BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62217)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

'Cá chậu, chim lồng' ở Sài Gòn

09 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 1500)
'Cá chậu, chim lồng' ở Sài Gòn
545Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
545
SÀI GÒN - Nhà giàu ở Sài Gòn bây giờ không mấy ai nuôi cá Tàu ba đuôi, cá lia thia, cá bẩy màu hay cá ông Tiên vì mấy loại cá này bị liệt vào hạng “rẻ tiền” dành cho giới bình dân. Dân đại gia phải nuôi mấy loại cá như cá Rồng, cá La Hán, cá Dĩa, cá Koi (một loại cá chép kiểng của Nhật Bản).









Cá cảnh bán dạo trước Lăng Ông Bà Chiểu. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Nhưng chính loại cá rẻ tiền lại nuôi sống được dân nghèo, nhất là dân nhập cư từ miền Bắc.

Sài Gòn hiện nay có một số khu vực tập trung dân bán cá dạo, chủ yếu là đi xe đạp, cá thì được chứa trong những bịch ni-lông, tìm hiểu thấy đa số nói giọng Bắc.

Chị T, một người bán cá dạo ở khu vực Ngã Năm Chuồng Chó (Gò Vấp), cho biết chị là dân Nam Định, vô Sài Gòn mưu sinh đã được mấy năm nay. Lúc đầu làm đủ thứ nghề từ rửa chén thuê, tới làm “ô-sin” cho mấy nhà giàu, lượm ve chai đều không khá nổi, sau nhờ có người đồng hương chỉ mối cho đi làm nghề bán cá dạo, kiếm ngày hơn trăm ngàn, lại nhẹ nhàng tự do hơn mấy nghề khác.









Xe gắn máy của những người bán chim dạo trên đường phố Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Thấy ngon ăn, chồng chị T, đang làm thợ hồ cũng dự định chuyển qua nuôi cá đẻ bỏ mối cho dân bán cá kiểng dạo, vì theo tìm hiểu của hai vợ chồng loại cá kiểng “tạp” này dễ nuôi, dễ đẻ mà không phải đầu tư nhiều, lấy công làm lời họ hy vọng sẽ đổi đời nên đã chuyển ra thuê nhà ở khu vực ngoại thành Sài Gòn để tiện cho việc nuôi cá kiểng tạp.

Khác với dân nhập cư, một số người ở vùng kênh rạch nước đen như quận 8, quận 4... lại có nghề đi bắt trùn chỉ bán cho mấy lò nuôi cá, đại lý cá kiểng để bán cho dân nuôi cá kiểng tạp.

Như trường hợp của ông Ba K., cư dân quận 8, một người bắt trùn chỉ lâu năm. Nhưng hiện tại theo ông Ba K., công việc có khó khăn hơn lúc trước rất nhiều, vì kênh rạch ô nhiễm lượng trùn chỉ ít đi, lại có tin là vì trùn chỉ trong kênh rạch bị nhiễm độc, cá kiểng ăn vô bị chết hàng loạt nên lượng trùn chỉ mua bán giảm xuống rất nhiều gây khó khăn cho những người kiếm sống dưới những dòng kinh đen luôn bốc mùi hôi thối.

Khác với loại cá “tạp” chỉ có giá từ vài ngàn đồng cho tới vài chục ngàn đồng, những loại cá Dĩa, cá Rống, cá La Hán... mà giới nhà giàu nuôi lại thường có giá từ vài chỉ vàng tới vài cây vàng, đặc biệt với loại cá đột biến gien thì giá trị sẽ lên cao khủng khiếp. Nhưng mấy loại cá “quý tộc” này không mấy ai dám cho ăn trùn chỉ, nên có vẻ như chẳng mấy có ích gì cho dân nghèo.









Đi uống cà phê cũng mang theo mấy lồng chim đi cùng. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Phong trào nuôi cá kiểng mắc tiền ở Sài Gòn có một đặc điểm là chạy theo... thời và phụ thuộc vào giống nuôi. Như loại cá Dĩa khi mới vô Việt Nam thì giá rất đắt, nhưng khi giới nuôi cá cho đẻ tại Việt Nam thì giá hạ nhanh và mất đi tính thời thượng.

Cũng như một thời người ta đua nhau nuôi cá La Hán - một giống cá của Tàu, màu sắc khá đẹp, nhất là khi dòng chữ “Hán” hiện đậm trên thân cá và cái đầu “gù” lên như một ông Tiên thì chủ cá vô cùng hãnh diện, giá cá lên cao ngất ngưởng. Nhưng vì chạy theo tiền, một số lò cá “chơi thuốc” do vậy khi mới mua thì màu sắc cá khá lung linh, đầu gù, nuôi ít lâu thì đầu xẹp, màu sắc nhợt nhạt như cá... ươn, tức mình chủ cá có nước đem cá đổ xuống sông. Kết quả là phong trào nuôi cá La Hán xẹp nhanh, đến nỗi có người câu được con cá La Hán nặng hơn một ký, kêu bán có 100 ngàn, chẳng ma nào thèm mua.

Có chuyện vui là khi phong trào nuôi cá kiểng xẹp, nhiều bể cá kiểng đem đổ bỏ xuống cống, xuống sông, giống như phóng sanh vậy đó thì có một loại cá “lạ” một thời chỉ sống trong những bể cá của giới quý tộc, đó là con cá “Lau Kiếng” con này nghe nói là một giống nhập về từ Nam Mỹ chuyên ăn rêu trong bể cá nay thoát ra sông sinh sôi nảy nở vô số vì là giống cá ăn tạp, mau lớn.

Dân chài lưới kéo phải loại cá này dính đầy trong lưới thì vừa gỡ cá vứt đi vừa chửi thề không dứt. Nhưng sau thời điểm gà bị cúm H5N1, dân nhậu hơi hẻo mồi liền bắt đại con cá Lau Kiếng, nhiều con khi đó đã to cỡ... bắp đùi, nướng sả ớt làm mồi nhậu. Món cá lạ này sau đó được dân nhậu đồn là ngon, thế là một số quán đưa món cá Lau Kiếng vào danh sách món nhậu đặc sản.

Hiện tại, ở Sài Gòn có một người “phất” lên thành đại gia nhờ nuôi cá Koi. Sau nhiều lần nuôi cá Koi thất bại, ông đã khăn gói sang Nhật Bản học nghề. Từ một cặp giống cá Koi Nhật với giá khoảng 40 ngàn USD, thời điểm đầu năm 2000, ông cho cá đẻ và bán cá giống con không dưới 1,000 USD/con. Giới nuôi cá cho biết, cá Koi chỉ đắt khi màu sắc chuẩn, hoặc đột biến gien còn với những loại cá thải, cá tạp, thì cá Koi được bán ký. Và như trên mạng rao bán, thì một ký cá Koi có giá là 180 ngàn đồng VN.

Hết cá đến chim

Nghề nuôi chim kiểng ở Sài Gòn cũng giúp cho dân nghèo quanh vùng ven Sài Gòn kiếm sống. Đó là nghề đi bắt bồ cào, châu chấu bán cho những người nuôi chim. Trên những cánh đồng thuộc Hóc Môn, Củ Chi, Long An, có những người dân đi vợt bồ cào, châu chấu, đem bỏ cho các lò nuôi, bán chim hoặc sáng sớm họ bày bán nhanh tại các khu như gần Thuận Kiều Plaza-quận 5, dân nuôi chim tự ra đó mua, chỉ một loáng buổi sáng sớm là hết.

Ngoài các lò cung cấp chim giống, dân ngoại tỉnh chủ yếu là dân Định Quán-Đồng Nai chở xe Honda đi bán chim dạo khá nhiều.

Một người đàn ông bán chim dạo trên đường Nguyễn Kiệm-Gò Vấp cho biết chim thì thượng vàng hạ cám, giống gì cũng có, nhưng tạm phân ra làm hai loại là hàng chợ và hàng tuyển.

Với những mối quen uy tín, thường đặt hàng trước và sẵn sàng trả giá cao thì giao hàng tuyển, tức là những chú chim đã được thuần hóa, tỉ lệ nuôi gần như đạt 100%. Về giá cả thì tùy loại, như chú chim Két mỏ đỏ giá chỉ có 60 ngàn đồng một con, nhưng chú chim đại bàng to khoảng bằng con cú mèo thì có giá là 6 triệu đồng. Khi chúng tôi đưa máy chụp hình lên định chụp chân dung của loài chim “chúa tể rừng xanh” thì bị người bán chim ngăn lại, còn nói: “Đây là loại chim cấm mua bán, nếu không mua thì không được chụp hình.”

Nói chuyện với dân nuôi chim chuyên nghiệp mới thấy nghề chơi chẳng những công phu mà còn tốn tiền. Có người bỏ ra gần chục triệu mua được cặp chích chòe than biến đổi gien màu trắng chân đỏ, nuôi lớn một chút có người trả hơn bốn chục triệu đồng cho chỉ một con.

Riêng giới văn nghệ yêu tự do ở Sài Gòn không thấy ai nuôi chim cá kiểng, hỏi thăm thì hầu hết đều cho biết rất ngán cái cảnh cá chậu, chim lồng. Có thể, vì tiếng chim hót trong lồng, dù là lồng son, sao có thể sánh cùng tiếng chim bay trong bầu trời cao, xanh, tự do.

Văn Lang/Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn