BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73329)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Toán Delta và Chiến Dịch Truy Tầm Mật Khu Bắc Việt

20 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 2631)
Toán Delta và Chiến Dịch Truy Tầm Mật Khu Bắc Việt
53Vote
41Vote
30Vote
20Vote
116Vote
1.820
SƠ LƯỢC HÌNH THÀNH KẾ HOẠCH DELTA CỦA LỰC LƯỢNG ĐẶC BIỆT VIỆT-MỸ

Trong bài viết giới thiệu đơn vị đặc nhiệm Nghiên cứu và Quan Sát (Studies and Observations Group, gọi tắt là SOG), chúng tôi đã lược trình một số hoạt động của các toán Biệt kích trong nhiệm vụ xâm nhập và tấn công một số vị trí của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tại miền Bắc, tại Lào và Cam Bốt trong năm 1964. Cũng vào năm này, song song với các hoạt động của các toán thuộc SOG do các sĩ quan Hoa Kỳ điều hành và chỉ huy, bộ Tư Lệnh Lực lượng Đặc Biệt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã phối hợp với Phái Bộ Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ Tại Việt Nam tổ chức các toán xâm nhập vào các khu vực hậu cứ của Cộng quân từ phía Nam Vĩ Tuyến 17 đến miền Tây-Nam phần và khu vực dọc biên giới, để thu thập tin tức tình báo, tìm các đơn vị và đường tiếp vận của địch quân. Thực hiện kế hoạch thử nghiệm này, ngày 15 tháng 4/1964, một toán biệt kích VNCH và Dân Sự Chiến Đấu (Civil Irregular Defense Group, gọi tắt là CIDG hay theo tiếng Việt là DSCĐ) do Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) chỉ huy bắt đầu thực hiện các chuyến công tác thám sát dưới ám danh mang mã số Leaping Lena.

Hoạt động của toán nói trên đã làm nền tảng cho kế hoạch thành lập một đơn vị tình báo Việt-Mỹ hỗn hợp có đủ khả năng thực hiện các công tác nguy hiểm nhưng góp phần vào quyết định thế trận trên chiến trường theo nhu cầu của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH và Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV). Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, vào tháng 10/1964, Kế Hoạch Delta được chính thức khởi động, và đến tháng 6/1965, Lực lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ cho thành lập một đơn vị lấy tên là toán Biệt Phái B-52 để phối hợp với Lực Lượng Đặc Biệt VNCH điều hành bộ chỉ huy kế hoạch. Dựa theo tài liệu của Lực lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ, hồi ký của Đại Tướng Williams Westmoreland và một số bài viết được phổ biến trong tạp chí KBC, tiến trình hoạt động của Kế Hoạch Delta và vai trò của toán B-52 được ghi nhận như sau:

Tháng 9/1965, toán B-52 bắt đầu một chương trình huấn luyện cho quân nhân bổ sung cho toán về kỹ thuật thám báo. Một năm sau, toán B-52 thành lập trường huấn luyện mang tên là MACV Recondo dựa trên chương trình nói trên, kế hoạch thành lập trường này được thực hiện sau khi Đại Tướng Westmoreland ra lệnh cho Liên Đoàn 5 LLĐB Hoa Kỳ huấn luyện chiến binh thám kích cho các đơn vị thám báo Lục Quân. Trường Recondo còn huấn luyện cho các quân nhân lực lượng đồng minh suốt cuộc chiến ở Việt Nam.

Trở lại với Kế Hoạch Delta, từ khi hình thành cho đến năm 1965, lực lượng để thực hiện kế hoạch này gồm 6 toán tình báo đặc nhiệm, mỗi toán gồm 8 chiến binh Lực Lượng Đăc Biệt VNCH và 2 quân nhân LLĐB Mỹ. Sáu toán này được Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Nhảy Dù (BCND) yểm trợ (sau năm 1968, đơn vị này được cải danh thành Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, đến giữa năm 1970, tiểu đoàn này sát nhập với Trung Tâm Huấn Luyện Hành Quân Delta để trở thành Liên Đoàn 81 BCND).

TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TOÁN DELTA VÀO LÒNG ĐỊCH

Trong giai đoạn đầu, Kế Hoạch Delta cũng được hình thành như một trại hỏa lực theo mẫu của trại Pleime của Thiếu Tá Beckwith, sau này được giao cho Biệt Kích Quân (Mike Forces) tiếp ứng. Trong hai năm kế tiếp, hoạt động của Kế Hoạch Delta được mở rộng với nhiều nhiệm vụ đặc biệt, trong đó có nhiệm vụ thu thập tình báo. Các nguồn tin tình báo của Kế Hoạch Delta được thu thập bởi các toán tình báo, những cảm tử quân đơn thân độc mã của Kế Hoạch Delta được tổ chức thành 2 biệt đội khác nhau: Biệt Đội Đột Kích Recondo với 16 toán, mỗi toán sáu quân nhân, gồm 3 chiến binh Lực Lượng Đặc Biệt VNCH và 3 quân nhân LLĐB Mỹ. Các toán tình báo này xâm nhập vào các căn cứ Cộng Sản Bắc Việt (CSBV), thu thập tin tức, bắt tù binh, hướng dẫn Pháo Binh và Không Quân oanh tạc hoặc hướng dẫn các đại đội Biệt Kích Quân tiếp ứng vào các mục tiêu khi cần thiết. Các chuyến công tác tình báo của các toán này thường kéo dài 5 ngày, sau đó toán rút ra điểm chọn trước để được bốc về và tin tức được báo lên bộ chỉ huy.















Biệt đội thứ hai gồm có 8 toán, mỗi toán có 4 người thuộc các sắc tộc Thượng, Nùng, hoặc người Miên ở các tỉnh Nam phần, phương thức hoạt động khác với các toán tình báo nói trên. Các toán này len lỏi hoạt động trong lòng địch, ăn mặc, trang bị và mang theo giấy tờ trong người y như cán binh Bắc Việt hay Việt Cộng hiện diện trong vùng. Các toán viên phải học thuộc tin tức và các câu chuyện của địch để không bị địch phát hiện khi chạm mặt. Do hoạt động công khai nên họ được gọi là "chó chạy đường mòn" (road runner). Trong thời gian các toán này hoạt động, máy truyền tin được mở 24/24 giữ liên lạc với các toán viên trên cùng tần số kêu phi cơ khi cần yểm trợ.

Các toán tình báo và các toán len lỏi được các đơn vị hỏa lực và phản công của Kế Hoạch Delta yểm trợ tối đa, các toán ứng chiến của đơn vị phản công luôn luôn sẵn sàng để được bốc đi tiêu diệt các mục tiêu do các toán tình báo và len lỏi tìm ra, giải cứu trong trường hợp khẩn cấp.

Một nguồn yểm trợ khác được giao cho trung đội súng cối CIDG người Nùng và trung đội Bom Phá Hoại. Hai trung độ này được tăng cường gấp đôi để trở thành phản ứng cấp thời cho kế hoạch Deltạ Kế Hoạch Delta có một bộ chỉ huy thường trực ở Nha Trang và các bộ chỉ huy tiền phương ở các chiến trường. Do tầm hoạt động rộng lớn, nên toán B-52 (bộ phận điều hành kế hoạch Delta) có một nguồn nhân lực yểm trợ lớn gồm 200 nhân viên dân sự, từ thợ điện, thợ mộc cho tới nữ thư ký và nữ y tá.

ĐỘI HÌNH CỦA CÁC TOÁN XÂM NHẬP

Về điều kiện hoạt động, các toán tình báo và len lỏi của Kế Hoạch Delta được các trực thăng chở đi lúc trời chạng vạng để nhảy vào vùng địch, thường có hai trực thăng võ trang hộ tống. Trên đường bay đến vùng xâm nhập, trực thăng chỉ huy dẫn đầu đội hình, tiếp theo là 1 trực thăng thả quân, hai trực thăng thu hồi và sau cùng là hai trực thăng võ trang xung kích.

Trong khi hai trực thăng võ trang bay vòng vị trí xâm nhập, trực thăng điều động hai trực thăng thu hồi bay ở cao độ cao hơn. Phi công trực thăng chỉ huy điều động trực thăng thả quân đến ngay địa điểm sau khi sĩ quan chỉ huy trên trực thăng chỉ huy xác định tọa độ. Trong rừng rậm, các toán dùng thang giây để lên xuống trực thăng. Hai trực thăng phụ trách thu hồi chuẩn bị bốc quân và phi hành đoàn trong trường hợp trực thăng thả toán xâm nhập bị rớt hoặc gặp hỏa lực địch.

Trong khi đó, một phi cơ thám thính bay trên vùng không phận khu vực để gọi phi cơ oanh kích khi cần. Toàn bộ đội hình nói trên được áp dụng trong các cuộc đổ bộ ngụy trang trước hoặc sau khi xâm nhập. Mọi biện pháp cứu nguy cũng quan trọng như xâm nhập tùy theo thời tiết và tình hình tác chiến. Đầu tiên phi cơ thám thính bay đến khu vực để xác định địa bàn đổ quân, tiếp đó là phi cơ chỉ huy xác định điểm đổ quân rồi ra lệnh cho trực thăng xâm nhập đổ quân.

TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN VÀ HÀNH QUÂN DELTA

Đầu năm 1966, Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt VNCH phối trí lại Kế Hoạch Delta, cải danh bộ phận này thành Trung Tâm Huấn Luyện Hành Quân Detla với sự yểm trợ trực tiếp của Toán B-52 LLĐB Hoa Kỳ về quân trang, quân dụng, vũ khí cũng như các phương tiện nhu cầu cho chương trình huấn luyện thám sát và hành quân Delta. Đơn vị đặc nhiệm này có 12 toán thám sát Delta được đánh số từ 1 đến số 12, và 12 toán thám kích tiền phong, mỗi toán gồm 6 người.

Toán Delta gồm những chiến binh của Quân Lực VNCH, toán trưởng là một sĩ quan cấp bậc ấn định theo bảng cấp số là trung úy, toán phó là hạ sĩ quan và bốn toán viên thuộc hàng binh sĩ. Mười hai toán Thám Kích Tiền Phong mà LLĐB Hoa Kỳ tại Việt Nam gọi là toán "Road Runner" như đã trình bày ở phần trên, do chính LLĐB Hoa Kỳ tuyển mộ, huấn luyện và trả lương trực tiếp. Từ năm 1965 đến 1969, mỗi lần các toán Delta thi hành nhiệm vụ xâm nhập thì vẫn có 2 cố vấn LLĐB Hoa Kỳ nhảy theo toán để giúp về liên lạc không trợ. Riêng trong các toán Thám Kích Tiền Phong cũng có 2 quân nhân LLĐB Hoa Kỳ lãnh nhiệm vụ chỉ huy thay vì cố vấn như ở toán Delta.

Về các cấp chỉ huy, từ năm 1966 đến cuối năm 1967, chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện & Hành Quân Delta là Thiếu Tá Phạm Duy Tất (tháng 3/1975 ông là Chuẩn Tướng Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân ở Quân Khu 2, chỉ huy cuộc triệt thoái bằng đường bộ của lực lượng Quân Đoàn 2 từ Pleiku về Phú Yên). Từ cuối năm 1967 đến tháng 7/1970 là Thiếu Tá Phan Văn Huấn (sau đó Thiếu Tá Huấn được thăng trung tá và giữ chức Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, ông được thăng đại tá tại mặt trận An Lộc vào mùa Hè năm 1972).

Theo hồi ký của cựu sĩ quan LLĐB Nguyễn Văn Khách, một trong những sĩ quan đầu tiên của Bộ Chỉ Huy Kế Hoạch Delta thì khi mới thành lập, doanh trại của đơn vị này đặt tại Nha Trang và không có chỉ huy trưởng chính thức. Về phía Lực Lượng Đặc Biệt VNCH, sĩ quan có cấp bậc cao nhất là Thiếu Tá Huỳnh Văn Thơm, nhưng ông chỉ giữ chức vụ sĩ quan phối hợp giữa Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt VNCH và Toán Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ trong trại.

Ngoài Thiếu Tá Thơm có ông Nguyễn Văn Khách, lúc bấy giờ là đại úy đảm nhiệm công việc của một sĩ quan điều hành. Về phía Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ tại doanh trại, sĩ quan có cấp bậc cao nhất là Đại Úy Richardson. Cũng theo lời của ông Nguyễn Văn Khách, trong giai đoạn đầu, Bộ Tư Lệnh Không Quân VNCH biệt phái dài hạn cho Kế Hoạch Delta hai vận tải cơ và 4 trực thăng H-34 cùng với phi hành đoàn. Đến năm 1966, các phi cơ của Không Quân VNCH biệt phái được trả về đơn vị gốc, thay vào đó là một đại đội trực thăng của Lục Quân Hoa Kỳ.

Về yểm trợ tác chiến trong các cuộc hành quân, trong giai đoạn đầu, Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt VNCH đặt thuộc quyền sử dụng của Bộ Chỉ Huy Kế Hoạch Delta hai đại đội Biệt Cách Nhảy Dù để làm lực lượng ứng chiến. Hai đại đội này trong số 4 đại đội Biệt Cách Nhảy Dù của Lực Lượng Đặc Biệt được thành lập từ năm 1961 để yểm trợ cho chương trình Lôi Vũ. Bốn đại đội này hoạt động độc lập có hậu cứ tại Thủ Đức sau được điều ra Nha Trang đồn trú tại Động Ba Thìn, kế đến được tập trung để thành lập Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Nhảy Dù. Đến năm 1968, như đã trình bày ở phần trên, tiểu đoàn được cải danh thành Tiểu Đoàn 81 BCND, và đã cùng với Trung Tâm Huấn Luyện và Hành Quân Delta tổ chức nhiều cuộc hành quân xâm nhập vào sào huyệt của Cộng quân.

TOÁN B-52 DELTA TỬ CHIẾN TẠI MẬT KHU AN LÃO, 1966

Trong cuộc chiến Việt Nam, Kế Hoạch Detla là một kế hoạch hành quân của các Lực Lượng Đặc Biệt Việt-Mỹ với chủ ý xâm nhập vào vùng đất hậu cứ của quân Bắc Việt, thâu thập tin tức tình báo để cung cấp những yếu tố về chiến thuật, chiến lược cho các kế hoạch quy mô của các đơn vị bộ chiến và đơn vị tổng trừ bị của liên quân Việt-Mỹ. Kế hoạch được hình thành vào tháng 10 năm 1964 do các quân nhân LLĐB Việt-Mỹ phụ trách. Để yểm trợ cho Kế Hoạch Delta, tháng 6-1965, Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cho thành lập một bộ phận có tên là Biệt Phái B-52.

Ngoài nhiệm vụ phối hợp với Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam điều hành kế hoạch, các toán trong bộ phận Biệt phái B-52 còn đảm trách các chuyến công tác tình báo bí mật theo yêu cầu của Bộ Chỉ Huy Yểm Trợ Quân Sự và Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam. Theo tài liệu của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ, trong giai đoạn đầu, các hoạt động thâu thập tình báo đã gặp nhiều khó khăn và không tránh được tổn thất như một số chuyến công tác tình báo sau đây của các toán thuộc B -52 tại vùng địch trong năm 1966.

CHUYẾN CÔNG TÁC XÂM NHẬP VÀO MẬT KHU AN LẪO

Vào đầu năm 1966, trước khi khởi động cuộc hành quân Masher (cuộc hành quân từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 1/1966 ở quận Bồng Sơn, tỉnh Bình Định), Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ yêu cầu Kế Hoạch Delta cung cấp thông tin tình báo trong thung lũng An Lão ở phía Tây của tỉnh Bình Định. Để thực hiện công tác, một liên toán của Bộ Phận Biệt Phái B-52 do Thiếu Tá Charlie Beckwith rời Nha Trang trên một phi cơ C-123 và hạ cánh xuống Bồng Sơn ngày 26 tháng 1 năm 1996. Kế hoạch không dự trù và chuẩn bị đầy đủ cho các tình báo viên nên họ đã phải xâm nhập vào vùng hành quân trong ngày hôm sau dưới thời tiết không thuận lợi.

Theo kế hoạch, toán Eskimo sẽ do Thượng Sĩ Nhất Henry A. Keating chỉ huy gồm 5 trung sĩ Lực Lượng Đặc Biệt. Ngày 28 tháng 1/1966, toán này chạm súng với Cộng quân, một hạ sĩ quan tên là Dupnis bị thương nặng ở đầu vì miễng lựu đạn. Sau đó, toán trèo lên một cao điểm nhìn xuống thung lũng gọi máy xin bốc về. Trực thăng bay vòng vòng hai tiếng đồng hồ dưới cơn mưa tầm tã mà vẫn không tìm ra vị trí của toán. Sau khi trở về để đổ xăng, trực thăng bay trở lại và tìm ra vị trí của toán, nhưng không đáp xuống được nên đã thả thang dây xuống bốc cả toán đang chờ dưới đám cỏ cao.

Toán thứ hai có danh hiệu là Capitol, gồm 6 binh sĩ Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ do Thượng Sĩ Nhất Frank R. Webber Jr. chỉ huy đã len lỏi trên vài nhánh đường mòn trong ngày 28 tháng 1/1966, nhưng rồi bị dân cưa cây trong rừng thấy được. Ngay sau đó, để tránh sự phát hiện của địch quân, Thượng Sĩ Webber dẫn cả toán đến mô đất cao để đóng quân qua đêm. Mưa lớn và sương mù dày dặc gây khó khăn lớn cho toán khi len lỏi qua các bụi rậm lớn dầy đặc đến nỗi họ phải bò. Đến trưa ngày 29 tháng 1/1966, toán đến một chỗ quang đảng nhỏ, chuẩn bị vị trí phòng thủ rồi chuẩn bị thảo luận sẽ làm gì kế tiếp.















Đột nhiên, những tràng súng máy của quân Bắc Việt ria tới làm cho Thượng Sĩ Jeese L. Hancok chết ngay tại chỗ, Trung Sĩ Nhất George A. Hoagland bị thương nặng và té nhào xuống đất, hấp hối. Thượng Sĩ Trưởng Toán Webber và Thượng Sĩ Marlin C. Cook cũng bị thương ngay ở loạt đạn đầu. Rừng chung quanh quá rậm nên không ai biết hướng đạn từ đâu bay tới. Thượng sĩ Cook bị trúng đạn ở bụng và lưng. Nhưng mặc dầu bị tê liệt từ eo trở xuống, ông cũng cố gắng ôm súng bắn trả. Cánh tay dưới của Thượng Sĩ Webber bị nát nhưng ông cũng phản xạ được, trong khi Trung Sĩ Charles F. Hiner chạy đến vị trí của Thượng Sĩ Cook chụp lấy máy truyền tin ở sau lưng ông ta và gọi máy về. Trung Sĩ Nhất Donald L. Dotson bị bắn qua ngực nên đã tử trận trong khi cố di chuyển qua bãi trống.

Trung Sĩ Hiner liên lạc được với một phi cơ thám thính và chỉ đường. Sau khi nhận ra lựu đạn khói của Hiner, phi cơ thám thính gọi 2 trực thăng võ trang đến. Sau vài phút đầu gặp khó khăn để tìm ra địa điểm của toán, hai trực thăng bay trên đầu và theo lời khẩn khoản của Hiner, đã xạ kích ngay chung quanh anh. Hiner bị thương nhưng hỏa lực Cộng quân vẫn dữ dội. Webber bò lên đến bìa bãi trống lôi Cook về tảng đá chỗ của Hiner. Ít phút sau, Cook tử nạn vì trực thăng ria đạn nhầm vào bãi trống. Lúc này, toán chỉ còn Webber và Hiner sống và cả hai đều ngất xỉu vì mất máu, riêng Hiner xỉu trên máy truyền tin nhưng rồi tỉnh lại kịp lúc để nghe toán phản công của Trung Úy Holland đang tìm đường đến nhưng cần một ám hiệu khói. Mười 10 phút sau, toán cứu nguy đến nơi, thang giây được thả xuống để bốc 2 hạ sĩ quan bị thương và 4 hạ sĩ quan tử trận ra khỏi khu rừng.

Toán thứ ba mang ám danh Roadrunner, và toán này do Thượng Sĩ Marcus Huston chỉ huy. Ngày 28 tháng 1/1966 cả toán giao chiến với bộ đội Bắc Việt ở gần một con suối nhưng rồi thoát được len lỏi lên một ngọn đồi và bị địch quân tấn công lần thứ hai. Trung Sĩ Frank Badolati bị trúng đạn ở cánh tay trái phần trên nặng đến nổi muốn lìa ra. Một số hạ sĩ quan đã khai hỏa tối đa để yểm trợ cho mọi người thoát khỏi khu vực. Trung Sĩ Badolati năn nỉ toán để anh ở lại cầm chân địch quân để cả toán chạy thoát thân. Một cành cây được chặt để băng bó cho tay anh rồi chích morphine 4 lần trong cuộc rút lui. Toán Roadrunner chạy đến một mỏm đá mới rồi gọi máy về nhưng ngay sau đó phải phân tán vì hỏa lực địch. Thượng Sĩ Huston và Trung Sĩ McKeith dìu Badolati theo mặc dù anh ta phản đối, chiến binh này hiểu rằng các đồng đội không chịu đi nếu anh ta không cất bước nên anh buộc lòng phải đi. Cuối cùng thương tích không cho anh ta đi nổi nên anh bảo Huston, "Hãy tự thoát đi."

Huston và Mckeith đặt Badolati nằm giữa đống đá cuội gần một con suối khe núi, chuẩn bị trận quyết tử sau cùng. Badolati tắt thở hai giờ sau. Toán đặt xác anh tại một khe suối rồi tiếp tục di chuyển cho đến khi trời tốị Sáng hôm sau, Huston và McKeith được một phi cơ L-19 tìm ra và trực thăng bay tới bốc về.

Một phân toán thứ hai cũng thuộc Roadrunner dưới quyền chỉ huy của Trung Sĩ Wiley W. Gray cũng bị Cộng quân tấn công trước khi tới được điểm bốc về. Trung Sĩ Gray nghe Trung Sĩ Ronald Terry hét lên là đã bị trúng đạn nên quay lại nhìn thấy anh ta hai tay ôm chặt người. Chỉ trong vòng vài giây Terry bị trúng đạn nữa và chết. Gray không thể nào tìm ra Hodgson, đột nhiên trực thăng võ trang bay trên đầu lại xạ kích để bốc Huston và Mc Keith thuộc phân toán 1 (đã trình bày ở trên). Gray bối rối nên không ra mặt để phát tín hiệu cấp cứu, đến gần chiều anh mới bắn đạn lửa ra dấu cho trực thăng đến bốc. Về phần Thiếu Tá Beckwith (chỉ huy liên toán), ông đã bị thương trên trực thăng trong lúc điều động quân về và được thay thế.

CUỘC ĐỘT KÍCH VÀO CHIẾN KHU C VÀ KHE SANH

Sau cuộc hành quân tháng 2 năm 1966, Kế Hoạch Delta được chấn chỉnh và thi hành nhiều công tác tình báo khắp Cao Nguyên Trung Phần qua Vùng 1 và Vùng 2 chiến thuật. Trận đánh khốc liệt khác lại xảy ra trong cuộc hành quân từ 9 tháng 8 đến 5 tháng 9/1966) khi bộ phận Delta được đặt dưới quyền điều động của Lữ Đoàn 196 Bộ Binh Hoa Kỳ tại Chiến Khu C. Trong cuộc hành quân này, các toán Delta xâm nhập vào hệ thống đường mòn chằng chịt của tỉnh Sông Bé và Tây Ninh, thông thương với Căm Bốt. Quân Bắc Việt cố né giao tranh với Lực Lượng Đặc Biệt vì sợ các cuộc oanh kích, nhưng vào buổi tối ngày 27 tháng 8, Bộ Chỉ Huy Hành Quân mất liên lạc với toán 2.

Trong khi điều động các toán, Thiếu Tá Robert E. Luttrell (chỉ huy phó toán Biệt Phái B-52), được một phi cơ báo về cho biết đã nhìn thấy khói đỏ và dùng gương phản chiếu xuống họ. Các trực thăng được phái tới và Trung Sĩ Quân Y Timothy O'Connor bất chấp hỏa lực mạnh đã nhoài người ra kéo Trung sĩ Johnny Varner vào trực thăng. O'Connor bị thương ở đùi khi cố với người tới Trung Sĩ Engene Morean đã chết. Một chiến binh Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam trong toán đã bò lên phía trực thăng bên kia và trực thăng cất cánh trong khi các súng tự động nhã đạn như mưa vào chỗ đáp. Ngay sau đó, một chiến binh Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam khác được tìm thấy trong rừng và đã được cứu. Đại Đội 4 của Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Nhảy Dù VNCH được phái đến trận địa sau khi trời tối, thu hồi hai xác chết của Trung Sĩ Morean và Hạ Sĩ Mộ Mặc. Trong cuộc hành quân, có 1 chiến binh Lực Lượng Đặc Biệt tử trận, 4 bị thương, nhưng các cuộc oanh kích do toán Delta chỉ dẫn đã gây thiệt hại nặng cho Cộng quân.

Các toán đặc nhiệm của Kế Hoạch Delta trở lại Chiến Khu C trong cuộc hành quân khác (danh số 10-66) vào cuối tháng 9/1966, sau cuộc tìm kiếm một phi cơ F-4 Phantom rớt gần căn cứ Cam Ranh nhưng không tìm ra phi hành đoàn tử nạn. Sau đó, vài cuộc oanh kích được sử dụng để triệt hạ một số cơ sở hậu cần của Việt Cộng. Ngày 15 tháng 10/1966, đơn vị lại được chở đến Khe Sanh trong cuộc hành quân có danh số là 13-66, tìm thấy một kho hậu cần khổng lồ của Bắc Việt ở phía Nam Khu Phi Quân Sự gần biên giới Việt-Lào. Không Quân được điều động thực hiện cuộc oanh kích dữ dội gây thiệt hại lớn cho khu hậu cần này với những tiếng nổ và lửa kho đạn bốc lên.

Trong giai đoạn 2 cuộc hành quân, một toán trinh sát bị bộ đội Bắc Việt phục kích. Một hạ sĩ quan là Trung Sĩ Dyer tử thương. Các chiến binh Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam liền lập vòng đai bảo vệ cho Trung Sĩ Russell Bott săn sóc cho chỉ huy toán là Thượng Sĩ Willie Stark dù bị bao vây và địch quân đông.

Sau cuộc hành quân 13-66, bộ phận Kế Hoạch Delta có thêm 3 cuộc hành quân kế tiếp đã được chuẩn bị nhưng cuối cùng bị bãi bỏ vì chương trình huấn luyện tại Nha Trang. Đến năm 1967, một thành phần Kế Hoạch Delta tái xâm nhập vào thung lũng An Lão trong cuộc hành quân (danh số 4-67) của Sư Đoàn 1 Không Kỵ. Bắt đầu từ ngày 3 tháng 4 năm 1967, Kế Hoạch Delta đã thực hiện 52 chuyến công tác tình báo và đã ghi nhận rằng không có nhiều Cộng quân vì các đường mòn và các trạm bị bỏ hoang.

Vương Hồng Anh
Ý kiến bạn đọc
17 Tháng Chín 20222:30 CH
Khách
BK DELTA có liên quan gì với BKNB (ĐU Nguyễn Hữu Luyện không ?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn