BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73244)
(Xem: 62215)
(Xem: 39401)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trại Tập-Trung (Phần I - 5)

03 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 1517)
Trại Tập-Trung (Phần I - 5)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

- 5-


Chưa có gì mới lạ ở Sa Ác B. Ăn Tết xong là đã bước sang năm 1979. Đội xây cất đã hoàn-thành ba căn nhà. Và tù hình-sự đổ đến 200 mạng, trong số đó có Nguyễn Đăng Viên, anh ruột nhà văn Mai Thảo. Trại nhộn-nhịp hẳn lên. Thêm các đội phát quang, nông-nghiệp. Đội 17 rau xanh đã lên một số luống, bắt đầu gieo hạt rau cải củ. Mầm chưa kịp nhú thì thầy Để chuyển công-tác giao cho thầy Vinh, một ông nhóc 21 tuổi, ngọng líu lưỡi và quan-trọng hoá mọi việc. Thầy Để ít soi-mói đội. Giao việc xong, thầy đi chơi hay đi ngủ. Thầy Vinh nhòm ngó từng tù-nhân.


Trại nổi lên phong-trào chơi dao găm. Mỗi thầy một con dao. Bèn có màn gà-men inốc Mỹ bị tịch-thu cái cán cầm. Cán này sẽ làm lưỡi dao găm. Bắt buộc phải giữ lại ba chữ USA. Đội của tôi, anh Nại được thầy Vinh chiếu-cố “sáng-chế” một con dao găm. Thầy Vinh “lạc-quyên” lon guigoz của tù-nhân nào có hai lon. Để đúc cái chuôi dao. Con dao của thầy Vinh vừa xong thì Trung-quốc xua quân xâm-lăng Việt Nam. Chiến-trận do Đài Hà-nội tường-thuật được phát-thanh mỗi tối cho tù-nhân theo dõi. Tù-nhân Việt gốc Hoa bị gom chung thành một đội riêng và bi canh-chừng nghiêm-mật. Chiến-tranh biên-giới Hoa – Việt tạo ra hai phe nhóm chống đối suýt đập lộn giữa các tù-nhân chính-trị ham bầy tỏ quan-điểm. Một phe hí-hửng câu tuyên-bố xấc-xược”Dạy Việt Nam một bài học” của Đặng Tiểu Bình. Phe này hy-vọng chứa-chan câu nói xấc-xược thứ hai “Ăn điểm-tâm ở Hà-nội, ăn trưa ở Huế và ăn tối ở Sàigòn”, vẫn của Đặng Tiểu Bình. Người ta chờ Đặng Tiều Bình giải-phóng các trại tập-trung. Phe thứ hai không tin Trung-quốc dám tiến sâu xuống lãnh-thổ Việt Nam. Phe này dứt-khoát lập-trường, nếu Tầu xâm-lăng Việt Nam, họ sẽ đứng chung với Việt cộng đánh kẻ thù truyền-kiếp của dân-tộc. Tôi đồng quan-điểm phe thứ hai. Nhưng cả hai phe đều nín thinh khi chính-ủy của trại cảnh cáo:


- Bọn Trung-quốc cách các anh 500 thước, chúng tôi sẽ tiêu-diệt các anh toàn bộ. Các anh đừng hòng có cơ-hội chào đón chúng nó.


Đặng Tiểu Bình chỉ nói phét. Quân Trung-quốc ôm đầu máu chạy về. Nhiều tù-nhân thất-vọng. Càng thất-vọng hơn với khẩu-hiệu “Đem thù-hận vào sản-xuất”. Chúng tôi phải lao-động thêm giờ, lao-động cả chủ-nhật. Ngày chủ-nhật lao-động gọi là ngày xã-hội chủ-nghĩa. Trại phát-động thi đua…khổ-sai lao-động giữa các đội. Tù-nhân làm hộc máu mồm. 9 tiếng đồng-hồ quần-quật một ngày đổi lấy hai ca bo-bo và dúm muối cục. Ông chủ cộng-sản bóc lột công-nhân tàn-bạo gấp triệu lần ông chủ tư-bản. Mỗi tù-nhân, tính đủ mọi khoản, một tháng nhà nước cộng-sản tốn có 11 đồng 5 hào! Cứ coi ngày lao-động trong tháng là 8 tiếng, nghỉ 4 chủ- nhật thì 11 đồng 5 hào chia cho 208 giờ không ai dám ghi con số thành. Đặng Tiểu Bình đúng là thằng chọc phân chẳng nên lỗ, khiến tù-nhân bị…thi-đua lao-động!


Không còn gì thê-thảm bằng tù-nhân khổ-sai lao-động trong quỹ-đạo cộng-sản. Đã là tù, bị cưỡng-bức làm việc còn bị thi-đua…ăn giải. Lại còn phải họp-hành, bình-bầu cá-nhân xuất-sắc, bình-bầu mức ăn. Có ba tiêu-chuẩn ăn




  1. 18 ký-lô thực-phẩm một tháng cho một tù-nhân xuất-sắc

  2. 15 ký-lô cho một tù-nhân trung-bình.

  3. 13 ký-lô 50 cho một tù-nhân lao-động kém.


Một đội có 4 tù-nhân được ăn tiêu chuẩn 18 ký lô. Một tù-nhân ăn 18 ký thì 2 tù-nhân bị ăn 13 ký 50. Tù-nhân xuất-sắc ăn bớt phần của tù-nhân kém. Bình quân, mỗi tù nhân 15 ký. Sự ghét bỏ nhau, khích-bác nhau, thù ghét nhau, tố-cáo nhau do ba tiêu-chuẩn ăn này. Xin giới -thiệu một cảnh bình-bầu mức ăn ở đội của tôi.


- Tôi, Phạm Kim Sơn, tháng này tôi tự thấy tôi lao-động tích-cực, an-tâm cải-tạo, không hề có tư-tưởng trốn trại. Vậy tôi xin ăn mức 15 ký.


- Tôi, Đặng Hoàng Hà, lao-động tốt, tư-tưởng tốt. Tháng này tôi xin ăn mức 15 ký.


Vân vân…Cả đội lần-lượt phát-biểu câu tương-tự và cho xin ăn mức trung bình. Tôi nghĩ các đội ở các trại từ miền Bắc vào miền Nam đều giống đội tôi. Sổ bình-bầu mức ăn đưa cho quản-giáo. Ông thầy chê bình-bầu thiếu chất lượng. Ông thầy bắt họp tại bãi. Kết-quả vẫn thế, vì không ai xin ăn 18 ký cả. Thầy Vinh cáu tiết chỉ-định 4 tù-nhân hưởng tiêu-chuẩn 18 ký. Thầy chọn luôn 8 tù-nhân thầy ghét, cho ăn 13 ký 50. Từ đó, quản-giáo định mức ăn. Đội có ba thau bo-bo. Thau 18 ký. Thau 15 ký. Thau 13 ký 50. Chia rẽ khởi-sự từ miếng bo bo. Thoạt đầu, đội của tôi đồng-ý chia phần bo-bo đồng đều. Mọi người vui vẻ. Quản-giáo Vinh lộn- xộn, đột-xuất thăm đội lúc chia bo-bo. Ông thầy dũa tôi và bắt chia riêng theo đúng mức ông thầy đã quyết-định.


Rõ ràng, không ai thích ăn 18 ký. Bị ăn thì sớt trả người 13 ký 50. Nhưng 18 ký là bị chửi. Đội trưởng cắt việc, anh em nhao-nhao “sai thằng xuất-sắc 18 ký làm đi”. Thằng 18 ký dần-dần bị cách-ly, bị coi là chân tay của quản-giáo, bị gán tội “ăng ten”! Nó bực, nó chửi lại. Đấm đá. Ra tòa án…trực trại. Lý do đấm đá? Những thằng sỉ-nhục nó làm “ăng ten” bị kỷ-luật. 18 ký càng bị chửi thêm. Nó tức quá, làm “ăng ten ‘ luôn. Gọi là tù chính-trị, thực ra kiến-thức và tư-cách của đa-số tù chính-trị ở các trại cải-tạo thua bọn trộm cắp. Thủ-đoạn vặt của cộng-sản mà cũng sa bẫy để thù hận nhau. Phải sống chung với bọn này, thật xấu hổ.


Tháng 3-1979, Sa Ác B nhận thêm 2 đội cảnh-sát đặc-biệt và 5 đội chính-trị khu A vào. Tôi gặp lại Dương Đức Dũng. Người mới đối với tôi là Phạm Long, em của Phạm Huấn, Phạm Hậu, Đậu Phi Lục, báo Chính Luận , Bùi Hoàng Thư, tác giả tiểu thuyết Nàng, Trần Thanh Liêm, không quân vân vân… Chúng tôi đổi nhà, không ở với Đội 3 rau xanh nữa. Tuy không ăn chung với anh Nguyễn Mạnh Côn, chiều nào chúng tôi cũng biếu anh bát mì hay bát hủ-tíu nấu tôm khô. Tôi nấu bếp. Đằng Giao nhóm bếp và bưng đồ. Chúng tôi thổi cơm ăn buổi tối. Có Dương Đức Dũng, Đỗ Ngọc Quỳnh, chúng tôi họp thành tổ ăn bốn người. Mưa to cách mấy, chúng tôi vẫn có nồi cơm, nồi canh. Tôi nấu hai bếp, Đằng Giao, Dũng và Quỳnh căng ni-lông che mưa. Anh Côn được miễn lao-động từ Tết. Ngày 2-4-1979, bất thần, anh cao-hứng đi lao-động. Đằng Giao có giác quan thứ sáu. Anh ta nói nhỏ:


- Sắp nổ lớn.


Tôi cười:


- Ở nhà buồn, anh ấy đi cho khuây khỏa.


Nổ lớn thật. Các đội tập họp chờ báo-cáo xuất trại. Trực trại vừa mở sổ, anh Côn đứng dậy:


- Báo-cáo cán-bộ, tôi Nguyễn Mạnh Côn, bị bắt ngày 2-4-1976. Hôm nay là 2-4-1979 vừa đủ 3 năm học-tập cải-tạo đúng chỉ-tiêu Đảng đề ra, tôi xin gặp Ban giám-thị lấy giấy trại về sum-họp gia-đình.


Trực trại Hưng trả lời:


- Anh Côn ở nhà gặp Ban giám-thị. Các đội đi lao-động. Đội 21!


Đằng Giao báo-cáo quân-số rồi xuất trại. Không biết chuyện gì sẽ xẩy ra cho tác giả Cộng sản là gì? Ngoài hiện-trường lao-động tôi phải tiếp sức anh em gánh nước tưới…..cứu rau. Lứa rau cải đầu tiên của đội tôi bị rầy tàn-phá. Thay vì nhổ mẹ nó hết đi, phát cho tù cải-thiện bữa ăn, thầy Vinh bắt cả đội. . . cứu rau. Rầy nó không sợ kiểm-điểm, không sợ kỷ-luật thì sợ gì nước sông Ray. Nhưng vẫn gánh nước tưới tối-đa. Tôi mệt phờ quên anh Côn.


Buổi trưa, đội về, anh Côn đã có mặt ở nhà. Anh có vẻ buồn-bã. Anh không nhận phần cơm trưa.


Đằng Giao:


- Anh không ăn, anh có cho người nào không?


Anh Côn:


- Không ăn, không cho là quyền của tôi.


Đằng Giao:


- Anh không thương em tí nào cả.


Anh Côn:


- Cậu bảo nhà bếp tôi trả lại phần cơm.


Đằng Giao:


- Vâng.


Anh Nguyễn Mạnh Côn là người thông-minh, đọc nhiều, hiểu rộng. Cái kiến-thức uyên-bác về cộng-sản của anh đã không giúp anh điều gì khi anh đương đầu với bọn chăn trâu cắt cỏ. Anh đã sáng-suốt nhờ thuốc phiện và anh đã u-tối vì thuốc phiện. Thiếu thuốc phiện, anh Côn như xe cạn xăng. Đầu óc anh tê-liệt. Anh nói toàn chuyện nhảm, nghĩ toàn điều nhảm. Buổi chiều lao-động về, chúng tôi thấy anh bị nhốt riêng ở căn nhà cuối dẫy đối diện căn nhà của chúng tôi. Căn nhà này vừa xây cất xong, chưa nhốt tù-nhân. Anh cởi trần, mặc quần dài xắn cao, bám chấn song cửa sổ nhìn ra ngoài. Trong hoàng-hôn vàng vọt của Sa Ác, hình ảnh anh cơ-hồ một vạt nắng sắp lóe bừng soi sáng một định-nghĩa nào đó. Chúng tôi nhìn anh, cùng chung một ý-nghĩ:


- Anh Côn, chúng em sẽ nhận tội sai lầm phán xét anh vội-vã. Với chúng em, anh là hôm nay. Dĩ-vãng anh, tương-lai anh, cái vừa qua của anh là hôm nay. Anh sẽ chết thật đẹp. Anh dám chết thật đẹp. Anh là đại-thụ, tất cả là cỏ hèn.


Hôm sau, chủ-nhật chúng tôi nằm nhà. Anh Côn chỉ bám chấn song cửa sổ vào buổi chiều. Lúc ấy, tôi thấy anh lừng-lững Đem tâm-tình viết lịch-sử, Ký hoa tử, Mối tình mầu hoa đào, Lạc đường vào lịch-sử…. Buổi trưa ngày thứ hai anh Côn tuyệt-thực, trật-tự-viên Hoa-nẫu vào Nhà chúng tôi bi-bô:


- Tưởng tuyệt thực lâu, vừa cúp nước uống đã xin ăn. Xin ăn thì phải làm đơn đàng-hoàng, viết lạ đời: Tôi xin ăn ăn ăn ăn ăn ăn ăn..!


Trật-tự Hoa-nẫu còn nói nhiều điều xấu về diễn-biến tuyệt-thực của anh Côn. Chúng tôi không tin nó. Và khẳng-định nó là “phát-ngôn-viên” của Ban giám-thị . Buổi trưa thứ ba Hoa-nẫu hân-hoan loan tin khắp trại:


- Nguyễn Mạnh Côn làm đơn xin ăn nghiêm-chỉnh rồi !


Chúng tôi vẫn không tin. Nhưng mà anh Côn làm đơn xin ăn thật. Anh được đưa về nhà cũ, sống với chúng tôi, miễn lao-động song phải “làm việc” đều đều với Ban giám-thị. Cho đến một buổi sáng, Anh Côn bị đưa qua một Nhà chỉ có các đội hình-sự. Tù-nhân trong Nhà bị cấm liên-hệ với anh. Sa Ác B chưa có cachot, cũng chưa có hầm nhốt người vi-phạm kỷ-luật.


o O o


Tháng 4-1979, tù-nhân chính-trị ở trại Long Thành vào Sa Ác B. Thành-phần này gồm các vị Phó quận-trưởng hành-chánh, Chánh-sự-vụ, Chủ-sự, Giám-đốc xuất thân từ Viện quốc-gia hành-chánh, Thẩm-phán, Dự-thẩm, Nghị-viên, Dân-biểu… Tất cả đều may-mắn không bị ra Bắc. Chủ-tịch Hạ-viện Nguyễn Bá Lương, nghị-viên Nguyễn Thanh Liêm có mặt. Bác-sĩ Hạnh của Viện Pasteur, bác-sĩ Nguyễn Ngọc Tùng, Trưởng-ty Y-tế Phú Yên kiêm Chủ-tịch Đảng Dân-chủ Nguyễn văn Thiệu có mặt. Thẩm-phán Đào Minh Lượng, thẩm-phán Hương (tòa-án Gia Định rồi Biên Hoà) có mặt. Các chuyên-viên, cố-vấn Phủ tổng-thống có mặt. Nhóm Long Thành được biên-chế thành hai đội: Đội rau xanh và Đội vận-chuyển. Đức méo nằm trong Đội vận-chuyển (nhờ vậy sang Mỹ chàng lái xe vận-tải xuyên bang). Đội vận-chuyển có 10 người. Đội rau xanh trên 50 người. Một số Long Thành nhập các đội cũ của trại. Đằng Giao nhận Đào Minh Lượng, Nguyễn Ngọc Tùng… Tôi nhận Ngô Đình Hoa, Nguyễn văn Bình. Lúc này bác-sĩ Thạch của đội tôi đã ra coi phòng Y-tế. Lúc này, quản-giáo Vinh ưa cự-nự tôi, chụp lên đầu tôi cái mũ “bao che” cho tù-nhân “thiếu thiện-chí cải-tạo” trong đội. Nguyên-do: Quản-giáo Vinh cấm dùng “đũa”‘ gắp phân bón rau, cấm dùng “găng tay” bao ni-lông. Ông thầy vĩ-đại này bắt tù-nhân bốc cứt bằng tay trần nhét tận gốc rau. Và không cho tắm buổi trưa! Tôi xin cho đội tắm gội, quản-giáo Vinh cho cho rửa chân tay. Và tôi bị viết kiểm-điểm vì tội “yêu-sách cách-mạng”! Tôi đã phải đứng nghiêm trước mặt ông thầy hàng giờ nhiều lần để nghe ông phê-bình văn-chương tự kiểm của tôi.


- Văn của anh là văn lá cải. Truyện của anh là truyện ba xu. Anh tưởng lắt-léo qua mặt cách-mạng à?


- Tôi viết rõ-ràng, thưa cán-bộ.


- Anh Đặng Hoàng Hà chửi xéo cán bộ.


- Anh ấy chửi cào-cào.


Ông thầy nuôi con chích-chòe lửa. Ông ghét Đặng Hoàng Hà tình nguyện vào Đội văn-nghệ làm nhạc trưởng bỏ Đội rau xanh của ông. Đội văn-nghệ rã đám . Đặng Hoàng Hà trở về “đơn vị cũ”, bị ông thầy đì tới chỉ, bắt kiếm cào-cào nuôi chích-chòe và cho ăn 13 ký 50.


Đặng Hoàng Hà vồ cào-cào hụt, bị té, chửi cào-cào. Ông thầy nghe được, bèn nâng quan-điềm Đặng Hoàng Hà chửi cách mạng, chửi Đảng… Cuối cùng, ông yêu-cầu tôi xác-nhận trong tự kiểm là Hà chửi cán-bộ.


- Anh bao che anh Hà.


- Tôi cam-kết anh Hà chửi cào-cào chứ không dám chửi cán-bộ.


- Anh Nong!


- Dạ.


- Anh đừng giả vờ nín thở qua cầu. Cách-mạng biết các anh giả-vờ cải-tạo hết. Mặt xun-xoe nhưng nòng dạ chống đối cách-mạng. Cái mặt anh, đi tù còn ra cái đíều chê-bai ân-huệ của cán-bộ.


- Tôi chê gì đâu?


- Cho anh rau bồi dưỡng anh chê.


- Cán bộ cho hết cả đội, tôi sẽ nhận. Một mình tôi ăn rau, cả đội chửi tôi. Đội lao-động tích-cực, tôi đóng góp chút đỉnh.


- Nuận điệu của anh gian dối.


Quản-giáo Vinh ghét tôi từ hôm ông thầy hỏi tôi về quản-giáo Để đối xử với đội ra sao. Tôi đã đáp thầy Để đề mặc đội tự-giác lao-động. Ông thầy nghĩ rằng tôi xỏ-xiên ông, ông dở trò tự kiểm hành tôi tơi-bời.


- Nếu anh Hà thú nhận đã chửi cán bộ, anh biết tay tôi.


May-mắn, Đặng Hoàng Hà chối dài. Đội 17 rau xanh của tôi là đội rau xanh bết nhất trại. Anh em Bình Chánh ù-lỳ sáng-tạo lao-động, chỉ-thị quản-giáo ra sao, anh em làm vậy. Quản-giáo Vinh có uy với phân tươi! Phân không cần ủ, không cần ngấu, cứ nóng hổi ngào tro mà bón. Và phân sợ tự kiểm ngoan-ngoãn xui rau …vàng khè. Đội rau xanh Long Thành rất cừ. Các ông thư-lại ăn đứt nông-dân. Các ông trồng mướp, trồng bầu, trồng rau muống đều vượt chỉ-tiêu. Đội trưởng Quả, anh của Miên Đức Thắng, tháo-vát vô cùng. Vườn rau của đội Long Thành xứng đáng đoạt giải thi đua.


Giữa tháng 4-1979, trại bầy hương án. Tù-nhân tập họp đợi nghe “lên lớp”. Không, người ta dẫn anh Nguyễn Mạnh Côn ra đứng trước các tù-nhân đọc tờ kiểm-điểm của anh. Tờ kiểm-điểm của anh Côn, hồi chuông báo tử của niềm tin, vạt nắng thoi thóp của hoàng-hôn sầu tủi.


Anh Côn viết: “Tôi thù ghét vợ con tôi đã không thăm nuôi tôi mấy tháng nay”. Anh Côn viết đúng. Chị Côn không bao giờ đi thăm nuôi anh cả. Ở đề-lao Gia Định, Chí Hòa, hai đứa con anh thay phiên nhau nuôi anh. Ở Sa Ác B. chỉ một lần duy nhất cháu Nguyễn Kiên Trung theo vợ Đằng Giao và vợ tôi vào thăm anh. Tôi chẳng hiểu nghĩ gì mà chị Côn đã gửi mía khúc tiếp-tế cho chồng tù rụng hết răng? Bài kiểm-điểm của anh Côn khiến chúng tôi cúi gầm mặt. Đằng Giao khóc. Tại sao phải lôi vợ con ra nguyền-rủa? Thằng tù nào làm tự kiềm, tự khai mà không dối-trá, điêu-ngoa, hèn-hạ? Thằng tù nào làm tự kiểm, tự khai mà không nhận tội sai lầm với cách-mạng và hứa-hẹn khắc-phục để tiến-bộ? Trong hàng rào giây kẽm gai cộng-sản, ngang họng súng đen ngòm, chỉ có vài vị anh-hùng ngục-sĩ dám chấp-nhận cái chết, dẫu biết mình chết lãng nhách. Còn đa-số, cái đa-số tuyệt-đối, đều ngoan-ngoãn nín thở qua cầu. Những tự kiểm, tự khai trong tù, ngoài trại tập- trung chỉ có tù-nhân và cai tù biết, trừ trường-hợp anh Nguyễn Mạnh Côn bị cộng-sản bêu nhục mới đọc công khai. Tự khai của anh Nguyễn Mạnh Côn thuộc loại tự khai mê-sảng vì thiếu thuốc phiện. Chắc chắn, lúc đứng giữa sân trại nghe đọc tự khai của mình, anh Côn đã quên Cộng sản là gì. Tội nghiệp anh. Cộng sản bố ở Hà-nội đã chỉ-thị cộng-sản con ở Sa Ác triệt-để khai thác sự mê-sảng thiếu thuốc phiện của anh Côn mà đánh gục anh, đánh gục lý-thuyết-gia chống cộng lỗi-lạc của miền Nam. Tên chính-ủy đắc-chí:


- Mỹ Ngụy đã tước đoạt hết lương-tri của anh Nguyễn Mạnh Côn. Rất may, phẩm-cách làm người của anh còn sót lại đôi chút trong hai câu thơ của anh: hoan-hô cán bộ Để, Đương, Từ nay phản-động hết đường nữa nao!


Trong cơn mê sảng, anh Côn còn làm vè nữa! Anh được dẫn về Nhà của các đội hình-sự. Chúng tôi đi lao-động. “Vĩ-nhân thường chết bởi cái gai!” Hemingway viết thế. Tôi chợt nhớ Sợi tóc của Thạch Lam. Nhưng đời sống đầy rẫy những kẻ giả-dối, ích-kỷ, chỉ thích người khác chết đẹp để vinh tôn bằng miệng. Đứng giữa sợi tóc quyết-định sống và chết, nhân-loại đều lưỡng-lự, đều sợ chết hùng và chấp nhận sống hèn. Chúng tôi đã là những kẻ giả-dối, ích-kỷ ấy. Không có gì để trách-móc anh Nguyễn Mạnh Côn. Nếu phải trách, chỉ là thuốc phiện. Thuốc phiện đã hại anh Côn.


o O O


Cuối tháng 5-1979, ông Nguyễn Bá Lương chết. Ông chết rất êm-ái. Cựu chủ-tịch Hạ-viện của nền đệ nhị cộng-hòa nham-nhở không để lại một lời giăng giối nào. Ông chết nửa khuya, gần sáng anh em cùng Nhà mới phát-hiện. Ngọn đèn tập-thể được mang tới kê cao sát đầu ông. Chúng tôi biết tin nhờ anh em thông-báo. Nhà ông Nguyễn Bá Lương cạnh Nhà chúng tôi. Ngọn đèn leo-lét cháy. Nhà-trưởng đợi kẻng báo thức mới báo-cáo. Người ta chở một cái quan-tài mộc- mạc từ khu A vào. Xác ông Nguyễn Bá Lương do mấy tù-nhân Đội lâm-sản tẩm-liệm. Người ta bỏ vô hòm bộ quần áo tù mới tinh chưa đóng dấu rồi đậy nắp, đóng đinh. Quan- tài đặt lên xe cải-tiến cùng với cuốc, xẻng. Tù-nhân Đội lâm-sản kéo đẩy quan-tài. Đám tang đi vội-vã. Không ai được phép đưa tiễn linh-hồn người quá-cố, dù một quãng sân trại . Một cai tù theo sau xe. Hắn sẽ đọc lệnh tha ông Nguyễn Bá Lương khi hạ huyệt . Cựu chủ-tịch Hạ-viện đã về sum-họp gia-đình!


Sinh-hoạt ở trại vẫn thế. Hai hôm sau, tù-nhân hình-sự Quản Quang Ninh chết vì bệnh kiết-lỵ kinh-niên! Đám ma gã tù hình-sự can tội trộm cắp cũng đầy đủ “lễ-nghi” như đám ma tù-nhân chính-trị Nguyễn Bá Lương. Nghĩa-trang Sa Ác B đã có hai nấm mộ không mộ bia và không hứa-hẹn không bị san bằng bởi mưa rừng tầm-tã.


Mồng 1 tháng 6 năm 1979, sau cơn sốt nặng, anh Nguyễn Mạnh Côn qua đời. Anh chết ở Nhà 1 . Anh không hề bị ném vào hầm giam, không hề bị bỏ đói. Anh già, đuối sức, không thuốc phiện cầm cự. Và anh chết. Anh Nguyễn Mạnh Côn công-khai “Báo-cáo cán bộ, tôi Nguyễn Mạnh Côn, bị bắt ngày 2-4-1976. Hôm nay là 2-4-1979 vừa đủ 3 năm học-tập cải-tạo đúng chỉ-tiêu Đảng đề ra, tôi xin gặp Ban giám-thị lấy giấy ra trại về sum họp gia đình”. Anh đã gặp Ban giám-thị. Chắc chắn, anh bị chúng nó sỉ-vả tội sách-động tù-nhân. Anh uất-ức tuyệt-thực. Chúng nó dồn anh vào đường chết nhục, chết thảm. Người “anh em” của ông Tạ Tỵ đã chết như thế. Không ai “bán anh em” của ông ta đâu. Cho đến khi tôi rời Sa Ác B chỉ có ba người chết: Nguyễn Bá Lương, Quản Quang Ninh, Nguyễn Mạnh Côn..


Cái chết của anh Nguyễn Mạnh Côn không đúng ý mọi người nên chẳng ai xúc động. Đời vốn chó đẻ mà! Sinh-hoạt của trại bình-thường.


Đội của tôi nhận anh Phạm Thái Ất từ đội của Đằng Giao qua. Nhà gián-điệp này dấu nửa lạng vàng nhét ở đế giép, định ra gặp thân-nhân thăm nuôi sẽ gửi về, ai dè bị trật-tự Hoa-nẫu phát-hiện. Thế là vàng bị tịch thu, thân bị kỷ luật 15 ngày. Kỷ-luật Sa Ác B rất nhẹ cả với những tù-nhân trốn trại. Vì chưa kịp xây cất cachot, tù-nhân vi phạm kỷ luật thường bị còng chân vào cột nhà mới xây xong hoặc Nhà của các đội hình-sự.


Tù-nhân vi-phạm các tội như trây lười lao-động, nói xấu cán-bộ, xâm-phạm tài-sản xã-hội chủ-nghĩa, đánh nhau, dấu tiền bạc (dù bị “ăng ten” báo cáo) chỉ bị còng một chân 15 ngày, ăn cơm tiêu-chuẩn 13 ký 50, bị cúp viết thư , nhận thư và nhận quà thăm nuôi trong vòng 2 tháng. Tù-nhân trốn trại bị bắt lại thì bị vệ-binh đánh thê-thảm từ lúc bị bắt đến lúc dẫn về trại. Kỷ-luật cũng 15 ngày còng. Nặng hơn như đánh giết vệ-binh, quản-giáo thì bị đưa ra khu A. Suốt thời gian tôi ở khu B, chưa có vụ trốn trại nào đánh giết vệ-binh, cướp súng. Đang bị còng chân kỷ-luật mà có lệnh tha của Bộ nội-vụ, vẫn ra về. Chẳng phải bị kỷ-luật, bị “ăng ten” tố-cáo mà kéo dài hạn tù. Chẳng phải tố-cáo người khác mà chóng được tha về. Khả-năng gian ác của “ăng ten” chỉ làm kẻ bị nó hãm hại 15 ngày kỷ-luật, một lần cúp thăm nuôi. Nó không thể “bán xác” ai cả. Khả-năng gian-ác của “nhà văn” gian-dối, điêu-ngoa ghê-gớm hơn “ăng ten”. Khả-năng toa-rập của bọn vừa dốt vừa ngu ngang mức khả-năng gian-ác của “nhà văn” gian dối. Khả-năng thư luân-lưu độc-địa nhất, bần-tiện nhất, hôi-hám nhất về thủ -thuật rỉ tai bêu xấu vẫn là ông “nhà văn-hóa” Trần Tam Tiện. Tôi là kẻ bình-thản nghe tin một người nào đó bảo một người nào đó làm “ăng ten” gian-ác đến nỗi “bán xác” tù-nhân khác. Gặp ông cựu dân-biểu Nguyễn Minh Đăng ở trại Sungai Be si, một bạn tị nạn kéo tôi ra:


- Anh thân với Nguyễn Minh Đăng không?


- Vừa vừa.


- Hắn làm “ăng-ten” giết chết một vị đại-tá cải-tạo ngoài Bắc đấy.


- Ghê nhỉ?


- Ghê lắm.


- Trại nào?


- Tôi không rõ.


- Anh có ở trại ấy với Nguyễn Minh Đăng không?


- Không.


- Anh có bị tù không?


- Không.


- Ai nói với anh Nguyễn Minh Đăng giết vị đại-tá?


- Người ta.


- Người ta tên gì?


- Tôi không rõ.


- Anh nên về Việt Nam ngay đi.


- Làm gì? Vào tù à?


- Phải, anh nên nằm tù cộng-sản. Nằm tù cộng-sản với người quốc-gia cao-cả của anh đi, anh sẽ thấm tình đời, thói đời. Một cục đường thôi, anh từ-chối cho “anh em” của anh, anh sẽ mang tội “ăng-ten” gớm ghiếc, anh sẽ bị “anh em” của anh viết báo bêu nhục nếu “anh em” của anh trốn thoát sang Mỹ.


Tôi muốn xử-dụng hợp-âm Do Majeur cho tất cả những tên khốn kiếp bêu nhục người khác bằng tin đồn.


Phạm Thái Ất chưa hết ba-hoa. Anh ta không ưa tôi vì anh ta không thể nói phét với tôi. Một lần, anh ta kể Tam-quốc-chí, tôi hỏi anh ta:


- Anh thấy Mã Tốc thế nào?


- Thằng xạo.


- Nhưng Mã Tốc có tài thật. Những anh bất-tài vô-tướng mà xạo mới đáng ghét.


Chưa đủ độ ghét tôi, phải đợi hôm anh ta tâm-sự:


- Tôi và anh giống nhau.


- Anh lầm rồi, anh Ất ạ! Tôi và anh không bao giờ giống nhau.


- Chúng ta cùng tù.


- Cùng tù thôi.


- Cùng tù là giống nhau.


- Anh và tôi không thể giống nhau.


- Tại sao?


- Vì anh là anh, tôi là tôi. Có những thứ không thể đồng dạng, đồng tính.


Từ đó, anh ta ghét tôi ra mặt. Chẳng phải riêng anh Ất ghét tôi, còn một số thư-lại Long Thành ghét tôi nữa. Sự ghét bỏ xuất-phát từ lòng mặc-cảm. Thẩm-phán Đào Minh Lượng nói:


- Tụi nó ngại anh vì ngày trước anh chửi tụi nó là gia-nô của Thiệu.


Chắc chắn vậy. Cái số thư lại Long Thành cặn-bã của xã-hội cũ toàn những thằng già, sống tập-thể mà chỉ lo quyền-lợi cá nhân. Bị thăm nuôi của anh nào anh ấy buộc thật chặt. Điều này thuộc tự-do của họ, xin miễn phê-bình. Nói riêng hai điểm nhỏ thôi: Buổi chiều ca-cóng xong phải tưới nước cho tắt than lửa. Trực trại kiểm-soát trước khi điểm danh vào phòng. Nếu bếp còn than cháy và bừa-bãi, trực trại sẽ cấm ca-cóng một tuần. Mấy ông thư-lại già chuyên gây rắc-rối. Trực trại “lên lớp”, các ông ấy khúm núm “tiếp thu”. Nhà trưởng van nài các ông ấy thi-hành quy-định. các ông ấy nhởn-nhơ, chửi thầm. Đã bị cấm ca-cóng vài lần, rồi đâu vẫn hoàn đó. Một ông thư-lại vi-phạm quy-định, cả Nhà treo ca-cóng. Đấy là điểm thứ nhất. Trời mưa được nghỉ lao-động vì sợ tù-nhân trốn trại. Cửa Nhà mở rộng với điều-kiện tù-nhân đừng ra hứng nước hay tắm giặt. Tù-nhân vi-phạm, cửa sẽ bị đóng kín. Tất cả tuân lệnh, trừ mấy ông thư-lại. Nhà trưởng nói nhẹ, mấy ông ấy tỉnh bơ, nói nặng, mấy ông ấy sửng cồ. Nhưng trực trại hay trật-tự Hoa-nẫu “giáo-dục”, mấy ông ấy nín khe. Tôi không chịu nổi thái-độ sống của mấy ông thư-lại, thường xuyên công-kích mấy ông vì quyền-lợi chung của cả Nhà. Thư-lại cấu-kết với nhau kết án tôi “ký-giả ăn mày làm mất nước”!


May cho tôi là bị kỷ-luật, mất chức Đội trưởng, mất luôn chức Nhà trưởng. Vì Đội 17 rau xanh không đạt đúng năng-suất lao-động, người ta lôi cái vụ tôi gửi tiền lâm-sản mua thuốc lá, mua bột sữa hồi tôi mới vào Sa Ác B ra xử tội. Tôi bị đứng nghiêm trước tù-nhân cả trại nghe đọc quyết-định thi-hành kỷ-luật.


Cộng-hoà xã-hội chủ-nghĩa Việt Nam


Độc-lập – Tự-do – Hạnh-phúc

Bộ Nội-vụ


Trại Cải-tạo Xuyên Mộc TH6 B

QUYẾT-ĐỊNH THI-HÀNH KỶ-LUẬT


Ban Giám thi trại cải tạo TH6 quyết-đinh thi-hành kỷ-luật trại viên:


Vũ Mộng Long


Sinh ngày 16-8-1935

Tại Thái Bình

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú 225 Bis Nam-kỳ Khởi-nghĩa tp Hồ Chí Minh

Can tội nhà văn phản-động


Bị bắt ngày 8-4-1976

về tội mua bán đổi chác. Trại viên Vũ Mộng Long bị mất chức Đội trưởng, Nhà trưởng. Đồng-chí Nguyễn văn Hưng là cán-bộ trực trại có nhiệm-vụ thi-hành quyết-định này.

Ngày 20-6-1979


Phó Giám-thị

Nguyễn văn Hiểu

Tội của tôi cũ mèm nên không bị còng chân, bị cúp thăm nuôi. Buổi chiều hôm ấy Đằng Giao gạ tôi nấu chè ăn khao . Anh ta rất thèm được kỷ-luật để thoát cảnh trên đe dưới búa. Tôi thì cảm giác mình tự do làm tù.


Còn tiếp

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn