BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư gởi các bạn thân

03 Tháng Sáu 199312:00 SA(Xem: 940)
Thư gởi các bạn thân
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52


...Báo chí, xuất bản, càng lúc càng bị siết chặt. Một số ban biên tập các tờ báo có xu hướng tiến bộ bị cách chức, khống chế. Những văn nghệ sĩ có tâm huyết hoặc gát bút, hoặc chỉ viết cho mình và bè bạn đọc. Một số khác chịu uốn cong ngòi bút, uốn lưỡi và uốn cả lưng để được giữ một chiếc ghế, hưởng một đặc quyền bố thí nào đó của những người cầm quyền. Một rừng báo chí chính thức của cả nước vang lên hoà âm chói tai của một bản tụng ca chế độ. Thỉnh thoảng, đây đó mới có một vài bài nói thẳng, nói thật hiếm hoi hoặc đôi bài viết "lách". Người ta công khai độc quyền yêu nước, độc quyền báo chí, xuất bản, độc quyền tư tưởng, độc quyền ngôn luận, trong khi vẫn lớn tiếng rêu rao về tự do, dân chủ, nhân quyền, ghi đủ mọi quyền tự do của con người trong hiến pháp. Một bầu không khí nặng nề phủ chụp lên tâm trạng những nghệ sĩ trí thức tâm huyết.

Trong hoàn cảnh đó, tôi viết cho các bạn lá thư này.

Các bạn thân mến, thuở 20, chúng ta đã lên án và phủ nhận thế hệ đàn anh. Bây giờ, chúng ta lại đương đầu với tình thế đó. Chúng ta tự hào với tuổi trẻ của mình, đã sống trong sáng, trung thực và dấn thân cho lý tưởng, nhưng chúng ta đã làm được gì, đã có thể bình yên, thoả mãn?

Cá nhân nhỏ bé vô cùng trong trường kỳ lịch sử. Nhưng không có cá nhân làm sao có lịch sử, dân tộc, đất nước? Chúng ta đã gắn mình với số phận của lịch sử, đất nước và trách nhiệm đó thật nặng nề. Có người nói nghệ sĩ-trí thức đứng trong trời đất, giữa thiên thu, giữa giấc-mơ-khát-vọng-chân-thiện-mỹ, sá gì phải chống chế độ này, chế độ khác. Đúng không? Các chế độ chính trị thường chắn ngang đường và chi phối đến cả bản thân cuộc sống của người nghệ sĩ-trí thức, đã làm huỷ hoại nhân cách, tài năng, làm tha hoá và thậm chí tiêu diệt bao nhiêu nhiêu người nghệ sĩ-trí thức. Vậy thì người nghệ-sĩ trí thức làm thế nào có thể đứng ngoài, đứng trên chính trị được?

Anh, hãy trả lời đi. Anh chọn cái thiện hay cái ác? Anh dám chống lại nhà cầm quyền vô đạo không? Anh dám sống trung thực với chính mình? Anh dám nói thẳng nói thật? Anh chọn bình yên cho bản thân, gia đình hay gian nan giả trá? Anh có đắp tai ngoảnh mặt? Anh có ngụy tín? Tiếng nói lương tri, giá trị cao nhất của người nghệ sĩ trí thức đâu? Miếng mồi danh lợi cám dỗ anh đến mực nào? Anh đã làm được gì trước những vấn nạn mà chính lương tri và đất nước anh đang đặt ra?

Hiện nay có bao nhiêu nghệ sĩ-trí thức đã không hèn? Hữu Loan suốt đời làm "cây gỗ vuông chành chạnh" không cho ai lăn lóc. Nguyễn Minh Châu đọc "ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ". Dương Thu Hương chỉ ra "thiên đường mù". Trần Mạnh Hảo công khai tuyên bố "ly thân". Bùi Minh Quốc "hỏi tội những thằng thẻ đỏ tim đen". Xuân Sách thực tả "chân dung nhà văn" của một chế độ. Trần Huy Quang qua "linh nghiệm" nhận định lại sự nghiệp lãnh tụ...Hoàng Minh Chính, Nguyễn Khắc Viện, Phan Đình Diệu, Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Hà Sĩ phu, Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Hoạt, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan...vạch trần những sai lầm của chế độ. Đủ chưa? Một dân tộc có 4.000 năm lịch sử đấu tranh mà hiện nay những người dám nói lên tiếng nói lương tri như thế vẫn còn quá ít?

Và phải chăng nói lên được như thế là đã hoàn thành sứ mệnh? Còn bao kẻ chỉ biết ăn bánh vẽ như Chế Lan Viên mà vẫn ráng ngồi dự tiệc cho đến cuối đời vì sợ mất phần?

Dĩ nhiên mọi người có thể suy nghĩ và đánh giá về chế độ khác nhau. Nhưng đâu là chân lý khi tiếng nói công khai chỉ có một chiều và những lời trái ngược bị quy là phản động, bị ngăn cấm, bưng bít? Không thể có chuyện độc quyền yêu nước, độc quyền chân lý. Có người đã nói đến mối quan hệ giữa độc đảng với độc quyền, độc tài, độc ác. Lich sử tất cả các dân tộc trên thế giới đã chứng minh điều đó. Không ai có thể biện minh cho sự độc tài. Đó chỉ là lý của kẻ mạnh. Và phải chăng lý của kẻ mạnh bao giờ cũng đúng?.

Trong những hoàn cảnh bị áp bức, sức mạnh tinh thần của dân tộc ở đâu? — sự quật cường của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân và thường khởi đầu bằng sự thức tỉnh của một bộ phận tiên tiến nhất trong đó có người nghệ sĩ-trí thức. Tiếng nói lương tri phải được cất lên, ngọn lửa trí tuệ phải được thắp sáng để hướng dẫn, soi đường trong đêm đen. Nếu bộ phận này không làm tròn vai trò của họ thì số phận dân tộc khó đổi thay.

-...Lịch sử đất nước và thế giới đã qua nhiều trang. Bao nhiêu khái niệm cần phải được xét lại. Ngụy và cách mạng? Tay sai đế quốc và yêu nước chân chính? Chiến tranh giải phóng và chiến tranh huỷ diệt? Anh hùng và gian hùng? Cộng sản và tư bản? Chân chính và phản bội? Dân chủ và độc tài? Đa nguyên và độc quyền lãnh đạo?...Không có gì được coi là cấm kỵ đối với tư tưởng và sự tìm kiếm chân lý của con người.

-Các bạn thân mến, chúng ta đã chia sẻ biết bao điều trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động và bão táp. Các bạn có bình yên không? Tôi tin rằng những ai thực sự có lòng, dù đang sống theo một cách nào đó bề ngoài vẫn không sao có thể bình yên được, dù ít hay nhiều, dù thoáng qua hay không thôi khắc khoải. Tôi vẫn chưa ra được cơn khủng hoảng và khát vọng tìm kiếm một con đường. Xin các bạn hãy cho tôi những lời tâm sự và những lời khuyên. Điều đó chắc chắn sẽ mang lại cho tôi ngọn lửa, ánh sáng và tình thân, những cái cần thiết vô cùng cho tôi, cho chúng ta, trong lúc này.

-Tôi gởi lá thư này đến các bạn thân, những người tâm huyết, nhưng cũng gởi đến cho mọi người, kể cả những người đã và sẽ coi tôi như một kẻ phá hoại. Phải chăng lắng nghe và đối thoại sẽ là cánh của mở ra một con đường?

Thành phố Đà Lạt
Tiêu Dao Bảo Cự
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn