Đó là Cliff Gerathy, cựu Tổng quản Thương Mại của Securency, và cũng là viên chức cao cấp thứ 8 bị cảnh sát liên bang Úc bắt giữ trong hồ sơ điều tra vụ bê bối tại công ty Securency và công ty in tiền NPA (Note Printing Australia) của Ngân hàng Dự trữ Trung ương Úc RBA.
Tại phiên tòa Sơ Thẩm tại Victoria chiều nay, cảnh sát đã cáo buộc ông Gerathy đã chỉ thị cho việc chung chi món “lại quả” hậu hĩnh lên đến $17,2 triệu đô cho một tay môi giới tại Việt Nam và cũng liên can đến việc cố ý làm sai sổ sách đối với một hợp đồng in tiền nhựa cho Mã Lai. Đây là món “lại quả” lớn nhất trong hồ sơ vụ tham nhũng RBA.
Phát ngôn nhân cảnh sát cho biết “Vị này bị cáo buộc tội đưa hối lộ cho quan chức nước ngoài chiếu theo Khoản 1 Điều 11.5 và Khoản 1 Điều 70.2 của Bộ luật Hình sự 1995 thì có thể phải lãnh bản án lên đến 10 năm tù và/hoặc bị phạt vạ đến $1,1 triệu đô. Ngoài ra ông ta cũng bị cáo buộc tội làm giả sổ sách theo Khoản 1 Điều 83 của bộ luật hình sự 1958 (bang Victoria), mà có thể phải lãnh bản án 10 năm tù ở”.
Được biết đầu tháng 7 vừa rồi, đã có 7 viên chức cao cấp của Securency và NPA bị cảnh sát liên bang bắt giữ và truy tố với tội danh hối lộ các quan chức Việt Nam và Mã Lai trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2006.
Riêng đối với Việt Nam, hồ sơ điều tra của cảnh sát cũng nêu rõ là công ty Securency đã hối lộ cựu Thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thúy bằng cách chi trả cho một người con trai của ông ta đi du học tại Đại học Durham, Anh Quốc. Hồ sơ điều tra cũng nêu đích danh Đại tá Công an Lương Ngọc Anh, chính là kẻ đã môi giới cho phi vụ in tiền nhựa Polymer cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cũng là kẻ đứng ra lãnh nhận số tiền hối lộ $17.2 triệu đô vừa nêu trên.
Chiếu theo Luật chống tham nhũng có hiệu lực từ 12 năm nay thì cả hai công ty Securency và NPA cũng sẽ bị truy tố với tội danh hối lộ các quan chức ở nước ngoài.
Trong khi đó phía Mã Lai đã bắt giữ 2 quan chức có liên can để điều tra thì gần đây tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho Lê Đức Thúy “nghỉ hưu” và cử ông tiến sĩ “dỏm” Vũ Viết Ngoạn lên nắm chức chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia. Bình luận vụ “nghỉ hưu” này, báo chí Úc cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng buộc phải cho Thúy về vườn sau khi báo chí Úc và hồ sơ điều tra của cảnh sát nói rõ rằng tiền du học cho con trai của Lê Đức Thúy tại Anh Quốc là do công ty Securency chi trả. Báo chí Úc tuy có nhắc rằng đương kiêm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là vị cựu Thống Đốc tiền nhiệm của Lê Đức Thúy, nhưng lại cẩn thận không nêu ra một sự liên can nào của Dũng trong vụ này.
Đội đặc nhiệm 20 nhân viên của lực lượng cảnh sát Liên bang Úc vẫn đang tiếp tục cuộc điều tra vụ tham nhũng RBA và dự kiến sẽ còn kéo dài vì các tính chất phức tạp của vụ án. Ngân hàng Dự trữ Trung Ương Úc RBA và hai công ty Securency và NPA hiện đang tích cực hợp tác với cảnh sát trong vụ điều tra này và cung cấp nhiều thông tin có giá trị.
Úc Châu, ngày 10/08/2011
Lê Minh
Gửi ý kiến của bạn