BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Biến Cố Đời Tôi

21 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 1890)
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Biến Cố Đời Tôi
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Trong đời tôi, có lẽ không có biến cố nào lớn hơn trong đời bằng những ngày bỏ quê hương để trốn đi, trong đó tôi nhìn thấy ơn Đức Mẹ đã che chở tôi và gia đình. Tôi xin kể lại để một lần được công khai cảm tạ người Mẹ đã hằng nâng đỡ và cứu vớt chúng tôi. Kế hoạch của chúng tôi định vượt trạm Công an biên phòng tại cửa Gành Hào không được chu đáo và an toàn, nên chuyện quyết định ra ghe vào tháng 3 năm 1981 đã đình lại để chờ sự liên lạc của Tùng, vì Tùng là người chuyên môn làm môi giới cho tàu vượt biên ra cửa biển từ bấy lâu nay. Thời gian chờ đợi và liên lạc thấm thoát cũng gần 5 tháng. Sau cùng, vào ngày rằm tháng 8 năm đó thì chồng tôi được lệnh cho ghe di chuyển từ Hộ Phòng đến Cà Mau, và ra đến cửa sông Ông Đốc. Trên ghe có vợ chồng chủ ghe và đứa con trai nhỏ, cùng với vợ chồng tôi và cháu gái đầu lòng con của chúng tôi, lúc đó cháu vừa lên 4 tuổi.

Trong ghe, chúng tôi chở mấy ngàn cây mía để ngụy trang là ghe buôn bán. Khi ghe ra đến bến tàu, nơi toán đưa rước ra cửa qui định, thì tất cả mấy ngàn cây mía đều bị hủy bỏ lên bờ và người từ hai bên bìa rừng đổ lên ghe tấp nập. Lúc đó không ai tài nào đếm nổi là bao nhiêu người. Ghe không còn chỗ để duỗi chân, người chêm ép nhau như mắm. Tôi nghe Tùng nói chuyện với anh bạn chủ ghe và chồng tôi là: "Không kiếm được tài công và thợ máy. Các anh tính sao: Có đi hay không?" Lúc ấy, trời tối đen như mực, chung quanh toàn là rừng. Trước chiếc ghe chở người vượt biên chúng tôi là một chiếc xuồng máy đuôi tôm nhỏ dẫn đường, trên có năm ba mang súng đạn.

Tôi biết đã vào đường này ắt phải đi, dầu không có tài công và thợ máy. Thế là chồng tôi lên chức tài công bất đắc dĩ, và anh bạn chủ ghe phải tiếp chồng tôi châm dầu nhớt máy, nên cũng được gọi là thợ máy luôn.

Hừng sáng hôm ấy, con tàu của chúng tôi lọt ra cửa biển. Bọn đưa rước quay xuồng máy trở vào bờ. Từ phía chân trời, màu hồng lợt bắt đầu xuất hiện, báo hiệu bình minh đã sang. Không khí tự do và trong lành như chưa bao giờ có trong cuộc sống tôi kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi phải hít thở không khí này vào cho thật đầy buồng phổi, rồi chuyện gì hãy tính sau, như là: cuộc đời sẽ đi về đâu, hay là chuyện gì sẽ xảy ra cho cuộc sống mai này? Suốt một buổi sáng biển đẹp và lặng yên như tờ, nhìn chung quanh, ai ai cũng hớn hở ra mặt. Tôi nghe nhiều người tâm sự với nhau thật vui vẻ. Có anh bạn bảo rằng: anh đã đi vượt biên mấy lần rồi, lúc thì bị bắt nằm tù mấy tháng, nhờ lo lót, chạy chọt đúng chỗ mới ra được; khi thì tổ chức bị bể dọc đường, may mắn mới trốn thoát được. Có chị xúc động đến rươm rướm nước mắt, chị nói: "Chuyến này may mắn thiệt, chắc chắn là tôi sẽ gặp được chồng của tôi rồi. Anh là lính Hải quân cũ, theo tàu qua Mỹ từ năm 75…" Ôi thôi, biết bao câu chuyện vui khác mà tôi được nghe. Tuy con tàu vượt biên này mới đưa chúng tôi rời được cửa biển có tí xíu thôi, vì rặng cây xanh trong bờ của cửa sông Ông Đốc vẫn còn lờ mờ đó, thế mà nỗi vui mừng và không khí tự do đã tràn đầy trong lòng chúng tôi. Chắc chắn là không một ai còn lo đến ông tổ trưởng hay khóm trưởng gọi chiều nay phải đi họp công tác thủy lợi; không còn lo ông công an khu vực bảo ghi lại lý lịch cá nhân cho rõ ràng vì có dính dấp tới ngụy quân, ngụy quyền khi đi xin việc làm nuôi sống bản thân v.v…

Bây giờ thì tất cả chỉ còn là màu xanh của trời, của nước, màu hy vọng tuyệt vời của lòng. Đây là giờ phút được sổ lồng khỏi sự kìm kẹp, để thấy được trọn vẹn cái nghĩa của hai chữ ‘tự do’ trong cuộc sống mà chính mình đã bị cướp mất. Niềm vui thì ai cũng muốn kéo dài mãi cho đến vô tận, nhưng chẳng ai được toại nguyện cả. Sóng gió lại bắt đầu đến với cuộc đời, vì sau một buổi sáng tuyệt đẹp, biển lặng như tờ đó thì trưa đến, gió bắt đầu thổi mạnh, mây đen từ đâu ùn ùn kéo về bao phủ cả góc trời. Sóng trắng xóa từng lượn bỏ vòi lên cao nghệu như muốn nuốt trửng con tàu bé nhỏ của chúng tôi. Nước tràn lênh láng vào tàu. Những người trên tàu bắt đầu hoảng sợ, hỗn loạn lên. Tiếng la khóc của trẻ nhỏ, tiếng người lớn la lối, cãi vã nhau vì dành những thùng đựng xăng dầu để làm phao cấp cứu cho cá nhân họ.

Trên tàu có khoảng trăm người, mà thùng đựng dầu thì có hơn chục thôi, thì ai có, ai không? Chắc chắn là sẽ có một trận xô xát giật giành. Còn nước thì không ai lo tát ra khỏi tàu mà cứ định ôm thùng nhảy xuống biển. Trong cảnh hỗn loạn như vậy, tôi nghe tiếng chồng tôi la lớn từ phòng lái vọng vào: "Đừng có sợ! Hãy lo tát nước ra đi. Các anh liệu ôm thùng nhảy xuống biển là sẽ sống được hay sao?"

Tiếng la rất lớn của chồng tôi đã làm mọi người lấy lại chút bình tĩnh, nên họ đã cùng nhau lo tát nước ra khỏi tàu. Cám ơn trời đất đã làm cho họ biết chia sẻ với chúng tôi trong lúc khốn khó này. Còn phần chồng tôi không biết lúc đó như thế nào, khi một mình phải lèo lái con thuyền trong phong ba bão táp như thế, một tài công bất đắc dĩ, chỉ biết nhắm mắt đem con tàu từ Hộ Phòng đến Cà Mau bằng đường sông thì giờ đã trở thành tài công ra biển cả. Khoảng vài ba phút sau đó, tôi lại nghe tiếng chồng tôi hỏi vọng vào: "Xin hỏi dùm, ai là người lớn tuổi trong ghe, đạo gì? Hãy đọc kinh dùm!" Giọng nói chồng tôi lúc đó thật nghiêm trọng, đã làm cho tôi phải rùng mình, nổi da gà hết cả người. Rồi ai nấy đều tụng niệm. Kẻ đạo Phật, người đạo Chúa, tất cả đều cầu nguyện cho được bình an, tai qua nạn khỏi... Không biết có phải nhờ thế mà con tàu nhỏ xíu này, chở gần cả trăm người đã tự dưng biết nương theo sóng gió mà ra khơi, phút chốc đã mất hút bến bờ, giống hệt như những chiếc tàu lớn chuyên nghiệp vượt biển, mặc dù trời đang giông bão dữ dội.

Lúc đó, chắc ít ai nghĩ sâu xa đến sự linh thiêng của lời cầu nguyện. Tất cả chỉ đọc để trấn an lòng mình, để khỏi phải suy nghĩ mông lung, để quên đi bão táp. Có người lạy cả chồng tôi xin cứu dùm mạng sống mọi người trên tàu, vì cứ tưởng là đã gặp được tài công thứ kinh nghiệm nhà nghề rồi. Đến nửa đêm hôm đó thì hệ thống bơm nước để giải nhiệt máy bị hư. Mọi người phải thay nhau múc nước đổ vào máy thay bơm. Sóng gió và sợ hãi đã làm mọi người quá mỏi mệt nên không còn nghe tiếng cười nói nữa. Cơn lạnh và đói đã kéo đến hoành hành. Có người biết lo xa, họ mang theo kẹo, bánh, chanh, đường v.v… Còn như chúng tôi thì phần bận rộn, chạy đôn chạy đáo lo cho chuyến vượt biên, phần thì ỷ y đã có mấy ngàn cây mía trên ghe, lại còn gạo thóc, soong nồi mang theo. Nhưng mía thì bị thảy lên bờ để chở người, và gạo củi soong nồi thì giờ đã bị sóng nước biển làm ướt hết rồi. Cũng may còn vài chục cây mía lúc ra cửa sông dùng để lót chỗ ngồi, thế là chia nhau mỗi người một khúc ngậm lấy nước ngọt mà cầm cự đôi ba ngày. Phần chồng tôi, sau một đêm đứng chịu sóng gió một mình, đã thấm mệt. Nhưng chẳng có ai thế dùm để nghỉ ngơi giây lát, vì mỗi khi có người thay tay lái thì chiếc tàu tròng trành như sắp lật úp lại. Sợ quá, mấy người trên tàu phải năn nỉ chồng tôi trở lại tay lái. Trong lúc đó, cũng có một số khách của Tùng gửi đi lúc ra cửa sông, cứ tưởng là chồng tôi đã lấy tiền vàng để làm tài công cho tàu này, nên họ hăm he sẽ thảy chồng tôi xuống biển, nếu không chịu cầm lái con tàu này đến bến bờ.

Thế thì dù có mệt mỏi đến đâu, chồng tôi cũng phải đứng chịu tay lái, vì tình ngay mà bị lý gian. Cũng để cho sóng gió đừng lôi ông tài công tài giỏi này xuống biển bỏ họ, anh em trên tàu đã chia phiên nhau giữ hộ hai bên cánh tay chồng tôi để khỏi bị té và kiệt lực. Họ còn dùng giây cột bàn chân của chồng tôi vào cây điều khiển bánh lái tàu để khỏi vuột sút ra. Cứ như thế, chiếc tàu nương theo sóng gió mà đi...

Đến ngày thứ 5 thì trên tàu xảy ra chuyện chẳng may. Bắt đầu là ống quần của một anh trên tàu bị máy buộc vào và đập gãy nát ống xương chân. Thật là đau đớn. Anh kêu la suốt ngày. Vậy mà qua ngày hôm sau, đứa con của anh lại chết vì đói khát. Đến ngày thứ 7 lênh đênh trên biển, một cơn mưa kéo đến. Mọi người tự dùng miếng vải ny-lon nhỏ của mình để hứng nước. Tôi cũng cố gắng đứng dậy để kiếm ít nước mưa cho con, thì thình lình một cơn sóng mạnh đập vào mạng tàu trong lúc tôi chưa kịp giữ thăng bằng nên đã ngã té. Thế là thai bị chấn động và sau đó tôi chuyển bụng sinh một cháu trai, trong khi tàu đang lênh đênh giữa biển khơi này. Cháu ra đời và một anh bạn là lính trợ y cũ, biết chút căn bản về sinh đẻ, đã dùng một miếng kiếng bể để thay dao, cắt giây nhau rún cho cháu. Thằng con trai tôi khóc chào đời chẳng bao lâu thì đứa con gái đầu lòng của tôi lại trút hơi thở cuối cùng. Rồi vài tiếng đồng hồ sau khi chào đời, không một mảnh vải khô che thân, không sữa bú, và có lẽ vì bị nhiễm trùng, vì không có dao mà dùng kiếng để cắt cuống nhau, nên cháu đã bị kinh phong giật rồi chết. Tôi chưa kịp đặt tên thì cháu đã ra đi theo chị của cháu rồi!

Vài người lớn tuổi trên tàu đề nghị với vợ chồng tôi nên đặt tên cho cháu trước khi thả thi hài xuống biển. Chúng tôi nghe và đặt tên cho cháu là Lý Bửu Long. Tôi đau xót nhìn người ta ôm xác hai con thả xuống biển, và âm thầm khấn xin hai con là Lý Tú Anh và Lý Bửu Long phù hộ cho cha mẹ cũng như mọi người trên tàu được đến bến bờ bình an.

Tôi không bao giờ quên được hình ảnh đau thương tột cùng đó trong quãng đời còn lại này, quãng đời mang nặng tâm tình người mẹ luôn dành hết tấm lòng, hết tình thương cho con, lúc nào cũng yêu thương những khúc ruột mang nặng đẻ đau của mình. Tôi có thể chết để con tôi được sống, tôi có thể đói để con tôi được no, tôi có thể khổ để con tôi được sung sướng, thế mà bây giờ tôi đã chịu bó tay nhìn con chết và nhìn thi hài con trôi lênh đênh trên biển cả. Lúc ấy chỉ có trời đất mới thấm thía và hiểu được lòng tôi xót xa như thế nào! Tôi sống như xác không hồn, chẳng còn vui sướng nào ở thế gian này làm tôi quên đi hai đứa con đã chết đó.

Rồi khoảng nửa giờ sau thì chiếc tàu của chúng tôi cũng chết máy luôn. Tay lái tàu đành cột lại cẩn thận để mặc cho sóng gió muốn đưa con tàu về đâu cũng được. Nhờ vậy mà chồng tôi được nghỉ ngơi chút ít, chứù không thì làm sao sống nổi, khi thân xác chỉ còn da bọc xương và sức khỏe thì gần như kiệt quệ. Tôi nhớ ngoài những người hiểu lầm, quyết làm khó dễ chồng tôi, có chị Lý Diêm Ken là vợ của anh chủ tàu, đã không ngần ngại nói sự thật để đính chính và bênh vực chồng tôi. Khi biết rõ ràng là vợ chồng tôi cũng phải bỏ tiền ra để đi và phải làm tài công bất đắc dĩ thì mọi người đều xin lỗi và thương chia sự bất hạnh của hai cháu qua đời. Tôi hết lòng biết ơn chị Ken, đã không sợ sệt để nói ra sự thật. Nhưng chúng tôi cũng rất buồn vì một số bạn bè khác đã im hơi lặng tiếng vì sợ liên lụy, và tồi tệ hơn nữa, có vài người lại a-dua theo đám khách hiểu lầm này để gây thêm áp lực xấu, bắt chồng tôi phải sống chết theo tay lái tàu.

Sau khi tàu chết máy vài hôm thì chị Ken và cháu Cảo-Kía con của chị cũng qua đời vì kiệt lực, và vài ba người nữa cũng đã chết. Tình trạng sức khoẻ của tôi cũng quá yếu. Tôi lúc tỉnh lúc mê, vì sinh nở đã ba bốn hôm mà chẳng thuốc men, chẳng ăn uống gì, tệ hơn nữa là nhau vẫn còn nằm trong bụng. Có người kể lại là tôi đã mê man mấy ngày liền. Sau cùng, trong cơn mê dài này, tôi đã thấy một người phụ nữ bận đồ trắng, dùng tay xoa lên ngực tôi và đánh thức tôi dậy.

Khi tỉnh lại, tôi thấy như có vật gì nằng nặng đè lên ngực. Sờ thử thì thấy đó là một xâu chuỗi hạt màu xanh lá mạ với tượng một người phụ nữ. Lúc đó gia đình tôi chưa vào đạo nên tôi chỉ biết xâu chuỗi của người Công giáo mà thôi. Tôi thều thào hỏi: "Cái này của ai làm rớt?" Không ai trả lời. Tôi nhờ một anh bên cạnh chuyền tay mọi người trên tàu coi của ai đánh rớt. Nhưng chẳng ai nhận và họ hoàn trả lại tôi. Tôi nghĩ chắc xâu chuỗi này là của một trong những người có đạo trên tàu, thấy hoàn cảnh sinh nở và khốn khó của tôi, đã để xâu chuỗi trên ngực tôi trong lúc tôi mê man, mong người phụ nữ trong xâu chuỗi giúp đỡ cho tôi. Cuối cùng, tôi đeo xâu chuỗi ấy vào cổ mình. Khoảng vài ba phút sau, tôi nghe như trong bụng có cái gì gò lên, tôi dùng tay đè nó xuống. Thế là nhau còn ứ trong người tôi tự động tuôn ra ngoài. Tôi cảm thấy khỏe lại thật nhiều. Có thể nhờ xâu chuỗi mà sự may mắn này đến với tôi chăng? Nâng niu và ngắm nhìn tượng người phụ nữ trên xâu chuỗi, tôi thấy bà có nét dịu hiền dễ thương. Tuy chưa biết bà là ai, tên gì, mà tôi đã được may mắn. Bây giờ tôi thực sự xin bà hãy đưa dẫn chúng tôi đến bến bờ bình an.

Tôi đeo xâu chuỗi vào cổ, rồi lại mê man thiếp đi. Rồi ai lay tôi tỉnh dậy. Mở mắt ra, tôi thấy mọi người chung quanh đang hớn hở xôn xao. Một chiếc thang giây và tấm băng ca đang thòng xuống trước mặt tôi để chuẩn bị đưa tôi qua tàu lớn. Thế là chúng tôi đang được tàu lớn vớt sau 15 ngày lênh đênh trên biển cả. Tôi là người đầu tiên được đưa qua tàu bằng băng-ca. Tất cả có 61 người còn sống sót, 8 người đã chết và đã được thủy táng. Chiếc tàu tuần dương này của Mỹ mang tên Southern Cross. Vị hạm trưởng là người Công giáo. Ông nói rằng trước đây mấy ngày, ông luôn thấy bồn chồn khó chịu trong người. Đáng lẽ tàu này phải đi công tác xa, nhưng ông đã ra lệnh cho ở lại và tuần rảo quanh vùng biển vài hôm xem thế nào. Rồi ông đã thấy con tàu nhỏ bé của chúng tôi đang gặp nạn nên ra lệnh vớt chúng tôi. Bây giờ, lòng ông không nóng nảy bồn chồn nữa, mà cảm thấy bình an và vui vẻ trở lại. Ông cho biết, cơn bão tháng này đã đưa chúng tôi trôi giạt vào hải phận Phi Luật Tân. Nước này cũng có trại tỵ nạn cho người Việt Nam, nhưng vì sức khỏe mọi người đã hoàn toàn kiệt quệ nên ông quyết định cho quay mũi hướng về Singapore, vì theo ông, nơi đó có trại tỵ nạn tốt và có đủ thuốc men trị liệu hơn.

Thế là suốt hai ngày đêm, tôi được nằm trong phòng có máy điều hòa không khí trên tuần dương hạm, được chăm sóc rất tận tình, chu đáo. Rồi đến Singapore thì phải rời tàu để vào bệnh viện cấp cứu. Vị hạm trưởng tặng anh chị em chúng tôi mỗi người một cái áo thun có tên tàu để làm kỷ niệm. Chúng tôi đều rất xúc động và cám ơn tình cảm chân thành của hạm trưởng và thủy thủ đoàn trên chiếc tuần dương hạm này.

Vì tình trạng của tôi quá yếu nên phải nằm ở phòng cấp cứu của bệnh viện tại Singapore hơn hai tuần lễ liền. Nhân viên phòng cấp cứu sợ tôi bị nhiễm trùng bởi xâu chuỗi đang đeo, nên buộc lòng tôi phải tháo bỏ đi phần chuỗi và chỉ xin giữ lại phần tượng để làm kỷ niệm. Sau đó, tôi được xuất viện để trở qua trại tỵ nạn. Trại tỵ nạn tuy nhỏ nhưng rất khang trang, sạch sẽ. Tôi vẫn còn yếu sức, tinh thần thì sụp đổ vì đã mất mát hoàn toàn, nhất là mất hai đứa con trên biển cả. Thấy tôi thẫn thờ như người mất hồn, các bác sĩ và y tá của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế làm việc thiện nguyện tại đây đã hết lòng an ủi và chăm sóc tôi rất kỹ. Trong số các bác sĩ, có bà bác sĩ người Úc tên là Margaret. Bà nghe nhiều người kể lại về chiếc tàu vượt biển bé nhỏ của chúng tôi đã lênh đênh trên biển cả suốt 15 ngày đêm, không thứùc ăn, không nước uống, có người chết và người sinh nở trên tàu, nên bà đã tìm gặp tôi để an ủi và nói chuyện. Bà bảo: nếu không thấy tận mắt, không nghe tận tai và không nói chuyện với tôi thì bà hoàn toàn không tin là có một người đàn bà sinh nở trên biển, không thuốc men, không ăn uống, nhau nằm trong bụng 4, 5 ngày mà vẫn còn sống. Bà hỏi: phép lạ nào đã giữ được mạng sống tôi như thế? Tôi thuật lại mọi chuyện và đưa cho bà coi tượng người phụ nữ mà tôi nhặt được trên ngực của tôi lúc tôi hôn mê. Sau khi xem tượng, bà bác sĩ làm dấu Thánh giá, rồi nói cho tôi biết: đây là tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bà quả quyết chỉ có tình thương của Mẹ mới cứu sống tôi trong cảnh ngặt nghèo như vậy thôi. Rồi bà bảo, khi trở về Úc, bà sẽ viết lại câu truyện về "phép lạ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã cứu một người ngoại đạo," để đăng trên báo chí và tôn vinh Mẹ giúp cho tôi. Bà còn hỏi: hiện tại tôi cần đến bà giúp cho điều gì. Tôi xin bà thưa lại với phái đoàn Cao Ủy là cho tôi ở lại trại tỵ nạn Singapore để giúp đỡ những người tỵ nạn khác. Hiểu ý tôi vì quá thương hai con đã mất và thủy táng ở vùng biển nước này, nên chỉ ước muốn được sống quanh quẩn bên vong linh hai trẻ; bà khuyên tôi nên nghĩ lại, trước là phấn đấu cho sức khỏe thể xác, sau là được bình an trong tâm hồn, rồi phải đi định cư cho tương lai cá nhân mình, để còn lo cho cha mẹ, anh em còn lại tại Việt Nam.

Sau đó, vợ chồng tôi được di chuyển qua trại Galang II và được đi định cư tại Mỹ vào tháng 10 năm 1982.

Huỳnh Thị Quang
Boston, Massachusetts
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn