BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76294)
(Xem: 62993)
(Xem: 40402)
(Xem: 31998)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mỗi một chữ viết sai, một giòng máu sẽ đổ

17 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 976)
Mỗi một chữ viết sai, một giòng máu sẽ đổ
56Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
56


Tôi không quen bà Dương Thị Xuân, một người được biết là nhà báo tự do. Cũng không biết bà viết ở đâu và lúc nào mà có danh xưng này. Tiếng nói của bà trên Pal Talk hay một vài đài phát thanh hải ngoại thì thỉnh thoảng tôi vẫn nghe. Bà chống nhiều việc cho bản thân và cho cả những người mà bà biết đang bị áp bức hay đối xử bất công. Đất đai và tham nhũng là hai đề tài chủ yếu bà theo đuổi.

Bà cũng bị bắt, bị giam giữ như nhiều người khác. Nhưng như con cóc, bà hết nhảy ra rồi lại nhảy vào....nhà tù. Nhiều khi tôi tự hỏi điều gì đã hun đúc cho bà một sức mạnh như thế? Bà không bỏ lỡ một cơ hội nào để lên tiếng chống lại những điều cho là bất công, áp bức từ phía nhà cầm quyền. Bà không tỏ ra mỏi mệt và kì lạ nhất là bà không sợ nhà tù, nơi mà bất cứ ai đã vào một lần thì khó thể cứng cỏi đối với công an.

 Sáng Chúa Nhật 10 tháng 7, sau khi đi lễ nhà thờ ra tôi nghe tin bà bị bắt qua một vài người bạn. Bà đi biểu tình chống Trung Quốc và cùng bị bắt với hơn một chục người người khác trong ấy khá nhiều người tôi biết. Tôi không ngạc nhiên lắm vì biết bà xem chuyện bắt bớ này như cơm bữa. Tôi chỉ ngạc nhiên tại sao họ lại bắt bà vào lúc này, khi mà làn sóng căm phẫn của người dân đối với Trung Quốc cao lên hàng ngày, hay chính xác hơn cao lên vào mỗi sáng Chúa Nhật.

 Nhóm trí thức biểu tình trong 5 tuần lễ vừa qua đã tuyên bố nghỉ một tuần do vụ việc của người đọc tuyên cáo trước nhà Hát lớn Hà Nội đã không còn bị công an đòi làm việc vào ngày Chúa Nhật nữa.

 Khi hơi hám của niềm vui chưa...tan thì hàng chục người khác lại tiếp tục biểu tình vào sáng Chúa Nhật 10 tháng 7. Lần biểu tình này không có cờ, không có biểu ngữ không có bất cứ thứ gì để cho người khác biết là nó được sắp xếp trước. Vài chục người cầm những tấm giấy mong manh viết vội những chữ chống Trung Quốc và chỉ vừa xuất phát đã bị công an tới bắt đi hơn hai chục người.

 Bà Xuân là một trong những người bị bắt vào sáng hôm ấy.

 Tôi không biết bà có lảnh tiền của ai để đi biểu tình như nhà nước cáo buộc hay không nhưng khi nghe bà trả lời công an hỏi cung tôi thật sự ngưỡng mộ. Một người đàn bà dám một mình trả lời tay đôi với cả một guồng máy mà không nói thì ai cũng biết là kinh khủng và không dễ đối phó thì cũng đáng để lên tiếng ca ngợi bà.

 Bà Xuân trả lời như đang nói chuyện với ai đó trên tư thế bình đẳng và bà không tỏ ra một chút bối rối nào. Người công an lấy lời khai của bà lại là người tỏ ra bối rối và đưa ra những câu hỏi ngớ ngẩn, buồn cười. Bà có cơ hội dạy cho người hỏi cung bài học sơ đẳng về lòng yêu nước. Khi bị hỏi là bà đi biểu tình do ai chỉ đạo, bà trả lời tự mình đi thôi, mình yêu nước mà còn đợi ai chỉ đạo mới yêu nứơc hay sao?

 Sung sướng chưa kịp tiêu hết thì một bài báo khác làm tôi đắng miệng. Kami là nguời tôi thường đọc và trang blog Kami nhiều khi có những ý tưởng rất mới và táo bạo. Tôi thích đọc Kami như nhiều người khác và đôi khi nhảy cỡn lên khi phát hiện ra một ý tưởng độc đáo từ trang blog này.

 Nhưng thú thật khi đọc bài viết của Kami về người biều tình ngày Chúa Nhật 10 tháng 7 tôi thật sự thất vọng và ước gì bài viết này đừng xuất hiện. Tôi không phải là nhà hoạt động chính trị hay tranh đấu cho dân chủ nhân quyền nên lý luận rất giới hạn, tuy nhiên tôi vẫn nhận ra được sự sai lầm trong bài viết này.

 Kami cho rằng những người biểu tình hôm ấy là manh động và thậm chí phá hoại. Tôi không bàn về chuyện này vì đã nhiều người bàn rồi. Tôi chỉ xin trích ra phần Kami trả lời một người tên Nguyễn Ngọc có đoạn Kami viết: "thực tế đã cho thấy nếu là khoảng hai chục thường dân, nhất là mấy vị bất đồng chính kiến như bà Dương Thị Xuân, ông Ngô Duy Quyền – chồng của luật sư Lê Thị Công Nhân, bà Huyền Trang vợ và con của tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội đứng ra Biểu tình kiểu đánh du kích ngày 10/7 vừa qua, lại còn cố gắng trêu tức, chính trị hóa việc biểu tình thì chính quyền họ dẹp là đương nhiên, một trong những lý do vì có lẽ tâm họ không trong sáng, họ đã không chỉ phản đối Trung quốc mà phản đối cả chính quyền , thể hiện ở cái khẩu hiệu mang tính chỉ trích bằng xốp, ghi chữ "HS- TS. - Vì sao - Dậy đi?".

 Thưa trang blog Kami.

 Nếu Kami đọc lại đoạn này một cách bình thản với tư duy của độc giả bình thường chứ không phải là tác giả thì tôi tin rằng Kami sẽ hối hận vì trong lúc viết đã quá bốc đồng và kém tự chế, mặc dù là viết blog đi chăng nữa.

 Kami cho rằng người biểu tình đã: "cố gắng trêu tức, chính trị hóa việc biểu tình thì chính quyền họ dẹp là đương nhiên." Ô hay, đi biểu tình không là một hành động chính trị thì là gì mà Kami nói là chính trị hóa? Trong khi khá nhiều người ngồi bên ngoài, thậm chí cả ngoài nước nữa chửi bới công an, lên án những hành động tàn nhẫn của họ đối với những người biểu tình tay không tấc sắt để có thể tạo ra bất cứ sự nguy hiểm nào cho Trung Quốc hay cho chế độ. Sự nguy hiểm nếu có là đã làm lòng ghét bỏ, căm thù tăng thêm. Đấy không phải kích động người khác để lật đổ chế độ, mà chỉ trước nhất: chứng tỏ lòng yêu nước, nóng lòng trước các chính sách vô lý của chính phủ nước mình với Trung Quốc. Hai nữa, cho Trung Quốc biết người Việt không hèn và không cam chịu như một số lãnh đạo cao cấp của họ đang chỉ đạo cả guồng máy chính phủ phải nói lời khó nghe và làm đều khó ai chấp nhận.

 Hai lý do này không đáng để bốn người mà Kami nêu ra bên trên bị xiên sỏ, hay ném đá với câu "một trong những lý do vì có lẽ tâm họ không trong sáng, họ đã không chỉ phản đối Trung quốc mà phản đối cả chính quyền , thể hiện ở cái khẩu hiệu mang tính chỉ trích bằng xốp, ghi chữ "HS- TS. - Vì sao - Dậy đi?".

 Kami làm một cuộc phẩu thuật vội vã, thiếu tất cả mọi phương tiện y khoa cần thiết, nhất là hệ thống vô trùng khi giải phẩu "cái tâm" của những người này để khẳng định là không trong sáng. Vì không gây mê nên họ đau, xã hội đau và chính Kami khi đọc lại tôi chắc cũng phải đau lắm vì nhiều lẽ.

 Trong cả bốn người, không ai đáng bị Kami cho kết quả "không trong sáng" nhất là bà Dương Thị Xuân, cái tâm của bà đáng để cho nhiều người chiêm ngưỡng hơn là kết luận vội vã như Kami đã làm. Bà ấy đã rất hiên ngang và thậm chí "dạy cho công an một bài học" là đàng khác. Kami có thể nghe lại bài phỏng vấn bà trong chương trình ngày 10 tháng 7 vừa qua trên đài RFA. Tôi thấy bà không những trong sáng trong ý nghĩ mà còn cam đảm trong hành động nữa. Sự can đảm của bà khó thể khước từ khi trước mặt bà là gông cùm, là nhà giam, là bóng tối.

 Trong khi đó Kami viết về bà trên một bàn viết thơm tho với ly cà phê bốc khói bên cạnh. Với màn hình của chiếc computer sáng trưng cùng với bao thông tin có thể kiểm chứng vì Kami ngồi rất gần cuộc biểu tình này. Tiếc một điều, bàn phím của Kami không gõ những từ công bằng mà nó lại có vẻ tức giận với những con người yêu nước cụ thể và nồng nàn.

 Kami à, chắc Kami thấy rồi, biết bao chàng trai Hà Nội, Sài gòn khi đi biểu tình lần đầu, bị công an sờ gáy đã lẩn trốn biệt tăm đến nổi không ai còn biết họ tên gì, ở đâu nữa.

 Không riêng gì thanh niên, nguồn lực, nguồn hy vọng của quốc gia, mà biết bao người khác nữa cũng tỏ ra e dè khi nghe hai chữ công an. Họ không thể một mình đối diện và tranh cãi trong phòng hỏi cung với một tay công an nào đó.

 Cũng may là tôi nghe được bài phỏng vấn bà Dương Thị Xuân nếu không thì tôi cũng nghe theo Kami vì Kami viết khá thuyết phục. Tôi không có ý chống lại các bài viết này, tôi chỉ muốn lần sau có viết những vấn đề quan trọng như vậy Kami nên mở đèn trong phòng sáng hơn và nhất là mở lòng mình lớn hơn nữa để nhìn cho ra đâu là sự thật.

 Vì mỗi một chữ viết sai, một giòng máu sẽ đổ.

 Cánh Cò

16-07-2011

Theo Blog Cánh Cò

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn