BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tháng Tư Nhớ Đất

08 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 1235)
Tháng Tư Nhớ Đất
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Một hôm, có kẻ biết mình xắp đi xa, lòng buồn man man. Đưa mắt nhìn xuống dưới chân, khoảng đất quen thuộc với những hạt cát khô, rời, nóng bỏng đã từng ôm lấy đôi chân trần tuổi thơ tung tăng chân sáo. Hôm nay, phố phường bỗng như xa lạ. Những sinh hoạt tấp nập, ồn ào chung quanh mà sao nó cứ thấy lòng hoang vu. Nó đứng im lìm, bất động nhìn bóng người bạn học đi qua đầu con ngõ. Cảm giác đắng ngắt nằm ở ngay cuống họng. Chẳng còn gì để nói sao? Tất cả đã trễ tràng? Nó mơ hồ cảm thấy có bàn tay thiêng liêng nhưng xa lạ như sắp đặt mọi sự ngay từ đầu, từ khi còn là hòn máu đỏ cho đến hôm nay. Nó xắp đi xa. Sự xắp đi xa đó gần như một nỗi mất mát cứ lớn dần và gặm nhấm vào tâm hồn nó thành nỗi xa xót tưởng như vô cùng; nỗi mất mát về một điều thân yêu, gần gũi như da thịt, hơi thở. Quê hương. Tiếng gọi tha thiết trong một buổi trưa buồn bã năm nào được vất vào không gian, như sợi khói mỏng manh bay bổng và tan loãng vào khoảng không vô tận. Hình bóng những người bạn cũ, màu áo trắng tinh khiết và những cặp mắt xanh mơ mộng, giờ nơi nao?



Những năm tháng sau, khi đã vượt qua nghìn trùng hải lý, đã bay hết một nửa vòng trái đất, đã dời đổi Đông Tây, đã chân bước lên vùng bình yên, hồi tưởng lại thời gian qua, ngoảnh nhìn lại đoạn đường cũ, chú bé hôm nào bỗng nhìn thấy lại những biến chuyển nghiệt ngã của thời cuộc, lịch sử như một khúc phim cũ còn rõ nét mà những gì đã xảy ra trên quê hương yêu dấu tưởng như chỉ có trong những giấc mơ hãi hùng. Con mắt trẻ thơ của nó đã chứng kiến một cuộc chiến đi qua để lại những hoang vu sa mạc và một mùa oan khiên tiếp nối. Định mệnh oan nghiệt như lưỡi dao bổ phập xuống thân phận đau thương của con người Việt nam. Xã hội chao đảo và lòng người tan tác. Tình cảm của con người Việt nam ngàn năm lịch sử bị đe dọa. Tình hàng xóm láng giềng lung lay tận gốc rễ. Mảnh đất quê hương một lần bỗng hóa san hô, những gai sắc thời cuộc cào xước da rỉ máu tâm hồn Việt. Và vì thế, người ta đã bầy tỏ một thái độ, làm một chọn lựa. Con người Việt nam ở phần cuối thế kỷ 20 đã xuống thuyền và ra khơi. Tự điển của nhân loại có thêm một danh từ mới: thuyền nhân. Nó đặt thành vấn đề của thời đại, gióng lên tiếng chuông để đánh thức lương tâm nhân loại, lay gọi lòng trắc ẩn. Và lương tâm nhân loại đã mở vòng tay đón nhận những con người bất hạnh đó.

Thời gian đầu xa xứ là lúc người ta ngồi lại để an ủi nhau, hong khô vết thương về những mất mát, đổ vỡ do cuộc chiến gây ra. Nhắc nhở nhau về một miền đất cũ nơi có những buổi sáng nắng lên, những giọt nắng thủy tinh rơi vỡ theo sau những gót chân son trên đường tới trường. Những trưa êm ả ngọt ngào tiếng ru hời ca dao. Những chiều gió lá me bay làm lay động hồn người mơ mộng. Và đêm về thành phố chong đèn cho những hẹn hò tình nhân. Nỗi nhớ nhà như rắc muối lên vết thương chưa kịp liền da làm lòng người quặn thắt. Tình người Việt xa nhà lúc đó thật quí mến. Vui lắm khi bất ngờ gặp nhau giữa phố lạ. Anh là người Việt nam? Chị là người Việt nam? Người ta vồn vã hỏi thăm nhau bằng thứ tiếng mẹ đẻ nguyên vẹn. Tiếng quê hương nở những đóa hoa đẹp lạ lùng ngay giữa quê người. Quê người. Tiếng gọi vừa xa lạ vừa gần gũi. Quê người hôm qua đã thành quê mình hôm nay. Lúc đầu còn là tạm dung mà sau đã là dừng chân vĩnh viễn. Nhưng sao ta vẫn cứ nhớ về miền đất cũ, về một thủ đô, về Sài gòn, thành phố của một người, thành phố của mọi người, thành phố của anh, thành phố của em, thành phố của tôi, thành phố của chúng ta. Ta hãy nghe Duyên Anh tâm sự về nỗi nhớ ấy:

Còn nhớ Sài gòn không? Những tháng nhung xanh cũ, những ngày lụa đào xưa, thành phố ấy, Sài gòn yêu dấu, mặt trời thắp sáng ước mơ, ánh trăng soi rõ kỷ niệm. Mỗi vỉa hè là một giải chiêm bao. Mỗi đoạn đường là một cơn hạnh phúc. Đã thấm niềm tưởng tiếc rồi đó, sau mười năm lưu lạc. Có chỗ nào tuyệt diệu hơn Sài gòn? Thành phố ấm quanh năm. Thành phố lá tương tư nhạc gió. Những đêm mưa, bụi khói khóc hư vô. Cổ tích ướp hơi thơ. Tình ái ngát hương thu nghìn cũ. Sài gòn dệt thơ làm nắng. Giữa tim hạ đã là xuân lãng đãng huyền thoại trong lối lụa Tú Xương, trên nền gấm Huyền Trân. Chỉ cần một câu vọng cổ, đã xao xuyến hồn già. Chỉ cần bước chân giao mùa, đã xanh mắt trẻ thơ, hồng môi thiếu nữ.” (1)

Và ta lại nhớ nữa Sài gòn, nhớ nữa về một miền đất thân yêu, những địa danh xưa, những hè phố cũ. Ta nhớ nữa cả chính hình bóng ta và những kỷ niệm nối theo. Dáng em, ôi dáng xưa ngoan hiền trên chiếc xe đạp tuổi xanh. Một lần thoáng vụt qua trước Thảo Cầm Viên rồi mất hút cuối con đường. Ta đuổi theo chiếc bóng mờ dần, ta gọi ú ớ. Rồi ta quay trở lại, lần theo lối cũ, tương tư một chốn hò hẹn, ngay giữa lòng thành phố. Giữa những hân hoan mời gọi tuổi xuân thì. Thành phố gió bay, tà áo em bay và ta thấy thấp thoáng Sài gòn.

Tôi một bữa ngồi yên như bàn ghế
Nắng rọi trong đầu những trắng bao la
Còn đôi mắt tôi ở Nhà Bè, ở Gia Định
Ở Ngã Tư Bảy Hiền ly nước mía, má, môi
(2)

Em đạp xe mini trời gió mềm trong áo
Thành phố bập bềnh trôi giữa nắng mênh mông
Sợi tóc chẻ hai gần đường xích đạo
Vạt áo sau lưng khép hở Sàigòn

Rồi ta chợt tỉnh cơn mê. Đời đưa ta về thực tại. Hôm nay đây, ta đã ở nơi miền đất mới. Bình an. No ấm. Tự do. Khi ta rảnh rỗi, ta được tha hồ tương tư quê hương, tương tư về miền đất cũ. Hoài vọng về một dĩ vãng xưa, kỷ niệm cũ. Những khi ấy ta thấy buồn ghê gớm, lòng trống vắng khôn nguôi. Ta thấy thiếu thốn điều gì ấy. À, ta thiếu quê hương, cái nôi êm ả ngàn đời với những tình tự ca dao khẽ ru ta từ thuở được làm người. Vậy thì, ta cứ buồn, cứ nhớ đi. Chỉ sợ một hôm nào lòng chợt dửng dưng khi có ai đó nhắc nhớ quê hương. Và ta hãy cứ than van với đời.

ở đây có phố sương mù
có người như tượng đứng thu bóng chiều
ở đây phố núi đìu hiu
đá mòn mỏi thở nhịp theo hơi người
ở đây có kẻ xa đời
có anh em đứng chia lời buồn quanh
ở đây, thôi ở đây đành
sáng ra núi ngóng chiều mênh mông chờ
(3)

Hay ta lại thấy lạc lõng, bơ vơ, xa lạ ngay trên miền đất mới. Những sớm mai rời bước khỏi nhà, mặt trời lên, mặt trời rực rỡ, nhưng mặt trời không đủ làm ta nao nức. Và những chiều hôm đi về, trên những xa lộ mênh mông, xe cộ ngập đường mà ta thấy như hoang vu, những sợi nắng quái không đủ vàng vọt để ta dậy cảm xúc. Ta bi quan và ta lạc mất lối về.

… Chúng tôi chỉ là những đám mây, bốc lên từ một vùng biển nhiệt đới nào đó, bay, bay mãi cho đến khi tan biến dần dần trên những rừng núi xa lạ và hoàn toàn biến mất trên một vùng sa mạc gió cát. Nước trở về nguồn. Nước đó không phải là chúng tôi …” (4)

Vậy, ta đã mất quê hương chưa nhỉ? Không, ta chưa mất quê hương. Quê hương vẫn còn đấy chứ. Mà, quê hương ở đâu xa, nó ở trong tâm, luân lưu trong máu. Nó là thịt da thơm, là hơi thở ấm. Quê hương là tiếng mẹ đẻ vỡ trên môi miệng ta mỗi ngày. Vậy thì ta hãy cứ hâm nóng nỗi nhớ nhé. Hãy luôn giữ nỗi nhớ tươi mới để một ngày nào quê hương trở lại, ta sẽ không bỡ ngỡ, xa lạ.

Mùa xuân 1977, thuở đầu xa xứ, nỗi niềm của những con người tha hương còn đau đáu, cuộn mình trong góc nhỏ ở chốn mưa mù Seattle, cô đơn, nhớ nhà, nhớ bạn bè thân thuộc, Thanh Nam đã riêng mình than thở:

Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài Một Tháng Tư!
(5)

Câu thơ như tiếng kêu thê thiết của con chim gãy cánh, tiếng kêu đòi đoạn như tiếng gọi quê hương tha thiết năm nào, nó cứ mãi âm ỉ than nồng trong đám tro thời gian mỗi ngày mỗi đầy lên, chẳng thể nguôi ngoai. Vì thế, mỗi năm, cứ khi tháng tư về, tôi lại nhớ đất cũ.

04/2006
Vũ Hiến Văn

(1)Duyên Anh, Video Giã Biệt Sài Gòn, Trung tâm Thúy Nga Paris, 1986.
(2)Uẩn tình kẻ xa xứ, thơ Cao Đông Khánh.
(3)Ở đây, thôi ở đây đành, thơ Trịnh Cung.
(4)Hoàng Mai Đạt, Thế hệ Macarena, Văn số 161, tháng 10, 1996.
(5)Thơ Xuân Đất Khách, thơ Thanh Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn