BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39396)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Con suối ở miền đông (8)

29 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 1446)
Con suối ở miền đông (8)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Danh mở mắt... Nó không biết nó đã ngủ từ bao giờ. Nó ngạc nhiên thấy mình nằm trên chiếc giường sắt có đệm. Danh trừng trừng nhìn chiếc màn "tuyn" trắng mướt. Nó khẽ cựa quậy. Tiếng kêu cót két khiến nó rợn người. Danh hỉnh hỉnh mũi. Nó bắt buồn mửa vì cái mùi khó chịu quá. Nó đảo mắt nghiêng người. Ô hay, sao nhiều giường và người nằm thế. Nó đưa tay sờ đầu. Ai đã quấn khăn lên trán nó dày cộm. Danh sợ quá, hét lớn. Một bàn tay đặt vào trán nó.

Và giọng nói êm đềm.

- Nằm yên em bé, không sao đâu. Nhắm mắt lại gnủ đi...

Danh vẫn mở mắt thao láo, bỗng nó chụp lấy bàn tay.

Giọng nói thiết tha hơn:

- Em may mắn còn nguyên chân tay, chỉ bị thương ở đầu thôi.

Danh bóp chặt bàn tay của người đang nói chuyện với nó.

- Tôi làm sao?

- Em bị thương ở đầu.

- Bác Nghị đâu?

- Bác Nghị nào?

- Em Thảo đâu?

- Em Thảo nào?

- Bác Nghị và em Thảo của tôi!

Danh toan ngồi dậy. Nhưng lần này cả hai bàn tay để lên đôi vai nó:

- Nằm yên em bé.

Danh đã thấy người nói với nó. Đó là một người đàn bà mặc áo trắng. Danh toát mồ hôi:

- Cháu đang ở nhà thương hở, cô?

- Ừ, cháu đang ở nhà thương.

Danh nhớ lại sự kiện đã xảy ra, nó la lối um sùm.

- Ối giời ơi!

Cô y tá khẽ "suỵt suỵt":

- Nằm yên em bé, chóng ngoan nào...

Danh òa lên khóc:

- Bác ơi! Em Thảo ơi! Bác ở đâu?

Danh vùng vẫy đòi bước xuống. Cô y tá giữ nó không nổi phải gọi thêm bạn đồng nghiệp. Danh la hét, giãy giụa, nức nở. Một lát, bác sĩ bước vào. Cô y tá trình:

- Thưa bác sĩ, em nhỏ bị sốt.

- Cặp ống thủy chưa?

- Dạ rồi.

- Bao nhiêu độ?

- Dạ 39.

Bác sĩ bắt mạch, nghe ngực cho Danh xong, chích vào mông nó hai phát thuốc liền. Ông dặn cô y ta:

- Lấy đá chườm lên mặt em nhỏ.

- Dạ.

- Khi cơn sốt dứt, nó tỉnh, cho nó uống viên thuốc an thần cho nó ngủ đi. Thằng nhỏ chắc bị xúc động mạnh. Nó la lối những gì?

- Thưa bác sĩ nó hỏi bác và em nó.

- Nó có kêu tên không?

- Dạ có.

- Tên chi?

- Bác nó tên Nghị và em nó tên Thảo.

Bác sĩ hơi cúi đầu:

- Vũ Văn Nghị và Vũ Thị Thảo, hai bố con đấy. Tội nghiệp! Đừng nói gì với thằng nhỏ, khi nào vết thương lành hẳn hãy cho nó biết.

- Dạ.

Bác sĩ chép miệng:

- Thêm một đứa nhỏ bơ vơ, không biết có bố mẹ không!

Người thầy thuốc chỉ đủ thì giờ thương hại Danh bấy nhiêu lời. Rồi ông ta rời khỏi phòng. Cô y ta chăm sóc Danh cho đến khi cơn sốt của nó dứt, Danh được uống thuốc an thần, ngủ mê mệt.

Khi nó thức giấc, nó nghe rõ từng tiếng chim hót. Tiếng chim hót sao mà giống tiếng chim ở con suối nhỏ gần làng Trảng Lớn miền Đông thế! Danh đưa tay sang bên cạnh để nắm một bàn tay. Nhưng không có bàn tay nào cả. Danh khẽ gọi:

- Thảo!

Im lặng. Tiếng thở của ngót hai chục bệnh nhân làm thành một tiếng thở của con hổ trong sở thú Sài Gòn. Tiếng chim mất đi... Phòng bệnh còn tối om mặc dù tiếng gà gáy từ xa vẳng lại. Danh đã biết nó đang nằm ở nhà thương. Nhưng nó chưa rõ nó ở nhà thương nào.

Mấy hôm trước, nó cùng bố con ông Nghị bỏ miền cao nguyên đất đỏ về Sài Gòn. Ông Nghị đã bán tống hết đồ nghề sơn đông. Mọi thứ thuốc cao đơn hoàn tán ông đổ xuống suối và con khỉ ông thả nó về rừng. Khỉ ở với người quen rồi, không muốn về rừng nữa. Đến nỗi, ông Nghị phải rút dao dọa phóng nó chết nó mới hoảng hốt bỏ chạy.

Ông Nghị quyết định về Sài Gòn làm gì, ông đã nói cho Danh hay. Nó sung sướng trong chuyến về này. Nó đã thấy cánh cửa tương lai hé mở, xe từ Ban Mê Thuột rời bến từ lúc bảy giờ sáng. Quá trưa, xe tới Phước Long. Xe đang chạy ngon trớn thì một tiếng nổ long trời làm tung xe lên. Và rồi Danh chẳng biết gì nữa. Mãi chiều hôm sau nó mới tỉnh, thì quang cảnh chung quanh nó làm nó phát sốt. Nó được uống thuốc an thần, ngủ đi cho tới bây giờ.

Có lẽ lúc này mới năm giơ. Danh gọi Thảo, Thảo đi đâu không trả lời nó. Tiếng nổ! Nó sực nhớ tiếng nổ làm tung chiếc xe. Danh hét ầm:

- Thảo ơi, bác ơi!

Cô y tá trực đẩy cửa phong bước vào. Cô rờ đầu nó. Rồi cô nói:

- Nằm yên em bé!

Danh hổn hển:

- Bác tôi đâu hở, chị?

- Bác em nằm ở phòng kia.

- Còn em Thảo tôi?

- Nằm chung phòng với bác em.

- Tại sao chị không cho tôi nằm cùng phòng với bác tôi?

- Tại phòng đó hết chỗ rồi

Danh chộp lấy cổ tay cô y tá:

- Xe đò bị làm sao hở, chị?

- Xe đò bị lật.

- Tiếng nổ gì to vậy?

- Xe bị bể bánh đấy mà...

- Có ai chết không hở, chị?

- Bác Nghị tôi có chết không?

- Không ai chết cả mà.

- Còn em Thảo tôi?

- Bị thương nhẹ.

Danh buông cổ tay cô y tá ra, năn nỉ:

- Chị cho tôi sang phòng thăm bác tôi, em tôi nhé!

Cô y tá vỗ vai Danh:

- Bác sĩ cấm mà em. Chừng nào mọi người lành vết thương mới được gặp nhau.

Cô y tá gợi chuyện hỏi Danh:

- Em có khát không?

- Không ạ.

- Nhà em ở đâu?

- Tôi không có nhà, ba má tôi chết rồi, tôi đi đánh giày, Bây giờ tôi theo bác Nghị và em Thảo.

- Em không có họ hàng với ông Nghị của em à?

- Không chị ơi, nhưng bác Nghị tốt hơn chú ruột tôi. Chú tôi đuổi tôi ra khỏi nhà, bán nhà của ba tôi đi. Còn bác Nghị thương tôi, bác sắp cho tôi học nghề thợ máy.

- Em sợ bác Nghị bỏ em à?

Danh có vẻ giận.

- Sao, chị nói sao?

Cô y tá vẫn xoa vai Danh:

- Nhỡ bác Nghị bỏ rơi em thì sao?

- Không đâu, bác ấy tốt lắm, bác ấy cho tôi sà đầu vào lòng bác ấy và bảo tôi khóc đi, khóc nhiều đi...

Cô y tá cúi đầu và chớp mắt. Nhưng Danh không hiểu vì sao cô chớp mắt. Có lẽ vì phòng còn tối, nó cũng chẳng nhìn rõ khuôn mặt cô:

- Đây là ở đâu, hở chị?

- Bệnh viện em ạ!

- Tôi biết đây là bệnh viện nhưng thuộc miền nào cô?

- Đây là tỉnh Phước Long.

- Từ đây về Sài Gòn còn xa không?

- Còn khá xa.

Danh lại nhớ đến ông Nghị nhớ đến con Thảo. Nó đưa tay sờ trán.

- Đến hôm nào mời khỏi hở, chị?

- Vài hôm nữa.

- Em nhờ chị một chút được không?

- Được em ạ!

- Lát nữa trời sáng, chị cho em mượn cây viết và tờ giấy em viết cho bác Nghị em vài chữ, rồi nhờ chị đưa giúp cho bác em, chị nhé!

Danh đổi cách xưng, khiến cô y tá cảm thấy thương nó. Cô y tá chưa kịp trả lời, Danh nói tiếp:

- Chị bằng lòng không?

- Có chi mà chị không bằng lòng. Vậy bây giờ em nằm yên, la hết bác sĩ rầy nghe chưa. Chút nữa chị mang giấy vút vào cho em.

Cô y tá trở ra. Danh ngoan ngoãn nằm yên. Nó mơ màng đến căn nhà cũ của nó ở Khánh Hội. Căn nhà cũ có cây vú sữa, có đàn gà, có con cho "xi" và nhất là có ông Nghị, có con Thảo. Danh nhắm mắt tưởng tượng. Nó nghe chừng hạnh phúc đang bò vào trong tâm hồn nó. Và cả hồn thằng Lựa cũng bén mảng về leo lên hạnh phúc đó. Nó lại thích ngủ.

Đến tám giờ Danh mới thức. Cô y tá y hẹn mang giấy bút cho Danh. Nó nhờ cô nàng đỡ nó ngồi dựa vào cái gối kê ở đầu giường, hí hoáy viết thư cho ông Nghị. Danh cắn bút thật lâu mà không hiểu nên viết gì. Cuối cùng, Danh viết cho Thảo, hỏi thăm con Thảo bị thương có đau không và có nhớ nó không. Nó kể cho Thảo nghe những ngày mê mệt, buồn rầu ở phòng bệnh và nỗi nhớ nhung cha con Thảo.

Danh viết lửng lơ có đầu mà chẳng có cuối. Nó cũng chẳng ký tên. Lần đầu tiên nó viết thư mà. Viết hết ý, Danh gấp tờ giấy lại trao cho cô y tá:

- Chị đưa giùm em nhé!

Cô y tá hỏi:

- Đưa cho ông Nghị hở, em?

Cô y tá ái ngại nhìn Danh. Nó dặn:

- Chị nhớ bảo em Thảo viết trả lời em, chị nhé!

Cô y tá không dám nhìn Danh nữa. Cô quay mặt nhìn ra cửa sổ:

- Nhỡ Thảo không viết thì sao?

Danh to tiếng:

- Em cá với chị Thảo sẽ viết.

- Nhỡ Thảo mệt chưa viết được cơ mà?

- Thì chị cố báo Thảo viết cho em vài chữ để em yên lòng nằm ở đây.

- Nếu Thảo không viết được thì chị nhắn lời Thảo tới em nhé?

Cô y tá bịa chuyện:

- Em chưa biết à, mà có ai nói với em đâu, Thảo bị thương ở tay phải, sao viết được.

Danh hoảng hốt:

- Liệu có gãy tay không chị?

Cô y tá lắc đầu:

- Gãy tay sao được, bị thương nhẹ mà.

- Thế chị bảo em Thảo viết cho em vài chữ thôi.

- Tay thảo bó bột chưa gỡ ra, chắc chưa viết nổi đâu em.

- Thế thì làm sao bây giờ?

- Thì Thảo nhắn lời chị, chị nói lại với em.

Cô y tá nói thêm:

- Em không thương Thảo ư, em bắt Thảo ráng viết cho em nhỡ bị nằm thêm vài hôm nữa thì sao?

Danh hiểu ý cô y ta. Nó chép miệng:

- Buồn quá chị nhỉ? Thôi, chị bảo em Thảo kể chuyện " Giọt nước mắt tím của nàng tiên" cho chị nghe rồi chị kể lại nghe.

Cô y tá gật đầu. Lòng cô dâng một tình thương khác hẳn với tình thương cô đã san sẻ cho bao nhiêu người bệnh. Trong tình thương Danh, cô y tá không khỏi bùi ngùi trước cuộc chiến tranh tương tàn tủi nhục. Và cô đâm ra hận thù những kẻ cố gắng kéo dài chiến tranh để thỏa mãn những mục đích đê hèn của họ.

Mắt cô đã chứng kiến bao nhiêu người chết, bao nhiêu người què cụt, mù lòa vị mìn, chất nổ của kẻ gây chiến tranh khủng bố. Nhưng chưa lần nào cô xúc động và tê tái bằng lần này. Sự thơ ngây của đứa trẻ có người thân bị chết làm cô đau đớn. Cô đã biết, trước khi đứa trẻ hiểu người thân của nó chết thê thảm, chết vô lý bởi quả mìn của lũ người bỉ ổi. Và rồi nó nghĩ sao về người còn sống nói dối nó, nó làm gì, nó sẽ ra sao...

Nước mắt cô muốn ứa ra. Cô đã mím chặt nỗi xúc cảm đang dày vò lương tâm. Danh mơ hồ tưởng chừng cô y tá đã hiểu được nỗi lòng nó đối với con Thảo. Tự nhiên, nó hớn hở khoe:

- Em Thảo của em đẹp lắm, chị ạ!

Cô y tá nuốt nước miếng để khỏi bị tiếng khóc:

- Thế à?

- Chị đã trông rõ mặt em Thảo của em chưa?

- Trông từa tựa đào hát Kim Cương, chị ạ!

- Đẹp quá nhỉ?

- Lớn lên chúng em sẽ lấy nhau, chị ạ!

- Thích quá nhỉ?

- Em khoái trồng cây vú sữa, Thảo cũng khoái.

- Vui nhỉ?

- Em khoái nuôi gà, Thảo cũng khoái.

- Ngộ ghê hé?

- Thảo khoái nuôi chó "xi", em cũng khoái mới chết chứ.

- Chị thích chó "xi" lắm.

- Bác Nghị định cho em học nghề máy xe hơi, còn em Thảo học nghề thợ may. À, hay là chị bảo bác em viết cho em vài hàng, chị nhe!

- Nếu bác em không mệt chị sẽ bảo giùm.

- Bác em tốt lắm, chị ơi!

- Chị biết rồi... Thôi để chị đi, em nhé!

- Vâng chị đi, mau lên chị nhé!

Cô y tá rời Danh. Cô đem bức thư của Danh đi và cô nghĩ sẽ đốt giùm nó vào ngày giỗ đầu của con Thảo. Bây giờ cô y tá mới dám khóc.

Còn tiếp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn