BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73335)
(Xem: 62240)
(Xem: 39425)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trận chiến trên sông miền Tây, 1966 - 1967

20 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 1999)
Trận chiến trên sông miền Tây, 1966 - 1967
50Vote
41Vote
30Vote
24Vote
10Vote
2.45
Vào khoảng thời gian 1966-67, tại Vùng 3 chiến thuật, ngoài 3 sư đoàn Bộ Binh của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), gồm các sư đoàn 5, 18 và 25 trực thuộc Quân Đoàn 3, còn có một số đại đơn vị bộ chiến của Lục Quân Hoa Kỳ như Sư Đoàn 1, Sư Đoàn 25 và Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù đã sát cánh với các lực lượng VNCH để ngăn chận các cuộc tấn công xâm nhập của quân Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) vào các tỉnh Miền Đông Nam phần, nhất là những tỉnh sát biên giới Việt Nam-Cam Bốt.

Tại Miền Tây, trước năm 1966, tất cả các cuộc hành quân truy kích Cộng quân trên địa bàn Vùng 4 Chiến Thuật đều do lực lượng Việt Nam Cộng Hòa khởi động và thực hiện với lực lượng cơ hữu của Quân Đoàn 4: Sư Đoàn 7 Bộ Binh, Sư Đoàn 9 Bộ Binh và Sư Đoàn 21 Bộ Binh, cùng với các liên-đoàn binh chủng trực thuộc. Vào thời kỳ này, Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam không có kế hoạch đưa các đơn vị Hoa Kỳ xuống hoạt động ở đồng bằng sông Cửu Long mà chỉ cung cấp một số cố vấn và vài đơn vị yểm trợ. Qua năm 1966, khi nhận thấy Cộng quân gia tăng áp lực tại một số tỉnh ở Vùng 4, Đại Tướng Westmoreland đã thảo luận với Trung Tướng Cao Văn Viên (tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng Hòa) và đưa ra nhận định rằng cần có một số đơn vị Hoa Kỳ để phối hợp với lực lượng VNCH gia tăng các hoạt động truy lùng và tiêu diệt Cộng quân. Lượng định tình hình, tướng Westmoreland nghĩ rằng tại sao không lập một lực lượng đặc biệt để hành quân theo hệ thống kênh rạch trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để tiểu trừ Việt Cộng?

Đại Tướng Westmoreland đã ghi lại trong hồi ký: Tôi còn nhớ đến ý kiến của một sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ, Đại Tá David F.Welch. Tương tự cách mà lực lượng Hoa Kỳ áp dụng trong các trận trước kia như chiến tranh Seminole (giữa người da đỏ và dân tứ xứ) và nội chiến, đó là tổ chức các cuộc hành quân bằng đường thủy thay vì đường bộ. Từ ý kiến đó, Đại Tướng Westmoreland đã nghĩ đến kế hoạch tấn công Cộng quân bằng lực lượng thủy bộ như đã trình bày ở trên.

TRẮC NGHIỆM CHIẾN THUẬT
HÀNH QUÂN TẠI LONG AN VÀ ĐỊNH TƯỜNG


Khi kế hoạch nói trên được tiến hành với việc thành lập binh đoàn có tên là Lực Lượng Giang Thuyền Lưu Động, Đại Tướng Westmoreland dự trù sử dụng vài đơn vị Hoa Kỳ hoạt động tại đồng bằng Cửu Long bằng một cuộc trắc nghiệm tại Long An, sát nách với Vùng 4 và gần Saigon. Long An là tỉnh thuộc khu chiến thuật do Sư Đoàn 25 Bộ binh VNCH trách nhiệm.

Theo phối trí của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 VNCH, tại Long An luôn luôn có 1 trung đoàn Bộ Binh thuộc Sư Đoàn 25 BB hoạt động. Trung đoàn này liên tục mở các cuộc hành quân truy kích Cộng quân tại các khu vực trọng yếu, đồng thời án ngữ các yết hầu không cho Cộng quân xâm nhập vào tỉnh lỵ Long An. Trong năm 1966, Long An là một trong khu vực trọng điểm tại Miền Đông Nam phần, Cộng quân đã mở nhiều tấn công quấy rối cấp đại đội và tiểu đoàn, trong đó có trận chiến tại Tân Trụ diễn ra vào giữa tháng 2/1966 giữa một chiến đoàn thuộc Sư Đoàn 25 Bộ Binh VNCH và 2 tiểu đoàn Việt Cộng. Sau ba ngày kịch chiến, lực lượng Cộng Sản bị đánh bật khỏi trận địa, bỏ lại 125 xác. Trong trận này Không Quân VNCH đã yểm trợ mạnh mẽ cho đơn vị bạn, trong lúc thực hiện nhiệm vụ không yểm, có 1 trực thăng H-34 bị phòng không của Cộng quân bắn rớt.

Về tình hình ở Long An, theo lời của Đại Tướng Westmoreland, các giới chức Hoa Kỳ rất quan tâm đến tỉnh này, đây là một tỉnh mà đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge xem như trụ cột giống như tích thành Tương Dương thời Tam Quốc bên Trung Hoa: Tương Dương mất thì đất Kinh Châu không còn. Thấy được sự trọng yếu của tỉnh này như vậy nên khi có một tiểu đoàn Hoa Kỳ đến đóng, tiểu khu Long An đã đề nghị với lực lượng Hoa Kỳ là nên có một lữ đoàn phối hợp với các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa án ngữ các vị trị yết hầu của tỉnh này.



Giáp với Long An là tỉnh Hậu Nghĩa, cũng không thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nhưng có nhiều đặc tính rất giống với các tỉnh đồng bằng. Tại đây, trong năm 1966 và 1967, các đơn vị Sư Đoàn 25 Bộ Binh Hoa Kỳ phối hợp với các đơn vị của Sư Đoàn 25 Bộ Binh VNCH trong các cuộc hành quân bình định và hoạt động dân sự vụ. Nhờ các cuộc hành quân này, nhiều cơ sở nằm vùng của Cộng Sản Bắc Việt tại Hậu Nghĩa đã bị triệt phá toàn bộ. Ngoài ra, liên quân Việt-Mỹ cũng đã khởi động cuộc hành quân quy mô vào tháng 3/1967 để truy kích một trung đoàn Việt cộng ở phía Tây, sau một tháng liên tục truy kích, các đơn vị Việt-Mỹ đã loại ngoài vòng chiến gần 1 tiểu đoàn Cộng quân, bắt sống 62 tù binh.

Về kế hoạch điều động một số đơn vị Hoa Kỳ hoạt động tại Long An và Miền Tây, theo lời Đại Tướng Westmoreland thì ban đầu có vài thành viên cao cấp Hoa Kỳ không đồng ý, chẳng hạn như vị phụ tá của đại sứ Cabot Lodge, ông William Porter, đã cho rằng sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong vùng sẽ gây xáo trộn cơ cấu kinh tế và xã hội của tỉnh.

Để thử nghiệm kế hoạch, Đại Tướng Westmoreland đã chọn Long An làm thí điểm cho sự thay đổi chiến thuật quân sự. Kế hoạch này nằm trong khả năng điều động của tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam nên được tiến hành dễ dàng. Tuy nhiên bất cứ cái gì Đại Tướng Westmoreland cũng thông báo cho ban Công Tác điều hành kế hoạch biết tường tận. Trước hết ông mời tướng Federick D. Weyand (lúc bấy giờ là tư lệnh Sư Đoàn 25 Bộ Binh Hoa Kỳ) và ban tham mưu của vị tướng này về Saigon để thuyết trình về những thành tựu mà đại đơn vị của ông đạt được ở tỉnh Hậu Nghĩa. Tướng Weyand và ban tham mưu của ông đã trình bày cặn kẽ nhưng nhanh gọn các việc đã làm. Sau cuộc họp mọi người ra về đều mang trong lòng sự mong ước các đơn vị đóng tại đồng bằng Cửu Long cũng sẽ đạt những thành tích tương tự.

Hoạt động của đơn vị tại Long An đúng như mong đợi của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam và của tướng Westmoreland. Từ đó kế hoạch khai triển thêm quân Hoa Kỳ tại miền Tây được tiến hành: Sư Đoàn 9 Bộ Binh Hoa Kỳ do Thiếu Tướng George S. Eckhardt, bạn của tướng Westmoreland từ Thế Chiến Thứ Hai được đưa vào Vùng 4, một lữ đoàn đóng tạm tại Bến Cát, một lữ đoàn nữa đến đóng tại Mỹ Tho, tỉnh Định Tường, và một lữ đoàn thứ ba hoạt động trên các giang thuyền để hành quân sông rạch.

GIANG THUYỀN MỸ TẠI MIỀN TÂY

Theo phân tích của đại tướng Westmoreland, việc thiết lập căn cứ bên bờ sông có nhiều ưu điểm. Một số ruộng dùng để đào làm ụ cho tàu thuyền cắm vào thả neo trong khi đó xáng múc cát từ dưới lòng sông để lấp bằng một khu vực chừng một dặm vuông. Đầu tháng Giêng, một xáng múc cát bị đặc công Cộng quân phá chìm và bị cuốn theo giòng nước ra biển. Hai năm sau, căn cứ mới hoàn thành, và trong thời gian này, có thêm 2 xáng nữa bị Cộng quân phá. Thấy vậy, Công Binh Hải Quân Hoa Kỳ (hỗn danh "Ong Biển") bèn nghĩ cách làm một hòn đảo giả bằng cát. Đến mùa khô tuy đảo này tỏa ra bụi mù mịt nhưng có mục đích về chiến thuật phòng ngự. Sau khi tham khảo ý kiến với tướng Cao Văn Viên của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, Đại Tướng Westmoreland đặt tên cho căn cứ này là căn cứ Đồng Tâm để ghi lại sự cùng một lòng một dạ của Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ trong cuộc chiến đấu chống Cộng Sản.

Các đơn vị giang thuyền đã chứng tỏ sự hữu hiệu của mình một cách rõ rệt. Từ những con thuyền là nhà, các binh sĩ lên loại tàu thiết quân vận của Hải Quân để tuần tiểu hết nơi này đến nơi khác. Đi trước tàu này là một ghe quét mìn được hộ tống bởi ghe bọc thép. Muốn tiến đến mục tiêu, binh sĩ được đại bác 40 ly và súng cối 80 ly gắn trên ghe thiết giáp yểm trợ hỏa lực trong khi tấn công và đổ bộ. Ngoài ra còn có đại bác 105 ly nòng ngắn đặt trên phà. Chung quanh phà này có gắn các lưới sắt để bảo vệ tàu khỏi bị hỏa tiễn B-40 hoặc B-41 bắn vào.



Theo báo cáo của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong năm 1967, năm đầu tiên của kế hoạch này, lực lượng giang thuyền đụng độ lớn với Việt Cộng tất cả 5 lần và tiêu diệt hơn 1,000 cán binh Cộng Sản. Khi các cuộc hành quân bắt đầu, Cộng quân thường phục kích bên bờ sông và dùng hỏa tiễn hay đại bác không-giật bắn ra. Ngay sau đó, hỏa lực trên các chiến thuyền đã khai hỏa mạnh mẽ yểm trợ cho các toán quân đổ bộ để phản công địch, giao tranh đã diễn ra ác liệt dọc theo bờ sông, không quân chiến thuật cũng đã xuất trận, cuối cùng Cộng quân đã bị thất bại nặng trong các cuộc phục kích này. Thời gian sau, quân Cộng Sản giảm dần cả số lần phục kích lẫn quân số tham gia phục kích.

Vào giữa 1967, qua những cuộc hành quân thủy bộ phối hợp, Liên quân Việt-Mỹ đã lần lượt đánh bật Việt Cộng ra khỏi những vùng mà địch chiếm giữ. Đến cuối năm 1968, thì bất cứ nơi nào tại Miền Tây các giang thuyền đều có thể đến được, cường lực của Cộng Sản tại vùng đã bị triệt tiêu.

Vương Hồng Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn