BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72809)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Từ chức - Văn hóa, lương tri hay đạo đức ?

13 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 1146)
Từ chức - Văn hóa, lương tri hay đạo đức ?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Báo chí khi nói về vấn đề TỪ CHỨC, hay dùng cụm từ “VĂN HÓA TỪ CHỨC”. Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) trong một bài trao đổi với vnexpress [1] thì nói cụ thể hơn: “Từ chức là chuyện văn hóa hơn là chuyện pháp lý, chế tài ở đây chính là lương tri. Và ông nói thêm “Nếu có một văn hoá chính trị dựa trên lương tri thì việc từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ là điều gần như bắt buộc”.

Nghe giải thích vậy, tưởng ổn mà hóa chưa ổn.

Trước tiên, cần nhắc lại hai điều đơn giản ai cũng biết này: Thứ nhất, “CHỨC TƯỚC” dù ở cấp bậc nào, suy cho cùng đều do DÂN trực tiếp hay gián tiếp tạo ra, dựng nên. CHỨC to đến mấy mà KHÔNG CÓ DÂN thì có khác chi TƯỚNG không QUÂN?!. TƯỚNG cũng xếp só mà CHỨC cũng xếp só – Đều “về đuổi gà cho vợ”. Trong hoàn cảnh như thế, còn ra lệnh cho ai? Hò hét với ai? Lên mặt với ai và… TỪ CHỨC với ai?!. Thứ hai, mọi CHỨC TƯỚC đều xuất phát từ NHU CẦU CUỘC SỐNG CỦA DÂN, CỦA NƯỚC chứ không phải vì bản thân người có chức. Khi hết “nhu cầu” hay khi không đáp ứng được nhu cầu, thì THÔI CHỨC, TỪ CHỨC là việc đương nhiên, là chuyện thường tình.

Vậy thì việc TỪ CHỨC đâu chỉ là chuyện “có văn hóa hay không có văn hóa”, là “có lương tri hay không có lương tri” mà còn phải được coi là HÀNH VI ĐẠO ĐỨC nữa. Với các nước thế nào không biết, nhưng với nước ta, việc nói một người có hay không có văn hóa, không thực sự quan trọng, bởi cái cụm từ đó hơi trừu tượng. Nhưng nếu nói một kẻ nào đó là “thất đức”, thì ai ai cùng thấy ngay và chắc chắn kẻ đó sẽ nhận được sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của mọi người, thậm chí của cả người thân.

Không chỉ có vậy, hành vi TỪ CHỨC còn phải được coi là TRÁCH NHIỆM và NGHĨA VỤ của người có chức nữa. Thật vậy, một ông giám đốc không biết làm việc hoặc làm việc quá yếu kém dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thua lỗ triền miên, không chịu từ chức, sẽ dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp, cho người lao động… Một quan đầu tỉnh kém cỏi, làm cả tỉnh thụt hậu, đời sống nhân dân khốn khó… Vậy mà không chịu từ chức, nhất định khư khư ôm chặt lấy cái ghế (cứ nhầm là ghế “của mình”!), thì đó là kẻ không chỉ vô văn hóa, vô lương tri, vô đạo đức, không hoàn thành nghĩa vụ được giao, mà còn thực sự vô trách nhiệm nữa. Phải biết XẤU HỔ khi doanh nghiệp “mình”, địa phương “mình”, ngành “mình”… thua kém doanh nghiệp “bạn”, địa phương “bạn”, ngành “bạn” mới là kẻ có TRÁCH NHIỆM, có lương tri, có văn hóa, có đạo đức.

Nhưng tại sao mà cái sự TỪ CHỨC ở nước ta nó khó thế? Có người nói: Vì dân ta “có thói quen khinh thường người từ chức”, hay dị nghị là “thằng đó thế nọ thế kia nên phải từ chức“. Nói thế là ngụy biện, nếu không muốn nói là coi thường dân, coi thường ngay cả người có hành động từ chức.

Vậy thì thực chất lý do của chuyện THAM QUYỀN, CỐ VỊ là gì? Có nhiều, chỉ tạm nêu ba điều sau:

Một là lý do kinh tế: Điều này ai ai cũng thấy. Bởi thứ nhất CHỨC QUYỀN luôn gắn với LỢI LỘC. Thứ hai CHỨC có khi do “MUA” mà có, tốn tiền mua mà TỪ CHỨC thời “LỖ TO”, vợ con “treo niêu”…

Hai là: Mặc dù chúng ta vẫn thường nói “Cán bộ là CON EM nhân dân”, nhưng nhiều kẻ cứ leo lên đến CHỨC CAO, được “ăn trên ngồi trốc” là quên béng cái đạo lý khởi thủy đơn giản đó; thậm chí có khi còn ngộ nhận mình là “ĐẤNG” nào ấy, rồi khinh thường tất cả, quên ơn người đã “dựng” mình lên, đã nuôi dậy mình, đã ủng hộ mình – Chỉ muốn coi mình là CON TRỜI thôi! Thế cho nên mới tự cho cái việc TỪ CHỨC là quyền của mình, là tùy thuộc nơi cái THẾ LỰC, cái CHỖ DỰA của bản thân mình, chứ còn cái gọi là Ý NGUYỆN của DÂN CHÚNG, LỢI ÍCH của TẬP THỂ, lỗi phép nhé, NGÀI ĐÂY để ngoài tai!.. Khi đã tự coi là kẻ TRÊN DÂN thì chỉ có việc DÂN PHẢI TUÂN LỆNH, chứ làm gì còn chuyện phải LẮNG NGHE DÂN, VÂNG LỜI DÂN!..

Ba là: Thật buồn khi phải nói ra điều này, thực tế cho thấy, điều khiến người có chức không từ chức còn vì… người đó không nhận ra, không nhận thức được trình độ mình YẾU KÉM – kể cả RẤT YẾU KÉM, nên cứ VÔ TƯ YÊN VỊ trên cái GHẾ mà ông ta được ngồi, đang ngồi!.. Cho nên phải nói thêm: Muốn TỪ CHỨC, người có chức còn phải có TRÍ THỨC, phải THÔNG MINH chứ không thể như con vịt, suốt ngày “cạc cạc”.

Mới đây thôi, một người Nhật – ông Ryu Matsumoto, Bộ trưởng Bộ Tái thiết , chỉ do LỠ LỜI với DÂN, mà phải “nghẹn ngào cất lời xin lỗi về những phát biểu của ông có thể làm tổn thương tình cảm của các nạn nhân thảm họa “. Đó rõ ràng là hành vi vừa mang tính VĂN HÓA, vừa là LƯƠNG TRI và cũng vừa là ĐẠO ĐỨC của một quan chức do dân, của dân, vì dân chứ?!. Thật buồn khi kiểm lại, từ sau vụ ngài Bộ trưởng Lê Huy Ngọ TỪ CHỨC (do lỗi của cấp dưới), đến nay, trước tình hình xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục… có khá nhiều chuyện bê bối… nhưng chưa hề thấy thêm một GƯƠNG TỪ CHỨC NÀO. Thực ra thì cũng đã có đấy, đó là trường hợp một vị vốn đảm nhiệm nhiều chức, nhưng khi cơ sở mà ông trực tiếp phụ trách gặp chuyện bê bối, thì ông từ chức – cái chức đang có chuyện bê bối mà chuyện bê bối lại chính là “tác phẩm” của ông. Còn cái chức chung chung khác, to hơn, nhiều lợi quyền hơn, thì không, không đời nào từ bỏ!.. Trong trường hợp ấy, đâu chỉ còn là vấn đề VĂN HÓA? Là ĐẠO ĐỨC hẳn hoi đấy chứ?!.

Các nước khi một người được bầu vào chức vị nào đó, thường trước khi đảm nhận thực sự, phải qua một bước thủ tục quan trọng: TUYÊN THỆ NHẬM CHỨC. Thiết nghĩ đã đến lúc Quốc Hội chúng ta cũng phải đưa cái chuyện TUYÊN THỆ này vào quy chế bầu cử. Và trong nội dung các lời tuyên thệ ấy, tối thiểu cũng nên có điều: “Nếu tôi không hoàn thành chức trách được giao, tôi sẽ xin từ chức”. Đồng thời Quốc Hội cần phải giải thích cho người đó hiểu rằng, nếu đã không hoàn thành chức trách được giao mà ngoan cố không từ chức, là vi phạm ĐẠO ĐỨC CÔNG DÂN và lúc ấy, Quốc Hội buộc phải thực thi cái QUYỀN LỰC TỐI CAO của NHÂN DÂN, là CÁCH CHỨC ông ta.

Trần Huy Thuận

Theo http://nguyentrongtao.org/2011/07/13/t%e1%bb%ab-ch%e1%bb%a9c-%e2%80%93-van-hoa-l%c6%b0%c6%a1ng-tri-hay-d%e1%ba%a1o-d%e1%bb%a9c/

 ___________

[1] http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2006/04/3b9e8323/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn