BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72812)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bà Ẩn (tiếp theo)

16 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 980)
Bà Ẩn (tiếp theo)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Theo dòng thời gian, nỗi đau mất con như vết thương lòng liền sẹo. Những cơn điên thưa dần rồi bà cũng bình tâm trở lại. Thời đó, o Châu là cô con gái út của ông bà đang học cấp ba, nổi tiếng là học giỏi nhưng thi đại học ba năm không đỗ. Đơn giản là, o thi khối C, ba môn Văn, Sử, Địa, đều là những môn mà các bài thi thường liên quan đến công lao to lớn và vai trò lãnh đạo sáng suốt của Tiệc, mà với o, đó không phải là văn chương.

Sự khác nhau trong quan điểm về văn học khiến các bài thi của o không được đánh giá cao. Mỗi kỳ thi o đều thiếu một vài điểm. Thi hỏng, lại thi, lại hỏng… tuy nhiên o vẫn không nản, vẫn tiếp tục nuôi mộng khoa bảng.

Thời gian đó, ông bà Ẩn đã già, không còn tham gia làm đồng nên chỉ được hưởng chế độ phân phối của hợp tác xã. Bà ở nhà, hàng ngày chăm bón mảnh vườn, bòn đãi từng cọng rau, quả cà rồi mang ra chợ bán. Mỗi ngày kiến được dăm ba hào bạc, nuôi con, nuôi cháu. Cô Long trạc tuổi em gái tôi từ Tân Kỳ về ở với ông bà và học cấp 2 ở trường làng như là một niềm vui nho nhỏ của ông bà.

Mỗi buổi sáng tôi thường đi ngang qua nhà bà, gặp bà đi chợ, y như rằng, hôm đó bà đắt hàng. Hôm nào vì lý do gì đó tôi không ra ngõ là bà nhắc ngay. Có hôm bà sang nhà tôi chơi rồi công bố luôn hiện tượng đó. Bà bảo, “thằng ni mau mắn, bữa mô tui gặp hắn y như bựa đó đắt hàng”. Có lẽ do quan niệm đó, nên mỗi khi tôi đi qua nhà bà rất vui và hay mời vào nhà chơi. Thời gian này, o Châu thi trượt đại học nên cũng thường xuyên ở nhà, tôi gặp o thường xuyên hơn.

Là người có năng khiếu văn học, nên o thường hay đọc Truyện Kiều, kể chuyện Tam Quốc, rồi nói về các tác phẩm văn học Nga của các tác giả lớn như Leptolstoi, Maxim Gorky, Shekhop… Cũng chính vì lý do này, nên kiến thức văn chương cứ ngấm vào máu tôi một cách tự nhiên. Sau này dẫu tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi toán của trường, nhưng đời sống văn chương với tôi vẫn là mảnh đất quen thuộc và tạo cho mình nhiều cảm xúc.

Hồi ở chiến trường Campuchia, trong những ngày hành quân, lưu trú trong những cánh rừng nhiệt đới, tôi mới thực sự cảm nhận được rằng nguồn cảm hứng văn chương như là một động lực để tôi vượt qua được những thời điểm khó khăn của cuộc sống. Cũng chính từ những thời điểm này, tôi dành nhiều thời gian hơn để viết nhật ký, viết thư cho bạn bè, người thân. Giờ ngẫm lại mới thấy rằng, mầm mống của người làm báo trong tôi đã được bắt đầu như vậy.

Như đã nói ở trên, sau ba năm thi khối C không đỗ, năm sau đó, o Châu thi khối B, vào Đại học Lâm nghiệp thì trúng luôn. Chuyện một người con gái gác việc chồng con để thi đỗ đại học đã trở thành một hiện tượng của người Hoa Thành để người ta dẫn ra thành một tấm gương trong nhiều năm sau.

Tuy nhiên, với o Châu giữa sự kiên định đường khoa cử và việc mưu cầu hạnh phúc dường như không song hành.

O Châu vào Đại học được hai năm, thì tôi cũng vào trường Hàng Hải. Hè năm đầu tiên về quê, nghe tin o cũng về, tôi chạy sang nhà bà Ẩn, gặp lại o, tôi không tin vào mắt mình nữa. Thay vì hình ảnh của một cô sinh viên xinh tươi, khoẻ mạnh, cởi mở là một người gầy xác xơ, tiều tuỵ sống khép kín. O cho biết, trong một lần học bơi, do uống phải nước bể rất bẩn, nên o bị tiêu chảy. Đau bụng, dùng kháng sinh kéo dài, o bị chứng rối loạn tiêu hoá, lại phải sống trong môi trường sinh viên kham khổ nên người cứ khô dần.

Năm sau o ra trường được phân công về một lâm trường ở Quỳ Châu. Ở chốn thâm sơn cùng cốc, với một người con gái trẻ, đẹp chuyện kiếm cho mình một tấm chồng tử tế còn khó huống chi với o, một người mà nhan sắc đang xuống giốc không phanh. Năm tháng qua đi, khi những người cùng trang lứa đã tay bế tay bồng thì với o, vẫn chưa có thông tin về chuyện chồng con.

 Sau này gặp một vài người bạn, nghe kể rằng, o có lấy một anh chàng lái xe nào đó. Nhưng rồi, sự khập khễnh về học vấn vẫn là khoảng cách không thể lấp đầy. Ở với nhau được mấy năm, rồi đường ai nấy đi. Có lần, thấy thấp thoáng bóng o vê quê chơi nhưng vẫn một mình một bóng. Cái tuổi nó đuổi xuân đi, trông o chẳng khác nào những bà già lam lũ ở quê nhà.

(Còn tiếp)

Phan Thế Hải

16-09-2011

Theo Blog Phan Thế Hải
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn