BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73382)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chân dung người phụ nữ Việt Nam qua lịch sử (2)

29 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 928)
Chân dung người phụ nữ Việt Nam qua lịch sử (2)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
B- Khuynh đảo / Thay đổi chính trị trong nước

Những người đàn bà liệt kê dưới tiểu mục này thường có nhan sắc thât đẹp làm đảo điên nhiều người đàn ông đương thời đang nắm giữ quyền lực, vận mệnh đất nước, làm họ đi đến các quyết định thất nhân tâm, gây rối loạn chính trị… Riêng vể vấn đề nhan sắc của các phu nhân này, cổ thi đã từng tốn nhiều bút mực ca tụng ví von như “lạc nhạn” (làm chim nhạn sa xuống đất), “trầm ngư” (làm cá phải lặn sâu dưới đất), “bế nguyệt” (làm che lấp làm mờ cả mặt trăng), “tu hoa” (khiến hoa đẹp phải xấu hổ)…. 

1- Thái hậu Dương Vân Nga

Thái hậu Dương Vân Nga (chữ Hán: 楊雲娥;? - 1000) là vợ của vua Đinh Tiên Hoàng, sau trở thành Hoàng hậu của vua Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển giao giữa nhà Đinh và nhà Tiền Lê. Vì làm hoàng hậu, sử sách cũng nhắc tới bà với tên Dương hậu hay Dương thái hậu.

Thân thế

Sử sách không ghi rõ Dương Vân Nga sinh năm nào. Về thân thế của Bà cũng có nhiều thuyết. Bà là con gái của ông Dương Thế Hiển quê ở vùng Nho Quan, Ninh Bình. Tên Vân Nga là ghép từ hai chữ Vân Lung (nay thuộc xã Gia Vân, Gia Viễn) và Nga My (nay thuộc xã Gia Thủy, Nho Quan, cũng là quê ngoại Đinh Bộ Lĩnh) là tên thôn quê của cha và mẹ bà. Có tài liệu viết cha bà tên là Dương Thái Huyền. Có tài liệu viết tên bà là Dương Ngọc Vân, con gái của Bình vương Dương Tam Kha (Dương Thiệu Hồng). Còn theo sách "Võ tướng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc,” dẫn gia phả họ Dương cho biết Dương Đình Nghệ có ba con trai là Dương Nhất Kha, Dương Nhị Kha, Dương Tam Kha. Bà là con của Dương Nhị Kha và cháu của Dương Tam Kha. Chưa rõ nguồn tài liệu nào chính xác.

Theo một bài viết thì Dương Vân Nga vốn là mẹ sứ quân Ngô Nhật Khánh. Đinh Tiên Hoàng dẹp xong Nhật Khánh, lấy bà làm vợ, sau đó đưa người con gái riêng của bà - tức em Ngô Nhật Khánh - làm vợ Đinh Liễn. Tuy nhiên, quan điểm này không vững do nhiều tình tiết không hợp lý (xem ở dưới).

Nghi án cung đình

Theo sử sách, năm Kỷ Mão 979, Đinh Bộ Lĩnh cùng con trai Đinh Liễn bị viên hoạn quan Đỗ Thích ám sát. Trước đó Thái tử Hạng Lang bị Đinh Liễn giết. Đinh Toàn - con Dương Vân Nga - con trai còn lại của Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi. Dương Vân Nga trở thành Thái hậu. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu gần đây có khuynh hướng bác bỏ giả thiết cho rằng cha con Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết mà đặt giả thiết thủ phạm chính là Lê Hoàn cùng với sự hậu thuẫn của Dương Vân Nga. Họ giải thích rằng Lê Hoàn ý muốn đoạt ngôi, còn Dương Vân Nga trong cuộc tranh đua với các hoàng hậu khác để giành ngai vàng cho con trai đã cấu kết với Lê Hoàn.

Hoàng hậu triều Lê

Đinh Toàn khi đó mới 6 tuổi, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là nhiếp chính. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp thấy quyền lực rơi vào tay Lê Hoàn, lại nghi Dương Vân Nga cùng Lê Hoàn tư thông nên cử binh đến đánh. Lê Hoàn dẹp tan, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp đều bị giết. Phò mã nhà Đinh là Ngô Nhật Khánh bỏ trốn vào Nam, cùng vua Chàm với hơn nghìn chiến thuyền định đến đánh kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão dìm chết.

Năm 980, quân Tống chuẩn bị sang đánh, Dương Vân Nga cùng triều thần tôn Lê Hoàn lên làm vua, tức vua Lê Đại Hành. Lê Hoàn sau khi chiến thắng quân Tống lập nên nhà Tiền Lê. Dương Vân Nga trở thành một trong năm Hoàng hậu của Lê Đại Hành.

Bà mất năm 1000, cùng năm với con trưởng của Lê Hoàn là Lê Thâu.

Các sử gia phong kiến đặc biệt chỉ trích Lê Hoàn và Dương Vân Nga.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết:

"Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?"

Các sử gia hiện đại có cái nhìn khác về Lê Hoàn và Dương Vân Nga. Hoàng Xuân Hãn viết trong Hoàng Xuân Hãn tuyển tập:

“... việc này trái với khuôn phép nhà nho. Các sử gia nho xưa đã trịnh trọng chỉ trích như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ... Các vị ấy không hiểu rằng đời Đinh, Tiền Lê đạo Nho chưa có ảnh hưởng gì sâu vào dân Việt cho đến nửa đời Trần còn thế. Dân chúng đã lập đền thờ các vua Đinh Lê trên nền tảng cung điện Hoa Lư mà không quên bà Dương hậu, không những thế mà còn tự hợp hai vua tô tượng hai vua ngồi chung một toà với Dương hậu ở giữa. Nhưng đến đầu đời Lê Thái Tổ cho là trái đạo mà bỏ đi! Tuy vậy các nho gia phê bình cũng không ai trách bà mà chỉ trách Lê Hoàn.”

Dương Vân Nga và Lê Hoàn được thờ ở đền vua Lê tại huyện Hoa Lư, Ninh Bình.

Hoàng hậu hai triều

Sử sách chỉ nhắc đến Dương Vân Nga là hoàng hậu hai triều Đinh - Lê, nhưng gần đây có ý kiến cho rằng bà là hoàng hậu ba triều.

Theo cuốn Phả hệ họ Ngô Việt Nam, Gia phả họ Đinh Danh ở Thái Bình thì bà Dương Thị là hoàng hậu ba triều. Trước khi lấy Đinh Tiên Hoàng, bà đã lấy Hậu Ngô vương Ngô Xương Văn và sinh ra Ngô Nhật Khánh. Điển hình trong số những người ủng hộ giả thiết này là ba tác giả: Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ trong tác phẩm “Nhìn lại lịch sử (do nxb Văn hoá thông tin ấn hành năm 2003). Tuy nhiên, giả thuyết Bà là hoàng hậu ba triều có những chỗ không ổn, nếu đi sâu tìm hiểu những tình tiết từ các nguồn sử sách và tài liệu những năm gần đây. Những căn cứ chủ yếu là:

Sử sách

Hoàng hậu là một nhân vật quan trọng trong cung đình, trong đời sống đế vương. Hoàng hậu là "mẫu nghi thiên hạ.” Phàm sách sử khi chép tới vua và hoàng tử đều nói đến vợ vua và mẹ hoàng tử, không thể bỏ qua. Vậy mà tất cả các sách sử, từ sách cổ xưa nhất như Việt sử lược đến những sách sử sau này như Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Việt sử Tiêu án..., đều không thấy chép Dương hậu từng là vợ của Hậu Ngô vương Xương Văn và mẹ của Nhật Khánh, tất phải có lý do, vì đây không phải là sự thực. Hơn nữa, nếu quả thực Dương hậu là vợ Hậu Ngô vương nghĩa là Bà là hoàng hậu của ba triều, Ngô, Đinh và Lê, một trường hợp hy hữu trong lịch sử. Sự hy hữu đó càng khiến các sử gia không thể "bỏ qua,” mà không nhắc đến.

Hơn nữa, có một tình tiết ghi trong sử: Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn đều làm vua, thậm chí Xương Văn dù là em còn được mọi người kính trọng hơn vì công trạng khôi phục ngôi vua cũng như tính nhún nhường, khiêm cung của ông. Trong khi gia quyến Xương Ngập được kể rõ (vợ là Phạm thị con Lệnh công Phạm Chiêm và con là Ngô Xương Xí) thì những người gia quyến của Xương Văn, như giả thuyết của sách Phả hệ họ Ngô Việt Nam, là Dương Thị và Nhật Khánh, lại không được sử sách "nối kết" với ông vua em. Và Nhật Khánh, là cháu nội Tiền Ngô vương, cháu ngoại Dương Bình vương, nhưng sử sách lại không hề nhắc tới thân thế. Đại Việt sử ký toàn thư cũng chỉ ghi chung chung: "Nhật Khánh là con cháu Tiền Ngô vương..."

Khi Lê Hoàn lập Dương Vân Nga làm hoàng hậu, chính sử ghi rõ: "Vua lập Đại Thắng Minh hoàng hậu triều Đinh làm hoàng hậu" và các sử gia rất nặng lời với Lê Hoàn trong việc này. Vậy mà đối với việc Đinh Bộ Lĩnh lấy mẹ Ngô Nhật Khánh, ta chỉ thấy sử chép: "lấy mẹ Nhật Khánh" mà không hề thấy ghi "lấy hoàng hậu cũ của Nam Tấn vương.” Hơn nữa, không ai chê cười vua Đinh lấy mẹ Nhật Khánh cả. Các sử gia thông cảm cho mục đích chính trị của việc này (ràng buộc họ Ngô cho thân để thu phục Ngô Nhật Khánh). Nếu mẹ Khánh là vợ Nam Tấn vương Ngô Xương Văn, hẳn các sử gia (như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên...) sẽ kết tội vua Đinh làm "đầu têu" cho Lê Hoàn trong việc lấy vợ vua trước, và những dòng viết "nặng lời" dành cho Lê Hoàn, trước hết đã dành cho vua Đinh rồi.

Giai thoại

Có lẽ nhắc đến Dương hậu, không ít người biết giai thoại khi Bà mới sinh thường hay khóc dạ đề. Một hôm có người đạo sĩ đi qua, ông đọc hai câu thơ khiến cô bé nín bặt:

"Nín đi thôi, nín đi thôi! Một vai gánh vác cả đôi sơn hà.”

Lời tiên tri của ông đạo sĩ ứng nghiệm vào việc bà lấy Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Đời sau có thể ước đoán rằng, câu sấm này là do người ta đặt ra sau khi sự việc đã diễn ra. Như vậy, khi sự việc đã diễn ra, sau khi Dương hậu đã mất (năm 1000), bà đã chỉ lấy 2 vua, Đinh và Lê, nên người đời mới đặt ra câu sấm, mượn lời ông đạo sĩ, để bà gánh vác "đôi sơn hà" mà không gánh vác "ba sơn hà.”

Mặt khác, còn một giai thoại nữa ở Ninh Bình kể về mối tình thời trẻ giữa Lê Hoàn và Dương Thị. Dân gian cảm thông, biện minh cho quan hệ của hai người sau này trong cung đình nên đã hợp pháp hoá cho mối tình của họ từ tuổi thanh xuân, để đến khi vào cung, việc họ làm chỉ là "nối lại tình xưa,” làm giảm nhẹ tình tiết mà các nhà nho gọi là Lê Hoàn đã "lấy mẹ goá, hiếp con côi.” Câu chuyện trên dù là có thật hay chỉ là giai thoại, nó cũng phản ánh một giá trị: Lê Hoàn và Dương hậu trạc tuổi nhau. Và đó mới là cơ sở để dân gian thêu dệt câu chuyện tình thời trẻ đẹp đẽ, "xứng đôi vừa lứa" của họ với thái độ đồng tình. Nếu bà là một hoàng hậu trong cung (thành Cổ Loa của Ngô Xương Văn và sau lại theo con là Nhật Khánh về Đường Lâm - Sơn Tây) thì bà không thể gặp được Lê Hoàn ở Hà Nam hoặc Thanh Hoá (quê ông có hai thuyết, một thuyết cho rằng ở Hà Nam, thuyết khác nói rằng ở Thanh Hoá). Bà và Lê Hoàn trạc tuổi nhau thì bà không thể sinh ra Ngô Nhật Khánh vì khi Khánh nổi dậy năm 965 ít nhất cũng phải 18 tuổi, mà Lê Hoàn (xấp xỉ tuổi Bà) khi đó mới 24.

Các tác giả trong Nhìn lại lịch sử cho rằng có thể Dương Hậu và Lê Hoàn biết nhau ngay từ khi hàn vi, nhưng vì không "môn đăng hộ đối" nên Dương Tam Kha không chấp nhận. Giả thiết này rất gượng ép. Theo các tác giả này, bà sinh năm 928. Như vậy, ít nhất đến năm 965 khi Xương Văn tử trận (lúc đó bà 37 tuổi), bà còn ở Cổ Loa với tư cách là hoàng hậu. Chỉ khi Nam Tấn vương mất bà mới theo cha (Tam Kha) - theo các tác giả Nhìn lại lịch sử - là về Ái châu, chứ không phải ấp Chương Dương mà ông được phong; và bà cũng không "tòng tử,” theo con Nhật Khánh về Đường Lâm. Đây chính là một tình tiết hơi khó hiểu trong lập luận của ba tác giả trên. Giả sử cứ cho rằng giả thiết trên đúng là bà về Ái châu, thì theo chính sử, ngay sau khi Nam Tấn vương mất, Đinh Liễn từ Cổ Loa trở về Hoa Lư, thoát thân phận làm con tin và được sai đi châu Ái mộ quân. Lê Hoàn, lúc này 24 tuổi, ở trong số những người theo Đinh Liễn về Hoa Lư. Như vậy, năm 965, tại Ái châu, trong một khoảng thời gian rất ngắn, một người quyền quý, đứng tuổi mới đến và một người nghèo khó, lam lũ, trẻ trung vừa đi như Lê Hoàn, làm sao mà gặp được nhau, và gặp nhau trong môi trường nào với sự ngăn cách giàu nghèo của xã hội ngày ấy để trở thành tình nhân? Điều đáng nói hơn là tác giả Đinh Công Vĩ, trong bài viết riêng của mình, lại ghép hai tư liệu không hề logic lại với nhau để khẳng định một lần nữa điều này. Một mặt, tác giả dẫn ngọc phả ở Thanh Hóa để khẳng định mối tình thời son trẻ của Dương hậu và Lê Hoàn khi bà chưa lấy Ngô Xương Văn. Tiếp theo, tác giả lại viết: "Theo một tài liệu khác thì sau đó Bà lấy Ngô Xương Văn.” Chỉ căn cứ vào phép toán số học có thể thấy không thể có chuyện này. Bởi lẽ, bà lấy Xương Văn (tác giả căn cứ vào sử chép: "Tam Kha lấy Xương Văn làm con mình") khoảng năm 945, lúc bà 17 tuổi nhưng trước đó bà đã yêu Lê Hoàn thì Lê Hoàn lúc ấy cũng chỉ là một cậu bé mới lên 4 tuổi thôi. Dương Tam Kha lấy con thứ hai của Ngô vương là Xương Văn làm con mình mà kết luận rằng "lấy làm con mình tức là cho làm con rể" là điều phỏng đoán hơi đi quá. Dương Tam Kha vốn là cậu ruột của Xương Văn, khi ông không có con trai thì việc nhận cháu làm con cũng là điều dễ hiểu. "Nhận làm con" mà suy ra là "làm con rể" thì chưa hoàn toàn thuyết phục.

Vậy, dù là Bà yêu Lê Hoàn lần đầu khi cả hai người chưa vào Hoa Lư (theo giai thoại mà sử không chép) trước hay sau khi Xương Văn chết đi nữa thì cũng chỉ nói lên một điều: Bà không lấy Xương Văn. Bà phải cùng một lứa tuổi với Lê Hoàn và như thế thì không phải là mẹ Nhật Khánh (vì Khánh cũng sinh khoảng 945 - 946 để năm 965 trở thành một sứ quân). Giả thiết của ba tác giả trên rất mâu thuẫn về không gian và thời gian.

Gia phả

Gia phả gọi Bà là Dương Vân Nga, tức là gọi theo giai thoại dân gian. Chính các tác giả Nhìn lại lịch sử cũng có nhận xét rằng "Dương Vân Nga" chỉ là cái tên trong truyền thuyết dân gian. Đóng góp của các nhà soạn Phả hệ họ Ngô Việt Nam là không thể phủ nhận, thậm chí rất đáng trân trọng và thán phục. Nhưng, cũng như chính cuốn gia phả đã dẫn, có những giả thuyết đã quá xa xưa, như trường hợp giả thuyết nói tổ tiên 7 đời của Ngô Quyền cách ông những 700 năm (điều không thể xảy ra – như kết luận của của sách này) chẳng hạn, thì ta thấy rằng, gia phả - cả họ Ngô lẫn họ Đinh Danh - cũng chỉ là một nguồn tài liệu để tham khảo mà thôi, không đủ để cải chính mọi điều trong chính sử.

Cuối cuốn Phả hệ họ Ngô Việt Nam có dẫn danh sách một loạt tài liệu tham khảo cổ xưa. Đây là một trong những vấn đề liên quan đến cổ sử cần lưu ý. Chuyện bà Dương hậu cách đây đã hơn 1000 năm. Hãy thử làm một phép so sánh để thấy sự khó khăn của những người nghiên cứu sử học và so sánh với sự xung đột giữa anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ cách đây chỉ hơn 200 năm (cuối 1786, đầu 1787). Sự kiện giữa anh em nhà Nguyễn Tây Sơn, dù xảy ra khi sử học Việt Nam đã khá phát triển (sau khi Đại Việt sử ký toàn thư đã ra đời ngót 100 năm), thế nhưng những gì sách sử để lại về nó đều còn nhiều chỗ không rõ ràng khiến đời sau gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu nó. Với một sự kiện xảy ra cách đây 200 năm mà còn khó xác định tính chân thực như vậy, huống chi, tài liệu tham khảo cổ xưa nhất cho các nhà biên soạn cuốn Lịch sử họ Ngô Việt Nam là một cuốn gia phả cổ cũng "chỉ" được soạn vào tận năm 1477, tức là đã cách xa thời đại của bà Dương hậu những 500 năm! Điều kiện nghiên cứu xưa kia khó khăn hơn ngày nay nhiều, từ phương tiện lưu giữ đến phương tiện truyền tin, rất khó tránh khỏi việc "tam sao thất bản.” Đó những khó khăn mà không chỉ các tác giả gặp phải khi soạn thảo gia phả, mà ngay với các nhà sử học khi nghiên cứu lịch sử cũng gặp phải điều tương tự. Việc "chế biến" thông tin, trong những trường hợp còn quá mờ mịt nếu căn cứ vào sử sách, là khó tránh khỏi. Trong trường hợp này, những nhà soạn Phả hệ đã "chế biến" thông tin thiếu chính xác, chưa hợp lý.

Hành vi của Ngô Nhật Khánh.

Có một tình tiết sử cũ ghi lại mà các nhà nghiên cứu, những người ủng hộ quan điểm bà Dương hậu lấy 3 vua, tác giả “Nhìn lại lịch sử” chưa chú ý. Khi khẳng định Dương hậu mẹ Đinh Toàn cũng là mẹ Ngô Nhật Khánh, các tác giả lại không nghiên cứu thấu đáo về quá trình hành trạng của Nhật Khánh. Vì Mẹ Nhật Khánh và hoàng hậu Dương thị phải là hai người chứ không thể là một người.

Sử sách khi đề cập việc Đinh Bộ Lĩnh lấy mẹ Khánh không ghi bà mang họ gì; khi đề cập tới Dương hậu mẹ Đinh Phế Đế sử sách cũng không ghi bà chính là mẹ Ngô Nhật Khánh. Các thần phả, ngọc phả cho thấy trước khi đến dụ hàng Ngô Xương Xí, Đinh Bộ Lĩnh đã đến yết kiến Chương Dương công Dương Tam Kha để xin "tác động" và lấy con ông là Dương Ngọc Vân. Bà này chính là Dương hậu trong sử sách, và thông qua tác động của bà, Xương Xí đã hàng vua Đinh mà không gây đổ máu. Như vậy Đinh Bộ Lĩnh lấy con gái Dương Tam Kha để dụ hàng Xương Xí, chưa từng nghe nói ông làm rể Tam Kha để dụ Nhật Khánh bao giờ. Việc lấy con gái Dương Tam Kha và lấy mẹ Ngô Nhật Khánh là hai việc làm riêng rẽ của vua Đinh, nhằm thu phục hai anh em họ Ngô cát cứ trên hai vùng khác nhau. Để cho hai họ Ngô được sống là cách làm thông minh nhất của vua Đinh. Bởi lẽ, chính họ Ngô chứ không phải họ nào khác, đang nắm quyền trị nước, đang là "chính thống,” vì thế khi đánh dẹp các sứ quân, ông không thể đối xử với họ Ngô theo kiểu "triệt hạ" như đối với họ Đỗ, họ Nguyễn, họ Lã hay họ Kiều được. Ông đã giành thiên hạ bằng cả "uy vũ" lẫn "đức độ,” bằng cả "lý" lẫn "tình.”

Mẹ Ngô Nhật Khánh, dù đã có tuổi khi lấy Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh, chính là người đã sinh ra Đinh Hạng Lang, con út của Tiên Hoàng, sớm nhất là năm 975 (vì Đinh Toàn sinh năm 974 và là anh Hạng Lang). Đinh Tiên Hoàng vì bà, và vì để lấy lòng Nhật Khánh nữa, đã lập Hạng Lang làm thái tử. Nhật Khánh chứa chấp ý đồ không thể nói hết khi giục mẹ nài nỉ vua lập em làm thái tử. Ông ta định sau này sẽ làm phụ tá cho cậu em ruột còn thơ ấu để nắm quyền bính (và chứa chấp ý định làm Vương Mãng, Tào Tháo). Nhưng việc đó không qua được Nam Việt vương Đinh Liễn vốn là người đã trưởng thành và có nhiều công lao trong việc đánh dẹp, ngoại giao của nước Đại Cồ Việt. Theo chính sử, Đinh Liễn giết Hạng Lang đầu năm 979. Tuy nhiên, vì yêu con và không thể tiếp tục gây đổ máu, Tiên Hoàng đã không trừng phạt Đinh Liễn bằng cái chết.

Việc Tiên Hoàng không trừng phạt Đinh Liễn bằng án tử hình khiến Nhật Khánh vô cùng tức giận và đây mới chính là động cơ chủ yếu thúc giục Khánh bỏ sang Chiêm Thành. Ông ta lấy dao rạch mặt vợ là con gái Tiên Hoàng, em Đinh Liễn và bảo rằng: "Cha mày lừa dối ức hiếp mẹ con ta....” Lời nói bị lừa dối đó hẳn chứa đựng sự tức giận vì Tiên Hoàng đã "nuốt lời.” Vua Đinh hứa đưa em Khánh (Hạng Lang) lên ngôi, nhưng khi em Khánh bị hại thì kẻ thủ phạm lại không bị trừng phạt đích đáng theo ý muốn của Khánh, bởi thế Khánh mới tìm đến Chiêm Thành để cầu viện báo thù. Ý định của Khánh là mượn quân Chiêm để về nước làm vua, khôi phục nhà Ngô. Nếu Hạng Lang không chết mà được nối ngôi như dự kiến thì sớm muộn Khánh cũng làm Vương Mãng, Tư Mã Chiêu, tiêu diệt họ Đinh, phế truất ấu chúa này mà giành lấy ngôi – giống như tấm gương Triệu Khuông Dận lấy ngôi của cậu bé 6 tuổi Sài Tông Huấn cách đó ít lâu bên phương bắc.

Dã tâm và hành vi của Nhật Khánh có thể cho thấy sáng tỏ một lần nữa Dương hậu không phải là mẹ Nhật Khánh. Nếu bà là mẹ Khánh, em (cùng mẹ khác cha) Khánh sẽ là Toàn, sau này Toàn được nối ngôi, Khánh sẽ được làm phụ chính (y hệt vai của Lê Hoàn), Khánh không cần phải đi mượn quân Chiêm Thành để giành quyền nữa. Mặt khác, kể cả trường hợp Khánh đã "trót" bỏ sang Chiêm khi Tiên Hoàng và Đinh Liễn chưa bị hại, thì sau khi em Khánh là Toàn lên ngôi, sao Khánh không về mà phải xui vua Chiêm động binh để rước cái chết vào mình?

Những hành động Dương hậu và Khánh đã làm như sử chép (trao ngôi cho người ngoài, dẫn giặc về) cho thấy cả Dương hậu và Khánh đều có chung một ý tưởng: diệt nhà Đinh. Vậy nếu hai người là mẹ con thì tại sao chẳng cùng nhau bàn cách hành động, việc gì Khánh phải bỏ sang Chiêm Thành? Hẳn là lúc đó em (Hạng Lang) đã chết và mẹ cũng đã mất hoặc đã quá già yếu và bị Tiên Hoàng xa lánh, chỗ dựa đã hết, Khánh cùng đường mới tìm cách sang Chiêm. Dương Hậu và Khánh không phải là mẹ con.

Các tác giả cuốn Phả hệ họ Ngô Việt Nam dẫn chiếu từ trang 323 cuốn sách Bước thăng trầm của Quách Tấn (xuất bản 1996) để nêu giả thiết: phải chăng sử cũ nhầm Ngô Nhật Khánh với vua Chiêm Thành lúc đó là Ngô Nhật Hoan và biện minh rằng Nhật Khánh không phải là kẻ bán nước. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào một cuốn sách xuất bản tận năm 1996 để phản biện với điều đã được tất cả sử sách khẳng định về sự kiện Nhật Khánh dẫn giặc về nhà thì rất không thuyết phục. Phả hệ họ Ngô Việt Nam dẫn thêm việc có đền thờ Ngô Nhật Khánh để chứng minh việc Khánh vô tội. Tuy nhiên, lý do việc có đền thờ Ngô Nhật Khánh không có gì khó hiểu, các sứ quân khác cũng có đền thờ như Kiều Công Hãn hay thậm chí tướng giặc Sầm Nghi Đống cũng có đền thờ.

Kết luận

Từ những lập luận trên, có thể rút ra 3 kết luận:

- Dương hậu là con Bình vương Dương Tam Kha, hoặc có thể là con Dương Thế Hiển hay Dương Thái Huyền hoặc Dương Nhị Kha, sau làm con nuôi Dương Tam Kha. Từ việc Dương Tam Kha nhận Ngô Xương Văn làm con có thể suy đoán vua Dương Bình vương không có con hoặc rất hiếm muộn.

- Dương hậu không lấy Ngô Xương Văn và bà không phải là mẹ Ngô Nhật Khánh. Bà chỉ là hoàng hậu hai triều Đinh, Lê như sử sách đã ghi. Bà trạc tuổi Lê Hoàn và thọ khoảng 55-60 tuổi. Bà sinh ra Đinh Toàn lúc trên dưới 30 tuổi.

- Ngô Nhật Khánh không phải cháu ngoại của Chương Dương công Dương Tam Kha.

Chỉ còn một vài cơ hội cuối cùng, vẫn có thể xảy ra, nhưng chỉ có thể làm thay đổi ít nhiều thông tin của 1 trong 3 kết luận trên chứ không thể thay đổi được mệnh đề: Dương hậu chỉ là hoàng hậu 2 triều chứ không phải 3 triều:

a. Có thể trong 4 hoàng hậu còn lại của Đinh Tiên Hoàng, bà mẹ của Nhật Khánh cũng mang họ Dương.

b. Có thể Ngô Xương Văn cũng lấy một người vợ họ Dương khác, không phải là người lấy 2 vua Đinh, Lê sau này và ông không phải là cha của Nhật Khánh.

c. Giáo sư sử học Lê Văn Lan, trong cuốn "Lịch sử Việt Nam - hỏi và đáp" (2004) đã có cách biện luận rất ngắn gọn và thông minh để phản bác giả thuyết Dương Vân Nga là hoàng hậu ba triều của cuốn Phả hệ họ Ngô Việt Nam. Ông cho rằng:

“Cuốn Phả hệ họ Ngô Việt Nam chỉ nói tới việc Ngô Xương Văn có một bà vợ mang tên Dương Vân Nga, sau đó không hề nhắc tới việc bà Dương Vân Nga này lấy ai nữa. Do đó không thể kết luận bà còn lấy vua Đinh và vua Lê.”

Bổ sung thêm cho giả thiết của giáo sư Lê Văn Lan: Cái tên "Dương Vân Nga" trong trường hơp này có thể coi là sự trùng hợp gây lầm lẫn cho người sau, hoặc tên của bà vô tình (do thời gian trôi đi, do truyền miệng thêu dệt...) được gán cho người thực sự lấy 2 vua Đinh, Lê mà bà hoàng hậu hai triều kia thì vốn mang tên khác, như Dương Ngọc Vân chẳng hạn.

Như vậy, vẫn có thể có sự trùng hợp hãn hữu nào đó trong số các giả thiết a, b hoặc c kể trên, nhưng những sự trùng hợp đó chỉ có thể gây hiểu lầm ở một số góc cạnh phiến diện về việc có hoàng hậu ba triều mà thôi, còn hoàng hậu ba triều họ Dương chắc chắn là không tồn tại.

Vẻ đẹp của Dương Vân Nga

Theo các truyền thuyết dân gian, sinh thời Dương Vân Nga rất xinh đẹp. Bà có khuôn mặt bầu bĩnh rất phúc hậu song vẫn có nét thanh tú, cao sang. Nước da của bà hoàng hậu họ Dương trắng hồng và cặp mắt phượng, mày ngài lúc nào cũng long lanh đầy tình tứ. Nhan sắc bà được mô tả trong cuốn "Hoàn Vương ca tích" (tìm thấy ở Hà Nam). Bà không chỉ đẹp mà còn tràn đầy sinh lực:

“Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn

Mắt kia sao mọc cờn cờn

Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân.”

Vẻ đẹp của bà quyến rũ đến nỗi mỗi nước đi cũng làm cả vùng thiên nhiên, cây cỏ xao động, bừng sáng:

“Đồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng

Suối trong tựa ánh nguyệt tràn

Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây

Chim kề mỏ, bướm xỏ mày

Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm....”

Chắc hẳn chính vẻ đẹp thanh tú, mỹ miều và uyển chuyển của bà đã khiến cho cả vị chúa động Hoa Lư Đinh Bộ Lĩnh và sau này Thập đạo tướng quân Lê Hoàn mê đắm. Đó là lý do bà được làm chính cung ở cả hai triều đại nhà Đinh và nhà Tiền Lê.

Tôn vinh

Dương Vân Nga được thờ phụng cùng với Lê Hoàn tại đền Vua Lê Đại Hành ở khu di tích cố đô Hoa Lư. Bà cũng được phối thờ cùng Lê Hoàn tại 4 nơi khác ở Ninh Bình như ở đền Đồng Bến, thành phố Ninh Bình, tương truyền là nơi bà đón Vua Lê đánh thắng giặc Tống trở về; tại đền vua Lê, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn; tại chùa Trung Trữ, Ninh Giang, huyện Hoa Lư, bà cũng được phối thờ cùng hai vua. Cuối đời Dương Vân Nga tu hành tại động Am Tiên ở phía đông kinh thành Hoa Lư, tại đây còn lưu bài thơ về cuộc đời và sự nghiệp của bà.

Ở thành phố Ninh Bình, tên tuổi Dương Vân Nga cùng với Lê Đại Hành được đặt cho hai con đường song song với nhau nằm bên bờ sông Vân, tên sông có ý nghĩa là giường mây, nơi ghi dấu truyền thuyết tình yêu giữa hai người.

Tên tuổi Dương Vân Nga hiện tại được đặt cho nhiều đường đường phố thuộc các thành phố khác như: Đà Nẵng, Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột, Nha Trang, Sài gòn Thanh Hóa.

2- Nữ Hoàng Lý Chiêu Hoàng

Lý Chiêu Hoàng (chữ Hán: 李昭皇; 1218-1278), là vị vua thứ 9 và là cuối cùng của nhà Lý (Việt Nam) từ năm 1224 đến năm 1225, đồng thời là vị Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử

Bà là con thứ của vua Lý Huệ Tông, sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218), tên húy là Phật Kim (佛金), sau đổi là Thiên Hinh (天馨), tước hiệu là Chiêu Thánh công chúa. Mẹ bà là bà Trần Thị Dung, chị gái là công chúa Thuận Thiên.

Nữ hoàng bất đắc dĩ

Năm 1224, Trần Thủ Độ chuyên quyền, ép vua Lý Huệ Tông đi tu. Lý Huệ Tông không có con trai, ông phải lập công chúa Chiêu Thánh làm “Thái tử,” rồi truyền ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo, gọi là Lý Chiêu Hoàng.

Năm 1225, họ Trần nắm giữ binh quyền và các chức vụ quan trọng. Dưới sự đạo diễn của Trần Thủ Độ, Trần Cảnh là cháu họ, con của Trần Thừa, 8 tuổi được đưa vào cung làm Chánh thủ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Trần Cảnh được Chiêu Hoàng gần gũi, yêu mến, hay trêu đùa. Trần Thủ Độ lấy dịp đó dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.

Đại Việt Sử ký Toàn thư chép:

“... Một hôm, Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng.

Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ.

Thủ Độ nói: "Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?”

Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói:

"Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh.”

Chiêu Hoàng cười và nói:

"Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó.”

Cảnh lại về nói với Thủ Độ.

Thủ độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng:

"Bệ hạ đã có chồng rồi.”

Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng. Xuống chiếu rằng:

"Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nổi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi, Kinh thi có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay.” Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết"

Tháng 12, ngày mồng một Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế...."

Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (1225), Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Ngày mồng 1 tháng chạp năm ấy, Chiêu Hoàng bỏ hoàng bào mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế ở điện Thiên An, dựng lên nhà Trần.

Hoàng hậu bất hạnh

Sau khi nhường ngôi, Lý Chiêu Hoàng được phong Chiêu Thánh hoàng hậu. Bà chung sống với chồng gần 10 năm, tình cảm khá sâu sắc, được Trần Cảnh, bấy giờ là Trần Thái Tông yêu thương.

Nhưng vì lấy nhau 12 năm không có con nên Trần Thủ Độ và vợ là công chúa Thiên Cực (Trần Thị Dung - vợ cũ vua Lý Huệ Tông, mẹ của Chiêu Thánh) ép Trần Cảnh phải bỏ Chiêu Thánh để lấy chị dâu (vợ Trần Liễu, chị gái Chiêu Thánh) là công chúa Thuận Thiên đương có mang 3 tháng. Trần Cảnh lúc đầu phản đối mạnh mẽ nhưng do Trần Thủ Độ dọa giết Trần Liễu, cuối cùng cũng phải chịu nghe theo. Vì chuyện này mà trong nội cung có xích mích. Chiêu Thánh sau đó bị phế ngôi, Thuận Thiên được lập làm hoàng hậu.

Làmvợ Lê Phụ Trần

Năm 1258, sau kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông lại đem Chiêu Thánh gả cho Lê Phụ Trần (vốn tên là Lê Tần).

Bà sống với Lê Phụ Trần được 20 năm, sinh ra con trai là thượng vị hầu Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư của nhà Hậu Lê chê trách nặng lời việc vua Trần Thái Tông mang bà là vợ cũ gả cho Lê Phụ Trần là bầy tôi.

Ở Tiên Sơn (Bắc Ninh) vẫn còn câu ca dao thác lời Chiêu Hoàng trách Trần Cảnh về việc này:

Trách người quân tử bạc tình

Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!

Năm 1278, bà mất, thọ 61 tuổi.

3- Tuyên Phi Đặng Thị Huệ

Đặng Thị Huệ (chữ Hán:鄧氏蕙,? -?) là vợ chúa Trịnh Sâm thời Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Quê bà ở làng Trà Hương, huyện Phù Đổng, trấn Kinh Bắc, nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Bà xuất thân nghèo khổ, vốn là cô gái hái chè, sau về với chúa Trịnh Sâm, được lập làm Tuyên Phi, nhưng người đời vẫn quen gọi là “Bà Chúa Chè.”

Theo Từ điển Lịch sử nhân vật Việt Nam, thì bà là một người đã gây ra nhiều tai ác trong phủ chúa Trịnh và triều đình Hậu Lê, ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.

Cuộc đời

Được sủng ái

Khi vào phủ chúa, Đặng Thị Huệ vốn chỉ là nữ tỳ. Một hôm, Tiệp dư Trần Thị Vịnh sai bà bưng một khay hoa đến trước nơi chúa Trịnh Sâm ngồi. Trịnh Sâm nhìn thấy bà rất bằng lòng, bèn ân ái với bà. Từ đó bà ngày càng được Trịnh Sâm yêu quí.

Năm Đinh Dậu (1777), Đặng Thị Huệ lại sinh hạ một người con trai, tên là Trịnh Cán (1777-1782), nên càng được chúa sủng ái, lập làm Tuyên Phi.

Trước đây, một cung nhân khác là Dương Ngọc Hoan, được vào hầu chúa Trịnh Sâm đã sinh một con trai là Trịnh Khải (tên cũ là Tông, 1763-1786).

Mưu đoạt ngôi chính

Được chúa yêu, Đặng Thị Huệ bèn hỏi con gái chúa là Công nữ Ngọc Lan cho em trai mình là Đặng Mậu Lân, vốn là người có tính hung bạo, dâm dật và càn rỡ. Nhưng chúa cũng nghe theo, khiến Sử trung hầu bị Mậu Lân chém chết trong việc bảo vệ Ngọc Lan.

Biết chúa rất sủng ái mình, Đặng Thị Huệ ngày đêm mưu tính việc giành lấy ngôi vị Thế tử cho con trai.

Đề cập đến ngôi vị vương giả này, sách Hoàng Lê nhất thống chí có đoạn:

Theo lệ cũ, người con trai nối ngôi chúa hễ đến mười hai tuổi thì phải ra ở Đông cung. Bấy giờ các quan cũng có tâu trình việc ấy; song chúa không cho, chỉ cho Thế tử (Trịnh Khải) đến ở nhà riêng của Hân quận công (Nguyễn Đĩnh). Như vậy, ngôi Đông cung vẫn bỏ trống, như có ý chờ đợi người khác.

Đến năm Thế tử mười lăm tuổi, thì con nhỏ là vương tử Cán ra đời, chúa hết sức yêu dấu đứa con nhỏ đó. Ba năm sau, Thế tử đúng mười tám tuổi, đáng được mở phủ riêng; nhưng bấy giờ các quan chẳng ai dám tâu bày, mà chúa cũng không hề nhắc tới việc ấy. Như thế là người nối ngôi vẫn chưa định, nên lòng người rất phân vân. Hễ ai thuộc về Thế tử Tông (tức Trịnh Khải) thì hùa theo Thế tử Tông, ai thuộc đảng Thị Huệ thì vào phe vương tử Cán. Trong phủ chúa dần dần sinh ra bè nọ cánh kia. Hoàng Lê nhất thống chí tập I (tr.15-16).

Kể từ đó, một mặt bà bí mật sai thuộc hạ thân tín, sớm tối thêu dệt đủ mọi chuyện xấu vu cho Trịnh Khải; mặt khác, bà liên kết với Huy Quận công Hoàng Đình Bảo để cùng mưu sự.

Phía Trịnh Tông cũng có lực lượng hậu thuẫn. Hậu quả của cuộc tranh giành quyền lực này đã gây ra hai vụ biến động lớn là Vụ án năm Canh Tý và cuộc nổi dậy của lính Tam phủ.

Thắng thế - Vụ án năm Canh Tý (1780)

Tháng 8 năm Canh Tý (1780), lúc ấy có tin đồn rằng chúa Trịnh Sâm bị bệnh rất nặng, Trịnh Khải bèn bàn mưu với gia thần là Đàm Xuân Thụ, Thế Thọ, Thẩm Thọ và Vĩnh Vũ bí mật sắm sửa vũ khí, chiêu tập dũng sĩ, để chờ thời cơ. Ngoài ra, Trịnh Khải còn ngầm liên kết với Trấn thủ Sơn Tây là Hồng lĩnh hầu Nguyễn Khản, Trấn thủ Kinh Bắc là Tuân sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân để sẵn sàng hỗ trợ.

Việc mưu sự, bị Cấp sự trung Nguyễn Huy Bá biết được, ngầm kể với Tuyên Phi. Chớp lấy thời cơ, bà liền đem việc đó bàn với Quận Huy (tức Hoàng Đình Bảo). Quận Huy bảo Huy Bá viết bức kín, rồi ông tự ý bỏ vào tay áo, đi đến phủ chúa, đuổi hết những người chung quanh, đem thư ra trình…

Kết cuộc, phe Đặng Thị Huệ thắng thế. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, thì có ba đại thần theo phe Trịnh Khải đều phải mất mạng: Khê trung hầu, Tuân sinh hầu (Nguyễn Khắc Tuân) đều uống thuốc độc tự tử, Nguyễn Quốc Tuấn (thuộc hạ của Khắc Tuân) bị án chém; còn Trịnh Khải bị quản thúc ngặt trong một ngôi nhà ba gian.

Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (gọi tắt là Cương mục) thì: Đàm Xuân Thụ bị giết, Nguyễn Lệ và Nguyễn Khắc Tuân bị tống giam vào ngục, hoạn quan Nguyễn Phương Đĩnh (hoặc Định) bị kết tội nuôi dưỡng Trịnh Khải không nên người, bị lột hết chức tước và đuổi về làng; còn Trịnh Khải bị giáng xuống làm con út và bị quản thúc trong nội phủ.

Ngay trong năm này, mặc dù Trịnh Cán chỉ mới 4 tuổi vẫn được lập làm Thế tử, và Quận Huy được cử làm A phó để phò tá.

Tháng 9 năm Nhâm Dần (1782), Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán được nối ngôi chúa, hiệu là Điện Đô Vương.

Thuận theo lời tâu của Quận Huy, vua Lê Hiển Tông cho Tuyên Phi được tham dự việc quyết đoán chính sự. Kể từ đó, liên minh Tuyên Phi – Quận Huy nắm hết mọi việc trong ngoài.

Do chúa mới là Trịnh Cán hãy còn thơ ấu, sức khỏe lại ngày càng tồi tệ; trong khi đó, liên minh trên ngày càng chuyên quyền và mối quan hệ của họ có phần không minh bạch, nên trong và ngoài triều có lắm người thầm ghét và có ý ngờ. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, bởi vậy, lúc bấy giờ, có câu ca dao được truyền miệng rằng:

Trăm quan có mắt như mờ,

Để cho Huy quận vào sờ chính cung.

Gặp nạn kiêu binh

Sự kiện này xảy ra vào tháng 10 năm Nhâm Dần (năm 1782), nghĩa là đúng một tháng sau khi chúa Trịnh Sâm mất, và cũng đúng một tháng sau khi Trịnh Cán được đưa lên ngôi chúa.

Lính kiêu binh ủng hộ Trịnh Tông cùng nhau mưu đảo chính lật đổ Trịnh Cán để lập Trịnh Tông. Theo Lê quý dật sử, họ ngầm liên hệ với mẹ Trịnh Sâm xin ý chỉ, bên ngoài dựa vào sự chi viện của Phan quận công (Nguyễn Phan), và nhờ tiến triều Nguyễn Nhưng làm bài (hịch) khích lệ quân lính.

Khi quân Tam phủ nổi dậy, quận Huy ra chống cự nhưng không nổi, bị kiêu binh giết chết. Lính Tam phủ rước Trịnh Tông lên nối nghiệp chúa. Các đình thần im lặng không dám chống cự.

Hôm việc biến xảy ra, Đặng Thị Huệ khiếp sợ quá, phải thay đổi quần áo, nấp ở hậu cung. Riêng chúa Trịnh Cán, được Quận Diễm bế đi lánh nạn. Đến đêm, bà nội Trịnh Cán (bà Sét - mẹ Trịnh Sâm) sai người tìm rước cháu về. Hôm sau, Trịnh Cán bị giáng xuống làm Cung quốc công, rồi hơn tháng sau thì bị bệnh qua đời.

Bị giam và qua đời

Và quãng đời cuối của Đặng Thị Huệ, khi bà đã không còn gì sau cuộc tranh giành quyền lực, được sách Hoàng Lê nhất thống chí chép như sau:

Khi chúa nhỏ bị bỏ, Thái phi (Dương Ngọc Hoan) liền sai người bắt Tuyên phi hài tội, rồi buộc bà phải lạy tạ. Tuyên phi không chịu lạy, Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất, nhưng bà vẫn nhất định không chịu lạy, mà cũng không nói nửa lời. Thái phi giận quá, đánh đập một hồi, nhỏ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam vào nhà Hộ Tăng ở vườn sau. Tại đây, Đặng Thị Huệ bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở. Một bữa, bà trốn ra khỏi cửa Tuyên Vũ, chạy đến bến đò phố Khách thì bị quân lính đuổi kịp...

Sau một thời gian giam giữ ngặt, Thị Huệ được cho làm cung tần nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm. Ở đây, bà ngày đêm gào khóc xin được chết theo chồng. Đến ngày giỗ của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi uống thuộc độc mà chết, được táng cách Vọng lăng (lăng Trịnh Sâm) một dặm.

Đặng Thị Huệ trong văn học nghệ thuật

 Ngoài tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm Ngô gia văn phái, Đặng Thị Huệ còn là nhân vật trong các tác phẩm khác như: Bà Chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật, Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng.

Còn tiếp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn