Những hình ảnh ấy khiến nhiều người phẫn nộ. Có thể dễ dàng nhận thấy nỗi phẫn nộ ấy trên các trang mạng xã hội. Giáo sư Chu Hảo cho đó là một hành động hết sức nguy hiểm vì “đây không chỉ là hành động vi phạm pháp luật và vô đạo đức; mà còn là một hành vi phản động về mặt chính trị: nó công khai đàn áp những người yêu nước, công khai biểu thị thái độ thù địch đối với những người kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước chống lại âm mưu bá quyền độc chiếm Biển Đông của các thế lực phản động Trung Quốc”.
Nhà văn Nguyên Ngọc gọi những tên công an đạp thẳng vào mặt dân chúng như vậy là những tên “lưu manh” và “ác ôn”, cần phải bị nghiêm trị: “Là công an, ăn lương của dân, là đầy tớ của dân, ngang nhiên đánh dân tàn bạo, càng phải bị trừng trị. Đánh dân yêu nước, chỉ có mỗi một tội là biểu lộ lòng yêu nước, chống ngoại xâm, nhất thiết phải bị nghiêm trị. Nghiêm trị công khai”.
Nhà thơ Hoàng Hưng, trong bài “Hắn đạp vào mặt tất cả chúng ta”, gọi đó là cú đạp vào luật pháp và nhà nước, đồng thời cũng là cú đạp vào mặt tất cả mọi người:
Hắn đạp vào mặt anh, người thanh niên yêu nước
khi anh nằm bất lực
như bị tứ mã phanh thây.
Hắn đạp vào mặt anh
người đã hô to: Chặn tay bành trướng
Không được xâm lăng vùng biển thiêng này!
Hắn là ai
mà căm thù khi anh yêu Tố quốc?
Hắn vì ai
mà ra tay tàn bạo với dân lành?
Hắn tuân lệnh ai
mà mất hết tính người?
Hắn từ đâu ra
mà quên hết tình đồng bào máu mủ?
Tàn ác hơn phát súng bắn vào đầu
anh du kích giữa Sài Gòn bị trói
Thú vật hơn bàn tay bịt miệng
người tù lương tâm đứng trước phiên tòa
Cú đạp thẳng mặt người yêu nước
sẽ đi vào lịch sử dân ta.
Hắn đã đạp vào những lời lẽ tô son
“Vì dân, Do dân…” lẻo mép
Hắn đã đạp vào mặt luật pháp Việt Nam
Hắn đã đạp vào mặt Nhà nước Việt Nam
trước con mắt mở to toàn thế giới
Hắn đạp vào mặt tất cả chúng ta
nếu chúng ta chỉ biết khoanh tay
đứng nhìn CÁI ÁC
đang lên ngôi trên đất nước này!
Ôi nỗi nhục ngậm mồm chịu đạp
Ôi nỗi đau cốt nhục tương tàn
chịu đến bao giờ? bao giờ? bao giờ?
Bàn phím ta rỏ máu
ghi mấy lời bất lực gửi anh em!
(3:49 AM ngày 20/7/2011 giờ HN)
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, trong bài “Đạp lên mặt Nhân Dân-Tổ Quốc sướng lắm sao?”, gọi đó là cú đạp vào mặt nhân dân và tổ quốc:
Gương mặt người yêu nước
Là gương mặt nhân dân
Gương mặt nhân dân
Là gương mặt Tổ Quốc
Biển đảo Việt Nam ta giặc China tràn qua xâm lược
Nhân dân yêu nước biểu tình
Đại úy công an tên Minh
Bốn lần đạp vào mặt người yêu nước
Minh đã đạp thẳng vào mặt Nhân Dân - Tổ Quốc
Trước công an Minh
Giặc Ân từng đạp lên mặt Người-Tổ Quốc
Người trả lời bằng Thánh Gióng
Trước công an Minh
Giặc Hán từng đạp lên mặt Người-Tổ Quốc
Người trả lời bằng Hai Bà Trưng
Trước công an Minh
Giặc Tống, Nguyên, Minh, Thanh từng đạp lên mặt Người-Tổ Quốc
Người trả lời bằng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung
Hôm nay công an Minh
Chưa phải là giặc
Lại lặp lại hành vi xưa của kẻ thù phương Bắc
Đạp lên mặt Người -Tổ Quốc - Nhân Dân
Người trả lời bằng im lặng
Công an Minh và đồng đội
Toan dồn Nhân Dân-Tổ Quốc tới chân tường ?
Đạp lên mặt Nhân Dân – Tổ Quốc sướng lắm sao ?
Này, các ông công an
Cứ đạp đi, đạp đi
Đạp vỡ mặt sự im lặng của đám đông nhẫn nhục
Đạp vỡ mặt bọn yêu nước
Im lặng tột cùng
Là lời tuyên ngôn của bão
(Sài Gòn ngày 21/07/2011)
Nhân vật mà Hoàng Hưng gọi là “hắn” ấy rõ ràng không phải chỉ là một cá nhân riêng lẻ. Cứ nhìn vào bức ảnh thì thấy. Chung quanh “hắn” toàn là công an. Bởi vậy nhà thơ Trần Mạnh Hảo, sau khi nêu đích danh “hắn”, đã gộp chung “hắn” và “đồng đội”, và cuối cùng, quên cả “hắn” lẫn “đồng đội”, gọi chung “các ông công an”. Nói cách khác, ai cũng thấy rõ: “Hắn” ở đây chính là hiện thân của quyền lực nhà nước.
Nhưng ở đây lại nảy ra vấn đề: Tại sao nhà nước lại quyết định đạp thẳng vào mặt những người xuống đường biểu tình chống lại những uy hiếp và những âm mưu xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc như vậy?
Tại sao?
Đạp vào mặt những tên đầu trộm đuôi cướp, phá rối trật tự công cộng? Ừ, thì được. Đạp vào mặt những người đòi lật đổ chính quyền? Ừ, có thể hiểu được. Nhưng ở đây, những người biểu tình lại rất “ngoan ngoãn”: họ cầm cờ Việt Nam và hát quốc ca Việt Nam; họ giương cao các bức ảnh của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp; họ chỉ chống đối Trung Quốc, kẻ đang đe dọa chủ quyền và nền độc lập của Việt Nam. Tại sao lại đạp vào mặt họ?
Tại sao?
Tôi nghĩ đến hai lý do chính:
Thứ nhất là vì chính quyền Việt Nam hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai ý nghĩa của các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Việc hiểu sai ấy có thể thấy ngay trong lời phát biểu của cả ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội lẫn bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Việt Nam.
Trong lời phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội vào ngày 7 tháng 7, ông Phạm Quang Nghị cho biết, để đối phó với sự uy hiếp của Trung Quốc, biện pháp xuống đường biểu tình không thể thành công. Lý do: “Nếu chỉ có như thế mà thành công thì có lẽ không phải xuống đường chỉ có ngần ấy người mà có thể phải đi nhiều hơn. Và nếu chỉ có biện pháp ấy thành công thì phía họ còn xuống đường nhiều hơn chúng ta.” Bà Nguyễn Phương Nga, trong cuộc họp báo ngày 7 tháng 7, còn đi xa hơn, cho các cuộc biểu tình ấy là do các tổ chức “phản động”, trong đó có đảng Việt Tân, xúi giục để phá hoại chính quyền Việt Nam. Giới trí thức Việt Nam dễ dàng nhận ra ngay sự ngụy biện của ông Nghị cũng như sự vu khống của bà Phương Nga.
Trước hết là về nhận định của bà Phương Nga: Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy có bàn tay của thế lực chính trị nào nhúng vào các cuộc biểu tình. Những người đi đầu trong các cuộc xuống đường đều là những người đã gắn liền cả đời của họ với chế độ. Hơn nữa, nếu có thế lực chính trị nào muốn len lỏi vào các cuộc biểu tình ấy để phục vụ cho ý đồ riêng của họ thì nhiệm vụ của công an là phải nhận diện họ và ngăn chận họ chứ không phải là trấn áp tất cả những người xuống đường chống Trung Quốc.
Nhận định của ông Nghị chỉ là một sự ngụy biện vụng về. Chả có ai lại ngây thơ hoặc ngu xuẩn nghĩ là chỉ bằng cách xuống đường biểu tình, Việt Nam có thể ngăn chận được những âm mưu bá quyền hung hãn của Trung Quốc. Không, chẳng có ai nghĩ vậy cả. Biểu tình chỉ là một cách bày tỏ thái độ; và trong trường hợp này, thái độ ấy bao gồm hai khía cạnh: một, chống đối Trung Quốc, và hai, ủng hộ chính phủ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống lại âm mưu bá quyền của Trung Quốc.
Quyết định đàn áp những người biểu tình là quyết định chống lại cả hai khía cạnh ấy. Là từ chối cả thái độ chống Trung Quốc lẫn sự ủng hộ của dân chúng đối với lập trường chống Trung Quốc của chính quyền.
Nhưng tại sao chính quyền lại từ chối những điều rất chính đáng kia chứ?
Ở đây, chúng ta có thể thấy lý do thứ hai: chính quyền không thực sự muốn chống lại Trung Quốc. Chính quyền đàn áp biểu tình vì không muốn làm phật ý Trung Quốc. Nhớ, một trong những thỏa thuận giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc vào ngày 25/6 tại Bắc Kinh, được đăng tải trên báo chí là: “tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước.”
Trung Quốc chửi Việt Nam? – Mặc! Trung Quốc cắt dây cáp ngầm của các công ty thăm dò dầu khí Việt Nam? – Mặc! Trung Quốc bắt bớ, cướp bóc, thậm chí, giết hại ngư dân Việt Nam? – Mặc! Việt Nam vẫn “cương quyết” thực hiện khẩu hiệu “16 chữ vàng” do Trung Quốc đưa ra và cấm đoán mọi người Việt Nam bày tỏ sự bất bình và phẫn nộ!
Càng nghĩ càng thấy buồn.
Nguyễn Hưng Quốc
27-07-2011
Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc
Gửi ý kiến của bạn