BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76293)
(Xem: 62992)
(Xem: 40400)
(Xem: 31997)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Requiem- Cầu hồn

14 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 1323)
Requiem- Cầu hồn
51Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.52


Lời người dịch:

Anna Akhmatova là bút danh của Anna Andreevna Gorenko, nữ thi sĩ Nga, người được xem là có ảnh hưởng sâu rộng lên nền thi ca Nga. Bà chào đời năm 1889, tại Odessa, bên bờ Hắc hải, sau đó được giáo dưỡng tại Tsarskoe Selo (dinh thự mùa hè của hoàng gia) gần St. Petersburg, và Kiev.



Bắt đầu sáng tác năm 11 tuổi, Akhmatova lấy khởi hứng thơ từ các thi sĩ nổi tiếng như Racine, Pushkin và Baratynski. Năm 1910, bà kết hôn với nhà thơ Nicolay Gumilyov. Năm 1912, sinh con trai Lev Gumyliov, người sau hai cuộc tù đày, trở thành sử gia nổi tiếng; cùng năm đó, bà ra mắt Evening (Buổi tối), tập thơ đầu; và hai năm sau, xuất bản tập thơ thứ hai, Rosary (Vườn hồng). Bên cạnh chồng là người sáng lập, bà nổi bật trong các nhà thơ Nga theo phong trào Acme (Acmeist movement), chủ trương phục hồi tính trong sáng của thơ, từ khước sự bí nhiệm và văn phong mờ mịt của chủ nghĩa tượng trưng (symbolism).

Tài hoa, xinh đẹp và quí phái, Akhmatova được tôn là Nữ hoàng sông Neva (Queen of the Neva) và Linh hồn của thời đại ngân kim (Soul of the Silver Age), một lối thẩm định có tính lịch sử – so với thời đại hoàng kim; riêng tại Nga, nó được dùng để chỉ hai thập niên văn chương đầu thế kỷ 20. Nhiều văn nhân ấp ủ tình yêu bà, trong đó có cả Boris Pasternak (1890-1960), người từng bị bà từ khước nhiều lần cầu hôn.

Tới năm 1921, Nicolay Gumilyov bị người bôn-sê-vich xử bắn vì “tội phản cách mạng”; tuy hai vợ chồng đã ly dị từ năm 1918, nhưng Akhmatova, vốn bị liệt vào thành phần trưởng giả, vẫn bị qui kết về lý lịch. Từ năm 1925, có lệnh không chính thức của đảng Cộng sản cấm xuất bản tác phẩm của bà vì hai lý do ấy nhưng có lẽ chính vì bà nổi tiếng từ trước Cách mạng Nga với các chủ đề như cái chết, sự nghèo khổ và nỗi sợ hãi chiến tranh.

Trong cuộc Đai khủng bố của Stalin vào thập niên 1930, hầu hết các thi văn hữu đồng trang lứa của Akhmatova kẻ bị bắt kẻ phải lưu vong. Bị cô lập và là đối tượng khai trừ khỏi Hội Nhà văn, bà phải kiếm sống bằng dịch thuật và viết nghị luận. Con trai của bà, Lev Gumilyov bị bắt năm 1937, vào đầu thời khủng bố Yezhov; khi thế chiến bùng nổ, Lev được thả để ra chiến đấu nơi tiền tuyến. Phương Tây chỉ biết Akhmatova còn sống khi thấy thơ của bà xuất hiện trên những trang đầu của báo Pravda vào nửa đầu thập niên năm 1940, với các bài cổ vũ tinh thần yêu nước trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại; thậm chí bà còn viết một số bài ca ngợi Stalin để bảo đảm an toàn cho việc con trai mình được thả ra.

Nhưng rồi tới năm 1946, lại có lệnh cấm tác phẩm của Akhmatova; bà còn bị Andrei Zhdanov (1896-1948), một cận thần của Stalin, phụ trách chính sách văn hóa, mạ lỵ công khai là “nửa gái điếm, nửa nữ tu” (half harlot, half nun). Tới năm 1949, Lev Gumilyov lại bị bắt, đày đi Siberia cho tới sau khi Stalin chết mới được phóng thích, và trở thành sử gia. Mối quan hệ của hai mẹ con tiếp tục căng thẳng cho tới mãn đời. Người chồng thứ ba của bà là nhà thơ và nghiên cứu nghệ thuật Nicolay Punin bị bắt năm 1949 và chết trong một trại lao động ở Siberia năm 1953.

Về phần Akhmatova, nhờ “giai đoạn băng tan” trong thời Krushchev, hầu hết tác phẩm của bà mới được xuất bản, trừ thi phẩm Requiem. Các chủ đề trong thơ Akhmatova đa dạng, bao gồm cả hiện tại lẫn hồi ức, cách riêng số phận của các nữ văn thi sĩ, những khó khăn khi viết và sống trong bóng tối của chủ nghĩa Stalin. Thế rồi, với các tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ, cách riêng Requiem, bà trở thành một trong những thi sĩ Nga nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20.

Năm 1965, Akhmatova được đi Ý và Anh để nhận giải thi ca Taormina, tên một thành phố du lịch nổi tiếng của Sicily, nhận văn bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Oxford, và nhân dịp này, gặp lại những bạn bè cũ từ thời tiền cách mạng. Bà mất năm 1966 tại Leningrad, được an táng ở nghĩa trang Komarovo, và dựng tượng tại St. Petersburg, gần nhà tù Kresty. Sau khi qua đời, Anna Akhmatova càng ngày càng nổi tiếng hơn.

Requiem

Đó là nhan đề tiếng Anh (giữ nguyên gốc La-tin) của thi phẩm Rekviem, có nghĩa là lễ cầu hồn hoặc là nhạc cầu hồn, để nguyện cho linh hồn người quá vãng được siêu thoát. Requiem là một tập hợp gồm 15 bài thơ ngắn viết vào những thời điểm khác nhau, rải rác từ năm 1935 tới 1940, một đoạn văn xuôi viết năm 1957, và bốn câu đưa dẫn viết năm 1961. Thoạt nhìn, đây là một tác phẩm kết hợp giữa sử thi và thơ trữ tình; nhìn gần hơn, Requiem là một ai ca tưởng niệm và than khóc, trong đó khổ đau đã vượt mức giới hạn của nó khiến con người hóa đá tới độ không còn bất cứ cái gì có thể làm y sợ hãi. Với nội dung ấy, Requiem hội đủ cả hai đỉnh điểm đau thương và hùng tráng của một bi kịch.

Trong cuộc đại khủng bố của Stalin, có một số lượng nạn nhân đông gấp bội nam giới. Họ bao gồm những người mẹ, người vợ, người tình và các nữ thân nhân. Cuộc hành quyết người chồng cũ và tình cảnh tù ngục của con trai đẩy Akhmatova vào xếp chung hàng với những người nữ khốn khổ ấy. Qua con mắt một người mẹ chứng kiến cảnh con trai bị bắt đi mất – theo lối diễn tả của Solzhenitsyn trong Quần đảo Gulag là “thình lình bị đẩy xuống rồi trôi tuốt tuồn tuột trong ống cống đen ngòm” – và kế đó, bà mỏi mòn suốt 17 tháng trời thống khổ, đứng xếp hàng ngóng cổ và bất lực ngó bức vách của nhà tù Kresty, ngay giữa Leningrad, với hi vọng được thăm nuôi hoặc gặp mặt, hay dù chỉ một lời nhắn hoặc thoáng thấy bóng dáng của người thân trước khi y không thể tránh bản án lên đài xử giảo hay đi đày Siberia.

Để có thể diễn tả tận cùng các cảm xúc, Akhmatova hóa thân vào nhiều vai. Khi ngôi thứ nhất, khi ngôi thứ hai hay thứ ba. Khi nói với con trai, nói với những người tình cờ đồng cảnh ngộ và khi nói với chính mình, thậm chí nói với thần chết và với người chưa sống. Nhân vật trung tâm của Requiem lầm lủi bước khập khểnh lên các bậc thang khổ ải khác nhau. Từ đau đớn câm lặng tới dần dà mất niềm tin. Từ giọt nước mắt khô tới lệ trào đẫm má. Từ dùng lý trí kềm chế tới nức nở kêu gào. Và quyết tâm sắt thép khi khổ nạn đã vượt ra ngoài trí tưởng của bản thân và dân tộc. Sau cùng, những nốt nhạc và lời ca chất ngất của Requiem lắng xuống với âm thanh xa đưa của chim câu và hình ảnh cánh buồm êm ái xuôi dòng trường giang, như một lời chúc an tĩnh để lại cuả linh hồn vừa được siêu thoát.

Từ cảm xúc hiện thực lên tới bí nhiệm tôn giáo, từ nhà tù bôn-sê-vich lên tới hoạt cảnh Núi Sọ trong Phúc âm Kitô giáo, Akhmatova góp phần xác nhận rằng về mặt tâm linh, đức tin tôn giáo là nơi an trụ và nguồn dũng khí cho con tim khi phải đương cự cái ác. Requiem trở thành tiếng nói của quần chúng bị đọa đày khi tác giả của nó phổ quát hóa nỗi đau riêng tư cùng sự mất mát bằng hữu, những trí thức văn nhân đồng trang lứa bị hành quyết, khổ sai hay phải lưu vong, tới cả một dân tộc lâm nạn trong máu và nước mắt. Qua thơ, bà thăm dò vai trò của thi sĩ như người làm chứng cho sự thật và thơ như một ngôn ngữ của thương khó và cứu rỗi, vũ khí của đề kháng và kết đoàn. Từ đầu tới cuối Requiem thấm thía cả ý lẫn lời vinh danh tình thương và tưởng niệm, như một sức mạnh vượt lên trên cái ác và tạo sức lực cho một tình thế bất lực.

Có lẽ nhờ soi chiếu được “nước Nga vô tội” và chất ngất tình tự, dồi dào thi tính nên Requiem được bí mật bảo lưu suốt mấy chục năm giữa Akhmatova và vài người bạn can trường, tín cẩn, vì chưa biết điều khủng khiếp nào sẽ xảy tới cho người truyền tụng các tác phẩm văn học đang bị một nhà nước sắt máu tìm cách hủy diệt, nhất là đối với loại thơ như Requiem. Lối sáng tác bằng các đoạn ngắn truyền khẩu theo kiểu Requiem cũng tiêu biểu cho cách thức được người dân Nga dùng để hiệp thông, nâng đỡ và hỗ trợ nhau trong những năm sống dưới chế độ Stalin. Nhờ thế, trong bí mật, chữ nghĩa được bọc rất kín, chẳng để lại dấu vết nào để guồng máy toàn trị có thể dùng làm nguyên cớ trấn áp khi trắng trợn man rợ khi độc hiểm khôn lường.

Năm 1963, Requiem được xuất bản bởi Hiệp hội Nhà văn Lưu vong Nga (Society of Russian Emigré Writers) từ một bản lọt được qua phương Tây. Nhưng mãi tới 24 năm sau, năm 1987, nó mới được xuất bản đầy đủ tại Nga. Bản dịch dưới đây được làm thành qua đối chiếu và phối hợp từ bốn bản dịch tiếng Anh khác nhau (xem phần Nguồn). Trong khi chờ ngày có được một bản dịch Requiem từ nguyên văn tiếng Nga, chúng tôi xin bạn đọc hãy vui lòng xem đây như một bản tạm dịch.

REQUIEM

Anna Akhmatova

Không dưới các vòm trời nước khác đỡ che,

Và không dưới cánh chim xứ lạ cứu chở,

Ở đây dân tộc tôi bị bỏ rơi,

Và tôi chung chia mọi điều bất hạnh

1961

THAY LỜI MỞ ĐẦU

Trong những năm kinh hoàng thời khủng bố Yezhov[1], tôi trải qua mười bảy tháng xếp hàng bên ngoài nhà tù Leningrad[2]. Ngày nọ, có người “nhận ra” tôi. Một phụ nữ môi tím ngắt, đứng chung hàng ngay sau lưng tôi, và dĩ nhiên suốt đời mình, bà không bao giờ nghe nói tới tên tôi. Chợt như choàng tỉnh khỏi cơn lờ đờ, một trạng thái mất cảm giác chung của chúng tôi lúc ở đó – bà kề miệng sát tai tôi và thì thầm – như mọi người đều thì thầm lúc ở đó:

- Bà có thể tả lại việc này không?

Và tôi trả lời:

- Vâng, tôi có thể.

Ngay lúc đó, tựa như có một nụ cười lướt qua cái từng có lần là khuôn mặt của bà ấy.

1 tháng Tư 1957 Leningrad

LỜI ĐỀ TẶNG

Núi cúi đầu trước thống khổ này,

Sông lớn ngưng chảy.

Nhưng các cửa nhà giam vẫn im lìm chốt cứng,

Và đằng sau chúng, những “cái hang của người tù”

Thấp và tối, đầy bi thảm chết chóc.

Có ai đó vẫn cảm thấy ráng chiều thắm đỏ,

Có ai đó vẫn có thể nhận ra

Ngày với đêm, và ngọn gió hiu hiụ thổi cho ai.

Còn ở đây chúng tôi chỉ biết

Nơi nào cũng giống nơi này, chúng tôi chỉ nghe

Tiếng chìa khóa leng keng đáng ghét

Với bước chân nặng nề của các lính canh.

Thức dậy rất sớm như đi lễ nhà thờ,

Lê bước qua thủ đô hoang vu,

Để làm thành đám người chết dở.

Mặt trời thấp hơn mọi ngày, và dòng Neva mù sương hơn,

Còn hi vọng vẫn hát mãi ở chốn xa xôi.

Phán quyết đọc. Lập tức cơn lụt nước mắt,

Và rồi bốn bề hiu hắt.

Như thể trái tim bà đang đập bị rứt ra đau xé ruột, và vứt đi

Hoặc đẩy cho bà nằm sấp mặt trên con đường lát đá,

Nhưng bà vẫn gắng gượng bước đi, loạng choạng, một mình

Ở đâu hỡi những người bạn tình cờ của tôi,

Những tù nhân của hai năm hiểm ác,

Phép lạ nào các người thấy trong trong những cơn bão tuyết Siberia?

Ảo giác nào lung linh quanh vầng trăng?

Tôi đang gởi tới từng người lời chào vĩnh biệt. [3]

LỜI MỞ ĐẦU

Những năm tháng đó chỉ có kẻ chết mỉm cười

Mừng được an nghỉ,

Leningrad như khúc ruột thừa vô dụng

Đong đưa giữa các nhà tù.

Cũng là thời các sân ga

Thành nơi nương náu của những người mất trí,

Xếp thành đội hình, đi dọc theo

Các đầu máy xe lửa rúc lên lanh lãnh

Bài ca vĩnh biệt cụt ngủn.

Các ngôi sao chết treo trên đầu chúng tôi,

Treo trên đầu nước Nga vô tội

Oằn mình dưới những đôi ủng nhuốm máu,

Và dưới bánh của đoàn xe tang đen[4].

1

Họ đến bắt con đi trong mù sương rạng sáng,

Mẹ lê theo sau, như đưa tang đứa con chết lúc lọt lòng.

Trong căn nhà tối tăm, lũ trẻ khóc

Ngọn nến leo lét, chiếu lên khung hình Đức mẹ Sầu bi…

Màu giá băng của tượng thánh, trên môi con,

Mồ hôi lạnh chết chóc, trên lông mày con… Không thể nào quên!

Mẹ sẽ rón rén đi tới bức tường than khóc của chúng ta,

Và bò lết tới mấy ngọn tháp Kremlin[5]. [6]

2

Êm đềm chảy sông Don êm đềm,

Ánh sáng vàng lọt vào túp lều,

Trăng lưỡi liềm nghiêng mũ lệch,

Thấy qua cửa sổ chiếc bóng liệt giường,

Người đàn bà ốm đau quạnh quẽ.

Người đàn bà sóng soải trơ vơ.

Con đi tù, chồng về đất.

Ôi, hãy cầu nguyện cho tôi!

3

Không, không phải tôi, ai đó khác đang khổ đau.

Những gì đã xảy ra, tôi không còn chịu nổi.

Hãy trùm kín chúng bằng tấm vải liệm đen,

Và hãy lấy đi những chiếc đèn lồng.

Đêm. [7]

4

Nên cho mầy thấy, hỡi nàng tôn nữ một thời hay chọc ghẹo

Hết thảy bạn hữu của mầy, hỡi con vật cưng chiều,

Đứa tội lỗi hồn nhiên của biệt điện Tsarskoye Selo[8].

Nếu chỉ một mình mầy có thể thấy trước,

Những gì cuộc đời sẽ làm cho mầy,

Rằng mầy sẽ đứng, bọc đồ trên tay,

Bên dưới khu Thánh giá[9], xếp hàng với ba trăm người.

Những giọt nước mắt nóng hổi và cay đắng của mầy,

Đang nung chảy băng giá Tân Niên.

Đằng kia, cây bạch dương của nhà tù đưa qua đưa lại

Không một tiếng kêu – và lúc này, đằng kia bao nhiêu

Người vô tội đang đánh mất cuộc đời. [10]

5

Suốt mười bảy tháng dài mẹ kêu khóc

Mẹ gọi con về nhà

Mẹ ném mình dưới chân các đao phủ, không chỉ một lần,

Vì con, con trai của mẹ, nỗi kinh hoàng của mẹ!

Mọi sự đã trở nên mãi mãi mù mờ,

Mẹ không còn phân biệt nổi

Ai thú vật, ai con người,

Và bao giờ tới lúc xử giảo.

Lúc này, chỉ còn các bông hoa đầy bụi,

Cùng tiếng loảng xoảng của lư hương vọng lại từ xa,

Không ở hẳn một nơi nào trên mặt nước đá

Có ngôi sao thật lớn

Đang nhìn thẳng mắt mẹ,

Và hăm dọa mẹ với cái chết lơ lửng. [11]

6

Ngoài này, những tuần lễ sáng trời đang vụt qua nhanh.

Mẹ sẽ không biết điều gì xảy tới

Trong nhà tù bằng đá, con trai yêu của mẹ,

Những đêm trắng canh chừng con như thế nào,

Và chúng chằm chặp nhìn ra sao

Bằng con mắt chim ưng đỏ ửng,

Xuống cây thánh giá con treo trên cao

Và cái chết đang chầm chậm tới. [12]

7

Tuyên án

Rồi lời ấy như đá

Rớt xuống lồng ngực vẫn phập phồng của mẹ.

Đừng lo nghe con, mẹ đã sẵn sàng,

Mẹ sẽ hết mình xoay xở.

Hôm nay, cám ơn Chúa, có nhiều việc phải làm

Mẹ cần giết sạch ký ức,

Bắt linh hồn hóa thành tảng đá,

Bắt da thịt sống thêm lần nữa.

Giá như không có… Tiếng xào xạc của mùa hè nóng bức

Như lễ hội đang bên ngoài cửa sổ.

Mẹ linh cảm từ lâu điều này,

Một ngày quang đãng và ngôi nhà bỏ hoang. [13]

8

Nói với Thần chết

Trước sau gì ngươi cũng đến – tại sao không ngay lúc này?

Ta đang chờ ngươi – Ta không còn chịu nổi,

Ta đã thổi tắt đèn và mở toang cửa

Cho ngươi, rất đơn giản và rất tuyệt vời.

Hãy khoác lấy bất cứ hình thức nào ngươi muốn.

Hãy nổ bùng như quả bom hơi ngạt,

Hay bò vào như kẻ cướp lão luyện với quả đấm sắt,

Hay đầu độc ta bằng cơn sốt thương hàn,

Hay với truyện thần tiên do ngươi bày đặt,

(Ai cũng nghe quen tới độ buồn nôn) trong đó cuối cùng

Ta có thể thấy đằng sau ngươi trên ngưỡng cửa

Những chiếc mũ công an xanh nhạt,

Và vẻ mặt trắng bệch hớt hải của người gác chúng cư.

Cách nào cũng được, ta không màng nữa. Sông Yenisei

Đang cuồn cuộn chảy. Sao Bắc đẩu đang nhấp nhánh.

Và ánh chớp xanh của những con mắt ta rất yêu dấu

Đang khép lại trong cơn hãi hùng tối hậu. [14]

9

Cơn điên dại đã dang cánh

Phủ bóng lên nửa trái tim tôi.

Cho tôi rượu nồng để uống,

Và kéo tôi xuống thung lũng tối đen.

Đó cũng là lúc tôi nhận ra,

Trong khi lắng nghe cơn mê sảng xa lạ của mình,

Rằng tôi phải trao chiến thắng

Cho nó.

Và nó không cho phép tôi mang theo

Một chút gì của tôi.

(Cho dẫu tôi năn nỉ cách nào đi nữa,

Cho dẫu tôi van nài bao nhiêu đi nữa).

Không đôi mắt kinh hãi của con trai tôi

Đang khổ đau hóa đá.

Không cái ngày khủng khiếp ấy,

Không cái giờ tôi thăm nuôi nó nơi nhà tù.

Không cái mát lạnh dịu dàng của bàn tay nó,

Không chiếc bóng run rẩy của mấy cành dương[15] ,

Không âm thanh đưa lại từ xa

Của những lời an ủi sau cùng. [16]

10

Hành hình

“Mẹ ơi, đừng khóc cho con,

kẻ ở trong mồ”.

I

Ca đoàn thiên thần hát tụng ca trong giờ trọng đại ấy,

Và các tầng trời chảy ra thành lửa.

Ngài nói với Chúa Cha: “Sao Cha bỏ con…”

Nhưng với Mẹ ngài: “Đừng khóc cho con…”

II

Maria Magdalene đấm ngực sụt sùi,

Người môn đệ yêu quí[17] biến thành đá.

Nhưng không ai dám – dù khoảnh khắc thôi

Liếc về phía Mẹ[18] đang một mình đứng im. [19]

LỜI KẾT

I

Lập tức mẹ biết các bộ mặt rạn ra như thế nào

Như thế nào cơn kinh hoàng toát lên từ dưới mi mắt

Như thế nào khổ đau tạo thành những trang bản thảo

Bằng chữ hình nêm khắc sâu trên gò má nhợt nhạt.

Như thế nào mái tóc đen hay màu hung hoa râm

Bỗng chốc bạc trắng,

Nụ cười mờ dần trên đôi môi quị lụy,

Và những run rẩy sợ hãi trong tiếng cười khô.

Và mẹ đâu cầu nguyện cho riêng mình mẹ,

Còn cho hết thảy những ai đứng bên ngoài nhà tù,

Trong lạnh buốt hay chói chang mùa hạ,

Bên mẹ, dưới bức tường đỏ mù lòa.

II

Thêm lần nữa giờ tưởng niệm tới gần

Tôi thấy, tôi nghe, tôi cảm giác các bạn

Tất cả các bạn: kẻ què liệt phải có người dìu dắt,

Rất đau đớn, cho tới lúc xong hàng; kẻ ngất ngư;

Và cô gái ấy, kẻ lắc lắc chiếc đầu xinh đẹp,

Và nói: “Tôi tới đây như thể nó là nhà.”

Tôi muốn gọi hết thảy bằng tên từng người,

Nhưng danh sách đã bị lấy đi và không biết tìm nó ở đâu.

Tôi đã dệt cho họ chiếc khăn choàng vĩ đại,

Từ những lời khúm núm tôi từng nghe lỏm.

Tôi vẫn nhớ chúng, không sót một tiếng, bao lâu còn sống,

Dù khủng khiếp mới hay khổ nạn mới, tôi chẳng hề quên.

Cho dẫu người ta bịt kín cửa miệng kiệt sức của tôi,

Nơi qua đó cả trăm triệu người gào thét;

Tôi mong biết mấy khi tôi lìa đời,

Họ sẽ nhớ tới tôi trong ngày lễ giỗ.

Và nếu ngày nào đó trên đất nước này,

Có người nào đó quyết định dựng tượng đài cho tôi.

Tôi bằng lòng vinh dự ấy,

Với một điều kiện – rằng nó sẽ đứng

Không ở bên bờ biển, nơi tôi chào đời,

Mối dây sau cùng của tôi với biển ấy đã đứt.

Không ở trong vườn hoàng gia gần lùm thông reo,

Nơi chiếc bóng tuổi trẻ khôn nguôi đang tìm kiếm tôi.

Nhưng ngay chỗ này, nơi tôi đã đứng suốt ba trăm giờ,

Và là nơi người ta không bao giờ mở chốt cửa cho tôi.

Hãy nghe đây, cả trong cái chết sung sướng tôi vẫn còn sợ

Rằng tôi sẽ quên đoàn xe tang đen.

Quên như thế nào cánh cửa ghê tởm đóng sập lại

Và một bà lão hú lên như con thú bị thương.

Và có thể dòng tuyết đang tan như những giọt nước mắt,

Từ hàng mi bất động bằng đồng của tôi.

Và chim bồ câu nhà tù gù lên ở một chốn xa

Và những con thuyền thuận buồm xuôi dòng Neva. [20]

 Nguyễn Ước dịch

Theo Đàn Chim Việt






Chú thích

[1] Khủng bố Yezhov. Cuộc đàn áp tập thể tại Liên bang Sô viết, đặc biệt trong hai năm 1938-39, cao điểm của Đại khủng bố thời Stalin (The Great Terror) khởi sự từ đầu thập niên 1930. Cuộc này được tiến hành bởi Nicolai Yezhov (1895-1939?), ủy viên nội vụ của Stalin (đứng đầu cơ quan NKVD). Chỉ riêng tại Ukraine, có tới 162.000 đảng viên Bôn-sê-vich, chiếm 35% tổng số, biến mất; khoảng 98% ủy viên trung ương và 80% ủy viên khu vực bị bắt. Các thành viên hàn lâm viện như Mykhailo Kravchuk và Yeven Oppokiv bị tống vào trại lao động. Các nhà văn như Ivan Mykytenko, Ivan Kulyk, Borys Kovalenko, Ivan Kyrylenko, và Mykola Filiansky biến mất không một dấu vết.




[2] Nay là nhà tù Kresty.




[3] Akhmatova ghi: Tháng Ba 1940




[4] Bản tiếng Anh: Black Marias (Đoàn xe ngựa đen trong đám ma).




[5] Hai câu cuối của đoạn này lấy từ bản của D.M. Thomas; ba bản dịch khác (xem phần Nguồn), đều đại thể giống nhau: “Mẹ sẽ giống như vợ của những người Streltsy bị giết, Than vãn không nguôi dưới các ngọn tháp Kremlin”. Đội thị vệ Streltsy đứng lên nổi loạn chống lại Pyotr Alexeyevich Romanov (Peter I Đại đế) năm 1698. Hầu hết bị hành quyết hoặc lưu đày.




[6] 1935, Mùa thu, Moscow




[7] 1940




[8] Dinh thự của hoàng gia vào mùa hè, cách trung tâm St. Petersburg 26 cây số, nơi giới quí tộc thường lui tới, (nay là thị trấn Pushkin), nơi Akhmatova sống thời thơ ấu, và là nơi bà gặp người chồng thứ nhất, Nicolay Gumilyov.




[9] Các bản tiếng Anh: The Crosses. Quần thể của nhà tù Kresty tại trung tâm Leningrad, nay lấy lại tên cũ là Petersburg, gần nhà ga Finland, được gọi là khu Thánh giá vì nó có hình hai tòa nhà chéo nhau. Nhà tù này gồm 960 xà lim, thiết kế nguyên thủy là để giam 1.150 người tù.




[10] 1938




[11] 1939




[12] 1939, Mùa xuân




[13] 22 tháng Sáu, 1939, mùa Hè. Fontannyi Dom (ngôi nhà Akhmatova sống ở Leningrad).




[14] 17 tháng Tám, 1939




[15] Cả bốn bản tiếng Anh: Limetrees hoặc lindens, cây đoạn. Tôi dùng “cành dương” cho có thi tính và gần gủi với người Việt.




[16] 4 tháng Năm, 1940, Fontannyi Dom




[17] Tông đồ Gio-an, người được Đức Giê-su yêu quí nhất trong 12 Tông đồ và trối lời phó thác mẹ của ngài.




[18] Đức bà Maria.




[19] 1940 Fontannyi Dom




[20] Tháng Ba 1940, Fontannyi Dom

Nguồn:

1. Anna Akhmatova, Selected Poems , D.M. Thomas dịch, Nxb Penguin Books, New York, HK, 1976, bài Requiem, tt.87-96;

2. Requiem, Yevgeny Bonver dịch, www.poetryloverspage.com/yevgeny;

3. Requiem, Sasha Soldatow Mayakovsky dịch,

www. Eliteskills.com/analysis_poetry/Requiem_by_Anna_Akhmatova_analysis.php-;

4. Requiem, Judith Hemschemeyer dịch, www.bezumive.com/requiem.htm;

5. en.wikipedia.org/wiki/ Anna_Akhmatova;

6. Và một số trang web có liên quan tới Anna Akhmatova.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn