BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72812)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện đồng chí Minh Nhớp

09 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 1510)
Chuyện đồng chí Minh Nhớp
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54
Thằng Joan, bạn tôi, Catolic ngoan hiền, công dân Anti cộng thật thà là người Hà Tĩnh. Sau hơn hai tháng phiêu dạt trên đất Mỹ, về nước chân ướt chân ráo gặp nhau hắn bảo: Xứ Mẽo nhiều chuyện lắm, trong đó đáng chú ý là gặp đ/c Minh Nhớp. Người anh hùng này hiện đang cư ngụ trong chùa ở Santa Ana, thuộc bang Cali, nằm bên bờ Đại Tây Dương.

Với người Hà Tĩnh, cách đây ngót hai chục niên, cái tên Minh Nhớp nổi lên như môt hiện tượng, hơn thế là người anh hùng xứ Núi Hồng- Sông Lam. Năm 9 tư, khi mới bước vào nghề báo, vào Hà Tĩnh công cán, tôi đã nghe danh ông, nhìn thấy nhà máy chế biến gỗ của ông, lòng thầm ngưỡng mộ.



Tên thật của ông là Trần Văn Minh, sinh vào khoảng đầu những năm 50s. Do thành phần không cơ bản, thuộc tầng lớp phi vô sản, nên tuổi thơ của ông long đong lận đận. Cải cách năm 6, các đồng chí Cộng kiên trung tịch thu hết ruộng vườn tài sản của nhà ông, xử tử cha ông trước mặt gia đình. Đó là những gì khởi đầu cho cuộc đời lặn ngụp kiếm miếng ăn qua ngày, rồi phiêu bạt sang tận Mẽo.

Trong những năm 60s, chàng thanh niên Trần Văn Minh cũng phải gia nhập đội thanh niên xung phong, khuân vác, phá dỡ bom mìn… Hết nghĩa vụ, đồng chí về bám quốc lộ, hành nghề sửa xe đạp cho khách trung liu và cán bộ công cán. Tay chân lấm lem dầu mỡ, khi buông clê, mỏ lết, để thực hiện các thao tác khác, ông thường tiện tay chùi vào áo quần, khiến toàn thân ông như vừa mới được móc từ cống lên. Biệt danh “Minh Nhớp” có từ đó.

Sau 7 lăm, như nhiều người dân miền Bắc Thiên đường, đ/c Minh ngược chiều với những người lính cộng, Nam tiến tìm đường vào Sài Gòn làm ăn. Tới những năm 80s, khi tiêu hết những đồng tiền chiến lợi phẩm, những đồng tiền viện trợ của các đồng chí thành trì CNXH cũng vơi dần, xứ thiên đường ta chìm từ từ, dần thành địa ngục.

Đó cũng là thời kỳ mà các đồng chí buôn lậu có đất sống. Với bản năng thông minh, đồng chí Minh Nhớp đã vượt qua muôn vàn khó khăn của các trạm kiểm soát để đưa hàng từ Sài Gòn ra, cung cấp cho đồng bào mình. Đặc biệt là ở thời đói kém, gạo là mặt hàng một vốn bốn lời. Dẫu bị bắt nhiều lần, nhưng tịu chung, đồng chí vẫn thắng.

Từ một thương nhân buôn gạo, có chút vốn liếng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, lại được hưởng không khí thông thoáng của anh Sáu ở Sài Thành, đồng chí Minh ấp ủ tham vọng vươn ra làm xuất khẩu, bắt tay bắt chân với mấy ông Ba Tàu chợ lớn, có giây nhợ với Hongkong.

Giờ nghe khái niệm này thấy lãng xẹt, bởi khi thị trường không biên giới của WTO, chuyện mua của ai, ở đâu, bán chỗ nào đâu thành vấn đề. Dưng ở thời điểm mà xứ Thiên đường ta đang là đỉnh cao của trí tuệ nhân loại thì chuyện bắt chân bắt tay với mấy ông nước ngoài đã có thể đưa vào tầm ngắm của cơ quan an ninh, còn có chuyện trao đổi hàng hoá hay tiền bạc, không chừng bị khép tội hoạt động gián điệp bất cứ lúc nào.

Xuất nhập khẩu là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước xứ Thiên đường. Thế mà, đồng chí Minh dám nghĩ đến chuyện đó, quả thật là gan cóc tía. Rồi, bằng tài ngoại giao của mình, đồng chí cũng cho ra đời được cái gọi là: “Công ty xuất nhập khẩu nội thương Hà Tĩnh”. Công ty này, sau được đổi tên thành “Công ty Kinh Doanh Tổng Hợp Đầu Tư Sản Xuất Xuất Nhập Khẩu Hà Tĩnh” , gọi tắt là GETRADIMEX.

Năm 9 mốt, Hà Tĩnh được tách ra từ Nghệ Tĩnh. Ông Trần Quốc Thại làm bí thư, ông Nguyễn Ký là Chủ tịch. Tỉnh mới tái lập, nên nghèo, mồng tơi không kịp rớt. Buổi đầu, các đồng chí lãnh đạo tỉnh nôn nóng muốn cải thiện ngân sách để có đồng ra đồng vào, nên mở hết cơ chế cho đồng chí Minh hoạt động.

GETRADIMEX của đồng chí Minh về danh nghĩa là doanh nghiệp nhà nước, nhưng gần như nhà nước không đầu tư một đồng vốn nào. Trên thực tế, đồng chí Minh phải tự bỏ ra kinh doanh, lo lương bổng cho anh em và tổ chức điều hành.

Thói đời, nước càng đục càng dễ kiếm ăn. Hồi đó, chính sách nửa tỉnh nửa say, nửa cấm đoán, nửa mở cửa. Bên xứ Tàu, Đặng tiên sinh biến câu ‘‘Mèo trắng, mèo vàng...’’ thành kinh thánh của lý luận cải cách mở cửa. Còn ở xứ ta, anh Sáu cũng đang lên phong độ khi dương cao ngọn cờ xoá đói giảm nghèo, biến Sài Thành trở nên nơi bội thu ngân sách, giải cứu sự thiếu đói triền miên cho cả nước.

Trong khi các đồng chí cộng kiên trung vẫn coi đói nghèo là tiêu chuẩn của sự trong sạch, tiêu chuẩn của đạo đức thì có một số đồng chí khác vẫn âm thầm ngoại tình, trốn chạy khỏi cái lý luận cú đỉn cũ kỹ của đ/c Mạc râu và đ/c Nin hói để đến với quy luật giá trị. Trường hợp của đ/c Minh Nhớp tất nhiên, thuộc típ người của anh Sáu. Vừa năng động, vừa dám nghĩ vừa dám làm. Suy cho cùng, đ/c Minh cũng chả có gì để mất, ngoài sự đói nghèo.

Nghệ Tĩnh hồi đó còn nhiều rừng, thông qua các đầu nậu, làm cơ chế với các trạm kiểm lâm, đ/c đã thu mua được không biết bao nhiêu là gỗ nguyên khối. Điều ấn tượng nhất khi tôi đi qua cầu Bến Thuỷ thời đó là những bãi gỗ tròn mênh mông của đ/c Minh Nhớp. Bên kia sông Lam, dân Hà tĩnh vẫn gọi là Gia Lách, ven sông là bãi đất rộng mênh mông thường ngập lụt vào mùa mưa. Đó là nơi đ/c Minh tập kết gỗ như một trạm trung chuyển. Phần lớn gỗ được đưa từ Lào về, một phần được khai thác ở các huyện miền núi của xứ Nghệ.

Gỗ xuất thô sang Nhật, qua cảng Cửa Lò, một vốn bốn năm lời. Có ngoại tệ, đ/c Minh nhập về xe máy loại second hand, mua với giá đồng nát, bán với giá... kim cương. Lãi vô thiên lủng. Thời cuối 80s đầu 90s, đ/c nào có con xe 8 mốt, máy cối, chạy từ đầu làng đến cuối làng, con gái chết không sót một mống nào. Thậm chí, có cô còn thầm mơ được làm vợ ba vợ tư của một thằng răng vẩu chỉ vì hắn sở hữu con xe mang nhãn hiệu Japan.

Với thị trường ấy, với trí thông minh ấy, với sự năng động ấy, Công ty GETRADIMEX của đồng chí Minh phất lên như diều gặp bão. Có tiền, đ/c xây trụ sở, sắm xe, có tiền, đ/c nhập máy móc, nhà xưởng. Với tham vọng đưa công nghệ xe máy vào xoá đói giảm nghèo cho quê hương. Khi tôi có mặt ở đó, Hà Tĩnh là một trong số ít địa phương có dây chuyền lắp ráp xe gắn máy.

Cái gọi là dây chuyền thực chất chỉ là hệ thống các nồi hơi nén với các ống dẫn, khi vặn các ecu, không phải dùng clê thủ công mà là dùng lực nén từ nồi hơi thông qua súng bắn bụp bụp. Hiện đại vãi. Lần đầu vào thăm xưởng của đ/c Minh, mới thấy té ra, những con Dream láng cóng trị giá bằng cái biệt thự cũng phải đi qua cái dây chuyền này. Dream II được coi là ước mơ của triệu triệu con tim người dân xứ Thiên đường.

Loại xe này mang nhãn mác Honda nhưng được sản xuất trên đất Thái. Với người Thái, xe đó thường dùng cho tầng lớp bình dân, thậm chí chỉ là xe chở hàng cho mấy tay cửu vạn, nhưng với xứ ta thì đó một tài sản, phải mất nhiều năm tham nhũng mới có được. Trên đất Thái, giá xe xuất xưởng chỉ khoảng 900 USD, nhập qua Lào, đưa về Việt, giá bán gấp ba lần như thế. Vấn đề cơ bản là ai được phép nhập khẩu và được nhập bao nhiêu ?

Những ẩn số như trên không nằm trong luật, không nằm trong chính sách mà là nằm trong nghị quyết của Tiệc, thậm chí là tuỳ thuộc vào sự hứng tình của một lãnh đạo có cỡ nào đó.

Bạn tôi, có lô hàng làm thủ tục qua cửa khẩu, Hải quan phán : Hàng cấm nhập, tịch thu. Hắn về nhờ ông già vợ là một ông lớn ở tỉnh uỷ, trình bày xong, ông này làm cho mấy chữ thư tay, ra trình Cục trưởng Hải quan, tay này nhấc máy, gọi xuống đội, thế là OK.

Tất nhiên, sau mỗi chuyến trót lọt, đều phải lại quả chu đáo, nếu không chúng sẽ cắt cầu.

Trong môi trường ấy, đã hình thành một cách buôn không giống ai nhưng hiệu quả vô cùng : Buôn cơ chế. Giờ đây, không phải ai cũng hiểu thấu đáo cách buôn ấy, bởi nó biến hoá khôn lường, thường xuyên thay đổi theo sự biến hoá của cơ chế, của các điều khoản các luật và văn bản dưới luật. Nếu ở trường đại học kinh tế có đưa môn này vào giảng dạy thì đồng chí Minh Nhớp xứng đáng được phong danh hiệu Giáo sư.

Khi được dư luận phong là Giáo sư trên thị trường cơ chế đồng nghĩa với chuyện túi tiền của đ/c Minh phình to, phình to như như những khối u di căn. Vào đầu những năm 90s, GETRADIMEX của đ/c Minh không chỉ có nhà máy lắp ráp Honda, nhà máy chế biến gỗ, trụ sở hoành tráng mà còn có cả ngàn công nhân. Mỗi năm, Công ty của đ/c nộp cho ngân sách gần trăm tỷ đồng, chiếm già nửa ngân sách của tỉnh.

Mỗi khi có hội nghị hội nghiếc, tổng kết tổng kiếc, cái tên Trần Văn Minh được xướng lên như là một người anh hùng cứu nhân độ thế. Thậm chí, các đồng chí lãnh đạo cao nhất tỉnh đi đâu vẫn thường nhắc đến đ/c Minh với một niềm kiêu hãnh cao độ. Với người Hà Tĩnh, cái tên Minh Nhớp chỉ dành cho bọn thô thiển ít học, còn giới quan chức thượng lưu ở đó chỉ biết đến doanh nhân Trần Văn Minh, nổi tiếng không kém gì... cụ Nguyễn Du.

Tiền nhiều, danh nổi, đi nước ngoài như các bà nội trợ đi chợ, đó cũng là lúc mà các đệ khẽ khàng đề nghị đ/c Minh ứng cử vào Quốc hội. Năm 9 hai, khi Hà Tĩnh vừa mới được tái lập, cũng là lúc mà cả nước chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa IX, theo sự xúi bẩy của các quân sư, đ/c Minh ra ứng cử vào nghị viện. Sau bao nhiêu năm vật lộn với cuộc đời, từ chỗ thoát nghèo rồi đến chỗ tiền bạc rủng rỉnh, chuyện kiếm góc chiếu giữa đình cho mở mặt mở mày với thiên hạ cũng là nguyện vọng chính đáng.

Sau các vòng hội nghị hiệp thương, đ/c Minh cũng được lọt vào vòng chung kết. Chết nỗi, đ/c nằm chung bảng với toàn những vị có máu mặt. Khu vực đó có 5 ứng viên, bỏ 2 chọn 3. Trong đó có vị do Trung ương cử về, là chánh án tòa án tỉnh, một vị nữ là đương kim chủ tịch huyện, ông Táo, phó chủ tịch tỉnh, và ông Thại Trần quốc, bí thư tỉnh ủy.

Nhân đây cũng cần nói thêm, theo đánh giá của các nhà nghiên cíu chính trị, quy trình bầu cử ở xứ Thiên đường ta hiện cũ kỹ và lạc hậu nhất thế giới. Chuyện 20 năm trước, quy trình đó lại càng hủ lậu hơn. Sau khi giới thiệu 5 ứng viên, người tiếp xúc với, vận động tranh cử không phải ứng viên mà là người của tổ bầu cử. Theo đó, ủy ban bầu cử sẽ cầm tay chỉ việc cho dân, định hướng cho dân bầu ông mô, bà mô, lý do ra răng...

Ông chánh án do trung ương cử về thì phải bầu rồi, không nên làm phật ý Trung ương, nếu phật ý thì khi đói Trung ương không gọi lấy mỳ cha con ngồi ôm nhau chịu đói a. Bà phụ nữ thì phải bầu để có đại biểu phụ nữ, nếu không các thế lực thù địch sẽ bảo ta là không có bình đẳng giới... Suất còn lại phải chọn 1 trong ba. Khi đó, đ/c Minh là doanh nhân thành đạt, danh đang nổi như cồn, từ thiện từ thiếc, cứu trợ cứu triếc, quà tặng cho các cựu chiến binh, tặng người có công đầy đủ chu tất... trước xu thế đó, hai ông Táo và Thại mất phiếu là cái chắc.

Trước thế kẹt đó, đương nhiên là tỉnh ủy phải tham gia giải cứu danh dự cho bí thư. Muốn thế, phải cho đ/c Minh out. Cũng do quy trình bầu cử hủ lậu nên cách gian lận cũng rất đơn giản. Bầu cho 3 người thì hợp lệ, bầu cho 4 người thì không hợp lệ, ban kiểm tra cứ thấy phiếu nào bầu cho đ/c Minh thì đánh dấu thêm cho thành 4 người, phiếu trở thành không hợp lệ.

Chỉ bằng chiêu đơn giản đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Tiệc, đ/c Minh bị rớt đài. Thê thảm, uất ức. Bản tính hiếu thắng trỗi dậy, đ/c Minh quyết chơi lại lãnh tụ cao nhất của Tiệc ở Hà Tĩnh. Ông này có con rể đi tàu viễn dương. Mỗi chuyến đi, tay này thường mang về mấy con hai bánh secondhand, thậm chí cả bốn bánh. Dân gian vẫn gọi hàng này là xe bãi, ở xứ mặt trời mọc, những người khá giả sắm xe dùng dăm năm rồi tống ra bãi, chờ đi tái chế.

Những thủy thủ tàu viễn dương của xứ ta sang đó, coi đây là cái mỏ vàng vô tận, mỗi chuyến đi mang về vài ba con trót lọt coi như có thể đổi đời, vinh quang cho cả dòng họ, dẫu có phải nộp thuế đến trăm phần trăm. Con rể của đ/c Bí thư ỷ thế bố, muốn ăn dày, thường lấy thư tay của bố vợ, coi như đó là thứ luật nội bộ để mang hàng về tiêu thụ mà không phải tịch thu, thuế má lại chỉ nộp mang tính tượng trưng... đ/c Minh đã lấy được một tờ giấy do đ/c Bí thư ký, chỉ đạo Cục trưởng Hải Quan với nội dung đó.

Có bằng chứng, đ/c Minh đưa ra cho báo Hải Quan đăng tin này. Thông tin bị loang ra, bộ Nội Vụ yêu cầu làm rõ vụ việc. Giông bão nổi lên, ghế bí thư lung lay đến tận gốc. Dưng có điều mà đ/c Minh không thể lường hết được là, ông Thại không phải là hạng người ngoan hiền, ưởn ngực hứng đòn đối phương mà ngay lập tức, ông chỉ đạo đàn em chơi lại đ/c Minh.

Lại nói chuyện GETRADIMEX tiếng tăm lừng lẫy hoành tráng nhưng trong đó cũng chứa chất bao nhiêu mầm bệnh. Giông bão nổi lên, cá nhỏ khó chết, nhưng cá voi lại là thứ dễ chết nhất. Đang yên đang lành, đối tác đến mườn mượt, các hợp đồng hợp điếc, dự án dự iếc nhiều vô thiên lủng, cùng với đó là các dòng tiền chảy như nước sông Đà. Đùng phát, một vài cái đơn kiện vu vơ là thanh tra có cớ đến làm việc.

Thanh tra đến, đương nhiên là cả bộ máy văn phòng phải tiếp. Các đối tác đến làm việc, không thể dừng việc thanh tra để làm việc với đối tác được. Chưa nói đến chuyện, chả thằng nào ngu lại đi làm ăn với một doanh nghiệp đang ở trong tầm ngắm của thanh tra. Mỗi năm, các đ/c thanh tra đến một lần đã vãi cả phân ra quần, huống hồ, đoàn này đến, làm việc xong chưa có kết luận thì đoàn khác lại vào. Thời đó, xứ thiên đường ta, lực lượng thanh tra đông như quân Nguyên.

Ngành nào cũng có thanh tra, chính quyền cấp nào cũng có thanh tra, đó là chưa nói đến chuyện các ban của Tiệc đều có thể đến kiểm tra. Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng có thể nhảy vào cuộc, vì Tiệc ta lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện.

Việc thanh tra kéo dài khiến GETRADIMEX từ chỗ hoành tráng đến chỗ khó khăn rồi lụi tàn, lụi tàn. Các dự án dang dở, các hợp đồng thực hiện giữa chừng thì đối tác bỏ chạy, để lại những khoản nợ nần... Trong cuộc đối đầu với ông Thại, đ/c Minh rớt đài. Năm 1999, sức khỏe đ/c Minh giảm sút, vào viện kiểm tra, kết luận xét nghiệm cho thấy, ông bị ung thư tuyến tiền liệt. Tưởng với căn bệnh nan y ấy, đ/c Minh được buông tha, nhưng ông Thại đã không ứng xử như thế.

Tam thập lục kế, đ/c Minh chọn kế Tẩu. Tuy nhiên, với một doanh nghiệp đang nợ nần chồng chất, lại đang nằm trong tầm ngắm của các cơ quan an ninh, việc ra khỏi biên giới khó như việc bay lên giời. Khi đ/c đang nằm viện, thường xuyên có các đồng chí mẫn cán ngoan hiền lượn lờ đâu đó. Mọi động tĩnh của đ/c Minh đều không thể lọt qua con mắt của các đ/c này.

Làm thế nào để tẩu được là một câu hỏi lớn. Cambodia là đường duy nhất mà đ/c Minh có thể tính đến. Lấy cớ chuyển viện, đ/c Minh đã đánh lạc hướng, bay thẳng vào Sài gòn, rồi nhảy xe đò lên Tây Ninh. Lên gần cửa khẩu Mộc Bài, đ/c thuê xe lai qua biên giới bằng đường mòn, rồi dùng hộ chiếu mua vé máy bay đi Mỹ.

Theo Vũ Quý Hạo Nhiên, một nhà báo Hải ngoại thì, dấu vết của trận đấu đá giữa hai đồng chí được thể hiện trong một bài nghiên cứu năm 2007 của Viện Khoa Học Thanh Tra, trong đó ông Nguyễn Khắc Hường, phó vụ trưởng Vụ Thanh Tra Kinh Tế II, viết:

“Trong quá trình hoạt động của công ty (GETRADIMEX), nội bộ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên có nhận định, đánh giá khác nhau về công ty này, có một số ý kiến cho rằng công ty này làm ăn giỏi, có hiệu quả cần được biểu dương, thậm chí có ý kiến còn cho rằng giám đốc công ty này cần đưa lên làm lãnh đạo của tỉnh Hà Tĩnh. Có những ý kiến khác lại cho rằng công ty này làm ăn kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, tiêu cực, tham nhũng.”

Cuộc tranh giành liên quan tới công GETRADIMEX cao tới mức, theo ông Hường, “nội bộ ban lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mất đoàn kết nghiêm trọng, không thể tiến hành Đại Hội Đảng Bộ Tỉnh theo kế hoạch để chuẩn bị cho Đại Hội Đảng Toàn Quốc lần thứ VIII (1996).”

Cùng năm 1999 khi công ty GETRADIMEX bị giải thể, ông Minh bị phát hiện có bệnh ung thư. Ông đi mổ, mà chính quyền cũng không để ông yên. Nhưng có lẽ một người như ông Minh thì đã sẵn biết điều này rồi, không cần phải dặn. Không những thế, ông đã có sẵn kế hoạch thoát thân từ trước khi bị giải thể công ty.

Ông nhờ bạn sắp xếp cho ông được chuyển từ bệnh viện K qua bệnh viện Đông Y Dân Tộc của quân đội. Từ đó, cứ ban ngày ông đi qua bệnh viện Đông Y để chữa bệnh, tối lại về nằm bệnh viện K. Rồi một hôm, từ bệnh viện K, ông được đưa thẳng lên Nội Bài, mua vé bay vào Sài Gòn. Ở Sài Gòn, theo ông kể: “tôi đưa sẵn cho bạn tôi giữ giấy tờ, passport, với 5.000 USD. Visa vào Mỹ tôi cũng đã từng có rồi, từ trước khi công ty giải thể.”

Bạn ông giao ông giấy tờ, tiền, passport, rồi chở ông lên Tây Ninh. Từ đó, ông vượt biên qua Cambodia, “vừa đi bộ vừa đi xe ôm vào Phnompenh, lấy máy bay đi Mỹ.”

P.T.H.

09-11-2011

Theo Blog Phan Thế Hải
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn