- An ninh: Anh có thấy sự sai trái của việc đọc những tài liệu không chính thống ở trên mạng chưa?
- Bạn trẻ: Đọc chẳng có gì là sai cả? Vấn đề là ở khả năng “tiêu hóa” của mỗi người, phải biết chủ động và tự xử lý thông tin. Ở độ tuổi như tôi, không đọc mới là sai.
- …
- Bạn trẻ: Thế tại sao các anh không kiến nghị lên cấp trên để nới lỏng việc quản lý an ninh văn hóa? Bởi trên thế giới, phần lớn họ quản lý khác mình, nên họ tự do hơn, người sử dụng văn hóa cũng tự do, mà an ninh văn hóa cũng tự do. Việt Nam đang va chạm với thế giới, buộc phải thay đổi, mấy anh cứ quản lý theo kiểu cũ thế này, rốt cục mấy anh khổ thân nhất, vì dân đông, không lẽ ai cũng bị theo dõi. Ngày chủ nhật gia đình người ta đi chơi, đi ăn nhậu, mấy anh bỏ vợ con ở nhà đi theo dõi, vậy mà không biết đấu tranh để cải tổ chính trị ư?
- …
Cuộc đối thoại này cho thấy một điều, sự độc quyền không những làm cho dân khổ, mà phần lớn giới “hành pháp” cũng khổ theo, có lẽ chỉ có giới lãnh đạo là sung sướng.
Tôi có thể tin một điều rằng, nếu có dịp phỏng vấn những vị làm trong ngành an ninh văn hóa, để xem mấy vị ấy thấy sướng hay khổ khi ngày đêm phải theo một trí thức hay văn nghệ sĩ nào đó?
Tôi tin, nếu được phép trả lời thật, phần lớn sẽ nói không có gì sung sướng hết. Bởi nhiều văn nghệ sĩ thường tâm sự rằng, khi gặp làm việc, các vị an ninh thường nói: thủ tục thôi, chứ tôi chẳng sướng ích gì khi gọi anh/chị lên đây cả.
Tất cả nỗi truân chuyên này là do sự độc quyền.
Từ độc quyền về yêu nước, văn hóa, giáo dục… cho tới nghệ thuật, giải trí, thân thể.
Vì độc quyền nên lo lắng, sợ hãi, cái gì không lý giải hoặc quản lý được, thì cấm. Mà cấm thì phần lớn là thiệt cho dân. Rồi đâm ra, thiệt cho cả giới an ninh, khi buộc phải làm việc ngày đêm.
Vì độc quyền nên mất lòng tin vào dân, muốn giám sát triệt để nhân dân, khiến lòng dân ngày một bất an, âm thầm ngưng cộng tác với chính quyền, nhà nước. Đôi bên càng bất lợi.
Đúng lý, những việc thường tình như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp nhận tri thức… thì đâu cần phải quản lý ra mặt như vậy, âm thầm là đủ rồi. Bộ máy an ninh cũng được thảnh thơi, mà người dân càng thảnh thơi hơn, nên có đủ hưng phấn làm việc, tăng thu nhập và đóng nhiều thuế. Sướng nhất, vẫn là nhà quản lý.
Đơn cử như trường hợp bạn trẻ trên đây muốn tự do đọc thông tin trên mạng, mà mỗi lần truy cập, bạn đều phải trả cước phí, trích thuế đóng cho nhà nước. Trên thế giới, cùng tuổi với bạn này có biết bao nhiêu bạn trẻ tự do đọc thông tin như vậy? Chắc nhiều vô kể và phần lớn không bị cấm cản.
Vậy thì bạn trẻ năng động này, vì bị cấm cản, biết bao giờ mới theo kịp những bạn bè đồng trang lứa của mình trên toàn cầu? Khi những cá nhân trẻ Việt Nam bị tụt hậu, thì cộng đồng và đất nước cũng bị tụt hậu theo, ấy là điều khó tránh khỏi. Tất cả chỉ do độc quyền.
Mà để quản lý một việc rất ngớ ngẩn: tự do đọc thông tin, chính quyền độc quyền phải cần bao nhiêu nhân viên? Tối thiểu phải 4 người: 1) Ngoại tuyến: người theo dõi nhất cử nhất động bạn trẻ này về đường đi nước bước; 2) Kỹ thuật viên: theo dõi lén email, điện thoại…; 3) Điều tra viên: người phụ trách hỏi cung; 4) Lưu trữ: xử lý hồ sơ gởi về cục quản lý. Đây là chưa nói những ban ngành có liên quan nữa, bởi an ninh văn hóa không bao giờ làm việc độc lập.
Nếu cả nước, với khoảng 90 triệu dân, có 1 triệu người thích đọc tự do trên mạng, thì đủ biết số an ninh sẽ là bao nhiêu.
Nói an ninh ăn hại thì hơi quá đáng, vì nước nào mà chả có an ninh. Nhưng rõ ràng, quá đông an ninh, đến mức làm hao hụt quá nhiều tiền thuế của nhân dân, là lỗi của bộ máy độc quyền.
Mà độc quyền không chỉ làm cho mối quan hệ giữa nhà cầm quyền với người dân căng thẳng, mà giữa quốc gia này với quốc gia kia cũng căng thẳng theo. Tại sao thế giới đã từng hào hứng ủng hộ CNXH, nhưng rồi mau chóng lìa xa, vì họ nhận ra rằng CNXH luôn đồng hành với độc quyền, nên khó mà bắt tay, chia sẻ.
Độc quyền cũng dễ gần với nghèo đói và nợ nần, nếu xét về nợ quốc tế, nước nào kha khá đều đã trở thành chủ nợ của Việt Nam. Vì không có khả năng thu nợ, mà trách nhiệm thì chẳng thủ về ai trong một thể chế độc quyền như Việt Nam, nên họ không muốn “xáp vào” nữa. Đói kém, bơ vơ… ráng chịu.
Cho nên, cái xui của Việt Nam không chỉ do ở quá gần Trung Quốc, nên phải bị miễn cưỡng nhiều thứ, không được tự do làm những điều mình thích, mà cái xui lớn nhất chính là chọn đường hướng quản lý độc quyền. Vì độc quyền nên trơ trụi, trơ trụi trước người dân và trơ trụi trước thế giới. Ví dụ như vấn đề tranh chấp biển Đông, gần như chẳng có nước nào đứng ra ủng hộ công khải Việt Nam. Vì suy cho cùng, họ quá ngán và ghét sự độc quyền, nên cũng muốn để Việt Nam rơi ra khỏi thời đại của chính mình.
Viết Với Nhau
15-07-2011
Theo VietVoiNhau's blog
Gửi ý kiến của bạn