BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73225)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đọc thơ Đông Trình, suy nghĩ về văn nghệ, chính trị và sám hối (1)

12 Tháng Mười 199312:00 SA(Xem: 868)
Đọc thơ Đông Trình, suy nghĩ về văn nghệ, chính trị và sám hối (1)
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Từ bao năm qua, đã thành thông lệ, cứ mỗi lần xuất bản một tập thơ, Đông Trình lại gởi tặng cho tôi, và chắc cho nhiều bạn bè thân khác nữa, một bản đặc biệt với lời đề tặng rất trân trọng và thân thiết. Đó là thói quen của các tác giả khi xuất bản sách, nhưng đối với chúng tôi, đây còn là biểu hiện của tình thân và sự chia sẻ. Tình thân của những người bạn cố tri từ gần ba mươi năm qua, chia sẻ của mỗi chặng đường sáng tác, trong đó bao gồm những chuyển biến của nhận thức, tình cảm và tâm trạng.

Tập thơ Đông Trình gởi tặng tôi mùa thu 93 là một tuyển tập thơ với tựa đề Rừng và hoa, do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. Đây là tập tuyển những bài thơ viết trước năm 1975 của tác giả, bao gồm các bài trích từ 4 tập thơ đã xuất bản và một số bài đã in trên các báo qua ba giai đoạn: 1965-68 (“Khi mùa mưa bắt đầu”, “Lót ổ cho đại bác”), 1969-72 (“Rừng dậy men mùa”), 1973-75 (“Hoa đã hướng dương”). Chỉ đọc tựa đề các tập thơ, ta cũng có thể hình dung con đường đi của thơ và của chính tác giả.

Tuyển tập gồm những bài thơ đã xuất bản, nhưng khi đọc lại, trong hoàn cảnh hiện nay, chúng gợi cho tôi những gì xưa cũ đồng thời với những suy nghĩ vô cùng mới mẻ.

Xin gió rừng ôn lại cho chúng mày

Về những đêm nằm chung

Không đứa nào còn nhận ra được chân tay mình

Về những ly cà phê

Trả bằng những đồng tiền kẽm sót dưới đáy túi mỗi đứa

. . .

Về những mai hội thảo

Về những chiều bàn luận

Về trên Thiên Thai về dưới Cửa Thuận

Về trong phòng họp về ngoài nhà thuê

Về những đêm vào tù

Về những ngày ra khám

Về huy hoàng và tủi nhục

Về kiêu hãnh và mọn hèn

Về mặt trời và đom đóm

Về mặt trăng và dế mèn

(“Với bạn bè ở miền núi”)

Đó là tình thân và cuộc sống của những chàng sinh viên rất nghệ sĩ, đa cảm và sục sôi nhiệt huyết muốn nhận đường, hành động và hiến dâng cho đất nước trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động ở Miền Nam Việt Nam.

Bạn bè ta, những thằng nuôi chí lớn

Luyện văn chương thành một lưỡi gươm thần

Đứng với ngu phu làm người hảo hớn

Sống giữa đời hèn mà rất triết nhân

. . .

Có những chiều vàng ta lên núi

Cùng anh em trích máu ăn thề

Bao giờ quê hương còn lửa khói

Chí cả đường dài ta cứ đi

Tuổi thanh xuân ta hề chất ngất cao vọng

Thở dài hơi trong một quả tim hồng

Tuổi thanh xuân ta hề căng như mặt trống

Như mũi tên chờ trên cánh cung

(“Hành ca cho một tương lai đã nhìn rõ mặt”)

Những câu thơ gợi nhớ về một thời kỳ khó quên, cũng là một mốc dấu lớn trên con đường đi tới của những người trẻ tuổi sớm ưu tư về vận nước.

Năm 1965, trong một ngày đẹp trời, hơn 20 sinh viên của các phân khoa thuộc Đại học Huế, trong đó phần lớn là sinh viên ban Việt văn của trường Đại học Sư Phạm, rủ nhau lên núi Thiên Thai ở ngoại ô Thành phố Huế họp mặt để “trích máu ăn thề”. Thực tế không có “trích máu” theo nghĩa đen, nhưng đỉnh núi Thiên Thai hôm ấy đã chứng kiến sự quyết tâm chủa những chàng trai 20 tuổi sục sôi máu nóng và nung nấu chí khí. Sau đó họ đã hình thành một tổ chức lấy tên là Hội Hồng Sơn, tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật yêu nước và tiến bộ, ban đầu hoạt động trong phạm vi Đại học Huế, mấy năm sau đổi tên là Nhóm Việt và dần dần phát triển rộng ra nhiều tỉnh ở Miền Nam Việt Nam, hoạt động liên tục cho đến năm 1975.

Thế hệ chúng tôi là một thế hệ đầy ưu tư và chất men lý tưởng. Ở tuổi hai mươi, đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, vẫn học, vẫn yêu và lao vào những cuộc đấu tranh trên đường phố với tâm trí luôn bị ám ảnh bởi niềm đau của một đất nước đầy bất hạnh:

Ta đã ngồi chờ bao nhiêu năm

Nhìn cảnh binh đao ruột tím bầm

Sống giữa quê hương làm người đất trích

Tự gõ mà ca một khúc lưu vong

(“Đêm nghe pháo kích, dậy đọc cổ thi”)

Lớn hơn một chút, khi ra trường đi dạy học hay đi làm bất cứ việc gì, ở bất cứ nơi đâu, dù phải lo chuyện cơm áo ngày thường, không vô tư về chuyện này như xưa nữa, lo gia đình vợ con, tương lai sự nghiệp, chúng tôi vẫn không thôi khắc khoải:

Làm sao kể với em

Tâm trạng anh những buổi chiều ở phương xa

Từ một ngôi trường nằm sấp mình bên quốc lộ

Anh, rác rưởi và học trò

Cúi đầu nhìn nhau nghe đời thối rữa

Mưa giăng mù trời đốt thuốc liên miên

Xót xa vô cùng thân anh nhà giáo

Sơn quét đời mình như tấm bảng đen

. . .

Làm thế nào nói với em về những đứa học trò

Ban ngày đến trường, ban đêm rước khách

Gặp thầy ở mỗi ngã ba

Chiếc áo nữ sinh không che sự thật

(“Vô cùng linh thiêng như nghe theo tiếng gọi”)

Tâm trạng này một phần do hoàn cảnh lịch sử và xã hội tác động mạnh đến những người có lương tri và tâm huyết, nhưng thực ra đã có cội nguồn từ sâu xa trong lịch sử. Hơi thở của lịch sử đã thấm đẫm vào máu thịt của chúng tôi từ khi nghe mẹ kể chuyện cổ tích, nói tục ngữ, hát ru ca dao và từ những trang viết vụng dại đầu đời học sử của tiền nhân:

Ăn hạt cơm trời mỗi ngày ba bữa

Có bao giờ em thấy buốt chân răng?

Bởi máu tổ tiên đã nẩy mầm trong lúa

Và mồ hôi làm phân bón cho đồng

Trên dòng sông hàng ngày ta vẫn tắm

Có bao giờ em thấy rợn trong da?

Thuyền độc mộc kiêu hùng như chiến hạm

Xác quân thù thêm mầu mỡ phù sa

Mỗi đỉnh núi là một đồn phòng ngự

Rừng cho ta bao nhiêu gậy tầm vông?

Mỗi hang đá là một hầm cố thủ

Gỗ trăm cây đều bát ngát như trầm

(“Hạo khí ca”)

Do thế, tất cả chúng tôi dù khi lớn lên sống xa nhau, mỗi người mỗi cảnh, bằng những con đường và cách thế khác nhau, nhưng hầu hết đều nhập cuộc, chiến đấu cho cùng một lý tưởng, chính là ước mơ đã hình thành từ thời trẻ tuổi:

Dù rất xa nhưng đường đi phải tới

Vì đau thương đã nạm ngọc chân người

Tim đập nhanh theo trăm ngàn bước vội

Trong đêm buồn đã thấy rõ ngày vui

Hãy thức dậy cùng tôi chào thành phố

Gởi lời chia vui đến những con đường

Sáng nay người về cờ hồng lối gió

Trên đỉnh này ta thắp sáng quê hương

Xin mở cửa ra nhìn nhau bốn phía

Gọi bà con đem phân phát nụ cười

Đuổi khỏi bóng đêm từ lâu ngự trị

Đuổi lời vu oan hờm sẵn trên môi

(“Một thành phố cho tương lai”)

Chúng tôi hòa mình trong niềm đau chung của tổ quốc, nỗi bất hạnh của cả một dân tộc anh hùng nhưng chịu nhiều tai ương. Chúng tôi không sao có thể bình yên để hưởng thụ cho riêng mình mặc dù chúng tôi có khả năng để hưởng thụ nếu mình muốn, như một số người khác ở thế hệ chúng tôi đã làm:

Sáng hôm nay anh dừng lại bên đường

Có thấy những mẹ già nón cời áo rách

Hàng triệu trẻ con tong teo ốm nhách

Quỳ mọp dưới chân người tìm hạt cơm rơi

Và có bao giờ trong lịch sử loài người

Ký giả xuống đường mang theo bị gậy

Giữa Sài gòn xa hoa lộng lẫy

Trí thức văn nhân… đói áo đói cơm

. . .

Những người chết hôm nay muôn đời mắt còn mở

Họ nhìn chúng ta khẩn thiết van lơn

Họ hỏi chúng ta cây trái Trường Sơn

Sông rạch biển ngòi thênh thang tôm cá

Đồng bằng Cửu Long phì nhiêu mầu mỡ

Đã thấm nhuần xương thịt cha ông

Họ hỏi chúng ta về những cánh đồng

Lúa gạo đi đâu không vào kho tổ quốc

. . .

Người bạn tôi sáu con một vợ

Dạy bốn mươi giờ mà ăn cháo thay cơm

Đêm về lén vợ đi lái xe ôm

Gặp học trò cúi đầu dưới ánh đèn thành phố…

(“Vì những người chết không nhắm mắt”)

Vì thế, không thể nào khác, chúng tôi đã lần lượt đến với “cách mạng”, ít nhiều góp phần mình cho ngày lịch sử 30/4/75, ngày “giải phóng hoàn toàn Miền Nam Việt Nam, thống nhất tổ quốc”. Ở thời điểm này, chúng tôi tự hào và kiêu hãnh đứng về phía những người chiến thắng, đứng về phía nhân dân Việt Nam.

18 năm sau ngày lịch sử ấy, tôi đọc lại thơ Đông Trình và thấy mọi chuyện như lại mới bắt đầu thuở chúng tôi tuổi hai mươi, gần 30 năm trước, với những niềm đau và nấu nung khát vọng mới. “Dù rất xa nhưng đường đi phải tới”. Chúng tôi đã “tới” nhưng không “đến” được với niềm mơ ước của mình.

Bài thơ “Vì những người chết không nhắm mắt” có thể viết cho ngày hôm nay, từ nội dung, tinh thần cho đến từng chi tiết.

Ngày hôm nay, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo đói nhất trên thế giới với hàng triệu người thất nghiệp, hàng triệu trẻ em suy dinh dưỡng, hàng vạn người ăn xin và gái điếm. Lúa gạo có năm xuất khẩu đứng hàng thứ ba trên thế giới nhưng trong nước vẫn có người chết đói. Tài nguyên thiên nhiên, rừng vàng biển bạc bị khai thác vô tội vạ, có thứ đã hầu như cạn kiệt. Nhiều nơi đã công khai thừa nhận “cơ bản hoàn thành việc phá rừng”. Thế nhưng tiền bạc không vào tay nhân dân mà chỉ vào túi một thiểu số lãnh đạo cầm quyền và bọn cơ hội, tư sản mới cả xanh và đỏ trong một chế độ kinh tế gọi là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thực chất là kinh tế tư bản man rợ mà chủ nghĩa cộng sản đã lên án từ bao nhiêu năm qua. Sự phân hóa giàu nghèo diễn ra gay gắt. Những người giàu lên nhanh chóng phần lớn là cán bộ có chức quyền có điều kiện ăn cắp, tham nhũng, hối mại quyền thế và những kẻ làm ăn bất chính. Đại bộ phận nhân dân làm việc cơ cực không đủ ăn.

Những nhà giáo vẫn nhận đồng lương chết đói và “không phải đêm về lén vợ đi lái xe ôm, Gặp học trò cúi đầu dưới ánh đèn thành phố” mà còn được vợ khuyến khích đi làm thêm như thế để kiếm tiền. Trước đây người ta xem chuyện đó như một điều bất đắc dĩ tủi hổ, nhưng nhiều người bây giờ xem đó là một lối thoát. Lái xe ôm, biết nói đôi chút tiếng Anh, tiếng Pháp để chở khách nước ngoài có thể kiếm được tiền gấp năm, gấp mười lần lương giáo viên.

Trí thức văn nhân vẫn “đói áo đói cơm” và không hề có một chút tự do ngôn luận, báo chí, xuất bản dù hiến pháp ghi đầy đủ mọi thứ tự do của con người. Tất cả báo chí đều là công cụ của Đảng và Nhà nước nói theo một giọng tuyên truyền. Tháng 2/1989, Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ Thành phố Hồ Chí Minh khi xin phép ra báo không được đã gởi văn bản cho Nhà nước tố cáo chính sách về báo chí hiện nay còn thua xa thời Pháp thuộc. Thời đó, những người Cộng sản hoạt động chống Pháp còn có điều kiện ra báo chí, in sách hơn là trí thức, những người làm báo hiện nay. Ở Miền Nam trước 1975, một mình Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn) cũng ra nổi một tờ báo. Anh em nhóm Việt chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn có sách xuất bản, có thể tự mình ra báo hoặc cộng tác, tham gia chủ biên nhiều tờ báo đối lập. Ngày hôm nay, những người như anh em nhóm Việt và nhiều nhà văn, nhà báo khác không đủ tài năng và trình độ để ra báo hay sao? Trong khi đó, việc độc quyền báo chí, xuất bản, đã mang lại điều gì tốt đẹp? Sách báo đứng đắn, có giá trị hiếm hoi. Nạn sách đen, sách dâm ô đồi trụy, kích động bạo lực lan tràn. Các nhà xuất bản, các tờ báo vẫn chịu sự chi phối của các tay đầu nậu lắm tiền, chạy theo kinh doanh, bất chấp văn hóa. Một số người mù tịt về văn học nghệ thuật vẫn ngang nhiên quyết định số phận của những tác phẩm văn học nghệ thuật đầy trí tuệ, lương tri và tâm huyết.

Không phải nói về mình một cách tự kiêu, nhưng những anh em nhóm Việt đã làm báo và có tác phẩm được nhiều người đọc và ủng hộ ở Miền Nam trước đây, được đánh giá là những trí thức, nhà văn yêu nước và tiến bộ, đã được Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng tuyên truyền và ca ngợi, đã được Nhà xuất bản Giải Phóng chọn in thành tuyển tập từ trước 1975, họ không phải là những kẻ bất tài hay làm cách mạng theo đuôi. Không phải chỉ anh em nhóm Việt mà còn nhiều nhà văn, nhà báo kỳ cựu ở Miền Nam ở trong hoàn cảnh tương tự mà người ta thường coi là những ngưởi thiên tả, thân cộng hoặc yêu nước chân chính như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Thế Nguyên...

Vậy thì những câu thơ của Đông Trình ngày nay vẫn còn nguyên giá trị:

Hãy thét cho tôi triệu tiếng căm hờn

Hãy cứu báo ra khỏi tay bọn phần thư Tần Thủy

Ngọn bút anh sắc bạo quyền cố bẻ

Nhưng có thể nào che mắt được nhân dân

Và những câu hỏi lớn nhức nhối vẫn được đặt ra:

Và tại sao có những người nhân danh cả nước

Đi kiếm tiền như một bọn ăn xin

Và tại sao trên những buyn đinh

Tiếng rượu sâm banh nổ vang như pháo tết

Dưới chân thang đồng bào ta gục chết

Mà tiếng kêu thương không phá vỡ những trận cười?

(“Vì những người chết không nhắm mắt”)

Dĩ nhiên đây là hình tượng của thơ. Nhưng hình tượng này có đầy đủ sức mạnh, sức tố cáo và sức khái quát của những câu thơ đã được “mài như kiếm sắc”.

Đất nước ta nhỏ bé, nghèo thật nhưng quyết không thể hèn hạ hay đi ăn xin. Nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà luôn quỳ gối trước Nga, Tàu, đổi thù thành bạn, đổi bạn thành thù như chong chóng. Theo Liên Xô, chống xét lại rồi lại thân Liên Xô, rồi lại chống cải tổ. Tình hữu nghị “núi liền núi, sông liền sông”, “môi hở răng lạnh”, đổi ngay thành “kẻ thù truyền kiếp, trực tiếp và nguy hiểm”, rồi lại đổi tiếp thành “hữu nghị lâu đời”, rồi chưa biết sẽ đổi thành gì nữa. Đế quốc Mỹ là “kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm và lâu dài” nhưng sau chiến thắng lại năn nỉ, khẩn cầu Mỹ bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ bình thường. Mỹ bỏ cấm vận là đúng và cần thiết nhưng không phải vì thế mà chỉ biết van xin một cách hèn hạ.

Hoàn cảnh đất nước ta cần hết sức đề cao sự nghiệp giữ nước, có chính sách ngoại giao khôn khéo và thông minh. Đó không phải là điều mới mẻ gì. Những người lãnh đạo đất nước ta hàng ngàn năm qua đã chứng minh và làm được điều đó, dù là dưới chế độ “phong kiến thối nát” như cách đánh giá của những người cộng sản.

Trước hết phải có tinh thần Phù Đổng, lên ba chưa biết nói biết cười, nhưng khi nghe tin có giặc, đã vươn vai thành dũng sĩ, nhảy lên ngựa đi cứu nước. Hai Bà Trưng vì “nợ nước thù nhà”. Bà Triệu phận nữ nhi vẫn “quyết đạp làn sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi”. Lý Thường Kiệt ngạo nghễ đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà” và đem quân đánh Tống. Trần Hưng Đạo và vua tôi, quân dân nhà Trần ba lần đại phá quân Nguyên là đế quốc vô địch lừng lẫy thời đó. Nguyễn Trãi và Lê Lợi cùng quân dân cả nước đánh bại nhà Minh và sang sảng đọc “Bình Ngô đại cáo”. Quang Trung cho người giả thay mình đi triều cống nhưng vẫn chuẩn bị kế hoạch xuất quân đòi lại đất Trung Quốc chiếm đóng.

Bản Tuyên ngôn độc lập thành văn lần thứ nhất của đất nước ta chính là bài thơ của Lý Thường Kiệt, lần thứ hai chính là bài “Bình Ngô đại cáo”, đâu phải đến tháng 9/45 lần đầu ta mới có tuyên ngôn độc lập.

Người Việt Nam yêu nước nào không rung động tâm can khi đọc lại “Bình Ngô đại cáo”:

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xây nền văn hiến đã lâu

Cõi bờ sông núi đã riêng

Phong tục Bắc-Nam cũng khác

Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

Tuy mạnh, yếu có lúc khác nhau

Mà hào kiệt không bao giờ thiếu

Những bài học lịch sử sơ đẳng nhưng vô giá đó, người Việt Nam mấy người không biết. Những người cộng sản đừng tự kiêu rằng chỉ có mình mới làm nên những sự tích thần kỳ và khôn ngoan, tài giỏi hơn cha ông. Chúng ta không bao giờ bài ngoại, nhất là trong thời đại ngày nay, thời đại mở cửa và thế giới là một mái nhà chung, nhưng không vì khó khăn mà chịu nhục, mất quốc thể. Nếu lãnh đạo mà không đủ tài trí để lo cho dân cho nước, để Việt Nam sau 18 năm “thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do” vẫn là một trong những nước nghèo đói nhất thế giới thì đừng đòi “độc quyền lãnh đạo”. Dân tộc Việt Nam không thiếu người tài trí và không nhân dân, lịch sử nào giao phó cho những người cộng sản độc quyền lãnh đạo. Đó là điều họ tự nhận thôi. Hãy thử trưng cầu ý kiến nhân dân, hãy có tự do bầu cử đi xem nhân dân sẽ tín nhiệm ai.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành quyền lãnh đạo, ban đầu những người cộng sản đã chiến thắng nhờ có nhân dân ủng hộ và sách lược đúng. Chiến thắng này không phải là một lần và mãi mãi. Thuận lòng dân thì còn, nghịch lòng dân thì mất. Lịch sử đã chứng minh chân lý ấy. Ngày xưa ông cha ta nói “Được làm vua, thua làm giặc.” Các triều đại phong kiến ngày xưa cũng tự cho mình là thiên tử, thay trời để trị dân, cho ai chống lại mình là nghịch mệnh trời, tự tung hô mình vạn tuế nhưng mấy triều đại quá được trăm năm? Những người cộng sản phê phán phong kiến sao vẫn tự mình hô muôn năm và đòi mãi mãi độc quyền lãnh đạo? Hãy tự xem mình còn đủ năng lực và tín nhiệm để lãnh đạo không, chứ đừng tự huyễn hoặc mình và dùng bạo lực đè đầu cỡi cổ nhân dân, buộc nhân dân phải phục tùng độc quyền lãnh đạo.

Nhân dân ta không chỉ “đói cơm đói áo” mà vẫn còn “đói hòa bình, độc lập, tự do”. Hiện nay chúng ta có thể có hòa bình, thực ra có hòa bình bên ngoài mà không hề có hòa bình trong lòng. Hòa bình sao được khi “Lời vu oan hờm sẵn trên môi” dành cho những người yêu nước nhưng không phục tùng độc quyền lãnh đạo, khi lãnh đạo không phải là sáng suốt như mình tự nhận.

Còn độc lập, tự do thật sự đã có chưa? Và những gì nữa?

Nhân dân ta không chỉ đói cơm đói áo

Nhân dân ta đói Hòa Bình, Độc Lập, Tự Do

Anh đói em, chồng đói vợ, thầy đói trò

Ruộng đói người, đất đói phân, cây đói trái

Nguồn đói nước, mẹ đói con, thuyền đói lái

Thầy đói Phật, Cha đói Chúa, đạo đói lương tâm...

(“Vì những người chết không nhắm mắt”)

Đúng là “những người chết không nhắm mắt” và những người sống lại càng không thể yên lòng. Cả một sự nghiệp của dân tộc với hàng triệu người hi sinh trong bao nhiêu năm lại chỉ dẫn đến kết quả y như cũ và còn tệ hơn cũ hay sao?

Tình cờ lúc tôi đọc tập thơ Rừng và hoa, lại nhận được bài viết “Nhức nhối” của Nguyễn Thế Hùng, cán bộ nghỉ hưu ở Đồng Tháp viết từ năm 1989. Bài viết nêu ba trường hợp nhà văn, trí thức bị Đảng xử trí oan, không cần luật pháp vào những năm 60.

Tuân Nguyễn, công tác ở Đài Phát thanh Truyền hình Việt Nam bị bắt giam giữ 6 năm không có án. Sau khi được tha, hai vợ chồng phải đi dọn hố xí hai ngăn cho nhiều gia đình ở Hà Nội để kiếm sống. Năm 1983, anh chết vì một tai nạn giao thông, chưa kịp có thời gian để làm lại cuộc đời. Trong đám tang của anh, Huy Lam, một người bạn thân thiết đã đọc lời điếu bằng thơ:

Thời đại như ngã ba sông

Anh như con thuyền giữa dòng nước xoáy

Thuyền anh vượt thẳng, mà sông lại cong

Chạm bờ sông, nước dìm anh tận đáy...

Vũ Thư Hiên, công tác ở ngành điện ảnh, đi học ở Liên xô về, hiểu biết và thông thạo nhiều lĩnh vực, cũng bị bắt giam 9 năm không có án. (Tiểu thuyết Miền thơ ấu của anh được tặng giải A trong giải thưởng cho những tác phẩm xuất sắc năm 1988 của Hội đồng Văn học Thiếu nhi Hội Nhà Văn Việt Nam).

Hoàng Minh Chính, hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi, từng bị Pháp bỏ tù ở Sơn La với án 10 năm khổ sai, 10 năm biệt xứ, từng làm Bí thư Thanh niên Trung Ương, chỉ huy trưởng đội “Quyết tử quân” đánh phá sân bay Gia Lâm (Hà Nội), đi học Trường Đảng cao cấp của Liên Xô, làm Viện trưởng Viện Triết học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Hoàng Minh Chính bị Đảng bắt giam hai lần, tổng cộng trên 16 năm. Về hai trường hợp của Tuân Nguyễn và Vũ Thư Hiên, Nguyễn Thế Hùng không nói rõ lý do nhưng đối với Hoàng Minh Chính nêu lý do rất cụ thể.

Tháng 12/1963, trong hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9, Hoàng Minh Chính đã viết hai kiến nghị: Kiến nghị thứ nhất lý giải và đề nghị tuân thủ trung thành với Tuyên bố chung của Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã ký kết vào năm 1960. (Tuyên bố chung này đã đề ra các đường lối chính trị, các nguyên tắc và khẩu hiệu rất tiến bộ như “Chiến tranh không phải là định mệnh. Có khả năng loại trừ chiến tranh khỏi đời sống xã hội. Chung sống hòa bình giữa các chế độ xã hội khác nhau”...) Tuy nhiên sau hội nghị năm 1960 này, đã có sự chia rẽ, do Đảng Cộng sản Trung quốc, đứng đầu là Mao Trạch Đông, lôi kéo một số Đảng anh em chống lại bằng các luận điểm tả khuynh cực đoan, trái với tuyên bố mà họ đã ký kết, như “Bản chất chủ nghĩa tư bản đế quốc là xâm lược. Còn đế quốc còn chiến tranh. Chiến tranh là tất yếu. Liên xô là con ngựa thành Troie, kẻ thù nguy hiểm nhất của cách mạng thế giới. Khơrút sốp là tên xét lại”...) Kiến nghị thứ hai lý giải về mặt lý luận Mác-Lênin và sự sai trái, phản động, phản cách mạng của chủ nghĩa Mao.

Trong hội nghị Trung ương Đảng 9 ngày, phe thân Trung quốc thắng thế nên một số ủy viên Trung ương Đảng bị treo giò, Hoàng Minh chính và một số người khác do đấu tranh kiên cường như Đặng Kim Giang (thiếu tướng), Phạm Kỳ Vân (Phó tổng biên tập tạp chí lý luận của Trung ương), Trần Minh Việt (Phó bí thư thành ủy Hà Nội)... đã bị quy tội là “xét lại, chống Đảng” và bị bắt giam ngoài pháp luật.

Sau khi bị bắt giam lần đầu được tha, đến tháng 6/1981, trong kỳ họp Quốc hội khóa 7, Hoàng Minh Chính lại viết một bản kiến nghị gởi Quốc hội. Kiến nghị nêu lên một loạt khuyết điểm nghiêm trọng trên các bình diện chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội, cả đối nội và đối ngoại, trong đó đã mất cảnh giác với Trung quốc (sự kiện Trung quốc đưa 60 vạn quân đánh vào 6 tỉnh biên giới phía bắc hồi tháng 2/79), đồng thời phê phán việc đi theo chủ nghĩa Mao, rập khuôn nhiều cái theo Trung quốc, đẩy đất nước vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng toàn diện như việc hợp tác hóa nông nghiệp dẫn đến cảnh người nông dân nhiều nơi bị đói, phải đi ăn xin cả làng (Thanh hóa), nêu những yêu cầu khẩn thiết phải sớm cải thiện đời sống nhân dân, đổi mới cơ cấu tổ chức, giải quyết các vụ bê bối nghiêm trọng cấp nhà nước, mở rộng tự do dân chủ cho nhân dân...

Sau kiến nghị này, Hoàng Minh Chính lại bị bắt giam lần thứ hai, đưa về giam giữ ở Hải Hưng về tội “kích động Quốc hội”.

Trong bài viết “Nhức nhối” trên đây, Nguyễn Thế Hùng còn nói rõ vào năm 1985, tác giả có gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng yêu cầu xem xét và trả tự do cho Hoàng Minh Chính, ông Phạm Văn Đồng ghi nhận nhưng sau đó không có giải quyết gì cụ thể.

(Lại một tình cờ lạ lùng, khi tôi vừa viết xong những dòng trên đây, lại được đọc một đơn kiện của Hoàng Minh Chính, viết ngày 27/8/93 yêu cầu xét lại vụ án của mình, với nội dung như trong bài viết của Nguyễn Thế Hùng và tố cáo đích danh tập đoàn Cộng sản tàn ác lộng quyền do Lê Đức Thọ đứng đầu. Trong đơn kiện này, ông Hoàng Minh Chính cũng kiến nghị với Quốc hội khóa 9 loại bỏ điều 4 trong Hiến pháp 1992 về sự áp đặt quyền độc tôn của dảng. Theo ông, “sự độc quyền đó đã đặt các cấp ủy Đảng đứng trên pháp luật nhà nước, vô hiệu hóa tất cả các bộ máy nhà nước trước sự lộng quyền của một vài cá nhân và nhóm người nhân danh Đảng lãnh đạo. Các quyền tự do dân chủ được trịnh trọng ghi trong hiến pháp và các văn bản pháp luật do đó chỉ còn là những mỹ từ trống rỗng”.)

Đây không phải là lần đầu tiên tôi đọc loại bài như bút ký “Nhức nhối” của Nguyễn Thế Hùng. Tôi nhắc đến bài viết của Nguyễn Thế Hùng ở đây vì tôi đọc nó cùng lúc khi đọc lại thơ Đông Trình. Tôi liên tưởng đến vấn đề vào cùng một thời điểm lịch sử, khi anh em chúng tôi và nhiều trí thức Miền Nam khắc khoải nhận đường để tìm về với “cách mạng”, “cống hiến cho cách mạng” với nhiệt tâm cháy bỏng của mình, thì chính “cách mạng” lại đối xử với đồng chí mình như thế, nhưng chúng tôi lúc đó nào có biết. Cách mạng đối với chúng tôi chỉ là lý tưởng ngời sáng giải phóng dân tộc, độc lập, tự do, công bằng xã hội. Chúng tôi đã hiểu quá ít về “cách mạng”.

Những trường hợp Tuân Nguyễn, Vũ Thư Hiên, Hoàng Minh Chính không phải là những trường hợp cá biệt trong lịch sử giành và giữ chính quyền của những người Cộng sản. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” vào năm 1930, chính sách cải cách ruộng đất năm 1954, vụ án Nhân văn-Giai phẩm vào các năm 1956-57, chính sách cải tạo đối với “ngụy quân, ngụy quyền”, chính sách cải tạo nông nghiệp và công thương nghiệp sau 1975... Và sau thời kỳ gọi là đổi mới, Đảng và Nhà nuớc vẫn tiếp tục trù dập các nhà văn Nguyên Ngọc, Dương thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Hà Văn Thùy, Trần Huy Quang..., ban biên tập các tạp chí Sông Hương, Cửa Việt, Văn nghệ Nha Trang, cả báo Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ… (Những người không chịu phục tùng một cách máy móc, nô lệ), dành những bản án nặng nề cho những người đấu tranh cho dân chủ một cách hòa bình như các nhóm của Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Họat…, đàn áp thô bạo những người dám nói tiếng nói của lương tri như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu …, trong đó có những người là cán bộ, Đảng viên kỳ cựu hoặc ủng hộ Cộng sản, đã cống hiến cho sự nghiệp chung bao năm qua. Chính bản thân tôi, cùng với Bùi Minh Quốc trong vụ Hội Văn Nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian, đã tự thân cảm nhận sâu sắc điều này về cách đối xử của những người lãnh đạo Cộng sản đối với những người bất đồng quan điểm.

Tất cả đã mang lại điều gì cho đất nước, cho dân tộc?

Tôi không phủ nhận lý tưởng cao đẹp thuở ban đầu, sự hi sinh cống hiến và công lao của những người Cộng sản trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Dĩ nhiên, theo một cách nhìn nhận nào đó, ngay cả những điều này cũng cần xem xét lại (về phương thức, về cái giá phải trả…) Tôi không bàn điều đó ở đây. Chính tôi cũng đã từng có thời gian khao khát hướng về chủ nghĩa Cộng sản, tìm đến những người Cộng sản, đã là Đảng viên Cộng sản trong mười lăm năm cho đến khi bị khai trừ vì bất dồng quan điểm với những người lãnh đạo Cộng sản hiện nay.

Năm 1966, thuở hai mươi, khi còn là sinh viên trong cao trào đấu tranh cho độc lập, tự do, dân chủ của sinh viên học sinh Miền Nam, tôi kinh tởm khi đọc bài thơ ca ngợi Stalin “Đời đời nhớ Ông” của Tố Hữu:

Stalin! Stalin!

Yêu biết mấy, nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!



Thương cha thương mẹ thương chồng

Thương mình thương một, thương Ông thương mười

Yêu con yêu nước yêu nòi

Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu.

Nửa năm sau, khi phong trào đấu tranh bị đàn áp, trong nhà giam, tôi gặp một người tù Cộng sản, người chiến sĩ du kích hơn tôi vài tuổi, ở nông thôn, chỉ mới học hết tiểu học, đã ở tù ba năm, chịu bao nhiêu cuộc tra tấn, mắt vẫn rực lửa hận thù và lòng tin sắt đá đã chinh phục được tôi. Người chiến sĩ du kích này không nói với tôi về chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng anh và tôi đã đồng cảm sâu sắc về khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc cho tổ quốc, cho nhân dân. Tôi đã chia sẻ với anh từ nửa chiếc khăn mặt, gói muối mè, điếu thuốc trong nhà tù và cả tâm tình đau đớn của anh khi phải chia tay người vợ trẻ vừa mới cưới.

Phải chăng chính tình tự dân tộc và những khát vọng có tính lâu dài, phổ quát mới là những giá trị vĩnh cửu và đẹp đẽ, trong sáng nhất mà mỗi người có thể cảm nhận thuở mới vào đời. Còn chủ nghĩa, tất cả các chủ nghĩa chỉ là phương tiện để đạt tới cứu cánh. Các chủ nghĩa có thể sai lầm và phải được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Thực tại biến chuyển không ngừng và không chủ nghĩa nào có thể có giá trị vĩnh cửu. Lịch sử nhân lọai không phải đã chứng minh điều đó quá rõ hay sao? Thế tại sao chúng ta, kể cả các nhà chính trị, các nhà trí thức, các nhà văn, lại có thể tin tưởng vào một chủ nghĩa, một giáo điều, tự mình huyễn hoặc làm nhận thức sai lạc đi đến trở thành cuồng tín?

Văn nghệ không phi chính trị, nhưng văn nghệ không thể phục vụ mù quáng, làm công cụ tuyên truyền cho một chủ nghĩa. Văn nghệ, về một phương diện, phải là tiếng nói của lương tri. Lương tri phải nhận biết đúng sai, phải biết phản kháng, phải nói lên sự thật. Nếu văn nghệ có sứ mệnh thì sứ mệnh của văn nghệ phải chăng là đi theo con đường của tự do và chân lý, mang lại cái đẹp, cái thiện cho cuộc sống của con người. Chính trên con đường thênh thang này, văn nghệ mói có thể thể hiện tài năng của người nghệ sĩ.

Tiêu Dao Bảo Cự

(Còn tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn