BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Con Ong Sài Gòn 2011

06 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 1989)
Con Ong Sài Gòn 2011
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Chuyện xưa: Tuần báo CON ONG Sài Gòn do Minh Vồ và Duyên Anh khai sinh khoảng năm 1966. Nếu Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà còn chính phủ Ngô Đình Diệm, tuần báo Con Ong không thể ra đời. Báo chí dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm không thể có những tờ chuyên về châm biếm – đúng hơn là châm chích, chửi bới – như tuần báo Con Ong.



Nhà Văn Duyên Anh, người là Thương Sinh của Tuần báo CON ONG Sài Gòn những năm 1966, 1967.




Minh Vồ Nguyễn Văn Minh là chủ nhiệm Con Ong, Duyên Anh Thương Sinh Vũ Mộng Long là chủ bút Con Ong và là linh hồn, là trái tim, là xương sống của Con Ong. Một mình Thương Sinh bao sân Con Ong. Viết rõ hơn là một mình Thương Sinh Duyên Anh viết đến 8/10 tuần báo Con Ong. Anh viết trong Con Ong với nhiều tên, viết nhiều mục do anh đặt ra, Điều đáng kể là một mình Thương Sinh viết gần hết cả tờ báo mà Con Ong vẫn hay, bài không nhạt, không trùng đề tài, giọng văn các bài không giống nhau.

Dê Húc Càn, bút danh của Dương Hùng Cường, nổi lên ở Con Ong từ những số báo đầu với mục Cà Kê Dê Ngỗng. Hoạ sĩ Hĩm Đinh Hiển vẽ hình trang bià và tranh minh hoạ trang trong. Hoạ sĩ Hĩm nổi lên từ Con Ong Sài Gòn. Trung Tá Không Quân Trần Tam Tiệp xuân thi nhị kỳ gửi Con Ong đăng vài bài thơ Tếu, ký tên Đạo Cù. Tháng Tư 1975 ông Đạo Cù sang Paris, hoạt động Văn Bút, ông qua đời ở Paris.

Tôi – CTHĐ – không có mặt trong Con Ong những số đầu. Chỉ khi Duyên Anh bỏ Con Ong ra làm tuần báo Tuổi Ngọc, Minh Vồ mới mời tôi viết cho Con Ong và tôi mới có trang của tôi ở Con Ong. Tôi dùng hai tên Công Tử Hà Đông và Gã Thâm ký những bài tôi viết ở Con Ong năm xưa đó. Cái tên Công Tử Hà Đông, xuất hiện trên Cong Ong, ở lại với tôi đến hôm nay.

Con Ong Sài Gòn, sau thời gian sống mạnh dưới sự biên tập của Thương Sinh Duyên Anh, chết khoảng năm 1972 khi chính phủ Nguyễn văn Thiệu ban hành cái gọi là Luật Báo Chí. Luật này bắt nhật báo phải đóng tiền ký quỹ 20 triệu đồng, tuần báo phải đóng 10 triệu đồng mới được phép ra báo. Tiền này nói là để bồi thường khi tờ báo bị thua kiện phải bồi thường tiền cho người bị tờ báo làm thiệt hại.

Chủ nhiệm Con Ong Minh Vồ không có 10 triệu đồng nên — như những tuần báo khác của Sài Gòn năm xưa ấy — Con Ong bị bức tử, chết queo. Tôi được biết Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong có tiền nên ký quỹ 10 triệu đồng; các tuần báo khác chết hết nên Văn Nghệ Tiền Phong một mình một chợ. Luật Báo Chí TT. Nguyễn Văn Thiệu là một trong những nguyên nhân làm VNTP bán được, có nhiều người mua, ông Chủ Nhiêm Hồ Anh đã giầu lại giầu thêm..

Sau khi báo Con Ong chết có vài lần Minh Vồ ra Con Ong nhưng báo làm theo lối ấn phẩm, báo phải xin Bộ Thông Tìn kiểm duyệt và cấp giấy phép ra mỗi số nên báo nhạt hơn nước ốc. Con Ong bị kiểm duyệt bài, in ra ì à ì ạch, làm sao có người đọc! Thời oanh liệt của Con Ong đã qua, Con Ong là báo của Thương Sinh. Con Ong chỉ oanh liệt vì có Thương Sinh viết, người đời chỉ sợ Con Ong của Thương Sinh. Thương Sinh bỏ Con Ong, Con Ong chỉ còn cái xác.

Duyên Anh Thương Sinh Vũ Mộng Long, Minh Vồ Nguyễn Văn Minh, Dê Húc Càn Dương Hùng Cường, Hĩm Đinh Hiển, bốn người chủ chốt của Con Ong Sài Gòn từ số Một. Ba người trong số đã qua đời. Ba cái chết thê thảm. Dê Húc Càn Dương Hùng Cường là sĩ quan Không Quân, đi cải tạo sĩ quan, về năm 1980. Viết bài tố cáo chế độ cộng sản tàn ác với nhân dân gửi ra nước ngoài, DH Cường là một trong số văn nghệ sĩ Sài Gòn bị bọn Công An Thành Hồ gọi là bọn Biệt Kích Cầm Bút, DH Cường bị bắt lại năm 1984, chết năm 1986 trong xà-lim ở Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, trung tâm thẩm vấn nhân dân của bọn công an Thành Hồ. Minh Vồ bị bắt trong chiến dịch khủng bố văn nghệ sĩ Sài Gòn Tháng Ba năm 1976, nằm phơi rốn ở Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu một năm, được thả, qua đời năm 1993 sau ba năm nằm liệt một chỗ.

Đám tang Minh có một số anh em văn nghệ sĩ, ký giả đi đưa từ Chuà Xá Lợi đến nghĩa trang ở Lái Thiêu. Tôi kể một số ông: Doãn Quốc Sĩ, Thanh Thương Hoàng, Tô Ngọc, Cao Nguyên Lang, Sao Biển, Mai Anh. Bốn ông nay sống ở Kỳ Hoa: Doãn Quốc Sĩ, Thanh Thương Hoàng, Tô Ngọc, Sao Biển.

Bà quả phụ Nguyễn Văn Minh – Bà Lớn – bảo tôi viết điếu văn. Chưa bao giờ tôi viết điếu văn, cả đời tôi chỉ viết một điếu văn tiễn Minh Vồ.

Chị Minh nói:

- Nhà tôi sinh năm Thìn..

Tôi nói:

- Tôi không viết điếu văn cho anh ấy theo kiểu điếu văn như người ta đâu. Chúng tôi là văn nghệ sĩ, điếu văn của chúng tôi viết theo kiểu điếu văn văn nghệ sĩ.

Nguyễn Văn Minh là Thuyền Trưởng Hai Tầu, anh có vợ hai. Những năm bị liệt Minh nằm trong nhà chị vợ hai của anh ở đường Ngô Tùng Châu, Phú Nhuận.

Tôi ở tù về năm 1990 Minh đã nằm liệt giường hai năm. Tôi đến thăm Minh. Minh ở trần, bận quần cụt, nằm trên cái giường nhỏ trong căn phòng nhỏ ở nhà bà vợ nhỏ. Với bà vợ lớn Minh có bốn, năm con, với bà nhỏ anh có thêm bốn con gái, một con trai. Chỉ có chị vợ Minh — chị Hai — có thể hầu chồng. Buổi chiều và buổi tối chị bán xe phở ở đầu ngõ. Không có nghề, xe phở vắng khách, nước phở trắng như mắt ma.

Minh bị liệt hai chân, hai tay anh vẫn cử động được, tinh thần anh vẫn sáng, anh nói không ngọng. Đặc biệt là nằm một chỗ mà gần như chuyện gì xẩy ra ở bất cứ đâu — kể cả chuyện xẩy ra ở Mỹ — Minh cũng biết. Khi tôi kể chuyện vừa xẩy ra trong giới văn nghệ sĩ ở Mỹ, Minh nói ngay:

- Chuyện ấy nó như thế này này, để tao nói cho mà nghe…

Bị liệt, Minh vẫn thích uống cà phê, hút thuốc lá. Chúng tôi đến thăm là dịp để Minh uống cà phê, hút thuốc lá và nói nhiều. Khi tôi ra về, Minh thường bảo tôi:

- Dấu cho tao mấy điếu ở quanh giường, dưới nệm, chỗ này này, lúc nào tao muốn hút tao lấy.

Có lần Minh bảo:

- Lần sau đến mang cho tao điếu Pall Mall. Tao thèm Pall Mall, một điếu thôi.

Chị Minh Hai nói:

- Không phải tôi cấm nhà tôi hút thuốc. Các anh đến, nhà tôi uống cà phê, hút thuốc, nói nhiều, các anh về nhà tôi lên cơn, vật vã, khổ lắm.

Hôm Minh qua đời, tôi đến nhìn mặt Minh lần cuối, chị Minh Cả kể:

- Hôm qua là ngày giỗ ông thân nhà tôi, tôi mang sôi chè sang cho nhà tôi. Nhà tôi nói: “Bà ạ, có thằng nhỏ nào nó lấp ló sau cái cửa sổ kia, nó cứ thò tay vào kéo chân tôi. Thằng nào thế, bà đuổi nó đi cho tôi.” Đến nửa đêm nhà tôi đi.

Tôi đến bên giường nhìn Minh nằm đó. Minh to lớn hơn tôi, Minh ăn to, nói lớn. Nay nằm dưới cái khăn giường trắng, tôi thấy Minh nhỏ síu, trên bụng Minh để nải chuối xanh. Chuối đã héo úa. Không mang hàm răng giả, miệng Minh móm xệu, hai má hóp xuống.

Hôm đưa đám Minh từ Chuà Xá Lợi đi, khoảng 12 giờ trưa, gặp trận mưa lớn trên xa lộ. Mưa tối trời, tối đất. Nghĩa trang ở Lái Thiêu. Bác tài lái chiếc xe ca nhà đám muớn chở khách trong số có tôi loanh quanh mãi mới đến được nghĩa trang. Mưa vừa tạnh. Những hàng cây lá xanh um ướt nước mưa làm cho khung cảnh quanh căn nhà nhỏ giữa nghĩa trang có cảnh sắc thật lạ. Có đội kèn bu-dzích đi theo. Tiếng kèn đồng te te vang lên, tiếng trống bùng bùng, người đi đưa túm lại trong nhà quàn.

Tôi đọc điếu văn.

Không thể ca tụng Nguyễn Văn Minh, ông chủ nhiệm tuần báo Con Ong, là người chồng tốt, tôi ca tụng Minh là người bạn tốt. Mà Minh là người bạn tốt thật. Những lúc Minh có lộc, nói rõ là những khi Con Ong có người đến nộp tiền để báo đừng chửi — nộp tiền để báo đừng chửi họ, đừng tố cáo tội của họ, đừng nói đụng đến họ, không phải nộp tiền để báo chửi người khác — Minh vẫn chia lộc cho anh em chúng tôi.

Khi đã nằm liệt nghe tôi nói đến Hĩm ở Mỹ — Hĩm vuợt biên sang Mỹ năm 1978 — Minh nói:

- Tổ sư ông Hĩm. Tôi trả tiền nhà thổ cho ông ấy không biết bao nhiêu lần!

Nằm trong một góc đường Ngô Tùng Châu, Gia Định, Minh nói về cuộc sống của hai ông Hồ Anh và Huyền Vũ ở Mỹ:

- Hồ Anh nó ở trong cái nhà như tòa lâu đài. Báo Văn Nghệ Tiền Phong của nó đi giao cho các nơi bằng trực thăng. Huyền Vũ có con gái làm lớn trong hãng máy bay quốc tế, mỗi lần đi chơi sang Pháp, sang Thụy Sĩ, Huyền Vũ đi phi cơ không mất tiền, lại còn đi trực thăng từ nhà riêng đến phi trường để lên phi cơ lớn.

Minh nói với tôi chuyện trên đây năm 1992.

Trước quan tài Minh ở một nghĩa trang trên Lái Thiêu, khoảng 2 giờ một buổi trưa trời mới đổ trận mưa lớn, tôi đọc bản điếu văn duy nhất tôi viết trong đời tôi, bản điếu văn ngắn gọn, tôi kết thúc điếu văn bằng câu:

- Minh ơi..! Khi người ta đi ra khỏi cõi đời này, người ta đi lên, hay người ta đi xuống. Khi chúng ta đi ra khỏi cõi đời này, chúng ta đi ngang. Minh sang bên ấy trước, chúng tôi sang sau.

Tôi vỗ lên quan tài Minh ba cái, rồi châm lửa đốt tờ điếu văn trước quan tài Minh.

Duyên Anh bị bọn Công An Thành Hồ bắt tháng Ba năm 1976, bị tù khổ sai 5 năm, từng nằm phơi rốn ở Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, Nhà Tù Chí Hoà, rồi Trại Tù Khổ Sai Xuyên Mộc. Duyên Anh trở về Sài Gòn năm 1980, vượt biên đi thoát năm 1983, sang Pháp với vợ con. Nếu còn ở lại Sài Gòn, chắc hơn bắp là Duyên Anh đã bị bắt cùng với Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường Tháng Tư năm 1984. Sang Pháp Duyên Anh viết, và viết rất mạnh. Duyên Anh có tiểu thuyết làm phim: Đồi Fanta. Vợ con Duyên Anh được bảo lãnh sang Pháp năm 1981. Những năm 1987, 1988 Duyên Anh bị đánh ở Cali, liệt nửa người. Oan nghiệt dễ sợ. Sau tai họa, Duyên Anh viết bằng tay trái, anh qua đời năm 1996 hay 1997 ở Pháp.

Tứ trụ tòa soạn Con Ong Sài Gòn đã ra đi ba người — Minh Vồ, Dê Húc Càn, Thương Sinh — nay còn Hĩm Đinh Hiển sống ở Cali.

Dòng thời gian dài một ánh bay..! Bánh xe tị nạn khấp khểnh sang Kỳ Hoa Đất Trích, tôi lại có cơ duyên viết cho Nguyệt San Con Ong, Chủ nhiệm Phạm Thông, ở Houston; tôi lại dùng bút hiệu Công Tử Hà Đông. Tưởng như tôi mới viết cho Con Ong Houston Texas ngày hôm qua. Dzậy mà đã 10 năm. Thời gian qua thật mau. Mới đấy mà Con Ong Houston, Texas đã sống được mười năm…! Mới đấy mà vợ chồng tôi đã sống mười năm ở Mỹ..!

Năm 2006, Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ nhiệm Bán Nguyệt San Văn Nghệ Tiền Phong, từ trần ở Virginia, thọ 84 tuổi. Uyên Thao, Tạ Quang Khôi, Vương Đức Lệ và tôi — bốn chúng tôi sống gần nhau ở Virginia, gần Hồ Anh — tiễn đưa Hồ Anh tới nghiã trang. Lúc trở về, trong xe, tôi nói:

- Bốn thằng mình đây, thằng nào đi trước?

Tạ Quang Khôi – anh cao tuổi nhất trong chúng tôi, sinh năm 1930 – nói ngay:

- Tao đi trước.

Vương Đức Lệ nói:

- Chưa chắc.

Ba năm sau, Vương Đức Lệ là người “đi trước” trong 4 anh em chúng tôi.

Trước linh cũu Vương Đức Lệ, tôi nói lời tôi đã nói với hương linh Minh Vồ Nguyễn Văn Minh ở Sài Gòn năm 1992:

- Khi người ta đi ra khỏi cõi đời này, người ta đi xuống hay người ta đi lên, khi chúng ta ra khỏi cõi đời này, chúng ta đi ngang. Lệ sang bên ấy trước, chúng tôi sang sau.

Đưa Chủ nhiệm Hồ Anh đến nghĩa trang, trên đường về tôi làm bài thơ:

Trước, Sau


Chưa biết thằng nào trước thằng nào,


Thằng nào đi trước, thằng nào sau.

Đi sau, đi trước cùng đi cả,

Thằng thì đi trước, thằng đi sau.

Không thằng nào nói tao đi trước,

Không thằng nào nói tao đi sau.

Thằng đi sau lậy thằng đi trước,

Thằng đi trước kệ thằng đi sau.

Đi sau, đi trước rồi đi cả.

Théc méc làm chi chuyện trước sau!

Hoàng Hải Thủy 2008

o O o


Tháng 8, 2011, một người bạn tìm được một bài tôi viết về Duyên Anh Thương Sinh năm 1972. Anh gửi bài viết ấy cho tôi. Tôi đã quên không nhớ tôi đã viết về Duyên Anh Thương Sinh từ năm 1972 ở Sài Gòn. Bài viết này đăng trên Tạp Chí Văn Học Số 149, Tháng 6 năm 1972.

Hoàng Hải Thủy: Những Người Đọc Duyên Anh

Một ngày mới đây, đúng ra là cách đây một tháng, tôi có dịp nói chuyện với một thiếu phụ duyên dáng ái mộ tiểu thuyết và thích gặp những người viết văn. Những ai quá mê tiểu thuyết thường mê luôn cả người viết những tiểu thuyết làm mình say mê. Họ tưởng tượng ra người viết như những siêu nhân hoặc là người hào hoa phong nhã, tình tứ, căn cứ trên những tác phẩm của nhà văn đó. Theo kinh nghiệm của tôi, thường thì những cuộc tìm gặp giữa người viết và người đọc phụ nữ chẳng đưa các đương sự đi tới đâu, ngoài việc làm cho người đọc thất vọng vì người viết không giống với mẫu người hào hoa mà họ tưởng tượng và người viết bị mất một số thì giờ vô ích.

Người thiếu phụ độc giả tôi nói tới đây là người Huế. Và đàn bà Huế có lẽ là những người đàn bà đa tình nhất ba miền Việt Nam. Nàng nói với tôi là nàng lãng mạn và nàng mê tiểu thuyết. Nàng nguyên là nữ sinh Đồng Khánh và nàng nói đến Duyên Anh:

- Thời còn đi học, em mê tiểu thuyết Duyên Anh. Lạ kỳ là cả lớp em có 45 đứa thì có đến 40 đứa mê tiểu thuyết Duyên Anh. Em mê đọc Duyên Anh suốt thời gian em còn đi học, đến khi em lấy chồng, có con thì em hết mê đọc Duyên Anh. Bây giờ đôi khi em cũng đọc những truyện mới của Duyên Anh nhưng em không còn thấy hấp dẫn em như trước nữa…

Tôi cũng nghe nhiều người trưởng thành khác nói với tôi về tiểu thuyết Duyên Anh: “Truyện của hắn có gì lạ đâu mà nghe nói bán chạy quá vậy??” Những lời phê bình này về Duyên Anh làm cho tôi thấy rõ ràng tiểu thuyết của Duyên Anh đúng là tiểu thuyết của tuổi thơ. Tuổi thơ và của tuổi học trò. Khi hết còn thơ ấu, khi hết còn là học trò, người ta không còn là độc giả của Duyên Anh nữa.

Như người thiếu phụ Huế nói trên đây và người viết truyện Duyên Anh. Thời nàng còn là nữ sinh cách đây đã 10, 15 năm. Cả lớp học của nàng có 45 nữ sinh thì có 40 nữ sinh mê tiểu thuyết Duyên Anh. Làm gì có nhà văn Việt Nam nào kể từ ngày Việt Nam có tiểu thuyết đến giờ, chiếm được số độc giả học trò đông đến thế??

Người thiếu phụ đa tình mê tiểu thuyết ấy bây giờ đã có chồng, có con, nàng vẫn còn đọc tiểu thuyết nhưng nàng không còn đọc những tiểu thuyết viết về tuổi học trò của Duyên Anh nữa. Đúng thôi, cũng tự nhiên thôi. Nhưng lớp thiếu nữ sau nàng, lớp em nàng, tiến lên thay thế nàng trong những học đường và lớp nữ sinh đó lại tiếp tục mê đọc tiểu thuyết Duyên Anh. Khi nào nước ta còn những học đường và trong học đường còn những nữ sinh mơ mộng — mà nữ sinh nào lại không mơ mộng chẳng nhiều thì ít, mơ mộng là nghề của nữ sinh — ngày đó tiểu thuyết của Duyên Anh vẫn còn độc giả và do đó vẫn bán chạy.

Riêng trong gia đình nhỏ của tôi có hai độc giả trung thành của Duyên Anh: một là con gái tôi, Kiều Giang, năm nay 16 tuổi, nữ sinh trường Nguyễn Bá Tòng, hai là đứa con trai út của tôi, Hải Triều 10 tuổi, học trường Mai Khôi. Mỗi lần thấy tờ Tuổi Ngọc giới thiệu một tiểu thuyết mới của Duyên Anh là Kiều Giang dục tôi đến tòa soạn Tuổi Ngọc lấy về. Trong tủ sách riêng của Kiều Giang, tất cả những tiểu thuyết của Duyên Anh nằm ở chỗ trang trọng nhất. Mới đây chú Hải Triều cũng bắt đầu bầy tỏ sự mê đọc tiểu thuyết của Duyên Anh. Hải Triều cũng đòi tôi đi xin chú Duyên Anh những bản tiểu thuyết cho riêng chú. Chú không thích đọc chung với chị Kiều Giang.

Ở Việt Nam, kể từ ngày có tiểu thuyết tới giờ, cũng có nhiều nhà văn viết về tuổi học trò. Nhưng vô tư mà nói, chưa ai được học trò mến và đọc nhiều bằng Duyên Anh. Tôi nghĩ rằng học trò, từ 10 tuổi tới 16, 17 tuổi, nhiều người là độc giả của Duyên Anh. Và học trò con gái thường bỏ tiền ra mua tiểu thuyết hơn học trò con trai. Nam sinh có nhiều thứ giải trí cần dùng đến tiền hơn là nữ sinh. Và đó là điều giải thích tại sao tiểu thuyết của Duyên Anh lại bán chạy. Trong khi những tiểu thuyết khác của những người viết cũng nổi tiếng nhất nhì cõi đời này chỉ in được nhiều lắm là 5.000 quyển, bán được chừng 3.000 quyển trong mấy tháng phát hành đã được coi là chạy lắm. Những tiểu thuyết của Duyên Anh được in ở nhà in Nguyễn Đình Vượng mỗi quyển số in lên tới 10.000 cuốn. Và những nhà phát hành Đồng Nai, Sống Mới sẵn sàng trả hết tiền trước để mua hết số 10.000 cuốn truyện đó của Duyên Anh, một việc mà họ rất ít chịu làm với những nhà văn khác. Nhiều nhà văn in sách ra đến năn nỉ họ mua dùm và vì cảm tình, họ chỉ mua mỗi lần chừng 100 cuốn với lời hẹn nếu bán hết sẽ lại mua thêm. “Mua” đặc ân đây là mua trả tiền ngay, sách đề giá 100 đồng, tác giả sách được trả 60 đồng. Thường thì sách gửi đấy, sau vài tháng nhà phát hành sẽ tính, bán được bao nhiêu quyển sẽ trả tiền cho tác giả. Số sách còn lại được trả cho tác giả.

Nhà phát hành không dại gì bỏ tiền ra mua tiểu thuyết để cất vào kho, lại càng không mua với mục đích làm cho ông bà tác giả đó hài lòng. Họ chỉ chịu mua khi tiểu thuyết bán được và họ có lãi. Theo sự hiểu biết của tôi, cũng chưa nhà văn nào kiếm được nhiều tiền nhờ tác phẩm bằng Duyên Anh. Nhờ có tiền và có óc tính toán, không chịu để cho các nhà xuất bản đứng giữa bóc lột văn tài của mình, làm giầu trên tác phẩm của mình một cách phi lý, Duyên Anh, trong những năm gần đây, tự xuất bản lấy tác phẩm của anh và nhờ vậy, số tiền anh thu về tăng lên gấp bội. Tôi nghe nói quyển Nhà Tôi, Duyên Anh bỏ tiền in lấy, bán lấy và thâu tiền về chừng 1 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền 400.000 đồng bán bản quyền Nhà Tôi để làm phim. Cũng cuốn truyện Nhà Tôi ấy nếu anh đem bán cho nhà xuất bản, và nhất là nếu anh túng tiền, bản quyền tác giả nhà xuất bản trả chỉ nhiều lắm là 100.000 đồng. Và cũng quyển Nhà Tôi đó đem bán cho nhà làm phim, nếu Duyên Anh túng tiền và cần tiền “bao nhiêu cũng được miễn là chi ngay” như đa số chúng tôi, tiền bán cũng chỉ nhiều lắm là 100.000 đồng.

Tôi quen biết với Duyên Anh từ lâu lắm, từ ngày anh mới bắt đầu viết tiểu thuyết ở nhật báo Xây Dựng và chưa nổi tiếng lắm. Hồng Dương giới thiệu Duyên Anh và tôi trong một buổi sáng năm 1964 trong Nhà Hàng Tự Do. Năm ấy nhật báo Sàigonmới bị đóng cửa, tôi làm trong toà soạn nhật báo Ngày Nay của anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Sự giao du thân mật ấy giữa Duyên Anh và tôi đến nay đã 10 năm. Thời đó chúng tôi cùng bắt đầu viết loại phim chửi bới trên nhật báo, Duyên Anh ký tên là Thương Sinh, tôi ký Gã Thâm, và giữa Thương Sinh và Gã Thâm từng có lần chửi nhau trên báo tưng bừng.

Kể về tính xấu — nếu muốn — thì Duyên Anh có hơi nhiều, nhưng ta nên gọi đó là những khuyết điểm hơn là những tính xấu. Khuyết điểm nặng nhất của Duyên Anh, theo tôi, là anh thành công trong nghề văn quá sớm, quá dễ. Anh lại có tài viết hơn người nên anh cóc cần ai cả. Sự kiện này rất khó chịu cho những ai phải cộng tác với anh trong những tờ báo do anh chủ biên. Riêng tôi, tôi có mặc cảm bị anh coi thường, có bài tôi cũng được, tôi không viết cũng chẳng sao, anh ôm lấy viết hết. Do đó, anh không đối xử với anh em chúng tôi tốt bằng anh Chu Tử, anh Nguyễn Mạnh Côn.

Sở trường của con người ta nhiều khi cũng chính là sở đoản. Bởi vì viết được hơn người. Duyên Anh chỉ là người viết tốt nhưng chưa phải là người chủ biên tốt. Tuy nhiên, hiểu rõ Duyên Anh hơn nhiều người, tôi tin rằng nếu Duyên Anh gặp nhiều thất bại tan tành như anh Chu Tử chẳng hạn, hoặc khi anh 50 tuổi như anh Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh sẽ quí anh em hơn vì thấy cần anh em hơn. Chỉ khi đó anh mới trở thành cái cột trụ vững chắc cho một tờ báo. Duyên Anh hãy còn trẻ lắm. Năm nay anh chưa tới 40. Tôi nghĩ rằng anh sẽ còn có dịp học hỏi nhiều ở đời.

Duyên Anh tự kiêu. Điều đó chẳng phải là bạn thân của anh ta cũng có thể biết. Phần nào sự tự kiêu của anh có lý. Với một số vốn học ít ỏi, một thân một mình vào Nam, thời gian đầu vào Sài Gòn anh phải sống trong Nhà Hát Lớn cùng với cả trăm gia đình đồng bào di cư nghèo khác, mỗi gia đình chỉ chiếm được một cái chiếu. Duyên Anh, khi ấy chỉ là Vũ Mộng Long, đã phải làm nhiều thứ nghề lặt vặt để kiếm sống. Có lần tâm sự, và dường như chính Duyên Anh đã viết trên một hồi ký nào đó của anh, Duyên Anh nói với tôi rằng cho đến năm anh ngoài hai mươi tuổi, chưa bao giờ anh ôm mộng trở thành văn sĩ. Anh viết truyện ngắn vì một trường hợp ngẫu nhiên: Năm 1961, 1962 gì đó anh làm thư ký trong Nha Tổng Giám Đốc Thanh Niên thời đó do ông Cao Xuân Vỹ nắm. Nha này xuất bản 1 tờ nguyệt san với tiền của chính phủ, báo in ra phát không cho những Ty Thanh Niên tỉnh và chàng thư ký trẻ tuổi được dùng vào việc ấn hành tờ báo. Chàng đọc bản thảo và thấy rằng thiên hạ viết dở quá, mình cũng có thể viết được như thế, chàng bèn viết. Rồi truyện ngắn đầu tay của Duyên Anh được nhà văn Nguyễn Mạnh Côn trang trọng đăng ở tờ Chỉ Đạo. Truyện ngắn này nếu tôi nhớ không lầm, là truyện “Con sáo của em tôi”, một truyện viết về tuổi thơ và loài vật. Tôi nghe nói ông chủ biên Chỉ Đạo Nguyễn Mạnh Côn đặc biệt trả tiền nhuận bút 5.000 đồng cho tác giả “Con sáo của em tôi.”

Rồi cách mạng 1963 cho hai anh em ông Ngô ra nghĩa địa, cho “Lãnh tụ Thanh Niên Cộng Hòa” họ Cao đi tù, và chàng thư ký Vũ Mộng Long được giới thiệu tới làm việc với Linh mục Nguyễn Quang Lãm, chủ nhiệm nhật báo Xây Dựng. Thoạt đầu Duyên Anh viết tiểu thuyết trang trong. Những “Luật Hè Phố, Dấu Chân Sỏi Đá, Điệu Ru Nước Mắt” được sáng tác trong thời gian này. Rồi các nhật báo sau “cách mạng” đi vào thời kỳ chửi bới và vì nhu cầu, Duyên Anh viết thêm mục phim ở trang nhất ký tên là Thương Sinh. Tuy nhiên, mãi tới khi về cộng tác với tờ Sống của Chu Tử, cái tên Thương Sinh viết phóng sự nham nhở mới nổi bật lên và được cả nước biết.

Trong chàng trẻ tuổi Vũ Mộng Long có hai người viết: Duyên Anh và Thương Sinh. Hai người viết ấy khác hẳn nhau. Người viết Duyên Anh chuyên viết về tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên, người viết Thương Sinh chuyên moi móc những chuyện bẩn thỉu của người đời, Thương Sinh viết tàn nhẫn, ác liệt và sống sượng đến phát sợ. Nhưng người viết Thương Sinh chỉ là giai đoạn. Loại phóng sự nham nhở chỉ sống được trên những nhật báo, hay tuần báo chuyên về châm chích, bới móc như báo Con Ong, dù có viết hay mấy loại văn báo nham nhở này cũng không thể trở thành tác phẩm. Vũ Mộng Long biết rõ hơn ai hết điều đó, anh đã khai tử không tiếc thương người viết Thương Sinh trong anh để chỉ còn sống với con người Duyên Anh.

Hoàng Hải Thủy

12-09-2011

Theo http://hoanghaithuy.wordpress.com/2011/09/12/con-ong-sai-gon-2011/
Ý kiến bạn đọc
09 Tháng Mười 20117:00 SA
Khách
Rat xuc dong khi doc bai nay ! 17 TUOI CHOT THUC - BAY GIO LA BAO GIO ? BAN TAY DUA LEN TOC - NGAN SAU CON BANG QUO ! ( Du tu Le ?)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn