BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ta có gì phía sau cái chết?

08 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 1476)
Ta có gì phía sau cái chết?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
 Đọc tin trên báo, thấy người ta đổ xô đến đền Wat Prommanee ở Nakhon Nayok - Thái Lan để trải nghiệm “cảm giác chết”. Mỗi người trả một số tiền nhỏ cho các nhà sư trong chùa xem như dịch vụ phí, sau đó, họ được các vị sư cầu nguyện rồi trải qua 90 giây nằm trong quan tài như người chết. Hết 90 giây, bước ra, nhận chúc phúc từ nhà sư, mong đợi cảm giác trở thành một con người mới đầy may mắn và sinh lực sau khi trở về từ cõi chết.



 Tôi đọc mà thấy buồn cười, bao nhiêu ai lạc của cuộc đời, sao có thể xóa đi trong 90 giây nằm tỉnh táo trong cái quan tài giả với hàng đống người đi qua đi lại xem đó là chuyện mua vui? Chết hay tái sinh đâu có giản đơn như thế!

 Bất chợt nhớ đến một bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh:

 Giá mà được chết đi một lúc
Chắc bình yên hơn một giấc ngủ dài
Nếu được xuống địa ngục thì càng tốt
Lên thiên đường sợ chả gặp ai


Giá mà được chết đi một lúc
Tỉnh dậy xem người ta khóc hay cười
Và xem thử mình sẽ cười hay khóc
Làm ma có sướng hơn làm người?

Giá mà được chết đi một lúc
Nằm im cho cuộc sống nhỏ tuôn trào
Nếu người ta tống ngay vào nhà xác
Cứ thế mà chết cóng cũng chẳng sao.

 Bài thơ là một nỗi bất lực trước cái chết, bất thỏa hiệp với niềm vui sống.

 Con người đã thử rất nhiều thứ, khám phá nhiều thứ, làm đổ vỡ nhiều điều thiêng liêng, trí tò mò của họ đã được khoa học thỏa mãn đến cùng cực, nhưng duy nhất một thứ họ không thử được, đó là cái chết. Bởi chết, là một bí ẩn mà khi khám phá ra rồi, bạn không thể nào sống lại được. May mắn thay, nhờ vậy mà người đời vẫn còn có cái chết để dọa nhau.

 Nếu ai đã từng xem bộ phim Flatliners sản xuất từ năm 1990 với Julia Roberts và Kiefer Sutherland đóng vai chính thì sẽ liên tưởng ngay đến những điều lố bịch mà người ta đang làm ở đền Wat Prommanee. Bộ phim kể về 5 sinh viên Y khoa xuất sắc, cố gắng tìm kiếm bí ẩn đằng sau cái chết. Họ muốn biết, chết là như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn chết? Thế là bằng cách gia tăng giới hạn vô tâm thu, giới hạn mà tim của con người có thể ngừng đập trong một khoảng thời gian, sau đó, có thể phục hồi mạch tim, đại khái như là vài mươi giây chết lâm sàng ở những người rơi vào nguy hiểm thập tử nhất sinh rồi được cứu sống, nhóm sinh viên này “chết thử”. Và điều gì đã xảy ra sau những lần “chết thử” đó?

 Những ám ảnh từ tiềm thức bỗng trỗi dậy dưới dạng những cơn hoang tưởng và không ngừng dày vò họ. Có người thì gặp lại người bạn cũ mà mình đã làm tổn thương lúc ấu thơ, có người gặp lại người cha đã tự tử, có người gặp lại người mà họ vô tâm hại chết… Tất cả những ẩn uất đau đớn của cuộc đời tưởng đã chôn kín qua nhiều năm tháng, chính họ dường như cũng đã quên mất, bỗng sống dậy, như ngay thì hiện tại. Làm cuộc sống bỗng không còn là sống. Nó bỗng ngập tràn hoang mang, sợ hãi, và trên hết, là một nỗi ân hận sâu sắc…

 Và thử nghĩ xem, thực tế, điều gì chờ đợi mỗi chúng ta phía sau cái chết?

 Liệu có phải chỉ là thiên đường hạnh phúc hoặc địa ngục khổ đau?

 Tôi đồ rằng, đó chỉ là những ranh giới ước lệ cho thiện & ác, tốt & xấu, theo cách lý luận đơn giản sơ khai nhất của con người tự đoán định ra. Còn nếu như, thật sự có điều gì đó tồn tại sau khi ta chết, thì tôi cho rằng, chỉ có duy nhất một điều: niềm hối tiếc.

 Bởi khi đã chết đi, và nếu linh hồn còn có thể nhìn thấy dương gian, thì người tốt chết đi vẫn hối tiếc sao mình không thể làm thêm được nhiều điều tốt bởi những cảnh tàn hại nhau hiển hiện. Người xấu vẫn hối tiếc sao họ phải bỏ lỡ đi những cám dỗ chảy tràn mỗi phút giây trong đời sống. Dù muốn thế nào, thì cũng vô phương cứu vãn, không thay đổi được. Họ còn có thể làm gì?

 Con người là một thực thể đầy khát khao và ham muốn. Từ khát vọng chiếm hữu mà họ từng bước chinh phục được thế giới. Từ sự yêu thích cám dỗ mà họ tranh đoạt và chém giết nhau. Bất kỳ ai, dù là một đức Thánh, cũng có một ham muốn là mang lý tưởng của mình ra cho thiên hạ phải noi theo. Nên muốn, và không đạt được ước muốn, là một nỗi ám ảnh dày vò tất cả thế giới này. Khi không thể, không còn cách nào để đạt được ham muốn, thay đổi cuộc đời, thì cái chiếm hữu con người chính là “hối tiếc”.

 Linh hồn sẽ là đối tượng hối tiếc nhiều nhất, vì cái chết đã ngăn cách họ với bất kỳ một giải pháp khả thi nào.

 Cho nên cần gì phải thử chết? Chỉ cần cuộc sống chúng ta bị phủ đầy bởi niềm hối tiếc thì chính là khi ta đã chết mất rồi. Và hàng ngày quanh ta, người sống vẫn sống lẫn với người chết đấy thôi!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn