BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72809)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người lính quân lực VNCH

01 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 3054)
Người lính quân lực VNCH
516Vote
40Vote
30Vote
23Vote
10Vote
4.519
Trên quê hương tự do miền Nam Việt Nam, trong hơn 20 năm chiến tranh, có những người nhận lãnh phần thức cho người khác ngủ, chết cho người khác sống.

Đó là những người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Họ là ai?



Họ là những chàng trai mắt sáng, môi tươi, tâm hồn trẻ trung phơi phới tinh tươm, là học sinh, sinh viên, là con em những gia đình lao động ở thành thị hay nông dân chơn chất ở nông thôn. Họ là những thanh niên tuổi đôi mươi căng tràn nhựa sống, ăm ắp mộng mơ, là những con người rất bình thường cũng đầy những thương ghét vui buồn... Sinh ra và lớn lên trong buổi loạn ly, dù không ham chém giết, dù ham sống, sợ chết, nhưng họ bình thản chấp nhận bổn phận được chính quyền, đại diện cho người dân giao phó trở thành những người Lính

Những người trẻ, 19, 20, hay “21 tuổi vào quân đội mà lòng chưa hề yêu ai” ấy đã lấy đất làm giường, rừng lá làm màn, bỏ lại sau lưng ánh đèn màu của đô thị phồn hoa, mải miết đêm rồi lại ngày, chỉ rừng và núi, chỉ biết yêu những cánh rừng lá thấp vì đấy là màn che cho họ và đồng đội khỏi mắt quân thù, dù không quên những ngày hoa mộng nhưng chẳng cần những tiếng nỉ non đóng kịch rên rỉ câu yêu đương giả tạo.

Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi

Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì

Tôi là người đi chinh chiến dài lâu

Nên mộng ước đầu nghe như đã chìm sâu

Từ máy thâu thanh cô nàng vừa ca

Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà

Giữa rừng già vang tiếng hát thật cao

Nhưng giữa già tôi có thấy gì đâu?

Sao không hát cho người giết giặc trên cầu

Khi bùn lầy còn pha sắc áo xanh

Trong khói súng xây thành

Mắt quầng thâm mất ngủ

Tàn đêm chiến cuộc, giờ chỉ còn hai tiếng yêu anh

Sao không hát cho những người còn mải mê

Lá rừng che kín đường về phồn hoa

Không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa

Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua

Rừng lá xanh xanh núi đồi chạy quanh.

Đời lính quen yêu gian khổ quân hành

Nghe từ ngày thơ khói súng triền miên

Đánh giặc lâu bền cho non nước bình yên

Lời hát xin gây rung động thật lâu

Đừng hát như chim giữa rừng lá sầu

Xin thật lòng qua câu hát đầu môi

Như lính giữa rừng yêu lá thấp mà thôi.

(Nhạc: Rừng Lá Thấp - Trần Thiện Thanh)



Đất anh ở và rừng anh thở

Sớm anh đi chiều lại trở về

Rừng vi vút những đêm gió thổi

Bóng anh chìm với bóng hư vô

Đôi khi đứng bên triền đá dựng

Anh hoang mang sợ núi đẻ mình

Có khi thấy con chồn con cáo

Anh giật mình lòng thoáng hãi kinh

Anh đi qua rừng cao quá đỗi

Anh đi về rừng quá đỗi cao

Anh thấy rồi, anh: con sâu gạo

Nằm rung rinh trong đám lá rì rào

Và buồn thảm ôi những chiều lặng lẽ

Núi và anh thành hai kẻ đăm chiêu

Núi ngó anh và anh ngó núi

Núi đụng trời anh đụng nỗi đìu hiu

Đất anh ở và rừng anh thở

Quá lâu ngày nên thấy hoang mang

Anh sống dở và anh chết dở

Giữa núi rừng cao ngất ngàn năm.

(Thơ: Ở Trong Rừng Lâu Ngày - Phạm Cao Hoàng)

Những người lính Việt Nam Cộng Hòa ấy, trong hai mươi năm dài, hàng hàng lớp lớp, tai nghe tiếng đạn réo, bom rơi mà lòng vẫn mềm như gió, sinh mạng treo đầu súng nhưng tim chẳng hận thù, ngày lội ruộng, đêm băng rừng nhưng mỗi lúc dừng chân lại tha thiết nhớ về mẹ, về em, về quê hương xóm làng, về những ngày thơ ấu.



Phải là người đã cùng chia với họ túi cơm sấy nguội lạnh, hớp nước hố bom, đi cùng họ hàng mười ngày không thấy ánh mặt trời, và khi dừng chân bên trảng trống ở bìa rừng, mới vừa tạm ngả lưng vào gốc cây chưa kịp lại sức, đã nghe lệnh tiếp tục lên đường thì mới cảm được trọn vẹn tấm lòng rất đỗi thô sơ nhưng vô cùng tha thiết của người lính trẻ ngâm nga câu hát bên rừng

Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm

Sương trắng rơi vai tôi buốt lạnh mềm

Chim muông buồn rủ nhau bay về đâu

Ngẩn ngơ lũ vượn gọi nhau

Nào những khi ôm thép súng tê tay

Đắm mắt theo bao hư ảo thở dài

Nơi chốn xa cuộc đời mẹ quẳng gánh

Em còn khều sáng ánh đèn từ sương mai

Mẹ biết bây giờ con ngồi hố nhỏ

Gió hẹn mưa thề một khi con về quê ngoại xưa

Để mẹ nhắn lời thăm

Trường làng cũ năm nào khi con còn bé nhỏ

Theo mẹ đến trường giờ đây con đường xưa còn đó

Tóc liều vờn gió ru hoài ...

Bận hành quân nên chắc khó thăm nhau

Nhưng có nhau như hơi thở vào đời

Tóc em còn có thơm hương cỏ may

Để anh nói chuyện ngày mai

Bạn bè anh theo lớp tuổi ra đi

Dăm đứa thân đôi khi chẳng trở về

Xin có em nguyện cầu cho đời anh

Đá mềm chân cứng để mẹ còn tương lai...

(Nhạc: Sương Trắng Miền Quê Ngoại - Đinh Miên Vũ)

“Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm...”

bài nhạc đầy cải lương nói về người lính

Nam Bắc phân tranh, chiến hào Nguyễn Trịnh

điệu Habanera nón sắt úp trên đầu

“sương trắng rơi vai tôi ướt...” rồi sao?

Vai ai ướt, Bắc kỳ hay Nam bộ?

đời lính thú lưu đồn quên cố thổ

“LÍNH” viết hoa, bao ngôn ngữ đều thừa

gặp lại bạn bè cũ vẫn như xưa

thằng nào cũng hát những bài ca tang chế

điệu Boléro như một lời trách khẽ

tiếng đàn đêm bỗng hóa tiếng than dài

phải rồi tiếng đàn quen thuộc ở Chu Lai

nắp hầm đầy rêu ta ngồi bưng mặt khóc

tay gõ nhịp kiểu sênh tiền lóc cóc

nhạc ngựa reo thấp thỏm giọng nam trầm

phải rồi tiếng đàn quen thuộc ở Chu Prong

dân “sinh Bắc tử Nam” không cần Trương Lương thổi sáo

thằng “ca sĩ lính Cộng Hoà” cụt đầu cây guitar chảy máu

khan giả hét “xung phong” qua tiếng hát ngậm ngùi

phải rồi tiếng đàn quanh quất đây thôi

thằng Nhái Hải quân, thằng Nhảy dù, thằng Lôi hổ

cũng tiếng đàn ấy xưa mà chẳng cũ

dù đứt một dây, gân cổ vẫn nghẹn ngào

mười năm mới gặp nhau mỗi đứa một cơn đau

cởi áo binh chủng sao hồn còn vằn vện

nói gì đây khi rửa tay gác kiếm

chỉ biết lặng im chờ thái độ tiếng đàn

tiếng đàn của binh nhì không giống sĩ quan

lại habanera, lại bolero, lại những bài hát ấy

không phải tango, không phải valse quý phái

mà rất rưng rưng con mắt kẻ giang hồ

“giải phóng” về ta bỏ súng làm thơ

bạn bè tàn phế phải ăn mày hát dạo

tiếng đàn từ đó trở thành ra giọt máu

máu đã ứa ra không thể ứa hai lần

không thể một gã lính dù đã từng cõng bạn tải thương

lại đóng ngược vào đời mình đinh nhọn

cảm ơn lời ca và tiếng đàn chưa muộn

đã đánh thức ta sau mười tuổi công hầu.

(Thơ: Đêm Lính Ngụy - Bùi Chí Vinh)



Người lính ấy suốt hai mươi năm, vai mang balô, tay ghì chặt súng lội qua những cánh đồng sinh lầy ở Đồng Tháp Năm Căn , nơi đỉa lội như bánh canh, muỗi kêu như sáo thổi, đi qua những địa danh xa lạ: Ashau, A lưới, Ia Drang, Toumorong, Pleime,... Chu Pao ai oán hờn trong gió, mỗi tấc khăn tang một khúc đường.

Anh miệt mài những ngày truy lùng địch nơi Cổ Thành Quảng Trị, bên dòng sông Dakbla cuồn cuộn nước phù sa đỏ ngầu như máu, đã có những người bạn anh nằm yên trong rừng cao su Đồng Xoài, trên bãi cát Sa Huỳnh hay trên cánh đồng miền Tây xanh ngát luống mạ non.

trời bỗng sầm đen tóe sấm sét

mặt đất ào ào trận pháo tuôn

trong thành phố tử thần co quắp

viên đạn cuối cùng đã bắn đi

người chết giữa trời - trên đồi cháy

hồn anh thảng thốt bay lên không

suốt dọc Trường Sơn đất run rẩy

mặt trời chưa thấy đêm dài ôi

từng khối lớn mênh mông đặc cứng

qua khe nhìn lại đồi C2

nhớ anh em ta đã nằm xuống.

(Thơ: Ngày Mưa Đọc Lại Dấu Binh Lửa - Đỗ Quý Toàn)

Thế nhưng người lính ấy, đi chiến đấu với tâm niệm “súng đạn dẫu vô tình nhưng lòng người thì độ lượng,” biết quý vô cùng sự sống nhưng cũng không ngại thản nhiên dấn thân vào nơi binh lửa.

nửa đêm kẻng giục, quân ra trận

kinh động cả lòng đêm tối bưng

nhận lấy ba ngày cơm gạo sấy

không buồn chỉ một chút bâng khuâng

đời ta là con số không vô tận

may trên đầu còn chiếc mũ rừng

mũ nhẹ nên coi đời cũng nhẹ

chiến tranh. Thì cũng tựa phù vân

(Thơ: Trước Giờ Tiếp Viện - Trần Hoài Thư)

Trong nỗi chịu đựng hy sinh, âm thầm nhưng kỳ vĩ, người lính vẫn sống và luôn gắng vượt qua chính mình và số phận, để ước mơ một giấc mơ hiền hòa về một ngày mai.

Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn

Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi

Ngoài con tim héo em ơi

Xin trả lại đây, bỏ lại đây

Thép gai giăng với lũy hào sâu

Lỗ châu mai với những địa lôi

Đã bao phen máu anh tuôn, cho còn lại đến mãi bây giờ

Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi

Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao

Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu

Với cây đa khóm trúc hàng cau

Với con đê có chiếc cầu tre

Đã bao năm vắng chân anh

Nên trở thành hoang phế rong rêu

Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa

Rồi anh sẽ đón cha mẹ về

Rồi anh sẽ sang thăm nhà em

Với miếng cau, với miếng trầu, ta làm lại từ đầu

Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm

Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn

Bạn anh đó đang say ngủ yên

Xin cám ơn! Xin cám ơn! Người nằm xuống

Để có một ngày, có một ngày cho chúng mình

Ta lại gặp ta, còn vòng tay mở rộng thương mến bao la

Chuông chùa làng xa, chiều lại vang

Bếp ai lên khói ấm tình thương

Bát cơm rau thắm mối tình quê

Có con trâu, có nương dâu

Thiên đường này mơ ước bao lâu!

(Nhạc: Một Mai Giã Từ Vũ Khí - Ngân Khánh)

Người lính không mơ ước lớn lao, chỉ mơ có ngày trả súng đạn, cởi chiến y về với em với mẹ, mơ có ngày sống sót để được đi tạ ơn những đồng đội đã nằm xuống cho anh và cho bao người được “làm lại từ đầu.”

Nhưng hôm nay, đã hơn 30 năm, có thật chiến tranh đã kết thúc? Người lính đã giã từ khẩu súng hôm qua, có thật được an phận sống đời một kẻ thường dân, được gặp lại con trâu bên nương dâu và có tìm được chốn thiên đường giản dị mà anh, cũng như bao lớp người đã bao lâu mơ ước?

Hai mươi năm chiến tranh, hơn năm trăm ngàn người lính đã để lại một phần thân thể trên chiến trường, và một số tương đương đã vĩnh viễn gục bên súng mũ bỏ quên đời, có ai trong chúng ta nhớ đến họ?

Từ trong tăm tối hận thù, người lính đã thắp sáng ý nghĩa đời người, đã từ cõi chết bước vào sự sống bất tử.

Xin cám ơn và chân thành nguyện cầu cho anh.

Hung Tran

Executive Producer

Vietnamese Language Group

SBS Radio

PO Box 294

South Melbourne

Victoria 3205 - Australia
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn