Hôm 22/08/2011, Tòa án tỉnh Kiên Giang đã xử ông Lư Văn Bảy 4 năm tù, 3 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”.
Ông Lư Văn Bảy năm nay 59 tuổi, ngụ tại thị trấn Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Theo cáo trạng của phiên tòa Kangaroo, không có luật sư bào chữa, ngoài gốc gác là một quân nhân thuộc binh chủng Không quân QL VNCH, sau năm 1975 ông có tham gia hoạt động chống Cộng trong “Mặt trận Liên tôn” vào tháng 9/1977, và sau đó bị bắt và bị giam cầm 6 năm tù đến 9/1983,…
Ông Bảy là một cựu quân nhân, thuộc binh chủng Không quân QL VNCH. Năm 1970, lênh tổng động viên ban ra, khi đó ông tròn 18 tuổi, đành từ giã tuổi học trò để lên đường nhập ngũ, gia nhập binh chủng không quân và trở thành chuyên viên kỹ thuật phục vụ tại Sư đoàn 1 Không quân giới tuyến (đóng tại Đà Nẵng). Vì thuộc đơn vị trực thăng chuyên thả toán cho lực lượng biệt kích Lôi Hổ nhảy toán trong rừng, cho nên ông đã có dịp đi khắp các địa danh thuộc Vùng I địa đầu đất nước của miền Trung khô cằn sỏi đá, chứng kiến được những cảnh khổ đau mà nhân dân miền Trung phải chịu đựng, nhất là vào Mùa Hè đỏ lửa 1972. Nhờ đó ông cũng đã chứng kiến được cảnh tan hoang chết chóc trên con đường dẫn vào Quảng Trị với hàng đống thây người chất chồng thành núi, khiến cho một nhà báo Tây phương phải đặt tên là Đại lộ Kinh hoàng (Terror Boulevard).
Vào ngày 28 Tết năm 1974 khi Trung Cộng tấn công Hoàng Sa thì ông Bảy đang đóng ở Đà Nẵng. Khi đó tinh thần chống ngoại xâm trong đơn vị đã dâng cao, thật sự đi vào lòng mọi người và toàn đơn vị đều tình nguyện hiến dâng cho Hoàng Sa.
Ông Lư Văn Bảy, một con người luôn tâm huyết, đau đáu với vận mệnh của đất nước trước họa ngoại xâm từ Trung Cộng. Đó là lý do rất nhiều bài viết của ông mang sắc thái chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa-Trường Sa và vấn đề cho Trung Cộng khai thác Bô-Xít ở Tây Nguyên.
Ông bắt đầu viết bài và gởi ra hải ngoại từ những năm 2005, 2006. Để che mắt lực lượng công an, ông đã dùng nhiều bút danh khác nhau như Chánh Trung, Hoàng Trung Việt, Hoàng Trung Chánh, hoặc Nguyễn Hoàng. Vào khoảng tháng 8 năm 2007, ông bắt đầu gởi bài trực tiếp đến Ban Biên Tập trang web Tiếng Nói Tự Do Dân Chủ để nhờ hiệu đính bài vở và phổ biến rộng rãi đến các nơi.
Kể từ đầu năm 2010, ông bắt đầu sử dụng bút danh Trần Bảo Việt và có gởi bài trực tiếp đến một số trang như Đàn Chim Việt, Thông Luận, Đối Thoại, Báo Tổ Quốc,…
Tháng 1 năm 2008, ông bị công an tỉnh Kiên Giang đến tận nhà bắt, thu giữ máy vi tính có chứa nhiều bài viết trong ổ cứng. Tuy nhiên ngay sau đó, ông được thả ra với lời cảnh cáo và cam kết không viết bài nữa.
Tuy nhiên, vì “không thể chịu nổi cảnh ngang trái trong xã hội ngày nay” và “không chấp nhận sự uơn hèn của CSVN trước giặt bành trương Trung Cộng”, cho nên chỉ sau một thời gian ngắn ông lại tiếp tục viết nhiều hơn và mạnh hơn. Chỉ riêng từ cuối tháng 10 năm 2010 cho đến trước lúc bị bắt vào 26/03/2011, ông đã viết khoảng 15 bài, tức là khoảng 1 bài trong mỗi tuần!
Trong bài “Lời cuối cho những ai còn tự nhận mình là người Việt Nam”, ông đã nhắn nhủ với lãnh đạo CSVN bằng những lời nhẹ nhàng nhưng rất kiên quyết:“nếu ngay từ bây giờ mà quý vị sẵn sàng từ bỏ quyền lợi riêng trong vai trò độc tôn lãnh đạo, để chấp nhận con đường dân chủ đa nguyên phù hợp với trào lưu tiến bộ của thế giới, phù hợp với ý nguyện của toàn dân, đây là hành động tự cứu mình và cứu đảng ĐCSVN tiếp tục tồn tại song hành cùng với dân tộc bởi vì, sự bình đẳng giữa các đảng phái trong đó có ĐCSVN để toàn dân tự do chọn lựa người lãnh đạo đất nước”.
Tuy dân tộc Việt Nam vẫn phải oằn oại dưới cai trị của cộng sản trên toàn cõi Việt Nam gần 36 năm dài, nhưng ông vẫn tin tưởng rằng “Dân tộc Việt Nam sẽ hồi sinh sau những năm dài đen tối”.
Trong bài “Phong trào Dân chủ Việt Nam: Niềm tin và hy vọng”, ông đã thể hiện niềm tin sắt đá hơn vào phong trào dân chủ Việt Nam, ngay sau khi cao trào đấu tranh đòi hỏi dân chủ bùng nổ tại các nước Bắc Phi, đưa đến sự sụp đổ đầu tiên của chế độ độc tại tại Tunisia và Ai Cập:
“Cuộc cách mạng thành công của nhân dân Tunisia, Ai Cập, Sudan và đang lan rộng ra các nước Phi châu khác trong thời gian qua sẽ là kết quả đáng theo gương cho sự tranh đấu của nhân dân VN trong thời gian tới.
Chắc chắn phong trào dân chủ VN sẽ là niềm tin và hy vọng, là niềm tự hào cho toàn dân trên con đường xây dựng quê hương đầy đổ nát”.
Chỉ khoảng 10 ngày trước khi bị bắt hôm 26/03/2011, ông đã có bài “Nhận định tình hình và vài thiện ý cho phong trào đấu tranh dân chủ hiện tại” với một số nhận định và đề nghị, mà ông cho rằng “Nếu thực hiện được như thế thì con đường tranh đấu cho nền dân chủ đa nguyên của chúng ta chắc chắn sẽ sớm thành công trong sự ôn hòa và không đổ máu. Hồn thiêng sông núi sẽ không bao giờ quay lưng với con đường chính nghĩa của toàn dân tộc VN chúng ta”.
Tuy luôn trăn trở với những ưu tư buồn phiền về vận mệnh của dân tộc, nhưng ông vẫn luôn nghĩ đến những con người kiên cường, những người tù bất khuất hiện vẫn còn đang bị giam hãm đâu đó trong các nhà tù cộng sản. Ông đã thể hiện tình “huynh đệ chi binh” cũng như tình người đối với thân phận nghiệt ngã của anh Nguyễn Hữu Cầu qua bài “Xin chút tình thương với người tù chính trị xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu” và ông cũng không quên người tù bất khuất Trương Văn Sương qua bài “Trương Văn Sương: niềm tự hào của dân tộc”.
Những bài viết của ông hoàn toàn thể hiện tâm huyết, trăn trở của một con người yêu nước tha thiết. Rõ ràng những bài viết đó là vũ khí, là cái gai khiến chế độ run sợ, phải đem ông ra xử chóng vánh trong một phiên tòa Kangaroo không có luật sư bào chữa. Tuy thân xác đã bước vào nhà tù nhỏ, nhưng ông vẫn đặt Niềm tin và hy vọng vào Phong trào Dân chủ Việt Nam.
Ngày 24/08/2011
Lê Minh
Theo Đàn Chim Việt
——————————————————
Nguyên văn bản tin trên tờ Đại Đoàn Kết:
Kiên Giang: Xét xử vụ tuyên truyền chống phá Nhà nước (23/08/2011)
Sáng 22-8-2011, TAND Kiên Giang đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Lư Văn Bảy, (sinh năm 1952, ngụ tại 86, tổ 3, ấp kinh 9 thị trấn Tân Hiệp – Kiên Giang) về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Lư Văn Bảy nguyên là sĩ quan ngụy thuộc binh chủng không quân đóng quân tại Đà Nẵng, phụ trách kỹ thuật. Năm 1975, Bảy học tập, cải tạo 1 tháng tại Tân Hiệp, sau đó về địa phương làm ruộng sinh sống. Khoảng tháng 9-1977, Bảy tham gia tổ chức phản cách mạng “Mặt trận liên tôn” và được tổ chức này phong cho cấp bậc trung úy. Hành vi chống phá cách mạng của Bảy đã không lọt qua khỏi tai mắt của quần chúng nhân dân và lực lượng an ninh. Hoạt động được 3 tháng thì Bảy bị bắt, đưa đi tập trung cải tạo tại Trại giam kênh làng thứ 7. Tháng 9 năm 1983 Bảy hết hạn tù, về quê nhà ở Tân Hiệp làm ruộng để sinh sống.
Khi Internet được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng, Bảy đã soạn thảo tài liệu phản động gửi ra nước ngoài, tập trung vào địa chỉ “Tiếng nói tự do dân chủ” với nhiều bút danh như Chánh Trung, Hoàng Trung Chánh, Hoàng Trung Việt, Nguyễn Hoàng và được hai người tự xưng là Khánh Đang và Lê Minh, người của tổ chức phản động “Diễn đàn tiếng nói tự do” liên hệ trả nhuận bút.
Hành vi vi phạm pháp luật của Bảy đã bị cơ quan công an huyện Tân Hiệp phát hiện lập biên bản cảnh cáo, răn đe, phân tích thiệt hơn. Thế nhưng Lư Văn Bảy vẫn cố tình vi phạm pháp luật, tiếp tục soạn thảo các bài viết có nội dung nói xấu Đảng và Nhà nước gửi ra các tổ chức phản động: Đàn chim Việt, Đối thoại, Báo Tổ quốc, Tiếng nói tự do và dân chủ, Dân làm báo, Thông tin Berlin, Ánh sáng mới 2015… với bút danh Trần Bảo Việt.
Ngày 26-3-2011, Lư Văn Bảy đã bị công an tỉnh Kiên Giang bắt và khám xét khẩn cấp. Cơ quan an ninh phát hiện Bảy đã soạn thảo nhiều bài viết chủ yếu sao chép từ các bài viết của các thế lực phản động rồi chỉnh sửa tung lên mạng nhằm bôi nhọ đường lối, chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước nhằm kích động lòng thù hận trong động đồng các dân tộc, kích động bạo động, bạo loạn…
Ranh ma, quỷ quyệt hơn, Bảy đã thường xuyên thay đổi địa điểm gửi email để tránh sự theo dõi phát hiện của công an trong việc phát tán tài liệu. Bảy thường xuyên bắt xe đò, đến các địa điểm Internet ở ấp Phụng Quới A, Phụng Quới B của thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ để gửi bài viết cho các tổ chức phản động…
Tại phiên tòa, Lư Văn Bảy đã thừa nhận các hành vi phạm tội của mình là sai trái. HĐXX đã tuyệt phạt Lư Văn Bảy 4 năm tù giam và 3 năm quản thúc tại địa phương.
Trương Anh Sáng
Gửi ý kiến của bạn