BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73215)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sự liêm khiết tinh thần và cái "dũng" của người cầm bút hay bi kịch của trí thức Việt Nam

20 Tháng Ba 200712:00 SA(Xem: 926)
Sự liêm khiết tinh thần và cái "dũng" của người cầm bút hay bi kịch của trí thức Việt Nam
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

(Nhân đọc Ba người khác của Tô Hoài)


Ba người khác khi xuất hiện được sự quan tâm và lên tiếng của nhiều người vì nó động chạm đến một vấn đề lớn, nhạy cảm là cuộc Cải cách ruộng đất và tác giả là một nhà văn lão thành mà tài năng đã được khẳng định. Đến bây giờ tôi mới được đọc Ba người khác sau khi nhiều người đã đọc và có ý kiến. Tuy thế, đọc xong tác phẩm và những phát biểu góp ý phê bình, nhất là qua buổi toạ đàm về Ba người khác do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 22-12-06, tôi vẫn thấy có vấn đề mới được đặt ra, xuất phát từ tác phẩm, liên quan đến tác giả, các nhà phê bình và trí thức nói chung.

Nội dung cuốn sách được trình bày như thế nào là toàn quyền sáng tạo của tác giả. Ở đây tác giả đã để cho câu chuyện diễn ra dưới hình thức chuyện kể của một nhân vật xưng tôi, là người trong cuộc, là đội phó và chánh án toà án nhân dân của một đội cải cách. Nhờ thế câu chuyện diễn ra rất "hiện thực và sinh động", làm cho người đọc cũng đắm mình vào trong cuộc.

Có vô số chi tiết "đắt giá" được đưa vào truyện giúp người đọc sống lại một thời kỳ lạ lùng và kinh khủng đã diễn ra trên đất nước. Người đọc cảm nhận một hoàn cảnh với rất nhiều đặc trưng mang tính cực đoan như ngu xuẩn, bỉ ổi, đáng thương, tàn bạo, đểu cáng, điên rồ, vô luân... khó thể tưởng tượng nếu không từng sống trải.

Những chi tiết đó có thể là hiện thực hay hư cấu vì đây là tiểu thuyết. Chuyện các anh đội "hủ hoá" với các cô "rễ, chuỗi", ngay cả chi tiết có cô cứ thích "vật ngửa ra và cưỡi lên" người anh đội, ngủ với nhau bất cứ nơi đâu "như gà" hay anh đội "ngủ tập thể" với các nữ dân quân, cũng không phải là chuyện lạ và có gì nhiều đáng nói. Nhưng có những chi tiết, và nói chung là toàn bộ câu chuyện, dù có thực hay hư cấu đã trở thành vấn nạn lớn.

Anh đội trưởng, một đảng viên, nguyên chính trị viên đại đội, ngay buổi đầu tiên xuống công tác "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân) đã giấu bánh đúc ngô vào ba lô để ăn lén. Chưa kịp ăn, bánh ngô đã bị anh đội phó đánh cắp nhưng sau đó phải chia một nửa cho một anh cán bộ đội khác vì bị anh này nhìn thấy.

Ba cô gái, một cô là vợ của anh đội trưởng (mới cưới ngay trong đợt cải cách này và hình như, theo suy đoán của anh đội phó, mỗi nơi đi làm công tác cải cách, anh đội trưởng đều có lấy vợ, là bần cố nông nghèo khổ nhất làng rồi sau đó cho đi thoát ly), hai cô là dân quân từng ngủ với cả hai anh đội, cùng với hai người trong gia đình của hai cô này, được anh đội trưởng cho kết nạp Đảng. Lễ kết nạp do anh đội phó không phải là đảng viên tổ chức. Buổi lễ bất thành vì hai cô dân quân đánh ghen, xúm vào cấu xé cô vợ anh đội trưởng. Anh đội phó không phải đảng viên này sau đợt cải cách đã xin được một giấy chứng nhận là đảng viên do anh đội trưởng làm để về trình với cơ quan.

Một cán bộ đội khác, vốn là một "phó phòng tuyên truyền" lẻo mép, trước kia được tuyên dương và đi báo cáo điển hình nhiều lần vì đã có sáng kiến xây dựng "trại đại đồng" trong thời kỳ sơ tán, ngay trong đợt công tác cải cách lần này đã bị bắt, suýt bị tử hình vì bị quy là Quốc dân Đảng chui vào tổ chức lập "trại dân đảng" để giết hại đồng chí, đồng bào.

Ba anh này, cùng với cả đội cải cách, thực hiện một chương trình hành động sít sao, chặt chẽ, khẩn trương, họp hành thâu đêm suốt sáng, khởi đầu từ "bắt rễ xâu chuỗi" rồi phát động quần chúng, cụng đầu tố khổ, đấu tố địa chủ, lập toà án nhân dân, hành hình tại chỗ, chia ruộng đất, quả thực... với sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp trên cũng khẩn trương không kém. Tất cả tưởng sẽ làm nên một "cuộc cách mạng long trời lở đất" nhưng thực chất lại là một "cuộc đại tàn phá kinh hoàng".

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: "Nhất đội nhì giời" - câu nói một thời, ám ảnh một đời. Nó là sự thực đời sống. Còn hơn thế, nó là sự thật lịch sử. Nhưng mà đọc trong sách thấy cứ như một trò đùa số phận. Một vô thức lịch sử. Một chứng điên tập thể. Và rồi cuộc sống cứ trôi theo quy luật vốn có, những gì bị phá đi thì phải làm lại, đánh mất phải tìm lại, quẳng đi phải lấy lại."

Vậy thì đây là sự thật lịch sử hay vô thức lịch sử? Cái gì là vô thức lịch sử và trò đùa của số phận? Chứng điên tập thể nào? Nguyên nhân gì? Ai trực tiếp gây ra? Dĩ nhiên nông dân căm thù áp bức bóc lột của địa chủ, không phải riêng địa chủ mà cả thực dân đế quốc và bất cứ bọn cường hào ác bá cũ mới bất cứ thời kỳ nào, nhưng đi đến chỗ đấu tố, con tố cha, vợ tố chồng, bà con hàng xóm láng giềng tố cáo và tàn sát, cướp bóc lẫn nhau thì chỉ do đội cải cách phát động, cưỡng ép mới có được thôi. Đây là sản phẩm đặc hiệu có một không hai của cuộc cải cách ruộng đất do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đúng là nông dân Việt Nam cần một cuộc cải cách ruộng đất nhưng không phải theo cách điên rồ này.

Đọc nhận xét trên đây của Phạm Xuân Nguyên, tôi lại liên tưởng đến khái niệm "cuồng tín nhân dân" của Hữu Loan mà trong một bài viết trước tôi đã có đề cập nhưng không đi vào chi tiết. Ở đây tôi xin dẫn lại đầy đủ mấy câu thơ của Hữu Loan về vấn đề này:

"... Ba Tư có chuyện một nghìn lẻ một đêm
vận mệnh một bà phi một mất một còn
vô cùng căng thẳng trước một tên bạo chúa
Chuyện Hữu Loan là chuyện
một vạn chín trăm năm mươi ngày đêm gấp hơn
mười lần chuyện Ba Tư
vô cùng căng thẳng
giữa hai bên
một bên là chính quyền có
đủ thứ nhân dân
quân đội nhân dân
toà án nhân dân
nhà tù nhân dân
và nhất là
cuồng tín nhân dân
thứ bản năng ăn sống
nuốt tươi
ăn lông ở lỗ nguyên thuỷ
được huy động đến
tột cùng
sẵn sàng huỷ
cũng như tự huỷ...
một bên nữa là
một người tay không
với nguyện vọng
vô cùng thiết tha
được làm người lương thiện
nói thẳng
nói thật
bọn ác
bọn bịp
thì chỉ tên vạch mặt
người nhân thì
xin thờ
như Thuấn Nghiêu..."
("Chuyện tôi về", tháng 6-88)

Hữu Loan, sau vụ Nhân văn-Giai phẩm đã tự ý bỏ về quê nhà thồ đá kiếm sống hơn 30 năm trong sự bao vây truy bức nên đã hiểu rất rõ thế nào là "cuồng tín nhân dân". Đó chính là nhân dân hiền hoà nhưng khi phần bản năng "ăn sống nuốt tươi" bị kích động lên sẽ "sẵn sàng huỷ cũng như tự huỷ". Bọn Hồng Vệ binh của Trung Hoa cộng sản thời Mao Trạch Đông cũng là "nhân dân" đấy thôi chứ đâu phải là quỷ dữ dưới đất trồi lên. Ai đã tạo ra thứ nhân dân đó trong những thời kỳ lịch sử là điều đã quá rõ ràng. Chẳng trách Hữu Loan không được xét nhận Giải thưởng Nhà nuớc cùng với một số nhà thơ Nhân văn khác trong đợt xét giải vừa qua.

Trong Ba người khác, ba anh đội, ba nhân vật chính của tác phẩm là những nguời đã tạo ra "cơn điên tập thể" đó. Qua tác phẩm rõ ràng đó là ba tên cặn bã. Nhưng ba tên này từ đâu đến?

Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định về ba tên này: "Cách viết hay, độc đáo về CCRĐ. Không viết về nông dân mà viết về ba anh đội. Hoá ra cái thảm kịch của đất nước, xã hội, là do ba cái anh lăng nhăng. Những cuốn khác viết về nông dân là nạn nhân, nhưng đây là lại là thủ phạm. Ba kẻ chẳng có kiến thức gì cả, tự nhiên làm đảo lộn hết cả xã hội, cả mấy nghìn năm văn hoá (ý của Hoàng Xuân Hãn nói về tác hại của CCRĐ). Xã hội ta bây giờ trở nên thế này một phần là vì cái đó. Văn hoá bị phá vỡ bởi ba cái ông lăng nhăng, làm như đùa như chơi thế thôi, nhưng hoá ra là bi kịch kinh khủng."

Nhà văn Văn Chinh cũng có nhận xét tương tự: Ba người không biết từ đâu đến: Bối từ Hà Nội, Cự từ 'Khu Nem' ra, Đình thì lớt phớt tiểu tư sản phố huyện về, mà làm đảo lộn xã hội, khuynh đảo mọi giá trị cổ truyền của làng quê. Xã hội cũ thu xếp được mọi thứ vào khuôn, tạo nên sự ôn hoà ổn định, thằng cố nông cũng lấy được vợ, cô liệt cũng lấy được chồng, ai cũng có phận cả. Ba kẻ ở đâu đến nhân danh sự tốt đẹp làm đảo lộn cả, làm con tố cha vợ tố chồng. Ba kẻ này không phải ba nhân vật chính mà là đồ "ba láp", là ba người khác, họ không phải chúng ta. Bình tĩnh nhìn lại điều này thì thấy kinh khủng khiếp."

Có phải "ba cái anh lăng nhăng", thứ "đồ ba láp" không biết từ đâu đến lại có thể làm nên những chuyện đảo lộn trời đất? Có thực như vậy không? Hay mọi người đều biết những tên khốn nạn này do Đảng Cộng sản phái xuống làm công tác cải cách và cho chúng quyền uy đến mức nhân dân khiếp sợ phải gọi chúng là "nhất đội nhì giời". Không có Đảng Cộng sản, chúng nó có thể lộng quyền, tác oai tác quái làm những chuyện kinh thiên động địa như thế không? Đảng Cộng sản Việt Nam đựợc "lịch sử giao phó sứ mạng lãnh đạo đất nước" và trong chuyện Cải cách ruộng đất này Đảng đã làm theo sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc với một phương thức tàn bạo, phi luân, làm đảo lộn mọi giá trị văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam và ảnh hưởng lâu dài trên lịch sử đất nước. Tác giả biết rõ điều đó và tác giả đã làm gì, suy nghĩ gì, sống và viết như thế nào trong những năm tháng tiếp theo sau những sự kiện kinh hoàng mà tác giả không những đã chứng kiến mà còn trực tiếp tham gia như người trong cuộc? Có phải chính vì thế mà Hà Văn Thuỳ đã có lý khi đề cập đến vấn đề nhân cách nhà văn của tác giả (trong bài "Về cuốn Ba người khác của nhà văn Tô Hoài " đăng trên talawas)?

Đây là một cuốn tiểu thuyết. Tác giả có toàn quyền xây dựng cốt truyện, nhân vật theo ý mình. Nhưng đây cũng là một cuốn sách viết về một đề tài lịch sử, một giai đoạn lịch sử kinh hoàng vẫn còn được che giấu mà tác giả là người biết rất rõ. Vậy thì tác giả có quyền làm cho người đọc hiểu khác, hiểu sai đi về sự thật lịch sử đó không? Ngay những nhà văn, nhà phê bình đã từng sống qua hay hiểu rất rõ về giai đoạn lịch sử đó, khi đọc tác phẩm cũng đã hiểu khác đi. Dĩ nhiên họ biết sự thật lịch sử nhưng đây là họ lại hiểu qua tác phẩm, nghĩa là qua ý hướng của tác giả theo một cách khác. Và còn bao nhiêu người đọc nữa, nhất là những thế hệ sau, khi đọc tác phẩm, sẽ hiểu như thế nào về sự thật của cuộc cải cách ruộng đất, những sự thật cần làm sáng tỏ chứ không phải che giấu bớt.

Chưa kể một số chi tiết đắt giá mà tác giả sử dụng mang tính cách lập lờ làm người đọc thấy rõ ý đồ che chắn, tự bảo vệ mình nhưng lại làm cho sự thật bị lu mờ đi. Ngay đầu sách, tác giả thuật chuyện một cán bộ đội là cố nông ôn nghèo gợi khổ. Anh ta kể ngày trước anh ta ban ngày đi cày, ban đêm phải tắm rửa sạch sẽ vào giường suốt đêm nằm ngậm bòi hút mủ cho địa chủ vì địa chủ bị bệnh tiêm la. Thế nhưng khi anh ta được cất nhắc làm cán bộ đội, anh ta lại bị lây cái máu dê của địa chủ, hủ hoá lung tung, ngồi trước mặt cô nào cũng hau háu nhìn cái đũng quần. Hoá ra mọi tội đều do địa chủ. (Có thể cách viết có chỗ mập mờ làm cho người đọc không rõ đây là ý tứ thật của tác giả hay chỉ có tính chất châm biếm, điều hoàn toàn không rõ ràng và không xác định được.) Cuối sách, tác giả kết thúc bằng chuyện đội trưởng Cự, sau này vào Nam đầu hàng địch, bị chiến sĩ Vó đột nhập vào cơ quan chiêu hồi chém đứt cổ. Tác giả viết trong sách chuyện kỳ lạ này được các xóm kể lại, không biết thực hư thế nào nhưng phát biểu ở ngoài, tác giả khẳng định đây là chuyện thực một trăm phần trăm vì có đại tá Huỳnh Cự chiêu hồi, chính là đội trưởng Cự ngày trước. Người đọc có thể hiểu hoá ra những cán bộ đội bẩn thỉu trong truyện chỉ là những tên mang bản chất xấu xa của thực dân đế quốc, chạy theo Mỹ nguỵ, chứ đây không phải là bản chất của người cộng sản.

Ba người khác được viết năm 1992, nghĩa là gần 40 năm sau cuộc Cải cách ruộng đất. Trong đời sống văn học Việt Nam những thập niên qua và cho đến hiện nay, viết được như Ba người khác đã được coi là một biến cố mặc dù mới chỉ được viết đến thế. Đến 2006, nghĩa là 50 năm sau, cuốn sách mới được xuất bản, được đón nhận nồng nhiệt và được nhiều người quan tâm góp ý, phê bình.

Cũng Văn Chinh nhận định: "Thái độ khôn ngoan nhất là phải thấy rằng đây là đại phê bình, tự kiểm điểm vĩ đại của người cộng sản chân chính. Kết luận: đây là cuốn sách của người cộng sản chân chính. Đã là Tô Hoài của Cát bụi chân ai, Chiều chiều thì phải có Ba người khác."

Người cộng sản chân chính là gì? Tạm hiểu đó là người có lý tưởng cộng sản, theo nghĩa chống bất công áp bức, mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân trong một thế giới đại đồng đoàn kết và nhân ái. Vậy một người sau khi chứng kiến và tham dự những tội ác tày trời, một người cầm bút, sau gần 40 năm, mới viết ra được một nửa sự thật, có xứng đáng được tôn vinh là người cộng sản chân chính không? Chưa kể trong suốt những năm tháng đó, với tư cách một đảng viên cộng sản, một trí thức, tác giả đã làm gì để góp phần sửa chữa những sai lầm cũ và mới mà tổ chức Đảng của mình đã gây ra để xứng đáng là một người cộng sản chân chính?

Dù sao, một nửa sự thật này cũng đã được viết ra bởi một ngòi bút sắc nhọn, dồn thúc làm rúng động lòng người và có thể cũng là một cách sám hối như dịch giả Lê Sơn đánh giá:"Đây là một trong những đỉnh cao của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tái hiện không khí tâm lý của những người trong cuộc. Đây là lời sám hối và tiếng kêu. Người đọc thấy cũng có mình ở trong đó. Ba người khác là chúng ta và mặt khác của chúng ta."

Nhà văn Châu Diên nhận định về các nhân vật của Tô Hoài, cũng là nhận xét về chính mình và những người đồng thời, ngay trong thời điểm hiện tại, cũng có ý tương tự: "Trong tất cả văn phẩm của Tô Hoài xưa nay không có vấn đề tâm lý nhân vật, riêng quyển này thì có vấn đề tâm lý nhân vật. Tất cả các nhân vật đều là những người không biết họ sống thật hay giả dối, có hai vẻ mặt cùng một lúc, không biết là họ lên đồng thật hay giả vờ. Chính vì thế mà Tô Hoài rất tinh tế đặt tên là 'ba người khác', chứ không phải là 'ba người ấy'. Đó là chúng ta đấy, chúng ta đương rất cynique, chúng ta đương thấy sai thấy đúng mà cứ lờ lớ lơ, bài học đó vẫn dùng được cho chúng ta trong ngày hôm nay."

Đây là một nhận định triệt để và can đảm nhưng chưa hết. Nếu "chúng ta" đây là những người trí thức, những người cầm bút "đương rất cynique, thấy sai thấy đúng mà cứ lờ lớ lơ" và vẫn cứ tiếp tục như thế thì "bài học đó vẫn được dùng cho chúng ta trong ngày hôm nay" là bài học gì, học như thế nào, học rồi để làm gi?

Ở đây không đặt vấn đề phê phán cá nhân mà người viết muốn đặt ra một vấn đề chung: Đến bao giờ trí thức nói chung và những người cầm bút nói riêng mới dám nói thẳng, nói thật, nói hết những điều mình nghĩ? Dĩ nhiên con người bao giờ cũng có giới hạn và từng con người cụ thể, trong những hoàn cảnh cụ thể lại càng có giới hạn. Không thể đòi hỏi nhiều ở con người, nhất là những người trí thức sống trong một xã hội toàn trị độc quyền chân lý và không cho ai được quyền nghĩ khác, nói khác. Tuy nhiên cũng không phải vì thế mà trí thức hoàn toàn "liệt kháng" phó mặc cho số phận khi thiên chức của trí thức là nói lên tiếng nói lương tri và soi đường cho lịch sử bằng trí tuệ của mình.

Lịch sử Việt Nam hiện đại có cả bi hùng, bi tráng, bi thảm, nhuộm đầy máu, mồ hôi nước mắt của con dân. Đảng Cộng sản đóng vai trò lớn trong giai đoạn lịch sử này. Chừng nào Đảng còn chậm chuyển biến, trí thức không dám nói lên tiếng nói trung thực và phản kháng, nhân dân chậm nâng cao nhận thức và đi vào hành động, chừng đó đất nước còn giậm chân trong vòng nghèo đói, lạc hậu và khổ đau. Đó là định mệnh của dân tộc và chỉ có toàn thể dân tộc mới có thể tự thay đổi số phận mình.

Đà Lạt cuối tháng 3-2007

Tiêu Dao Bảo Cự

* Ghi chú: Tất cả những trích dẫn trong bài là phát biểu của các nhà văn trong cuộc toạ đàm do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 22-12-06 và được đăng tải trên talawas.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn