BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73244)
(Xem: 62215)
(Xem: 39401)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

DCVOnline phỏng vấn: Về một lá Thư ngỏ của blogger Mẹ Nấm

14 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 917)
DCVOnline phỏng vấn: Về một lá Thư ngỏ của blogger Mẹ Nấm
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
 



DCVOnline:

Đến nay đã hơn một năm kể từ ngày anh Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày mãn hạn tù nhưng vẫn tiếp tục bị công an Việt Nam giam giữ trái phép.

Hơn một năm qua không một ai từ người thân, luật sư đến bạn bè được thăm gặp anh Nguyễn Văn Hải. Và do đó đã có những thông tin “khó kiểm chứng” nhưng rất đáng quan ngại về tình hình sức khỏe cũng như an toàn bản thân của blogger này.

Hôm 21/10/2011, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm đã loan tải một Thư ngỏ gửi chủ tịch nhà nước CH XHCN Việt Nam Trương Tấn Sang có nội dung chỉ trích vấn đề bắt giam trái phép ông Nguyễn Văn Hải và đề nghị trả tự do ngay lập tức cho ông Hải.

Lá Thư ngỏ này đến nay đã nhận được nhiều chữ ký ủng hộ của người Việt trong và ngoài nước. Thư ngỏ và các chữ ký đã được gửi 2 lần đến văn phòng chủ tịch nước.

Chúng tôi đã trao đổi với blogger Mẹ Nấm những vấn đề xung quanh lá thư ngỏ…

DCVOnline: Sau khi Thư ngỏ gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang được gửi đi đến nay bạn đã thấy có “động tĩnh” gì chưa?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Cho đến nay, chúng tôi, những người đồng ký tên vào lá thư ngỏ gửi Chủ tịch nước chưa nhận được bất kỳ một động thái chính thức nào từ phía người nhận thư.

DCVOnline: Còn một cách không chính thức hay bán chính thức thì phía người nhận đã phát đi những tín hiệu nào?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Có vài lời hỏi thăm và nhắn gửi rằng hình như chúng tôi thừa thời gian thì phải. Nhưng với tôi, những lời nhắn gửi kiểu đó, không được công nhận.

DCVOnline: Lá Thư ngỏ này được xem là của bạn nếu hiểu theo nghĩa nào đó, nhưng 2 lần gửi cho chủ tịch nước đều là những người khác, tại sao?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Tôi là người chấp bút cho lá Thư ngỏ, sau khi bàn bạc và góp ý với nhiều anh em, bạn bè khác. Chúng tôi thống nhất với nhau rằng, đây không phải là lá thư của cá nhân tôi, mà là suy nghĩ và nguyện vọng chung của những bloggers quan tâm đến tình trạng an nguy của blogger Điếu Cày, tức anh Nguyễn Văn Hải. Vì thế, trước khi thời gian thu thập chữ ký kết thúc, chúng tôi sẽ cùng nhau gửi thư theo từng chặng ví dụ như đạt đến mức 100, 200... đến Văn phòng Chủ tịch nước cho ông Trương Tấn Sang.

DCVOnline: Hiện giờ thư ngỏ đã thu được bao nhiêu chữ ký rồi, và tỷ lệ chữ ký trong - ngoài nước như thế nào?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Hiện giờ danh sách cập nhật đã được gần 800 chữ ký, và tỷ lệ người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài nhỉnh hơn số người Việt trong nước một chút, hơn khoảng 80 người

DCVOnline: Khi soạn thảo nội dung thư ngỏ, bạn có trao đổi với người nhà của anh Nguyễn Văn Hải không, và họ có ý kiến như thế nào?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi không có bất kỳ trao đổi nào với người nhà của anh Nguyễn Văn Hải.

DCVOnline: Và bạn cũng chưa nhận được chữ ký nào từ những người nhà của đương sự?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Dạ chính xác là như vậy. Có lẽ, họ không đọc được lá thư của chúng tôi, thực sự khi khởi xướng việc này, chúng tôi muốn thể hiện thái độ của mình đối với các vấn đề bắt giam và giam giữ người một cách tùy tiện trái phép, đặc biệt với trường hợp của anh Nguyễn Văn Hải, một công dân yêu nước. Vì thế, chúng tôi không liên lạc và vận động người thân của anh Hải ủng hộ việc mình làm. Bởi chúng tôi quan niệm, nếu mình làm đúng, mọi người sẽ ủng hộ. chắc chắn là như thế.

DCVOnline: Theo bạn đánh giá thì số lượng người ký tên vào thư ngỏ có ảnh hưởng gì đến người nhận là chủ tịch nước không?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Cá nhân tôi nghĩ thì số lượng người công khai danh tính ký vào lá thư không những có tác động đến người nhận thư mà ít nhất sẽ khiến những người khác phải suy nghĩ và tìm hiểu rằng ông Nguyễn Văn Hải, ông Điếu Cày là ai, mà có nhiều người quan tâm như vậy.

Có người đã nói rằng nếu thư gửi cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang theo dạng thư cá nhân, chỉ cần một mình tôi ký là đủ. Có thể họ đúng ở góc nhìn của họ. Nhưng với tôi, tôi lại nghĩ khác. Nếu chúng ta cùng quan tâm đến một vấn đề chung trong xã hội, sao chúng ta không cùng nhau lên tiếng thúc đẩy nó thay đổi theo hướng tích cực mà ngồi đợi người khác lên tiếng rồi mình mới hưởng ứng? Sức mạnh của tập thể bao giờ cũng có trọng lượng hơn nỗ lực của một cá nhân.

DCVOnline: Nghĩa là bạn tin tưởng rằng nếu số chữ ký đạt được đến một mức nhất định nào đấy thì lá thư ngỏ này sẽ có tác dụng đến sự tự do của anh Nguyễn Văn Hải?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Tôi tin, dù có 1% tôi cũng tin. Bởi tôi biết, khi tôi đã gửi thư ngỏ, tôi sẽ không để thư ngỏ của chúng tôi rơi vào im lặng.

DCVOnline: Vậy cụ thể bạn sẽ làm gì, vì “im lặng” vốn là truyền thống vẫn được ưa chuộng trong cách hành xử của chính quyền hiện tại trong nhiều vụ việc?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: À cái này cho phép chúng tôi được giữ bí mật được không ạ? Nhiều khi nói trước bước không qua, vả lại, đánh cờ không nên nói trước đường đi nước bước của mình.

DCVOnline: Nhưng cũng có dư luận cho rằng cái thư của bạn ko thế gây sức ép khiến ông Trương Tấn Sang thả ông Nguyễn Văn Hải cho dù có bao nhiêu người ký đi nữa...

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Tôi và các bạn tôi xác định ngay từ đầu rằng chúng tôi sẽ không quan tâm đến dư luận bàn ra đối với lá thư ngỏ này. Vì thế, khi ngồi xuống bàn bạc với nhau về nội dung thư ngỏ, chúng tôi nhắc nhở nhau cẩn thận về câu chữ rất nhiều lần.

Tôi rất hạnh phúc khi anh Huỳnh Công Thuận và anh Nguyễn Văn Dũng là hai người đầu tiên gửi thư cho ông Trương Tấn Sang nói rằng dù mọi người có rút lui hết đi nữa, vẫn còn có họ đứng tên với tôi. Chúng tôi sẽ cùng đi đến cùng, cùng chịu trách nhiệm với nhau, bởi chúng tôi không làm gì sai cả, chúng tôi đòi hỏi phải có câu trả lời đối với anh Điếu Cày, tức là chúng tôi đang tự bảo vệ mình trước sự im lặng khó hiểu vốn thường thấy của luật pháp.

Quan điểm của tôi là “đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”, tôi không ngồi im đợi sự thay đổi, chúng tôi cùng hành động để có câu trả lời.

Tôi nghĩ cần phải nói thêm rằng chúng tôi không cố tình gây sức ép cho ông Chủ tịch nước từ lá thư này. Chúng tôi muốn ông ấy biết rằng có nhiều công dân Việt Nam quan tâm đến Nguyễn Văn Hải, và chúng tôi có quyền được biết về điều đó. Ông Trương Tấn Sang dù với cương vị là Chủ tịch nước thì cũng là một công dân Việt Nam. Lúc đầu, đứng trước dư luận rằng việc làm của chúng tôi là vô ích, là ngây thơ, cá nhân tôi có hơi thất vọng và buồn. Nhưng nghĩ kỹ lại, mỗi người đều có quyền lựa chọn thái độ cho mình. Cái mình nhận được sẽ là câu trả lời tốt nhất cho sự lựa chọn của mình. Vì vậy, nếu còn có thể, tôi sẽ không bao giờ để mình phải hối tiếc vì đã chọn thái độ im lặng hoặc thờ ơ.

DCVOnline: Tuy nhiên, đến hôm nay danh sách chữ ký vẫn còn thiếu vắng nhiều người vẫn được xem là “chiến hữu” của bạn trong những hoạt động gần đây, phải chăng là lá Thư ngỏ chưa thuyết phục được họ?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Khi công khai lá thư này, tôi sử dụng blog mình và có trang Dân Làm Báo dẫn lại, chúng tôi không sử dụng bất kỳ hình thức “vận động hành lang” nào để có thêm chữ ký từ những người mà bạn gọi là “chiến hữu” với tôi. Có thể lá thư của tôi chưa thuyết phục nhiều người ở điểm nào đó, nếu mọi người chỉ ra cho tôi thấy, tôi nghĩ tôi sẽ dành thời gian để trao đổi với họ quan điểm và lập luận của mình.

Không ai nói tôi dở (tức là chưa thuyết phục được người khác) đương nhiên là tôi sẽ không biết mình dở chỗ nào. Tôi luôn lắng nghe người khác, với điều kiện họ nói cho tôi biết điều mình nghĩ, chứ nếu họ im lặng thì tôi không đoán được lý do.

DCVOnline: Nhưng đã có nhiều nguồn dư luận khác nhau về lá thư ngỏ, ngay cả từ những người cùng “chiến tuyến”, các bạn có thấy bị áp lực gì hay không?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Cá nhân tôi không thấy mình bị áp lực gì, vì tôi xác định được việc mình làm. Nhưng công bằng mà nói, tôi thấy buồn vì thái độ của nhiều người xung quanh tôi. Như tôi đã nói lúc nãy, mỗi người đều có quyền lựa chọn thái độ cho mình, để từ đó có thể lựa chọn hành động thích hợp cho bản thân.

Đứng trước một hành vi sai trái, bạn có thể phản đối, ủng hộ, im lặng hay đồng tình, đó là sự lựa chọn của bạn. Và chính bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình chứ không phải ai khác. Vì vậy, hãy tôn trọng sự lựa chọn của người khác, đừng vì họ không hành động giống mình mà chê bai, dè bĩu hay bàn ra.

Hãy đặt mình vào trường hợp của Điếu Cày, nếu đáp lại những hy sinh âm thầm của anh ấy là một sự im lặng, hay buông xuôi thì có phải chúng ta đã trở nên quá vô cảm trước những điều đúng đắn cần được nuôi dưỡng trong xã hội này không?

Tôi nghĩ rằng, anh Điếu Cày không cần ai phải nhớ tới những gì anh ấy đã trải qua như một chiến công, mà điều anh ấy cần là thấy một xã hội dân sự phát triển thật sự, là mỗi người hãy trở thành một chiến sỹ thông tin. Sự thay đổi của mỗi cá nhân từ việc Điếu Cày làm, bằng cách lên tiếng, và ủng hộ những điều đúng đắn trong xã hội, có ý nghĩa quan trọng rất nhiều lần so với việc tung hô anh ấy và buông xuôi trước những sai trái oan khiên khác.

DCVOnline: Mà thư ngỏ này nên gọi là thư thỉnh nguyện, thư cầu xin, thư đề nghị hay là gì nhỉ?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Tôi nghĩ lời lẽ trong thư thể hiện thái độ của chúng tôi, những công dân chứ không phải là “con dân” như có những người vẫn viết “nhầm” như thế, và đề nghị chứ không phải “cầu xin” ông chủ tịch nước giải quyết vụ việc như có một số người lầm tưởng.

Đôi khi làm việc, mình phải nghĩ đến mục đích cuối cùng, chứ không xét nét câu chữ để bắt bẻ nhau và bao biện cho sự lựa chọn của mình, tôi nghĩ vậy.

DCVOnline: Bên cạnh cách người ký tên gửi email với đầy đủ thông tin theo yêu cầu, bạn còn có cách thức nào khác để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu thập chữ ký không?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Tôi có đọc phản hồi trên Dân Làm Báo, mọi người cho rằng cách thu thập thông tin qua email là khá khó khăn với nhiều người. Tiếc là tôi không thay đổi cách tiếp nhận thông tin được, bởi nếu lập ra một trang Petition bình thường, tôi sẽ rất khó kiểm soát thông tin và không bảo mật được thông tin cho người ký tên.

Tuy nhiên, nay tôi nghĩ ra thêm một cách mới, tôi sẽ công khai tiếp nhận tin nhắn đăng ký qua điện thoại di động của mình. Có lẽ, cách đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

DCVOnline: À, giống như chiến dịch bình chọn cho Vịnh Hạ Long vừa rồi nhỉ. Nhưng cụ thể người muốn ký tên phải gửi 1 tin nhắn với những thông tin như thế nào đến những số điện thoại nào để chữ ký được xác nhận?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Nội dung tin nhắn như sau : Họ tên - Địa chỉ liên lạc cụ thể - Email (nếu có) và ghi rằng: “Tôi đồng ý ký tên vào thư gửi Chủ tịch nước về việc giam giữ trái phép công dân Nguyễn Văn Hải”

Tin nhắn xin gửi đến số +84905140835 hoặc là số +33680703888

DCVOnline: Hy vọng lá Thư ngỏ này sẽ sẽ đem lại những điều “kỳ diệu” cho anh Nguyễn Văn Hải, cảm ơn bạn đã trao đổi với DCVOnline.

Theo DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn