Tải xuống để nghe.
Yêu cầu của các luật sư bào chữa
Trước khi phiên xử diễn ra, các luật sư tham gia bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ và gia đình, dư luận có một số ý kiến về phiên tòa sắp tới.
Phiên sơ thẩm tại tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội diễn ra hồi ngày 4 tháng 4 vừa qua gây nhiều chú ý cho dư luận. Thứ nhất dù phiên xử được cho là công khai thế nhưng số người tham dự phiên tòa bị hạn chế, ngay cả thân nhân của ông Cù Huy Hà Vũ chỉ có vợ là bà Nguyễn Thị Dương Hà được cho phép vào dự khán dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Một số người đến theo dõi phiên xử từ bên ngòai tòa đã bị bắt tạm giam như bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Quốc Quân.
Thứ đến qui trình tố tụng không được tuân thủ theo đúng qui định của luật phát Việt Nam, khiến cả sáu luật sư tham gia bào chữa trong phiên sơ thẩm bỏ ra về…
Luật sư Trần Vũ Hải, một trong sáu luật sư được mời bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ tại phiên sơ thẩm, nay cũng nằm trong số bốn người tham gia phiên xử phúc thẩm, cho biết lại về chuyện cũ và yêu cầu đối với phiên xử sắp diễn ra:
Phiên tòa sơ thẩm do không được thuận lợi trong ’10 tài liệu’ đó. Việc chúng tôi yêu cầu có lý do nhưng không được đáp ứng dẫn tới việc các luật sư bằng những cách thức khác nhau buộc phải dừng phiên tòa, không bào chữa đuợc cho anh Cù Huy hà Vũ vì những lý do khác nhau.
Phiên phúc thẩm anh Cù Huy hà Vũ đã nhờ nhiều luật sư tham gia. Tôi nghĩ anh Vũ sẽ có yêu cầu hợp lý trong những vấn đề này. Đây là phiên phúc thẩm, phiên tòa cuối cùng nên chúng tôi trong mọi trường hợp vẫn giữ vai trò luật sư. Và tất nhiên chúng tôi cũng phải quan tâm đến ý kiến của anh Vũ vì là thân chủ của chúng tôi.
Một số yêu cầu của thân chủ Cù Huy Hà Vũ trong phiên phúc thẩm cũng được luật sư Vương thị Thanh trình bày:
Có nhiều vấn đề anh Vũ trao đổi với luật sư, chủ yếu xoay quanh việc anh khẳng định không có tội. Anh Vũ đã đưa ra những lý lẽ trong biên bản lời khai với luật sư. Trong lời khai anh Vũ muốn truyền đạt việc vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra cũng như Viện Kiểm sát, Tòa án trong việc lấy 10 tài liệu của anh làm chứng cứ buộc tội là thiếu căn cứ pháp luật. Anh cũng có đề nghị triệu tập những người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án đó…
Luật sư Vương thị Thanh nhắc lại những bên liên quan mà cáo trạng của Viện Kiểm sát nêu ra trong vụ án là các đài phát thanh VOA, RFA, ký giả Châm Oanh ở Đức, mạng Bauxite Việt Nam… từng phỏng vấn ông Cù Huy Hà Vũ, và nội dung những bài phỏng vấn đó được phía an ninh, Viện Kiểm sát nêu ra như những bằng chứng buộc tội ông Cù Huy Hà Vũ.
Luật sư Hà Huy Sơn, một trong sáu luật sư tham gia bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ tại phiên sơ thẩm vào ngày 13 tháng 7 vừa qua có bài viết nêu ra 12 điểm sai lệch trong cáo trạng truy tố tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, so với hồ sơ vụ án.
Tiến sĩ Vũ đã không đi trái đường lối của Đảng CSVN
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ bị tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, trong phiên sơ thẩm tuyên án bảy năm tù giam và năm năm quản chế về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN’ theo điều 88 Bộ luật hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau khi bản án được tuyên, rất nhiều người phản đối cho rằng đó là một bản án bất công, bởi ông Cù Huy Hà Vũ là người vô tội, mọi hành động của ông chỉ xuất phát từ lòng yêu nước, mong muốn ngăn chặn những hành động có thể gây phương hại nghiêm trọng đến an ninh, môi trường của Việt Nam.
Luật sư Trần Đình Triển, người sẽ tham gia phiên xử phúc thẩm ông Cù Huy Hà Vũ vào ngày 2 tháng 8 tới đây, tiếp tục khẳng định những việc làm của thân chủ là không vi phạm hiến pháp Việt Nam. Luật sư Trần Đình Triển có ý kiến như sau:
Trước hết phải căn cứ theo qui định của pháp luật. Việt Nam đã hội nhập, tham gia các công ước, điều ước quốc tế, theo quan niệm của tôi cần phải quán triệt những điều ước quốc tế đã tham gia ký kết. Thứ hai phải căn cứ vào qui định của Bộ luật tố tụng hình sự. Thứ ba phải xem lại nội dung những bài viết của anh Vũ trong ‘thống nhất’, và đánh giá là những nội dung đó mang lại lợi ích hay có hại.
Những việc anh Vũ làm có trái hiến pháp không, có trái công ước quốc tế không, và có trái với những chính sách, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không. Tôi ví dụ: chủ nghĩa mác nói’ đấu tranh giữa các mặt đối lập’ là động lực của sự phát triển. Đảng chủ trương ‘phê và tự phê’ là nguyên tắc sống còn của Đảng. Bác Hồ nói ‘dân chủ là cho người dân được mở miệng ra nói’; vậy họ đuợc nói gì, phê bình gì, và họ được đấu tranh gì cho động lực phát triển. Tôi cho rằng nếu chúng ta có nói trái đi một chút, kiểm điểm những gì chúng ta đã được và chưa được; theo tôi đó là động cơ tốt. Và có những ý kiến trái chiều với nhau để đưa đến nhìn nhận qui luật ‘vận động khách quan của đời sống kinh tế- xã hội, và đời sống chính trị để hội nhập, hay rút ra những cái gì tốt để chúng ta đưa ra một đường lối chính sách hay một thể chế cho tốt; chứ một xã hội chỉ biết khen một chiều thì chưa hẳn có một động lực nào cho phát triển cả…
Một người dân ký tên Vũ Văn Tú, sinh năm 1962 ở tại thị trấn Định Quán tỉnh Đồng Nai, hồi ngày 25 tháng 7 có đơn kiến nghị gửi tân chủ tịch nước Trương Tấn Sang, yêu cầu giám sát nghiêm minh vụ án tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ.
Ngày 26 tháng 7 vừa qua, trên các trang mạng xuất hiện thư ngỏ của con trai thứ của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là Cù Huy Xuân Hiếu hiện đang du học tại Australia. Bức thư nêu rõ ‘ việc tiếp tục bắt bớ và xử tội những người yêu nước như bố cháu là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất vào tay Trung Quốc.”
Bà Nguyễn thị Dương Hà, vợ tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, vào ngày 28 tháng 7 cho biết con trai đầu của bà là Cù Huy Xuân Đức, hôm trước có vào thăm cha trong trại giam và được ông này lặp đi lặp lại:
Cháu đi học xa cả năm nay mới về nên hôm qua chúng tôi xin để cháu được vào gặp bố. Cháu cho biết bố yếu đi nhiều và có nói là ông có bị ‘làm sao’ trong đó là sự trả thù của ông Nguyễn Tấn Dũng chứ không của ai cả.
Được biết, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ hồi tháng 6 năm 2009 có đơn kiện đích danh thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc bàn hành quyết định trái pháp luật cho khai thác bôxít ở Tây Nguyên; rồi tháng 9 năm 2010 ông lại có đơn kiện thủ tướng nguyễn Tấn Dũng về hành vi ban hành nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể vi phạm hiến pháp và pháp luật Việt Nam …
Gia đình ông Cù Huy Hà Vũ vào ngày 25 tháng 7 cũng có thư kêu cứu lần thứ hai , trong đó cũng cho rằng ‘tội’ của ông Cù Huy Hà Vũ có chăng là ‘tội’ thao thức với lãnh thổ của đất nước bị mất, với tiền đồ dân tộc, ‘tội cương trực thẳng thắn không khoan nhượng với những sai trái và tham nhũng, ‘tội’ bênh vực người nghèo thân cô, thế cô.
Gia đình đưa ra kêu gọi đồng hành cùng với tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ trong phiên tòa phúc thẩm vào ngày 2 tháng 8 tới đây nhằm ‘cứu lấy một người yêu nước’.
Gia Minh, biên tập viên RFA
28-07-2011
Theo RFA
Gửi ý kiến của bạn