BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73316)
(Xem: 62231)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện về chiếc cầu bắc qua sông Chảy

21 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 1717)
Chuyện về chiếc cầu bắc qua sông Chảy
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trại tù cải tạo đang giam giữ tôi thuộc làng Vầng, nằm sát theo chân núi. Những buổi hoàng hôn, vào những hôm mà chúng tôi được nghỉ sớm, chúng tôi thường kéo nhau lên ngồi trên những ngọn đồi phía sau lưng trại để bâng khuâng nhìn những cụm khói lam chiều lững lờ bay lên từ những nóc nhà tranh trước mặt, cách Trại không xa lắm, nằm dọc theo sông Chảy. Đây là một nhánh của sông Hồng.

Xa xa bên kia sông là một vùng đất bằng phẳng có nhiều nhà cửa hơn phía bên này. Khoảng cách hai bên bờ sông vào mùa hè có lẽ không rộng hơn 50 mét, mực nước lại thấp ngang ngực những người lội qua. Nhưng khi mùa dông, nước lũ tràn về, mặt sông rộng hẳn ra và con sông cũng biến mất vẻ hiền hoà, bình thản, mà từng lượng nước phù sa ngầu đỏ cuồn cuộn tuôn về Nam, bứt theo cả những lùm cỏ mọc sát bên bờ...

Bắc ngang con sông nhỏ đó, ngày xưa chắc đã có một cây cầu. Nhưng, từ ngày cộng sản chiếm được toàn miền Bắc, dồng bào địa phương nói, cây cầu thời Pháp thuộc này đã bị gẫy đổ trong chiến tranh, Việt cộng đã huy động dân công dựng lên trên những chân cột cầu cũ đổ một cây cầu khỉ, nghĩa là chỉ có hai cây tre ghép lại, mỏng manh yếu ớt khiến người qua cầu phải giữ thăng bằng như người làm xiệc, nếu không sẽ bị rơi xuống nước. Hợp tác xã trong làng thấy thế bèn nẩy ra sáng kiến vét túi đồng bào bằng cách mang tới đó một chiếc ghe nhỏ để chở khách qua sông. Lệ phí qua đò dĩ nhiên không đáng kể, nhưng vì người dân nghèo khổ quá nên ít người có khả năng lên ghe hợp tác xã mà đành leo lên cây cầu khỉ dẫu rằng đôi khi gặp nạn.

Trong những lần xuất trại đi lao động qua cây cầu khỉ đó, chúng tôi nhiều lần nhìn tận mắt những người lớn tuổi có việc sang sông một cách vô cùng cực nhọc. Các cụ đành phải ngồi lên hai thân tre, thả hai chân sang hai bên rồi nhếch đi từng chút một. Chúng tôi cũng đã chứng kiến nhiều em bé gánh khoai gánh sắn qua cầu khỉ chẳng may té bổ xuống sông, sắn khoai rơi vãi trên dòng nước. Trước những cảnh ấy chúng tôi chạnh lòng thương xót. Thì trái lại, đám cán bộ vệ binh đi áp tải chúng tôi lại cười ha hả thích thú như vừa xem một hoạt cảnh trên sân khấu. Mà chả riêng gì đồng bào, chính anh em chúng tôi khi bưng khoai sắn về cho trại, nhiều anh yếu sức cũng đã té lăn trên cây cầu khỉ này rồi...

Thấy cảnh tượng không có gì vui đó cứ tái din, anh em chúng tôi đã nẩy ra ý định tự nguyện làm lại một cây cầu vững chắc cho đồng bào xử dụng. Nhưng, ý kiến của một số anh em cho rằng nếu chúng tôi nói thẳng với đám quản lý trại về dự định đó, chúng sẽ không chấp thuận. Việt cộng vốn đa nghi. Chúng sẽ đặt vấn đề là chúng tôi muốn “chiến tranh tâm lý” chinh phục thiện cảm của nhân dân. Mặt khác, làm công tác đó là chúng tôi sẽ trở thành đám CIA gài lại để chống phá cách mạng ngay lập tức. Chúng không đơn giản nghĩ rằng mục đích của chúng tôi chỉ là mang chút sức lao động trong lúc tương đối rảnh để giúp đồng bào di chuyển. Cuối cùng, anh em chúng tôi đành chờ cơ hội.

Một hôm, trại cắt hai đội gồm hơn 50 anh em chúng tôi sang làng bên kia sông để mang lúa và khoai mì về trại. Số lương thực này là do đổi công mà Trại trước đây đã cử chúng tôi sang lao động cho hợp tác xã. Cơ hội mà chúng tôi chờ đợi đã tới. Chúng tôi bảo nhau sẽ có một số anh em giả bộ té xuống sông cho tiêu tan một số khoai và lúa. Vì khoai và lúa chỉ được chứa trong những chiếc quần của chúng tôi đã buộc túm hai ống, nên khi bị té chìm dưới nước, rất d bị bung ra lòng sông. Tên cán bộ áp tải chúng tôi tức điên lên với số lương thực bị mất nhưng không có lý do để nhốt tù chúng tôi. Chúng chỉ có cách duy nhất là mang chúng tôi ra kiểm điểm vào buổi tối.

Khi tự kiểm tự phê, những người bị té đều bảo nhau nêu ý kiến cần làm lại cây cầu. Tên trại trưởng nghe thấy thì tỏ vẻ ngạc nhiên. Hắn quay lại phía những tên trong ban chỉ huy thì thầm thảo luận. Quan sát nét mặt hắn tôi khấp khởi mừng thầm vì thấy bọn chúng đã lọt bẫy của chúng tôi. Ánh mắt tên trại trưởng sáng hẳn lên. Cử chỉ hắn linh hoạt, hẳn là hắn đang hình dung một ngày nào cây cầu đó thành sự thực thì hắn sẽ có công trạng lớn với thượng cấp của hắn. Bỗng nhiên, hắn nhìn chúng tôi, mặt cố làm vẻ bình tĩnh:

- Qua ý kiến vừa đề xuất của các anh, nhân danh đảng, nhà nước và trại, tôi nhiệt liệt biểu dương. Đó là tinh thần “mình vì mọi người” mà các anh đã thấm nhuần trong thời gian cải tạo. Tuy nhiên, kế hoạch thực hiện chiếc cầu đó không đơn giản đâu và Trại cũng không thể tự quyết định được.

Vì quá thích thú, tên Trại trưởng hình như đã quên đi cái bản chất dối trá mà đảng thường giáo dục, hắn nói huỵch toẹt:

- Cách đây không lâu, đoàn công binh của Sư đoàn 776 đang có trách nhiệm quản lý các anh, theo yêu cầu của đồng bào địa phương cũng đã có phương án để thực hiện chiếc cầu này. Nhưng mãi đến hôm nay, phương án đó vẫn còn nằm trong ngăn kéo của các đồng chí trên Bộ Tư lệnh Sư đoàn. và chẳng ai biết bao giờ thì phương án đó được bàn thảo lạị Nay nghe các anh đề xuất, trại sẽ nghiên cứu. Nhưng trước khi có giải pháp, tôi hỏi toàn thể các anh. Các anh có hạ quyết tâm hoàn thành công tác đó không?

Cả hơn 400 anh em chúng tôi ào lên hô hạ quyết tâm. Âm thanh hai chữ quyết tâm dội lên trời cao với cả lòng thích thú của chúng tôi, tôi nghe như tiếng hô đó đã dội vào sườn núi, đã vang tới những căn nhà ở hai bên bờ sông Chảy sự mừng rỡ của chúng tôi khi ao ước được bắt một cây cầu nhỏ cho đồng bào qua sông một cách bình an...

Nhưng rồi một tháng rưỡi trôi qua, tên trại trưởng đã không một lần nhắc lại vụ cây cầu bắc ngang sông Chảy. Trước đó, chúng tỏ vẻ hồ hởi, bắt chúng tôi nghiên cứu, vẽ bản đồ, đưa đề nghị vật liệu cần thiết để chúng trình thượng cấp. Hay là bây giờ chúng đã biết rõ thâm ý của chúng tôi chăng? Mãi mấy tuần sau, vào một sáng thứ bẩy, thay vì toàn trại phải “lao động xã hội chủ nghĩa” như thường lệ, chúng tôi được lệnh tập họp ở Hội trường. Trong buổi sinh hoạt này, tên Trại trưởng chính thức mở màn một chiến dịch thi đua mới trong vòng hai tháng. Mục tiêu của chiến dịch là một nửa nhân số trại bắt tay vào việc thực hiện cây cầu trên sông Chảy, một nửa nhân số còn lại phải làm việc bằng hai, thay thế cho nửa đi công tác làm cầu.

Nghe xong, anh em chúng tôi có hơi phát ngán. Lý do giản dị vì anh em người nào người nấy hầu như chỉ còn da bọc xương, nay phải làm việc bằng hai thì chỉ có chết. Nhưng, nghĩ lại thì việc dựng cây cầu là do chính anh em chúng tôi chủ trương để giúp đồng bào, để đồng bào miền Bắc hiểu chúng tôi hơn là qua những lời tuyên truyền của cộng sản, nên vì thế anh em chúng tôi cũng tìm ra một lối để an ủi mình mà nhìn về ngày mai bớt vẻ bi quan.

Khi công tác bắt đầu, anh em chúng tôi rỉ tai nhau để chung một nhận định rằng việc làm cây cầu này là một thách thức với chúng tôi. Chúng tôi phải chứng tỏ cho người địa phương biết chúng tôi không phải là những người không tim, tay sai của đế quốc Mỹ chuyên giết hại đồng bào. Chúng tôi sẽ cho đồng bào biết, công trình này tuy chẳng to lớn gì nhưng lại rất thiết thực, hữu ích với dân chúng. Đây cũng là dịp để đáp lại lòng thương yêu của bà con quanh trại đã dàÀnh cho chúng tôi trong những ngày qua. Hơn nữa, đối với bọn cán bộ cộng sản, chúng tôi sẽ cho họ biết rằng với những công tác hữu ích cho đồng bào thì chúng tôi tự nguyện ngay, chúng tôi không phải là bọn người “chây lười lao động” như bọn chúng thường xỉ vả chúng tôi.

Ngày khởi đầu công tác, nơi địa điểm dựng cầu mọi ngày thường vắng vẻ nhưng hôm đó thi sôi động hẳn lên. Về phía chúng tôi thì từng toán, từng tổ đã được phân công phân nhiệm, kẻ lên núi đốn chặt những cây to đúng kích thước do anh em công binh đòi hỏi.

Đối với những cây làm chân cột đều to và dài thuộc loại cây tốt nên rất nặng, hàng chục anh em phải dùng dây để kéo. Tiếng hò kéo gỗ vì thế vang dội cả khu rừng. Còn tại sông, một số anh em còn tường đối khoẻ, được đồng bào phụ giúp, lặn xuống dòng sông để thăm dò đất đai và mực nước.

Bà con quanh vùng thấy chúng tôi làm cầu, ai nấy đều hân hoan vui sướng. Nhiều nhà đã mang nước trà, nấu chè nấu cháo mời anh em chúng tôi ăn uống. Rồi thì khoai luộc, sắn luộc cũng được bà con mang tới vào giờ ăn trưa nên giữa đồng bào và chúng tôi, quả thật đã có một niềm tin cậy và thông cảm của những người con dân cùng chung quốc tổ, của những chiến hữu cùng chung giới tuyến.

Những ngày sau, nhiều thanh niên thiếu nữ đã sắn tay cởi áo phụ với chúng tôi trong mọi công việc. Nhớ lại buổi đầu tiên, những người trẻ này còn hoài nghi, chỉ đến xem chúng tôi làm, chỉ đến quan sát những câu chuyện chúng tôi trao đổi. Bây giờ thì họ nói:

- Tôi thấy các anh thật hiền, thật có tình cảm, trái với những gì chúng tôi được giáo dục trước đây...

Nhờ sự hỗ trợ và cởi mở của đồng bào mà tuy mệt nhọc, anh em chúng tôi cũng hoàn thành giai đoạn đầu của đề án sớm hơn dự tính. Mọi loại gỗ làm chân cầu, làm đà đều đã đầy đủ. Hai trăm người tù chúng tôi hình như đã quên mất thân phận tù đày để cười để nói với đồng bào, để huýt sáo bản nhạc cầu sông Kwai, trong lúc lao động. Một hôm, trong lúc ngồi nghỉ, mấy cụ già đã tới bên chúng tôi tâm sự:

- Nhờ các anh có mặt tại đây mà chiếc cầu này mới có. Nếu không thì cả dời chúng tôi mà chừng cả đời con tôi cũng chỉ vẫn đi bằng cây cầu khỉ...

Một người khác than thở:

- Nghe nói mỗi kế hoạch 5 năm, đều có ghi thực hiện cây cầu này. Nhưng mấy lần 5 năm rồi, chẳng thấy một cái chân cầu được đóng xuống...

Và một tiếng nói khác:

- Thật không ngờ các anh giỏi thế đấy nhé. Mai mốt, đi trên cây cầu này, mọi người sẽ nhớ tới các anh...

Hai tháng trôi qua và công việc làm cầu đã xong. Chiếc cầu rộng hơn hai mét bề ngang, mặt cầu được lát bằng ván dầy và phẳng, lại có thành cầu hai bên. Thôi thế là chấm dứt những cảnh bi hài với những gánh sắn gánh khoai vì trượt chân mà té lăn xuống nước. Cũng sẽ không bao giờ thấy lại những cảnh người già lọm khọm, râu tóc bạc phơ, ngồi lết trên hai cây tre, hai chân thả hai bên mà chống tay nhếch đít lê đi từng chút một... Các em bé đã tung tăng chạy nhảy đuổi bắt nhau vòng quanh cây cầu còn thơm mùi gỗ mới. Rất đông đồng bào đã đi lại thử trên cây cầu, nét mặt hân hoan như đang ngày hội lớn... Chúng tôi được đồng bào thăm hỏi tíu tít. Có những bà già nhét vào tay chúng tôi một vài trái cây trong vườn mới chín... Nếu nói không ngoa thì chúng tôi đang được hưởng những ân tình đằm thắm của đồng bào, niềm ân tình này còn mặn mòi hơn cả những năm xưa ở miền Nam, sau khi chúng tôi đã truy kích địch ra khỏi một thôn làng và được đồng bào trong làng thăm hỏi...

Trong bao nhiêu năm tù cải tạo, anh em chúng tôi đã có được một việc làm hữu ích, một việc làm ý nghĩa, một thời gian được sống mà tâm hồn, tình cảm được tự quên đi rằng chúng tôi đang chỉ là những người tù cộng sản...

Nguyễn Vạn Hùng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn