không nổi nên tống chàng ta vào trường Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tầu. Gặp bạn hiền, Trạng say xưa kể chuyện, chuyện học hành trong trường, chuyện ba gai bị cán bộ phạt, chuyện trốn đi chơi, phá phách ngoài Vũng Tầu, v.v., Ở lứa tuổi 12, 13 hàng ngày được mẹ dúi cho ít tiền ăn quà vặt rồi cắp sách đến trường, tôi không biết gì về quân đội, chỉ lắng tai nghe, càng phục ông bạn mình sát đất. Sau đó gặp những đứa bạn cũ khác, kể chuyện lần gặp anh bạn Trạng, tôi đều phát biểu "Cái thằng Trạng dễ nể thật!"

  Thời gian thấm thoát trôi qua. Năm 1972 tôi vào quân đội và được đưa đi thụ huấn nơi trường đào tạo sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Quân trường có nhiều cựu thiếu-sinh-quân đang theo học các khóa sĩ quan trừ b. Gần như đại đội sinh viên sĩ quan nào cũng có vài ông gốc rễ từ trường Thiếu Sinh Quân. Họ rất đoàn kết, giúp đỡ, bênh vực lẫn nhau, nhờ vậy trong thời gian huấn nhục (Tân Khóa Sinh), gian khổ cỡ nào đối với các cựu thiếu-sinh-quân cũng chỉ là trò đùa. Thêm một điểm đặc biệt nữa là họ rất ngang tàng, cứng đầu. Mấy ông huynh trưởng hướng dẫn phạt cỡ nào cũng không ăn thua.

 Ra trường, thiếu sinh quân chọn toàn là "thứ dữ". Tôi về binh chủng Biệt Động Quân cũng gặp mấy ông, trở thành bạn và tôi biết thêm một điều nữa về TSQ. Tuy tốt nghiệp trường đào tạo sĩ quan trừ bị, riêng các cựu TSQ vẫn được hưởng quy chế hiện dịch.

 Số tôi đi đâu cũng "đụng" thiếu sinh quân. Trình diện đơn vị liên đoàn 22/BĐQ gặp cựu TSQ Sam, hai đứa chỉ trao đổi vài câu rồi chia tay, tôi về tiểu đoàn 95 còn Sam qua tiểu đoàn 62. Tuy cùng chung liên đoàn nhưng đơn vị đi hành quân liên miên nên bạn bè ít có dịp gặp gỡ nhau. Tôi gặp lại Sam một lần ngoài phố Kontum khoảng cuối năm 1974. Bọn tôi ghé vào một quán nước, ngồi nói chuyện, tâm sự. Sam nói với tôi.

 - Tao vừa mới gặp thằng Chin, bây giờ nó làm sĩ quan truyền tin tiểu đoàn 95.

 - Ừ! Nó cùng đại đội với tao ở Thủ Đức, hôm nọ ghé bộ chỉ huy liên đoàn, đưa cho tao ít tiền tiêu vặt.

 - Sao nó được đi học nghành, ngon vậy "Có chạy chọt gì không" Đỡ phải lội.

 - Không! Bộ chỉ huy trung ương lần lượt gủi bọn mình đi học các nghành chuyên môn. Mấy thằng khoá 3/72 đã đi học hết cả rồi, Đài học hành chánh tài chánh, Tâm học tổng quản trị.

 - Sao mày biết rành vậy?

 - Tao làm ban 3 nên được đọc công điện từ BCH/BĐQ gửi đi các liên đoàn. Tướng Giai chỉ huy trưởng muốn sĩ quan BĐQ phải học hỏi thêm về tham mưu, nên chọn sĩ quan gửi đi học. Ông ta còn muốn nhiều thứ nữa, mỗi BĐQ là một viễn thám.

 - Sao thằng Chin cùng khóa được đi học mà mày không được?

 - Có chứ! Xui cho tao, sắp đến ngày đi học lại nằm quân y viện trễ khóa học.

 - Thôi bỏ qua chuyện nhà binh đi. Nghe bạn bè nói mày quen với mấy thầy giáo. Có cua được cô giáo nào chưa?

 - Cô giáo không dám dây vào với đám BĐQ hủi tụi mình. Các cô sợ mình như sợ Cọp!

 - Xạo mày! Dấu hoài, hôm nào đi chơi với đám thầy cô, kéo tao đi theo.

 - Dễ mà! Như tao cũng đi theo mấy ông nhà giáo, để rồi được chào hỏi mấy cô giáo chứ không phải để được người đẹp tuyển chọn. Coi chừng mấy cô nói nhỏ với nhau "Nhà có BĐQ đỡ tốn tiền mua cái thớt", mình làm sao biết được!

 - !!!

 - Mấy cô còn làm dáng, tuyển chọn khó khăn? Ứng cử viên BĐQ rớt đài là cái chắc! Đi hành quân trên vùng cao nguyên đất đỏ này mãi, mình lấy vợ Thượng hết! Lúc chia tay, tôi nhận thấy ông bạn cũng đã bắt đầu "ê càng", không còn hăng hái như lúc mới ra đơn vị. Còn tôi, là một sĩ quan trừ bị, chỉ mong quê hương sớm thanh bình, được giải ngũ về đi học trở lại. Mấy ông bạn nhà giáo thế mà sướng, hồi đó tôi cứ nộp đơn thi vào sư phạm, biết đâu ngáp phải ruồi thi đậu, giờ nàỳ khỏe tấm thân.

 Ngày 16 tháng Ba năm 1975, liên đoàn 22/BĐQ là đơn vị BĐQ cuối cùng được lệnh rút khỏi vùng hành quân trên Kontum. Bộ chỉ huy liên đoàn cùng đại đội trinh sát ra đến phố Kontum trước, còn ba tiểu đoàn 62, 88, 95 nằm sâu trong rừng lần lượt rút ra sau. Được biết bỏ Kontum, tôi chạy vội ra phố báo tin cho hai ông bạn nhà giáo, rồi đưa cả hai vào B-15 hậu cứ LĐ/22/BĐQ. Tôi quen nhiều quân nhân trong đại đội trinh sát, dặn thiếu úy Biên đại đội phó cho hai ông thầy giáo đi theo về Pleiku. Biên học cùng khóa sình lầy với tôi, cùng gốc tiểu đoàn 95 nên vui vẻ nhận lời, tuy nhiên đại đội vẫn chưa được lệnh di chuyển, nằm ứng chiến đợi cho ba tiểu đoàn BĐQ ra đầy đủ mới có lệnh đi.

 Đã làm trung đội trưởng, tôi biết mỗi lần chuyển quân mất cả ngày trời. Đến tối may ra họ mới bắt đầu di chuyển. Đang phân vẫn, bỗng có một chiếc GMC chở quân nhân, thân nhân vợ con BĐQ trong hậu cứ chuẩn bị đi. Tôi kéo hai ông giáo chạy lại leo lên xe. Mấy quân nhân trên xe nhận ra tôi nên chẳng nói gì, nhờ vậy hai ông giáo được quá giang.

 Tôi nói bác tài chạy về Pleiku, vào căn cứ Hàm Rồng đợi các đơn vị tập trung đầy đủ chờ có lệnh mới. Xe ra khỏi căn cứ, vào quốc lộ 14 hướng về Pleiku, dọc theo hai bên đường đầy dân chúng tỵ nạn đi bộ, gánh gồng, bồng bế theo trẻ con. Biết BĐQ rút đi, thành phố Kontum bỏ ngõ nên họ đã ra đi từ sáng sớm. Trên quốc lộ, đoàn xe như dài thêm, đủ loại quân xa, xe Jeep của các đơn vị bạn và xe thường dân nối đuôi nhau. Đoàn xe đi qua đèo Chu Pao nơi địch quân thường đóng chốt, cắt đường. Một tuần lễ trước đây, liên đoàn 21/BĐQ trong đó tôi có mấy người bạn nằm bảo vệ ngọn đèo này, sau đó được đưa về đánh giải tỏa Ban Mê Thuột. Các bạn tôi đã gặp định mệnh, còn bọn tôi đang trên đường đi tìm.

 Khi đến gần Pleiku, khung cảnh trở nên hỗn loạn hơn, vì xung quanh thành phố có nhiều căn cứ của các đơn vị yểm trợ cho Quân Đoàn II. Nhiều xe chở hàng, lúc đó chở đầy người nhập vào đoàn xe, bác tài xế cho biết đã mất dấu mấy chiếc GMC phe ta. Tôi nói bác tài, ép vào lề đường, chạy chậm lại để chờ xe cùng đơn vị, có lẽ bị kẹt ở dưới. Khi đi ngang qua trường Thiếu Sinh Quân Cao Nguyên, tất cả mọi người trên xe đều trông thấy các em TSQ trong bộ quần áo trắng, mũ beret đỏ, lưng đeo ba-lô đem theo hành trang. Các em đi bộ dọc theo đường thành hàng dài, nhiều em còn quá nhỏ khoảng 13, 14 tuổi, trông nhỏ hơn cái ba-lô đeo sau lưng, trông thật thương tâm. Tôi quay sang hỏi thiêú úy Quới bạn cũ từ tiểu đoàn 95 (anh chàng này hôm đó tự động đi theo tôi).

 - Sĩ quan, cán bộ nhà trường đâu! Sao để tụi nhỏ (TSQ) đi bộ? Chẳng thấy ai trông nom, hướng dẫn!

 - Ai biết! Chuyện ai nấy lo! Từ nẫy giờ biết bao nhiêu xe chạy qua mặt mình.

 - Không được! Bác tài tấp vào lề, ngừng lại. Tôi chưa nhận được lệnh "chạy". Tất cả xuống xe. Mình đợi!

 Bác tài xế cũng xuống xe, nhìn về phiá sau đoàn thiếu sinh quân đang đổ mồ hôi lội bộ. Anh chàng Quới có vẻ bất mãn không nói gì, lẳng lặng đón một chiếc xe Jeep thuộc đơn vị khác, rồi leo lên. Tôi cùng với bác tài ra đứng giữa quốc lộ, đưa hai tay vẫãy chận mấy chiếc GMC lại, chiếc nào còn trống chỗ yêu cầu cho thiếu sinh quân lên. Nhiều em còn nhỏ, thêm chiếc ba-lô, phải đỡ lên từng đứa. Hàng đoàn xe đủ loại tiếp tục qua mặt, trời đã bắt đầu nhá nhem tối, tôi nói bác tài "Thôi mình đi".

 Sau này được đọc một số hồi ký, gặp lại bạn bè, cấp chỉ huy cũ, tôi biết được thành phố Pleiku lúc đó vẫn yên, địch quân chỉ pháo kích bừa bãi. Các đơn vị Biệt Động Quân vẫn cầm cự, liên đoàn 4 giữ quận Lệ Trung trên quốc lộ 19 đi Bình Định, liên đoàn 25 kẹt trong quận Thanh An, liên đoàn 7 bảo vệ mặt nam, liên đoàn 6 đi trước bảo vệ Công Binh chữa đường trên liên tỉnh lộ 7B, liên đoàn 23 rải quân bảo vệ một đoạn đường trên liên tỉnh lộ. Đúng như tôi đã tiên đoán, liên đoàn 22/BĐQ khuya hôm đó mới rút ra tới đèo Chu Pao.

 Liên tỉnh lộ 7B trong những ngày kế tiếp là liên tỉnh lộ máu và nước mắt. Tôi cùng hai ông giáo về đến quận Cung Sơn, tại đây BĐQ gom lại lập phòng tuyến mới chặn quân địch (Sư đoàn 320 "Thép") tiến về Tuy Hòa. Nơi đập Đồng Cam, địch quân rải các chốt chặn không cho đoàn xe di chuyển. Một số thường dân nóng lòng đi Honda vượt qua đoàn xe, chạy trước bị cộng quân bắn chết hết, xác chết xình thối, cùng với xe Honda đủ loại nằm ngổn ngang trên đường làm thành một lớp chướng ngại vật ngăn cản đoàn xe chở dân tỵ nạn.

  Trong khi đoàn xe bị kẹt nơi quận Đồng Cam, một hôm có lệnh đi gom các em thiếu sinh quân lại nơi một thửa ruộng trống. Lệnh rất rõ ràng, chỉ bốc TSQ thôi, không cho dân lên. Tôi mừng thầm cho các em, nói với hai ông nhà giáo "Tụi mình đến được đây là hết lo! Cứ nằm đợi BĐQ đánh xong các chốt của địch đã. Khi nào về đến Tuy Hòa, ráng tìm phương tiện về thẳng Saigon, còn tao theo đơn vị".

 Hôm sau, một đơn vị thuộc liên đoàn 6 được điều động lên đánh mấy cái chốt khai thông đường cho đoàn xe đi thoát về Tuy Hòa. Vào trình diện đơn vị ở Nha Trang, tôi gặp lại mấy người bạn cũ, trong đó có TSQ Sam mặc bộ đồ bông mới toanh, rộng thùng thình, chân đi bí-tất (không đi giầy, bàn chân bị xưng to), đi khập khiễng. Như đã trình bầy ở phần trên, đi đâu cũng "đụng" thiếu sinh quân. Tôi mừng rỡ hỏi thăm và được trả lời như sau "Tụi nó (CS) vồ được tao, bắt cởi quần áo, cởi giầy ra, tưởng tao không dám trốn. Lợi dụng lúc sơ hở, tao dọt luôn". Cứ thế người hùng TSQ/BĐQ làm Tazan, mặc quần lót, chân đất, chạy băng rừng về đến Tuy Hòa. Chịu ông bạn TSQ quá, tôi vỗ vai Sam một cái thật mạnh "TSQ, phải thế mới được." Tôi đang mơ màng nhớ về những người bạn năm xưa.

 - Anh ơi! Thiếu Sinh Quân đánh giặc giỏi không? Lại nữa! Nhà tôi có tật được trả lời, lại hay làm tới?

 - Giỏi chứ! Họ đánh giặc lì lợm lắm. Chỉ có các bà TSQ mới trị được họ thôi! Những người hỏi nhiều như em, họ thừa sức bẻ răng.

Vũ Đình Hiếu

Ba mươi năm sống xa quê hương
University Wisconsin Whitewater
11 tháng Tư 2005
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn