BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73215)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một Ngày Trong Lòng Mật Khu Tam Giác Sắt (1)

13 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 2155)
Một Ngày Trong Lòng Mật Khu Tam Giác Sắt  (1)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
16Vote
28
Căn cứ Kiến[1] nằm ngay trong lòng mật khu Tam Giác Sắt, giữa ngả ba sông Thị Tính và sông Sài Gòn, chỉ cách quận lỵ Bến Cát vài cây số đường chim bay. Những năm đầu cuộc chiến, đây là căn cứ địa bí mật của Cộng Sản, là trục giao thông của chúng từ các mật khu Long Nguyên, Hố Bò, Bời Lời đổ về Bến Cát để tiếp nhận, di chuyển tiếp tế và bổ sung quân. Khoảng năm 1967, một trận long trời lở đất giữa chính quy Việt Cộng và Sư Đoàn Không Kỵ Hoa Kỳ xảy ra nơi đây. Tại một giao lộ của 5 con đường mòn mà chúng tôi đặt hỗn danh là Ngả Năm Chuồng Chó, vẫn còn xác ba chiếc thiết giáp vừa M-41 vừa M-113 bị cháy banh xích nằm ngổn ngang, xung quanh còn vương vãi các mảnh quân trang, quân dụng, và vỏ đạn các loại.

Cái rẻo đất cỏn con hình tam giác này chỉ chừng vài cây số vuông. Nhưng mìn bẫy thì dày đặc, hỗn loạn đến nỗi quân du kích Việt Cộng cũng thường vướng phải. Sau hàng năm bỏ mặc cho chúng tung hoành, Sư Đoàn 5 Bộ Binh quyết định phải bình định mật khu này vì sau thảm bại Tết Mậu Thân của Cộng quân, tình hình quân sự đã tạm lắng dịu trên toàn Khu 32 Chiến thuật.

Tháng 6 năm 1970, Tiểu đoàn 4/8 nhận lệnh hành quân tảo thanh và thiết lập một căn cứ nhỏ để chế ngự con đường tiếp liệu của địch. Dù không còn các đơn vị chủ lực lớn của địch, nhưng đám du kích lẻ tẻ vẫn có khả năng quấy nhiểu như đặt mìn, bắn sẻ hay pháo kích vào đội hình quân bạn. Từ địa điểm đổ quân trên con đường đất đỏ từ chơ Bến Cát dẫn đến đồn điền cao su Michelin, những người khinh binh đã đi theo chiếc xe ủi đất D-10 khổng lồ của Tiểu đoàn 5 Công Binh trên một khoảng đường chỉ dài hơn cây số mà cũng mất hơn hai ngày trời mới đến được Ngả Năm Chuồng Chó. Xe ủi đất cày sâu chừng hai tấc đủ để hủy diệt các loại mìn chống người và chống chiến xa. Bộ binh thì dò dẫm từng tấc đất để phá gỡ các loại mìn bẫy nội hoá.

Rừng Long Nguyên dày đặc, cây lớn thì cao ngút ngàn. Bên dưới là cây chồi với dây rừng, gai nhọn đan chi chit. Người đi sau đặt phải bàn chân đúng lên dấu giày người đi trước. Thận trọng từng giây phút một. Mìn bẫy ở đây thì vô số. Cộng quân gài mìn không theo quy cách lớp lang như quân ta. Vì thế, sau một thời gian, trên những con đường mòn không ai qua lại, cây cỏ mọc che kín, thì ngay chính họ cũng chẳng biết đường né tránh.

Ngày hành quân đầu tiên không có thiệt hại gì. Binh sĩ tháo gỡ hàng trăm mìn nội hoá mà du kích Việt Cộng chế bằng cách trộn đinh, sỏi với chất nổ dẻo rồi nhồi cứng vào những chiếc lon đủ cỡ. Tuy không có sức công phá mạnh, nhưng loại mìn này cũng có khả năng sát thương tròng vòng 5 mét. Loại đáng sợ nhất là các trái đạn pháo binh của chúng ta bị lép; Việt Cộng chế lại thành mìn bẫy. Tiếng nổ của nó rất khủng khiếp. Người bị mìn khó còn được chút da thịt nào lớn hơn bàn tay.

Đêm đến, bố quân trên vòng đai do xe ủi tạo ra quanh ba chiếc thiết giáp cháy, binh sĩ không đào công sự, mà chỉ nằm tựa các gốc cây lớn để phòng thủ. Quân sĩ thức trắng một đêm canh chừng vì không thể bung ra gài mìn giăng bẫy như thường lệ. Du kích Việt Cộng thỉnh thoảng xuất hiện bắn quấy phá nhiều đợt. Hoả châu từ căn cứ Lai Khê bắn yểm trợ suốt đêm. Cả một vùng sáng như ban ngày. Trung Úy Nguyễn Hữu Đát, Đại đội trưởng 15, trong lúc di chuyển điều quân, đã bị đạn AK bắn sẻ xuyên qua lớp nón sắt gây thương tích ở đầu phải tải thương ngay. Đại đội phó là Thiếu Úy Phương lên thay thế.

Phương là một trong bốn sĩ quan tốt nghiệp khoá 1 trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị cùng ở trong một tiểu đoàn. Dương Quang Bồi thì đã nắm đại đội từ đầu năm 1970, Mai Thanh Tòng làm đúng chức năng của mình là Trưởng ban 5 tiểu đoàn, chỉ còn Quách Kế Nhơn và Phương vẫn học nghề đánh đấm ở các đại đội. Nhờ những công trận xuất sắc ở Bù Na, Đồng Xoài, Phương đã được Đại Úy Vũ Huy Thiều (Khoá 19 Võ Bị, người hùng trận Phước Quả) ngắm nghé cho nắm đại đội từ những ngày cuối năm 69. Hai tuần trước Tết Canh Tuất 1970, trong một trận phản phục kích ở ngả ba Bù Noi, Phước Long, Phương bị thương nặng phải chuyển về Bệnh Viện 3 Dã Chiến. Khi trở về đơn vị thì các cấp chỉ huy đã thay đổi. Tiểu đoàn nay dưới quyền Đại Úy Nguyễn Chí Hiền, người hùng một thời của Đại đội Trinh sát 5.

Tiểu đoàn bung hai Đại đội hành quân xa về hướng Tây Bắc, chỉ để lại Đại đội 15 bảo vệ an ninh cho Đại đội Chỉ Huy và Công binh lập căn cứ. Công binh Hoa Kỳ tăng cường thêm mấy chiếc xe ủi đất hạng nặng để phá rừng, cày thành một khoảnh đất có đường kính khoảng 100 mét. Ở trung tâm, họ xây ba hầm kiên cố sâu dưới lòng đất, chống đỡ bằng những khúc gỗ lớn. Nắp hầm là một lớp PSP bên trên có 5 lớp bao cát đủ để chịu đựng sức công phá của bíck kích pháo 82 ly. Ba hầm này dùng làm hầm Chỉ huy, Truyền tin và Tiếp liệu. Một vòng đai bên ngoài có tám hầm nhỏ hơn dùng cho binh sĩ trú phòng. Các hầm được cách ly bằng các lớp hàng rào concertina để chống đặc công. Từ chu vi hầm ra đến bìa rừng là khoảng trống có các lớp hàng rào gài mìn bẫy và trái sáng dày đặc.

Đại đội 15, trong khi hành quân lục soát dọc bờ sông Thị Tính, đã phát hiện nhiều khu hầm kiên cố nhưng để trống. Binh sĩ tìm thấy thực phẩm, áo quần cả đàn ông lẫn đồ lót phụ nữ cho thấy nhiều dấu hiệu hầm đang được sử dụng bởi các toán du kích. Thường họ sinh hoạt và di chuyển theo tổ tam tam chế, hai nam một nữ. Các hầm này được xem như các nơi tạm trú cho du kích hoặc cán bộ về hoạt động lén lút ngoài quận lỵ và các xã chung quanh. Cách thiết lập hầm ngầm rất khó phát hiện. Hầm đào sâu dưới đất, nắp hầm ngang bằng mặt đất. Có 4 lỗ châu mai ở bốn phiá được các bụi cây bên ngoài che khuất. Trong nhìn thấy ngoài rất rõ, nhưng ngoài thì không thể nào thấy dấu hiệu gì. Nếu phỏng đoán được sự hiện diện của hầm, thì cũng khó xác định chính xác vị trí. Đạn bắn thẳng không có xác suất cao trúng vào lỗ châu mai. Trong hầm chỉ cần một hay hai tay súng cũng đủ cầm chân cả trung đội quân ta. Dĩ nhiên không phải không thể diệt được hầm. Nhưng cái giá phải trả cũng có thể rất cao.

Các chiến sĩ Trung đoàn 8 BB trong những năm này đã tìm ra biện pháp diệt chốt bằng các tổ hai, ba binh sĩ với sự yểm trợ hoả lực cộng đồng. Tuy chậm, nhưng biện pháp này rất hiệu quả mà ít hao sinh mạng.

Lúc xế chiều, khi Đại đội thu quân về, trung đội 3 của Thiếu Úy Nguyễn Trọng Thủy[2] báo cáo thiếu một binh sĩ. Vì không có chạm súng trong ngày, cũng không nghe tiếng nổ của mìn bẫy ; nên Phương ước đoán Hạ sĩ Nghĩa chỉ đi lạc đâu đây thôi. Quả thế, chỉ chừng mười phút sau, từ bìa rừng anh lính nhà bếp trẻ này hớt hãi chạy ra, mặt xanh như tàu lá. Cái soong và cái xẻng sau lưng va chạm nhau kêu lách cách. Anh vừa thở vừa lắp bắp : «Em thấy hai đứa nó chơi nhau, Thiếu úy ơi ! ». Phương nạt đùa : « Mày sợ quá, thần hồn nát thần tính mà nói bậy. Chứ ai mà chơi nhau trong này ? » Nghĩa nhất quyết : « Thiệt mà, Thẩm quyền[3], em thấy rõ ràng, hai đứa chơi nhau trong kia. » « Sao mày không bắn chết chúng nó ? » « Chời ơi ! em vừa kéo cây súng thì nó nghe động, nó kéo quần lên và lủi mất tiêu, ông thầy ơi. Mà em cũng sợ quá chừng. »

Phương báo chuyện này cho Tiểu đoàn trưởng biết. Đại Úy Hiền cười xác nhận : « Nó không nói láo đâu. Tụi du kích nó đi ba đứa, hai trai một gái. Lúc nào hứng tình thì đè ra chơi. Có gì lạ đâu chú mày. »

Việc xây căn cứ cũng nhanh. Xe công binh đã được trả về cho Sư đoàn. Tiểu đoàn cũng chuẩn bị rút về Lai Khê, để lại đại đội của Phương trấn ngự căn cứ. Nhiệm vụ rất đơn giản. Ngoài một trung đội nằm tiền đồn chỗ ngả ba đường từ Bến Cát đi đồn điền Michelin và con đường mới mở dẫn vào căn cứ ; hai trung đội khác phải bung ra hành quân trong ngày để lục soát và an ninh xa. Chỉ còn trung đội vũ khí nặng và ban Chỉ Huy nằm lại trong căn cứ.

Ngày ở đây rất dài. Binh sĩ chẳng biết làm gì trong phạm vi chưa tới trăm mét vuông. Chui vào hầm, chui ra, lên mặt đất ngó trời ngó mây một đỗi rồi lại chui xuống. Chiều chiều có vẻ rộn lên đôi chút nếu mấy đứa du kích liều lĩnh mò về bên ngoài hàng rào, chõ loa vào tuyên truyền, kêu gọi đầu hàng : « Nghe đây, nghe đây, quân giải phóng đã bao vây đồn sẽ tiêu diệt đồn nay mai. Hãy buông súng đầu hàng sẽ được khoan hồng tha mạng sống… »

Thỉnh thoảng, chúng cũng bắn súng cối vào căn cứ. Mỗi lần chừng chục trái. Với hầm kiên cố, thì đạn cối chẳng làm suy suyển gì. Nhưng cũng có lúc nó pháo vào thời điểm bất ngờ, anh em binh sĩ đang nấu ăn, tắm giặt bên giếng. Vì các hàng rào concertina bao kín các hầm, thế nào cũng có vài chú lính nhảy xuống giếng né đạn.

Thời này súng đạn dồi dào. Phương cho bố trí ba cây đại liên M60 tại ba điểm quanh đồn. Anh tập cho binh sĩ bắn đại liên từng phát một ; và cứ thế rải đạn vào bìa rừng hay nhắm vào các ngọn cây quanh đồn để ngăn ngừa bọn tiền sát viên. Anh cũng cắt cử các toàn nhỏ phục kích cách đồn chừng vài trăm mét. Có lần đã bắn hụt hai tên du kích. Từ đó, không nghe tiếng loa gọi hàng nữa. Nhưng cối 61 và 82 ly thì cũng cứ lai rai rót vào ; nhất là những lúc có trực thăng tiếp tế.

Đại đội đã đóng tại căn cứ này hơn tháng nay. Lính tác chiến mà nằm đồn thì thật tệ hại. Cái chán nãn và bực bội kéo về mỗi ngày cứ nhìn ra khoảnh rừng xanh tù túng. Phương đã ngấu nghiến hết mấy bộ truyện chưởng Kim Dung ; đã nghe đến thuộc lòng mấy trăm bản nhạc của bất cứ chương trình nào trên đài Sài Gòn và đài Quân Đội. Đủ thứ, đủ loại, từ nhạc thính phòng cho đến nhạc bình dân ; từ ca sĩ lừng danh cho đến ca sĩ nửa muà.

Mỗi ngày một chầu cà phê sáng và hai lần cơm nóng có canh chua là dang nấu khô sặc hay khô sặc chiên, nướng. Đang là thời điểm các đơn vị hành quân xây dựng nông thôn. Vì thế, thực phẩm đóng hộp của Mỹ được cấp phát rộng rải. Đó là một ngày hai bữa, mỗi bữa một túi cơm sấy hơn 500 gram, một hộp thịt bò ba lát và một hộp trái cây. Bếp đại đội là Hạ sĩ Nhàn, năm nay đã hơn 60 tuổi. Chẳng rõ khai sanh lộn xộn sao đó, mà ông bị bắt đi quân dịch. Trung Úy Đát thương tình cho ông làm bếp của Ban Chỉ Huy. Bảy ngày một lần có trực thăng tiếp tế; là có một thùng riêng cho Phương. Có đủ báo, truyện mướn ngoài Bến Cát. Có một chai đế Bà Quẹo thật nồng; có một lon gô thức ăn mặn. Đặc biệt mong đợi là những lá thư từ gia đình gửi đến gói ghém bao nhiêu tình cảm, nhớ nhung.

Những đêm trước ngày tiếp tế, Phương túc trực sẵn bên máy C-25 chờ nghe lệnh từ Tiểu đoàn cho rút quân. Nhưng lần lửa, chỉ thấy tái tiếp tế. Đám lính tiền đồn chừng cũng đâm liều. Họ lén mò ra Bến Cát chơi từ sáng sớm, đến chiều mới lội về. Có tên buồn chán, giải trí bằng cách bắn phóng lựu vào bìa rừng khơi khơi.

Đến lần tái tiếp tế thứ năm, thì Phương nổi cơn điên thật sự. Trong lúc Trưởng ban 3, Trung úy Nguyễn Văn Quốc[4], đang gọi ban lệnh, Phương đã cùng đám lính ban Chỉ Huy bắt đầu chương trình phát thanh đặc biệt :

« Đây là tiếng nói Đại Đội 15, Tiểu đoàn 4/8. Mở đầu là bài hát Đường Trường Xa để kính tặng Tiểu Đoàn. Hai, ba, Đường trường xa, Đại Úy hổng cho tui dề…. »

Nửa đêm, Phương bị giật dậy để nghe tiếng Quốc chuyển lệnh của Đại Bàng : « Tụi mày chớ có làm loạn. Anh Tư kêu về cho 30 củ rồi tống đi Phước Long. Biết chưa ? Sáng ngày mai lo an ninh bãi đáp thật cẩn thận, có quà đặc biệt cho mày. Thật đặc biệt»

Quốc cúp máy, không cho Phương kịp hỏi thêm điều gì.

Thế là suốt đêm, Phương không tài nào chợp mắt. Quà gì mà đặc biệt. Có phải Tiểu đoàn sẽ cho cái ống kính hồng ngoại tuyến mà nghe đâu Sư đoàn vừa được cấp phát để trang bị cho các pháo đài vòng đai căn cứ Lai Khê ? Hay là cái lệnh đóng đồn vĩnh viễn thì bỏ bu. Lúc này mà được đi hành quân trong rừng thì thật thú vị. Mỗi lần hành quân thường kéo dài cả tuần lễ hay nửa tháng trong một khu vực trách nhiệm cả gần trăm cây số vuông. Các mục tiêu hoặc được chỉ định, hoặc do đại đội trưởng chọn với sự chấp thuận của Tiểu đoàn. Ngày đi lùng sục, đêm đóng quân phục kích. Coi như những chuyến picnic dài ngày. Có chạm súng thì cũng chỉ mấy tên địa phương, du kích lẻ tẻ. Phương thích những chiều dừng quân trong những khu rừng thưa. Nằm đu đưa trên chiếc võng mắc dưới tàn cây cao. Nhắp ngụm cà phê nóng và thưởng thức âm nhạc từ chiếc radio bỏ túi. Tối, giăng mìn bẫy các điểm nghi ngờ địch di chuyển. Có lúc kiếm được con mễn, con kỳ đà là thầy trò bày bàn chén chú chén anh rất tâm đắc. Người sành ăn bảo rằng thịt kỳ đà là ngon nhất. Nó lại là thứ động vật rất dễ bắt. Thông thường kỳ đà năm đeo trên cành cây, thấy người chúng không hể bỏ chạy trốn. Vì thế, chỉ cần đủ mạnh để nắm đuôi nó kéo xuống. Con trút cũng thế. Đụng vào nó, nó cuốn tròn người lại như trái banh. Thầy thuốc bắc nói vẫy trút nướng cháy, tán thành bột cho các sản phụ uống sẽ tăng nguồn sữa. Thịt rừng thì chỉ có cách nướng trên lửa là ngon tuyệt. Mà giữa hành quân thì cũng chẳng còn cách chế biến nào khác.

Đỗ Văn Phúc

Còn tiếp


[1] Đặt theo tên cố Trung tá Châu Minh Kiến (khoá 19 VBQG), Tiểu đoàn trưởng TĐ 1/8, tử trận năm 1970.

[2] Trung Uý Thủy sau này kế nhiệm Đại Đội Trưởng 15, hy sinh năm 1973 tại Bầu Bàng.

[3] Thẩm quyền là danh xưng dành cho các Đại đội trưởng; trong khi Đại Bàng là danh xưng của Tiểu đoàn trưởng

[4] Trung Úy Quốc đã hy sinh tại Lộc Ninh cuối năm 1971 khi đó là Trưởng ban 3 Trung Đoàn 8 BB
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn