BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lữ Đoàn 11 Thiết Kỵ và Trận Phục Kích ở Suối Cát

20 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 2010)
Lữ Đoàn 11 Thiết Kỵ và Trận Phục Kích ở Suối Cát
50Vote
41Vote
30Vote
20Vote
16Vote
1.47
LỮ ĐOÀN 11 THIẾT KỴ VÀ CHIẾN TRƯỜNG MIỀN ĐÔNG NAM PHẦN

Trong năm 1965, trước sự gia tăng các hoạt động quân sự của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) trên chiến trường Miền Nam, để có đủ lực lượng phối hợp với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) chận đứng các cuộc tấn công của địch quân, Đại Tướng Williams Westmoreland, tổng tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã xin Hoa Thịnh Đốn (Washington) gia tăng quân số. Tổng thống Johnson thỏa mãn lời yêu cầu này, và lần đầu tiên một binh đoàn thiết giáp được đưa vào danh sách tăng phái sang chiến trường Việt Nam: đó là Lữ Đoàn 11 Thiết Kỵ Hoa Kỳ. Trước đó, do quan niệm rằng Việt Nam là chiến trường Bộ Binh (BB), không phải là chiến trường của thiết giáp, nên Bộ Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ không muốn gửi các thiết đoàn, lữ đoàn của binh chủng thiết giáp sang Việt Nam, mà chỉ cho phép lực lượng Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) và Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ được đem theo vài đơn vị thiết kỵ trong thành phần yểm trợ khi các sư đoàn này được lệnh tham chiến tại Việt Nam.

Trong thời gian đầu trên chiến trường Việt Nam, Lữ Đoàn 11 Thiết Kỵ được phối trí hoạt động tại Miền Đông Nam phần, tuy nhiên do quan niệm của các tư lệnh Hoa Kỳ không tin tưởng vào khả năng hữu dụng của thiết giáp, nên các đơn vị của Lữ Đoàn 11 chưa được giao phó những nhiệm vụ tác chiến thực sự, phải đợi đến trận phản phục kích xảy ra Suối Cát, cách Saigon khoảng 50 km về hướng Đông, Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam mới thấy rõ khả năng rất hữu dụng của các chiến xa trong tấn công và phản phục kích.

TRẬN PHẢN PHỤC KÍCH Ở SUỐI CÁT

Ngày 2 tháng 12/1966, Trung Úy Radoevich chỉ huy một đoàn xe tiếp liệu trở về từ căn cứ Blackborse ở Nam Giao, vị sĩ quan này không bận tâm gì về cuộc tranh luận gay gắt ở Bộ Chỉ Huy Căn Cứ về vai trò của Lữ Đoàn 11 Thiết Kỵ trên chiến trường Việt Nam. Trái lại ông bị cái quang cảnh vắng lặng trước mắt khiến ông giật mình. Cái xóm Suối Cát ngày thường đông người qua lại, trong lần qua xóm này, ông thấy cả một cuộc sống náo nhiệt sinh động trong xóm, thế nhưng hôm nay trên đường về ông thấy cả xóm hoàn toàn yên lặng. Đặc biệt không thấy đám trẻ con chạy nhảy ngoài đường, nhất là chúng thường hay chạy chơi dọc theo quốc lộ thì nay vắng ngắt. Chính sự vắng mặt của đám trẻ con làm vị sĩ quan này lo ngại.

Đoàn quân xa gồm 1 chiến xa chỉ huy của vị trung úy, kế tiếp là hai thiết vận xa M-113 biến cải, hai xe vận tải, một M-113 khác và một chiến xa có móc hậu. Đoàn xe đi vào Suối Cát và trận đánh đã xảy ra. Cũng giống như nhiều trận đánh khác, trận đánh này cũng bắt đầu bằng một sự kiện tình cờ nếu không muốn nói là bất ngờ. Sau khi hệ thống liên lạc truyền tin với sĩ quan không-lưu ngồi trên chiếc trực thăng bay lên trời, Trung Úy Radoevich chui vào trong pháo tháp chiến xa để quan sát. Ông cho pháo tháp tự động quay.

Một trái mìn nổ ngay trước chiến xa. Một Cộng quân quá kinh hãi trước việc cái pháo tháp quay tròn nên đã bấm mìn nổ sớm thay vì nổ dưới gầm chiến xa. Tiếng mìn nổ là báo hiệu để cho các ổ súng Việt Cộng núp trong các vị trí dọc hai bên đường bắt đầu khai hỏa. Trung Úy Radoevich nhanh nhẹn báo động cho lực lượng trừ bị trong căn cứ biết rằng đoàn thiết xa đã chạm địch. Ông la lên trong máy truyền tin: "Phục kích, phục kích ngay góc mìn Claymore!"















Mọi quân nhân trong thiết đoàn của Trung Úy Radoevich đều biết cái góc claymore nó nằm ở đâu, khỏi cần dò lại trên bản đồ. Bộ chỉ huy Thiết đoàn ước định rằng nếu Trung Úy Radoevich chỉ huy đoàn chiến xa cầm cự được một thời gian thì lực lượng tiếp viện của thiết đoàn sẽ kịp tiếp cứu.

Tại trận địa, Trung Úy Radoevich ra lệnh cho tài xế nổ máy và chỉ huy đoàn Thiết xa đi theo. Chạy hết tốc lực qua khỏi khu vực hỏa lực, đoàn thiết xa tiến nhanh dọc theo con lộ. Đại bác và đại liên trên chiến xa bắn về phía phía địch quân vô hình. Hỏa lực của Cộng quân vẫn còn mạnh. Một thiết giáp bị trúng hỏa tiễn ba lần rồi bị thêm 1 trái nữa nên đã bốc cháy khi đoàn thiết xa thoát ra khỏi tầm hỏa lực.

Trong khi đó, tại Bộ Chỉ Huy, lời cấp báo qua máy truyền tin của Trung Úy Radoevich đã được phúc đáp tức khắc với sự tiếp ứng ở 3 hướng: Từ trên không, một trực thăng nhào xuống để yểm trợ hỏa lực, đồng thời sĩ quan quan-sát cũng gọi tiếp viện. Tại hậu cứ, một chi đội chiến xa, một chi đội thiết kỵ và một toán bắn hỏa tiễn không giật chỉ mất 8 phút chuẩn bị gấp rút, đã chạy ra cổng tiến về phía đoàn xe bị phục kích. Một đơn vị thiết kỵ khác, Chi Đội B, tiến về phía Cộng quân phục kích theo một hướng khác.

Chi Đội B đến trong lúc đoàn xe đã ra khỏi khu vực hỏa lực. Chi đội này lập tức mở cuộc phản công và liền bị hỏa lực địch bắn trả. Chi Đội B khựng lại, mọi chiến xa đều quay mặt về hướng bên kia đường và bắn trả. Khi hỏa lực Cộng quân quá nặng, chi đội vừa bắn vừa cho chiến xa tiến, nhờ thế đã giải tỏa áp lực cuộc phục kích của địch, trong khi vẫn dọn đường cho đoàn thiết xa thoát ra ngoài tầm đạn của Cộng quân. Mười phút giao tranh, vị chỉ huy thiết đoàn đã đến chiến trường trên một chiếc trực thăng khác, ông ta điều động trận đánh và đưa ra ý kiến là không dùng Không Quân oanh kích một phía con đường, trong khi phía bên kia được loạt đại bác không giật phủ chụp.

Sau khi lệnh hành quân được ban ra, ông ra lệnh cho Chi Đội B, bây giờ đã được chiến xa tăng cường, bắt đầu phản phục kích. Lần này, chi đội thiết kỵ đã dàn đội hình rất có lớp lang. Các khẩu 90 ly trên chiến xa tác xạ dữ dội vào địch quân lúc này phải rời vị trí ẩn núp vì bị oanh kích. Hỏa lực trãi rộng và phủ kín không cho địch quân ngóc đầu lên. Cộng quân cố dùng hỏa tiễn chống chiến xa để bắn hạ các thiết giáp xa Hoa Kỳ, nhưng các chiến xa đã bao vây vùng phục kích, lùa địch quân vào giữa vòng đai hỏa lực. Trời tối dần, các xa đội thiết giáp đã làm chủ trận địa, buộc Cộng quân phải rút lui.

Sau trận đánh ra, các cấp chỉ huy của lữ đoàn đã nhận định rằng ý nghĩa của trận phục kích ở Suối Cát không dựa trên sự tổn thất của Cộng quân dù địch bị thiệt hại khá nặng nề. Ý nghĩa quan trọng của trận này là khả năng tác chiến hữu hiệu của thiết giáp. Các chi đội thiết kỵ có thể giải vây được đoàn quân bị lọt vào một cuộc phục kích mà đối phương đã dàn quân với sự chuẩn bị về hỏa lực và đội hình tấn công, đồng thời có thể hộ tống đoàn xe ra khỏi cuộc phục kích trong một thế di động phản công. Phối hợp hỏa lực và di động tính, các đơn vị thiết giáp có thể lật được thế cờ từ bị động sang chủ động. Ngoài ra thiết giáp còn linh động trong việc phối hợp tiếp viện từ hỏa lực của Pháo Binh và Không Quân, chiến thuật này tỏ ra rất hữu hiệu trong việc phản phục kích.

Cuộc phục kích bất thành của Cộng quân vào đoàn xe của Trung Úy Radoevich vào năm 1966 đã chứng minh rằng xe thiết giáp rất hữu dụng trên chiến trường Việt Nam, thế nhưng phải mất thêm ba năm nữa mới làm cho các quân sự gia bi quan về khả năng thiết giáp mới im tiếng chê bai, và từ đó thiết giáp đóng một vai trò quan trọng trong các kế hoạch hành quân của lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trước kia chiến xa và thiết vận xa có hai mục đích khác nhau thì nay do kinh nghiệm chiến trường Việt Nam, các cấp chỉ huy thấy rằng chiến xa và thiết vận xa không có gì khác biệt về mục đích.

Nhận định về khả năng của thiết giáp, Đại Tướng Westmoreland đã phát biểu như sau: Khả năng của lực lượng thiết kỵ cơ giới hành quân tỏ ra hữu hiệu ở vùng quê Việt Nam đã thuyết phục tôi công nhận mình có lỗi khi tưởng rằng thiết giáp tối tân ngày nay không hữu hiệu trên chiến trường Việt Nam.

TỪ SUỐI CÁT 1966 ĐẾN MẶT TRẬN NGOẠI BIÊN 1970

Cuối năm 1967, Đại Tướng Westmoreland đã cùng ban tham mưu lập một đề nghị gửi về Hoa Thịnh Đốn xin gia tăng quân số với khoảng 200 ngàn quân, dĩ nhiên không thể đưa sang cùng một lúc, vì còn phải chuyển các loại tiếp liệu, bộ phận yểm trợ từ phòng vệ Quốc Gia và trừ bị, một công việc phải mất tối thiểu từ 6 đến 9 tháng và còn phải chờ đợi thời tiết thuận tiện để có thể khai triển ngay khi lực lượng này được phái đến. Cơ hội khai triển đầu tiên là vào tháng 5 năm 1968, trong đó có Sư Đoàn 4 Cơ Giới với nhiều chiến xa hạng nặng và xe cộ giúp cho việc di chuyển dọc khu Phi Quân Sự rất thuận tiện, một trung đoàn thiết giáp, tám phi đoàn chiến đấu cơ, sáu tiểu đoàn của Sư Đoàn 5 TQLC. Cơ hội thứ hai vào tháng 9, thêm bốn phi đoàn chiến đấu cơ và phần còn lại của Sư Đoàn 5 TQLC trong đó có cả thành phần thiết giáp trực thuộc. Sau khi có mặt tại Việt Nam, các đơn vị thiết giáp Hoa Kỳ đã tham dự nhiều chiến dịch quy mô.

Trong cuộc hành quân Toàn Thắng 43 do liên quân Việt-Mỹ khởi động nhằm truy kích Cộng Sản Bắc Việt trên đất Cam Bốt vào tháng 5/1970, về phía Lực lượng Hoa kỳ (ngoài các đơn vị của Sư Đoàn 1 Không Kỵ) có hai đơn vị thiết giáp trong đội hình tấn công. Đó là Lữ Đoàn 2 Thiết Kỵ và Thiết Đoàn 2/34.















Ngay từ ngày đầu của cuộc hành quân, vào lúc 6 giờ ngày 1 tháng 5/1970, một đơn vị của Lữ Đoàn 2 Thiết Kỵ đã chạm địch ngay tại biên giới. Trong cuộc đụng độ này, Đại Tá Donn A. Starry (lữ đoàn trưởng) cùng với thiết đoàn trưởng Thiết Đoàn 2 của lữ đoàn đã nỗ lực điều động các đơn vị thống thuộc tiếp ứng, đánh bật Cộng quân ra khỏi trận địa để toàn bộ lữ đoàn vượt biên giới vào lúc 10 giờ cùng ngày.

Tiếp tục cuộc hành quân, Thiết Đoàn 2/34 tiến về hướng Bắc để giữ an ninh bãi đáp cho Lữ Đoàn 3/Sư Đoàn 9 BB Hoa Kỳ sẽ được trực thăng vận ngay trong buổi chiều. Cùng lúc đó, Thiết Đoàn 2 và 3/Lữ Đoàn 2 cùng tiến về hướng Bắc, trên lộ trình tiến quân hai thiết đoàn này không gặp sự kháng cự của Cộng quân, cho đến khi Chi Đội H đã tiến sâu vào nội địa Cam Bốt được 6 km thì từ trên máy bay thám thính tăng phái cho lữ đoàn, sĩ quan quan-sát phát giác một lực lượng Cộng Sản đang mai phục ngay sườn bãi đáp. Cả khu rừng rậm đột nhiên bùng lên hàng loạt tiếng nổ của đủ loại súng từ cá nhân đến cộng đồng, tác xạ từ ba hướng bắn vào đội hình của Thiết Đoàn 2. Nhận được báo cáo của vị thiết đoàn trưởng và của phi cơ thám thính, Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn đã điều động các đơn vị tiếp ứng, đồng thời hướng dẫn không trợ chiến thuật và pháo yểm để chận đứng cuộc phục kích của Cộng quân.

Qua các cuộc hành quân có thiết giáp tham dự, các đơn vị thiết kỵ Hoa Kỳ đã chứng minh được khả năng thích ứng và hữu dụng của chiến xa trên chiến trường Việt Nam và Căm Bốt.

Vương Hồng Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn