BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tâm niệm thứ hai

27 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 864)
Tâm niệm thứ hai
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Trong bài blog trước tôi có chia sẻ với các bạn về câu nói “xin lỗi”. Đó cũng là tâm niệm thứ nhất của tôi về đất nước Việt Nam. Hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn về tâm niệm thứ hai của tôi. Đó là: ngày nào đất nước chúng ta còn bị ách độc tài, độc đảng thống trị thì ngày đó chúng ta vẫn còn sẽ tiếp tục chứng kiến cảnh người dân Việt Nam phải tìm đường trốn chạy, xin tỵ nạn ở những quốc gia tự do hơn. Con số này sẽ không nhiều như trong thập niên 1970, 1980 nhưng chắc chắn một điều: nó sẽ không bao giờ chấm dứt cho đến khi nhà cầm quyền Việt Nam thật sự tôn trọng những quyền hạn tối thiểu của người dân theo đúng như luật pháp quốc tế quy định.



Tôi xin nói thêm. Nhận định trên của tôi hoàn toàn không phải dựa vào cảm tính nhất thời mà đó là sự đúc kết sau gần hai thập niên làm việc tỵ nạn trên khắp Đông Nam Á. Từ lúc tôi vẫn còn đi học mãi cho đến tận bây giờ. Và có thể là ít nhất cũng 5, 7 năm nữa cho đến khi tôi… chán thì thôi.

Tôi dùng từ “chán” ở đây vì thật chính nó là vậy. Tôi làm vì tôi thích làm, thế thôi. Lúc nào tôi cảm thấy chán thì tôi sẽ ngưng. Rất đơn giản. Vì từ lúc bắt đầu công việc này, tôi chưa bao giờ “phải” làm “cho” ai, hoặc “bị” ai bắt buộc mình phải làm, hay vì chức tước, lương bổng, hoặc bị… dụ khị.

Hơn thế nữa, từ đó cho đến nay động lực lớn nhất và duy nhất thúc đẩy tôi lao vào công việc là vì lý do nhân đạo. Chứ không phải là vì lý do chính trị như một số nhận định (của anh bạn tên Vũ đang làm công an ở phòng A25 trên đường Nguyễn Văn Cừ chẳng hạn). Từ năm 14 tuổi tôi đã rời Việt Nam và vì thế những nhận định của tôi về đất nước và thể chế chính trị vào lúc bấy giờ rất hời hợt nếu không muốn nói là rất hạn hẹp. Bản chất tôi lại là người thích được tự do, phóng khoáng nên từ nhỏ tôi đã không ham mê gì chuyện hội họp, vào hội đoàn, gia nhập đảng phái, v.v… bất kể đó là của người Úc chính cống hay của cộng đồng Việt Nam.

Nói tóm lại tôi là thằng ham chơi hơn là làm chuyện chính trị.

Thoạt đầu ở Hồng Kông và sau này ở Philippines tôi chỉ muốn giúp đỡ một số trường hợp vợ chồng có hồ sơ bị tách ra một cách vô lý và vì vậy họ đã không sống được gần nhau. Tôi muốn thấy họ được sum họp. Như chính gia đình tôi mười năm trước đó.

Sau này tôi lại muốn thấy mẹ gặp được con, anh em gia đình được đoàn tụ, xum vầy và vì thế tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác tôi tiếp tục đeo đuổi công việc đơn giản vì tôi thấy mình làm cũng… OK. Và quan trọng hơn nữa là tôi luôn cảm thấy rất vui, rất hạnh phúc với công việc của mình.

Nhưng lúc ấy trong thâm tâm tôi cứ mong sao cho công việc sớm thành công để mọi người ai cũng có thể về nhà người ấy – finito – coi như xong. Tôi cứ nghĩ việc tỵ nạn tôi làm là để giải quyết một vấn đề tồn đọng chứ không phải là một công việc sẽ mãi mãi hiện hữu, không bao giờ dứt. Cách đây 5 năm, tôi vẫn nghĩ thế.

Nhưng tôi đã lầm. Vì đối với công việc này, mình càng thành công thì càng có nhiều người tự động tìm đến mình. Và cũng nhờ vậy mà tôi biết được nhiều hơn về hiện trạng của đất nước Việt Nam.

Và dựa vào kinh nghiệm bản thân trong suốt quá trình bị điều tra, ức hiếp ngay tại Việt Nam, ngay trong thời đại này, chứ không phải là chuyện ngày xửa ngày xưa của hai, ba mươi năm về trước tôi lại càng khám phá ra được nhiều điều ở sự độc tài, độc đảng. Và hiểu được tại sao ngày nào còn cộng sản Việt Nam thì ngày đó sẽ còn người tỵ nạn Việt Nam.

Thật ra nếu các bạn ai cũng biết định nghĩa của từ “tỵ nạn” theo các văn bản luật pháp quốc tế thì lời nhận xét trên của tôi không có gì đáng ngạc nhiên cả. Công ước Quốc tế về Người Tỵ nạn (The 1951 Convention Relating to the Status of Refugees) định nghĩa người tỵ nạn (a refugee) là người thật sự sợ hãi họ sẽ bị đàn áp (has a well-founded fear of persecution) vì một trong những 5 lý do sau:

1. Tôn giáo (Religion)

2. Chủng tộc (Ethnicity)

3. Dân tộc (Nationality)

4. Chính kiến hay bị cho là có chính kiến (Political opinion – imputed or otherwise)

5. Trực thuộc một thành phần xã hội (Membership in a particular social group)

Trong 5 lý do trên, chỉ có lý do thứ 4 liên quan đến vấn đề chính kiến. Bốn lý do còn lại hoàn toàn không liên quan gì đến chuyện chính trị cả. Đây là điều mà rất nhiều người bị lầm, nhất là những người thích dán cái mác “tỵ nạn kinh tế” vào ngực người khác mặc dù chính đương sự chẳng hiểu luật tỵ nạn quốc tế là cái quái gì.

Tôi cho thí dụ. Nếu như anh là nhà giàu và vì lý do đó anh bị đàn áp, hay sợ bị đàn áp (vì anh thấy có nhiều người giống như anh đã bị đàn áp nhưng riêng anh thì chưa bị đàn áp) và vì vậy anh phải trốn đi, đi qua một nơi anh có thể yên tâm làm giàu thì theo luật quốc tế anh đương nhiên là một người tỵ nạn. Không phải một người “tỵ nạn chính trị” hay “tỵ nạn kinh tế” (vì làm gì có sự hiện hữu của cụm từ này trong luật) mà đơn giản là một người tỵ nạn. Và vì vậy anh có quyền được Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ (UNHCR) công nhận và giải quyết.

Một thí dụ khác. Nếu như bạn không phải là một người hoạt động chính trị, không có chính kiến hay chưa có dịp bày tỏ chính kiến (như lúc tôi còn ở Việt Nam cách đây 3 năm về trước chẳng hạn), nhưng công an Việt Nam vẫn thích cho là bạn có chính kiến và vì thế họ tiếp tục sách nhiễu, đàn áp bạn (y như tôi đã bị trong suốt 6 tháng!) hoặc đơn giản là bạn sợ bạn sẽ bị đàn áp như… tôi thì theo Công Ước 1951, bạn sẽ được công nhận là người tỵ nạn.

Đấy là tôi chưa nói đến việc mỗi nước tự đặt cho mình những tiêu chuẩn riêng để nhận người tỵ nạn. Có thể bạn bị Philippines “đá”, Cao Ủy Tỵ Nạn không chấp nhận bạn là người tỵ nạn nhưng Mỹ hay Canada hoặc Úc lại công nhận bạn là người tỵ nạn. Vì họ dùng một tiêu chuẩn rộng rãi hơn để giải quyết vấn đề. Trường hợp của 2.500 người Việt tỵ nạn tại Philippines là một thí dụ điển hình.

Nói phải có sách, mách phải có chứng. Viết dông dài đến đây chắc các bạn đã thấy rõ tại sao chúng ta sẽ phải tiếp tục chứng kiến cảnh người Việt phải bỏ nước ra đi. Cho đến khi nào những quyền lợi tối thiểu của tất cả mọi người trong xã hội được tôn trọng.

Trịnh Hội

24-06-2011

Theo Blog Trịnh Hội
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn