Trong bất kỳ một xã hội nào, một khi điều gì đó trở thành nhu cầu cần thiết hoặc bức xúc của người dân, thì họ luôn có cách để qua mặt nhà cầm quyền. Ngay cả trong những chế độ hà khắc nhất do các bạo chúa nắm giữ, người ta vẫn có thể gắn kết với nhau bằng những hội kín do người dân tự lập ra. Theo nghĩa thông thường, hội kín là những hội đoàn không đăng ký hoạt động với chế độ cầm quyền, không công khai danh tính các thành viên. Họ làm như vậy không phải vì những mục đích xấu, mà đơn giản là vì những lý do an toàn cá nhân hoặc những lý do tế nhị khác. Hội kín có điểm mạnh là tính kỷ luật rất cao và có tính chất khép kín. Một số hội kín trên thế giới đã được biết đến như là những tổ chức dân sự ngầm, có ảnh hưởng lớn đến đời sống bề nổi của xã hội.
Một số hội kín lừng danh trên thế giới đã được ghi nhận như Hội Tam Hoàng xuất phát từ Hồng Kông và lan ra khắp thế giới. Nhưng sau hội này bị coi là một tổ chức tội phạm hình sự. Những hội như Hội Tam Điểm, hội Những Đứa Con Của Tự Do, hội Khai Sáng, hội Anh Em vv.., đều là những hội kín nổi tiếng. Ít ai biết được rằng, một số nhân vật nổi tiếng, thậm chí có tầm ảnh hưởng đến toàn cục của thế giới như gia đình George W. Bush cựu tổng thống Hoa Kỳ, Berlusconi thủ tướng Ý, và ngay cả ông Barack Obama tổng thống Hoa Kỳ hiện nay, cũng được cho là thành viên của những hội kín lành mạnh.
Thoạt nghe người ta dễ mất cảm tình với các hội kín. Họ không biết rằng, ngay cả đối với Hội Tam Hoàng, thế kỷ 17 được thành lập từ Thiếu Lâm, cũng mang mục đích cao đẹp là phản kháng triều đình phong kiến Nhà Thanh áp bức nhân dân Trung Quốc. Những cái gì kín đáo hoặc nửa kín nửa hở vốn dễ gây nghi ngại cho một số người, các hội kín rất hay bị hiểu nhầm vì lý do là như vậy. Trên thực tế hội kín thường là các tổ chức có thiên hướng chính trị, duy tâm, võ thuật, hay những chuyện tâm linh huyền bí khác...
Ở Việt Nam hiện nay đã có những hội kín tại Phú Thọ, Hà Tây, Bình Định, Hải Phòng. Nhưng các hội kín này được lập ra chủ yếu là để học võ thuật bí truyền, Thần Quyền. Tại Phú Thọ, Gia Lai và một số tỉnh thành đang nổi lên một hội võ thuật ăn chay định kỳ, chiến đấu bằng ý chí, đó là Môn. Môn không chủ trương đào tạo hội viên trở thành chiến binh thép, nhưng có ý chí chiến đấu thép. Hội này cũng chủ trương không cho hội viên thi đấu trên võ đài, không được phép gây sự đánh nhau với người ngoài xã hội. Họ chỉ có quyền tự vệ khi bị tấn công trước hoặc bị thách đấu. Đặc điểm dễ nhận ra nhất, đó là các hội viên đều có xăm một điểm xanh ngay giữa Nhân Trung khuôn mặt mình. Điểm này rất nhỏ, bình thường không ai nhận ra. Vết xăm này để các hội viên chưa biết mặt, có thể nhận ra nhau ngoài xã hội.
Như vậy đứng trước sự kiềm tỏa của chế độ chính trị Cộng Sản Độc Tài ở Việt Nam hiện nay, để tránh bị đàn áp, những người yêu nước yêu dân chủ nên lập ra thật nhiều các hội kín. Những hội này sẽ truyền bá tư tưởng dân chủ, bổ xung kiến thức công dân cho các thành viên, tìm hiểu pháp luật, thảo luận văn thơ, tập thể thao, học võ thuật, trao đổi kiến thức sản xuất nông nghiệp, trồng rừng vv... Nhưng họ phải tuân thủ tiêu chí hành động là tạm dừng ở đó, đừng vội công khai phản đối chính quyền. Khi có lực lượng đáng kể và có thời cơ, họ mới nhất tề đứng lên cất tiếng nói phản kháng. Để tránh tẻ nhạt vì sự khô khan, những người đứng đầu cần có phương pháp sinh hoạt nào đó sao cho hợp lý. Nhưng một điều quan trọng là họ cần tạo ra một ngân khoản (quyên góp hoặc xin hỗ trợ) để duy trì hoạt động. Nếu không có nguồn tài chính thì không một hội kín nào có thể tồn tại lâu dài…
Một thực tế đang là mối quan ngại của không ít nhà nghiên cứu đấu tranh chính trị là: Hiện nay những tổ chức phản kháng công khai tại Việt Nam đang bị tiêu hao nhiều về lực lượng, và vô cùng lỏng lẻo (nếu không muốn nói là rời rạc) về tổ chức. Số thì thị bắt, bị cầm tù, số thì chạy trốn ra nước ngoài, số thì cứ dần im tiếng. Một vài nhân vật đấu tranh nổi tiếng trước đây, nay lùi vào ở ẩn hoặc bị công an cô lập thành những ốc đảo, họ gần như hoàn toàn bị biệt lập với những người có chung quan điểm chính trị khác.
Muốn có cách mạng phải có tổ chức, có chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới. Đây cũng là điều mà chế độ Cộng Sản rất lo sợ, vì vậy họ rất nặng tay với các tổ chức, nhưng lại để cho một vài cá nhân đang bị cô lập tại nhà cứ tha hồ lên các đài phát thanh và các diễn đàn mạng Internet chửi bới chế độ thả giàn. Chế độ Cộng Sản đang tương kế tựu kế, dùng chính những nhân vật đang công khai chửi bới chế độ kia, như những lớp son đánh bóng cho chế độ. Họ sẽ nói với quốc tế rằng: “Ở Việt Nam vẫn có tự do ngôn luận, tự do phát biểu bày tỏ chính kiến. Còn những kẻ phạm tội hình sự khủng bố hoặc âm mưu lật đổ chính quyền thì chúng tôi mới ra tay trừng trị”…
Nếu thực trạng trên cứ tiếp tục diễn ra thì có thể nhận định: Hàng trăm năm nữa đất nước Việt Nam cũng có thể chưa có dân chủ. Mọi sự thay đổi nào đó của chế độ chỉ là nhằm đối phó với tình hình. Hoặc họ chỉ nhả ra chút nào quyền hạn của nhân dân theo cách nhỏ giọt, nhằm câu giờ mà thôi. Vậy tại sao những người yêu dân chủ tại Việt Nam không biết cách gắn kết lại với nhau bằng các hội kín để tạo ra một xã hội dân sự ngầm cho mình? Một thể chế dân chủ tiến bộ chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng của xã hội dân sự đúng nghĩa. Một khi chưa có xã hôi dân sự đủ mạnh thì đồng nghĩa với việc chưa có một thể chế dân chủ. Lập ra các hội kín để sinh hoạt chính trị, sinh hoạt văn hóa, trau dồi kiến thức xã hội, có lẽ là giải pháp thích hợp nhất lúc này…
Lê Nguyên Hồng
10-11-2011
Theo Công Dân
Gửi ý kiến của bạn