Khởi sự, nó là thơ hiếu hỉ. Cái khuynh hướng thi ca hiếu hỉ, ngoài truyền thống tốt đẹp, còn nói lên tinh thần yêu thơ và sính thơ của dân tộc Việt Nam. Người ta làm thơ để chúc tụng bằng hữu thêm tuổi, thêm con, thêm cháu. Người ta làm thơ để chúc tụng nhau thăng quan, tiến chức. Người ta làm thơ để chúc tụng nhau buôn bán thịnh vượng. Thơ ở đám cưới. Thơ ở cửa hiệu vừa khai trương. Thơ ở ngày lễ thượng thọ. Thơ ở đám ma. Thơ mừng kẻ sống. Thơ khóc kẻ chết. Và đó là thơ hiếu hỉ. Loại thơ chan chứa tình nghĩa và tình cảm này, chẳng nên đụng chạm tới nó. Đụng chạm tới nó là láo lếu, dẫu chỉ đụng chạm nghệ thuật và kỹ thuật.
Nhưng, buồn thay, có nhiều đứa đã biến thơ hiếu hỉ thành thơ nịnh bợ quan thầy, nịnh bợ chủ nhân, nịnh bợ quyền thế, nịnh bợ trọc phú một cách dễ chửi thề. Ta vốn dốt nát, học mãi mới đậu nổi mảnh bằng tiến sĩ bốc cứt. Nhân thấy ông Do dậy nhẩy đầm xưng là giáo sư Do, lại biết ông Chiến hướng dẫn may cắt nhận là giáo sư Chiến. Ta bèn phong ta làm giáo sư, bất cần nghị định của Bộ giáo dục. Bởi ta đã dạy đệ tử dán giấy quảng cáo dưới hầm métro. Dẫu đã có tiến sĩ bốc cứt và giáo sư dán giấy, ta vẫn dốt. Nên, ta không hiểu khuynh hướng thi ca nịnh bợ xuất phát ở thời đại nào. Ta, từ khôn lớn, bị đọc những bài thơ nịnh bợ lãnh tụ thì bèn cho rằng thi ca nịnh bợ trơ trẽn nhất vào thời đại khốn kiếp nhất của ta.
Và, thời đại của ta đã sản sinh vô số thi nô. Đứng đầu danh sách thi nô là Tố Hữu. Trước khi múa bút nịnh bợ Staline và Hồ Chí Minh, ông thi nô nhớn nhất khuynh hướng này đã nịnh bợ Mã Chiếm Sơn.
... Trán kiêu hãnh lần đầu trông xuống đất
Mã nghẹn ngào thôi hết Mãn Châu ơi
...........
Lần đầu tiên Mã tướng run toàn thân
Ngoài trận địa Chiếm Sơn hằng ngạo nghễ
...........
Mãn Châu quốc nghe không mày rên rỉ
Dưới gót sắt của Phù Tang ích kỹ
Đã đè trên dân tộc Trung Hoa
Nước Trung Hoa yêu dấu của lòng ta
Đã thống khổ bởi bao xiềng ngoại quốc
..........
Và xuân ấy hai nghàn quân của Mã
Đánh tan xương của Nhật một sư đoàn
Nịnh bợ Mã Chiếm Sơn và Trung hoa cho quen nghề, Tố Hữu nịnh Staline chết :
Staline, Staline ơi
Làm sao ông chết, đất trời biết không
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười
Thi nô Tố Hữu xứng đáng là bậc thầy thi nô. Tố Hữu và Staline phải yêu nhau ra riết. Và, có thể, Staline đã chết vì bệnh Sida, bệnh Aids ! Yêu ông Xít hơn yêu bố mình, mẹ mình, vợ mình, Tố Hữu quả là siêu ... thi nô. Nịnh Staline hết ngôn ngữ, lúc quay về nịnh Hồ Chí Minh, Tố Hữu nịnh bố láo, nịnh mà, nếu có chút liêm sỉ, Hồ Chí Minh sẽ xấu hổ, sẽ bỏ rọ ngâm chết Tố Hữu. Khốn nỗi, Hồ Chí Minh vô liêm sỉ nên mới hồ hởi nghe Tố Hữu nịnh bợ :
Hồ Chí Minh
Người lính già
đã hy sinh
Cho Việt Nam độc lập
Cho thế giới hòa bình
Ngày Hồ Chí Minh chết, Tố Hữu khóc Bác còn bố láo hơn, nịnh bợ tưởng như chửi bố Bác.
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa của em thơ, lụa tặng già !
Hồ Chí Minh chết đã 18 năm, sữa nào cho em thơ, lụa nào tặng già ? Em thơ vẫn nheo nhóc, mẹ già vẫn váy rách trơ xương. Sau Tố Hữu đến thi nô thứ hai là Xuân Diệu. Anh thi nô này nịnh bợ Đảng và Bác cũng nhiệt tình vô cùng. Anh ta xưng con với Hồ Chí Minh ngọt xớt :
Mỗi lần tranh đấu gay go
Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm
Nghe lời Bác dạy khuyên răn
Chúng con ước muốn theo chân của người
Chúng con thề nguyện một lời
Quyết tâm thành khẩn lột người từ đây
Thi nô Xuân Diệu chế tạo cả pho thơ nịnh bợ Đảng và Bác. Kế đó là các thi nô Chế Lan Viên (bẩy ngày không ăn ngủ ngồi khóc Bác trên gác), Hưởng Triều vân vân. Tiến xa và tiến sâu vào khuynh hướng thi ca nịnh bợ là thi nô Bút Tre. Thi nô Bút Tre làm mới thi ca nịnh bợ bằng cách bỏ dấu và gieo vần tài tình. Xin thưởng thức :
Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta, thắng trận Điện Biên mới về
Lại bịt mũi thưởng thức tiếp, vì Bút Tre nịnh bợ rất hiện thực xã hội chủ nghĩa :
Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng
Noi gương Tố Hữu, anh nịnh bợ :
Liên xô rất đỗi tự hào
Có Ga ga rỉn bay vào vũ tru !
Gagarin thành Gagarỉn, vũ trụ thành vũ tru, nền thi ca nịnh bợ đã lên ngọn đỉnh trí tuệ của loài người vậy. Hai câu dưới đây mới ghê :
Trên rừng con khỉ đánh đu
Miền Nam thằng Diệm mút cu cụ Hồ !
Thi nô Bút Tre, trưởng ty Thông tin văn hóa tỉnh Sơn Tây, đã tự xuất bản pho thơ nịnh bợ trong tinh thần tự biên, tự diễn, tự xuất, theo đúng nghị quyết của Đảng. Tố Hữu ghen tài, bèn ra lệnh tịch thu pho thơ bất hủ này.
Ta luận về thi ca nịnh bợ ở vùng cộng sản đã chán. Bèn muốn luận về thi ca nịnh bợ Ngô chí sĩ ở vùng tự do. Chỉ sợ làm buồn các đấng thi nô đang có mặt tại Mỹ, tại Tây và con cháu họ. Nên thôi. Để tí phúc chứ. Ta đang bị "vây hãm", tưởng cũng dành một lối thoát thân ! Mới đây, nhân được bằng hữu bên Huê kì gửi sang tặng số "tạp chí" H.V. của ông Đỗ Ngọc Tùng, lại bảo đọc kỹ bài thơ của ông thi hào Cao Tiêu. Về ông Đỗ Tùng và nhà "xuất bản" Đại Nam của ông ta, cả thế giới đều đã rõ và đã lợm giọng, không nên phí lời. Ta chỉ nhắc một câu ngắn : Tạp chí Baraka của châu Phi, xuất bản tại Paris số tháng 2-1987 đã dành cho ông Đại Nam một dòng nghiệt ngã dưới cái tiêu đề "Xuất bàn không phải là ăn cướp". Cứ yên chí, đâu còn đó. Cái gì của César sẽ phải trả lại cho César. Đấng trượng phu hai mươi năm sau tuyết hận vẫn chưa muộn. Còn cái thằng vằn sĩ kiêm đủ thứ sĩ kia, hèn mọn không dám xuất đầu lộ diện, cúi mặt lén lút viết mướn cho báo H.V. trà thù vặt, ta chẳng thèm chấp. Chủ nó ta còn lôi ra hài tội, khinh bỉ. Cái thứ sĩ thiếu can đảm đương đầu, nó chửi ai là vinh danh người đó.
Về ông Cao Tiêu, ta và ông này đã quen biết nhau, khá lâu từ ở quê nhà. Ông Cao Tiêu tên thật Hoàng Ngọc Tiêu, đồng hương Thái Lọ của ta. Bản chất hiền lành và sợ đụng chạm. Kết nghĩa huynh đệ với người tướng Cao văn Viên, ông lấy bút hiệu Cao Tiêu và rất hãnh diện viết nhật lệnh cho "đại tướng". Lúc ấy Cao Tiêu dõng dạc :"Tướng lãnh, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ... ". Sáng 30-4-1975, bạn ta, thượng sĩ Phạm Lê Phan, tác giả thi phẩm Chiến ca mùa hạ, ở Cục tâm lí chiến gọi giây nói cho ta, bảo rằng, một tay cầm lựu đạn, một tay ôm chai whisky chờ giặc đến. Giặc biết điều thì giao Cục. Giặc hống hách thì tuẫn tiết. Bạn ta cũng bảo rằng, Cục phó Phan Trọng Thiện vừa rút, còn Cục trưởng Cao Tiêu đã nương bóng cố vấn Mỹ chuồn tự 27-4. Ta không thích quen biết kẻ đã viết Nhật lệnh và đã đào ngũ, đã chạy trốn trưôc lệnh đầu hàng.
Trải qua 6 nằm tù đầy, ta vượt biển sang Tây, đọc báo thấy ông "đại tá" Cao Tiêu cười toe toét phát giải cho gái hoa hậu một cách rất "bất tri vong quốc hận", bèn thương Văn Quang, Thảo Trường, Vũ Đức Nghiêm vô vàn. Thục Vũ chết ở Sơn La. Minh Kỳ chết ở Long Giao. Ông Cao Tiêu cười toe toét phát giải cho gái hoa hậu ở Mỹ, làm thơ chữ Hán, dịch chữ Việt, thủ bút, tim son và uống trà Vô Di nghe Hồ Điệp ngâm. Ôi, đại tá đào ngũ không xúc động nhưng thi sĩ cũng không biết xúc động nữa ư ? Thế thì thi ca là cái gì, thời đại là cái gì nhỉ ? Tuy nhiên, ta lặng thinh để ông Cao Tiêu uống trà Vô Di.
Bằng hữu bắt đọc thơ ông, ta đành đọc. Trước hết, ta khó chịu cái thái độ khuyển nho của ông Cao Tiêu. Ông ta biết làm thơ bằng chữ Việt, tuy thơ Cao Tiêu thuộc loại bình thường hiện thân, nhưng đã chê chữ Việt. Ông mượn chữ Hán để phô diễn tình cảm Việt Nam, tình tự Việt Nam. Ta bỗng thương Văn tế cá sấu viết chữ nôm, bản tuyên ngôn độc lập văn hóa bất hủ của Hàn Thuyên đời nhà Trần. Ta bỗng xót sự nghiệp cách mạng văn hóa của Tây Sơn. Mọi nỗ lực giải phóng dân tộc khỏi văn hóa Trung hoa của tiền nhân đã bị phản bội. Tại sao ông Cao Tiêu không làm thơ chữ Việt rồi dịch ra chữ Hán đăng báo Tầu ? Trong khi mọi người ưu tư ngôn ngữ Việt Nam, chữ nghĩa Việt Nam sẽ bị tuyệt tích ở những thế hệ con cháu ta, mọi người cố gắng bào tồn văn hóa, bào tồn ngôn ngữ, bào tồn chữ Việt thì ông Cao Tiêu hăng say bảo tồn chữ Hán. Thơ chữ Hán của ông hay ho gì đâu ! Giá ông làm thơ chữ Mỹ, có thể, nổi tiếng mạnh vì hợp thời và vì đã khối người giả vờ quên tiếng Việt Nam, tuy rằng mít ước. Ít ra, ông sẽ là thần tượng của một cậu thủ khoa "Mỹ là tổ quốc của tôi, tôi không biết nước Việt Nam nữa". Về bài thơ Tùng của ông nó chẳng có gì đáng nói. Thế mà có kẻ cũng mất công họa cả ba lần và ngộ nhận tai hại về ông Cao Tiêu. Có lẽ Tùng đăng báo Đỗ Tùng nó chướng chăng ? Ta có đọc truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, lấy làm cảm kích lắm. Người tử tù nổi tiếng viết chữ đẹp. Cai ngục hầu hạ, phục dịch ông ta chỉ với mục đích xin ông viết cho vài chữ đem về treo ở nhà. Người tử tù thương cảm cai ngục, bằng lòng viết, nhưng dặn : "Về đổi nghề, đừng làm cai ngục nữa rồi hãy treo chữ của ta". Cai ngục lễ phép vâng lời. Chữ viết của danh sĩ ngày xưa rất quí. Thủ bút của thi sĩ ngày nay cũng vậy.
Ông Cao Tiêu chưa phải là danh sĩ. Gã cai ngục trong Vang bóng một thời là gã cai ngục có tâm hồn và kính trọng kẻ sĩ. Thế mà người cho chữ bắt gã bỏ nghề cai ngục mới cho phép treo chữ của mình. Ông Đỗ Ngọc Tùng tước đoạt toàn bộ công trình tim óc của nhà văn, ông ta nên kể vào hạng gì trong xã hội loài người ? Chưa đủ, ông ta còn thuê ông "văn sĩ" kiêm các thứ "sĩ" viết bài bêu nhục kẻ bị ông ta ăn cướp toàn bộ tác phẩm, ông Cao Tiêu thừa biết, và ông coi ông Đỗ Ngọc Tùng là thứ gì ? Có tĩnh từ nào hơn bất lương, đốn mạt, đê tiện, vô lại ? Trên tất cả, ông Đỗ Ngọc Tùng còn phát hành Từ điển Việt cộng, ông Cao Tiêu, Cục trưởng tâm lí chiến đã quên ... tâm lí chiến chăng ?
Thi sĩ là kẻ khinh bạc nhất loài người. Văn sĩ là kẻ kiêu ngạo nhất loài người. Như ngài Cao Bá Quát đã bịt mũi vì mùi thơ Thi Xá, thơ của vua quan, vương tôn công tử, của cả Tự Đức.
Ngán cho cái mũi vô duyên
Câu thơ Thi Xá, con thuyền Nghệ An
Như ngài Trần Tế Xương đã chúc :
Cho thiên hạ khắp nơi nơi
Vua, quan, sĩ, thứ dân trong nước
Sao được cho ra cái giống người
Cứ kẻ sĩ là được quyền ngạo mạn với giai cấp thống trị và bọn trọc phú quyền thế. Như Điền Tử Phương không thèm tranh đường thế tử Kích.
- Vua kiêu ngạo hay kẻ sĩ ?
- Kẻ sĩ.
- Tại sao ?
- Vua kiêu ngạo thì mất nước. Kẻ sĩ không có gì để mất, tha hồ kiêu ngạo.
Nếu Điền Tử Phương đã có tác phẩm văn học, đã "thống lĩnh một ngọn núi", ông ta sẽ đáp :
- Kẻ sĩ có thứ, nghìn lần dâu biển không thể mất, nên kẻ sĩ mới dám kiêu ngạo.
Tỉ dụ tác phẩm của các nhà văn còn, sau 30-4-75, và vẫn tái bản ở Mỹ nhưng chức tước tổng thống của ông Thiệu, bộ trưởng của ông Nhã, thiếu tướng của ông Kỳ, nghị sĩ của ông Sang, dân biểu của ông Yến đã đi tướt cả. Phàm những kẻ đã cầm bút, dù viết xuất sắc hay viết làng nhàng, đều là những kẻ biết kí thác tâm sự của mình, của người, của đời lên chữ nghĩa. Và khi đã hiểu rõ sứ mạng của chữ nghĩa, người cầm bút biết quí trọng chữ nghĩa của mình khôn tả, người cầm bút chọn Sự Thật và Lẽ Phải mà phô diễn tư tưởng, hoặc làm vinh danh Cái Thật, Cái Tốt, Cái Đẹp. Vậy mà khối kẻ thành danh còn bệ rạc, nói chi đám lèng xèng "văn sĩ, thi sĩ, báo sĩ, họa sĩ" viết mướn, chửi thuê kiếm gạo nuôi cha mẹ. Nồi nào vung nấy. Than ôi, trong những cái vung đây lên cái nồi đầy nước mắt, mồ hôi, máu của các nhà văn Việt Nam quằn quại lao tù cộng sản, rên đói ngoài đời cộng sản lại thêm cái vung Cao Tiêu. Chữ nghĩa đã đau đớn. Thi ca đã hoen ố. Ô hô !
*
Ông Cao Tiêu dẫu có làm nghìn vạn bài thơ, nắn nót thủ bút thật đẹp, thửa triển son thật tinh vi, chẳng bao giờ ông là thi sĩ cả. Bởi vì, ông đa tặng chữ cho một tên ăn cắp. Có thể, ông không bắt tên ăn cắp hoàn lương trước khi treo chữ của ông là do ông đã thấy ở tên ăn cắp như một tâm hồn đồng điệu !
Đồng Nai Tư Mã
2-87