BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76243)
(Xem: 62975)
(Xem: 40381)
(Xem: 31976)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mái nhà của những đứa trẻ ngoài lề cuộc đời

20 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 1278)
Mái nhà của những đứa trẻ ngoài lề cuộc đời
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
44
QUẢNG NAM - Quán cà phê Cội Nguồn và cũng là Trung Tâm Cội Nguồn, nơi cưu mang nhiều đứa trẻ có những hoàn cảnh, tính cách khác nhau nhưng cùng có chung một số phận cơ cực và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.









Anh Nguyễn Đức Cường bên một em bé khuyết tật sau giờ học tại Trung Tâm Cội Nguồn. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Góp lửa yêu thương từ con số không

Với diện tích khoản 150m2 tính cả khu vực sinh hoạt và học tập, cộng với quán cà phê sân vườn rộng chừng 700m2, tọa lạc ở tổ 62, khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, có thể nói Cội Nguồn là nơi sinh hoạt và học tập lý tưởng cho các em khuyết tật, con nhà nghèo.

Anh Nguyễn Đức Cường, chủ nhân quán Cội Nguồn, tâm sự: “Những đứa trẻ ở đây có nhiều hoàn cảnh khác nhau, có đứa cha mẹ đầy đủ, điều kiện trung bình, nhưng lại không có khả năng hòa nhập với xã hội, do mặc cảm, do những khiếm khuyết về thân thể, khó đuổi kịp bạn bè. Các em nhìn chung rất dễ thương, thậm chí thông minh. Nhưng lại có số phận kém may mắn. Chính vì vậy, khi về đây, các em có được những người bạn cùng cảnh ngộ, dễ hòa nhập, và thầy cô ở đây cũng giàu lòng yêu thương, các em xem họ là cha mẹ, anh chị. Nên tự tin và hòa ái hơn!”









Một em nhỏ trong giờ học vẽ ở Trung Tâm Cội Nguồn. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Nguồn thu chính của Cội Nguồn vẫn còn dựa vào mỗi ngày chừng 300 ngàn đồng của quán cà phê, cộng thêm tiền anh Cường đi dạy võ (anh là một võ sư Karatedo) ở trung tâm văn hóa Duy Xuyên, mỗi tháng kiếm chừng 1.5 triệu đồng, và một ít tiền bán sản phẩm hoa giấy của các em làm ra... cũng đủ san sẻ, chi tiêu cho 15 em học viên, hai thầy giáo và gia đình anh.

Kể từ ngày thành lập (1 tháng 6 năm 2008), với con số zero về tài chánh, ban đầu che một mái tranh tạm bợ, dần dần mở rộng, xây dựng nơi ăn chốn ở. Đến nay, các em đã có chỗ ngủ riêng, có giường chiếu tốt, được dạy học, dạy nghề để làm sản phẩm như tranh lụa, hoa giấy, nhưng hàng vẫn chưa chạy.

Một phần vì chưa có chỗ phân phối, thiếu người chào hàng, phần khác vì các em làm cũng chậm, chưa ra được sản phẩm nhanh kịp thời theo yêu cầu đặt hàng (những trường hợp có đầu mối lớn). Chính vì vậy mà anh Cường quyết định chưa mở rộng mô hình sản xuất của Trung Tâm Cội Nguồn, chỉ dạy và học.

Nói về sinh hoạt của trung tâm, anh Cường cho biết: “Gia đình mình cùng hai thầy ăn cơm chung với các em, cùng sinh hoạt với các em như trong nhà, ở đây có ba em và hai thầy giáo dạy vẽ ở lại cùng gia đình mình, còn những em khác chỉ ăn cơm trưa, buổi tối chúng về nhà. Chính nhờ ở chung như vậy, các con mình trở nên thân thiết và chia sẻ với các em như anh chị em ruột thịt. Có hai đứa bé phụ bán cà phê cho anh. Anh đã xin phép cha mẹ chúng. Làm như vậy chúng có thêm thu nhập, mình trả cho mỗi đứa 700 ngàn đồng một tháng. Làm như vậy các em sẽ thấy mình làm được việc, hơn nữa có chút vốn khi vào đời.”

Muốn thành người, các em phải có công việc

Ngoài chuyện cưu mang các em nhỏ mồ côi, tật nguyền, không nơi nương tựa, Cội Nguồn còn là nơi dạy nghề cho trẻ em khuyết tật, trẻ em không hòa nhập được với xã hội.

Chị Lưu Thị Loan (vợ anh Cường) dạy cho các em nữ về nữ công gia chánh, anh Cường dạy các em phương pháp rèn luyện sức khỏe, thầy Võ Văn Tuấn và Nguyễn Thanh Quyền (hiện là giáo viên cấp II ở Duy Xuyên) dạy các em môn nhạc, họa và văn hóa nhà trường, riêng nghệ nhân Nguyễn Thành Ân chịu trách nhiệm dạy cho các em môn điêu khắc. Ngoài ra, còn có một số giáo viên khác cộng tác, hỗ trợ không thường xuyên cho Cội Nguồn.

Thầy Quyền, giáo viên dạy môn nhạc, họa tâm sự: “Theo chủ trương của anh Cường và các thầy ở đây thì cứ dạy cho các em biết chữ, dạy hết tâm huyết của mình, và cố gắng làm sao các em thấu đạt những gì mình học được, khi các em đủ tự tin, vững vàng, sẽ dạy chuyên sâu nghề cho các em để khi ra ngoài, nếu là nữ thì có thể tự nấu ăn, mở quán cà phê để bán kiếm sống hoặc vẽ. Nam thì đi vẽ truyền thần hoặc ghi danh học mỹ thuật, hoặc trở thành nghệ nhân điêu khắc tượng, khắc văn bia... Nói chung là sống được. Và căn bản là các em được tự tin dù sau này làm bất cứ việc gì.”

Chúng tôi thử dạo một vòng, nhìn em bé câm bưng cà phê cho khách, vừa nhẹ nhàng, tự tin nhưng cũng hết sức lịch sự. Theo chị Loan kể thì lúc mới đến em rất nhút nhát. Nhưng dần dần, em làm việc rất giỏi, sắp tới sẽ tăng lương cho em. Mức lương của em bằng với mức lương của nhân viên bán cà phê các quán khác. Nhưng vì em còn phải học, nên chỉ làm bán thời gian, nhận một nửa lương (700/1,500 ngàn đồng).

Nhìn vào những bức tranh của các em vẽ, nhìn vào những lẵng hoa các em làm ra để đi bỏ mối ở các quầy văn hóa phẩm, thực lòng mà nói, các em vẽ và làm hoa đẹp chẳng kém gì người bình thường, lành lặn. “Năm tới em sẽ hoàn tất năm bức tượng về các Apsara trên đền tháp Mỹ Sơn để đi dự triển lãm cùng thầy em!” một em học viên tên Hùng nói với tôi.









Một số sản phẩm của các em làm tại Trung Tâm Cội Nguồn. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Có thể nói, về mặt kinh tế, Cội Nguồn chỉ thu vừa đủ chi, không thể hơn. Mọi chuyện còn đang ở phía trước, một bài toán khó trước mắt. Nhưng anh chị và các thầy cô vẫn lạc quan, tin tưởng mình sẽ vượt qua.

“Mình rất tin vào tương lai, con mình sẽ là đứa đủ lòng yêu thương và bản lĩnh bước vào đời, vì chí ít ngay bây giờ, đã có bài học ngay trước mắt về ý chí vượt số phận, tự lập cánh sinh, về khả năng tự vươn lên.” Anh Cường vui vẻ kết thúc câu chuyện để chuẩn bị đi dạy võ.

“Tấm vải lót sàn”

Ngồi thêm mươi phút ở Cội Nguồn, tự dưng tôi thấm thía câu của người thầy võ, ông chủ nhà Cội Nguồn vừa nói. Đúng thật, yêu thương là một lãi suất lớn mà phần lớn các doanh nghiệp, thậm chí một số trung tâm từ thiện, nhà mở đã quên mất trong thời gian gần đây!

Trong điều kiện xã hội còn hạn chế về mặt chia sẻ, nếu không nói là rất hạn chế, với ba trung tâm (Hội An, Đại Lộc và Tiên Phước) trẻ khuyết tật, mồ côi trên toàn tỉnh Quảng Nam, cung không đủ cầu, nhiều trẻ em không thể hòa nhập ngay trong cả gia đình mình nhưng lại không thuộc diện mồ côi nên không được đến trung tâm và nhiều trẻ em mồ côi nhưng lại cơ nhỡ, lang thang bởi không được ai đỡ đầu... Trung Tâm Cội Nguồn, trong một nghĩa nào đó, giống như tấm vải lót sàn, đón nhận tất cả những mảnh đời bị rơi xuống sàn, để chìa bàn tay yêu thương...!

Liêu Thái/Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn