BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76294)
(Xem: 62993)
(Xem: 40401)
(Xem: 31997)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nỗi bất mãn thánh thiện

11 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 873)
Nỗi bất mãn thánh thiện
52Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
43
Tôi xin phép được mời quý vị cùng đọc lại một áng văn thấm đẫm nhân văn sau đây của một nhà toán học:

Nhớ về một người thầy thanh cao mà bình dị




Đầu năm 1953, tôi vào học phổ thông cấp 3 của trường Phan Đình Phùng, tỉnh Hà Tĩnh. Năm học này, trường đã dời địa điểm về xã Ngu Lâm ở phía nam huyên Đức Thọ. Là một học sinh nhà quê từ vùng nông thôn Can Lộc lên học “Trường tỉnh” ở huyên Đức Thọ vào thời đó đối với tôi là một sự kiện lớn, một niềm vinh dự. Nếu Hà Tĩnh được xem là một tỉnh có truyền thống hiếu học, thì Đức Thọ ( cùng với Hương Sơn) là vùng văn hóa tập trung của tỉnh, với biết bao tấm gương về những con người tài năng mà suốt thời tuổi nhỏ tôi vẫn thường được nghe các bậc cha anh nhắc đến với niềm cảm phục, ngưỡng mộ. Trường Trung học Phan Đình Phùng là trường học lớn nhất tỉnh, nơi có nhiều thầy giáo đã từng dạy học trước Cách mạng tháng Tám, hoặc là các nhà văn, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, do thời cuộc đưa đẩy đã tụ hội về trường cùng làm cái nghề dạy học vốn được xem là thanh bạch và cao quý. Bọn học trò nhỏ mới được vào trường như chúng tôi trong những buổi đầu nhìn lên các thầy với một niềm tôn kính và ngưỡng mộ, nhưng không khỏi có ít nhiều mặc cảm của sự cách biệt.


Thời gian êm ả trôi qua, và tôi quen dần với cuộc sống chật vật nghèo nàn của một học sinh xa nhà ỏ trọ và với những buổi học ban đêm đèn dầu không đủ ánh sáng nhưng đầy hấp dẫn bởi những bài giảng nhiệt tình của các thầy mở ra cho chúng tôi niềm đam mê đến với những miền kiến thức mới mẻ về toán học, văn học, địa lý, lịch sử. Những mặc cảm cách biệt qua đi lúc nào không biết, thầy trò, bè bạn dần trở nên gắn bó thân thiết như trong một gia đình.

Tôi nhớ, vào một chiều mùa thu năm 1953, đang ngồi học một mình trong nhà trọ thi chợt nghe tiếng chó sủa, nhìn ra cổng thấy một ông khách cao lớn đội chiếc mũ lá đi vào. Ngỡ ngàng một chút rồi nhận ra ông khách là thầy Trần Quốc Nghệ, tôi vui mừng và lúng túng mời thầy vào nhà như được đón nhận một vinh dự bất ngờ. Trong mắt tôi và theo những gì mà tôi được biết, thầy Nghệ là một người đa tài, từng trải, một người am hiểu cả Nho học và Tây học, một thầy dạy Văn rất “uyên bác”, còn tôi là học trò binh thường, chưa biểu lộ được một chút đặc sắc gì về môn học của thầy và vẫn nghĩ rằng mình chẳng có gì đáng được thầy để ý. Vậy mà bỗng nhiên được thầy đến chơi. Nhìn quanh trong nhà thấy không có gì đáng đem ra mời thầy, tôi chỉ vào bếp rót bát nước chè xanh đưa lên bàn rồi ngồi nghe thầy nói. Thầy ân cần hỏi thăm về tình hình sinh hoạt, học hành, khuyến khích phải chăm học, đừng để uổng phí tuổi trẻ. Trời bỗng nhiên nhiều mây, rồi lất phất mưa bụi. Tôi mừng vì lưu giữ được thầy ở lại lâu hơn, nhưng thật băn khoăn vì tiếp thầy quá ư đạm bạc. Bỗng thầy nhìn ra ngoài vườn rồi bảo tôi: “Cậu ra hái quả khế chua vào đây”. Trời ơi! Chẳng lẽ tiếp thầy bằng mấy quả khế chua sao? Hái khế xong, tôi đang lúng túng vì không tìm ra được thứ gì có thể ăn với khế (chút đường ngọt cũng không có), thì lại nghe thầy bảo: “Tìm trong nhà có cái bình vôi đưa ra đây”. Tôi tìm được bình vôi (ăn trầu) đưa ra, thầy điềm nhiên cầm chìa vôi quệt một ít vôi trong bình ra đĩa rồi cắt khế ra từng miếng, chấm vào vôi và đưa lên miệng. “Cậu có biết ăn cách này không?” – Thầy hỏi. Tôi xúc động nghẹn ngào “Có ạ”, rồi hai thầy trò cùng ngồi nhấm nháp bữa tiệc “khế chấm vôi” và nghe thầy kể bao nhiêu chuyện thú vị về văn hóa sinh hoạt ẩm thực của quê hương. Cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng kỷ niệm về “bữa tiệc”độc đáo đó vẫn không bao giờ phai mờ trong ký ức tôi, với hình ảnh thân thiết bình dị của thầy và bữa tiệc “khế” như của hai cha con nông dân nghèo trong mái nhà tranh của tuổi thơ quê hương.

Giai đoạn 1953 – 1954 là một giai đoạn nhiều xáo trộn bi thương trên mảnh đất quê hương Nghệ Tĩnh của chúng tôi. Bên cạnh những niềm vui lớn về những chiến thắng của cuộc kháng chiến đang dần đi đến hồi kết, thì những màn đấu tố từ các phong trào “ chống phản động” rồi “giảm tô”, “cải cách ruộng đất” càng ngày càng gay gắt, đưa cả một vùng quê vào cảnh xáo trộn. Thầy giáo và cả các anh chị học sinh lớn tuổi của trường tôi không hiểu vì sao cũng trở thành đối tượng của cuộc đấu tố đó.

Tôi thấy thầy Nghệ vắng mặt ở trường một thời gian. Cho đến một buổi sáng trời mưa phùn vảo khoảng giữa năm 1954, tôi đang đi bộ một mình trên đường từ Lạc Thiện lên thị trấn Đức Thọ thì bổng gặp thầy trong một hoàn cảnh thật trở trêu. Đường xa mỏi mệt, đang lủi thủi một mình thì thấy từ xa đi theo hướng ngược lại một tốp ba người, người đi giữa dáng cao lớn, mang một chiếc tơi lá, hai người đi kèm sau là hai dân quân, một người cầm súng, một người cầm gậy. Đi gần thêm một chút, tôi bổng rụng rời nhân ra người đi giữa là thầy Nghệ kính yêu của mình. Tôi không khóc được. Tôi có cảm tưởng thầy cũng nhìn thấy tôi vì thấy thầy chững lại một bước chân. Rồi tất cả lại tiếp tục đi. Tôi hét lên một tiếng “Thầy ơi!” và nghe tiếng quát lại của anh dân quân “Đi đi” và thế là hết. Tôi nhìn vuốt theo bóng thầy đi cao đạo điềm đạm giữa trời mù sương mãi cho đến khi khuất bóng.

Một năm sau, giữa đường phố Tràng Tiền của Hà Nội sau ngày giải phóng, tôi tình cờ lại gặp được thầy. Tôi đã qua cái thời thơ bé và thầy đã có thể nói chuyện với tôi ít nhiều về thời cuộc, về thế thái nhân tình. Hai thầy trò cùng đi dạo mát một lát, ôn lại những câu chuyện học hành của tôi, còn tôi, vẫn với niềm ngưỡng mộ đối với thầy như xưa, tôi không dám hỏi những chuyện mà tôi e là thầy cũng không muốn trả lời. Đó là vào khoảng thời gian mà báo “Nhân văn” mới bị đình bản, và vụ “Nhân văn, Giai phẩm” đang bắt đầu bị lên án gắt gao, và theo lời đồn đại, thì thầy cũng không phải hoàn toàn bàng quan với những xu hướng đó.

Bẵng đi mấy chục năm, đất nước và quê hương đã đi qua một cuộc chiến tranh khốc liệt, những năm tháng hòa bình nhưng còn đói nghèo vất vả. Cho đến đầu thập niên 1990, tôi mới được gặp thầy. Thầy đã già, nhưng vẫn quắc thước như xưa. Một lần đến thăm thầy, trước khi ra về, bỗng thầy cầm tay tôi và hỏi: “Nghe nói gần đây cậu có một số bài viết được nhiều người quan tâm, lần sau có đến đưa cho mình xem nhé!”. Tôi vâng dạ, nhưng tiếc là chưa tìm lại được những bài mà thầy yêu cầu thì được biết thầy đã về Hà Tĩnh. Và với lần về quê đó thầy đã mãi mãi không ra Hà Nội nữa. Theo lời nhắn của thầy qua bạn Nguyễn Quang Thân, tôi có kịp nói chuyện qua điện thoại với thầy một lần, chúc thầy mạnh khỏe để còn hy vọng gặp lại thầy. Nhưng rồi, thầy đã ra đi. Hôm đến viếng thầy ở nhà cô Lành (Con gái thầy) tôi được xem mấy tấm ảnh về phần mộ của thầy, nơi yên nghỉ của thầy đặt ở lưng chừng núi, nhìn ra một vùng non xanh nước biếc của mây trời Hương Sơn, tôi thầm cầu chúc cho hương hồn của thầy được mãi thanh thản cùng đất trời non nước.

Thầy, một con người thanh cao mà bình dị.
Tháng 8 năm 2004

Tác giả áng văn trên là Phan Đình Diệu.

Ông cùng tuổi Bính Tý với tôi, sinh năm 1936, nhưng là một trong những người con sáng giá của đất quê Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt: Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Huệ Chi …, hậu duệ của Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ …

Giáo sư-tiến sỹ Phan Đình Diệu là chuyên gia trong các lĩnh vực: toán học kiến thiết, lôgíc toán, lý thuyết thuật toán, ôtômat và ngôn ngữ hình thức, lý thuyết mật mã và an toàn thông tin và được ghi nhận là một trong những người có công đầu trong kế hoạch đào tạo và phát triển ngành tin học Việt Nam.

Lần đầu tôi đến tìm ông với mục đích cậy nhờ chiếc máy tính điện tử đầu tiên ở Việt Nam đặt tại cơ quan ông để giải bài toán xác xuất thống kê nhằm tìm kiếm quy luật phân bố cường độ phóng xạ trong mối tương quan với một số loại đất đá trên lãnh thổ Miền Bắc Việt Nam. Chiếc máy chỉ có tính năng tương đương với một chiếc laptop bỏ trong cặp sách bây giờ, nhưng lúc ấy nó chiếm cả một căn phòng. Nó chạy ầm ầm, tỏa hơi nóng vã mồ hôi nên ngoài quạt gió phải có cả một hệ thống làm lạnh gồm những ống dẫn nước to bự. Nó quan trọng đến mức phải có lính gác. Bây giờ người ta nhập số liệu bằng bàn phím, lúc ấy chúng tôi phải dùng phiếu đục lỗ. Phiếu đục lỗ là những mảnh bìa bằng nửa bàn tay. Tôi đã phải lưu giữ mấy hòm phiếu đục lỗ khá lâu, nhưng khi biết là không cần nữa, tôi đã đem đun bếp thay củi được đến ba bốn bữa nấu ăn.

Hơn hai chục năm sau, lần đầu tiên PĐD mới đến nhà tôi. Đấy là những ngày tôi đang bị uy hiếp hết sức ghê gớm: bị đưa ra Phường đấu tố, bị trẻ con ném hàng chục kg gạch đá vào nhà … Hôm ấy vợ tôi mới đi công tác ở Ixrael về, còn ông, vừa tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Không biết do tác động của chuyện vợ tôi kể về cảnh khám xét ngặt nghèo và cảnh lính tráng, cảnh sát đầy đường ở Ixrael hay do ông chủ định làm công tác tư tưởng cho tôi khi ông nói như trần tình: “Chúng mình nói thì cứ nói chứ thật ra cùng ngồi họp mới thấy người ta cũng trăn trở lắm với bất công xã hội, với xóa đói giảm nghèo đấy ông ạ”.

Thế là tôi cứ dùng dắng mãi ý định viết đôi dòng tôn vinh ông mặc tôi rất nể phục ông qua giai thoại kể rằng ông đã dám công khai trực diện nói sau đại thắng 30 tháng 4 năm 1975: “Đồng chí Lê Duẩn thật là vĩ đại, nhưng sẽ vĩ đại hơn nếu bây giờ từ chức”. Giai thoại ấy nếu là sự thật thì PĐD đã rất đúng. Trong 1975 nếu Lê Duẩn từ chức thì cách mạng Việt Nam có thể đã không tiếp tục những bước sai lầm còn tệ hại hơn từ những ngày ĐCSVN được thành lập.

Vậy mà, sau đó PĐD cứ mặc nhiên rơi thẻ Đại biểu Quốc hội, rời khỏi chức vụ Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam ….

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa đủ nhiệt tình đặt bút viết.

Bài viết này được thôi thúc chỉ khi tôi tình cờ được đọc áng văn trên.

Hơn một nhà toán học tài danh, Phan Đình Diệu đáng được tôn vinh còn là vì ông đã dám đánh giá lại lịch sử cận hiện đại Việt Nam, dám dấn thân vào công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền Việt Nam ở tốp đầu kể từ sau 1975: Dương Thu Hương, Hà Sỹ Phu, Bùi Minh Quốc …

Được mời phát biểu trong chương trình KX.10 về “ Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ”, trong thư đề ngày 18/8/2004 gửi lãnh đạo ông đã thẳng thắn trình bày:

Về phát triển kinh tế, sự níu kéo giữa hai xu hướng – xu hướng hoàn thiện dần cơ chế thị trường theo thông lệ quốc tế để hội nhập và xu hướng bảo vệ cái gọi là “ định hướng xã hội chủ nghĩa ” – đang tiếp tục gây những cản trở và khó khăn cho việc phát triển và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, làm cho nền kinh tế của ta tuy đã có nhiều nét khởi sắc, nhưng vốn còn non yếu, sẽ càng dễ bị sụt giảm về chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, như kết quả của một cuộc điều tra quốc tế vừa qua đã chứng tỏ. Việc nền kinh tế nước ta chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường cũng tiếp tục gây trở ngại cho sự phát triển và hội nhập.

Về đời sống chính trị – xã hội, các quyền tự do dân chủ cơ bản của người dân vẫn chỉ được “tôn trọng” trên văn bản giấy tờ, chứ chưa được tôn trọng trên thực tế, quyền tự do ứng cử và bầu cử được thực hiện một cách hình thức, những điều này trong xã hội người dân không phải là không biết, chỉ có điều là do sợ mà chưa dám nói ra đó thôi. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nước ta được xếp hạng gần chót bảng trên thế giới về tự do báo chí (61/68), và cũng ở loại kém về minh bạch (102/146), (tức tham nhũng nặng), theo kết quả điều tra của tổ chức Nhà báo không biên giới và tổ chức Minh bạch quốc tế, tôi nghĩ ta cũng cần chú ý đến những đánh giá đó để mà suy ngẫm nghiêm túc về chất lượng nền dân chủ của chúng ta. Ai cũng biết sự yếu kém về dân chủ đó là hệ quả tất yếu của chế độ một đảng độc quyền lãnh đạo (toàn diện và tuyệt đối) với sự thống trị chính thức của một ý thức hệ tư tưởng (chủ nghĩa Mác-Lênin). Nếu ta tiếp tục duy trì một thể chế chính trị như vậy thì vẫn sẽ không có tự do tư tưởng, tự do bày tỏ ý kiến và phê phán, do đó không thể phát huy tiềm năng trí tuệ của đất nước trong một giai đoạn mà ta thường nói trí tuệ là nguồn lực chủ yếu nhất của phát triển”.

Trong tiểu luận “Khoa học hệ thống và một số vấn đề về quản lý kinh tế của nước ta hiện nay” ông cũng đã viết:

“Xu thế rệu rã trong quan hệ của hệ thống càng ngày càng tăng, thậm chí các mối quan hệ kinh tế trong hệ thống Nhà nước bị biến chất, xu thế này rất nguy hiểm, nó phá vỡ từ bên trong cấu trúc hệ thống của nền kinh tế và xã hội. Biểu hiện của xu thế này là các hiện tượng tiêu cực với quy mô ngày càng lớn, đặc biệt là hiện tượng mang tính chất tập thể, bộ phận chủ không chỉ là cá nhân, cá biệt. Một hệ thống giữ một vẻ ngoài thống nhất nhưng bị mục ruỗng và hỗn loạn bên trong, tạo nên cái dối trá, cái không thật trong kinh tế và từ đó trong các lĩnh vực khác của xã hội. Sự điều khiển tập trung không có hiệu lực và xu thế là giải thoát bằng mọi mánh lới ra ngoài sự điều khiển đó là cơ sở vật chất của sự dối trá, từ sự dối trá trong làm ăn đến sự dối trá trong đời sống luân lý của xã hội. Sự sa sút về đạo lý này đang là sự cản trở hết sức to lớn cho quá trình khôi phục trật tự của xã hội. Mặc dù có những nguyên nhân từ bên ngoài nhưng về cơ bản các yếu tố phá vỡ tính hệ thống nằm trong bản thân hệ thống đó. Nên rõ ràng để khắc phục được tinh hình cần có những biện pháp mạnh để tự thay đổi tổ chức của hệ thống và tiến lên xây dựng được một kiểu hệ thống mà tự tổ chức, tự chọn lọc và loại bỏ những yếu tố cản trở sự phát triển của mình”.

Ông từng chua xót kể với các nhà báo:

Có lần trên diễn đàn Quốc hội năm 1978, tôi đã phát biểu về một thực tế là liên tục 5, 6 năm liền kế hoạch nhà nước không bao giờ thực hiện được cả, thường chỉ đạt 50 – 60%, nhưng có ngành nào, tỉnh nào mà không báo cáo thành tích là vượt mức kế hoạch đâu. Thế nên tôi nói, nước ta có một thứ toán học kỳ lạ: tổng các số dương bằng một số âm. Nhưng thực ra điều lạ đó tôi cũng có được chứng kiến ở Liên Xô từ đầu những năm 1960 khi tôi học ở đó. Lúc đầu đọc báo Sự thật và nghe đài, tôi ngạc nhiên và thán phục lắm, năm nào ngành nào cũng báo cáo đạt 102 – 103% kế hoạch, không có ngành nào là không đạt kế hoạch. Tôi có hỏi một ông Giáo sư Viện sĩ Viện Hàn lâm về kinh tế: Một nước rộng lớn như Liên Xô, nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực kinh tế, làm thế nào để lập kế hoạch sản xuất chi tiết cho từng nhà máy, từng công trường một cách sát với thực tế đến thế? Ông ấy cười bảo: Anh có biết cách làm của chúng tôi như thế nào không? Chúng tôi thống kê ngược. Tức là muốn đạt được 100% hay 105% thì tôi lấy chỉ tiêu đạt kế hoạch ấy rồi tính ngược lại và biết được từng nhà máy “phải” làm bao nhiêu để đạt được chỉ tiêu chung đó.
Những năm 1970 – 1980, tôi tham gia thực hiện việc đưa khoa học vào quản lý xí nghiệp. Có lần cùng một đoàn anh em đi thực tế. Kế toán trưởng trong xí nghiệp đó làm việc với bọn tôi một ngày rồi trốn. Tôi tìm và gặng hỏi anh ta. Anh ta bảo: Em làm kế toán nhưng có bao giờ làm từ thực tế đâu mà là do người ta chỉ thị cho em. Cách làm của em là tính ngược. Muốn cho xí nghiệp hoàn thành vượt mức kế hoạch 5% hay 10% thì cứ lấy số đó tính ngược lên sẽ biết bộ phận này “cần” làm bao nhiêu, bộ phận kia “cần” làm bao nhiêu. Mà cái cách đó thì không thể báo cáo cho các anh được.

… Khi đi vào phân tích tình hình kinh tế của Việt Nam theo quan điểm hệ thống, kết quả phân tích cũng làm chính tôi ngạc nhiên. Tôi phát hiện ra rằng, đó không chỉ là sự dối trá trong các báo cáo, mà tệ hại hơn, sự dối trá đã trở thành một thứ “đạo lý” trong xã hội ta, mọi người phải dối trá với nhau, với chính mình mà sống, mà thăng tiến… Đó chính là cái khó khăn và cản trở lớn nhất cho sự phát triển thật sự của nước ta. Một xã hội không được thể hiện thật, không được nhận thức thật, thì khó mà điều khiển thật để phát triển thật được. Mà khuyết điểm đó không chỉ của riêng ta, cả ở các nước “anh em” cũng vậy, tức là của cả hệ thống “xã hội chủ nghĩa”!”.

“Đến nay, các tệ nạn trong xã hội càng trầm trọng thêm. Có lần trả lời phỏng vấn của một phóng viên Thụy Điển, tôi có nói: Tham nhũng là hiện tượng ở đâu cũng có, chỗ nào có quyền lực là có tham nhũng. Bởi thực chất tham nhũng là bán chác quyền lực Nếu không có quyền thì lấy gì mà tham nhũng. Nếu có một xã hội cộng sản chủ nghĩa thật sự, thì với nền chuyên chính theo đúng lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản sẽ khó có tham nhũng. Lúc đó, quyền lực có, thậm chí rất cao, nhưng thị trường thì không. Không có chỗ bán, ở xã hội tư bản chủ nghĩa thì có thị trướng, có hàng hóa, nhưng thị trướng có tính minh bạch nhất định và có cơ chế hạn chế việc buôn bán quyền lực bằng các quyền tự do dân chủ như tự do ngôn luận, tự do báo chí… Đó là thị trướng có luật lệ. Còn trong xã hội vừa có quyền lực, và có những người độc quyền thứ hàng hóa quyền lực đó, lại vừa có thị trướng mà không có luật lệ gì thì tha hồ buôn bán… Tham nhũng là một sự bán chác quyền lực, vừa có hàng độc quyền lại vừa có chợ thì tha hồ mà bán chác thứ hàng độc quyền đó”.
“Nếu đó xem là lỗi của hệ thống thì cũng cần tìm giải pháp từ việc sửa đổi hệ thống. Có hai loại việc cần làm: một là, cần kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng quyền lực, bao gồm việc xử phạt thật nghiêm việc lạm dụng quyền lực, bất kể kẻ lạm dụng là ai và hai là, tăng cường luật lệ cho thị trường, nghiêm cấm mọi hình thức mua bán quyền lực, từ những quyền nhỏ như để đi xe trái luật hay cho điểm cao, cho đến những quyền lớn như cho lên chức lên quan… Đồng thời tăng cường sự minh bạch trong xã hội về việc thực hiện hai loại việc đó bằng cách phát huy các quyền dân chủ của nhân dân”.

Với niềm ưu tư quốc sự, ông tư duy xã hội qua khoa học tính toán:

“Từ nửa sau của thế kỷ 20 đến nay, chúng ta đang được chứng kiến một cuộc cách mạng mới trong khoa học, đưa đến cho loài người một cách nhìn mới, một cách hiểu mới về nhiều vấn đề của tự nhiên, của sự sống, cũng như của sự phát triển kinh tế xã hội. Đối tượng nhận thức của chúng ta là những hệ thống vô cùng phức tạp, trước đây ta chỉ có thể tìm hiểu qua những mô hình đơn giản với một số ít quan hệ đã được quy giản cho thích hợp với tư duy cơ giới, nên chỉ mới hiểu được chúng một cách sơ lược. Ngày nay, với tư duy hệ thống và với nhiều phương pháp, công cụ của khoa học hiện đại, ta đã có thể nghiên cứu các đối tượng đó với những mô hình gần với thực tế hơn ; một trong những mô hình như vậy là các hệ thống thích nghi phức tạp, đó là những hệ thống gồm nhiều tác tử tương tác với nhau qua các quan hệ thường là phi tuyến, hình thành nên nhiều vòng phản hồi bên trong hệ thống cũng như với môi trường, có cả phản hồi âm và phản hồi dương, có tác động duy trì hoặc phá vỡ trật tự hiện có. Sự phát triển của hệ thống, tức là việc tăng trình độ tổ chức và trật tự của hệ thống, hình thành bởi một tiến trình tiến hoá tạo nên những thuộc tính hợp trội (emergent) được thực hiện bằng các cơ chế thích nghi qua các tương tác của hệ thống. Tiến hoá qua cơ chế thích nghi không chỉ biểu hiện bằng cạnh tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên, mà còn bằng hiệp tác và cùng phát triển. Chính cái đa dạng của tiến hoá này tạo nên sự phong phú và giàu có của cuộc sống. Các hệ thống kinh tế và xã hội là những hệ thích nghi phức tạp, trong các hệ thống đó, các yếu tố được coi là đối lập không chỉ có kiểu đấu tranh “ai thắng ai ”, mà thông qua những tương tác có tính hợp trội còn có thể tìm được khả năng hiệp tác để đạt tới trạng thái “thắng -thắng ”, tức là cả hai đều thắng”.

Trên cơ sở đó, ông kết luận:

Đến nay, sự nghiệp đổi mới đòi hỏi những nội dung mới và chất lượng mới, để tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo của mình thì bản thân Đảng phải có những đổi mới cơ bản, rõ ràng lý luận về chủ nghĩa cộng sản và về chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lênin không còn thích hợp với đòi hỏi mới của cuộc sống nữa. …Nếu không được như vậy, tức là Đảng vẫn kiên trì giữ nguyên như hiện nay, thì vì quyền lợi của dân tộc, Đảng phải tôn trọng quyền dân chủ, kể cả quyền lập đảng, của xã hội, và ta sẽ có một chế độ đa đảng hoạt động trong phạm vi luật pháp”.

Và khẳng định:

“Trước sau gì thì một nền dân chủ cũng phải là đa nguyên thôi, vì đa nguyên luôn luôn là điều kiện cần của dân chủ, đó là điều mà cả về lý luận lẫn thực tiễn ta không có cách gì có thể bác bỏ được”.

***
Người ta thường lý giải động cơ của những người quyết liệt phê phán Đảng và dấn thân mạnh mẽ cho công cuộc đấu tranh dân chủ hóa là xuất phát từ bất mãn cá nhân. Năm 1957, sau khi tốt nghiệp đại học, dù không có thành tích cách mạng, kháng chiến nổi rõ, PĐD vẫn được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô và sau đó rất sớm được đưa vào Quốc hội, được đề bạt Phó Viện trường Viện Khoa học Việt Nam (tương đương thứ trưởng).

Phan Đình Diệu không có lý do gì để bất mãn với ĐCSVN cả. Song, ông đã bất mãn cho thầy học của ông, cho quê hương ông, cho dân tộc ông. Nỗi bất mãn thật thánh thiện, thật đáng tôn vinh.

Tôi viết bài này để nêu gương cho mấy ông dù ít được học hay dù được Đảng sơn phết cho cái danh xưng giáo sư-tiến sỹ nọ kia cũng không nên vì quá ân sủng mà lú lẫn không còn biết bất mãn trước những hy sinh quá tàn khốc song kết quả đem lại vẫn là sự tụt hậu, sự tủi hổ khổ đau của dân tộc mình.

Mỗi trí thức Việt Nam hãy biết nuôi trong lòng nỗi bất mãn thánh thiện.

Rút trong cuốn “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH”

Nguyễn Thanh Giang
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn