Nhưng với những gì họ đã hy sinh, chúng ta và những người hiểu chuyện đều vẫn ngàn đời khó quên và luôn vẫn trân trọng.
Riêng Tôi, mỗi năm cứ đến ngày ba mươi tháng tư oan nghiệt, Tôi lại cảm thấy bồi hồi tấc dạ, vẫn thắp nén hương lòng cho người bạn thân nhất đời mình đã: Vị Quốc Vong Thân.
Anh đã chiến đấu ngoan cường, sống hiên ngang và trọn đời dành cho đất nước...
Những sự hy sinh đó đối với người đời bây giờ? chỉ là một sự hy sinh âm thầm, và... ít ai biết đến! có chăng, chỉ là sự tưởng nhớ của những chiến sĩ thân quen, của gia đình và họ hàng mà thôi!!!
Một cái chết oai hùng, nhưng chẳng có được một tấm huy chương an ủi? một sự chiếu cố tối thiểu của những người còn lại sau cuộc chiến? Lịch sử đối với anh ra sao?... không ngoài mấy chữ: CHIẾN SĨ VÔ DANH!?
Trong phạm vi bài viết này, xin cho Tôi được trải dài tâm sự, mong sao những ai có đọc bài này, hãy nguyện cầu cho anh được ngậm cười nơi chín suối... Xin hãy dành một phút, để tưởng niệm một người trai thời loạn, đã hy sinh vì Chiến cuộc, đó chính là anh: NGUYỄN NGỌC TRUNG.
Anh Nguyễn Ngọc Trung sinh năm 1943, tại Thủ Đầu Một, (miền Nam Việt Nam) số quân: 63/601.140, Cấp bậc cuối cùng là Đại Úy Thực Thụ, Hiện Dịch của Quân Chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.
Anh theo học khóa 64C Sinh Viên Sĩ Quan Phi Hành, đã từng du học Hoa Kỳ năm 1965, để học lái T28 tại căn cứ Không Quân Hoa Kỳ: Randolph (Texas). Đơn vị Đơn vị cuối cùng là: Phi Đoàn 116, Không Đoàn 74 Chiến Thuật, Sư Đoàn 4 Không Quân, đồn trú tại Trà Nóc (tỉnh Cần Thơ).
Anh biết võ “Tiều” và chơi bóng rổ rất hay, đặc biệt rất mê đánh bài!
Anh theo Đạo Thiên Chúa Giáo, có một vợ và hai con (một trai, một gái).
Tôi bắt đầu quen anh vào năm 1964 cho đến năm 1975.
Chúng tôi quen nhau từ ngày đầu tấp tểnh cùng vào Lính, rồi trở nên thân thiết trong suốt đời sống quân ngũ.
Ngày đầu tiên gặp mặt, cũng là ngày hai đứa đi khám sức khỏe ở Trung Tâm Giám Định Y Khoa tại Tân Sơn Nhứt (Sài Gòn). Anh là người gợi ý làm quen với Tôi trước, do thấy Tôi lúng túng về “cân ký”, anh đã mách nước cho Tôi thoát qua “cửa ải” gay go này (chỉ đối với Tôi thôi! vì khi đó Tôi ốm tong ốm teo, chỉ khoảng độ trên dưới 59 ký lô).
Thế rồi qua nhiều môn khám khác nhau nữa, chúng tôi đều trót lọt, và cuối cùng cả hai đều được trúng tuyển vào khóa 64C Sinh Viên Sĩ Quan Phi Hành, ngày 01 tháng 10 năm 1964, chúng tôi chính thức được gia nhập vào đại gia đình Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.
Chúng Tôi được thuyên chuyển từ Sài Gòn ra Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha - Nha Trang trên loại máy bay vận tải C47.
Tại đây, chúng tôi được huấn luyện về căn bản quân sự, được theo học khóa sinh ngữ (Anh văn). Mãn khóa sinh ngữ, chúng tôi được khám sức khỏe kỹ lưỡng và được đi du học Hoa Kỳ. Tùy tài khóa, có người học lái trực thăng,có người học lái khu trục... Khóa Tôi, ai cũng được đi du học ở Hoa Kỳ. Tuần tự xuất ngoại, tùy theo trình độ sinh ngữ, tình trạng an ninh cá nhân, và tài khóa.
Cuộc đời phi hành của hai đứa tôi cũng “ba chìm bảy nổi, tám cái long đong “, nhưng rốt cuộc cũng cùng về căn cứ Không Quân Trà Nóc (Cần Thơ) để rồi gắn bó với Phi Đoàn 116 cho đến ngày đất nước sa vào tay Cộng Nô! (30 Tháng Tư 1975)
Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến đầy tức tưởi đó, Tôi đã giết được 92 tên Việt Cộng (không kể những xác không toàn thây) tịch thu được hàng tấn vũ khí và đạn dược, phá hủy trên 120 chiếc thuyền đủ loại... Ngay sau khi Tôi vừa hoàn tất phi vụ, tướng Mạch văn Trường và các phóng viên đài truyền hình Cần Thơ đã đáp trực thăng xuống tại hiện trường trực tiếp thu hình và phát hình ngay lên trên đài truyền hình, cho mọi người được chứng kiến tường tận chiến công này... và rồi, theo lệnh của Tư lệnh và Tư Lệnh phó Quân đoàn bốn, quân khu khu bốn, thuộc vùng bốn chiến thuật là Trung tướng Nguyễn Khoa Nam và Thiếu tướng Lê văn Hưng, Tôi đã lên dài truyền hình Cần Thơ để trình bày những việc mình dã làm, với mục đích củng cố thêm niềm tin của dân chúng với Quân Đội.
Tôi được tưởng thưởng huy chương và được đặc cách lên Thiếu Tá... chưa có dịp khao lon cùng anh em trong đơn vị, thì ngày Mất Nước đã tới.
Còn Nguyễn Ngọc Trung, anh cũng đã can trường chiến đấu với Cộng Quân trong ngày 30 tháng 04 năm 1975. Để rồi bị Trúng Đạn và đã Hy Sinh anh dũng ngay trong giờ thứ hai mươi lăm, sự ra đi oan nghiệt đó, chẳng có gì để được bù đắp? anh đã âm thầm đi vào lòng đất Mẹ, để lại những tiếc thương vô vàn của Thằng Bạn Thân nhất của anh: Chính Là Tôi! và những đau đớn tuyệt đỉnh của Gia Đình anh, Vợ, Con anh! và Bạn bè thân quen!
Tổ Quốc không có dịp để ghi ơn anh? và nếu có cơ hội, có điều kiện, chúng ta hãy thể hiện những nghĩa cử Đúng Mức cho một chiến sĩ Vô Danh: NGUYỄN NGỌC TRUNG!? Kỷ niệm về anh đối với Tôi thì thật là nhiều, Tôi chỉ xin đan cử một vài suy cảm tản mạn về anh như sau: Anh là người miền Nam, Tôi là người miền Bắc, anh là con nhà Võ, còn Tôi là con nhà Văn, (tuy thực tế: Tôi lại là dân Tác Chiến!) ấy vậy mà hai đứa tôi chơi thân, thật thân với nhau trong suốt cả cuộc dời quân ngũ.
Trông anh lực lưỡng, nước da bánh mật, do đó anh em trong khóa 64C đã đặt cho anh hai Hỗn danh là: TRUNG MẶT CHÓ và TRUNG ĐEN. (Không quân chúng tôi tiếu lâm như vậy đó!
Những ngày đầu về Phi Đoàn, hai đứa tôi cũng ở chung một phòng trong cư Xá Độc Thân của đơn vị, những lúc rỗi rảnh thường hay tâm sự đời mình cho nhau nghe, về việc học Võ của anh, anh nói là anh rất thích, thày của anh có tên là Thày Năm Chuột, (sở dĩ có tên này là vì thày thứ năm, nhưng chỉ với một chiếc đũa, thày có thể” búng” Chết một con chuột chạy ngang qua mặt) trong số đệ tử, anh là người được thày quan tâm nhiều, thường thường được thày chỉ dạy thêm về ban đêm. Mỗi khi học đêm, anh đến võ đường một mình, tự mở cửa và bước tới bàn thờ “Tổ”, thắp nhang rồi mới được học Võ, phòng tập võ tối đen như mực, thày sẽ xuất hiện bất ngờ để tấn công anh, nếu anh đỡ được đòn, thì hôm ấy sẽ dược thày dạy, nếu không đỡ được đòn, thì coi như “Phèo” tự động chào thày rồi ra về, ngày khác đến học.
Anh có chỉ cho Tôi mấy miếng võ bí truyền để phòng thân, những miếng võ này mang tính Sát Thủ, nên cho dù đến bây giờ, Tôi đã ngoài sáu mươi tuổi đầu, gần đất xa trời đến nơi, mà chẳng bao giờ dám động thủ...???!!!
Anh còn dặn Tôi, mỗi khi đến chỗ lạ, không biết ai xấu, ai tốt ra sao, phải luôn luôn đề phòng là hơn, nhất là những nơi ăn nhậu, có được mời, thì hãy kiếm chỗ góc nhà mà ngồi, tránh được kẻ xấu đánh lén đằng sau mình, khi ngồi nhớ: để ghế xéo góc, sao cho một chân ghế nằm giữa hai chân mình, khi có động tĩnh gì, chỉ cần nắm chân ghế là đã có vũ khí trong tay, sẵn sàng Tác chiến. Nghe thì cũng có lý lắm! Nên đôi khi Tôi cũng áp dụng, tuy nhiên chưa bao giờ phải ra tay mà thú thật, nếu có lộn xộn, có lẽ “tẩu vi thượng sách” là chắc ăn nhất?...
Dưới Âm phủ (hay trên Thiên đàng) anh mà biết được ý định này chắc cũng phải phì cười về tính “dĩ hòa vi quý” của Tôi!?
Thật ra,các anh em trong Phi Đoàn sẽ chẳng biết anh có võ, nếu không có chuyện kể sau:
Số là mỗi khi đi ăn trưa hay ăn chiều ở Câu lạc bộ, mọi người đều phải xếp hàng theo thứ tự để vào ăn, một bữa nọ, Tôi và Trung đang xếp hàng cạnh nhau, thì có anh B... (nay đã mất) cùng phi đoàn (tuy dưới khóa chúng tôi, nhưng về Phi Đoàn trước chúng tôi) đến sau, nhưng tự động len vào giữa hai đứa chúng tôi để đứng, (có lẽ anh cho rằng mình là ma cũ nên lấn lướt, có sao đâu?)
Tôi lên tiếng cự nự, nhưng anh B... cũng lờ đi, còn cười khỉnh! anh Trung thấy vậy bực mình, đã lên tiếng phải trái, cũng chẳng đi đến đâu, anh B... ngang như cua? bỗng mọi người xung quanh giật mình vì thấy anh Trung hét lên một tiếng lớn, và... anh B... đã lãnh đủ một cú đá nhanh như chớp của anh Trung, cả thân người bay bổng lên và dội ngược ra sau vài thước, toàn thân nằm trên hàng rào dây kẽm gai gần đó...
Mọi người hết hồn, và ngỡ ngàng, anh Trung lặng lẽ kéo anh B... ra khỏi hàng rào kẽm gai, trước nỗi sợ hãi không ngờ của anh B...
Nhưng vài ngày sau, mọi người thấy hai anh đã thân thiện lại với nhau rồi! Tôi được biết, chính anh Trung đã lại phòng của anh B... để xin lỗi trước, anh chỉ nói với Tôi hai chữ: Đáng tiếc về sự việc này.
Anh Trung ăn nói rất có duyên, lai “têu tếu”, nhất là khi anh nở nụ cười thì trông anh càng dễ mến và hấp dẫn... Đó chính là đặc điểm khiến cô gái nào nói chuyện với anh cũng dễ bị anh thu hút!?
Mười mấy tiểu khu ở vùng bốn, anh đều có đặt chân đến, đã có ít nhiều mối tình lớn nhỏ mang theo. tuy hào hoa phong nhã, hữu tình như vậy nhưng khi lập gia đình, anh luôn chứng tỏ là một người chồng gương mẫu (thế mới biết các cụ ngày đó khôn thật, cặp bồ thì các cụ cấm đoán chứ KQ mà hỏi cưới con các cụ là các cu O.K liền).
Nói đến Vợ, Tôi cũng xin được mở dấu ngoặc ở đây, để nói về chuyện lấy vợ của anh:
Vào năm 1969, căn cứ Đồng Tâm có 03 phi hành đoàn biệt phái ở đấy, Tôi là Biệt Đội Trưởng, chúng tôi làm việc rất hăng say, có hiệu quả, trong các công tác được trao phó, nhưng cũng “lả lướt” “một cây xanh rờn”, anh nào cũng đều có đôi, có cặp, để những khi xong phi vụ, có thể “vi vút” như điên!
Tôi có quen một cô nữ sinh, học lớp 12, mới đầu chỉ là mối tình của “anh trai tiền tuyến em gái hậu phương” thôi, nhưng sự dịu dàng đoan trang, nết na, duyên dáng của nàng đã hớp hồn tôi, lúc nào không hay, để rồi thời gian sau Tôi phải “xin nhận nơi này làm quê hương”! (vì Tôi và nàng đã lấy nhau sau đó).
Những ngày quen nhau, mỗi lần xong phi vụ, trước khi đáp, Tôi đều bay lượn sát nóc trường, (nơi nàng đang học) một phần cho nàng biết Tôi đã xong công tác, có thể nghỉ ít giờ, một phần tạo điều kiện để nàng “lấy le” với mấy bạn học, nhà nàng ở Lương Hòa Lạc, xa thành phố Mỹ Tho do đó những ngày nàng nghỉ học, muốn rủ nàng đi chơi, Tôi cũng thường bay sát nóc nhà nàng để làm “ám hiệu”, có lần Tôi lấy mực viết mặt sau những tờ truyền đơn mấy chữ “I Love You”, rồi bay sát nhà nàng và thả truyền đơn xuống, truyền đơn bay tỏa khắp xung quanh nhà nàng, nàng thích lắm, đem khoe cùng khắp bạn bè (Kể ra hồi đó điên thật! mấy ông An phi mà biết chuyện thì phiền to!)
Năm 1970, chúng tôi lấy nhau, Ngày cưới, anh em Không Quân đi dự khá đông, Trung làm phụ rể, khi rước dâu về Sài Gòn, đoàn xe chạy trên Quốc Lộ bốn, bạn bè tôi chúc mừng bằng cách bay theo hộ tống đoàn xe, Kỷ niệm này Tôi chẳng bao giờ quên được!
Là người biết được đầy đủ mối tình lãng mạn của vợ chồng Tôi, Trung thích lắm...
Sau đó một thời gian, Trung tâm sự với Tôi:
Trường này, Tao có quen một em làm Thẩm Mỹ Viện ở ngoài Cần Thơ, mày giúp tao đi điều tra xem em có thể làm vợ tao được không? Mày và em đều là Bắc Kỳ Di Cư nên tao nghĩ mày sẽ có những nhận xét chính xác và tin tưởng được?
Tôi thương bạn và thấy bạn nói cũng có lý, nên đành phải đóng vai Trinh thám tư không lương vậy thôi!
Sau khi tiếp xúc và điều tra kỹ lưỡng, Tôi cho Trung biết kết quả như sau:
Nàng đẹp, có duyên, ăn nói lịch thiệp, khôn khéo và thẳng thắn, Tao thấy mày và nàng yêu nhau cũng phải! Trai tài gái sắc đó, nhưng không cân xứng đâu... bởi nàng thì trắng hồng mà mày thì đen như cột nhà cháy!!!
Trung phá lên cười ngặt nghẽo, gật gật cái đầu, không nói gì... Ấy thế mà, Trung quyết định lấy nàng làm vợ sau đó, hai người đã sống đến cuối cuộc đời của Trung, với thành quả là một trai, một gái trông rất mũm mĩm xinh tươi.
Tôi người Bắc lấy vợ Nam, còn Trung người Nam thì lấy vợ Bắc, kể ra cũng là sự trùng hợp kỳ lạ lý thú,
Mọi người, nhất là các anh em trong Phi Đoàn đinh ninh hai đứa tôi sau khi lập gia đình chắc sẽ bớt đi sự thân thiết, nhưng trái lại, chúng tôi lại càng thân thiết hơn trước!
Nhớ lại những khi còn độc thân, chúng tôi xài tiền của nhau thoải mái, ai hết tiền thì lấy của nhau mà xài chứ không cần phải đi vay mượn ai cả. Đôi khi đến kỳ đi biệt phái mà lại hết tiền. Trung tự động lấy tiền trong túi áo bay của Tôi, sau khi để lại mảnh giấy nhỏ, cho biết đã lấy bao nhiêu tiền, những khi đánh bài ăn, “Vinh Quang” trở về phòng, mặc dù đã hai, ba giờ sáng Trung cũng dựng đầu Tôi dậy, bắt phụ đếm tiền, rồi chia cho Tôi một số, kèm theo lời nói bất hủ: “Tiền của bá tánh, ngu sao không xài, phải không mày?!”
Nói đến bài bạc, thì Trung cũng là “Một cây xanh rờn” có lẽ đối với anh đó là lạc thú trên đời, Tuy vậy... việc bay bổng vẫn là ưu tiên số 01.
Chưa ai thấy anh bỏ bay hay bê trễ phi vụ vì cờ bạc. Đây là một điểm son nơi anh mà Tôi và mọi người đều nhận thấy!
Thời gian đi du học, khi vừa học bay về là Trung xà ngay vào đám chơi bài, anh có thể chơi suốt đêm, sáng ra vẫn đi bay tỉnh bơ, không lộ chút mệt mỏi. Dạo còn ở Quân Trường, khi Tôi làm SVSQ cán bộ cấp Tiểu Đoàn, chúng tôi gọi tắt là Tiểu Đoàn trưởng, Trung là Tiểu Đoàn Phó. Một lần, Tôi nhận được báo cáo: trong một phòng của SVSQ có một số người đang lén lút chơi bài sập xám, Tôi đích thân xuống khám xét, khi đi gần đến phòng đó, đã nghe có tiếng Trung và tiếng một số anh khác đang bàn thảo về một ván bài... Tôi giận lắm, nhưng biết làm sao được, đành trở về phòng Khóa Sinh và nhờ một SVSQ cán Bộ cấp Đại đội xuống để giải quyết sự việc này thay cho Tôi. Tối đến, trước khi đi ngủ, (giường của hai đứa tôi sát cạnh nhau) Tôi cằn nhằn anh, thì anh trả lời tỉnh bơ:
Mày thấy đó? Tao mê đánh bài từ trong máu rồi, làm sao mà bỏ được. đã vậy mày còn đề nghị Tao làm Tiểu Đoàn Phó cho mày làm gì? để Tao làm “phó thường dân Nam Bộ” có hay hơn không? Mày tìm người thế Tao đi? như vậy vừa hợp lý và dễ dàng cho cả hai thằng mình. Được vậy Tao cám ơn mày nhiều?!
Tôi lặng thinh, không nói được lời nào nữa, rất giận anh, nhưng không thể làm theo lời anh dược! vì nghĩ cho cùng để anh ở chức vụ này, ít ra cũng kìm chân được anh đôi chút! Nhiều khi nghĩ về hai đứa tôi, Tôi thấy cũng rất là lạ: chúng tôi có nhiều điểm khác biệt nhau, như Trung thì thích đánh bài, ưa bóng rổ, võ nghệ, chuyện gì cũng xuôi theo tự nhiên, còn tôi thì thích nhảy đầm, ưa văn nghệ, chuyện gì cũng phải ngăn nắp trật tự, và còn nhiều điểm khác biệt nữa chứ!... nhưng chúng tôi chỉ có vài điểm giống nhau là: cả hai đều thích ăn mặc chỉnh tề, đúng “Mốt”, “đắt đào” và “mang Nợ” nhau?...
Chuyện liên quan đến Trung thì nhiều không kể xiết, nhưng nói về anh, mà không đề cập đến những thành tích của anh trong Quân Chủng Không Quân là một thiếu sót không thể chấp nhận được.
Như Tôi đã nói ở phần đầu bài viết này, anh là con nhà Võ, do đó việc gia nhập vào một Quân chủng Tác Chiến, như quân chủng Không quân là niềm mơ ước của anh!
Những ngày đầu về Phi Đoàn, anh nói với Tôi là rất bực bội về vấn đề nhận diện phương hướng? anh rất mất thời giờ suy nghĩ để phán đoán ra 04 hướng của bản dồ... Tôi tủm tỉm cười và mách nước:
Mày nhìn vào bản đồ, ĐẦU là hướng BẮC, “EM BÉ” là hướng NAM, TAY PHẢI là hướng ĐÔNG, TAY TRÁI là hướng TÂY (nhớ: tay TRÁI và hướng TÂY đều bắt đầu bằng chữ T)
Tôi nói kiểu “dễ ăn đòn” vậy mà khiến anh đã tìm ra “chân lý”! anh cười nói: Cái thằng “đểu” này có lý! Mày nói vậy Tao dễ nhớ đấy!
Từ đó chẳng bao giờ thấy anh thắc mắc về phương hướng nữa!
Đi biệt phái ở vùng nào, thường thì tối trước hôm đi biệt phái, anh trải tấm bản đồ ra dưới sàn nhà nghiên cứu và điều nghiên một mình, cho đến khi nào thấy O.K mới đi ngủ. Đến tiểu khu mà anh được biệt phái, anh tìm cách trò chuyện, tham khảo cùng Sĩ quan các phòng ban chịu trách nhiệm về việc hành quân của Tiểu khu để anh được nắm vững tình hình hiện tại. Điều này cho thấy: anh là người có óc cầu tiến, khi không am tường hay không thấu hiểu rõ ràng về vấn đề gì, anh tìm tòi, học hỏi cho bằng được, không hề sợ ai chê cười, thật là một con người có trách nhiệm.
Có một lần anh tâm sự với Tôi:
- Bay bổng là cái nghiệp của mình, phải không mày? do đó bất cứ vấn đề gì có liên quan đến việc bay bổng, mình phải thật am tường và nắm vững, Phải thâu thập được nhiều kinh nghiệm chiến trường mới có thể giúp đỡ các cánh quân bạn ở dưới đất có hiệu quả, Mỗi khi mình cất cánh bay vào vùng hành quân, là đã đem bao kỳ vọng cho các cánh quân bạn ở dưới, do vậy mình phải: Làm Hết Sức Mình!?
Trong thực tế, những diều anh nói với Tôi là đúng! những huy chương anh đeo trên ngực, là thành quả của công sức và kinh nghiệm chiến trường của cá nhân anh. Trong những lần trao đổi kinh nghiệm về chiến trường, anh đã kể lại cho Tôi nghe một vài chuyện lý thú như sau:
Có lần, Tao đi biệt phái ở Mỹ Tho, vừa bay ngang qua khoảng Cái Bè và Long Định, Tao ngạc nhiên khi thấy có một vài thửa ruộng “như nhỏ hẹp lại”, khác với hình ảnh Tao thường thấy! Tao liên lạc với ALO để xác định xem có quân bạn ở vùng này không? sau khi dược biết không có quân bạn ở vùng này Tao liền phóng một trái rocket xuống một bờ ruộng ngay chỗ đó, tức thì Việt Cộng bỗng vùng dậy, chạy tá lả, vài bờ ruộng khác cũng nhúc nhích chuyển dịch... thì ra Tao đoán trúng: Việt cộng đang ngụy trang di chuyển, thấy bóng dáng L19 bay tới, chúng vội ngồi thành hàng ngang, làm thành như một bờ ruộng, để ngụy trang, Nhưng làm sao qua mắt Tao được? Quan Sát là nghề của “chàng” mà mày! chúng chạy đâu cho thoát... trận đó Tao làm sạch mấy bờ ruộng giả này. Lần khác, Tao bay ở Chương Thiện, chợt Tao nhận thấy có chuyện lạ trên con rạch mà Tao đang bay ở trên, nước trong con rạch chảy xuôi, mà đám lục bình lại “lững lờ” trôi ngược, Té ra mấy “trự” Việt Cộng cũng láu cá lắm, chúng đội lục bình trên đầu để di chuyển ven rạch, nhưng gặp Tao thì sức mấy mà qua mặt, được sự đồng ý của quân bạn, Tao “dập” mấy đám lục bình này, máu đỏ cả khúc rạch...
Mỗi lần biệt phái ở Tiểu Khu, Phi Hành Đoàn thường phải hoạt động liên tục 15 ngày liền, rồi mới đổi cho Phi Hành Đoàn khác, sau đó được nghỉ phép 05 ngày, đi phép về thì bay tại đơn vị đợi đến đầu tháng hay giữa tháng, sẽ đi biệt phái tiếp tục... Đa số anh em trong phi đoàn còn độc thân nên thích được đi biệt phái hơn? vì sau những lần xông pha trận mạc, họ có nhiều cơ hội để quen với “các em gái hậu phương”! Trung cũng không ra khỏi ngoại lệ này, nhiều mối tình lớn nhỏ, giăng mắc khắp các tỉnh biệt phái, gây nhức đầu không ít cho Trung khi phải giải quyết những vấn đề tình cảm... Tuy đào hoa, nhưng Trung rất có tinh thần trách nhiệm với công việc đã được trao phó, không bao giờ bê trễ, những lúc đụng trận, Trung bay liên tục, hết xăng thì về đổ xăng thêm, rồi lại bay làm việc tiếp tục, mong sao thắng lợi về phía quân bạn mới thôi! Đến đây, ô Đến đây Tôi xin kể lại, những giây phút lịch sử của đời Trung, phi vụ “Định Mệnh” đã khiến anh thành “Anh Hùng Vô Danh”, nhưng... với chúng tôi, anh mai mãi là “Người Hùng Bất Tử Trong Chiến Tranh Việt Nam”.
... Sáng ngày 30 tháng 04 năm 1975 Trung từ nơi biệt phái (Sóc Trăng) gọi về Phi Đoàn 116 xin cứu viện, vì Việt Cộng đang tấn công dữ dội vào Phi trường Sóc Trăng, anh và Hiệp cùng anh Phong (cơ khí viên) đang bị “kẹt” ở đó!
Nhận được tin, mọi người đều sửng sốt, Tôi xin đi bay phi vụ cứu viện này, nhưng không được chấp thuận, vì Tôi và anh Di đã được Quân Đoàn Bốn, chỉ định đích danh, cả tháng nay, phải túc trực tại Phi Đoàn, chỉ bay khi có lệnh của Quân Đoàn thôi, với nhiệm vụ: yểm trợ hữu hiệu cho quân bạn, ngăn ngừa và phát giác cùng tiêu diệt những sự xâm nhập của Việt Cộng vào địa phận Cần Thơ...
Đang bối rối, bứt rứt, thì Tôi nhận được tin anh Lê Văn Sùng (đang biệt phái Bạc Liêu) sẽ cất cánh để cứu viện cho Phi Hành Đoàn ở Sóc Trăng, Tôi vô cùng vui mừng, bớt lo nhiều vì anh Sùng là một Hoa Tiêu xuất sắc của Phi Đoàn 116, lại có hai chỉ số (một là chỉ số Hoa Tiêu và hai là chỉ số Quan Sát viên) nên trong những trường hợp cấp bách này quả là hữu dụng, hơn nữa anh Sùng lại rất mến Tôi và Trung... thế là Tôi an tâm phần nào khi lấy dù để thi hành phi vụ ở vòng quanh vòng đai phi trường Trà Nóc...
Sau này, khi Tôi và anh Sùng gặp lại nhau trên đất tạm dung Hoa Kỳ, (chúng tôi rời Việt Nam theo diện H.O sau khi bị Việt Cộng bắt đi Học Tập Cải Tạo một thời gian dài hun hút). Anh Sùng đã kể lại cặn kẽ như sau:
Sáng hôm đó, sau khi gọi về Phi Đoàn, Trung đã gọi xuống Bạc Liêu cho anh Sùng, vì Trung nghĩ Bạc Liêu gần Sóc Trăng nhất, may mắn thay Trung đã được trực tiếp nói chuyện với anh Sùng, nguyên văn như sau:
- Ê! Sùng “Combat” lên vùng cứu Tao ngay mày ơi! tình hình nguy ngập.
- Sao vậy? sao vậy?
- Việt Cộng đang tấn công phi trường Sóc Trăng, tụi nó đã xâm nhập vào tận đầu phi đạo rồi, tụi Tao không thể cất cánh được, tất cả bị kẹt cứng tại phi trường, mày cố gắng đến thật lẹ, giải tỏa áp lực địch cho tụi Tao, tình hình bi đát lắm!!!
- Yên tâm, Tao tới liền!
Anh Sùng gọi cho Th/tá. Lợi, phòng Hai tiểu khu Bạc liêu để cùng bay với anh, (hai người thường bay chung với nhau), anh nhắn trưởng phòng Ba tiểu khu nhớ túc trực tần số nội bộ để anh dễ dàng báo cáo khi có chuyện, và không quên nhắn anh này nhớ thông báo lại cho Đại Tá Tỉnh Trưởng biết anh đi bay với Th/tá Lợi để thám sát tình hình an ninh xung quanh tỉnh...
Chỉ sau 15 phút từ khi nhận được điện thoại cấp cứu của anh Trung, anh Sùng đã có mặt tại phi đạo. Anh tự trang bị cho phi cơ 08 trái Rockets loại đặc biệt, loại này khi khai hỏa sẽ phóng ra hàng ngàn cái đinh, tầm sát hại rất đáng kể, anh cũng tự trang bị cho mình một khẩu M79 cùng một số đạn, một khẩu M16 và 03 băng đạn, thật đúng với nick name mà anh em đã đặt cho là: Sùng “Combat”.
Tôi cũng xin được nói rõ hơn về loại Rockets mà anh đã trang bị cho phi cơ, thật ra, đây là một loại Rockets đặc biệt chỉ dành các phi hành đoàn của Hoa Kỳ mà thôi, khi quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Bạc Liêu, Đại Tá Điệp đã “khéo léo” mới giữ lại được một số Rockets đặc biệt này, tất cả chỉ có 12 trái mà thôi, được sơn màu hường, chỉ dùng trong trường hợp hiểm nguy đến Tỉnh, anh Sùng vì muốn cứu bạn, đã liều lấy đi 08 trái Rockets loại đặc biệt này! “Gan” thật?
Thực ra, theo tiêu lệnh hành quân của ngành Quan Sát, các phi vụ chỉ được sử dụng Rockets khói, việc sử dụng Rockets nổ là vi phạm vào tiêu lệnh hành quân. Nhưng trong một số tình huống nguy cấp, đặc biệt trong những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, phần lớn các phi hành đoàn Quan Sát đã tận dụng đến Rockets nổ để thi hành phi vụ, một phần Rockets khói không đủ cho nhu cầu hành quân, một phần các phi hành đoàn Quan Sát muốn một công hai việc, vừa dánh dấu mục tiêu trên vùng, vừa mong muốn tiêu diệt được phần nào quân số của VC một khi phóng Rockets vào mục tiêu.
Thật ra, vào thời thời điểm đó, chắc cũng ít ai được sử dụng loại Rockets đặc biệt như anh Sùng trang bị cho phi cơ của mình? “uổng thật”!
Vào những ngày cuối của cuộc chiến, tình hình thiếu thốn vũ khí đạn dược càng lúc càng trầm trọng, thật ra từ giai đoạn Việt Nam hóa Chiến Tranh, Hoa Kỳ đã bỏ mặc cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa một mình đương đầu với Cộng Quân và các quan thày của chúng là Liên Sô và Trung Cộng, chính Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, trong một lần bay hành quân với Tôi, ông đã thố lộ:
- Đã có nhiều chiến sĩ ở các đồn bót phải sử dụng đến tiền lương của mình để mua vũ khí đạn dược, từ các nguồn buôn bán bất chính, vì sự sinh tồn của bản thân họ, gia đình họ, trong sự khó khăn ấy, họ cũng đã tự chế tạo ra nhiều loại vũ khí lợi hại cho việc phòng thủ cho đồn bót mình, bằng các loại vũ khí đạn dược tịch thu được của địch, hoặc mua bán được!? Vị chỉ huy cấp cao như Thiếu Tướng Lê Văn Hưng (Tư lệnh phó quân khu bốn), biết được điều khó khăn này, mà cũng đành bó tay, không giải quyết được? Vận Nước đã đến lúc suy tàn?
Trở lại phi vụ tiếp cứu của anh Sùng, vì phi trường Bạc Liêu vào lúc đó còn tờ mờ sáng, nên Anh đã phải nhờ Tài xế lái xe đưa anh ra phi trường chiếu sáng phi đạo bằng đèn xe, để anh mới thấy đường mà cất cánh, (kể ra cũng xăm mình thật!) Phi trường Sóc trăng có phi đạo nằm theo hướng Bắc-Nam, nơi nghỉ ngơi của biệt đội nằm ở hướng Bắc phi trường, sát bãi đậu của phi cơ L19. Đài kiểm soát ở khoảng giữa phi đạo. Khi phi hành đoàn Sùng “Combat” vào không phận phi trường Sóc Trăng, cũng là lúc Việt Cộng đã xâm nhập được vào ngay đầu phi đạo hướng Nam, Kho đạn Đại đội Công Binh của Tr/tá Minh (chồng nữ ca sĩ Túy Phượng) nằm gần ngay nơi Biệt Đội L19 ở. kho đạn ấy bị VC tấn công, và làm kho đạn nổ tung trời.
Trung, Hiệp và Phong, mỗi người một cây súng M16, vội vã rời vị trí dang ở, để di chuyển sang Tiểu Đoàn Pháo Binh gần đó, Sùng “Combat” bắt liên lạc được với Trung trên tần số FM, Trung trực tiếp liên lạc với Sùng, hướng dẫn Sùng “oanh kích” các cứ điểm cùng các mũi tiến công của Việt Cộng trong phi trường.
Nhờ sự hướng dẫn trực tiếp và tức thời của Trung, những trái Rockets của Sùng phóng xuống mục tiêu rất hiệu quả, Việt Cộng bị phản kích bất ngờ từ trên không, nên số chết, số bị thương rất nhiều, buộc chúng phải rút vui và tản ra sang hai bên lề phi đạo để ẩn nấp...
Sự có mặt của Sùng “Combat” trên mục tiêu đã làm cho tình thế đảo ngược trông thấy, quân bạn dưới đất nương vào tình thế thuận lợi này, từng hồi, từng hồi, phản công hữu hiệu, những đợt tấn kích của Việt Cộng đã bị bẻ vụn nát...
Với khả năng và kinh nghiệm dày dạn của Sùng, cùng với số Rockets đặc biệt, M79, M16, mà Sùng trang bị để cứu Trung, đã gây cho Việt Cộng kinh hoàng thực sự, Xác Việt Cộng nằm vương vãi trên phi đạo, và trải dài theo hai bên phi đạo rất nhiều, phần lớn còn rất trẻ?!
Sau ba tiếng lâm trận, phi cơ của Sùng không còn đủ nhiên liệu để tiếp tục làm việc trên vùng nữa, anh phải rời vùng để lấy thêm nhiên liệu tại Bạc Liêu, rồi mới có thể quay trở lại Sóc Trăng... Trên đường về, anh hay tin Trung và Hiệp đã cất cánh được khỏi phi trường Sóc Trăng, và đang trực chỉ Cần Thơ, anh cũng dược tin một số trực thăng Gunships ở Cần Thơ đã có mặt trên vùng trời Sóc Trăng để tiếp tục thay anh thanh toán nốt mục tiêu. Gần đến Bạc Liêu thì anh nghe được tiếng nói của Đại Tướng Dương văn Minh, do Việt Cộng truyền đi trên các tần số FM, kêu gọi các quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa buông súng chờ bàn giao...!!!
Tất cả những điều này khiến anh Sùng về đáp Bạc Liêu và không trở lại Sóc Trăng nữa!...
Sau này, Tôi gặp lại được anh Phong (Huỳnh ngọc Phong) người cơ khí viên cùng biệt phái với phi hành đoàn của Trung, đã cùng bị kẹt ở phi trường Sóc Trăng ngày đó, và được anh bổ túc thêm những chi tiết quan trọng như sau:
Sau khi anh Sùng rời vùng, tình hình chiến trận đã bớt căng thẳng nhiều, Trung cũng thấm mệt sau thời gian dài hướng dẫn Sùng tác xạ vào các mục tiêu có VC trong phi trường Sóc Trăng, bằng máy vô tuyến của Pháo Binh Bạn, nơi mọi người đang trú ẩn. Nhờ sự phối hợp tài tình giữa Trung và Sùng, nên những áp lực của VC không còn nguy ngập như trước nữa, Trung bàn với Hiệp và Phong:
Cả ba đứa mình cùng phóng ra máy bay, vừa thoát thân được, lại vừa có điều kiện yểm trợ cho quân bạn, ở dưới đất bị động quá! còn nước còn tát lo gì!?...
Phong nghĩ đến gia đình và người thân còn ở Bạc Liêu, vả lại theo anh sống chết có số cả, do vậy Phong từ chối ý định của Trung, anh nói: sẽ liều mình thoát ra bằng đường bộ để về thị xã Sóc Trăng, hai người đừng phải lo cho anh.
Trung và Hiệp cùng nhìn nhau rồi cùng quyết định: Phải cất cánh... Hai anh từ giã mọi người, rồi cùng phóng ra phi cơ, Phi cơ nổ máy... taxi (di chuyển) về phía Đài kiểm soát Không lưu, khoảng giữa phi đạo, sau đó quay ngược lại hướng đã di chuyển để cất cánh...
Khi phi cơ vừa cất cánh, Phong nghe có những tiếng súng AK47 nổ ròn, nên vội phóng ra ngoài để xem động tĩnh ra sao, anh thấy đạn của Việt Công bắn lên máy bay như mưa, khi phi cơ bay ngang qua chỗ Phong đứng,cao độ chỉ hơn một nóc nhà, Phong nhìn thấy Trung bỗng giật nảy người về phía sau, đầu hơi nghiêng về phía bên tay phải... Phong há hốc miệng ngỡ ngàng và bàng hoàng vì chứng kiến tận mắt Trung bị trúng đạn của Việt Cộng! vừa nắm tay nhau từ giã mới vài phút trước bây giờ Trung đã bị trúng đạn rồi... Phong bật khóc như trẻ thơ, anh nghĩ ngay đến tình đồng đội giữa anh và Trung, nghĩ đến những thời gian qua, hai người cùng biệt phái với nhau, nghĩ đến những cảm tình thật nhất Trung đã dành cho anh, anh thấy thương Trung nhiều lắm! mong sao Trung chỉ bị thương chứ đừng có chết?! anh chạy vào trong nhà, thì qua tần số thông tin của Pháo Binh, anh Hiệp đã xác nhận Trung bị trúng đạn và tình trạng rất nguy khốn, cho nên anh Hiệp sẽ bay thẳng về Cần Thơ, để tìm cách cứu Trung... Phong ngồi “phịch” xuống ghế, lòng đầy đau xót và chán nản cho phận làm người... Một lúc sau, Phong cũng từ giã mọi người liều chết thoát khỏi nơi đây. Về đến Bạc Liêu, Phong gặp được anh Mã Tính (bạn cùng đơn vị) Phong đem chuyện đau thương này kể lại cho bạn mình nghe, hy vọng với phương pháp thông tin kiểu này, gia đình anh Trung sẽ sớm biết được tin tức của anh...?
Trở lại thời gian trong khi anh Sùng đang tiếp cứu phi hành đoàn ở Sóc Trăng, thì Tôi cũng được lệnh cất cánh không thám xung quanh phi trường Trà Nóc... Trong khi bay, qua tần số của đài phát thanh, Tôi đã nghe được lệnh của Đại Tướng Dương Văn Minh: kêu gọi mọi quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hãy buông súng, ngưng tác chiến, ở nguyên vị trí để chờ bàn giao cho Việt Cộng!
Những lời nói này đã như những nhát dao chém phạt ngang Tôi. Bàng hoàng, xúc động, tủi hổ và uất hận đã khiến Tôi chết lặng người... Tôi còn nhớ mới chiều vài hôm trước, Tôi dắt con vào Phi Đoàn, Phi Đoàn Trưởng Bùi Thanh Sử đã gọi Tôi vào văn phòng tâm sự:
- Anh Trường, tình hình biến động nhiều quá, anh ĐI hay Ở?
- Tôi Ở, phải chiến đấu chứ Thày!
(Trong Phi Đoàn chúng Tôi thường gọi anh Sử bằng chữ: Thày thay cho Cấp Bậc, để tỏ lòng kính trọng và thương mến một người đàn anh Đức Độ và hiếm quý)
Thày Sử ôm con Tôi vào lòng, cố nén xúc động, nói:
- Vợ con Tôi đã về Sài Gòn, chẳng rõ tin tức, Tân Sơn Nhứt bị pháo kích, không hiểu gia đình thế nào rồi?
Không biết Thày Sử nói với Tôi hay nói với chính mình? nhưng Thày đã ở lại với anh em chúng Tôi tới giờ phút chót.
Sau này, gặp lại nhau trong kỳ hội ngộ Phi Đoàn 116, Tôi có nhắc lại chuyện cũ, Thày chỉ mỉm cười hiền hòa và nói:
- Tôi coi các anh như một phần thân thể mình! Sống chết bên nhau là chuyện đương nhiên thôi, Bây giờ, công việc của chúng mình là phải có những hành động thiết thực đối với các anh em còn “Kẹt” ở quê nhà, và đoàn kết chặt chẽ bên nhau...
(Đó mới thật xứng đáng là cấp chỉ huy, còn như Đại Tướng Dương văn Minh? hãy để cho lịch sử phê phán???)
Trở lại giờ thứ hai mươi lăm hôm đó, sau khi nghe những lời nói KHÔNG NÊN NÓI đó, Tôi vẫn bay vòng vòng trên trời, chẳng biết nên làm gì bây giờ?! bên tai Tôi, những lời nói ai oán, vô vọng của không ít các đồng đội, càng làm Tôi kinh hoàng, họ đã vội vã cất cánh, rời bỏ đất nước bay ra biển, với hy vọng sẽ tìm được nơi trú ẩn trong giờ Định Mệnh này, nhưng... họ đã không tìm thấy nơi chốn như họ đã được nghe, hoặc mong đợi (có thể Hạm Đội 7 đã di chuyển xuống hướng Nam???...)
Phi cơ của họ bị hết xăng, rơi xuống biển như những quan tài bay, mang theo những chiến sĩ Không Quân xấu số! Trước khi biết mình sẽ chết, họ vẫn còn để lại những lời nhân bản:
Chúng Tôi chỉ còn vài phút xăng nữa thôi! nhưng chẳng thấy Hàng Không Mẫu Hạm nào cả! các bạn Không Quân nếu nghe được chúng tôi, xin đừng nhắm hướng ra Biển nữa!.. chúng tôi hết xăng rồi!... vĩnh biệt các bạn!... VĨNH BIỆT!
(Cho đến nay, nhất là vào những ngày 30 tháng 4 hàng năm. những lời nói tuyệt vọng đó vẫn khiến Tôi bồi hồi tấc dạ...)
Sau cùng, Tôi cũng phải hạ cánh, về đáp sân bay Trà Nóc, Tôi trở vào phòng Hành Quân của Phi Đoàn 116, mong tìm hiểu thêm tình hình... anh em mỗi người mỗi ý kiến, nhưng tựu trung “Hồn ai nấy giữ” thôi! Tôi quyết định ra lại phi đạo, tự mình đổ xăng lấy, đổ nhớt lấy cho máy bay của mình, rồi mở máy để định di chuyển... nhưng bất ngờ, ngay trước máy bay của Tôi là anh Trần Minh Điền (cùng phi đoàn), bên cạnh là vợ và hai đứa con của anh! gia đình anh với phương tiện bằng chiếc Vespa màu xanh của anh đã chạy ngay lại phi cơ của Tôi lúc nào mà Tôi không biết nữa? Anh Điền khẩn khoản xin Tôi nhường máy bay cho anh?! Mới đầu Tôi cũng ngạc nhiên và tự nghĩ: nhường cho anh rồi Tôi thì sao đây? nhưng khi nhìn xuống, thấy chị Điền vô cùng hoảng hốt, các con anh thì thật ngây thơ, chẳng biết gì, thản nhiên nhìn Tôi... lòng Tôi tự dưng như se lại, và... Tôi lặng lẽ xuống phi cơ, ra dấu tay đồng ý..!?
Anh Điền vội vã đưa vợ con lên tàu, rồi vội vàng nổ máy di chuyển... quên cả chào và cám Ơn Tôi? Lòng Tôi bấy giờ thật thanh thản (kỳ thật!), Tôi đứng nhìn và chờ cho phi cơ của anh Điền cất cánh an toàn rồi mới đi về khu Cư Xá Sĩ Quan Độc Thân, Tại đây Tôi cũng thấy mọi người đang tìm phương cách thoát thân cho mình, Phòng của Tôi đối diện với phòng của Tư lệnh Sư Đoàn 4 Không Quân, Tôi thấy Tướng cũng đang rời phòng cùng vài người nữa, họ leo lên xe hơi và chạy về phía đậu phi cơ, Tôi biết Tướng cũng đang tìm cách thoát chạy khỏi nơi nguy hiểm này!
Như bị cuốn hút vào hành động của Tướng, Tôi lại hối hả trở lên Phòng Hành Quân Phi Đoàn, tại đây, Tôi gặp anh Lê Xuân Phong (cùng phi đội) Tôi bèn rủ anh cùng ra phi đạo kiếm xem còn có phi cơ không, rồi mới tính.
Ra đến phi đạo, chúng tôi gặp anh Vũ Hiếu Mưu, anh vừa trở về từ Biệt Đội ở Cà Mau, anh thản nhiên nói:
- Tôi không cần phi cơ nữa đâu, các anh lấy đi đi, Tôi kiếm vợ con Tôi đã, sống chết bên nhau thôi.!
Tôi cảm phục và ngưỡng mộ người đồng đội quả cảm và khí tiết này...
Tôi và anh Phong phải tự đi đổ xăng, châm nhớt cẩn thận, rồi mới leo lên phi cơ, Tôi di chuyển ra đến taxiway là tống ga cất cánh liền, khi lấy đủ cao độ, Tôi nhắm hướng Thái Lan trực chỉ, Bay khoảng một tiếng, chẳng ai nói với ai điều gì, vì thật sự lúc đó đầu óc trỗng rỗng, Bỗng Phong đề nghị:
- Tao theo đạo Hòa Hảo như mày biết đấy? Hay tụi mình trở lại Long Xuyên, hợp cùng các chiến sĩ Hòa Hảo tiếp tục chiến đấu tiêu diệt quân thù?...
Nghe vậy, Tôi đồng ý ngay, vì trong thâm tâm vẫn mong muốn được chiến đấu đến giây phút cuối cùng của đời mình, nếu còn lực lượng, còn người chỉ huy, thì cho dù ở bất cứ cương vị nào tôi cũng chấp thuận...
Tôi quay đầu phi cơ, nhắm hướng Long Xuyên, làm theo đề nghị của anh Phong, và cũng chính tại nơi đây, định mệnh đã run rủi cho Tôi gặp lại được Trung, người bạn thân nhất của Tôi! được còn nhìn nhau lần cuối, và chứng kiến những giây phút sau cùng của cuộc đời bạn mình!!!
Khi Tôi đáp, Tôi và Phong đã thấy một chiếc phi cơ A37 nằm trên cỏ bên cạnh cuối phi đạo, hỏi ra mới biết: anh Thọ (trước ở phi đoàn 116 rồi qua phi đoàn A37 bên cạnh) và vài người nữa, cùng phi đoàn đã lên phi cơ để đi Thái Lan, nhưng cất cánh mới hay phi cơ không còn xăng, đành đáp khẩn cấp xuống Long Xuyên, phi trường Long Xuyên nhỏ và ngắn thế mà đáp chỉ ra cỏ là may phước lắm rồi?!
Tại phi trường Long Xuyên Tôi cũng gặp lại anh Hà Duy Thăng cùng phi đoàn với Tôi, (mọi người thường hay gọi anh là; Cụ Thăng) Anh Thăng và anh Phan Thế Phiệt bay ngang qua đây, thấy có anh em Không Quân nên đáp xuống để xem tình hình ra sao? hai anh đã cẩn thận mang theo một Can Xăng dự phòng để sẵn trên phi cơ, trong lúc mọi người tham khảo ý kiến thì anh Thăng đã lặng lẽ tự quyết định cất cánh ra đi, anh Phiệt ở lại với chúng tôi. Nghe đâu anh Thăng hiện nay ở bên Nhật thì phải?
Tôi cũng có thấy vài anh bên phi đoàn 122, điển hình như anh Hồ Danh Lịch, mọi người còn đang bàn tán ngay tại bãi đậu máy bay, thì thấy có một chiếc L19 hạ cánh, phi cơ vào bãi đậu, Tôi nhận ngay ra là phi hành đoàn Trung và Hiệp, vừa thấy Tôi, anh Hiệp mừng quá la lớn:
- Anh Trung trúng đạn rồi anh Trường ơi!
Tôi giật bắn người, nghe buốt lạnh sống lưng, vội lao tới sát cửa phi cơ, nhìn vào ghế sau, thấy Trung đang ngồi, đầu ngả về phía sau...
Hiệp còn nói và giải thích nhiều nữa, nhưng Tôi chẳng còn nghe được lời gì của Hiệp cả, đầu óc Tôi như vỡ toang ra, khi thấy bạn mình Bất Động.
Đợi Hiệp mở cửa nhảy xuống khỏi phi cơ, Tôi đẩy ghế ngồi của Hiệp ra sát phía trước, rồi cẩn thận kiểm soát khắp người Trung, Trung chỉ bị duy nhất một viên đạn, chính viên đạn oan nghiệt này đã xuyên qua nón bay, đi thẳng vào đỉnh đầu trong lúc phi cơ đang cất cánh lấy cao độ... Trung ngồi bất động, mắt dại đi, như đang hướng nhìn vào cõi hư vô nào đó... Tôi sờ ngực anh, tim vẫn còn đập, anh đang thoi thóp thở, nhưng lặng yên không nói được!
Trời hỡi, người bạn thân nhất đời của Tôi trong quân ngũ đấy!
Ôi! gặp lại nhau trong giờ phút cuối cùng của vận nước, sao anh chẳng nói với Tôi được lời gì? Tại sao Việt Cộng bắn như mưa vào máy bay, mà chỉ có một viên đạn trúng được anh? và đã trúng ngay Tử Huyệt??? Đầu óc Tôi rối bời với muôn vàn thắc mắc, và xúc động... Tôi tháo sợi dây chuyền bằng vàng nơi cổ anh, rồi ghé sát vào tai anh, vừa nói trong khi hai hàng nước mắt tuôn trào:
- Trung ơi! mày có nghe Tao nói không? Tao mong mày nghe được? Tao giữ tín vật này, bằng mọi giá Tao sẽ đưa lại cho gia đình mày! cố mà giữ mạng sống, mày còn vợ con, còn gia đình, còn những người thân và bạn bè nữa? mà nhất là mày còn có Tao! Trung ơi? mày phải sống! biết không? mày phải sống!!!
Tôi nhờ mấy người bạn đứng cạnh phụ Tôi đem Trung đặt nằm trên một chiếc xe hơi đậu gần đó, Tôi hối anh Hiệp đưa gấp Trung vào Bệnh Viện, Tôi sẽ vào sau, vì cũng vừa có một phi cơ L19 đâm nhào xuống đất, khoảng đầu phi đạo hướng phía sông Hậu Giang, chiếc L19 đó của phi đoàn 122, phi hành đoàn là anh Thận và anh Tấn, anh Thận chết liền tại chỗ, còn anh Tấn bị gãy xương sống, tuy không chết, nhưng tàn tật suốt đời... hiện nay vẫn còn kẹt lại tại Việt Nam, vợ chồng qua những ma chiết đầy phong ba và bão táp của cuộc sống vẫn thắm đượm tình nồng, Vợ anh thật là người đàn bà Việt Nam đức hạnh, đẹp nết, đẹp tình...
Khi Tôi vào nhà thương... người ta đã đem Trung xuống nhà xác, Họ đặt Trung nằm trên một chiếc băng ca, để dưới đất. Trung vẫn còn mặc bộ đồ bay màu xám, Mắt mở trừng trừng, chất chứa bao nỗi oan khiên, nghiệt ngã, Tôi ngồi xuống bên anh, lặng yên nhìn bạn, mà lòng đau ruột thắt, đầu óc mênh mông, Thời gian như ngừng lại, cảnh vật xung quanh lặng yên như để tang cho tình bạn của hai đứa Tôi!
Rất lâu sau, Tôi đưa tay vuốt mắt anh, nhưng mắt anh vẫn mở, trừng trừng nhìn tôi sững sờ, chắc anh còn muốn Tôi làm một chuyện gì đây? Tôi linh cảm như vậy? (sau này, khi Tôi về Sài Gòn báo tin để gia đình anh xuống nhận xác anh mang về chôn cất, vợ anh đã vuốt mắt anh, lúc đó anh mối vĩnh viễn khép mắt lại)
Ngồi bên xác bạn, Tôi thầm nói với anh những lời sau cùng:
- Trung ơi! Tao đạo Phật, Mày đạo Thiên chúa, thôi thì mong sao cho Phật và Chúa cùng đón mày về. Đừng “thèm” làm kiếp người nữa? thảm quá! mày có khôn thiêng phù hộ cho Tao tìm được gia đình mày để báo tin, và cho gia đình mày kịp xuống đưa mày về nhà, chôn cất tử tế nha Trung? (xưa nay, anh vẫn thường nghe lời Tôi, và lần này anh đã phù hộ cho Tôi được tròn lời hứa).
Đêm đó Tôi chia tay với Lê xuân Phong, mỗi người mỗi ngả, sau này có gặp lại anh ở Cali nhưng vài năm sau, Tôi đã nghe tin anh Mất tại Việt Nam trong dịp về thăm gia đình. Tôi và Phong khi xưa đã không thực hiện được ước nguyện của mình, vì chúng tôi không rõ các cánh quân của Hòa Hảo di chuyển đi đâu? mà không sao liên lạc được, hơn nữa, Tôi còn phải thực thi lời hứa với Trung: làm sao cho Trung được Mồ yên mả đẹp!
Tôi ngủ lại Long Xuyên một đêm, sáng hôm sau, Tôi mua vé xe đò về Sài Gòn, trên đường đi, Tôi thấy mấy “trự” mặt trận giải phóng, tay lăm lăm súng, chặn xét mọi xe đò qua lại. Thực sự, Tôi cũng e ngại cho tình cảnh mình hiện tại, nhưng biết làm sao hơn, đành phó mặc cho định mệnh, nhưng nếu phải chết vì mấy đứa giải phóng mặt búng ra sữa này, thì thật là “uổng đời mình”!
Có một điều rất lạ, là mỗi lần xe đò bị chận lại xét hỏi, lũ giải phóng con nít, khám xét nhiều người, có người bị bắt xuống xe, và giữ lại... nhưng hình như chúng không nhìn thấy Tôi, nên Tôi chẳng bị hoạch họe hay xét hỏi gì, suốt đường đi. (Kể cũng lạ lùng thật!)
Xe đến thành phố Mỹ Tho, thì hành khách phải chuyển xe khác mới về Sài Gòn được, thấy Trời cũng đã nhá nhem tối, Tôi ngại nên không muốn tiếp tục đi nữa, lội bộ vào khách sạn Minh Cảnh thuê phòng ngủ qua đêm. Sáng ra, Việt Cộng (loại ăn theo - người đương thời gọi là Việt Cộng 30 tháng 4) khám xét Khách sạn, chúng bắt Tôi vào khám để thẩm tra, Tôi nói dối tỉnh bơ, vậy mà chúng tin, thả Tôi ra! (kể cũng lạ lùng thật!)
Vừa thoát ra khỏi khám dường, Tôi liền ra ngay bến xe đò để đón xe về Sài Gòn, xe chạy qua Lương Hòa Lạc (nhà bố mẹ vợ Tôi), vì trước đây chỗ này là trạm giao liên của VC nên Tôi cũng “ớn”, nghĩ chẳng nên vào, tuy linh cảm có thể vợ con Tôi đang ở đấy?... xe chạy tới Tân An, tất cả các xe đò đều bị dồn cục, Việt Cộng kiểm tra gắt gao để chận bắt những người chúng tình nghi? Tôi dốc hết cả tiền nong trong túi, dưa cho một người chạy xe Honda, năn nỉ họ cho Tôi Về Sài Gòn, Anh ta đồng ý, thế là Tôi về được nhà cha mẹ Tôi an toàn (Hú hồn!)
Tôi tự nghĩ, nhờ Trời hay nhờ Trung phù hộ đây? mà qua bao nhiêu cửa ải nguy hiểm vẫn an lành trở về nhà cha mẹ được???
Mẹ mở cửa đón Tôi vào, rưng rưng giọt lệ nói:
- Con về là mừng rồi, vào đi con?
Qua phòng khách, tới phòng ăn, Tôi ngạc nhiên khi thấy cha mẹ anh em còn đầy đủ, chỉ thiếu có anh Ba tôi đã di tản qua Mỹ, bằng máy bay cùng với gia đình bên vợ, vì Ba vợ anh là Phụ tá Tổng Trưởng Chiêu Hồi nên được ưu tiên di tản?)
Lúc đó Tôi tự nhiên thấy thật ái ngại và xấu hổ, mình là Phi Công mà chẳng giúp được gì cho gia đình, cứ mải mê chiến đấu, bỏ hẳn cả người thân, gặp khi Quốc Biến như thế này cả nhà bị bỏ lại, chẳng hiểu rồi đây sẽ ra sao???
Ba mẹ nhìn Tôi, hai người như thấu hiểu được tâm trạng của con, nên không hỏi vì sao Tôi lại xuất hiện ở nhà lúc này?!
Cả nhà đang ăn cơm, Mẹ giục Tôi rửa tay, rửa mặt, rồi ăn luôn một thể, Ba ôn tồn dặn dò:
- Bình tĩnh, lạc quan, và phải biết thương mình hơn nữa, tùy cơ ứng biến, con người có số cả, từ từ rồi giải quyết...
Trong bữa ăn, Tôi có đề cập đến Trung, và kể rõ đầu đuôi câu chuyện, Ba mẹ biết được quan hệ giữa hai đứa tôi, nên khuyến khích Tôi hãy mau chóng cho gia đình Trung rõ, Tôi vâng lời, và lấy xe đến nhà cha mẹ Trung... cả nhà Trung vô cùng ngạc nhiên thấy Tôi xuất hiện tối như vậy. Thật khó khăn lắm Tôi mới mở đầu được câu chuyện phải nói, Tôi trình bày cặn kẽ mọi việc, và đốc thúc mọi người xuống Long Xuyên liền để kịp nhận xác Trung.
Gia đình Trung rất tháo vát và tài tình, đã đem xác Trung từ Long Xuyên về Sài Gòn trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này!
Đám tang của Trung được tổ chức rất chu đáo, anh được an táng tại một nghĩa trang gần nhà. Vợ Tôi trở về quê nhà, hái lên một cần xé trái cây đủ loại, mang đến để cúng viếng Trung, và cũng để mọi người dự đám tang Trung giải khát. Tôi thật sự mất Trung từ đây!
Có lẽ, anh đã phù hộ cho Tôi rất nhiều, để Tôi mới thoát qua được bao khó khăn, an toàn về đến Sài Gòn, báo tin kịp thời cho gia đình anh, đưa anh về an nghỉ ở nghĩa trang gần nhà như Tôi đã kể trên?!
Lúc sinh tiền, Trung và Tôi hay nghêu ngao hát bài: “Hát cho một người nằm xuống”. Bây giờ Âm dương cách trở, Tôi sẽ chẳng bao giờ hát bài này nữa, vì trong Tôi, anh vẫn sống, trưởng cửu như lời của một danh tướng:
“Người lính không bao giờ chết, họ chỉ lạt phai theo thời gian”
Định mệnh đã khiến Tôi quyết định quay trở lại đáp Long Xuyên, để được gặp Trung lần cuối, Ôi! ngày 30 tháng 4 oan nghiệt, đã khiến Tôi mang hai cái tang lớn: tang cho Đất nước và tang cho người bạn thân thiết nhất của Tôi...
Với Tổ quốc, Trung đã hoàn thành nhiệm vụ mà anh đã lãnh nhận, với gia đình, vợ con, anh thật sự là một người chồng gương mẫu, một người cha kiêu hùng, đảm lược, sáng danh cho dòng họ anh. Với bạn bè, anh đã là một tấm gương sáng, là một người để chúng tôi noi theo. Và với bản thân Tôi, Tình Bạn vẫn muôn đời trong sáng.
Anh đã hy sinh để chúng ta được sống, tồn tại đến bây giờ, nhưng thực tế, mấy ai biết được? Tuy vậy,những việc làm của anh để lại, chính là những ánh đuốc sáng ngời, soi rọi những bước đường tìm lại Quê Hương yêu dấu của chúng ta!
Nhưng đau đớn thay, sự trở lại đáp Long Xuyên của Tôi ngày ấy, đã dẫn đến hàng loạt Những khổ nạn mà Tôi phải gánh chịu:
Trước tiên, chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của người bạn chí thân trong quân ngũ. Tiếp nối, là bản thân bị đi Tập Trung Cải Tạo tại miền Bắc Việt Nam. Sau cùng là: hứng chịu cảnh Gia Đình Nát Tan., vợ Tôi trên đường vượt Biển, đã bị bọn Khốn kiếp Thái Lan, hãm hại, thi thể bị chặt ra từng khúc (như lời báo mộng của nàng cho Mẹ và con được biết cùng một ngày)
Đau thương tiếp nối đau thương, chồng chất lên người Tôi, nhưng giờ đây chỉ còn là kỷ niệm, mà đã là kỷ niệm thì dù vui hay buồn Tôi cũng luôn trân quý...
Cali những ngày nhớ về 30 tháng 4 đen,
NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG
(Viết cho Trung, cho Tôi, và những chiến sĩ năm xưa)
Gửi ý kiến của bạn