BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73363)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đầu mưng mủ, chết thật!

07 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 980)
Đầu mưng mủ, chết thật!
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Hôm trước nghe vụ lùm xùm về “sát thủ đầu mưng mủ”, tôi cũng tò mò tìm thử trên mạng xem có cái cuốn sách đang bị cấm ấy không. Thì ngạn ngữ phương Tây đã chẳng nói rồi đấy, “nước uống trộm thì ngọt ngào, còn táo hái trộm mới thật là ngon”. Nếu cuốn sách này chẳng bị cấm thì tôi sẽ chẳng bao giờ mua nó, vì nghe cái tựa là đã thấy không phải là thứ cho mình đọc, chắc là mấy cái truyện bằng tranh đấm đá nhau của trẻ con, thế thôi.



Quả nhiên là có, thật đúng y như câu ca dao thời đại a còng: “Trăm năm trong cõi người ta/Cái gì không biết thì tra gúc-gồ” đã phán. Chỉ vài chục trang, mấy chục cái hình minh họa cho những câu “thành ngữ sành điệu” tuổi “tin” theo kiểu “chán như con gián” mà chính cô con gái 14 tuổi nhà tôi thỉnh thoảng cũng dùng, cho nó … sành điệu.

Tôi xem qua một lần, thấy nó cũng ngồ ngộ, buồn cười, đôi khi khá bất ngờ, kiểu “Không mày đố thầy dạy ai”, hoặc “Yêu nhau trong sáng/Phang nhau trong tối”. Và đúng là chuyện nhỏ như con thỏ, chẳng có gì đáng để ầm ĩ cả, như có ai đó đã nói.

Và tôi cứ thắc mắc mãi, chẳng hiểu sao cuốn sách ấy lại bị thu hồi nhỉ, vì tôi biết có nhiều cuốn truyện tranh còn bậy bạ, bạo lực hơn rất nhiều, hoặc sử dụng một loại ngôn ngữ sai chính tả, sai ngữ pháp lung tung, ngô nghê, mà vẫn cứ lọt qua đôi mắt cú vọ của biên tập các nhà xuất bản hết, có sao đâu.

Còn cái cuốn sách này, nó chỉ … buồn cười thôi mà. Ừ thì nó không phải là ngôn ngữ chuẩn để mà đưa vào từ điển hoặc sách giáo khoa làm mẫu mực để dạy cho trẻ con trong trường, nhưng mà thực ra thì mấy cái thành ngữ ấy trẻ con đàng nào nó cũng đã dùng rồi.

Ngôn ngữ là sản phẩm của dân gian mà, thì đó, trước đây chúng ta cũng có kho truyện cười Ba Giai – Tú Xuất đó thôi, nếu mà nói là bậy bạ thì mấy cái truyện đó theo tôi nhớ mới là chúa bậy bạ đấy.

Nhưng thực ra cái trò ví von vần điệu này thì đâu có gì là lạ ở VN đâu nhỉ? Tôi nhớ hồi nhỏ, khi bạn bè giận nhau xong, đứa bị giận đến lân la làm quen lại, đôi khi bị đám kia đuổi ra không cho chơi, và còn đọc câu chọc quê sau đây: “Làm quen, con chó leng keng, còn chó thổi kèn, con chó làm quen.”

Một câu khá vô nghĩa, nhưng đứa nào cũng hiểu, và riêng tôi thì còn hình dung ra trong đầu cái đứa đang mon men đến gần đó sao thật giống như một con chó đang lân la đến gần người để được ban cho chút quan tâm. Cái câu ấy vô lý mà đâm ra có lý, cũng giống như mấy câu “hồn nhiên như cô tiên” hoặc “ác như con tê giác” ngày nay thôi mà.

Kho tàng dân gian của ta còn có cả cái trò đố tục giảng thanh gì nữa cơ, ví dụ như câu đố về trái bắp mà tôi không dám ghi rõ ra đây kẻo bị chửi, cái gì mà “vừa bằng …., lỗ sứt lỗ sẹo, vừa đi vừa bẹo vừa ăn”, nghe thô tục không chịu được, nhưng nghĩ lại thì thấy câu ấy không phải là không có lý. Ôi thôi, riêng cái khoản nói bậy thì sản phẩm trí tuệ của dân gian ta vô cùng phong phú, có lẽ phải xứng đáng đến mấy giải Nobel về … nói bậy ấy nhỉ, nếu có cái giải ấy.

Đang thắc mắc mất mấy về cuốn sách này, thì cách đây vài hôm trên mạng lại om xòm chuyện có vị đại biểu quốc hội đáng kính nào đấy đề nghị phải có luật nhà văn (luật nhà văn ạ, chưa đến luật nhà thơ đâu, cái entry cũ của tôi góp ý dự thảo luật nhà thơ chẳng qua là nhìn xa trông rộng thế thôi). Lại càng thêm thắc mắc, không sao giải thích được.

Đang thắc mắc như thế thì hôm nay đi chợ, tôi tình cờ nghe thấy hai cô bé học trò (tuổi "tin") vừa nói chuyện với nhau như thế này:

“Mày khùng quá hà!” “Ừ, tao khùng rồi. Khùng như vua Hùng vậy đó. Còn mày thì điên, điên như cô tiên ăn trái chuối chiên.” Lúc ấy tôi mới để ý thấy cả hai cô bé đều đang cầm trên tay một trái chuối chiên; chúng vừa nói vừa cười ha hả, coi bộ thích thú lắm.

Tôi nghe xong, bỗng giật mình. Ôi, không ngờ cái trò nói lảm nhảm (như vừa bị cảm) có điệu có vần mặc dù vô nghĩa (như con đỉa) này nó lậm quá rồi. Kiểu này rồi cái gì nó cũng lôi ra mà ví von được cho mà xem. Ví dụ, “nói láo như … cô giáo”, “ ma lanh như … cô Phương Anh”, thì đến chết mất thôi.

Và tôi bỗng sực tỉnh. Ừ đúng rồi, cuốn sách đó cấm là phải. Chưa cho phổ biến mà đã thấy có “hăng như Đinh La Thăng”, rồi nay lại thấy “tiến sĩ đầu han rỉ” nữa chứ (hừm, cái "đứa" nó đặt ra cái câu “tiến sĩ” này là "đứa" nào, có ám chỉ gì tôi không nhỉ?????).

Cứ cái đà này thì chúng còn đem những cái gì, những tên ai ra để mà ví von nữa đây? Chết, chết thật, đúng là cái bọn … đầu mưng mủ mà, bậy bạ quá đi thôi.

Hèn gì mà ông đại biểu quốc hội bác sĩ nhà văn của chúng ta đòi có luật nhà văn. Chứ gì nữa, không có luật, thì có mà loạn à! Phải có luật thôi, rồi đưa cả cái thói quen ví von này vào quy định trong luật nữa, cho nó có phép tắc chứ, bạ tên nào cũng đưa ra ví được sao? Mà theo tôi thì phải cấm tiệt cái trò ví von này đi thôi, cấm, cấm hết!

(Này, đừng có ai nói tôi lên đồng như Nguyễn Minh Hồng đấy nhé!)

Vũ Thị Phương Anh

06-11-2011

Theo BlogAnhVu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn