Sáng chủ nhật vừa rồi (7-8-2011) có hai cuộc xuống đường khiến cho tôi liên tưởng đến những vấn đề tưởng đã chìm sâu trong quá khứ. Nhưng trước hết phải nói rằng: tôi không hề có ý định nhạo báng ý nghĩa nhân văn và mục đích cao cả của cuộc tuần hành “Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam” vừa qua, nhưng có có một số điều không thể không suy nghĩ:
Từ lâu lắm rồi, hầu hết các cuộc biểu tình tuần hành ở trong nước đều do các “cơ sở quốc doanh” như Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban nhân dân … độc quyền tổ chức. Với lực lượng truyền thông đại chúng hùng hậu đưa tin (hàng trăm tờ báo “lề phải” cùng với các đài truyền hình Nhà nước phát sóng trực tiếp) thì khâu “phân phối, tiêu thụ” cũng xem như là độc quyền. Thế nhưng “chất lượng, hương vị” của nó như thế nào sẽ còn phải tranh luận nhiều.

Khi nguồn cung của của các “cơ sở quốc doanh” nói trên không thể đáp ứng được nhu cầu bầy tỏ lòng yêu nước của những người dân trước tình hình biển đảo Việt nam hiện nay thì sự xuất hiện của “biểu tình dân lập” bên cạnh “biểu tình quốc doanh” là điều tất yếu. Về quy mô thì “biểu tình quốc doanh” có số lượng người tham gia đông áp đảo (lên tới hàng vạn như Vietnamnet đưa tin) nhưng về “chất lượng yêu nước” thì có lẽ không thể vượt qua các cuộc “biểu tình dân lập”. Mặc dù không được báo chí “lề phải” đưa tin, không được các đài truyền hình Nhà nước đả động tới nhưng “biểu tình dân lập” vẫn mau chóng đi vào lòng người và chứng tỏ được sức sống mãnh liệt trong suốt những tháng qua.
Những câu hỏi được đặt ra ở đây là:
Phải chăng biểu tình yêu nước mãi mãi chỉ thuộc về các “cơ sở quốc doanh” ?
Phải chăng những người dân yêu nước tham gia “biểu tình dân lập” sẽ cần phải được “chăm sóc” giống như những người dám đi ăn “phở ngoài” trước kia.
Nếu không phải như vậy thì các báo “lề phải” và các đài truyền hình Nhà nước hãy nói lên chính kiến của mình.
Thanh Nam
Theo Quê Choa
Gửi ý kiến của bạn