BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73218)
(Xem: 62210)
(Xem: 39388)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những kỷ niệm khó quên

19 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 2034)
Những kỷ niệm khó quên
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong cuộc hành quân Lam Sơn vào năm 1971, tôi theo Tiểu đoàn Quân Y tham dự và đóng quân tại Khe Sanh. Y sĩ Trung tá Nguyễn Văn Thế là Tiểu đoàn trưởng Quân Y, còn tôi phụ trách Bệnh viện hành quân. Tiểu đoàn Quân Y hành quân đóng cách xa Bộ Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến hành quân hai quả đồi, tuy xa mà gần vì lúc nào cũng nhìn thấy nhau trong những ngày không có sương mù bao phủ.



Bệnh viện hành quân gồm hai phần: Phần nổi là hai cái lều lớn dựng trên mặt đất để nhận bệnh, lựa bệnh, ngoại chẩn, phòng nha khoa, dược khoa, phòng mổ cho trung và tiểu giải phẫu. Phần chìm là một hầm bệnh xá dài, chứa được khoảng 50 bệnh nhân nằm điều trị, cùng với phòng giải phẫu cho các ca mổ lớn, được trang bị đầy đủ dụng cụ ngoại khoa, máy móc để gây mê toàn diện, phòng hồi sức, hậu giải phẫu, cấp cứu...

Thành phần nhân viên y tế cơ hữu gồm có Bác sĩ Trần Tiễn Nam, Bác sĩ Mạnh, Nha sĩ Thọ, Dược sĩ Tâm, sĩ quan trợ y, các y tá phòng mổ, y tá điều trị, và tôi là Y sĩ trưởng bệnh viện. Những khi thương binh về nhiều thì Bác sĩ Thế cùng các nhân viên phụ tá tới giúp điều khiển chương trình lựa thương và hành chánh để cho Bác sĩ Nam, Bác sĩ Mạnh và tôi được trọn vẹn thì giờ săn sóc các thương binh.

Y sĩ Trung tá Nguyễn Văn Thế dáng người cao, với cặp kính trắng gọng đen lớn, trông rất thư sinh nhưng rất chịu chơi và chơi đẹp. Trong suốt cuộc hành quân nằm ở Khe Sanh, mỗi ngày chúng tôi đều ngồi ăn chung với nhau, sau bữa ăn thì ngồi đấu láo, thỉnh thoảng chơi bài giải trí. Ăn cùng, chơi cùng nhưng không ngủ cùng. Những bữa ăn tuy ở trong rừng xa thành phố nhưng không kém phần khoái khẩu, ấy là nhờ phu nhân Bác sĩ Thế đã thường xuyên làm nhiều món ăn đặc biệt từ Sài Gòn và tiếp tế đều đều cho phu quân, anh em chúng tôi nhờ đó được thưởng thức ké. (Xin cảm ơn chị Thế).

Bác sĩ Trần Tiễn Nam lúc bấy giờ là Y sĩ Trung úy, dáng người đẫy đà, tầm thước, trắng trẻo, người Huế, cũng đeo cặp kính trắng dầy cộm. Bác sĩ Nam ít nói, rất dễ thương, hay bị anh em chọc ghẹo để phải phát ngôn. Ngày tôi đi tù cải tạo về thì được hay tin Bác sĩ Nam đã qua đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. (Xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ đến Bác sĩ Nam, một đồng nghiệp và một chiến hữu dễ thương).



Còn tôi, sau khi tu nghiệp giải phẫu tổng quát ở Mỹ về, được xếp Thế gắn cho lon Thiếu tá, rồi kéo nhau ra Khe Sanh để cùng sanh tử với nhau... Tuy làm việc rất mệt, với nhiều đợt thương binh ào ạt về, và tinh thần luôn luôn căng thẳng vì áp lực của địch, nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ vững niềm tin, nhất là sau mỗi bữa ăn chiều, quây quần sinh hoạt với nhau và được đại bàng Thế phổ biến tình hình chiến sự khả quan.

Trở lại sinh hoạt của bệnh viện hành quân. Khi mặt trận nổ lớn, thương binh về ồ ạt thì chúng tôi được tăng cường thêm một bác sĩ ngoại khoa từ Quân đoàn về là Bác sĩ Nguyễn Văn Cung (hiện đang hành nghề tại Nam California), người Huế, điềm đạm, dễ thương, mổ giỏi. Tám năm trước, khi cùng thụ huấn quân sự tại trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, anh Cung và tôi ở cùng phòng với nhau, người giường trên, người giường dưới, cho nên nay gặp nhau ở đây, Khe Sanh, thì rất thú vị và đắc ý.

Khi trận chiến ngày càng nặng nề thì tôi thấy các đơn vị cơ giới của Mỹ lần lượt rời khỏi Khe Sanh. Mỗi ngày tiếng pháo kích càng nghe gần hơn. Bác sĩ Nam và tôi ở chung một hầm. Mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi đều cầu nguyện được qua đêm bình an cả tinh thần lẫn thể xác. Buổi sáng ngồi nhâm nhi ly cà phê điểm tâm, chúng tôi cũng cầu xin ngày hôm đó bệnh viện ế khách.

Tôi còn nhớ buổi chiều Bác sĩ Nam và tôi đang tiến hành cắt bỏ cẳng chân của một thương binh bị pháo kích phá nát xương và cân cơ. Bệnh nhân được chích thuốc tiền mê nhẹ và được gây tê tủy sống. Phẫu thuật được làm ở phòng mổ trên lều, vì phòng mổ lớn dưới hầm đang chuẩn bị một ca đại giải phẫu. Tôi vừa đặt giây cưa trên xương chầy, sắp sửa kéo thì một tiếng nổ lớn làm mọi người giật bắn. Sức nổ làm căn lều rung rinh, mọi sinh hoạt bỗng khựng lại, tê liệt vài giây. Tôi nghe tiếng náo loạn ở bên ngoài hò nhau chạy xuống hầm núp. Thường thì mỗi đợt pháo kích hay đi hàng loạt cả chục hay cả trăm trái, do đó tôi yêu cầu toán mổ sửa soạn đưa gấp bệnh nhân xuống hầm để tiếp tục mổ, đề phòng trường hợp pháo kích hàng loạt sẽ nguy đến sinh mạng bệnh nhân và các nhân viên quân y. Chúng tôi nhanh chóng đặt bệnh nhân lên băng ca, phủ kín bằng tấm drap mổ, trên đùi vẫn còn giây garrot. Y tá Chính và Bác sĩ Nam khiêng cáng, tôi ôm theo các khay có đựng y cụ giải phẫu được phủ kín trong các tấm khăn mổ. Khi tôi chạy tới gần cửa hầm thì lại một tiếng nổ chát chúa nữa, lần này rất gần. Cát bụi bắn rào rào, tôi bị xô té xuống đất, mấy anh em trong hầm chạy ra tiếp cứu. Tôi hoảng hốt, chẳng còn nhận ra ai nữa, một anh (chứ không phải chị) kéo tôi ngồi cạnh anh ta, núp sau bức vách bao cát chắn ngang trước cửa hầm. Phía trong chật ních người, không thể len vào. Mắt tôi từ ngoài sáng mới vào chưa kịp điều tiết nên chỉ thấy lô nhô đầu người trong bóng tối mông lung ở phía trong. Tôi nhắm mắt lại cầu nguyện nhưng rất phân tâm vì tiếng ồn ào bàn tán xen lẫn tiếng chửi thề và tiếng cười khúc khích tỉnh bơ. Tôi đoán chừng chẳng còn ai sợ nữa, nhờ vậy tôi cũng lên tinh thần.

Một khoảng thời gian trôi qua thấy yên tĩnh, đoán chừng pháo kích đã ngưng, mọi người lục đục rời khỏi hầm bệnh xá, có vẻ thoải mái và thơ thới vì được hít thở không khí trong lành ngoài trời và đầu óc thư dãn. Tôi chợt nhìn thấy chiếc băng ca ở sát bức tường đất bên hông hầm. Băng ca còn đó mà bệnh nhân không thấy đâu, bao plastic đựng dextran vẫn còn treo lủng lẳng trên cọc sắt, “nước biển” vẫn còn tiếp tục nhỏ giọt dài xuống đất. Mọi người đổ xô đi tìm bệnh nhân, réo tên anh ta khắp nơi. Bỗng có tiếng nói lớn ở phía sâu trong hầm:

- Nó đây này bác sĩ ơi.

Chúng tôi đổ xô tới thì thấy anh chàng vẫn còn quấn trên mình tấm drap trắng, ngồi tựa vách hầm, nét mặt như ngái ngủ. Anh ta kể lại:

- Khi nghe tiếng nổ lớn, em chợt thức giấc và tỉnh táo hẳn, lúc chiếc băng ca bị văng xuống đất thì em lấy hết sức bình sinh lết bò, có nhiều anh em phụ kéo vào trong hầm. Rồi em cũng không hiểu làm sao có thể ngồi được ở sâu trong này.

Anh ta không hề nhớ là đang sắp sửa bị cưa cẳng, và cũng không biết có giây garrot đang quấn chặt trên đùi. Anh hoàn toàn không cảm thấy đau đớn gì cả.

Một năm rưỡi sau, anh thương binh này đến thăm tôi tại Bệnh viện Thủy Quân Lục Chiến Lê Hữu Sanh với đôi nạng gỗ kẹp hai bên nách và đang chờ làm chân giả. Anh ta giới thiệu với tôi người vợ trẻ và đứa con gái đầu lòng được hai tháng. Anh đùa với tôi rằng anh đã được đền bù lại cái cẳng mà anh đã mất. Sự đền bù ấy chính là người vợ yêu quý mà anh đã quen trên chuyến bay tản thương về Sài Gòn. Anh cười và nói tiếp:

- Nếu không nhờ mất cái cẳng thì đâu có dịp quen nàng.

Y sĩ nơi chiến trường hay gặp những chuyện đặc biệt và độc đáo. Nay nhớ lại quãng đời đã qua, những nỗi vui, buồn, phiền não, lo sợ, giận hờn đều trở thành những kỷ niệm đẹp và dễ thương.

Y sĩ Thiếu tá Trương Minh Cường
(Viết lại theo ký ức.
Thân tặng các chiến hữu và các đồng nghiệp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn