BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73182)
(Xem: 62205)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trong ứng ngoài hợp là nhân đôi sức mạnh!

27 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 956)
Trong ứng ngoài hợp là nhân đôi sức mạnh!
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Sau những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gần đây của đồng bào trong nước, dư luận bàn nhiều đến yếu tố hải ngoại trong vấn đề tác động đến những hoạt động đấu tranh giành Dân chủ hóa đất nước, và đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược. Có nhiều ý kiến cho rằng: Hải ngoại không nên tham gia xúc tiến hay tác động vào các hoạt động biểu tình của người dân trong nước, ta hãy xem xét nghiêm túc ý kiến này:



Qua nghiên cứu và là người trong cuộc của Phong trào đấu tranh trong nước, người viết có thể đưa ra một nhận xét chủ quan là: Trong hàng chục năm qua, nếu không có những nỗ lực của người Việt hải ngoại thì trong nước chưa thể có một cái gì gọi là phong trào đấu tranh, có chăng chỉ là những bức xúc đơn lẻ của đồng bào dân oan, hoặc tiếng nói của một số cán bộ đảng viên Đảng Cộng Sản bị thất sủng mà thôi. Những chuyện như vậy mãi mãi và không bao giờ có thể gọi là, hoặc trở thành cách mạng.

 Trước đây nhắc đến Việt Nam, người ta không thể tách rời Miền Nam và Miền Bắc. Việc bất đắc dĩ phải phân chia tạm thời Nam – Bắc, là do chính phủ của Hồ Chí Minh đã phá hoại cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước được hiệp định Geneve quốc tế xác định thời gian tiến hành tháng 07/1956. Về con người, người Việt Nam trên khắp thế giới, dù sống xa quê hương, họ vẫn là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Họ phải lìa bỏ quê hương vì chiến tranh, giặc giã và gần đây là chạỵ trốn thảm họa Cộng Sản. Xét trên góc độ pháp lý, rất nhiều người Việt hải ngoại vẫn mang hai quốc tịch, vậy họ vẫn có quyền tham gia vào mọi hoạt động kinh tế hay chính trị ở Việt Nam. Vậy cũng giống như nước Việt không thể chia đôi, người Việt trên toàn thế giới không thể bị phân rẽ.

 Về mặt nguồn gốc chủng tộc và vị trí chính trị hợp pháp của người Việt hải ngoại đối với quốc nội, như vậy không ai có thể phủ nhận. Về mặt ý chí đấu tranh và tư duy cách mạng của người Việt thì như thế nào? Trong lịch sử đã có vua Nguyễn Phúc Ánh chạy trốn sang Xiêm, để rồi quay về giành lại bờ cõi, và trở thành vị vua đầu tiên của Việt Nam có công thống nhất đất nước. Cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Châu Trinh cùng bao chí sĩ khác đều chọn con đường ra hải ngoại để học hỏi kiến thức và tìm kiếm sự trợ giúp từ nước ngoài, cụ thể là từ người ngoài, ngày đó chưa có cụm từ “người Việt hải ngoại”. Bản thân Hồ Chí Minh cũng chọn con đường dựa vào Liên Xô và Trung Quốc để làm nên Cách mạng tháng 8. Đặc biệt phải kể đến việc Hoa Kỳ, mà trực tiếp là cục tình báo trung ương 0SS (tiền thân của CIA) đã hậu thuẫn đắc lực cho Hồ Chí Minh giành chiến thắng năm 1945.

 Làm cách mạng phải biết tận dụng tất cả các yếu tố trong, ngoài thì mới mong đạt được thắng lợi. Tinh thần cục bộ thủ cựu tự cô lập mình, chính là cách nhanh nhất tiến đến thất bại. Ta hãy xem các cuộc cách mạng ôn hòa trên thế giới đã diễn ra và đi đến đích như thế nào: Liên Xô sụp đổ là do Gorbachov quyết định chuyển cơ chế chính trị đất nước sang thể chế Đa nguyên Đa đảng. Nhưng trước hết phải kể đến công sức của các cường quốc Tư Bản đã dùng đủ mọi áp lực về chính trị và nhất là kinh tế, nhằm làm suy thoái Liên Xô. Và thực ra Gorbachov là ai, đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

 Đối với cuộc sụp đổ Đông Âu, ngoài việc các nước Xã Hội Chủ Nghĩa tự suy yếu thì còn có bàn tay của các tổ chức thân với phe Dân chủ từ các quốc gia láng giềng tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào môi trường chính trị đối lập. Nhiều nhóm, nhiều tổ chức đấu tranh trong các nước Đông Âu đã được trợ giúp tiền bạc, và nhất là được bồi dưỡng kiến thức hạ bệ Độc tài từ những đồng hương của họ lúc đó đang sống lưu vong. Ngay cả Bắc Phi và Trung Đông hiện nay, vấn đề có sự tác động từ bên ngoài đến những cuộc xuống đường đồng loạt tại nhiều quốc gia trong thế giới Ả Rập là điều rất rõ nét.

 Đối với câu chuyện Trong – Ngoài của người Việt có tính chất tương đối khác. Người Việt hải ngoại vừa là người Việt nhưng đồng thời họ cũng là người Mỹ, người Úc, Canada vv.., tùy theo nước mà họ đang sinh sống. Vậy không có lẽ gì mà lại không có mối dây liên hệ nào về mặt chính trị giữa những công dân gốc Việt của các nước kể trên với thể chế quốc gia mà họ đang cư ngụ. Nếu phe Dân chủ mà ra mặt tấn công những nước Độc tài thì rõ ràng là vi phạm luật quốc tế. Nhưng trong tư tưởng của các nước Dân chủ không bao giờ chấp nhận thể chế Độc tài, nhất là Độc tài Cộng Sản. Cách tốt nhất là họ hỗ trợ mọi mặt cho việc tự vận động từ bên trong các nước Độc tài, và Việt Nam chắc chắn là không nằm ngoài con đường này. Vậy cầu nối cho chủ trương Dân chủ hóa Việt Nam, từ các nước Dân chủ, không có ai hơn là người Việt hải ngoại.



Gỉa sử như đồng bào Việt Nam trong nước tự đứng lên làm được một hay nhiều cuộc xuống đường thật, nếu không có công luận quốc tế, công an và quân đội Việt Nam cứ thẳng tay đem xe tăng và súng máy mà tàn sát các cuộc biểu tình như Thiên An Môn (Trung Quốc) thì cũng chẳng ai làm gì nổi họ. Nhưng nếu có áp lực quốc tế thì nhà cầm quyền không dám tàn sát dân lành, mà không ai có thể tác động đến công luận quốc tế mạnh hơn người Việt hải ngoại. Vậy yếu tố bên ngoài thực sự là một yếu tố quyết định thành, hay bại của cách mạng.

 Xin nhớ rằng: Tất cả các cuộc xuống đường thành công tại các quốc gia ở Đông Âu, Chi Lê, Bắc Phi, Trung Đông vv.., đều là do cảnh sát và quân đội đã đứng ngoài cuộc xuống đường, thậm chí như ở Rumania và một số nước khác, quân đội còn tham gia biểu tình cùng với dân chúng. Vậy nếu chúng ta chỉ nhìn vào mấy cuộc biểu tình nhỏ lẻ chống Trung Quốc mà đã mơ mộng đến một cuộc cách mạng thành công thì qủa là đã quá lạc quan. Ví dụ như ở Ba Lan – Một nước có tới 89,8% dân số là Ki Tô hữu - Và các hoạt động đấu tranh ôn hòa bắt đầu từ xưởng đóng tàu Lê Nin do Lech Walesa khởi xướng, đều được Giáo Hoàng Gohn Paul II ủng hộ. Nhưng phải mất gần trọn 10 năm và với hàng trăm cuộc biểu tình lớn nhỏ, có những cuộc biểu tình lên đến 250 ngàn người, thì cách mạng Dân chủ hóa mới thành công. Nếu như ở Việt Nam, những người đấu tranh không có một chiến lược “dài hơi” thì không thể có chiến thắng. Vậy thì đừng vội nghĩ rằng, không cần ai giúp, tự người trong nước có thể làm được tất cả…

 Trong trường hợp một cuộc xuống đường phản kháng chế độ Độc tài mà bị đàn áp mạnh tay, hoặc kéo dài bế tắc dẫn đến bạo lực như tại Cosovo – South Slavia trước đây, hay Libya hiện nay. Nếu không có sự bảo vệ cứng rắn từ các nước Dân chủ thì chắc chắn những người đối kháng sẽ bị cảnh sát và quân đội tại các nước đó đè bẹp. Lúc này yếu tố bên ngoài lại tiếp tục là yếu tố quyết định cho sự thành công, tuy rằng nó ít nhiều sẽ bị hao tổn xương máu.

 Đối với Việt Nam, một nguồn sống cho những người đấu tranh trong nước là tiền bạc. Hàng năm, lượng ngoại hối đổ về Việt Nam khoảng 8 tỉ USD, trong số đó sẽ có một tỉ lệ nhất định dành cho công cuộc đấu tranh ôn hòa chống Độc tài trong nước. Nguồn tiền này từ đâu? Vẫn là do người Việt hải ngoại chuyển về. Người viết bài này là một người trong cuộc nên có thể khẳng định rằng: Nếu không được trợ giúp tiền bạc để phá thế bao vây kinh tế của công an Việt Nam đối với các nhà đấu tranh thì rất nhiều người đã phải bỏ cuộc. Xin nhắc lại ý đã dẫn ở trên: “Có chăng chỉ là những bức xúc đơn lẻ của đồng bào dân oan, hoặc tiếng nói của một số cán bộ đảng viên Đảng Cộng Sản bị thất sủng mà thôi. Những chuyện như vậy mãi mãi và không bao giờ có thể gọi là, hoặc trở thành cách mạng”.

 Người Việt trong nước có sợ hải ngoại đem Cờ Vàng về không? Không, bởi chọn lá cờ nào đại diện cho một quốc gia mới (trong giả định) là quyền của toàn dân, vì lúc đó nước ta đã có dân chủ rôi. Người Việt trong nước có sợ hải ngoại về tranh công không? Không, vì bầu ai, chọn đảng nào lên nắm quyền là do toàn dân, tuyển cử công khai minh bạch. Thêm nữa là người Việt hải ngoại đã định cư ở những nước văn minh lâu rồi, họ không mấy thiết tha quay về để “dọn rác” cho chế độ Độc tài. Nội việc sống trong một không gian ô nhiễm nặng nề về môi trường, về giáo dục, về nhân cách, cứ đi ra đường là có thể gặp tử thần, như ở Việt Nam hiện nay thì không ai muốn về quê hương. Người viết xin dự đoán rằng, giả sử hôm nay cách mạng Dân chủ hóa đất nước đã thành công, thì cũng phải mất ít nhất là 100 năm nữa Việt Nam mới có thể có một xã hội trong lành về mọi mặt. 

 Người dân trong nước có quyền chọn lựa hai phương án: Một là, họ tự lập ra các tổ chức dân sự đấu tranh. Hai là, ghi tên gia nhập các tổ chức đấu tranh ở nước ngoài. Theo người viết bài này thì mỗi phương án đều có mặt mạnh và mặt yếu. Nhưng nếu một tổ chức tự hình thành trong nước mà đấu tranh nghiêm chỉnh, thì vẫn chắc chắn sẽ được hải ngoại hỗ trợ và quốc tế quan tâm. Ví dụ như Viện IDS của tiến sĩ Nguyễn Quang A mà công khai lên tiếng đấu tranh thì rất đáng chú ý. Liệu đồng bào trong nước có làm được hay không? Đó vẫn còn là câu hỏi.

 Vậy hiện nay nếu có ai đó cho rằng, không cần bên ngoài - Cụ thể là người Việt hải ngoại - Xen vào “chuyện đấu tranh trong nước”, thì đó là những suy nghĩ rất bất công, thể hiện tư duy chính trị cục bộ, thiển cận, và cũng có thể đây là một ẩn ý thiếu xây dựng. Những người đó có thể phát biểu, nhưng tin rằng đồng bào trong nước sẽ không bị những thứ hỏa mù đó che mắt. Họ sẽ biết rằng: “Trong ứng ngoài hợp” là nhân đôi sức mạnh!

 Lê Nguyên Hồng

 Theo http://lenguyenhong.blogspot.com/2011/06/trong-ung-ngoai-hop-la-nhan-oi-suc-manh.html
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn