BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73311)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31162)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tôi vào học viện Cảnh Sát Quốc Gia

29 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 2132)
Tôi vào học viện Cảnh Sát Quốc Gia
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Đậu vào Khóa 2 Biên tập viên Cảnh sát Quốc gia, nói chí tình, không phải dễ. Bởi ít nhất, chúng tôi, mỗi đứa đổ đồng phải đá cho chết hơn mười lăm đứa mới vào được Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Hạng tép riêu, hạng cá kèo cà lơ phất phơ dẫu có chảy nước miếng cũng đành vẫy tay chào thua, nói gì sân si mà dòm với ngó cái tên Mỹ nghe rất le lói “Redactor” và cái lon trông rất lạ lùng “hai-gạch-hai-lăng-quăng”. Vậy mà cũng có ông tham lam, khùng khịu kiểu “nghèo mà ham”, còn ráng để lên vai một bông cúc bạc “lấy le” là ông Phó Quận trưởng Commissaire Adjoint. Nghĩ thời học ở Chu Văn An cùng với mấy thằng chằn ăn trăn quấn Thắng, Ý, Sử “quậy” quá chừng chừng các thầy Tự Giám thị, thầy Huỳnh dạy Triết, thầy Lương dạy Anh văn... đến không chịu nổi, còn rủ nhau “coup cours” liên miên xuống quán Tàu chệt trên đường Trần hoàng Quân uống cà phê đen, hút Basto đỏ. Sao đứa nào cũng đậu Tú tái 2. Thằng Sử đi Quốc gia Hành chánh. Thằng Thắng lên Đà lạt. Thằng Ý vào Thủ đức. Tôi khiêng cái “Chứng chỉ Tú-Tài phần thứ hai” vào Pétrus Ký thi vô Cảnh sát làm ông Cò.

Đậu rồi, còn sợ cái “pignet” lớn quá thì chết toi. Mấy đứa cứ thậm thùi thậm thụt đo tới, đo lui chiều cao, sức nặng, vòng ngực mà không bao giờ có con số giống nhau. Tôi 27, con số cho mấy thằng thư sinh đã trói gà không chặt lại còn cà phê cà pháo, cũng không đến nổi nào. Sáng mai đi thử mắt, bảo nhau “ngủ cho sớm”, “ăn sâm bổ lưỡng” để sáng mắt mà đọc con số, cái chữ nhỏ chút xíu chút xiu mà đứng thì xa lắc xa lơ. Buồn cười nhất là, ngày đi thử nước tiểu. Đứa thì đã chích “bi” cả tuần lễ trước để phòng cái sự đời dây dưa. Đứa thì ngày nào cũng Soda-hột gà, mắc thấy mẹ cũng ráng vung tiền qua cửa sổ. Đứa ở nhà quê nghèo, ba má cứ luột rau má, nấu canh rau má, húp nước rau má mấy ngày liền và cứ bảo “ăn đi con, uống đi con, nhuận tiểu lắm”. Sáng đó, ở bệnh viện Bà huyện Thanh quan, mấy khứa đàn ông mắc cỡ hay không mắc cỡ cũng kéo cái fermature xuống, lôi đầu “thằng nhỏ” ra xin 1/3 ly nước đái. Có đứa bảo “sao của tao vàng khè”. Có đứa cười khà khà “của ông thì trắng hơn nước lọc”. Một anh chàng nhỏ con đứng sát bên tôi, e lệ kiểu “lại cái”, ngó quanh ngó quất, “mắc cỡ thấy mẹ” cũng phải tuột quần mà kiếm một chút với người ta rồi lấm lét đi giao của nợ. Tôi thì, không vàng không trắng. Hơi sợ. Định xin một chút của cái thằng giọng đểu Bắc kỳ “của ông thì trắng hơn nước lọc”. Nhưng nghĩ, lỡ nó bị “hột xoài” thì sao. Thôi “ta về ta tắm ao ta” cho chắc ăn. Và chắc ăn thiệt. Tôi được giấy mời nhập khóa

Bởi ham vui, tôi không được vào Biệt khu Thủ đô bằng xe một cách đường hoàng, trân trọng như anh em. Tôi một mình, ngày 27 tháng 1 năm 1967, đưa giấy xin lính gác Biệt khu Thủ đô cho vào. Không xa, chừng vài trăm mét bên phía tay phải, đây rồi cổng trường Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia có hàng chữ National Police Academy ở dưới. Hai cái cột treo bảng Học viện dính chặt vào hai bức tường cao làm vòng thành, che kín mít bên trong. Dò danh sách, tôi thấy có ông giáo đẹp trai, nho nhả mà ưa cằn nhằn cẳn nhẳn Trần khánh Thiện dạy Anh văn trường Bán công Phan chu Trinh, Tư thục Chính tâm và Tiến đức ở Phan thiết. Cũng có dưới cùng bảng danh sách, trong phần dự khuyết, tên Bùi Bình, cái anh chàng sinh viên khoa học Đại học Sài gòn có cái đầu lúc nào cũng như bị lính Mỹ thả thuốc khai quang không đều và hai con mắt lúc nào cũng có hai cục ghèn to tổ bố. Xung quanh, bạn bè lạ hoắc lạ huơ, ai cũng vui cái vui mới mẻ và dè chừng. Tôi thấy buồn, cái buồn lẻ loi, bỡ ngỡ, lạ lùng! Đảo mắt bâng quơ, tôi eo sèo nỗi ưu phiền tù túng. Học viện là môt tập hợp những căn nhà lính khô khan, cằn cỗi. Tiếng ve sầu mùa Hạ như còn rơi rớt, thẩn thờ khóc Đông!.

Rồi tôi có những người bạn Huỳnh hồng Quang, Lê hữu Đức, Huỳnh ngọc Thuận, Hoàng văn Thành... để chơi với nhau. Có những người bạn Nguyễn văn Bé, Ngô mậu Lạc, Hà văn Tiên, Nguyễn ngọc Thụy, Nguyễn duy Huấn... để cải lộn nhau. Có những người bạn Trương đình Khôi, Nguyễn văn Lý, Phạm phú Bé, Phạm phú Bì, Huỳnh lam Điền, Nguyễn văn Lợi... để phiếm đàm thiên hạ sự. Có những người bạn Trang thành Lộc, Nguyễn thành Kính, Nguyễn văn Nê, Nguyễn như Quang, Trương thuận Quang để “ngồi lê đôi mach” chuyện đầu voi đuôi chuột không đoạn kết. Có những người bạn Nguyễn minh Thiều, Nguyễn chí Viễn, Nguyễn thường Sơn, Nguyễn văn Thơ...chỉ để ăn phét, nói láo ba cái chuyện dâm bôn, tục tiểu.

Đã bước vào đường thụ huấn ba tháng quân sự của trường Bộ binh Thủ đức. Trung úy Hưỡn dạy cơ bản thao diễn quá hay, quá đẹp một cách hết sẩy. Học một môn dễ ghét mà lại dễ thương chi lạ!. Ai ai cũng thích. Hóa ra, thầy dạy quan trọng biết chừng nào! Môn địa hình, Đại úy Tuấn, biệt danh Tuấn râu thường lấy hình cô đào nào đó trong Play boy ra diễn những giờ dạy về vòng cao độ. Học viên là những thằng trai trẻ “khí tồn tại não”, vừa ngắm vừa học cũng thấy khoai khoái, dễ hiểu. Giờ chiến thuật ở bãi Vườn thơm, bãi Cao su, đồi Bác sĩ Tín, bãi Cây gòn...do Đại úy Tuấn ( Tuấn chiến thuật ), Đại úy Thâm, Đại úy Đống, Đại úy Lý mà Sinh viên Sĩ quan trường Bộ binh Thủ đức các khóa thường rêu rao với nhau “nhứt Đống,nhì Bèo, tam Thâm, tứ Lý” )...giảng huấn. Buổi trưa nơi bãi Cây gòn, thường được gọi là “bãi Con gầy” sát xa lộ, gần trường Trung học Kiểu mẫu Thủ đức, nghe Đại úy Thâm giọng Tàu ê a hát cải lương dạy bài Tiểu đội tấn công, dẫu nắng chang chang cũng muốn ngủ, cũng buồn ngủ chi lạ. “Ngủ trong bụng ngủ ra”, cái thời Sinh viên Sĩ quan bị “huấn nhục”, ai mà tránh khỏi!. Nói gì bãi Cây đa bóng mát, ai mà nhịn không nhắm mắt cho được. Tôi bị ông Đại úy huấn luyện viên, không nhớ tên, dạy môn “Ngụy trang” bắn bên tai đùng, đùng tiếng súng Carbine M1. Đang mơ giấc mộng Nam kha, bừng con mắt dậy phải “ba mươi cái nhẩy xổm cho tỉnh”. Rồi đoạn đường chiến binh với đầy đủ quân trang, quân dụng mà vượt qua 18 chướng ngại vật là những đà ngang, đà dọc, thang đứng, thang nằm, hố chó, hang mèo, chuồng gà kẽm gai... Tối bò hỏa lực, mệt giàn trời, thằng nào thằng nấy đêm không ngủ nổi, chặc lưởi nhớ mèo, nhớ mỡ, nhớ thênh thang con đường mang tên em. Ngày thực tập bài vượt sông, ông nào cũng ướt như chuột tõm vào lu nước nơi Rạch chiếc, xế xế nhà máy Ciment Hà tiên. Trưa nơi bãi bắn, nắng như thiu như đốt mà nằm dài như những con thằn lằn ôm đất, la to “bên trái sẳn sàng”, “bên phải sẳn sàng”,“chuẩn bị”, “bắn”. Tiếng đạn Garant chát chúa, xé tan tành trời đất thinh không iêng ả, nghe như chiến tranh lãng đãng đâu đây. Bữa đu dây tử thần, hai tay cầm thật chắc, thật chặt cái róc rách mà chạy vù vù trên hồ nước xanh lè dưới kia, nghe lạnh người. “ Cong chưn lại. Thả”. Tôi rơi xuống một cái bịch, chìm lĩm. Thằng nhỏ nằm phía dưới, kêu đau quá!. May, không ai bị tai nạn gì cả. Đằng kia, các Đại đội khóa sinh trường Bộ binh Thủ đức nhịp bước “Đường trường xa, muôn vó câu bay dập dồn. Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang. Đi, đi, đi, lời thề nguyền, tung gươm thiêng, thi gan trai. Đời hùng cường, quyết chiến đấu, đoàn quân ra đi...”, “Theo tiếng quân hành trầm hùng đoàn quân vui ca. Nắng sớm chan hòa gieo hương khắp trên muôn nhà. Nào “đồi Mười tám” tiến tới. Kìa “Mẹ bồng con”chơi vơi. “Cư an Tư nguy” mãi mãi còn ghi” hoặc là “Thao trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu. Cố lên, cố lên, dù nhọc nhằn ( hay ). Da chan mồ hôi pha máu hồng viết thành sử xanh..Một, hai, ba, bốn. Một, hai, ba, bốn”.



Thời gian như cánh vạc bay thoăn thoắt, để lại sau lưng những dãi dầu, phiền muộn, hãi hùng...Cực cho các anh Tiểu đoàn 2 Thẩm sát viên phải dọn nhà cho có nơi làm văn nghệ lễ gắn Alpha. Ông bạn Mùi bên Thẩm sát viên vũ sexy, có ai biêt ổng là trai, múa có thua gì hai vũ nữ thời danh Xuân Trang, Thu Thủy? Còn hai anh bạn Nguyễn văn Nê, Nguyễn hữuThành của Biên tập viên diễn nhạc cảnh “Đêm nguyện cầu” rất đáng khen mà cũng thật đáng buồn thời đó sao mà chiến tranh nhiều quá, làm ai không nhói cõi lòng: “Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu. Rưng rưng tôi chấp tay nghe hồn khóc đến rướm máu. Bâng khuâng nghe súng vang trong sa mù. Buồn gục đầu nghẹn ngào, nghe non nước tôi trăm ngàn ưu sầu...” Lạ ! Ông Nguyễn hữu Thành nghe nói, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đeo súng của “Cách mạng”, đeo băng đỏ của “Mặt trận Giải phóng miền Nam” mà phản quốc Việt nam Cộng h òa, bị anh em đặt cho cái tên chết tiệt là Thành Việt cộng. Ngang đây lại nhớ một lần văn nghệ của Bộ Tư lệnh sang Học viện giúp vui. Một cô con gái nằm dài chờ đó. Ông diễn xiệc đã bị bịt mắt, yêu cầu một khán giả lên đặt trái cam vào bất cứ chỗ nào trên người cô con gái, ổng vẫn đâm trúng một cái phóc. Có thằng cha nào dám lên. Tôi lên. Chỉ có tôi mới dám lên. Ba cái lẻ tẻ, Sáu Lèo đâu có ngán. Cầm trái cam trong tay, tôi định để ngay vào cái cháng ba háng của cổ nhưng sơ bị chửi cha, mắng mẹ hay vướng tội “công xúc tu sĩ” thì chết. Tôi nhắm nơi lổ rún đang hổn hển lên xuống của cô mà đặt vào. Tôi đặt xuống rồi lại lấy lên, đặt giữa hai cái vú của cô, giữ một chút cho khỏi lăn rồi đi xuống. Ai ai cũng cười, trong đó nhất định có cả ông Viện trưởng, ông Viện phó, ông Liên đoàn trưởng Khóa sinh vân..vân...Và chắc trong bụng cô con gái đó nghĩ thầm thằng cha nào táo tợn dữ mà rủa “đồ quỷ sứ”, “đồ cô hồn.

Khuôn khổ tờ báo không dầy đủ để kể dài vừa đủ chuyện vui buồn đời Sinh viên Sĩ quan khóa 2 Biên tập viên. Tôi chỉ nói giai đoạn đầu ba tháng quân trường Thủ đức mà thôi. Sáu tháng học chuyên môn nếu có dịp sẽ cà kê dê ngỗng sau. Còn phải nói một chút kỷ niệm “Khấp như thiếu nữ vu quy nhật. Tiếu tự thư sinh lạc đề thi” nữa chớ. Ai thì tôi không biết. Tôi thì có nhiều chuyện hết sức mà nói về thời đó Học viện. Người ta thường nói “ghét của nào, trời cho của ấy”. Câu nầy đối với tôi thì y bon, y chang. Tôi không thích một chút nào những thằng đàn ông, con trai cứ tồng ngồng thằng nhỏ ra mà khoe dài, ngắn, to, nhỏ, cứng, mềm. Cứ đi bải về, cứ sau giờ học ra...mấy ổng rủ nhau ở truồng tắm cho đả. Mình thấy cũng hết hồn, nói gì mụ nào vô phước hay có phước lạc vào động yêu tinh nầy chắc phải chết ngộp. Cái tắm tập thể nầy không lạ một chút nào ở quân trường cho nên, Thiếu tá Ngô đình Trung cũng ăn lông ở lỗ mà khoe cái của quý với anh em. Cái của ổng, ai cũng nói “bự dữ”. Anh em khóa sinh không ai thích cái ông Thiếu tá ngồi chơi xơi nước nầy. Tôi thì khác, không thương mà cũng chẳng ghét. Ổng có làm tôi làm tình một ai đâu mà ghét người ta. Ghét ổng có khác gì a dua, bắt chước. Có điều, tôi phá ổng thì có. Phá vì nghịch vậy thôi. Ổng thường đi chơi về trể và tắm khuya. Một tối, không biết nhớ con bồ nhỏ trường Văn Hiến dưới Dakao hay nhớ bước chân hoang tàng tàng trên hè phố Gia long, Phan thiết mà không ngủ được. Thấy ổng đang giội nước và kỳ cọ thằng em của ổng kỹ quá. Tôi rón rén, bước nhẹ đến gần. Tắt đèn. Chạy. Tôi nghe tiếng la đằng sau lưng, “thằng mô rứa, thằng mô rứa”. Sau đó vài tháng, thấy ổng thượng lên vai cái lon Trung tá và thường đi nay với cô nầy, mai với bà kia. Xin Trung tá bỏ qua cho cái thằng tôi bán trời không mời thiên lôi, có ba trợn, có ba búa nhưng không có “ba que xỏ lá”

Sống với nhau một thời gian dài 9 tháng trời trong khuôn viên nhà trường bé nhỏ, đơn sơ, đìu hiu, anh em quý mến nhau cũng nhiều mà giận hờn nhau cũng lắm. Thương, ghét theo thời gian chải chuốt, nắn nót mà nặn thành kỷ niệm. Bạn bè có khi quên tên thiệt nhưng nhớ dai, lâu biết chừng nào bí danh, tục danh, hỗn danh. Con người vốn “luyến tiếc quá khứ, bất mãn hiện tại và mơ ước tương lai”. Ta còn gì với nhau sau bốn bốn năm trời vật đổi sao dời!?. Ngày xưa Học viện dẫu gì, cũng là chuyện xưa, tích cũ quý giá biết chừng nào. Một trời năm cũ, một kỷ vật, một kỷ niệm, sao cứ chờn vờn trong ta dòng hoài niệm trải dài nỗi niềm nhớ nhớ, thương thương. Tôi nhắc tôi Sáu Lèo thì ai cũng phải thấy tôi thằng vui vẻ, nghịch ngợm, li lợm, tốt bụng, đứng chót điểm hạnh kiểm hệ số 25. Đừng nói tôi, cái thằng nói cái ta nhiều quá. Mình đã được học “Le moi est haïsable” của ông Blaise Pascal rồi mà. Ai biết ai tên Huỳnh hồng Quang, Trương thuận Quang, Trương minh Quang nhưng nói Quang 3 Ca, Quang Bếp, Quang Khều thì y như rằng ai cũng nghĩ ra tên “Quang 3 Ca” là cái ông trẻ tuổi, to con, hiền hòa, đẹp trai, người Lấp vò, thường cặp kè với tên cúng cơm Sáu Lèo, Thành Nùng ù ù cạt cạt, Thuận Bình Điền nhà quê, Đức Fulro bụi đời. Quang Bếp là cái ông móm miệng hay cải, ưa hát vọng cổ, thường lẩn qua lẩn quẩn dưới nhà bếp, chơi với mấy cô nấu nướng. Quang Khều là cái ông cao lêu nghêu như người đi cái cà khêu, miệng lúc nào cũng cười khề khề, dễ dãi, ở Trung đội 22. Ai biết Huỳnh văn Thanh, Trịnh công Thanh? Nhưng ai cũng biết, cũng nhớ Thanh Cổ Cò, ốm, cao, lanh lợi, có cái cần cổ dài, lúc nào cũng rướng lên như con cò sắp chụp con tôm, con tép. Thanh Bốc Khói là cái ông chịu chơi chứ không chơi chịu, sớm lảnh huy chương hoa liễu bội tinh để dấu với đời một thời ham vui. Rồi còn các ông Thành De Gaulle, Thành Việt Cộng, Thành Nùng, Hạnh Hột Xoài, Hoàng Khổng Tử, Huỳnh Tùng Lâm, Lâm Babylac, Lộc Lè Phè, Lý Tông Đơ, Minh Mộng Du, Nê Vẽ Bản Đồ, Sết Cô Đơn, Tâm Osawa, Tài Ngưu Ma Vương, Trường Tam Tạng, Trường Ấn Độ, Tư Bắt Gôn, Viễn Vương Ngao, Lân Pháo Binh, Nam Cà Cộ, Toàn Sốt Rét, Vinh Thổ Huyết. Lã quang Vinh, không phải Nguyễn phát Vinh, Điệp Tề Thiên, Hạnh Phó Quận Trưởng, Chín Cu li, Khang Ấu Tiểu, Đức Fulro, Thiều Ù, Năm Méo, Nam Cận, Hạc Thối, Nghi Già, Thơ Khùng, Tâm Già, Tuất Chó, Sơn Đen, Lê Sửa, Giáo Quan, Cô Lựu, Phúc Bụng, Linh Lác, Quang Tròn, Thử Chuột... Nhiều quá! Không nhớ hết.

Học viện, dẫu sao cũng còn mới mẻ, nghèo nàn, sơ sài. Có phải vậy không mà đá banh với các bô lão AJS ( Assocition de la Jeunesse Sportive ) cũng thua dù có Tư bắt gôn rất hay , Lý bên Thẩm sát viên đá rất hay và Ngô quốc Lý chạy trung phong cũng rất hay. Tư là Nguyễn văn Tư, Thiếu tá, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia tỉnh Phước long. Lý là Ngô quốc Lý, Đại úy, Chủ sự phòng Tư pháp thuộc Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia tỉnh Bình thuận. Lý bên Thẩm sát viên người Huế, không rõ. Hai lần giao hữu bóng chuyền với Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt nam Cộng hòa và đội tuyển B của làng bóng chuyền Việt nam Cộng hòa. Với đội tuyển B bóng chuyền Việt nam tại Học viện. Với đội tuyển quân đôi tại Bộ Tổng tham mưu. Tại đâu cũng thua te tua. Sân nhà cũng thua. Sân khách cũng thua. Chơi ít thua ít. Chơi nhiều thua nhiều. Càng chơi càng thua. Người ta to, cao, chuyên nghiệp vờn mình như mèo vờn chuột và mình thua không còn thúng rổ nào chứa cho đủ, cho hết dù mình có Vũ đình Bôn chơi có thua ai và Lương trọng Lạt cũng vô cùng xuất sắc. Hôm đó từ Bộ Tổng Tham mưu trở về Học viện, trên xe tôi không nói được một tiếng nào. Tôi không nói được một tiếng nào vì đã khản cả cổ, khan cả tiếng do “làm nước”, do ủng hộ gà nhà hăng quá sức...nhưng thực sự là, còn vui gì nữa đâu mà nói với năng.

Ngày 3 tháng 9 năm 1967 là ngày bầu cử Tổng thống đầu tiên sau khi Ngô đình Diệm bị lật đổ năm 1963. Khóa 2 Biên tập viên chúng tôi được điều động giữ an ninh một phần. Trung đội 22 quanh quẩn địa điểm bầu cử ở trường Tiểu học Tăng bạc Hổ, quận 5, Chợ lớn. Có đến 11 liên danh ra tranh cử: Liên danh Nguyễn văn Thiệu - Nguyễn cao Kỳ, Phan khắc Sửu – Phan quang Đán, Nguyễn đình Quát - Trần cửu Chấn, Hà thúc Ký - Nguyễn văn Định, Trần văn Hương – Mai thọ Truyền, Vũ hồng Khanh – Dương trung Đường, Nguyễn hòa Hiệp - Nguyễn thế Truyền, Trương đình Dzu - Trần văn Chiêu, Hoàng cơ Bình – Lưu quang Khình, Phạm huy Cơ – Lý quốc Sinh, Trần văn Lý - Huỳnh công Đương, Tại đây, liên danh Nguyễn văn Thiệu - Nguyễn cao Kỳ thua xa liên danh Trương đình Dzu, ngay cả Trần văn Hương – Mai thọ Truyền. Tù túng, được thả ra nhông nhông nơi chốn đông người với lon lá trên nón, trên vai cũng oai dữ. Thằng tôi cứ đi tới, đi lui làm ra vẻ siêng năng nhưng thực tâm là để nhá, để lấy le. “Trai khôn tìm vợ chợ đông” mà. Buổi trưa, nói với thằng Thúy, Nguyễn mạnh Thúy “tao đi một chút trở lại nghen”. Tao đi một chút trở lại nghen mà từ 12 giờ trưa đến cả 3 giờ chiều mới lóc ngóc mò về. Thằng Thúy giận quá, “đụ má, đi gì mà đi dữ vậy. Ông Cò Thơ đòi lập biên bản mầy đó”. Có gì đâu, tôi về Tân định dắt con bồ dễ thương hết sức của tôi vô rạp Văn Hoa coi phim rồi qua Hiễn Khánh gần đó vừa ăn thạch, ăn chè vừa nói chuyện tình yêu đương. Có điều, không đủ tiền mà trả, đành bảo người ta “thông cảm”. May, người ta cũng thông cảm cho. Không thông cảm sao được cái ông có trên vai cái lon lăng quăng kèm cái alpha dài thòong, hổng biết ổng là Cò trắng hay Cò ma.

Sau lễ gắn Alpha, Bùi Bình, Trần ngọc Ánh, Trần khánh Thiện, tôi và vài người bạn của ông bạn Nguyễn văn Tua nữa về Củ chi chơi. Một ngày thật vui, có ăn, có ca hát, có tiếng cười trai, gái. Chiều thong dong đèo nhau trên xe Honda về, đâu đây thoang thoảng hương đồng gió nội miệt vườn. Có tiếng huýt sáo ai đó. Bỗng ông Bình la lên “nó đụng tao đau quá”. Xe ông Tua lạng quạng. Hết thẩy anh em giận lắm. Thằng nào, dám đụng ông cò?. Anh em tức quá trời, sôi nổi đi tìm. Trời không trăng sao, đen như mực. Tìm đâu cho ra. Giỏi lắm chỉ đụ má, đụ mẹ là cùng. Cái tình, cái nghĩa anh em hồi đó ngày xưa sao mà thắm thiết quá!. Năm 1980, tôi gặp lại ông bạn Tua trong tù ngoài Bắc ở K.1 Vĩnh phú và năm 1982 ở Thanh lâm, Thanh hóa. Mừng lắm! Nhưng cái tình, cái nghĩa trên đường Củ chi về Sài gòn sau 13 năm đã theo cánh Hoàng hạc bay xa, bay cao, bay mất mà biền biệt!

Sắp tới ngày ra trường thì có lệnh, những anh em nào biết tiếng Anh, được khuyến khích làm Sĩ quan tùy viên cho phái đoàn các nước đồng minh vào thủ đô Sài gòn tham dự Lễ Đăng quang cho Tổng thống Nguyễn văn Thiệu nhiệm kỳ 1967-1971. Giong tay lên cũng nhiều mà dấu tay xuống cũng đông quá. Lạ là, nhiều ông bạn volontaire có ông không biết gì tiếng Anh. Nhưng mấy ông làm biếng tình nguyện, có nhiều ông giỏi tiếng Anh, dạy tiếng Anh, đã ở nhà nằm ngủ còn chê người ta “mấy thằng bon chen”. Mấy ông Sĩ quan Tùy viên bất đắc dĩ mỗi lần túa nhau về, kể đủ thứ chuyện buồn vui, hên xui, dễ khó, hào phóng, bủn xỉn..của mấy phái đoàn mà cười bể bụng cái ngây ngô của mình, cái quờ quạng của người ta. Tôi cũng biêt tiếng Anh. Trần khánh Thiện cũng biết tiếng Anh. Bùi Bình cũng biết tiếng Anh. Và nhiều lắm anh em cũng biết tiếng Anh nhưng ai cũng cho là “chuyện ầu ơ ví dầu”. Không đi. Ở nhà cho sướng.

Sau 9 tháng học làm ông Cò, cái thời bạn bè vẫn cứ dũng dẵng dùng dằng đến sau ngày ra trường. Tôi bị đẩy đi xa lắc xa lơ ngoài Quảng ngãi với các ông bạn Đặng văn Thử, Phạm đức Hoàng, Vũ khắc Cảnh, Trần bá Hạnh. Đâu có sao. Mình đã tự nguyện mà điền đơn rằng “sẽ phục vụ bất cứ đâu đâu trên khắp lảnh thổ nước Việt nam Cộng hòa” mà. Năm thằng độc thân hoang đàng chí địa ra ngoải ở chung một tổ quỷ, đắc đào biết chừng nào. Một thời gian ngắn, mỗi thằng có một con bồ nhí. Thằng Thử Chuột cặp con nhỏ Nhật làm tòa Lảnh sự Mỹ. Thằng Hoàng Khổng Tử đeo riết con ông chủ Chành trên đường Lê trung Đình. Thằng Hạnh Phó Quận Trưởng vô ra sông Vệ theo cô Tuyết, cháu ông Nghè Tộ. Thằng Cảnh, giả làm thầy giáo, dê con nhỏ Hoa, kiếm chút tình ái. Tôi già nhân nghĩa, non vợ chồng, còn một chút nữa là dính cô Hoa y tá của ông bác sĩ Hiển trên đường Phan bội Châu rồi. Khi bồ thằng nầy tới thì bốn thằng quỷ sứ kia biết điều mà vắng mặt. Bên kia đường, quán Bà Hai Triêm cứ để Duy Khánh tỉ tê “Xin đối diện một lần bên tôi. Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi. Đến với tôi. Hãy đến với tôi. Đừng yêu lính bằng lời” và rồi bên nay, ông Thử Chuột gốc gác Long an phụ họa theo “Tôi ở miền xa, trời quen đất lạ. Nhiều Đông lắm Hạ, nối tiếp đi qua. Thiếu bóng đàn bà”. Thử, bây giờ mầy ở đâu?. Hoàng, Hạnh, Cảnh, bây giờ tụi mầy ở đâu!?. Nhớ lại, nhắc lại mà tấm lòng rưng rức!. Có những nỗi buồn, nỗi buồn nhẹ nhàng mang mang thoáng rồi qua đi như bóng thời gian vô hình, vô tình. Nhưng có những nỗi buồn, nỗi buồn vương víu từ những kỷ niệm thân thương xa thật là xa, xưa thật là xưa rơi rớt lại, rêu phong bụi mờ thời gian, mịt mùng trùng trùng...vẫn còn đâu đó trong hóc hẻm tâm hồn vì thương nhớ cái thuở một thời qua đi.

Những người trẻ, đôi mắt họ ngắm xa xa chân trời tương lai mà mơ với mộng một ngày mai huy hoàng, sáng lạn. Những người già đã mõi gối, chồn chân, hơi sức đâu mà trông với ngóng viễn cảnh hôm mai với hôm mốt. Chúng ta, trẻ nhất cũng đã bước qua tuổi lục tuần, ngày hôm nay đây nầy, hiện tại cũng đeo sầu, thất vọng, bẽ bàng, éo le...mà buồn hơn vui. Vậy thì, hãy ngoái nhìn về quá khứ để tìm lại cái ta, thằng ta ngày xưa một thời cũng xênh xang một trời, một đời. Như tôi đã nói ở trên, tâm lý con người là, mơ ước tương lai, bất mãn hiện tại và luyến tiếc qua khứ. Đúng. Ít nhất là với chúng ta, những người trai tuấn tú một thời làm nên lịch sử Những Đứa Con Cưng của Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia và Ngành Cảnh Sát Quốc Gia. Cái Người Trai Tuấn Tú kia hồi đó đã gần nửa thế kỷ mù mờ xa lắc xa lơ có phải là cái đằng kia kìa mà tụi nhỏ bây giờ mò tới gọi là chân trời tương lai? Quá khứ, hiện tai, tương lai là chuổi thời gian liên kết cái trước, cái sau đời một con người để ta thẩm định cuộc đời dâu bể từng thời rồi sẽ qua đi, qua đi như bóng câu qua cửa sổ, như nước chảy dưới cầu...cứ lãng đãng đâu đây lời từ biệt xa nhau, mất nhau cận kề cát bụi. Mấy ông người Tây có câu “Tous les chemins mènent à Rome” mà chúng ta thường lếu láo với nhau là “Mọi con đường đều đến La mã”. Nhưng chúng ta, nhất định “When in Rome, do as the Romans do”. Chúng ta có cái hiện tại, hiện tại đang ở Mỹ. Nhưng chúng ta đã có cái quá khứ, quá khứ những ngày xưa thân ái thời sau và trong Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Chúng ta đang ở Mỹ nhưng chúng ta đang sống ở thuở Khóa 2 Biên Tập Viên Cảnh Sát Quốc Gia. Mong những anh em bè bạn tuổi đời đã cao ngày nào được an bình những ngày gần đất xa trời, chắt chiu niềm vui long lanh, mong manh mà hạnh phúc vô cùng. Mong những lời nói trong bài viết có khi xúc phạm huynh, đệ nào thì cũng là vì kỷ niệm với nhau mà thôi. Mong Ngày Đại Hội 45 Năm Học Viện, anh em từ đâu đâu rủ rê nhau về đông thiệt là đông, vui thiệt là vui. Bởi vì, chúng ta còn được bao nhiêu và còn được bao lâu./.

NGUYỄN THỪA BÌNH
Kansas City, Missouri
Đầu Hè năm 2011, Tân Mão niên

Theo http://batkhuat.net/van-toivao-hocvien-csqg.htm
Ý kiến bạn đọc
12 Tháng Chín 20117:00 SA
Khách
bài viết hay quá, chân thành, vui và cảm động. Chúc mừng anh Bình đã có những kỷ niệm tuyệt vời và một trí nhớ cũng rất tuyệt vời.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn