BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73326)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cần tôn trọng sự khác biệt cho đúng!

27 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 1072)
Cần tôn trọng sự khác biệt cho đúng!
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tạo Hóa đã sinh ra muôn loài vạn vật trong đó có con người, là một sự đa nguyên vô cùng phong phú. Điều đó cũng ẩn chứa vô vàn những phức tạp xuất phát từ sự khác biệt. Bản thân sự khác biệt luôn có xu hướng làm xô lệch trạng thái sinh tồn, trong đó “chọn lọc tự nhiên” là yếu tố then chốt thúc đẩy sự cân bằng tiến hóa. Mỗi khác biệt trong tự nhiên luôn tiềm ẩn những mầm mống xung đột sống còn. Vậy trong xã hội loài người, sự khác biệt ẩn chứa những điều gì, và chúng ta nên có thái độ tôn trọng sự khác biệt như thế nào cho đúng.



Ngoại trừ Kinh Thánh, chẳng có ai giải thích nổi điều kỳ diệu nào đã tạo ra sự khác nhau giữa người với người. Trên thế giới hiện có khoảng 7 tỉ người thì cũng từng ấy con người có vân tay khác nhau. Trong một vài cặp sinh đôi cùng trứng, ngoại hình của họ chỉ có thể tương đối giống, khá giống, hoặc rất giống, chứ họ không thể giống nhau hoàn toàn. Tương tự như vậy, ý nghĩ, tư duy, nhân sinh quan, thế giới quan, thái độ chính trị vv.., mỗi người mỗi khác. Ngay trong từng con người, do tác động ngoại cảnh dẫn đến sự biến đổi nội tâm, mỗi giai đoạn của cuộc đời, họ lại có thể có quan điểm sống, phong cách sống khác nhau. Đó là đặc trưng không thể phủ nhận về những khác biệt…

Như vậy tôn trọng sự khác biệt chính là biểu hiện của khoa học, văn hóa, lòng nhân ái, và tính nhân đạo. Nhưng vì sự khác biệt chỉ là tính chất, không phải mục đích, cho nên tôn trọng sự khác biệt đơn thuần chỉ là tôn trọng tính chất đa dạng, chứ không dính líu gì đến mục đích phát triển. Mục đích cuối cùng của mọi nỗ lực phấn đấu đều dành cho sự phát triển đi lên, hướng tới “chân lý, hoàn thiện và hoàn mỹ”. Vậy tôn trọng sự phát triển không liên hệ trực tiếp đến việc tôn trọng sự khác biệt hay không.

Ta tạm nhân cách hóa sự phát triển trong tự nhiên xem như thế nào: Theo triết lý của con Hổ thì việc nó ăn thịt con Linh Dương là đúng. Con Linh Dương có trách nhiệm để con Hổ ăn thịt mình, vì nếu không ăn thì con Hổ sẽ chết vì đói. Đối với con Linh Dương thì nó coi việc con Hổ ăn thịt mình là sai, vì nó không làm gì có hại cho con Hổ cả. Như vậy nếu con Linh Dương tôn trọng con Hổ thì nó sẽ chết. Hoặc nếu con Hổ tôn trọng con Linh Dương bằng cách không ăn thịt nó thì con Hổ cũng chết. Trong trường hợp này thì mọi khác biệt phải chấp nhận sự khắc nghiệt của chọn lọc tự nhiên: Sức mạnh và trí thông minh sẽ chiến thắng.

Qua câu chuyện trên ta thấy điều cuối cùng mà mọi loài nhắm tới, chính là sự phát triển, là sự sinh tồn. Mọi sinh vật chỉ cần tôn trọng sự khác biệt, khi những sự khác biệt ấy không xâm phạm lợi ích và quyền sống của những cá thể khác. Một khi lợi ích và quyền sống bị thách thức thì sự tôn trọng theo lối cùng phát triển sẽ phải nhường chỗ cho cuộc cạnh tranh sống còn, nếu chậm trễ thì sẽ bị những sự khác biệt khác lấn át, thậm chí là sự hủy diệt.

Trong tư duy chính trị, một số người luôn cho rằng tôn trọng sự khác biệt chính là tôn trọng sự đa nguyên. Điều đó không sai! Nhưng nếu không minh bạch vấn đề thì sẽ rơi vào trạng thái vô tình thủ tiêu tư tưởng đấu tranh. Người ta chỉ được phép tôn trọng sự khác biệt khi sự cạnh tranh giữa các luồng tư tưởng chính trị mang tính cùng phát triển, và nhất là phải theo hướng tích cực. Một khi các luồng tư tưởng hoàn toàn đối lập nhau về tính chất, nội dung, và mục đích, thì chỉ có một giải pháp duy nhất là triệt tiêu sự khác biệt. Nếu không, sự trả giá là không thể lường trước.

Như vậy ta nên chia sự khác biệt ra thành 2 nhóm: Một là sự khác biệt lành tính, cùng phát triển, cùng hướng tới một mục đích. Hai là sự khác biệt ác tính, cần phải loại trừ nhau để phát triển.

Khác biệt lành tính: Ta hãy hình dung trên một đồng cỏ có nhiều loài sinh sống như động vật gặm nhấm, động vật ăn cỏ, côn trùng vv… Chúng không trực tiếp gây hại cho nhau, mà chỉ có thể cạnh tranh theo cách ăn thật nhiều, sinh sản thật nhanh để tăng “dân số”. Như vậy loài nào thích nghi tốt hơn sẽ có cơ may tồn tại lâu dài…

Đối với xã hội loài người cũng vậy. Đơn cử như trong mỹ thuật, người ta sùng bái phong cách tả thực hay thích phong cách trừu tượng, thì đều vẫn là mỹ thuật. Người xem sẽ có đánh giá về mỗi loại phong cách, tùy theo khả năng cảm nhận và tùy theo cảm xúc của mình. hay trong âm nhạc, người ta có thể sáng tác theo lối “vẩy mực” hay theo khúc thức cổ điển, hay thiên về tiết tấu hiện đại, thì mỗi phong cách đều được tôn trọng. Người xem, người nghe thích phong cách nghệ thuật nào hơn thì phong cách đó thành công.

Một ví dụ là, gần đây có việc 36 nhà trí thức hải ngoại gốc Việt đã ký tên chung trong một bức thư ngỏ gửi giới chức cầm quyền cấp nhà nước Việt Nam. Dư luận đã có nhiều góp ý, nhận xét, phản biện. Riêng về ý kiến phản đối, tựu chung lại, không ai có quyền lên án hay thưa kiện 36 vị trí thức đã ký tên trong bức thư ngỏ đó, vì nó không trực tiếp gây hại về kinh tế, danh dự, nhân phẩm, hay vị trí chính trị của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Như vậy đây là một khác biệt lành tính. Nhóm 36 vị trí thức vừa được nhắc đến, không tuyên bố là họ đại diện cho một tổ chức dân sự nào. Đó chính là cách người ta cần phải làm để tôn trọng sự khác biệt.

Một ví dụ khác, từ chuyện ông cựu phó tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ đã về Việt Nam thăm quê năm 2004. Nếu ông Kỳ chỉ về nước thăm quê, hoạt động từ thiện hay làm kinh tế, thậm chí là hợp tác về chính trị với chế độ Cộng Sản, thì đương nhiên mọi hành vi phản đối ông chỉ được phép dừng lại ở việc tự do ngôn luận. Nhưng vì những phát biểu của ông Nguyễn Cao Kỳ đã có ý xúc phạm danh dự của một số đồng bào hải ngoại vốn là các cựu quân cán chính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, thì hành động đó cần được mổ xẻ, thậm chí là lên án. Đó cũng là một sự công bằng cần thiết, không nằm trong khuôn khổ của việc tôn trọng sự khác biệt.

Mở rộng hơn trong hệ thống chính trị đa nguyên của một quốc gia, mọi đảng phái, tổ chức đều có mục tiêu chung là làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội thật sự công bằng văn minh, đảng nào chứng minh được khả năng làm việc tốt nhất có lợi cho nhân dân và đất nước, thì họ sẽ được chọn làm lãnh đạo. Đó là việc tôn trọng sự khác biệt. Bởi những sự khác biệt giữa các đảng phái chính trị chỉ là sự khác biệt lành tính, không phải là sự khác biệt ác tính.

Sự khác biệt ác tính: Tất cả những khác biệt có thể trực tiếp gây hại cho những chủ thể khác (người, sinh vật, sự vật, tư tưởng, thái độ chính trị), đi ngược lại với sự phát triển lành mạnh, đều là sự khác biệt ác tính. Ví dụ tư tưởng của Hitler là một sự khác biệt ác tính. Nếu không loại bỏ tư tưởng ấy thì nhiều dân tộc trên thế giới sẽ bị diệt chủng. Tư tưởng Cộng Sản là một tư tưởng ác tính, vì nó xây dựng loại hình “Dân Chủ tập trung” – Một loại dân chủ không có thực, một thứ Độc Tài trá hình sẵn sàng tước đoạt quyền sống, quyền tự do của nhân dân. Tư tưởng cực đoan cũng là một sự khác biệt có xu hướng trở thành ác tính, vì một khi đã cực đoan thì người ta thường mất kiểm soát, có thể vô tình xâm hại đến quyền và lợi ích của các đối tượng khác.

Có người sẽ hỏi, đối với người bình thường, kẻ cướp có phải là sự khác biệt ác tính hay không? Chắc chắn đó là một sự khác biệt ác tính. Vì giả sử bọn cướp kia chưa thực hiện hành vi cướp đối với chúng ta, nhưng nếu có cơ hội, và ta đang có thứ mà chúng mong muốn, thì chúng ta sẽ bị cướp. Vậy nhất thiết ta phải báo cảnh sát hoặc trực tiếp tìm cách vô hiệu hóa bọn cướp đó, trong đó nên linh động bao gồm biện pháp giáo dục, khuyên can, tác động tư tưởng, hoặc tìm đồng minh chống lại chúng.

Có người sẽ hỏi, cùng một tư tưởng phi Cộng Sản, cùng ủng hộ thể chế Dân Chủ, nhưng có hai hay nhiều cách để đạt được, hoặc có khả năng, hoặc có mong muốn đạt được mục đích của tư tưởng đó, liệu chúng có phải là những sự khác biệt ác tính hay không? Hoàn toàn không! Chúng chính là những khác biệt lành tính. Nhưng nếu những con người cụ thể tìm mọi cách để bắt buộc những người khác phải từ bỏ phương pháp và cách thức tiến hành của họ để làm theo cách của mình, thì đó là những khác biệt ác tính. Vì nó tước đoạt quyền tự do hành động của những đối tượng khác. Mặc dù họ cùng một mục đích hướng tới.

Sự khác biệt ác tính và lành tính có quan hệ hai chiều: Mọi sự khác biệt lành tính là vô hại đối với nhau. Nhưng hai hay nhiều sự khác biệt nào đó có thể cùng là ác tính của nhau (ví dụ trong chiến tranh). Và cũng có thể sự khác biệt này là ác tính đối với sự khác biệt kia, ngược lại sự khác biệt kia thì lành tính đối với sự khác biệt ấy (ví dụ câu chuyện con Hổ và con Linh Dương chẳng hạn). Như vậy, khi xuất hiện một sự khác biệt ác tính, mâu thuẫn sẽ cần được giải quyết càng nhanh càng tốt, tránh việc sự khác biệt ác tính đó gây hại cho những sự khác biệt lành tính khác... 

Chúng ta cũng cần kể đến những sự khác biệt lành tính tiêu cực: Ở thế giới của động vật trong tự nhiên, nếu gặp nguy hiểm mà không biết cách hù dọa đối phương, chạy trốn, giả chết, hoặc phát ra mùi khó chịu để tấn công hay đánh lừa kẻ săn mồi thì đều là việc làm tự hại mình... Trong đời sống chính trị xã hội, tất cả những tư tưởng cầu an hưởng lợi, những phát biểu chung chung, thái độ ngoảnh mặt làm ngơ trước cái ác, để mặc cho bất công mặc nhiên lộng hành với mình và với đồng loại, cắn răng cam chịu, thỏa hiệp với tội lỗi để tránh bị đàn áp vv.., đều là những sự khác biệt lành tính tiêu cực. Đó là hành động thủ tiêu đấu tranh, mà đã không có đấu tranh thì không có sự phát triển đi lên.

Trên thực tế lại còn có những khác biệt ác tính tích cực, ví dụ như chuyện con chim sâu tiêu diệt con sâu (là ác tính đối với con sâu), nhưng vì con sâu là khác biệt ác tính đối với cây trồng, vì vậy việc bắt sâu là hành động tích cực, có tác dụng bảo vệ sự công bằng cho bên thứ ba. Câu chuyện thời sự nóng hổi ở Libya, nhờ liên quân NATO hỗ trợ tấn công mà phe nổi dậy đã tiêu diệt được tên trùm ác ôn Gadafi và chế độ độc tài của hắn, cũng là một ví dụ điển hình cho sự khác biệt ác tính tích cực. Tựu chung lại vấn đề, mỗi người cần tôn trọng sự khác biệt lành tính và phải có thái độ dứt khoát với sự khác biệt ác tính. Nhưng trong nội bộ một xã hội dân sự hoặc trong đấu tranh chính trị, không có nghĩa là ta bất chấp mọi thủ đoạn, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết bất đồng. Riêng trong chiến tranh nóng, người ta buộc phải chấp nhận bom đạn, vì không thể lấy tay không chống lại xe tăng, máy bay, tàu chiến. Vậy thái độ tôn trọng sự khác biệt thế nào cho đúng, cần áp dụng trong mỗi hoàn cảnh, tùy môi trường, và từng thời điểm để ta có cách hành xử sao cho phù hợp nhất.

Lê Nguyên Hồng

23-10-2011

Theo Công Dân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn