BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62213)
(Xem: 39391)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trận Tử Chiến Nam-Đông của LLĐB Việt-Mỹ

20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 1945)
Trận Tử Chiến Nam-Đông của LLĐB Việt-Mỹ
58Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.99
Vào tháng 10/1964, Liên Đoàn 5 Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) Hoa Kỳ được điều động đến Việt Nam để yểm trợ cho Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Một trong những nhiệm vụ của liên đoàn này là phối hợp với các lực lượng VNCH tổ chức và thiết lập các trại Lực Lượng Đặc Biệt biên phòng ngay trong yết hầu của địch. Trước đó, trong khoảng thời gian từ 1961 đến tháng 9/1964, Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt VNCH và các Bộ Tư Lệnh Vùng Chiến Thuật tổ chức một hệ thống trại biệt lập rải rác khắp lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Tại Khu Chiến Thuật 11 (gồm hai tỉnh Quảng Tri và Thừa Thiên) thuộc Vùng 1 Chiến Thuật, Lực Lượng Đặc Biệt Việt-Mỹ đã thiết lập một số trại tại phía Tây gần biên giới Việt-Lào, trong đó có trại Nam Đông, cách Huế khoảng 40 km đường chim bay, và cách biên giới Việt-Lào khoảng 24 km. Trại này có quân số gồm 300 binh sĩ Việt Nam mà phần lớn thuộc các sắc tộc Thượng.

Theo lý thuyết tổ chức, mỗi trại có 3 đại đội Dân Sự Chiến Đấu (DSCĐ), mỗi dại đội có quân số 132 người, ba trung đội viễn thám, một phân đội súng nặng gồm 2 đại bác không-giật 105 ly, một ban Tâm Lý Chiến, và 1 ban chỉ huy trại, tổng cộng có 530 người trên bảng cấp số cho mỗi trại. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều trại chỉ có quân số từ 300 đến 400 và không có đủ các bộ phận theo cấp số đã ấn định. Về hệ thống điều hành, mỗi trại có một toán A/Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam chỉ huy trại và một Toán A Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ làm cố vấn.

Mỗi toán A/Lực Lượng Đặc Biệt gồm có một sĩ quan toán trưởng, một sĩ quan toán phó và 10 hạ sĩ quan chuyên viên. Tại trại Nam Đông, toán Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ là toán A-726 do Đại Úy Roger H. C. Donlon làm toán trưởng. Tại trại Nam Đông, tài liệu của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ ghi rằng trại này do toán A/Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ chỉ huy và không thấy đề cập đến Toán A Lực Lượng Đặc Biệt VNCH mà theo lý thuyết chịu trách nhiệm chỉ huy trại như đã trình bày ở trên.

TRẬN CHIẾN TẠI NAM ĐÔNG TRONG ĐÊM 6 THÁNG 7/1964

Kể từ khi Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) gia tăng hoạt động quân sự quấy rối tại miền Nam, chuyển từ du-kích chiến sang vận-động chiến từ năm 1960 với các trận giao tranh cấp tiểu đoàn, vào thượng tuần tháng 7/1964, lần đầu tiên tại khu vực phía Tây Nam tỉnh Thừa Thiên, gần biên giới Việt-Lào, Cộng quân đã tiến hành một cuộc tấn công lớn với hỏa lực mạnh để đánh chiếm một trong những tiền cứ biên phòng tại khu vực này, và trại Nam Đông là mục tiêu đầu tiên. Đây cũng là trận đánh đã được các nhiều thông tấn quốc tế, như đài BBC, và các nhật báo tại Saigon tường thuật trong bản tin hàng ngày, và đã được ghi vào chiến sử của Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ.

Dựa theo tài liệu quân sử của Lực lượng Đặc biệt VNCH và Hoa Kỳ, hồi ký của Đại Tướng Williams Westmoreland, Nhà Xuất Bản Thế Giới, một số bài viết trong tạp chí KBC, diễn tiến về trận tấn công của quân Bắc Việt vào trại Nam Đông vào thượng tuần tháng 7 năm 1964 được ghi nhận như sau:

Vào hai ngày 3 và 4 tháng 7/1964, các toán tuần tiễu của trại đã phát giác nhiều dấu vết chứng tỏ có sự hiện diện đông đảo của Cộng quân, ngoài ra một toán tuần tiễu đã tìm thấy xác 2 viên trưởng-ấp bị Cộng quân sát hại. Đến đêm 5 tháng 7, tình hình thật căng thẳng đến nổi một binh sĩ Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ viết thư về cho vợ nói, Hỏa ngục muốn nổ tung ra trước khi trời sáng.















Sáng hôm sau, ngày 5 tháng 7, Đại Úy Roger H.C Donlon (chỉ huy toán A-726) và lực lượng Dân Sự Chiến đấu tại trại này tuần tiễu quanh khu trại. Dựa vào tình hình, Đại Úy Donlon ước định rằng Cộng quân sẽ tấn công ngay trong đêm. Hai giờ 25 sáng ngày 6 tháng 7, Đại Úy Donlon đi tuần tra quanh trại, mọi sự đều yên tỉnh đã làm ông lạnh gáy, linh tính báo có cái gì xấu sắp xảy ra.

Không phải chờ đợi lâu, linh tính của Đại Úy Donlon đã thành sự thật trong chốc lát sau đó. Một trái súng cối của địch rớt trên đầu nổ tung trại làm sập căn nhà ăn mà Đại Úy Donlon sắp bước vào. Một trái thứ hai trúng và làm cháy bộ chỉ huy trại. Tiếp đó, súng lớn, súng nhỏ của Cộng quân ầm ầm khai hỏa, đạn bay rào rào vào trại.

Một quả đạn súng cối nổ gần làm Đại Úy Donlon té sấp xuống đất, ông cố gượng bò lấy cây súng và bắn qua màn đêm trước mắt, rồi ông di chuyển đến vị trí kế cận để tìm đạn. Qua chớp sáng của đạn lửa, Đại Úy Donlon nhìn thấy 3 cán binh Cộng Sản người quấn thuốc nổ đang bò vào trại. Ông gạt khẩu AR-15 ở vị trí dành cho tác xạ bán tự-động và bắn liền 6 phát, quăng thêm 1 trái lựu đạn, 3 cán binh Bắc Việt này bị hạ sát tại chỗ.

Trong khi Đại Úy Donlon chạy đến một vị trí khác thì một trái lựu đạn nổ cạnh ông làm cho cánh tay trái và bụng bị thương nặng. Mặc dù bị thương, Đại Úy Donlon vẫn cố bò lết qua ba vị trí khác, chỉ huy quân sĩ bắn trực xạ vào địch quân đang cố hoặc đã lọt qua hàng rào. Ông lại bị trúng đạn súng cối làm cho đùi và hông bị thương. Dù bị chảy máu nhiều lần, Đại Úy Donlon vẫn chạy đến một vị trí khác, tại đây ông và các chiến binh Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ tiếp tục bắn để ngăn chận địch. Theo lời của Đại Úy Donlon kể lại sau này, căn hầm lúc đó như một hỏa ngục. Cộng quân đã lấn qua hàng rào của trại và có nguy cơ xâm nhập vào hàng rào trong. Lựu đạn rớt vào như mưa.

Trong khi trận chiến tiếp tục diễn ra, 3 binh sĩ Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ cạnh bên Đại Úy Donlon chuẩn bị rút khỏi hầm. Đại Úy Donlon bắn yểm trợ cho hai người trước rút đi khỏi hầm, đến người thứ ba là một thượng sĩ tên là Gabril Alamo bị thương quá nặng không nhúc nhích nổi. Đại Úy Donlon cố kéo Alamo lên các bậc hầm thì một trái súng cối nổ ngay ở miệng hầm, ngay trước mặt ông. Đại Úy Donlon nhớ lại rằng lúc đó ông đã kêu lên: Ta sẽ chết!

Đại Úy Donlon không chết nhưng bị thương nát người, ông tỉnh dậy rờ mũi đồng đội Alamo thì chiến binh này đã hết thở. Sau đó, Đại Úy Donlon chạy đến một số lính người Thượng đang bị thương, xé áo lót để băng bó và dùng một chiếc vớ để cầm máu. Ra lệnh cho anh em trú phòng bắn yểm trợ, ông bò đến một hầm khác thì quặn bụng vì vết thương quá đau. Sau khi nhận báo cáo từ các vị trí khác trong trại, ông lại bị trúng một miểng đạn súng cối lần nữa nhưng vẫn không chịu băng bó mà vẫn tiếp tục chỉ huy quân sĩ chống trả địch quân trong bóng đêm. Tại các vị trí khác trong phạm vi phòng thủ của trại, các chiến binh trú phòng đã giao tranh ác liệt với quân Bắc Việt. Địch quân tung nhiều đợt tấn công để cố chiếm trại nhưng đều bị đẩy lùị

Bốn giờ sáng, một phi cơ Hoa Kỳ được điều động đến thả hỏa châu soi sáng, nhưng Cộng quân vẫn không lùi. Từ trong bóng đêm, một câu nói bằng tiếng Việt được phát ra kèm theo lời dịch sang tiếng Anh: Hãy buông súng, chúng tôi sẽ triệt hạ trại của các anh, tất cả các anh sẽ bị giết.

Dù bị đe dọa và bị Cộng quân tấn công với áp lực mạnh, nhưng Đại Úy Donlon và quân sĩ trú phòng trại Nam Đông vẫn cố thủ. Đến sáng, địch quân rút lui, để lại quanh trại 50 xác chết, phía quân trú phòng có 58 chiến binh tử trận, trong đó có 1 thượng sĩ của toán Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ. Theo bản tin được phổ biến trên các nhật báo Saigon, Cộng quân đã huy động một tiểu đoàn tăng cường thêm một đại đội đặc công và một pháo đội súng cối để mở cuộc tấn công. Riêng trong số chiến binh của lực lượng trú phòng đã tử trận có một quân nhân Úc Đại Lợi.

(Ghi chú: Trước khi Úc Đại Lợi chính thức gửi quân tham chiến tại Việt Nam cùng với các lực lượng Đồng Minh vào năm 1965, thì kể từ năm 1962 quân đội Úc đã gửi một phái đoàn cố vấn gồm 30 người để hoạt động chung với các cố vấn Hoa Kỳ. Năm 1964, phái bộ cố vấn tăng lên 100 người, gồm sĩ quan và hạ sĩ quan. Các quân nhân trong phái bộ đã được tăng phái với nhiệm vụ cố vấn cho một số đơn vị bộ chiến Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có Lực Lượng Đặc Biệt.).

Trở lại với trận trận chiến Nam Đông, ngay trong buổi sáng 7 tháng 7/1964), sau khi nhận được báo cáo, Đại Tướng Westmoreland đã đáp phi cơ từ Saigon đến Đà Nẵng, từ đây ông cùng với vị sĩ quan tư lệnh Quân Đoàn 1 lúc bấy giờ là Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng dùng trực thăng đến thăm trại Nam Đông. Khi ông đến nơi, Đại Úy Donlon vẫn chưa được đưa đi bệnh viện, ông liền trao tặng Đại Úy Donlon một huy chương Anh Dũng Bội Tinh, ngôi sao Đồng, huy chương cao nhất mà vị tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ được quyền trao tặng ngoài mặt trận.

Một thời gian sau, quân Bắc Việt điều động một lực lược gấp đôi để tấn công trại Nam Đông, để tránh thương vong cho quân sĩ trú phòng, Đại Úy Dolon yêu cầu được triệt thoái khỏi trại. Được thượng cấp chấp thuận, Đại Úy Donlon chỉ huy cuộc rút quân, di tản hết người bị thương và ông là người cuối cùng rời khỏi trại. Cuối năm, Đại Úy Donlon bình phục và được mời đến Tòa Bạch Ốc (The White House) để được Tổng Thống Lyndon Johnson gắn Huy chương Danh Dự. Đại Úy Donlon sanh quán ở New York, gia nhập Lục Quân Hoa Kỳ vào năm 1958 sau hai năm phục vụ trong quân chủng Không Quân và một năm tại Trường Võ Bị West Point. Sau khi được huấn luyện tại trường Lực lượng Đặc Biệt Fort Bragg, Đại Úy Donlon được điều động sang Việt Nam và chỉ huy toán A-726 Lực Lượng Đặc Biệt ở trại Nam Đông.

Vương Hồng Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn