BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73360)
(Xem: 62246)
(Xem: 39433)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tưởng nhớ Trung Tá Vương Đăng Phong “Quỷ Kiến Sầu“

07 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 4334)
Tưởng nhớ Trung Tá Vương Đăng Phong “Quỷ Kiến Sầu“
537Vote
41Vote
30Vote
20Vote
12Vote
4.840
Tối hôm qua, vào lúc 3 giờ sáng, chuông điện thoại tại văn phòng đánh thức giấc ngủ muộn màng đầy mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng:

- Phó tỉnh trưởng, tôi nghe.

- Trình Ông Phó, có Trung Tá Phong, Tỉnh trưởng Lâm Đồng gọi xuống.

- A lô, Trung Tá, tôi nghe trung tá đây, có gì lạ...

- Anh Cửu ơi! Tôi gọi anh giờ này để cầu cứu anh một việc. Tình hình gay go quá, tuyến phòng thủ mặt Nam Lâm Đồng hướng về Định Quán đã bị tràn ngập và chúng đang tiến về thị xã. Tôi không có thì giờ nhiều để nói cho anh rõ, tôi chỉ tóm tắt như thế này: Tôi sẵn sàng chết ở đây. Anh đã từng đi với tôi vào các nơi đang đụng độ với địch, anh đã rõ tôi là loại sĩ quan như thế nào?! Tôi chỉ xin anh làm sao nói với anh em trực thăng ở Phan Thiết, ngay bây giờ bay lên Lâm Đồng bốc gia đình tôi, tội nghiệp mấy đứa nhỏ... phải chi tôi nghe lời anh, cho tất cả về Sài Gòn trước khi lên đây nhận việc thì bây giờ không thấy bối rối...Anh Cửu ơi, chung quanh tôi bây giờ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu không còn điều động được nữa...Họ đang di chuyển gia đình về hướng Đà Lạt khi được tin địch mở cuộc tấn công... Được không Ông Phó, cố giúp cho tôi...

- Trung Tá cho tôi 15 phút để tôi hỏi anh em trực thăng.

Phải lo cho Trung tá Phong bằng mọi giá, mọi cách. Tôi nghĩ như vậy. Với tôi, Trung tá Phong tuy cách biệt nhau về tuổi tác, nhưng rất nặng tình nghĩa, bao giờ cũng vậy. Sự thể hiện tòa hành chánh và tiểu khu là một trong nỗ lực bình định phát triển. Chúng tôi cùng đi đây đó chung với nhau trên chiếc xe Jeep do Trung tá Phong lái xuống xã ấp thăm các đơn vị. Trong các buổi họp nếu tôi có bổn phận nhắc nhở cấp xã ấp phải tạo điều kiện có thể được trong khả năng đối với các đơn vị quân sự đang đóng trên địa bàn của mình thì Trung tá Phong, với vai trò Tiểu khu phó, ông kêu gọi sự yểm trợ, bảo vệ xã ấp và xa gần răn đe các sĩ quan nếu có thái độ khống chế hoặc không kiểm soát các hành động vô kỷ luật của binh sĩ thuộc quyền.



Tôi gọi tổng đài tiểu khu để nói chuyện với phi hành đoàn trực thăng biệt phái cho Tỉnh. Từ sau ngày Mỹ rút, cuộc chiến đấu mang tính tự lực, tự liệu. Sự có mặt của một chiếc trực thăng tải thương biệt phái không phải là việc dễ dàng. Đại tá Nghĩa với tài ngoại giao khéo léo của mình đã được đơn vị không quân Phan Rang chấp thuận, nhưng Tiểu khu Bình Thuận phải cung cấp nơi ở và trợ cấp các bữa ăn, hàng tuần sẽ thay đổi phi hành đoàn. Và tôi, Phó tỉnh trưởng, được mặc nhiên lo liệu công việc này cho Tiểu khu cũng như nhận đỡ đầu cho phi đoàn vào các dịp sinh nhật, lễ lạt...

- Nhắm có được không, để tôi trả lời cho Trung tá Phong kẻo ông chờ đợi. Tôi đã nói rõ cho sĩ quan trách nhiệm về nhiệm vụ của chuyến đi.

- Trình ông Phó, bọn em sẵn sàng, nhưng nếu bây giờ bay lên Lâm Đồng thì bọn em chịu thua. Ông Phó còn nhớ cách đây không lâu, một chiếc đã mất tích vào buổi tối khi bay lên đó, trong chuyến đi có cả Thiếu tá Việt, duyên đoàn 28 Hải Quân tháp tùng. Tai nạn đã xảy ra đến nay vẫn chưa tìm được dấu vết. Tiểu khu và đơn vị của em đã một lần chới với và bọn em được lưu ý.

- Như thế, không còn cách nào khác sao?

- Bọn em chỉ có thể cất cánh vào sáng sớm mai. Ông Phó chuyển cho Trung tá Phong là bọn em sẽ bốc dọc đường. Với Ông Phó hay Trung tá Phong bọn em làm sao từ chối được, nhưng rất tiếc...

Tôi gọi cho Trung tá Phong nhấn mạnh về đề nghị cho gia đình ngay bây giờ rời Lâm Đồng đi về hướng Đà Lạt. Ngày mai, liên lạc tôi sẽ cho trực thăng đón dọc đường.

Tôi không thể nào có thể tiếp tục giấc ngủ, hình ảnh những đứa trẻ lớn hơn con tôi chừng vài tuổi, thỉnh thoảng chúng gặp nhau nô đùa khi có dịp sinh nhật. Những buổi chiều rảnh rỗi, Trung tá Phong với bộ quần áo tennis cầm vợt đi bộ sang nhà tôi rủ ra sân. Hai nhà cách nhau chưa đầy 30 mét. Nhà tôi, nhà Thiếu tá Hoạt trưởng phòng Tư cùng phía, đối diện bên kia đường là nhà Trung tá Mai Lang Luông Tham Mưu Trưởng. Kế nhà Thiếu tá Hoạt là nhà Trung tá Hòa, trung tâm trưởng trung tâm Bình Định Phát Triển, tiếp theo là nhà Trung tá Phong, cạnh bên là nhà Thiếu tá Phạm Minh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Quản trị Tiếp vận...

Thành phố Phan Thiết không lớn lắm, khu vực chánh quyền nằm bên nay cầu sắt của con sông Cà Ty, bờ bên kia là khu vực thương mại. Dinh tỉnh trưởng cũng là khu vực tòa hành chánh. Tiểu khu với một tháp canh vươn cao cùng với lầu nước. Hai công trình này là biểu tượng cho Phan Thiết. Tuy nhiên lại là điểm ngắm lấy tọa độ của địch khi pháo kích từ hướng tây Thiện Giáo vào Tiểu khu. Những cuộc pháo kích nếu không xảy ra hàng tuần thì cũng hàng tháng. Những trái đạn súng cối 82 ly, hỏa tiễn 122 ly đã rơi vào sân Tòa Hành Chánh/Tiểu Khu trước cổng nhà tôi, dọc con đường theo cư xá, nhưng có một điều lạ là may mắn không có thương vong. Mỗi nhà đều có hầm kiên cố với bao cát.

Trung tá Phong quê ở Tây Ninh, khóa 3 Đà Lạt. Khóa này đã có mấy vị mang cấp Trung tướng. Ông từ Bình Định về Bình Thuận nhận nhiệm vụ Tiểu khu phó thay thế Thiếu tá Hồ Ứng Phùng được điều sang Ban Liên Hợp Quân Sự 4 bên. Ông ít nói, cặp mắt hấp háy sau chiếc kiến cận gọng nhựa, có thói quen đưa ngón tay trỏ quẹt qua quẹt lại đầu lỗ mũi. Không hiểu từ đâu ông được gọi là “Quỷ Kiến Sầu”, có lẽ là binh sĩ tại Tiểu khu sợ ông.

Có lần, tôi chuyển đến ông lời phàn nàn khiếu nại của đồng bào trên quận Thiện Giáo về việc binh sĩ xin quá giang xe lambretta, xe ô tô chở khách về thành phố. Xe chật, hết chỗ, họ ngồi đại trên mui xe, đu bên hông... dễ xảy ra tai nạn, nhưng các tài xế, lơ xe không dám phàn nàn. Ông đích thân lên trên đó, đậu xe giữa đường, chận các xe lại. Binh sĩ thấy ông vội nhảy xuống xe chạy trốn. Ông không la mắng hò hét gì cả. Ông đến gặp tài xế, đưa tay ra bắt, nói lời xin lỗi đã để binh sĩ làm phiền lòng. Ông cũng xin các chủ xe thông cảm cho hoàn cảnh binh sĩ tranh thủ giờ phép về thăm gia đình. Cách giải quyết trực tiếp này đã làm vui lòng phần nào các chủ xe, nhất là ông lưu ý các đơn vị trưởng nhắc nhở và kiểm soát binh sĩ thuộc quyền mỗi khi xin quá giang nên lễ phép và nếu xe hết chỗ thì chịu khó chờ.

Một lần từ trên quận về, thấy chiếc xe lambretta chạy trước nặng nề vì có một số binh sĩ quá giang, ông lái xe vượt lên và ra dấu cho xe dừng lại, gọi các binh sĩ qua xe Jeep của mình. Ông lưu ý chung: “Mấy em nhớ xin các tài xế chủ xe một tiếng, họ sẽ sẵn sàng, đừng đòi hỏi, hách dịch kẻo có ngày lọt vào ổ phục kích vì họ ghét thái độ của các em.”

Đẩy mạnh công cuộc bình định, kiến tạo an ninh xã ấp, đem dân về với chính quyền, trận chiến từ đầu năm 1970-1973 tại Bình Thuận luôn là đỉnh cao thể hiện quyết tâm của tỉnh. Chúng tôi có nhiều dịp đi chung với nhau trong tuần sau khi tham dự thuyết trình, buổi sáng xuống quận, xuống xã, hoặc cùng tham dự vào các cuộc hành quân giải tỏa xã, ấp bị địch tấn công và chiếm giữ đêm qua. Trong cương vị Phó tỉnh hành chánh, tôi chia xẻ trách nhiệm với Tiểu khu khi phải quyết định tại chỗ mà hậu quả không tránh được mất mát, đổ nát cho xã ấp.

Có bước vào các trận đánh, mới thấy các cấp chỉ huy uy dũng như thế nào trước cái chết trước mắt. Trung tá Phong không khác gì hình ảnh Trung tá Trần Văn Chà, Phó tỉnh trưởng Nội an lúc Tết Mậu Thân, khi ông cùng với trung đội tình báo Tiểu khu mà cấp số không đầy đủ đã dùng lựu đạn tấn công từng chiếc hầm kiên cố của đặc công Việt Cộng quyết bám trụ, khống chế khu vực phi trường Bình Tú trên cổng chữ Y. Hoặc đẹp đẽ hào hùng của Thiếu tướng Trương Quang Ân, Tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh kiêm khu 23 Chiến thuật khi bước xuống trực thăng với câu hỏi: “Anh tỉnh trưởng, chúng nó đâu rồi, đưa tôi đến đó...” Ông đi thẳng lưng không áo giáp nón sắt đến tuyến tấn công. Ông tìm một vị trí mà bên phải, bên trái của mình các binh sĩ đều nhìn thấy, sau đó ông phát tay: “Vô đi các em...” Chỉ cần chừng đó là đủ, binh sĩ đứng lên lao tới với âm vang tiếng hô xung phong tràn ngập mục tiêu...Không ai nghĩ công việc lại có thể kết thúc nhanh như vậy trong khi chờ đợi hàng mấy tiếng đồng hồ. Ngay sau đó, ông quay trở lại, ngắn và gọn: “Anh tỉnh trưởng, tôi phải đi nơi khác, hãy thu dọn chiến trường.” Và không cần đến cái bắt tay, ông bước lên trực thăng và ra hiệu cất cánh.

Một lần, trên đường đi công tác ra Bắc Bình Thuận, vừa ra khỏi khu vực ấp Tân sinh Long Hiệp thì gặp địch phục kích. Trung tá Phong vừa điều động vừa nhắc chừng mấy người lính bảo vệ tôi, ra dấu cho tôi tìm chỗ ẩn núp tránh pháo của địch hoặc tầm sát hại quá gần. Xong trận đánh, lên xe với chút tự ái, tôi nói: “Trung tá, tôi bề gì cũng là sĩ quan cấp trung úy, lần sau Trung tá cứ lo cho việc chỉ huy là được rồi. Ông cười: “Anh là Phó tỉnh, có bề gì tôi lãnh đủ, nội cái việc anh đi cùng tôi vào mặt trận đã là ngon lành rồi.”

Đầu năm 1975, sau Tết Nguyên Đán, Đại tá Ngô Tấn Nghĩa nhận được nhiều nguồn tin tình báo cho thấy Quân khu 6 của Cộng Sản đang tập trung quân chính qui Bắc Việt từ biên giới đổ về, lương thực được chuẩn bị để mở các trận đánh lớn. Tin chính xác, địch sẽ tấn công chiếm lĩnh các quận lỵ Hoài Đức, Tánh Linh của tỉnh Bình Tuy, cắt quốc lộ 1 tại Rừng Lá, tạo áp lực nặng lên vùng Định Quán thuộc tỉnh Lâm Đồng. Từ những tin tức này, thẩm định tình hình Bình Thuận, quận Thiện Giáo chắc chắn sẽ chịu nhiều tác động. Và thị xã Phan Thiết chỉ có thể tránh được các cuộc pháo kích nếu sườn phía Tây được che chắn.
Dịp may cho Bình Thuận, vào thời gian này có các phái đoàn cao cấp hỗn hợp từ Trung ương cũng như Quân Khu xuống tỉnh để duyệt xét tình hình. Qua lời trình bày và gợi ý của Đại tá Nghĩa, Trung tá Phong, tiểu khu phó tiểu khu Bình Thuận, đã được chọn lựa vào vai trò Tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Tiểu khu Lâm Đồng.

Cũng trong dịp này, cạnh niềm vui của Trung tá Vương Đăng Phong bên tiểu khu bước vào chức vụ mới, hứa hẹn cấp bậc Đại tá thì bên Tòa Hành Chánh, Đốc sự Phạm Hồ Tôn khóa 10 cũng đã được Bộ Nội Vụ đề nghị và phủ Thủ tướng chấp thuận đảm nhiệm chức vụ Phó Tỉnh trưởng Khánh Hòa. Buổi lễ tiễn đưa đầy tình huynh đệ đã được tổ chức mừng cho Trung tá Vương Đăng Phong và Đốc sự Phạm Hồ Tôn vào một buổi chiều trong hội trường tỉnh với sự tham dự đông đủ các cấp trưởng cơ quan. Đại tá Nghĩa và tôi nói lời chúc mừng, bên cạnh niềm hãnh diện, chúng tôi vẫn có chút ngậm ngùi. Tương lai đầy khó khăn ở trước mắt, tuyến Khánh Dương đang mỗi lúc một nặng nề. Từ hướng Ban Mê Thuột và Lâm Đồng cũng thế, địch đã chiếm Định Quán. Tiễn người thân trong trường hợp này, tôi buộc miệng nói: Đi là đi chiến đấu, khi siết chặt bàn tay từ giã nhau.

Trong thời gian chờ đợi đi nhận việc, Trung tá Phong dành thì giờ vào văn phòng tôi hỏi han công việc hành chánh. Vấn đề nào cần phải chú ý kẻo trách nhiệm, kinh nghiệm điều khiển các trưởng ty chuyên môn ngoại thuộc. Ông muốn đem kinh nghiệm Bình Thuận áp dụng vào Lâm Đồng. Xa gần, ông gợi ý muốn tôi lên đó làm việc với ông. Tôi trấn an: “Phó tỉnh trưởng Lâm Đồng hiện nay là bạn cùng khóa với tôi, đã trải qua các vai trò phó quận, Trưởng ty, Chánh văn phòng nên có đầy đủ khả năng và kinh nghiệm.

Tiếc thay, Trung tá Phong nhận chức vụ Tỉnh trưởng/Tiểu khu trưởng Lâm Đồng vào thời điểm không thuận lợi. Tình hình Quân Khu 2 mỗi ngày một xấu đi. Tin tức cho thấy quân chính qui Bắc Việt cấp công trường, các đơn vị xe tăng, trọng pháo hạng nặng và cơ giới các loại đã từ biên giới Campuchia xâm nhập và hiện diện tại các nơi xung yếu. Trong khi đó tại quân khu 2, chỉ có sư đoàn 23 trải rộng từ Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột và sư đoàn 22 chịu trách nhiệm các tỉnh phía Bắc. Tỉnh Lâm Đồng –mặt nam quận Định Quán đã bị tràn ngập. Con đường lưu thông từ Sài Gòn ra Trung xem như bị gián đoạn hoàn toàn. Mất Định Quán, nhưng Lâm Đồng vẫn không có đơn vị chính qui, hoặc trừ bị tăng cường giải tỏa. Các đơn vị Địa phương quân và Nghĩa quân liệu có đủ sức đương đầu?

Ngày tạm biệt, ngồi với nhau trong văn phòng trao đổi về những khó khăn chung, chúng tôi vẫn lạc quan, cuộc chiến có khó khăn nhưng miền Nam sẽ không mất; bề dày kinh nghiệm chiến trận đã từng trải qua cho phép kết luận như vậy. Ông đã làm tôi ngạc nhiên khi cho biết rằng gia đình ông sẽ lên Lâm Đồng. Khi nghe vậy, tôi đã buột miệng:

“Trời đất, tình hình này mà Trung tá còn mang gia đình lên trên đó làm gì? Sẽ vướng chân vướng cẳng. Trung tá thấy ở đây, Bình Thuận chưa đến nỗi nào mà gia đình Đại tá, gia đình tôi và các trưởng cơ quan đã được khuyến cáo tạm về Sài Gòn, ngại nhất là pháo, nhưng chính là để tiện việc chiến đấu.”

“Anh Cửu,” Trung tá Phong nhìn tôi ngón trỏ quẹt đầu mũi theo thói quen, trầm giọng: “Anh hiểu lầm ý tôi rồi. Tôi đem vợ con lên đó là tôi muốn nói với các cấp sĩ quan, binh sĩ của Tiểu khu rằng: là tôi sẽ chiến đấu ở đây, vì gia đình và con cái tôi ở đây. Tôi muốn thể hiện quyết tâm trách nhiệm của mình” Ngừng một thoáng, ông nhìn lên tấm bản đồ lớn quân khu 2 trên vách đối diện: “Nếu tôi giữ được Lâm Đồng thì đây là cách đáp lại mối tình mà Đại tá, anh và các anh em khác đang trông cậy vào tôi.” Sau đó ông bóp nhẹ tay tôi: “Mai mốt có dịp lên với tôi ít hôm. Có liên lạc về Sài Gòn cho tôi gởi lời thăm chị và các cháu.”

Chúng tôi đi bên nhau ra cửa mặt sau Dinh, siết tay tạm biệt. Trung tá Phong lên xe ra cổng. Tôi đứng trên thềm dinh nhìn theo, trong lòng với cảm giác buồn vui lẫn lộn cho đến khi có tiếng bác tùy phái: “Trình ông phó, có điện thoại.” Quay vào văn phòng, tự nhiên lẩm bẩm: “Sẽ lên Lâm Đồng thăm Trung tá Phong, hãy tin như vậy.”

Nhưng rồi Lâm Đồng đã di tản, những điều nói ra thật vô lý, khó tin mà chính là sự thật. Không ai có khả năng, tài sức để giữ vững tình hình, điều khiển bộ máy quân sự xưa nay vốn mang tính mệnh lệnh của kỷ luật. Khi Trung tá Phong, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng biết và hiểu ra thì mọi sự đã muộn màng. Những cánh tay của bộ Tham mưu tiểu khu đã không còn nối vào các mệnh lệnh, chỉ thị. Những chiếc xe Jeep từ những ngày qua đâu đó đã sẵn sàng xăng nhớt, thực phẩm, vật dụng cần thiết đang hối hả lên đường, ánh đèn quét thủng làn sương mù dày đặc trực chỉ hướng Đà Lạt ngay khi trên tần số của Trung Tâm Hành Quân có tiếng kêu báo cáo: “Địch đang mở cuộc tấn công.”

Cho dù, biết được đã quá muộn màng, nhưng Trung tá Phong cũng đã gom được xe cơ giới, pháo binh đích thân điều động tiến về mặt trận với hy vọng chạm địch.. Gần 25 năm quân ngũ, hầu hết đi qua các chiến trường, không phải lúc nào cũng chiến thắng, nhưng chưa hề có các cuộc hỗn loạn như thế này cho dù bị thiệt hại nặng nề...

“Ông coi, kỳ cục, giặc còn ở xa, chưa thấy bóng dáng mà đã cuốn gói chạy, vừa tiến lên mà lại ngoái cổ nhìn ra sau. Tôi đã đi hành quân với cả xe mang theo quan tài mà mọi cấp sĩ quan và binh sĩ đều bình tĩnh tiến vào mục tiêu, còn ở đây...hết biết!” Trung tá Phong, vẫn theo thói quen đưa tay quẹt đầu mũi, giãi bày sự bất lực của mình trước sự việc đã xảy ra khi chúng tôi gặp nhau ở Sài Gòn vào thời điểm của cơn hấp hối.

Với đàn con đông đảo, lại phải bị quản thúc ở Bộ Tổng Tham Mưu, cũng như tôi, Trung tá Phong và gia đình đều bị kẹt lại để chứng kiến người chủ nhân mới của chế độ. Ông trốn về Tây Ninh với hy vọng tìm đường sang Campuchia, nhưng không thành. Về lại Sài Gòn, gặp nhau trong khi chờ đợi đi học tập cải tạo, ông vẫn nói lời gởi gấm:

“Anh Cửu, nếu anh tìm được đường đi cho gia đình, nhớ đừng quên mấy đứa nhỏ của tụi này...”

Tôi không trả lời, nhưng tôi siết chặt bàn tay ông, ngầm nói với nhau rằng: tôi sẽ không quên lời ông gởi gấm, tuy biết trước rằng không còn có hy vọng...

Tôi đã đến trường Trung học Gia Long với cái ba lô quân đội mang theo tiền ăn sẽ đóng theo lệnh triệu tập và một số vật dụng cần thiết của kẻ chiến bại. Trung tá Phong chọn chức vụ Trung tá thay vì Tỉnh trưởng, Ông trình diện bên quân sự. Theo tin tức, ông ra Bắc trước tôi để bắt đầu những ngày tháng “cải tạo” tại rừng núi Hoàng Liên Sơn trong khi tôi diện Hành Chánh cùng đi với khối cảnh sát, tình báo, đảng phái nữa đêm lên tàu Hồng Hà tại Tân cảng Xa lộ, cập bến Hải Phòng về trại Quảng Ninh.

Mười ba năm (1988), ra tù, tôi hy vọng rằng sẽ gặp lại Trung tá Phong trong đợt trả tự do đông đảo này, nhưng lại tin buồn, ông đã nằm xuống trên miền Bắc. Có phải là số phận của mỗi người, riêng tôi luôn quí trọng con người “Quỷ Kiến Sầu” trong chức vụ Tiểu khu phó Bình Thuận đã góp phần bình định mang lại an vui cho đồng bào từ năm 1970-1975.

Viết tại Floria - Hoa Kỳ - 2004
Phạm Hoài Hương
Cũng là Đốc Sự Phạm Ngọc Cửu, Trung Úy QLVNCH
Phó Tỉnh Trưởng Bình Thuận (1970-1975)
Mười ba năm tù cọng sản tại Miền Bắc
Ý kiến bạn đọc
03 Tháng Năm 201912:00 CH
Khách
Xin phép được dịch bài này sang tiếng Anh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn