BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76640)
(Xem: 63104)
(Xem: 40499)
(Xem: 32118)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến và trận Quảng Trị 1972

28 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 3866)
Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến và trận Quảng Trị 1972
526Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
4.927
Một năm dài qua nhanh, tình hình vùng hỏa tuyến lắng dịu, quân lực Hoa Kỳ tiếp tục triệt thoái khỏi Việt Nam. Quân đội Cộng sản Bắc Việt đã rút về Bắc để bổ xung và huấn luyện. Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến vẫn phải thường trực tại Quảng Trị. Có tin đồn Tổng thống Thiệu sợ đảo chánh và rất e ngại ông Nguyễn Cao Kỳ sẽ móc nối Thủy Quân Lục Chiến làm việc này nên đày các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến ở Vùng I chiến thuật cho yên tâm. Chúng tôi đã ăn Tết lần thứ hai ở Quảng Trị, và đang chịu đựng mùa mưa dầm dề kéo dài lê thê trong những căn hầm ẩm ướt. Pháo thủ tương đối dễ chịu hơn, họ không phải di chuyển nhiều và có xe đi chợ 3 ngày một lần . Vào cuối tháng 3 năm 1972, tiểu đoàn 3 pháo binh và Lữ đoàn 258 được lui về đóng ở căn cứ Nancy, phía Bắc sông Mỹ Chánh làm trừ bị. Lữ đoàn 147 và tiểu đoàn 2 pháo binh vào căn cứ Mai Lộc. Ngày 28/3 tôi vào thăm Trung tá Nguyễn Năng Bảo, Lữ đoàn trưởng 147 và yêu cầu trả pháo đội J đang đóng ở Căn cứ Carroll về với tiểu đoàn 3 pháo binh. Pháo đội trưởng pháo đội J là Đại úy Nguyễn Văn Tỷ, nguyên cầu thủ bóng tròn bộ Tổng Tham Mưu, khi chạy trung phong thì đá như vũ bão, nhưng làm pháo đội trưởng thì hơi nhát, tôi phải giữ Tỷ gần bộ chỉ huy tiểu đoàn. Tỷ về căn cứ Nancy chỉ có 48 tiếng đồng hồ thì Cộng sản bắt đầu cuộc tổng tấn công vào tỉnh Quảng Trị

Sau một năm chuẩn bị, mùa mưa vừa chấm dứt là quân Cộng sản Bắc Việt tập trung trên một Quân đoàn, hơn 3O ngàn quân gồm cả 5 trung đoàn pháo và 5 trung đoàn chiến xa, vượt vĩ tuyến 17 tấn công vào Quảng Trị.

Trưa ngày 3O/3/72, Trung tá Đỗ Kỳ, trưởng phòng 3 Sư đoàn từ Bộ chỉ huy Lữ đoàn 258 ghé thăm tôi và cho biết các đơn vị của Lữ đoàn 147 đang chạm địch. Tôi nghĩ cũng chỉ là du kích hoặc lực lượng địa phương quấy rối như thường lệ, nhưng sau bữa cơm chiều, tiểu đoàn 3 pháo binh được lệnh di chuyển gấp cùng Bộ chỉ huy Lữ đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến ra Đông Hà. Tôi linh cảm tình hình chiến trận có lẽ nặng, không có một buổi họp hành quân như thường lệ. Trong khi chờ đợi đoàn xe kéo pháo và chở đạn từ hậu trạm Huế chạy ra, Trung tá Lữ đoàn trưởng nhìn các pháo thủ thu xếp quân dụng vừa nặng nề vừa nhiều như một gánh hát, bèn hỏi:

- Quân dụng nhiều thế làm sao có thể chở hết?

- Họ quen rồi, mọi việc đâu sẽ vào đó. Trong vòng một giờ chúng tôi sẽ lên đường hành quân.

Khi trời vừa nhá nhem tối, chúng tôi đã sẵn sàng di chuyển. Từ lâu ít khi chúng tôi phải di chuyển ban đêm, lần này đi mà chỉ biết địa điểm là Đông Hà, trong một doanh trại cũ của một tiểu đoàn pháo binh hiện bỏ trống, sẽ có lệnh sau. Đoàn xe vừa ngừng lại, tôi vội tìm vị trí cho các pháo đội thì tiếng réo của đạn pháo 13O ly của địch đã bay ngang đầu. Những vệt sáng của mấy chục đèn pha xe vận tải dài cả cây số là mục tiêu cho tiền sát địch gọi pháo. May mắn những tràng pháo đầu chúng tôi vô sự, đèn xe không được dùng nữa, tài xế chạy thật chậm theo ánh đèn pin của người dẫn đường. Tôi và sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ cùng quân sĩ ban chỉ huy tiểu đoàn tạm trú trong một căn nhà tôn. Chung quanh có sẵn những giao thông hào để khi bị địch pháo kích thì nhảy vào đó tránh đỡ chứ không làm hầm vì chưa biết tình hình ngày mai có phải di chuyển nữa hay không. Chúng tôi nằm giữa tầm pháo địch. Loạt nào bay cao réo qua đầu là chúng pháo vào căn cứ Ái Tử, bản doanh của Sư đoàn 3 Bộ binh. Loạt nào réo thấp là rơi nhanh vào căn cứ chúng tôi, thế là mạnh ai nấy nhảy xuống giao thông hào hoặc hố cá nhân ẩn tránh. Anh bạn cố vấn Mỹ, thủ nón sắt, áo giáp và đào sâu thêm một hố rồi năm luôn trong đó cho chắc.


Pháo binh Sư đoàn 3 Bộ binh yêu cầu chúng tôi phản pháo. Nhưng khi cho tọa độ thì lại quá gần nên chúng tôi sẽ phản pháo với thuốc nạp 7, và dễ gì đã bắn tới những dàn pháo 13O ly của Cộng quân với tầm xa hơn 27 cây số ! Chúng tôi đành bất lực nằm chịu từng cơn mưa pháo. Tôi ước tính có ít nhất 1O pháo đội 13O ly của địch bắn quấy rối chúng tôi suốt đêm. Lúc đầu pháo binh địch làm quân sĩ mất tinh thần không ít, may đạn 13O ly nổ to nhưng sức công phá không nhiều và sức tản đạn lớn nên ta tổn thất nhẹ, riêng các pháo thủ đều vô sự.

Sáng hôm sau chúng tôi được biết Cộng sản đã mở một cuộc tấn công toàn diện vào Quảng Trị. Phía Bắc, các căn cứ tiền đồn Nam Khu Phi Quân sự đều bị pháo kích nặng. Các toán tuần tiễu đều báo cáo thấy địch di chuyển về Nam. Phía Tây, vùng trách nhiệm của Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến cũng bị pháo kích, kể cả những tiền đồn và căn cứ Mai Lộc bản doanh của Bộ chỉ huy Lữ đoàn.

Trưa ngày 1/4/72 Bộ chỉ huy Lữ đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến được di chuyển vào căn cứ Ái Tử, Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh lui về cổ thành Quảng Trị, Bộ chỉ huy tiểu đoàn 3 pháo binh và pháo đội J cũng di chuyển vào căn cứ Ái Tử. Khi đoàn xe của chúng tôi vừa ngừng trước trung tâm hành quân của Sư đoàn 3 Bộ binh thì pháo địch ầm ầm đổ xuống. Tôi và anh cố vấn Mỹ chạy vào cái conex dùng làm vọng gác, binh sĩ ào theo nhưng cái conex chỉ chứa được khoảng 1O người, số đông nằm sát chỗ thấp lề đường. Tôi đứng nghe pháo réo từng loạt và nổ khắp nơi, nhìn qua lỗ châu mai tôi thấy nhà sập, xe cháy cách tôi chỉ vài trăm mét. Tôi thầm nghĩ nếu một trái rơi trúng cái conex này thì không chết cũng bị thương nặng. Gần một giờ sau pháo địch mới tạm ngưng, may đoàn xe và pháo thủ vô sự lần này. Khi tôi vào được trong hầm Thủy Quân Lục Chiến thì địch pháo đợt 2, ta bị cháy một xe Jeep và một pháo thủ tử thương.



Cái trung tâm hành quân này là mục tiêu cho Cộng sản điều chỉnh pháo. Tôi chưa thấy cái TOC nào to và kiên cố như cái này, nó có hàng chục phòng, chứa cả trăm quân nhân, nằm chìm dưới mặt đất và có hai lớp đà gỗ cùng vài chục lớp bao cát. Một trái 13O ly chỉ làm mẻ ba bốn lớp bao cát mà thôi, loại đạn này chỉ nổ to nhưng không đào sâu tàn phá mạnh. Điều phiền nhất là những cột antene đều bị chém gẫy gần hết. Sau đành dùng loại cần câu, nó hạn chế tầm xa nhưng cũng đủ liên lạc khắp nơi. Tôi chọn cho pháo đội J một vị trí ở nơi thấp và gần hàng rào phòng thủ phía Tây, nhờ vậy yên ổn suốt mấy tuần lễ. Khi trở về Trung tâm Hành quân, tôi nghe Đại úy Kính, pháo đội trưởng pháo đội I cằn nhằn trên máy truyền tin:

- Bộ định thí cái mạng già này sao ?

Trung úy Dũng trưởng ban 3 bèn giao ống nói cho tôi:

- Kinh đô, Hà Nội gọi.

- Kinh đô nghe thẩm quyền.

- Tôi không quên bạn đâu, Sói Biển còn ở đó với bạn. Tôi sẽ lên thăm bạn và sẽ có lệnh di chuyển đúng lúc.

- Kinh đô hiểu, nhưng chỗ này bị mưa nặng lắm, không làm ăn gì được.

- Tôi sẽ lo cho bạn ngay.

Tôi biết Pháo đội I đóng sát ngay tuyến phòng thủ của tiểu đoàn 3 , không tiện cho việc tác xạ yểm trợ, nhưng chưa có lệnh Lữ đoàn, tôi phải tạm để pháo đội I ở Đông Hà. Tôi lên xe ra Đông Hà, nhưng vừa đến quốc lộ 1 đã thấy hàng ngàn dân chúng gồng gánh trên đường về Huế. Cộng quân lại pháo kích vào phi trường Ái Tử, pháo cả vào thường dân chạy loạn. Đường ra Đông Hà bị nghẽn, tôi gọi máy cho pháo đội I chuẩn bị sẵn sàng để di chuyển ngay khi có lệnh. Trở lại Trung tâm Hành quân, tôi yêu cầu và được sự chấp thuận của Lữ đoàn cho pháo đội I lui về phía Nam phi trường Ái Tử . Cùng lúc đó tôi tình cờ biết tin căn cứ C1 sẽ triệt thoái đêm nay. Tại C1 có Pháo đội C tăng phái cho trung đoàn 57 Bộ binh. Tôi bèn gọi cho Đại úy Hào về tần số riêng và nói:

- Rất có thể di chuyển đêm nay, sẵn sàng xe kéo pháo, phải đem hết pháo, đạn có thể bỏ lại nếu không đủ xe.

Đêm đó tôi yên ổn trong căn hầm kiên cố không sợ bị địch đe dọa, nhưng các tin tức từ tiền tuyến đều bất lợi. Các tiền đồn cấp tiểu đoàn đều lần lượt triệt thoái vì áp lực của địch. Tiểu đoàn 4 đã triệt thoái khỏi núi Ba Hổ và căn cứ Sarge, 2 đại đội của tiểu đoàn 8 đã bỏ căn cứ Holcomb. Địch đang dồn hỏa lực vào Mai Lộc và căn cứ Carroll.

Sáng hôm sau, tôi đang nằm nghe pháo địch thì Thiếu tá cố vấn Hart vào hỏi tôi tại sao pháo đội 1O5 của Thủy Quân Lục Chiến di chuyển được mà 2 pháo đội 155 ly và 1O5 ly của Sư đoàn 3 không làm được mà còn yêu cầu thả bom phá hủy ? Tôi trả lời Hart rằng tôi không có trách nhiệm gì với pháo của Sư đoàn 3 Bộ binh. Tôi tình cờ nghe lỏm được lệnh rút lui căn cứ C1 nên kịp thời chỉ thị cho pháo đội C đem xe đến C1 đón pháo của tôi chứ có ai ra lệnh gì đâu ! Tuy vậy pháo đội C vẫn phải bỏ lại một khẩu 1O5 ly vì thiếu xe. Ông pháo đội trưởng đã xữ dụng chiếc xe Jeep để kéo pháo. Chiều hôm đó cả pháo đội I và C vào chiếm đóng ở trong vòng rào căn cứ Ái Tử.

Khoảng 1o giờ sáng, một sĩ quan cố vấn Mỹ yêu cầu tôi tác xạ tập trung vào một đoàn chiến xa T54 phía Bắc cầu Đông Hà 3 cây số. Lữ đoàn không cho bắn, nói chờ xác định, có thể là chiến xa của ta chưa rút lui về hết. Anh cố vấn xác định là T54, phi cơ quan sát không thể lầm lẫn được. Trung úy Dũng nhìn tôi chờ lệnh. Tôi nói: “Hãy tin ông Tây này, cho tác xạ nhanh không tụi nó lao qua cầu Đông Hà bây giờ”. ở ngoài mặt trận, đôi khi phải tự quyết định thật nhanh.

Tôi không liên lạc trực tiếp được với Tiểu đoàn 2 Pháo binh ở Mai Lộc nên lo lắng cho Đặng Bá Đạt nhiều và e ngại Đạt sẽ có thể phải hủy pháo, chạy bộ trở về. Có tin Trung đoàn 56 Bộ binh ở căn cứ Carroll đã hàng địch, căn cứ Mai Lộc bị áp lực nặng nề, một tiểu đoàn 7 tăng cường làm sao chặn được cả Sư đoàn cộng quân ? Pháo đội B của tiểu đoàn 1 Pháo binh Thủy Quân Lục Chiến đóng ở căn cứ Carroll bị mất vì Trung đoàn 56 Bộ binh, đã đầu hàng Cộng sản.

Ngày thứ năm của trận tấn công, ngày 3/4/72 có một tin làm chúng tôi phấn khởi: Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến được không vận gấp rút tăng cường cho mặt trận Quảng Trị. Nhưng chiều tối tôi được biết Lữ đoàn 147 sẽ triệt thoái khỏi căn cứ Mai Lộc. Tôi vẫn không sao liên lạc trực tiếp được với tiểu đoàn 2 pháo binh, nhưng tôi biết Thiếu tá Đạt sẽ phải phá hủy tất cả pháo và xe vì phải băng rừng vượt suối để về Ái Tử. Tôi nằm nghe pháo địch bắn phá suốt đêm, 11 tiền đồn đã triệt thoái, 4 căn cứ hỏa lực đã im tiếng, bây giờ tất cả pháo địch hầu như đều tập trung vào căn cứ Ái Tử này. Chúng tôi nằm trong hầm kiên cố coi như tạm an toàn, một vài trái rơi trúng nắp hầm chỉ làm bụi cát mù mịt, điện chớp tắt vài phút rồi thôi. Vài đoạn antene bị gãy, phải thay cái khác , vẫn giữ liên lạc được với tất cả mọi nơi. Thỉnh thoảng tôi dùng điện thoại của anh bạn pháo binh Nguyễn Khoa Bảo, hiện là tham mưu trưởng Sư đoàn 3, gọi về Sài Gòn nhắn với gia đình rằng tôi vẫn bình yên.

Sáng hôm sau, tôi có ý định đi thăm các pháo đội và chờ tin anh bạn pháo binh Đặng Bá Đạt ra tới quốc lộ 1 thì sẽ tới đón anh. Pháo đội J vô sự nhờ ở chỗ thấp và được hàng rào tre cao che khói khi tác xạ. Gặp Đại úy Tỷ tôi nói nhỏ:

- Bạn có biết bạn may mắn lắm không ? Ông Tâm vào Carroll thay bạn đã bắt buộc phải hàng giặc cùng Trung đoàn 56, tất cả quân sĩ Pháo đội B giờ này là hàng binh, không biết số phận họ ra sao ?

Qua pháo đội C của Trung úy Hào, vị trí cũng tương đối tốt, tuy nhiên tôi cũng chỉ định một vị trí dự phòng. Đến pháo đội I, ông già Kính Cự than phiền bị pháo nhiều, tuy vô sự nhưng cứ mỗi lần tác xạ là pháo địch trả đũa ngay. Quả thật vị trí pháo đội I ở góc phía Nam, xa địch nhưng ở chỗ cao, địch dễ quan sát và điều chỉnh pháo kích. Tôi cùng Trung úy Kính chạy vòng quanh căn cứ để tìm vị trí khác an toàn hơn.

Khoảng 5 giờ chiều, tôi đón Đạt trên quốc lộ 1, phía Bắc Ái Tử khoảng 3 cây số. Sau một ngày đêm băng rừng, quần áo Đạt rách tả tơi, tôi đưa cho anh một bộ quân phục, tuy hơi ngắn nhưng đành mặc đỡ. Đạt than số tuổi con ngựa vất vả quá, không biết những ai tuổi Mã có vất vả không chứ riêng số Đạt còn lắm gian nan. Tiểu đoàn 2 pháo binh và Lữ đoàn 147 gồm tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 8 ngày mai sẽ về Huế dưỡng quân và tái trang bị, bổ xung quân số. Một ngày sau tiểu đoàn 7 mới về tới Ái Tử, gặp ông già Huệ tiểu đoàn trưởng, tôi hỏi đùa:

- Mọi người về từ hôm qua, sao bạn chậm chân vậy ?.

Thiếu tá Huệ giọng hơi cáu:

- Tiểu đoàn tôi chậm là di chuyển theo đội hình chứ không chạy, chúng tôi còn đem theo hết thương bệnh binh của đơn vị bạn rơi rớt dọc đường.

Tôi thầm ngợi khen ông bạn già đã cùng tôi một thời ẩn thân ở Phòng 3, khi đó tôi thấy ông có vẻ hơi khù khờ. “Bây giờ mới biết hổ rừng đã thức”, tôi nói ý nghĩ đó cho Huệ và chúng tôi xiết chặt tay nhau. Từ đó tôi không gặp Huệ nữa, sau này anh bị thương và ở lại Việt Nam, không đi theo HO.

Đêm ngày 8 rạng 9/4 Căn cứ Ái Tử bị pháo kích thật dữ dội, hàng chục pháo đội 13o ly bắn quấy rối suốt đêm. Nhiều trái đã trúng miệng hầm, đèn điện tắt vì đứt giây, phải làm việc bằng đèn pin và nến. Cát bụi trút xuống đầy bàn, mùng giường đều phủ một lớp cát. Tôi liên tưởng đến cuộc tấn công của địch vào ngày mai...



May mắn thay các pháo đội của tiểu đoàn 3 pháo binh đều vô sự dù địch đã bắn trên 3 ngàn trái 13O ly vào Ái Tử đêm qua. Mới tờ mờ sáng, tiền sát viên pháo binh ở căn cứ Phượng Hoàng báo cáo nghe nhiều tiếng máy nổ của chiến xa từ phía Tây, nhưng không quan sát được và yêu cầu tác xạ pháo binh. Một lát sau thì cả 2 Tiền sát cuả Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến đều báo cáo đã nhìn thấy chiến xa địch và yêu cầu tác xạ. Ba pháo đội 1O5 ly và 4 khẩu 155 ly đều tập trung hỏa lực vào đoàn chiến xa địch, nhưng những con cua sắt điên cuồng kia vẫn ào ào xông vào căn cứ Phượng Hoàng. Và chúng đã lọt vào bãi mìn chống chiến xa của ta, 4 chiến T54 bốc cháy, những chiếc khác không dám xông lên nữa. Pháo binh làm tan nát đội hình, bộ binh tùng thiết lủi chạy. Vừa lúc đó chúng tôi tạm ngưng tác xạ để cho không quân Việt Nam làm việc. Qua tần số không lực, tôi theo dõi sự oanh kích của những chiếc A37 Việt Nam, và một chiếc kém may mắn đã bị trúng đạn phòng không địch, phi công nhảy ra nhưng dù lại không mở ! Sau này nghe tin phi công đó là Trần Thế Vinh, con phượng hoàng của vùng I đã gãy cánh ở căn cứ cũng mang tên Phượng Hoàng. Phải chăng là định mệnh ?

Ngay khi căn cứ Phượng Hoàng bị tấn công bằng chiến xa, Đại tá Định, Lữ đoàn trưởng lữ đoàn 258 đã ra lệnh cho chi đoàn chiến xa M48 và 2 đại đội của Thủy Quân Lục Chiến chuẩn bị phản công. Khi đó tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến vẫn giữ vững tuyến phòng thủ. Pháo binh đang tác xạ thì nghe phi công quan sát L19 gọi điều chỉnh vào một chiếc xa T54 của địch. Sau 15 phút tác xạ, phi công cho biết chiếc T54 đó không cháy nhưng nó hết cục cựa rồi. Trung úy Dũng hỏi tôi, liệu mình có được thưởng 3O ngàn hay chia đôi với L19 ? Tôi nói cứ báo cáo cho pháo binh Sư đoàn và Lữ đoàn 258 , chuyện tiền thưởng hạ hồi phân giải. (Sau khi tái chiếm Quảng Trị, tiểu đoàn 3 pháo binh nhận được 27O,OOO đồng tiền thưởng đã bắn cháy 9 chiến xa địch).

Xế chiều, tiểu đoàn 6 và chi đoàn M48 cùng 2 đại đội tiểu đoàn 1 phản công. Hạ được 4 T54 : 2 chiếc cháy và 2 chiếc bị bắt sống. Khoảng 8 giờ tối, 2 chiến xa T54 của địch được kéo về Ái Tử. Một người lính Thiết giáp cho biết, mình chỉ phải kéo một chiếc, còn chiếc kia chỉ việc mở máy lái về, không hư hỏng gì cả. Tôi chui vào trong chiến xa, tìm thấy có 2 vỏ đạn đại bác 1OO ly, chiếc này chỉ bắn được có 2 phát thì sụp giao thông hào, xa đoàn bỏ chạy khi bị ta phản công. Tôi nhận thấy lính thiết giáp Cộng sản rất được ưu đãi, trên xe có nhiều đồ ăn hộp nhãn hiệu Trung cộng. Đặc biệt tôi lấy được một xấp giấy viết thư màu xanh, có in hình chiếc T54 và hàng chữ “Chiến Thắng Đường Số 9”.



Cuộc tấn công của Cộng quân vào căn cứ Phượng Hoàng bị bẻ gãy, tuy nhiên Cộng vẫn tiếp tục pháo kích và đè nặng áp lực trên các tuyến phòng thủ, cả phía Bắc và phía Tây tỉnh Quảng Trị. Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến và 2 liên đoàn Biệt Động Quân được tăng cường cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh để chuẩn bị phản công , nhưng cuộc phản công mang danh Quang Trung 729 không thành công . Kể từ ngày 12 đến 17 tháng 4, chẳng đơn vị phản công nào tiến xa được một cây số. Hình như địch cũng âm thầm tăng cường lực lượng chuẩn bị tấn công. Chúng tôi tạm yên với những ngày ít bị pháo kích.

Một hôm tôi đi thăm pháo đội K thuộc Tiểu đoàn 3 Pháo binh vừa mới ở Thủ Đức ra cùng Lữ đoàn 369. Đến căn cứ Nancy vừa lúc pháo đội K di chuyển từ trong núi ra, tôi nói với Trung úy Vũ Quang Vinh, pháo đội trưởng, nên tìm chỗ ẩn nấp để tránh pháo địch, dù hơi trở ngại phần nào về yếu tố cận phòng... và Vinh đã tìm được chỗ dung thân cho mấy tuần lễ sau đó. Trên đường về, nhà báo Nguyễn Tú của báo Chính Luận chặn xe tôi lại và trao cho chai rượu. Anh Nguyễn Tú đã ăn ở trong căn hầm của tôi mấy ngày, tôi rất cảm phục sự tận tâm nghề nghiệp của anh, ngày nào cũng đi trong tiếng pháo kích để nhìn tận mắt và viết phóng sự tiền tuyến

Ngày 22/4 tôi nhận được tin Lữ đoàn 147 cùng các tiểu đoàn 4 & 8 đã được bổ xung và tái trang bị sẽ ra Ái Tử thay thế Lữ đoàn 258. Các tiểu đoàn 3 & 6 Thủy Quân Lục Chiến cần được bổ sung quân số sau 3 tuần lễ chặn địch. Riêng tiểu đoàn 3 Pháo binh tổn thất nhẹ, chỉ có 2 pháo thủ bị thương, tôi nghĩ mình sẽ phải ở lại Ái Tử nhưng đến chập tối thì được lệnh về Huế. Hôm sau gặp tôi, Đặng Bá Đạt cho biết tình nguyện cùng đi với Trung tá Nguyễn Năng Bảo vì đã được bổ xung xe pháo đầy đủ. Ngày 23/4 tiểu đoàn 3 pháo binh về đóng tại Phú Bài, nghỉ dưỡng quân. Sau 21 ngày đêm trong căn cứ Ái Tử, chúng tôi tạm quên đi tiếng đạn pháo 13O ly réo từng loạt ngang đầu, và ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì làm sao mà đoán được. Tôi nhắn tin cho nhà tôi mua vé Air Vietnam ra Huế ngày mai, đời lính chiến một năm về phép có 2 lần thôi.

Chiều tối 2/5 Trung úy Cường, sĩ quan truyền tin, vẻ mặt quan trọng nói nhỏ với tôi “Quảng Trị mất rồi”. Tôi bảo Cường lệnh cho các pháo đội trưởng về họp sáng mai lúc 8 giờ và chuẩn bị di chuyển khi có lệnh. Nói vậy thôi, chúng tôi có thể di chuyển bất cứ lúc nào khi có lệnh hành quân, đây đâu phải là hậu cứ Sóng Thần ! Tôi thầm nghĩ, nếu ông Đạt không có máu liều, mình đã phải ở lại Ái Tử, thì cũng đốt pháo mà chạy thôi. Âu cũng là số mạng, Đặng Bá Đạt tuổi con ngựa, định mệnh đã an bài cho cái số “Sát pháo”, hai lần trước chỉ 2 Pháo đội, lần này nguyên Tiểu đoàn 18 khẩu 1O5 ly kèm thêm 4 khẩu 155 ly tăng phái !

Đúng như tôi tiên đoán, ngày 3/5 Tiểu đoàn 3 Pháo binh được lệnh di chuyển ra căn cứ Evan, một pháo đội ra gần Phong Điền. Vào phòng hành quân Bộ Tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến, tôi gặp Trung tướng Lê Nguyện Khang đang đứng trước bản đồ hành quân, chỉ tay ở sông Mỹ Chánh và nói với Trung tướng Ngô Quang Trưởng vừa thay thế Trung tướng Hoàng Xuân Lãm (đi giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II): “Thủy Quân Lục Chiến sẽ lập tuyến phòng thủ ở phía Nam sông Mỹ Chánh, toa cho Sư đoàn I giữ phía Tây, chờ Nhẩy Dù ra đủ sẽ phản công”.

Lần này tiểu đoàn 3 Pháo binh yểm trợ Lữ đoàn 369, Lữ đoàn mới thực sự lâm trận. Trung tá Nguyễn Thế Lương thay thế Đại tá Phạm Văn Chung là Lữ đoàn trưởng. Ó Lương cất cánh lần đầu với cuộc hành quân Sóng Thần 5/72 với 2 tiểu đoàn trực thăng vận đổ bộ xuống quận Hải Lăng, 2 pháo đội của tiểu đoàn 3 Pháo binh kéo lên sát bờ sông Mỹ Chánh bắn yểm trợ. Đây chỉ là một cuộc tấn công trong thế phòng thủ, chưa phải là cuộc phản công toàn diện.

Hôm sau, Bộ chỉ huy Lữ đoàn 369 và Tiểu đoàn Pháo binh lui về đóng tại một xóm nhỏ của xã Chính An. Tại đây, pháo đội K của Trung úy Vũ Quang Vinh đã ghi một chiến tích để đời (xin đọc bài “Tôi tay đôi với tụi nó đây"). Đêm 21/5 một đơn vị cấp trung đoàn và một tiểu đoàn thiết xa PT76 đã đẩy lui lực lượng Địa Phương Quân, vượt sông Ô Lâu, tấn công vào phía sau lưng của Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến, đồng thời một cánh khác của chúng đã thọc sâu tấn công vào vị trí của Tiểu đoàn Pháo binh và Bộ chỉ huy Lữ đoàn 369. Hai pháo đội 1O5 ly và 4 khẩu 155 ly đã hạ thẳng nòng đại bác, trực xạ bắn cháy chúng và làm tê liệt cuộc tấn công của địch. Chiến xa địch nằm rãi rác trên cánh đồng khô, (bãi chiến trường này có nhiều phái đoàn quân sự các nước bạn đến quan sát và học hỏi những năm 1973 - 1974).

Ngày 23 Lữ đoàn 147 tái xuất giang hồ với Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến trong cuộc hành quân Sóng Thần tháng 6/72. Tiểu đoàn 7 đổ bộ bằng tàu Hoa Kỳ, các tiểu đoàn 4 và 6 trực thăng vận. Tiểu đoàn 2 Pháo binh trách nhiệm yểm trợ pháo, nhưng trong phiên họp hành quân, Đại tá Bùi Thế Lân, tân Tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, lại chỉ thị cho tôi phải điều động pháo di chuyển đến vị trí cho đúng giờ. Tôi hơi ngạc nhiên tại sao yểm trợ cho 3 Tiểu đoàn mà chỉ có một pháo đội 1O5 ly và 4 khẩu 155 ly, nhưng không dám có ý kiến vì nói ra như xin việc, chỉ vất vả cho đàn em. Buổi chiều tôi chỉ vị trí cho Đại úy Trương Công Thông, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn pháo số 2 và hẹn sáng mai tôi sẽ đích thân hướng dẫn di chuyển vào vùng hành quân cùng pháo đội 155 ly. Đó là những vị trí đặt pháo chúng tôi đã xử dụng trong cuộc hành quân vừa qua nên không cần phải thám sát trước.

Năm giờ sáng hôm sau, tôi ngồi xe Jeep dẫn đầu đoàn xe kéo 2 Pháo đội không phải của mình ! Đi chừng 2 cây số thì gặp đoàn chiến xa M41 đang mở đường tiến về bờ sông Mỹ Chánh. Đoàn xe kéo pháo phải dừng lại chờ và chậm chậm theo sau. Gần một giờ trôi qua, M41 và bộ binh Thủy Quân Lục Chiến tùng thiết dàn đội hình di chuyển như quá chậm. Trời mờ sáng, đã đến giờ tiểu đoàn 7 đổ bộ vào bờ mà pháo chưa sẵn sàng bắn yểm trợ. Tôi nhớ lời nhắn nhủ của Lạng Sơn hôm qua, nên điếc không pháo, tôi nói với Đại úy Đệ đang cưỡi cua sắt M41 đi chậm rãi cứ như đi dạo mát: “Bạn dẹp mấy con cua này qua 2 bên đường cho tôi đi gấp, lỡ thằng 7 bị đụng mà không có pháo thì phiền cho anh em tôi lắm”. Đệ nhường đường cho chúng tôi không thắc mắc cũng chẳng khuyên một lời. Yên trí đã có một tiểu đoàn Biệt Động Quân đã đi lên từ chiều hôm qua, tôi ra lệnh đoàn xe đi nhanh. Pháo đội 155 ly vào vị trí vô sự, nhưng khi pháo đội 1O5 ly vừa dừng lại, pháo vừa tháo ra khỏi xe thì từ ven làng phía Đông, cách xa chừng 3OO mét, những vệt lửa đỏ của hỏa tiển cầm tay AT7 hàng loạt hướng vào đoàn xe phóng tới nổ ầm ầm... Cầm ống nói tôi ra lệnh cho 2 pháo đội 1O5 ly:

- Hồng Hà 21, Hồng Hà 31, tác xạ 1O2 và 1O5, đạn nổ, hỏa tiễn địch sẽ điều chỉnh.

Quay lại tôi gọi Trung úy Cam, Pháo đội trưởng đang núp sau xe:

- Cam, hạ nòng trực xạ nhanh lên, bảo tài xế chạy xe tản ra để tránh đạn.

Tôi đứng nhìn hỏa tiễn bay chập chờn rồi nổ giữa cánh đồng cỏ khô , từng trái rồi từng trái. May không có trái nào vào chỗ chúng tôi, có trái nổ giữa 2 chiếc xe GMC nằm lù lù trên đường mà vô sự . Pháo của tôi đã nổ từng loạt ào ào xuống ven làng chỗ địch núp bắn ra. Tôi chỉ thị cho tiền sát điều chỉnh rồi hướng dẫn những khẩu 1O5 ly trực xạ vào những bụi tre hàng rào trong làng. Địch im ngay tiếng súng, đang tiếp tục tác xạ thì trên tần số không lục tôi nghe tiếng gọi của phi công L19 bay trên cao:

- Hà Nội, tôi sẽ điều chỉnh vào chiến xa địch.

- Sẵn sàng, bạn cho tọa độ đi.

- Chờ, có cho bạn ngay.

Tôi điều chỉnh từ trái nổ sau cùng, trái 200. Sau vài trái điều chỉnh, phi công cho biết chiến xa địch đã trúng đạn và nằm tê liệt ở đó. Một phóng viên truyền hình Mỹ hỏi tôi có vào làng thì cho ông ta đi theo. Tôi cười lắc đầu nói không phải nhiệm vụ của tôi, hãy chờ đoàn chiến xa M41 và những Thủy Quân Lục Chiến đang tùng thiết. Vừa lúc đó đoàn trực thăng chở các tiểu đoàn 4 và 6 bay ngang sông Mỹ Chánh. Cuộc hành quân Sóng Thần 6/72 tiếp diễn và Pháo binh đã sẵn sàng để yểm trợ. Tôi nói với Đại úy Thông:

- Thôi bạn ở đây với Cam, tôi về chỗ ở của tôi. Tối nay tôi sẽ bảo ông Chương lên với bạn cho vui.

(Tôi cho ông tiểu đoàn phó của tôi lên đó vì biết tiểu đoàn 2 pháo đang xuống tinh thần sau 2 lần bỏ pháo chạy bộ. Chúng tôi không có trách nhiệm gì trong cuộc hành quân Sóng Thần 6/72 này)

Hành quân Sóng Thần 6/72 chỉ là một sự tấn công trong thế phòng thủ. Cộng quân đã biết rằng cả vùng bờ biển từ Mỹ Thủy lên đến Cửa Việt, Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam có thể đổ bộ bất cứ chỗ nào nên chúng đã e dè không dám mở cuộc tấn công thêm nữa mà chỉ cố giữ vùng đất mới chiếm được, đó là tỉnh Quảng Trị. Theo tài liệu của cố vấn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ thì nội trong tháng 5 Cộng quân đã bị chết trên 29,OOO người, 1O8O vũ khí bị tịch thu, 64 chiến xa bị bắn cháy hoặc bị ta bắt sống. Ngày 27/5 cả 3 tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đều lui về phía Nam sông Mỹ Chánh, chờ Sư đoàn Nhảy Dù dàn quân xong sẽ tổng phản công chiếm lại tỉnh Quảng Trị.

Đầu tháng 6 Cộng quân đã xử dụng một đơn vị đặc công tấn vào pháo đội J của tiểu đoàn Pháo binh đóng ở phía Tây xã Chính An khoảng 1 cây số. Pháo đội này do một đại đội Địa Phương Quân bảo vệ. Địch đã lọt bên trong hàng rào phòng thủ, nhưng bị phát giác, pháo thủ pháo đội đã kịp thời báo động hạ nòng đại bác bắn trực xạ vào địch, đồng thời pháo đội K cũng đã tác xạ yểm trợ hữu hiệu. Kết quả một tiểu đội đặc công Cộng Sản bị bắn chết tại chỗ, ta đã đẩy lui cuộc tấn công của địch. Bên ta chỉ có một xạ thủ hỏa tiễn TOW của Lữ đoàn 369 tử thương và vài ba binh sĩ Địa Phương Quân bị thương. Cuộc đột kích phục thù trận đánh tại xã Chính An của Cộng quân, một lần nữa bị thảm hại dưới nòng pháo của pháo thủ tiểu đoàn mang danh Nỏ Thần.

Cuộc tổng phản công thực sự khai diễn ngày 28/6/1972 mang danh hiệu Sóng Thần 9/72, nghĩa là trong 3 tháng phải tái chiếm Quảng Trị. Cũng theo tài liệu của cố vấn Mỹ, trong tháng 6 Cộng sản đã thiệt hại 1515 chết, 15 tù binh, 4 chiến xa và 55O vũ khí đủ loại bị phá hủy.

Sư đoàn Nhảy Dù tấn công bên cánh phải chỉ 3 tuần lễ đã tiến tới cửa ngõ tỉnh lÿ Quảng Trị. Đơn vị tiền phong chỉ còn cách cổ thành Đinh Công Tráng có 2OO mét thì bị chặn lại. Vừa bị tổn thất nặng trong trận An Lộc, chưa kịp bổ xung, lại phải gánh mũi tấn công chính nên không đủ lực lượng tiếp tục tấn công. Quân đoàn I ra lệnh cho Thủy Quân Lục Chiến hoàn thành nhiệm vụ chiếm lại cổ thành trong thời hạn 9O ngày phản công tái chiếm Quảng Trị. Lữ đoàn 258 nhận trách nhiệm khó khăn này mà tiểu đoàn 6 Thần Ưng đã hai lần đổ bộ sau lưng địch lại được thượng cấp giao phó mũi tấn công chính.

Giai đoạn này Lữ đoàn 369 và tiểu đoàn 3 Pháo binh là lực lượng trừ bị. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng có dịp về Huế để thưởng thức những món ăn đặc thù của đất thần kinh như bánh bèo, bánh khoái, bún bò, bánh lá chả tôm.

Ngày 11/7 tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến trực thăng vận đổ xuống quận Triệu Phong để chận đường tiếp tế cho địch đang cố thủ trong thành Đinh Công Tráng. Một trực thăng CH53 bị trúng hỏa tiễn AT3 bốc cháy làm thiệt mạng cả một trung đội quân y và phi hành đoàn. Suốt cả tháng 8 Thủy Quân Lục Chiến tiến thật chậm dưới những trận mưa pháo, cả 4 tiểu đoàn đã tấn công ngày đêm vào 3 mặt cổ thành. Cứ 5 Thủy Quân Lục Chiến thì có 1 người bị thương. Cộng sản tung cả sư đoàn 325 vào mặt trận, nhưng cuối cùng cũng phải tháo chạy khỏi cổ thành Quảng Trị.

Ngày 9/9 một vài đơn vị nhỏ của Thủy Quân Lục Chiến đã bám vào bờ cổ thành, và ngày 15/9 những ngọn cờ vàng ba vạch đỏ đã tung bay trên 4 bờ tường cổ thành Đinh Công Tráng. Ngày hôm đó tôi đã theo chân cha tuyên úy vào trong cổ thành đổ nát để dự thánh lễ. Trước khi lội ngang cái hào nước đã bị gạch lấp cạn, cha tuyên úy và tôi phải chịu một trận mưa pháo 13O ly. Có những trái thật gần nhưng tất cả đều vô sự, và cảm động biết bao khi nhìn cha tuyên úy mặc áo giáp đội mũ sắt, tay trao bánh thánh cho lính Thủy Quân Lục Chiến trong khi pháo địch vẫn còn nổ đó đây trong cổ thành.

Trận phản công ngừng lại ở bờ sông Thạch Hãn. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn băn khoăn tại sao không đánh thẳng chiếm Đông Hà Gio Linh, đuổi quân Cộng sản về bên kia sông Bến Hải. Ta và địch đều ở thế thủ cho đến gần ngày hiệp định Ba Lê được ký kết.

Mũ Xanh Trần Thiện Hiệu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn