BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76293)
(Xem: 62992)
(Xem: 40400)
(Xem: 31997)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người nghèo kiếm sống trong khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng

18 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 1423)
Người nghèo kiếm sống trong khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
11
SÀI GÒN - Phú Mỹ Hưng là một khu đô thị mới nằm ở quận 7, gần trung tâm Sài Gòn, nơi nổi tiếng với những căn nhà, đường phố sang trọng chỉ dành cho những người giàu có.


Một trung tâm thương mại ở Phú Mỹ Hưng, quận 7. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Ghé thăm một khu biệt thự đẹp có bảo vệ gác cửa, hỏi thì được biết một căn nhà ở đây có giá là 44 tỉ đồng Việt Nam, tương đương hơn 2 triệu đô la Mỹ, còn căn lớn hơn thì có giá là 72 tỉ đồng, tương đương hơn 3 triệu 500 ngàn Mỹ kim.

Hỏi thăm ai ở trong những căn nhà này, người nước ngoài chăng? Thì được biết cư dân nơi đây đa số là người Bắc mới.

Một bữa ăn sáng cho hai người tại nhà hàng Yeeboo trong khu Phú Mỹ Hưng, mỗi người một tô hủ tiếu hải sản, thêm cái bánh bao nhỏ và ly cà-phê, tính tiền hết 500 ngàn đồng.

Còn cà-phê tại Gloria thì có giá từ 50 ngàn tới...175 ngàn đồng. Những nơi khác “bèo” hơn thì cũng có giá từ 25 ngàn tới 50 ngàn đồng một ly.

Nhưng điều thú vị là tại Phú Mỹ Hưng này có một loại dịch vụ cà-phê di động độc đáo nhất Sài Gòn và giá cũng rẻ bậc nhất Sài Gòn cùng nhiều nghề khác của dân nghèo mưu sinh nơi đô thị giàu có này.

Nếu như ở trung tâm Sài Gòn, nhất là tại mấy khu công viên có những “quán” cà-phê di động được “ngụy trang” trên những chiếc xe hơi đời cũ, thì ở khu Phú Mỹ Hưng toàn bộ “quán” cà-phê di động được chất trên một chiếc xe... Honda.



Một phụ nữ với quán cà phê di động bằng xe gắn máy tại khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Đa số những quán cà-phê di động này đều do “đội quân tóc dài” là chị em phụ nữ đảm trách. Họ bôn ba trên khắp nẻo đường của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, bất kể nắng mưa để phục vụ nhu cầu giải khát của các anh xe ôm, các cô nuôi dạy trẻ, nhân viên bảo vệ và dĩ nhiên là cả những khách nghèo lỡ đường. Mỗi ly cà-phê đá hay chai nước suối có ướp lạnh đàng hoàng phục vụ tận tay khách mà giá chỉ có... 5 ngàn đồng.

Chị H., một trong số chị em bán cà-phê di động, cho biết chị là dân miền Tây, hiện thuê nhà ở khu Gò Ô-Môi bên Nhà Bè. Theo lời chị thì bán cà-phê kiểu này không lời nhiều lắm vì lượng khách quen đã ổn định, khách vãng lai kiếm thêm thì rất ít và chị cũng cho biết là ngày chị kiếm lời hơn trăm ngàn.

Chồng chị cũng dân miền Tây lên thành phố làm thợ hồ, ngày kiếm hơn hai trăm ngàn, nhưng phải cái hay theo công trình “bốn vùng chiến thuật” thường ngủ đêm tại công trình, trừ khi làm gần thành phố thì chiều mới về với vợ. Hai đứa con chị còn nhỏ, gởi dưới quê cho bà ngoại nuôi. Lâu lâu nhớ con, hai vợ chồng thay phiên nhau chạy xe Honda về quê thăm con, cũng chỉ ở chơi với con được một buổi, bữa sau đã phải mau mau trở lại thành phố tiếp tục cuộc mưu sinh.

Khác với chị H., anh Trung chạy xe Honda ôm trong khu Phú Mỹ Hưng lại là dân gốc ở khu bến phà Thủ Thiêm. Khi cây cầu được xây xong, bến phà cũng vắng khách dần, khu anh ở lại bị giải tỏa trắng, lãnh số tiền đền bù gần 700 triệu, anh Trung chạy qua khu Bình Chánh mua lại căn nhà cũ và lần hồi vô khu Phú Mỹ Hưng chạy Honda ôm.



Những người chạy xe ôm kiếm sống. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Anh kể, lúc mới qua khu bên đây không rành đường, gặp khách đi xe anh cũng nói thật nhờ họ chỉ đường và bà con cho bao nhiêu tùy hỉ, vậy mà gặp nhiều người tốt, chở đến nơi họ lại cho thêm tiền, còn xin lỗi là nhớ lộn, tưởng gần khi đi mới thấy xa quá. Anh Trung cho biết nghề xe ôm này cũng giống như đi câu cá, có ngày đắt khách, có ngày cũng ế.

Bữa nào vô “mánh” anh cũng kiếm được 400 ngàn, còn thường thì ngày chỉ kiếm được hơn trăm. Anh Trung cho biết lúc trước kiếm được nhiều hơn vì anh siêng “cày” cả ban đêm, nhưng năm ngoái anh bị cướp nên sợ không dám chạy đêm nữa.

Anh Trung khoe, tuy chạy Honda ôm vậy đó, nhưng cô con gái lớn của anh đã ra cô giáo đàng hoàng, còn cô con út thì cũng đang học lớp 11, cả hai cô con gái theo lời kể tự hào của anh Trung thì đều ngoan và siêng năng, có lẽ là do thương cha mẹ nghèo, tần tảo lo cho con.

Vợ của anh Trung thì cũng đi làm rửa chén thuê cho một nhà hàng ở quận 1. Anh Trung nói vui nhất là bữa nào chạy xe có tiền về sớm ghé ngang chợ mua con cá lớn, rồi về nấu bữa cho cả nhà.

Trường hợp của anh Th. lại khác, anh là một nhân viên bảo vệ của một cửa tiệm trong khu Phú Mỹ Hưng, nhà anh ở bên khu Nhà Bè.

Công việc của anh Th. bắt đầu từ 9 giờ sáng cho tới 9 giờ tối, việc chính của anh là coi xe cho khách lúc họ vô cửa tiệm mua đồ. Làm ngày 12 tiếng, lâu lâu mới được nghỉ ngày Chủ Nhật, mà muốn nghỉ thì phải xin phép trước với lý do chính đáng, vậy mà lương anh Th. một tháng chỉ được có 3 triệu đồng.

Với anh Th. thì ngay cả cà-phê di động của Phú My Hưng cũng là loại “xa xỉ,” sáng mang theo cơm vợ nấu, cùng với bình nước trà để uống cả ngày, thuốc lá cũng chỉ dùng loại Basto xanh.

Anh Th. cho biết, công việc thì cũng không có gì nặng nhọc, nhưng anh hơi bị áp lực tâm lý vì khách ra vô cửa tiệm đi toàn loại xe đắt tiền, vô phước mà mất một chiếc xe của khách thì có nước mà cắn lưỡi tự tử chứ tiền đâu mà đền.

Anh nói, tại tính người hay lo, chứ an ninh khu Phú Mỹ Hưng này khá tốt, làm ở đây mấy năm, tiệm anh hay mấy tiệm xung quanh cũng chưa bao giờ xảy ra mất cắp.

Sài Gòn người ngày càng đông, xe cộ ngày càng tấp nập, đèn phố thị ngọn xanh, ngọn đỏ nhưng mặc ai xe cộ quần áo xênh xang lên hương, lên đời những người lao động bình dân vẫn lẳng lặng, nhẫn nại trong cuộc mưu sinh dù chưa biết ra sao ngày sau.

Văn Lang/Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn