BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72807)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hành Trình Cuối Đông (1)

04 Tháng Mười Một 198812:00 SA(Xem: 921)
Hành Trình Cuối Đông (1)
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Bút ký về một chuyến đi có thật


Phần MỘT


Đoàn văn nghệ Langbian xuất phát xuống núi lúc 8 giờ sáng ngày 4-11-1988: Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hoàng Như Thủy An, Lưu Hữu Nhi Dũ, chiến sĩ lái xe Bùi Thanh Thảo và con chiến mã Lada 49A-3842. Phải nhắc ngay đến Bùi Thanh Thảo và con chiến mã Lada vì nếu không có những người bạn đường trung thành và tận tụy này thì chúng tôi không thể nào làm được cuộc hành trình gần 6000 cây số từ Nam ra Bắc với thời gian đúng một tháng mười bốn ngày, không phải chỉ đi ban ngày mà cả ban đêm, không chỉ giờ hành chính mà cả đến 11, 12 giờ khuya, không chỉ trên đường lớn mà cả trong những ngõ nhỏ đến với bạn bè văn nghệ khắp dọc đường đất nứớc. Chúng tôi dự tính khi hoàn thành chuyến đi sẽ quyết định cấp một kiểu giấy khen gì đó cho con chiến mã Lada, dán vào cửa kính xe để ghi công trạng của nó nhưng đến nay vẫn chưa làm được.

Khách cùng đi với đoàn văn nghệ Langbian là nhà thơ Hữu Loan. Hữu Loan là ai? 

 Hữu Loan là thực

 hay Hữu Loan chỉ là thơ

 Anh còn sống

 hay anh mới hiện về

 từ xa lắm ngày xưa

 từ mới khai sinh chế độ?

 (Hữu Loan: Chuyện tôi về)

Chúng tôi sẽ còn nói nhiều đến Hữu Loan trong thiên bút ký này.

Hữu Loan đến với văn nghệ Langbian như duyên tiền định. Sau ba mươi năm ở ẩn bất đắc dĩ, Hữu Loan "tái xuất giang hồ", đi một vòng đất nước thăm quê hương bạn bè. Ngày 22-1-1988, ngọn gió lạ tình cờ đưa Hữu Loan đến với đại hội thành lập Hội văn nghệ Lâm Đồng và trở thành kẻ tri âm tri kỷ của văn nghệ Langbian. Sau đó cũng rất tình cờ Hữu Loan đã cùng đi với Bùi Minh Quốc và Nguyễn Tấn Cứ ngao du một vòng tám tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và bây giờ cũng rất tình cờ, Hữu Loan đã có mặt ở Đà Lạt lúc văn nghệ Langbian chuẩn bị chuyến đi. Phải chăng "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu"? Hữu Loan rất thú vị với sự kết hợp lạ lùng trong chuyến đi này. Anh không hề mang ơn chúng tôi dù chúng tôi đã giúp anh thực hiện một-chuyếnđdi-mơ-ước-cuốiđdời-không đễ-gì-có được, chúng tôi cũng không dựa gì vào tiếng tăm và sự hâm mộ của quần chúng dành cho anh. Đó chỉ là sự gặp gỡ kết hợp của lịch sử mà thời kỳ đổi mới đã tạo ra. Hữu Loan là "nhân văn"(?!). Từ "nhân văn" với ý nghĩa đẹp đẽ cao quý từ trong nghĩa đen bao năm qua đã được hiểu như một cái gì xấu xa, phản trắc. Hữu Loan và bạn bè văn nghệ cùng thời của anh đã là "nhân văn". Nếu là "nhân văn" đúng nghĩa đẹp của nó,"nhân văn" không phải là phản động, thì chúng tôi, chúng ta, thế hệ sau lại không thể là và không phải là "nhân văn" sao? Ta sợ gì những cái mũ quy chụp. Không có Hữu Loan này sẽ có Hữu Loan khác, không có chúng tôi sẽ có người khác, không có sự kết hợp này sẽ có sự kết hợp khác, không có chuyến đi này, sẽ có chuyến đi khác. Và lịch sử nhất định sẽ tiến theo con đường đích thực của nó, bằng những giá trị nhân văn trường cửu của mình.

Hữu Loan "nhà quê" vô cùng. Anh lập cập mở mãi không được cánh cửa xe vì không biết chốt cửa nằm ở đâu. Anh không xấu hổ vì chuyện đó. Từ năm 1945 anh đã lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Nga Sơn quê hương anh, đã phụ trách bốn ty của tỉnh Thanh Hóa, có tiêu chuẩn xe con đưa đón, nhưng đã ba mươi năm rồi anh chỉ ở làng quê không hề ra thành phố. Chúng tôi nhớ lại hôm đại hội văn nghệ Lâm Đồng, khi phát biểu anh đã mở đầu bằng câu "Thưa cán bộ" làm mọi người cười ầm lên. Lúc tổ chức gặp gỡ công chúng ở rạp 3/4 Đà Lạt, lên sân khấu đọc thơ, anh đã tự nhiên ngồi chồm hổm trên sân khấu lục tìm trong xắc tập thơ của mình để đọc, mặc cho thính giả chờ đợi.

Chao ôi! Hữu Loan là nhà thơ, là trí trức, đã từng làm tuyên huấn sư đoàn, từng phụ trách báo chiến sĩ liên khu IV, sau ba mươi năm làm ruộng và đẩy xe thồ, bề ngoài và thói quen anh hoàn toàn là một ông già nhà quê. Chỉ có nội tâm anh lúc nào cũng sục sôi tinh thần chiến sĩ - nghệ sĩ và vì thế anh đã hòa nhập vào thế sự và văn chương hôm nay không một chút lạc hậu.

***

Đoàn văn nghệ Langbian xuống núi, đi dọc miền Trung để gặp gỡ, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp những vấn đề chung trước khi ra Hà Nội để đòi giấy phép xuất bản chính thức cho tạp chí Langbian, đòi các quyền cơ bản của Hội văn nghệ là quyền ra báo, tạp chí và xuất bản. Tạp chí Langbian mới ra được ba số, với các bài thơ của Thanh Thảo và Đặng Thị Vân Khanh đã gây ra một cuộc tranh luận gay cấn về phê bình văn nghệ và chụp mũ chính trị, với bài phát biểu "Thơ và trách nhiệm của thơ" của Bùi Minh Quốc làm nhiều người nhức nhối, với trường ca "Đi! Bài thơ Việt Bắc" của Trần Dần và bài thơ "Tục Đèo Cả" của Hữu Loan làm bao người khó chịu, với bài thơ "Phía sau nhân dân" của Nguyễn Tấn Cứ được báo đảng An Giang đăng lại và nghe nói có người đánh máy nhiều bản giao cho nông dân Nam bộ cầm đi biểu tình, với "Đề cương đề dẫn" của Đảng đoàn Hội nhà văn 1979 lần đầu tiên được công bố đã làm bao ông lớn phải điên đầu...

Tạp chí Langbian còn non trẻ, mới "xuất hiện giang hồ" còn nhiều sơ xuất, khuyết điểm, nhưng với "chiêu thức" khá độc đáo, được bạn bè và bạn đọc ủng hộ, cổ vũ thì với cái chỉ thị gì đó của ông Bộ thông tin mới ban hành, Sở văn hóa thông tin Lâm Đồng không dám cấp giấy phép cho nó nữa, thế là Langbian phải làm như chàng Lang trong truyền thuyết Mạ K'Ho, đi kiện trời. Cũng là sự phù hợp lạ lùng, văn nghệ Langbian thời nay cũng phải lên tới thiên đình như dũng sĩ Lang thuở hồng hoang; còn nàng Bian, thời đại nào cũng có những nàng Bian dám sống chết cho tình yêu và chân lý.

Trước khi ra Trung, đoàn văn nghệ Langbian về thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết một số việc của cơ quan mà việc chính là phát hành số sách đã xuầt bản còn tồn đọng. Văn nghệ Langbian thật "họa vô đơn chí". Sau "vụ án về sách vụ án" rùm beng giữa năm 1988 mà Sở văn hóa thông tin Lâm Đồng nổi cộm lên như một điển hình thì ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, các công ty phát hành sách nhà nước hay các tay lái sách tư nhân nghe đến sách của Lâm Đồng đều dội không dám nhận, bất kể đó là "Thơ tình cho Lara" của Pasternak,"Gió đầu mùa" của Thạch Lam, hay "Sáu mươi ngọn nến" của Tendriacốp... Chưa kể loại sách văn học đứng đắn, có giá trị không thể nào cạnh tranh nổi với các loại sách tình báo, gián điệp, hình sự giật gân và khiêu dâm. Thậm chí có tay phát hành sách đã đề nghị đổi tên "Sáu mươi ngọn nến" của Tendriacốp thành "Cái chết được báo trước", vẽ lại bìa cho thật hấp dẫn thì sẽ nhận phát hành. Chao ôi! Cái thời buổi mới đau đớn cho nhà văn biết chừng nào!

Đoán trước rằng chuyến đi đòi quyền sống cho Langbian sẽ gặp khó khăn, chưa chắc đã đạt được mục đích, ở Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi đã đến làm việc với ban biên tập các báo, gặp Nguyễn Công Khế, phó tổng biên tập Tuần Tin Thanh Niên và Kim Hạnh, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ trao đổi bước đầu về mục đích chuyến đi và đề nghị khi Langbian gặp khó khăn xin được "mượn đất" trên các báo bạn. Bạn - những tờ báo mạnh mẽ của tuổi trẻ Sài Gòn - hứa sẽ ủng hộ, điều đó củng cố thêm lòng tin cho văn nghệ Langbian trước chuyến đi xa, dù chưa biết chuyến đi sẽ mở đầu cho một cuộc chiến đấu đầy cam go và lôi cuốn biết bao người vào dòng nước xoáy thử thách bản lĩnh và nhân cách, làm lộ mặt những con người bao năm mang mặt nạ, làm rõ bạn thù trên chiến tuyến đấu tranh cho đổi mới.

Tội nghiệp cho Trần Duy Phiên. Tác giả "Trước khi mặt trời mọc" thuở Đối Diện trước năm 1975, một cây bút tài hoa nhiều phong cách của nhóm Việt, nhóm văn nghệ yêu nước tiến bộ hoạt động mười năm trong lòng đô thị miền Nam, sau mười ba năm gác bút, đọc Langbian, thấy phấn khởi cầm bút trở lại. Gặp chúng tôi ở Sài Gòn, tại nhà Trần Hữu Lộc, tác giả "Cách một giòng sông" của nhóm Việt, Phiên đã tin cậy trao cho văn nghệ Langbian truyện ngắn mới nhất của anh, khi Langbian không còn giấy phép để xuất bản.

Từ núi rừng Gia Lai - Kontum, Trần Duy Phiên đi ngay vào cuộc tranh luận với bạn bè ở những vấn đề gai góc nhất của văn chương hiện nay: Viết có cần lập trường giai cấp không? Phải chăng có thể viết về nỗi đau của bất cứ con người nào trong cuộc đời, dù đó là một người ăn mày hay một tay tư sản? Tại sao lúc nào cũng có một ông kiểm duyệt nằm trong đầu khi viết, viết mà cứ sợ không được đăng, không được xuất hiện, không được lãnh đạo hài lòng, chấp nhận? Phải chăng từ sau 1954 Việt Nam không có một nền văn chương đích thực mà chỉ có một số tác phẩm văn chương, vì phần lớn các tác phẩm chỉ có tính chất minh họa mà nghệ thuật đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu?

***

Sau vài ngày làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, đoàn văn nghệ Langbian xuất phát đi ra Trung khi cơn bão số 10 đang tràn vào đất liền. Sài Gòn mưa gió mạnh và lạnh chưa bao giờ gặp trước đây, nhưng trên quốc lộ 1 ra Trung, rất may xe đi đến đâu thì bão mới qua đến đó. Thuận Hải bị cơn bão quét qua, hai bên đường cây cối gãy chưa kịp dọn, nước sông còn dâng lên ngập úng một số đồng ruộng.

Chúng tôi đến Phan Thiết lúc gần chiều, tìm ngay đến Hội văn nghệ Thuận Hải. Trụ sở hội ở trên một đường phố chính, tầng dưới dùng làm quán cà-phê, khách rất đông và nhạc ầm ĩ. Mai Sơn ủy viên thường vụ hội, người viết văn trẻ của Thuận Hải tiếp đoàn và đưa ngay đi nhà hàng ăn cơm, uống bia chu đáo.

Rất tiếc là nghe nói Nguyễn Tường Nhân chủ tịch hội ốm đang nằm bệnh viện. Nhà viết kịch này tuy lớn tuổi nhưng qua mấy lần tiếp xúc trước đây rất hăng hái. Trong hội nghị các tạp chí văn nghệ miền Trung tổ chức tại Nha Trang tháng 3-1988, khi nói về các chỉ thị gò bó của Bộ thông tin, Nguyễn Tường Nhân đã than phiền và lên án "hiện tượng Pôn Pốt trong văn nghệ" hiện nay.

Buổi tối hội Thuận Hải bận tổ chức trao bằng khen cho kiến trúc sư đã thiết kế Nhà bảo tàng Hồ Chí Minh nên thường trực hội hẹn 8 giờ tối mới làm việc và chỉ có Huy Sô và Mai Sơn dự. Huy Sô là nhạc sĩ, phó chủ tịch hội. Hai bên trao đổi những vấn đề chung của văn nghệ. Huy Sô nói nhiều, tỏ ra thức thời nhưng ngại va chạm. Ông tự cho mình là người nói mạnh trong các cuộc họp nhưng có lý lẽ không ai bắt bẻ được. Ông khuyên văn nghệ Langbian cần chờ đợi vì có nhiều vấn đề trung ương cũng đang lúng túng, ở địa phương nên khôn khéo tranh thủ tỉnh ủy, ủy ban tỉnh, Sở văn hóa thông tin, đừng đi mau mà vấp! Đại khái những lời khuyên mà chúng tôi đã nghe nhiều, khôn ngoan, và chúng tôi đã thực hiện nhưng không giải quyết được gì.

Mai Sơn cùng dự có tác động theo chiều hướng tích cực nhưng không ăn thua, ông ủy viên thường vụ trẻ này cấp tiến, có uy tín trong giới viết văn địa phương nhưng tiếng nói chưa có trọng lượng trong tổ chức hội. Trước khi chia tay, Huy Sô còn nói đùa: ""Các anh đi rủ rê làm cách mạng phải không, muốn làm Tô Tần thời nay khó lắm!"

Chúng tôi buồn cười mãi về câu nói "rủ rê đi làm cách mạng". Nếu đúng là làm cách mạng thì cũng nên rủ rê nhau. Chứ sao!

Ngủ đêm ở Phan Thiết, sáng sớm hôm sau, chúng tôi định đi ngay Nha Trang, nhưng khi đến trụ sở hội văn nghệ chào từ biệt, gặp một số anh em cán bộ hội níu kéo ở lại nói chuyện, đưa đi chụp ảnh lưu niệm ở Nhà bảo tàng Hồ Chí minh (nơi có trường Dục Thanh ngày trước người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã từng dạy học) bên bờ sông Mường Mán.

Vì sự níu kéo này mà chúng tôi gặp Nguyễn Bắc Sơn trước khi rời Phan Thiết. Nghe anh em nói Nguyễn Bắc Sơn hiện đang ở Phan Thiết, chúng tôi đề nghị đưa đi thăm ngay vì chúng tôi, kể cả Bùi Minh Quốc đều đã đọc thơ anh trước 75 và mến giọng thơ ngang tàng của anh.

Lê Nguyên Ngữ, một cây bút của Thuận Hải, đưa chúng tôi đến nhà Nguyễn Bắc Sơn ở ven thị xã Phan Thiết. Nhà Sơn có vườn khá rộng, có cây vú sữa lớn tỏa bóng mát và một loài hoa bông vàng ngả mình trên nền đất cát, hoa ti-gôn trùm phủ lên mấy cây hoa sứ, có vẻ gì hơi hoang sơ. Đứng trong vườn nhà có thể thấy chùa Phật với bảy đầu rồng và nghe tiếng sóng biển vọng lên phía sau nhà.

Tất cả chúng tôi đều lần đầu gặp Nguyễn Bắc Sơn. Anh khoảng 40 tuổi, gầy, nụ cười và đôi mắt phảng phất vẻ mệt mỏi . Anh đang bị bệnh và phải tự chữa bằng cách tập Yoga và khí công. Anh rất cảm động khi chúng tôi đến thăm, cứ đòi đi kiếm rượu đãi khách nhưng chúng tôi can vì không thể ở lâu. Anh cho biết không phải đã gác bút mà trái lại đang ồấp ủ nhiều ý định sáng tác và đọc cho chúng tôi một số bài thơ mới làm. Anh tranh thủ chép bốn bài thơ để gởi cho tạp chí Langbian, mà anh cũng đã có nghe bạn bè nói đến. Ngay nhan đề các bài thơ đã cho thấy một phong cách thơ anh: Bài thơ tình viết khi nổi sùng, Mùa thu đi ngang cây phong du, Chuyện một ngày nhàn rỗi, Chuyện hai bố con tôi. Thơ tình của Nguyễn Bắc Sơn lạ, đẹp và đau đớn: 

 Thời mạt thế người ta yêu nhau bằng cái búa
 (Bài thơ tình viết khi nổi sùng)

 Và tặng nhau hằng chục nhát dao găm

 Anh, kẻ chập chờn giữa càn khôn lảo đảo

 Tặng cho em nguyên một đóa trăng rầm

Nguyễn Bắc Sơn trước đây đã từng bị bắt đi lính trong Nam nhưng bố anh là một cán bộ tập kết, khi về hưu là trung tá Quân đội Nhân dân, ông mới mất cách đây vài năm và mộ chôn ngay trong vườn nhà. "Chuyện hai bố con tôi" là một tâm sự cay đắng: 

 Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Phải chăng đó là một tâm trạng bế tắc có thực mà từ cuộc sống chung của đất nước và cuộc sống riêng, Nguyễn Bắc Sơn đã chiêm nghiệm một cách bi quan.

 Và thế là ông từ tuổi thanh xuân

 Cùng bạn bè đi làm cách mạng

 Ông càng làm cách mạng chừng nào

 Thì loài người càng thêm sặc máu

 Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp

 Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người

 Tôi càng ca tụng chừng nào

 Thì loài người càng xấu xa chừng nấy

Trước khi từ giã Phan Thiết, chúng tôi đến thăm và ăn trưa tại nhà Nguyễn Như Mây. Anh chàng thi sĩ này đúng là Như Mây. Anh kể có hôm buồn quá ra bến xe đứng rồi bất ngờ nhảy lên một chiếc xe đò nào đó sắp chuyển bánh. Có thể là Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang... Miễn là được đi sau khi cảm thấy ngôi nhà và phố cũ đã quá chật chội bức bối. Dù ngôi nhà rất ấm cúng và người vợ rất hiểu chồng, quý bạn bè văn nghệ. Dù phố cũ thân quen với biết bao kỷ niệm của một nửa đời đã qua. Xin ngôi nhà, người vợ, phố cũ hiểu cho chàng, dành cho thi sĩ những thoáng phiêu bạt và những giờ đến với bằng hữu không thể thiếu trong đời.

Vợ chồng hiếu khách Nguyễn Như Mây đã cho khách ăn một bữa cơm mắm tuyệt vời, không đâu có được. May ra chỉ có bữa cơm mắm tôm ở quán Nhạn, bến xe Huế sau đó là có thể nhắc nhở chúng tôi thế nào là hương vị của mắm quê hương và làm chúng tôi nhớ đời. Còn những bữa ăn sang trọng do bạn bè chiêu đãi, bia bọt đầy tràn dù ở các khách sạn của Sài Gòn, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế hay Hà Nội, trừ tấm lòng bè bạn, chúng tôi quên ngay vì không có gì đáng nhớ. Nghe nói nhà Nguyễn Như Mây là nơi dừng chân của bạn bè văn nghệ từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam. Như Mây không biết uống rượu nhưng nhà lúc nào cũng có sẵn một hũ rượu ngon đãi khách và vợ Như Mây cũng ngồi nghe thơ của bạn bè văn nghệ say mê như chồng.

Ơ' Phan Thiết, chúng tôi đã đến thăm Nhà bảo tàng Hồ Chí Minh, khách sạn Vinh Thủy, đi ngang qua tượng đài liệt sĩ, Nhà hát nhân dân ngoài trời, những công trình xây dựng lớn, niềm tự hào của Thuận Hải. Nhưng chúng tôi tiếc không được đến lầu ông Hoàng, nơi kỷ niệm đã đi vào những dòng thơ đớn đau của Hàn Mặc Tử. Nghe nói nơi này đã bị nạy đến viên gạch cuối cùng. Việc gặp anh em văn nghệ Thuận Hải làm ấm lòng anh em văn nghệ Langbian khi đi qua một vùng đất tuy địa giới tiếp giáp với Lâm Đồng nhưng lại xa cách biết bao sông núi.

Tại nhà Như Mây, ăn trưa xong, dù không có "không khí" nhưng mấy khi gặp nhau, nên Như Mây mời lên gác uống trà, đọc thơ. Trên đường ra Trung, lần tầu tiên Hữu Loan đọc "Chuyện tôi về", Bùi Minh Quốc đọc "Những ngày thường đã cháy lên","Không có gì quý hơn độc lập tự do","Mẹ đâu ngờ", những bài thơ sẽ góp phần gây sóng gió cho chuyến đi dọc đường đất nước.

***

Khởi hành từ Phan Thiết muộn nên 8 giờ tối, xe mới đến ngã ba Thành trước khi vào Nha Trang. Cơn bão số 10 vừa đi qua đang gây lụt ngập đường vào Nha Trang. Nước sông dâng lên ngập đường đến khoảng một mét, trên đoạn đường dài đến hơn năm cây số. Chiếc Lada đã vượt qua đoạn đường này như một phép lạ, không chết máy dù nước vào đầy trong thùng xe, ướt hết đồ đạc. Trời tối, nước mênh mông không thấy mặt đường, chiếc Lada bám theo một chiếc xe bồn phóng tới bất kể trời đất. Mọi người trên xe đều lên ruột. Rải rác trên đường đã có những chiếc xe chết máy nằm vạ hoặc người đi xe phải xuống đẩy. Một vài lần xe giật giật, gầm gừ, ho sặc nước nhưng rồi nó vẫn dũng cảm tiến tới và băng lên đoạn đường khô ráo khi Nha Trang hắt lên ánh sáng ấm cúng của thành phố về đêm. Sau những phút giây gần như nín thở, mọi người thở phào và hầu như cùng một ý nghĩ "thoát nạn". Cũng như sau này trong chuyến vào, trời tối, chiếc Lada nổ lốp ba lần gần Đại Lãnh, một nơi đèo heo hút gió nhưng vẫn có chỗ vá xe và lại mua được hai lốp cũ để thay thế.

Chúng tôi đến Nha Trang lúc 9 giờ tối, thuê phòng nghỉ tại nhà khách tỉnh ủy, ra chợ ăn phở rồi về lăn ra ngủ.

Sáng hôm sau, đến trụ sở Hội văn nghệ Nha Trang, nơi có quán cà-phê của Lê Ký Thương, đã thấy rất đông anh em văn nghệ có mặt. Một chỗ thế này thuận lợi và xứng đáng cho "quần hùng tụ hội". Lại nghĩ đến Văn nghệ Langbian chưa có một chỗ nào cho anh em gặp gỡ thuận tiện, trong khi Đà Lạt lại là một thành phố du lịch mà bạn bè văn nghệ khắp nơi thường xuyên qua lại.

Chúng tôi trao đổi sơ qua công việc với Cao Duy Thảo, ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Phú Khánh, phó tổng biên tập tạp chí Cánh E'n và Thế Vũ, ủy viên ban thư ký Hội văn nghệ Nha Trang, hẹn giờ làm việc chính thức với lãnh đạo hội và hai tạp chí.

Gần trưa, Cao Duy Thảo và Thế Vũ lại đến phòng nghỉ của đoàn ở nhà khách tỉnh ủy để hội ý thêm. Trong căn phong số 5 tầng trệt của nhà khách này, mầm sống một cuộc đấu tranh đòi dân chủ bắt đầu. Cao Duy Thảo, Thế Vũ, Bùi Minh Quốc, Bảo Cự cùng với Hữu Loan sau khi hội ý đã thống nhất giao cho Bảo Cự soạn thảo một bản kiến nghị và một bản tuyên bố để thông qua trong cuộc họp giữa đại diện các hội và tạp chí ngày hôm sau.

- Kiến nghị của các hội liên hiệp văn học nghệ thuật, các tạp chí văn nghệ địa phương về một số vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động văn học nghệ thuậtê dựa vào và phát triển thêm kiến nghị mà trước đây, tháng 9-1988, Hội văn nghệ Lâm Đồng đã ký chung với Hội văn nghệ Nguyễn đình Chiểu, Bến Tre, cũng như kiến nghị của các tạp chí văn nghệ miền Trung tháng 3-1988.

Bản kiến nghị , sau khi nhận định tình hình chung, nêu cụ thể năm điểm về yêu cầu xác định vai trò, vị trí của hội văn nghệ địa phương; sự tài trợ của nhà nước; quyền ra báo, tạp chí, lập nhà xuất bản; việc ban hành các chính sách ưu đãi đối với các hoạt động văn hóa văn nghệ; và đặc biệt là yêu cầu cách chức những người có trách nhiệm ở Ban tuyên huấn trung ương, Bộ thông tin, Ban tổ chức chính phủ đã làm trái với nghị quyết của Đảng. Chính điểm 5 của kiến nghị này đã làm nhức nhối nhiều người ở một số cơ quan của trung ương và cả các địa phương có liên quan, gây nên nhiều cuộc tranh cãi gay gắt trong cả một quá trình dài.

Kiến nghị này có đại diện của ba hội Lâm Đồng, Phú Khánh, Nha Trang và ba tạp chí Langbian, Cánh E'n và Văn nghệ Nha Trang ký.

- Tuyên bố của những người hoạt động, yêu thích văn học nghệ thuật và hưởng ứng đổi mới về một số vấn đề thời sự văn nghệ và chính trị hiện nayê gồm ba điểm: ủng hộ kiến nghị của các hội và các tạp chí văn nghệ địa phương; yêu cầu làm sáng tỏ những vấn đề chung quanh hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Hội nhà văn khóa III và về tuần báo Văn nghệ; yêu cầu thực sự thay đổi về tổ chức, cách chức hoặc thay thế ngay những người phụ trách các cơ quan của trung ương trong ngành văn hóa văn nghệ cũng như trong các ngành khác đã tỏ ra chống đổi mới, thiếu tích cực hoặc thiếu năng lực thực hiện đổi mới.

Bản tuyên bố ký với tính cách cá nhân này ra đời vì qua kinh nghiệm làm việc với một số hội ở đồng bằng sông Cửu Long, ở Thuận Hải và ngay ở Phú Khánh, Nha Trang, ký với tính cách tổ chức thường có nhiều lấn cấn về quan điểm, về nguyên tắc, về điều kiện cụ thể của từng hội, do đó bản tuyên bố cá nhân dễ tập hợp được lực lượng, thực hiện nhanh chóng vì khi ký mỗi người hoàn toàn tự nguyện và tự do.

Mặc dù đoàn văn nghệ Langbian đi qua và lưu lại ở mỗi địa phương chỉ vài ngày, việc gặp gỡ, phổ biến rất hạn chế nhưng đã thu thập được 118 chữ ký. Người ký cuối cùng và duy nhất ở Hà Nội là Nguyễn Thụy Kha. Do tôn trọng Ban bí thư trung ương Đảng và Tỉnh ủy Lâm Đồng, khi đoàn biết Ban bí thư và Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có ý kiến về chuyến đi lúc đoàn đang ở Huế, đến Hà Nội đoàn văn nghệ Langbian không đưa bản tuyên bố này ra lấy chữ ký nhưng Nguyễn Thụy Kha khi biết đã yêu cầu đưa ra và ký ngay lúc đang uống bia.

Người biết muộn và ký tên qua thư ủng hộ về sau là Nguyễn Bá ở Hậu Giang. Người tiếc đã không có mặt để ký tên một lúc mười lần là Ngô Minh ở Huế.

Chung quanh bản tuyên bố này có biết bao nhiêu ý kiến tranh luận đến mãi về sau này, ba tháng sau chuyến đi vẫn chưa kết thúc.

Phải chăng đây là cách tập dợt dân chủ, một hình thức biểu tình trên giấy, một kiểu "biểu tình chạy" của trí thức và anh em văn nghệ? Phải chăng đây là một cách vận động, xách động thậm chí "kích động lật đổ"? Cách làm như thế đã cần thiết chưa, có lợi hay không có lợi, có làm phức tạp thêm tình hình vốn đã phức tạp hay không? Chúng tôi sẽ nói rõ về cuộc tranh luận này sau, nhưng có điều trong chuyến đi dọc đường đất nước, bản tuyên bố này chính là một "hòn đá thử vàng" quan điểm và bản lĩnh của từng người. Có người chỉ nghe qua là ký ngay không cần đọc lại, có người suy nghĩ đắn đo đọc đi đọc lại nhiều lần mới ký, có người đã ký còn tự ý ghi tên nhiều người khác không có mặt lúc đó mà mình tin rằng chắc họ sẽ ký khi biết, có người phát biểu ủng hộ nhưng không ký vì nhiều lý do này khác, có người bị người khác kích động vẫn không ký, có người ký xong rồi ngày sau lại xin xóa tên, có người đã tan họp ra về còn quay lại yêu cầu được ký...

Hai bản kiến nghị và tuyên bố trên được đại diện ba hội và ba tạp chí thông qua ngày 9-11-1988, đánh máy tại Hội văn nghệ Nha Trang, công bố lần đầu trong cuộc hộp hội viên và cộng tác viên của hai hội Phú Khánh và Nha Trang chiều 10-11-1988, cũng tại trụ sở Hội văn nghệ Nha Trang và sau đó công bố lần đầu trước công chúng tại cuộc gặp gỡ ở Câu lạc bộ trung tâm du lịch Thanh niên Nha Trang tối 10-11-1988.

Phú Khánh, Nha Trang vừa trải qua cơn bảo số 10. Buổi sáng biển Nha Trang sau cơn bão vẫn còn cái gì đe dọa chưa tan. Mặt biển xám tro, đục ngầu, vỗ vào bờ những đợt sóng vỡ bọt trắng hoen ố giận dữ, hất lên bao nhiêu rác rưởi như không muốn chấp nhận những thứ bẩn thỉu trong lòng đại dương mênh mông của mình. Xa tít là một dáng núi mờ chìm trong mây, gần hơn mấy dãy núi chỉ còn là những nét vẽ xanh lam đậm nhạt. Biển xa cũng màu lam hòa vào chân trời u tối lớp lớp mây xám nặng nề. Hàng dừa ven biển im lìm chỉ khẽ động vài cành lá buông xõa mệt mỏi.

Vài người tắm biến hiếm hoi e dè lội xuống nước một chút, sóng xám xô tung mặt vội vàng trở vào bỏ về. Trên bờ một người đàn ông và một đứa con nhỏ ngồi chồm hổm nhìn ra khơi. Người bố gặm ổ bánh mì mặt đăm chiêu. Đứa bé một tay cầm ổ bánh, tay kia chống cằm vẻ suy tư như người lớn. Có phải là sự chờ đợi vô vọng đối với mọi người trong mọi hoàn cảnh?

Viện Pasteur hình như lặng lẽ hơn. Tòa nhà nặng nề với những hàng cột lớn và tường quét vôi màu vàng đậm im vắng nhìn ra biển. Sau hàng rào sắt và cổng khóa kín, một bảng đá ghi "Khu di tích bác sĩ A. Yersin (1863-1943)".

Tượng Yersin trước sân nhỏ bé, sơn đen huyền, chiếc đầu hói, bộ râu mép rậm dính với râu c^`ăm chổi xể bạnh ra trông dữ dội nhưng đôi mắt lại ẩn một nỗi buồn mệt mỏi như một con sư tử già nhớ tiếc quá khứ. Nhìn nghiêng, cổ tượng vươn dài, cong xuống chịu đựng một sức nặng vô hình nghiệt ngã đè lên số phận như tự mình nhận v'ác thập tự giá khổ ải cho con người. Đây là một pho tượng bán thân nhỏ nhưng gây ấn tượng mạnh.

Tượng Yersin làm chúng tôi liên tưởng đến buổi nói chuyện trước đây với nhà thơ Giang Nam, chủ tịch Hội văn nghệ Phú Khánh. Giang Nam đã kể về cuộc đấu tranh của giới văn hóa văn nghệ Phú Khánh để giữ tên đường Yersin và những di tích về Yersin, những công trình nghiên cứu về Yersin đang được giới trí thức, văn nghệ ở đây tiến hành. Chúng tôi cũng suy nghĩ về những việc mà giới trí thức và văn nghệ ở Đà Lạt phải làm về Yersin vì Yersin được coi là một trong những người đầu tiên tìm ra Đà Lạt, thành phố du lịch tuyệt vời của Tây nguyên. Đã có giả thuyết khác nói rằng Nguyễn Thông mới là người đầu tiên phát hiện vùng đất này. Đây là vấn đề cần phải làm rõ bằng nghiên cứu khoa học, không thể có định kiồên đối với người nước ngoài hay thiên vị đối với người trong nước. Dù sao đi nữa vai trò của Yersin đối với Đà Lạt không nhỏ và chúng ta không được quên điều này vì đó là biểu hiện của một dân tộc có văn hóa.

Ơ' Nha Trang theo dõi tin tức trên đài phát thanh và truyền hình về thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra, chúng tôi chia sẻ với bạn bè Nha Trang về nỗi đau thiên tai muôn đời của miền Trung và cũng có trao đổi về việc tiến hành các cuộc gặp mặt, sinh hoạt văn nghệ trong thời điểm này, tại đây, có gì lấn cấn không. Tuy nhiên cuối cùng anh em nhất trí cứ làm vì nếu những sinh hoạt như thế có nội dung tiến bộ, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới thì đó cũng là cách góp phần vượt qua khó khăn. Vả lại trước đây, trong chiến tranh, giữa đạn bom máu lửa, tiếng hát lời thơ vẫn cất lên đó thôi, đâu phải vì đau thương mà chúng ta tắt lời thơ, bặt tiếng hát.

Tại Nha Trang, thời gian này anh em văn nghệ cũng đang bàn bạc sôi nổi về hai lá thư của Chế Lan Viên và Nguyễn Khải gởi cho ban bí thư Hội nhà văn. Hai lá thư được đánh máy chuyền tay phổ biến khá rộng. Sau này chúng tôi được biết hai lá thư không phải chỉ phổ biến ở đây mà còn ở nhiều nơi khác. Ơ' đây chúng tôi mới được đọc thư Chế Lan Viên, chưa được đọc thư Nguyễn Khải.

Thư của Chế Lan Viên, không biết có phải là của nhà thơ Chế Lan Viên nổi tiếng mọi người đều biết hay do ai đó trùng tên, mạo danh, dài sáu trang đánh máy, thật ra là một lá thư "ly kỳ rùng rợn".

Tác giả lá thư tự cho mình là người ủng hộ đổi mới, tự khen mình về việc đánh giá đúng thơ lãng mạn tiền chiến, siêu thực, hiện thực lãng mạn, ca ngợi việc làm của ban thư ký Hội nhà văn là kịp thời, đúng; cho văn học dự báo là sai; chê Lại Nguyên Ấn láo khoét, ngu xuẩn, xung kích mà dốt; tố Thanh Thảo quỵt tiền nhuận bút của Xuân Diệu, Nguyễn Duy tự phao mình sẽ là thường vụ, các nhà văn đi Liên Xô buôn bán; cho Nguyên Ngọc là thâm hiểm và phải cách chức, vụ cả nước đánh Đặng Bửu là Pôn Pốt nước; Nguyễn Huy Thiệp đổi mới bằng chửi bới vu cáo, bắt ăn cứt, thiến dái... Hầu như không thiếu chuyện gì trên đời nữa.

Ngoài những chuyện trên, đặc biệt lá thư dành đến hai trang để nói về việc tạp chí Langbian đã đăng "Đề dẫn" của Đảng đoàn Hội nhà văn năm 1979, thanh minh rất dài dòng và cuối cùng quy kết Langbian số 3 rất xấu và không hiểu tại sao lên án luôn tạp chí Sông Hương và Hoàng Phủ Ngọc Tường là cơ hội trong vấn đề này.

Lá thư này đã gây "ân oán giang hồ" rất lớn. Có người nói đây mới chính là con người thực của Chế Lan Viên hiện nguyên hình lúc cuối đời, có người nói Chế Lan Viên đã phát điên vì bệnh tật đau ốm, có ngưồi nói đây là một đòn đánh vào đổi mới trong văn nghệ. Có một ông nào đó, đọc lá thư (bản mà sau đó chúng tôi nhận được) ức quá cứ mỗi đoạn lại phê ra ngoài lề một câu phản ứng đen đặc từ đầu tới cuối. Có người đề nghị đăng lên báo để "rộng đường dư luận". Riêng Hữu Loan đề nghị quay ronéo phổ biến rộng để anh em văn nghệ nghiên cứu học tập.

Sau chuyến đi vì chưa có giấy phép ra số 4, ban biên tập tạp chí Langbian đã có bài cậy đăng ở các báo để trả lời Chế Lan Viên và nhiều người khác được nhắc đến trong thư cũng đã lên tiếng.

Những bàn tán chung quanh hai bức thư của Chế Lan Viên và Nguyễn Khải càng làm cho buổi đọc thơ ở Câu lạc bộ trung tâm du lịch thanh niên Nha Trang thêm ý nghĩa.

Từ câu chuyện"Màu tím hoa sim", Hữu Loan nói rộng thêm về sự chân thật trong thơ và cái giả tong cuộc sống. Bài thơ đã vượt không gian và thời gian, đi vào lòng người mặc dầu bị ngăn cấm thô bạo và ấu trĩ. ""Chuyện tôi về" bằng thơ của Hữu Loan là một khúc tráng ca bi phẫn:

 30 năm không phải chuyệnVới những đoạn đối thoại đầy khinh bạc:

 một sớm một chiều

 một ngày tù đã dài

 như thế kỷ

 đấy là tù trong ngục tối

 không nghe thấy gì

 không nhìn thấy gì

 khác vô cùng với tù

 ngoài đời, tù giữa chợ

 lúc nào cũng phải chứng kiến

 phải thấy

 phải nghe...

 một thứ tội hình

 tâm lý chiến

 lăng trì

- Vì sao anh không làm nhà?

- Vì tôi mắc làm người.

- Tại sao không đi làm cán bộ?

- Đi làm cán bộ và đi ăn cắp là tôi không đi.

Những ai sẽ chối tai và những ai sẽ thông cảm với Hữu Loan trong bài thơ dồn nén ba mươi năm nghiệt ngã này? Ai sẽ thấy nhói lòng khi nhìn Hữu Loan ứa nước mắt, nghẹn giọng lúc đọc đến đoạn tất cả nhà phải "đi làm trâu thồ như bố" để kiếm ăn? Ai sẽ thấy trách nhiệm và lỗi lầm của mình khi đã đưa nhà thơ vào cảnh khốn cùng của cả cuộc sống vật chất và tinh thần gần một nửa đời người?

Bùi Minh Quốc từ khi lên Đà Lạt, chỉ làm được vài bài thơ tình nhưng đã nung nấu cho một giai đoạn thơ mới của mình. Mấy bài thơ trữ tình chính luận lần đầu đọc trong chuyến đi này là sự tiếp nối và phát triển một Bùi Minh Quốc hào hùng và đầy xúc cảm thời chống Mỹ, với hơi thở phóng khoáng và quyết liệt của thời kỳ đổi mới đất nước.

Người nghe lặng đi với một đoạn thơ mở đầu nói về Đảng chưa từng có trước đây: 

 Không có ai

 Không có ai

 Có thể ngẩng nhìn trời

 Bình tâm mỗi sáng

 Khi những thằng đểu còn trong Đảng...

Người nghe nổi gai khi tiếp cận sự thật kinh hoàng mà thơ đã công bố không chút e dè: 

 Đồng chí - tiếng ấm lòng máu đỏ
Và người nghe đã vỗ tay như sấm khi bài thơ chấm dứt bằng một khẳng định rất "nhân dân": 

 Sao có lúc vang lên lạnh rợn thế này

 "Đồng chí" dao đã nằm ém nhẹm dưới lòng tay

 Mưu mô đã xong và mọi ngả đường đã giăng cạm bẫy

 Suốt một đời bạc tóc dưới mưa bom
Những tràng pháo tay nồng nhiệt (dĩ nhiên không phải mọi người nghe đều vỗ cả - mà có những người chỉ nhíu mày) dành cho bài "Những ngày thường đã cháy lên" trên đây cũng như hai bài "Mẹ đâu ngờ" và "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Bùi Minh Quốc, ở nhiều nơi trên chuyến đi dọc đường đất nước phải chăng là sự gặp gỡ và bùng nổ của những điều tâm huyết đã nung nấu bao người vì niềm đau chung của tổ quốc hôm nay?

 Mẹ lầm lũi đào hầm nuôi cách mạng

 Con xin nói

 với tất cả tấm lòng và lương tri cộng sản

 Mẹ chẳng phải đảng viên

 Nhưng mẹ có tấm-thẻ đỏ-trái-tim ròng ròng máu ứa

 Chính mẹ chứ không ai - mẹ phải nắm quyền

 Hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen

Trước khi rời Nha Trang, Bùi Minh Quốc với tư cách hội viên Hội nhà văn Việt Nam cũng đã kịp hội ý với một số hội viên khác ở đây làm thêm một kiến nghị nữa về vụ tuần báo Văn nghệ và nghị quyết của ban chấp hành Hội nhà văn. Đây là vấn đề nổi lên mà những người quan tâm đến văn học trong cả nước đều theo dõi và có thái độ. Trước đó, Bùi Minh Quốc đã cùng với mười hai nhà văn nhà thơ ký tên công bố một bức thư ngỏ trên báo chí và ban chấp hành Hội văn nghệ Lâm Đồng đã họp toàn thể hội viên thảo luận và thông qua một kiến nghị về vụ việc này.

Do những cuộc họp trước giữa lãnh đạo các hội ở Nha Trang không gặp được Giang Nam, chủ tịch Hội văn nghệ Phú Khánh vì Giang Nam bận công tác khác, đoàn văn nghệ Lâm Đồng đã tranh thủ đến nhà gặp Giang Nam với tư cách là ủy viên ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam để trao đổi thêm về tình hình.

Anh em thắc mắc tại sao Giang Nam lại cũng giơ tay "biểu quyết 100%" thông qua nghị quyết của ban chấp hành Hội nhà văn lên án tuần báo Văn nghệ trong khi anh em hiểu rằng Giang Nam có quan điểm khác.

Giang Nam than thở: "Trong không khí của hội nghị chắc ai cũng phải giơ tay thôi. Ban đầu người ta đưa ra dự thảo nghị quyết quy kết tuần báo Văn nghệ đã có sai lầm nghiêm trọng, nên đấu tranh để sửa lại là lệch lạc nghiêm trọng đã coi như thắng lợi rồi. Ngay chính Nguyên Ngọc cũng phải giơ tay biểu quyết để tự kết án mình kia mà".

Bùi Minh Quốc tấn công luôn: "Thế thì anh phải viết bài 'phản tỉnh' nói rõ lại quan điểm của mình, nếu không quần chúng sẽ đánh giá anh, anh sẽ mất uy tín".

Sau này nhiều anh em nói đùa: "Đáng lý Giang Nam phải viết bài 'Tôi đã bị lừa như thế nàó và công bố trên báo chí".

Rõ ràng sự xung đột giữa hai xu thế, lực lượng đổi mới và bảo thủ đã bùng nổ, thử thách quan điếm, bản lĩnh và cả nhân cách của từng người. Nhiều thủ đoạn, xảo thuật về các mặt tổ chức, phương thức đấu tranh đã được sử dụng vào cuộc đấu. Rõ ràng là những người đổi mới muốn chiến thắng phải nhanh chóng thống nhất ý chí, tập hợp lực lượng và mài sắc vũ khí của mình để vào cuộc.

Còn tiếp
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn