BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76294)
(Xem: 62992)
(Xem: 40400)
(Xem: 31997)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đầu tư cho điện ảnh không hơn khai thác bauxite ở Tây Nguyên sao?

13 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 883)
Đầu tư cho điện ảnh không hơn khai thác bauxite ở Tây Nguyên sao?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Đọc bài báo “Điện ảnh VN sôi động nửa cuối năm” ngày 8.7.2011 trên trang VNExpress với những thông tin như sau:

“Có ít nhất 10 tác phẩm mới của điện ảnh Việt Nam, ở đủ các dòng phim như kinh dị, tình cảm, tâm lý, hành động, hài sẽ lần lượt ra rạp từ tháng 7 đến tháng 12 năm nay. …Trong 6 tháng đầu năm, phim Việt chỉ tập trung vào hai "mùa vàng" là dịp Tết nguyên đán và tháng 4…Tuy nhiên, nửa cuối năm nay, phim Việt hứa hẹn sẽ có nhiều đột phá lớn với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi mới. Nếu như năm ngoái chỉ có khoảng 7 phim ra rạp "trái mùa" thì từ nay đến cuối năm, mỗi tháng sẽ có ít nhất một tác phẩm mới của điện ảnh Việt Nam được giới thiệu đến công chúng. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động sôi nổi của giới làm phim độc lập như tiệc phim trực tuyến Yxine hay cuộc thi Làm phim 48 giờ lần đầu diễn ra tại Hà Nội cũng góp phần tạo nên bộ mặt muôn màu cho phim Việt trong 6 tháng cuối năm.”



Cũng mừng cho nền điện ảnh nước nhà. Ít nhất, về mặt số lượng, năm nay có khoảng 16, 17 phim Việt Nam ra rạp. So với cách đây chừng 2, 3 năm, mỗi năm điện ảnh VN chỉ sản xuất khoảng trên dưới 10 phim, và hầu hết là dành cho mùa chiếu Tết. Nên năm nào cũng có hiện tượng so găng, kèn cựa với nhau để được ra rạp lớn, rạp tốt, vào đúng ngay dịp Tết. Bởi nếu phim nào bị xếp vào diện kém ăn khách hơn, phải dạt ra sau mùng 10 chẳng hạn, là đã thấy khó thu đủ sở hụi rồi.

Suốt nhiều năm ròng, cả một nền điện ảnh mà chỉ trông chờ có mùa phim Tết! Thật thảm! Bây giờ, số lượng đã tăng, lại chiếu rải rác quanh năm, tập cho khán giả thói quen xem phim Việt “trái mùa” như vậy là mừng.

Bài báo trên cũng cho thấy dòng phim thương mại ở VN năm nay dần dần đa dạng, phong phú hơn về nhiều khía cạnh: Đề tài, thể loại-không chỉ là phim hài và phim tình cảm như vài năm trước, có cả phim kinh dị, phim hành động phiêu lưu…Đội ngũ sáng tác: có sự góp mặt của các đạo diễn học ở nước ngoài trở về VN làm việc bên cạnh các đạo diễn trong nước. Nhà sản xuất: bên cạnh các hãng phim nhà nước, hãng phim tư nhân là sự xuất hiện của các nhà làm phim độc lập v.v…

Nhưng mừng là so với chính mình, chứ thật tình một quốc gia xấp xỉ 90 triệu dân mà mỗi năm sản xuất chưa đến 20 phim, là quá ít. Na Uy, quốc gia mà nền điện ảnh cũng chẳng lấy gì làm nổi trên thế giới, một năm cũng sản xuất khoảng 20 phim, nhưng dân số của Na Uy thì chỉ có…4,8 triệu!

Vào cuối thập niên 80 cho đến giữa thập niên 90, điện ảnh VN đã từng có một giai đoạn “bùng nổ” về số lượng, với dòng phim video thị trường, thường hay bị gọi bằng một cái tên không được đẹp là phim “mì ăn liền”. Thời điểm ăn nên làm ra nhất, mỗi năm có khoảng 50-60 bộ phim ra rạp. Và cũng đủ để tài, thể loại từ tình cảm-nhất là mảng tình yêu tuổi học trò, phim cổ tích, phim dã sử kiếm hiệp, phim hành động, võ thuật ….

Với một thị trường đầy tiềm năng như VN-dân số đông đứng hàng thứ 13 trên thế giới, trong đó số lượng người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ cao, điện ảnh VN lẽ ra phải sản xuất ít nhất cũng bằng thời phim mì ăn liền trước kia, nếu không muốn nói đến con số tròm trèm một trăm phim/năm.

Nhưng nếu muốn sản xuất được như vậy thì phải cần nhiều điều kiện.

Có lần, tôi đã từng viết bài “Điện ảnh VN-vì sao chưa thể bay cao bay xa?” đăng trên trang Diễn đàn thế kỷ, đề cập đến những nguyên nhân vì sao điện ảnh Việt Nam chưa thể phát triển thành một nền công nghiệp hái ra tiền cũng như chưa có được những tác phẩm có tiếng vang trên thế giới. Bài viết đã nói khá đủ, nay chỉ xin vắn tắt lại như sau:

1. Yếu tố con người. Nói đến con người tức là nói đến khâu đào tạo. Nhà nước phải có chính sách đầu tư cho những người có tiềm năng được đi học ở các nước có nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới, đồng thời có chiến lược đầu tư cho khâu đào tạo trong nước-trường lớp, giảng viên, sách vở tài liệu, điều kiện thực tập …

2. Yếu tố kỹ thuật, công nghiệp. Điện ảnh là kỹ thuật, là cả một nền công nghiệp từ sản xuất cho đến quảng cáo, phát hành. Ở Việt Nam chưa hề có một nền công nghiệp điện ảnh từ khâu đầu tiên: sản xuất kịch bản cho tới khâu cuối cùng: phát hành. Và cũng chưa có một thị trường điện ảnh để có thể tái sản xuất, quay vòng vốn nhanh cho ra đời nhiều bộ phim mới.

3. Kinh phí. Số tiền trung bình để sản xuất một bộ phim truyện ở VN so với thế giới còn rất thấp -phim do tư nhân làm thường chỉ khoảng trên dưới 5-6 tỷ đồng Việt Nam, cao lắm là 10 tỷ-nghĩa là từ 300.000 -hơn 500.000 USD. Một số phim do nhà nước đặt hàng sản xuất nhiều khi lại có kinh phí lớn hơn nhưng có thật tất cả số tiền đó được bỏ vào bộ phim hay không thì không biết. Số tiền này với VN là lớn nhưng so với mức đầu tư của các nước khác trong vùng, chưa nói đến Âu Mỹ, vẫn là thấp.

4. Không có một nền văn học lớn. Nhìn lại các nền điện ảnh lớn trên thế giới từ Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Ấn, Trung Quốc… họ đều có một nền văn học lớn, là nguồn kịch bản dồi dào cho những bộ phim. Có thể nói thẳng, Việt Nam chưa có một nền văn học lớn thì đừng mong có một nền điện ảnh lớn. Ngoài ra, điện ảnh là một loại hình nghệ thuật sinh sau đẻ muộn so với một số bộ môn nghệ thuật khác đồng thời lại mang tính tổng hợp, được xây dựng từ cái nền của những bộ môn này. Cái nền càng dày dặn thì điện ảnh càng có sức bật để tạo ra những tác phẩm lớn.

5. Không có một chính sách và một chiến lược đầu tư, bảo hộ từ phía nhà nước.

6. Và cuối cùng là một môi trường tự do cho sự sáng tạo.

Trong tất cả các yếu tố trên thì yếu tố quan trọng, bao trủm nhất là chính sách, chiến lược đầu tư, bảo hộ của nhà nước.

Trong bải viết kể trên, tôi cũng đưa ra ví dụ về một nền điện ảnh khá gần gũi với VN là Hàn Quốc. Chính chiến lược đầu tư rất bài bản của chính phủ Hàn Quốc đã dẫn đến sự thành công ngoạn mục của nền điện ảnh nước này trong vòng vài thập niên trở lại đây. Trước đó sức hút của điện ảnh châu Á nằm ở Hongkong, Nhật Bản.

Thành công của nền điện ảnh Hàn Quốc không chỉ ở chuyện cạnh tranh được với phim Hollywood ngay trên sân nhà và xuất khẩu ra bên ngoài, làm mưa làm gió tại nhiều nước châu Á. Thành công cũng có nghĩa là doanh thu, lợi nhuận. Điện ảnh là nền công nghiệp hái ra tiền. Với những nền điện ảnh lớn, đó là con số từ hàng triệu USD cho đến hàng chục, hàng trăm tỷ USD/năm. Không phải ngành công nghiệp nào cũng làm được điều này.

Đi kèm với doanh thu, lợi nhuận có được từ bộ phim qua việc chiếu phim trong nước, bán bản quyền phim ra nước ngoài, in ra băng đĩa, bán soundtrack của bộ phim, đĩa nhạc bài hát trong phim …Là cả một chiến dịch xuất khẩu hàng hóa qua khâu quảng cáo từ mỹ phẩm cho tới thời trang, giày dép,túi xách, điện thoại, laptop, iPhone, xe gắn máy, ô tô v.v…ăn theo diễn viên trong phim. Là cơ hội quảng bá về văn hóa, lối sống, du lịch…Rất nhiều cô nhiều bà khi xem phim Hàn xong đã trang điểm, cắt tóc, ăn mặc theo kiểu Hàn Quốc, đi du lịch Hàn Quốc, thậm chí đến Hàn Quốc chỉ để… giải phẫu thẫm mỹ cho đẹp như các diễn viên trong phim.

Quyền lực mềm, khả năng truyền bá văn hóa qua phim ảnh là điều không ai còn chối cãi. Điện ảnh Hollywood là một ví dụ quá rõ. Văn hóa Mỹ, lối sống Mỹ cho đến hàng hóa Mỹ qua phim ảnh đã tác động đến cả thế giới. Gần đây, Trung Quốc cũng đã hết sức ý thức về điều này và đang có “âm mưu” đầu tư lớn cho nền công nghiệp điện ảnh đề có thể sản xuất ra những bộ phim cạnh tranh với Hollywood và truyền bá văn hóa Trung Hoa ra thế giới.

Chúng ta không phải mơ mộng quá cao, nhưng nếu đầu tư đàng hoàng tử tế, có chiến lược lâu dài cho điện ảnh VN thì chỉ trong vòng một, hai thập niên, ngành công nghiệp này không chỉ đem lại công ăn việc làm cho hàng ngàn con người, đem lại lợi nhuận cao, đồng thời quảng bá hàng hóa, văn hóa, du lịch VN với nước ngoài.

Đôi khi tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, không hiểu “các trí tuệ đỉnh cao” ở cung triều Hà Nội nghĩ gì khi cứ đâm vào những lĩnh vực chỉ làm nghèo đất nước, và đem lại muôn vàn cái hại cho môi trường, xã hội, an ninh quốc phòng…Như đầu tư vào chuyện khai thác bauxite ở Tây Nguyên, cho nước ngoài thuê đất thuê rừng đầu nguồn với giá rẻ mạt như cho, xây tàu cao tốc…chẳng hạn. À nhưng mà những cái này làm nghèo đất nước, làm hại cho dân nhưng lại làm giàu cho một thiểu số những ai đó, vấn đề là như vậy!

Song Chi

11-07-2011

Theo Blog Song Chi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn