Ba tiếng súng nổ vang khô khốc giữa hiện trường lao động trong một chiều ảm đạm xám xịt mây trời tại một trại cải tạo miền Bắc vào năm cuối cùng của thập niên bảy mươi khi đội tù vừa trải qua một ngày dài khổ sai.
Ba viên đạn thù ác nghiệt đã kết liễu tức khắc mạng sống một người tù cải tạo, một sĩ quan ưu tú của Quân Lực VNCH, đồng thời còn là một nhạc sĩ tài hoa có tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất trước mọi thủ đoạn trấn áp khốc liệt, trước ngàn nanh vuốt tẩm độc của bọn cai tù. Người chiến sĩ tù ca đã nằm xuống trong niềm thương tiếc khôn nguôi của tất cả bạn đồng tù trìu mến, cảm phục dành cho anh; cùng với lòng căm hận chất ngất họ dành cho bọn cai tù mặt người, dạ thú.
... Người viết, sau một vài năm bị đày ra Bắc, qua các trại Nghĩa Lộ Yên Bái, chuyển lên Phố Lu Hoàng Liên Sơn, rồi xuôi về K4, K2 Tân Lập Vĩnh Phú; cuối cùng tới trại Thanh Phong, Thanh Lâm trước khi được chuyển về Nam vào cuối năm 80, đến trại Z30A Gia Rai Long Khánh. Tại trại này, người viết qua tiếp xúc với một bạn tù tới trước đã từng chứng kiến cái chết oan nghiệt của người chiến sĩ tù ca nêu trên, am tường nguyên nhân đưa đến sự việc, nên biết được.
Do liên tục chống đối bọn cai tù bằng lời lẽ cũng như thái độ. Lại viết ra những dòng nhạc với lời ca ta thán đời tù tội mang hàm ý chống báng, lên án chế độ tập trung cải tạo, hát cho bạn tù nghe. Mặc dù đã từng bị đôi lần cùm kẹp, biệt giam, người tù nhạc sĩ này vẫn kiên quyết tiếp tục viết và hát “Tù Ca” cho bạn tù nghe, đồng thời còn tập hát truyền miệng cho họ nữa. Thấy không trừng trị được người tù “nguy hiểm” này, bọn cai tù đã đi đến quyết định “tiền trảm hậu tấu.” Và màn kịch giết tù đã diễn ra không khó khăn gì với súng ống luôn có sẵn trong tay bọn chúng.
Một tên đồ tể được chỉ định để xuống tay vào một lúc nào đó “có lý” nhất. Chính đó là ngày... Nhân khi đội tù nhân đang rửa ráy bên dòng suối cạn sau một ngày lao động nhọc nhằn. Định mệnh ác nghiệt làm sao, đúng lúc đó, “mục tiêu” lại xin phép “đi ngoài” (vệ sinh), sau một lùm bụi rậm không xa chỗ tù đang tấm táp là bao. Đồ tể đã “canh me.” Vậy là rồi! Đoành! Đoành!! Đoành!!! Đao phủ hoàn thành nhiệm vụ. Mọi chuyện còn lại, dễ thôi. “Tên tù bị bắn chết do âm mưu núp vào lùm bụi nhân lúc tù đi tắm, tranh thủ trốn trại!!...” Chỉ đôi dòng giản dị báo cáo lên “ở trên” như thế (nếu quả thật có) là xong! Công lý thì làm gì có trong các trại tù cộng sản, nhất là trước mũi súng của chúng. Ai không rõ!?...
Thật ra, mọi tình tiết bên trên chỉ là qua nghe kể lại. Không biết mức độ chính xác đến đâu. Nhưng cái chết của một người chiến sĩ tù ca trong trại tù cộng sản trên đất Bắc là có. Người viết không nghĩ cái anh bạn cùng hát Tù Ca với mình năm nào tại trại Z30A Long Khánh, dãy B lại có thể “sáng tác” nên chuyện này. Anh bạn này (rất tiếc vì gặp nhau chỉ đôi lần nên đến nay không còn nhớ tên), anh có giọng tenor, rất vang, chuyên môn hát Tù Ca. Hôm nghe anh hát bài có câu “...Trên đồi cao đập đá nắng cháy da đầu / Dưới đầm sâu buốt lạnh, kéo cày thay trâu...” người viết đang lo đệm đàn mà vẫn cảm thấy nổi da gà. Hỏi, anh nói, bài ca này tác giả là anh N.V. Hồng, người tù nhạc sĩ đã bị dàn cảnh, rình bắn chết...
Như tiêu đề người viết đặt bên trên. Nghe không biết có lạ tai hay không? Bởi, trong Quân Lực VNCH, thường bạn đọc và chiến hữu chỉ nghe những nhóm danh xưng đại loại như: Chiến Sĩ Dù, Chiến Sĩ Biệt Động, Chiến Sĩ Thủy Quân Lục Chiến, Chiến Sĩ Biệt Kích, Chiến Sĩ Bộ Binh, vân vân... Nhiệm vụ hàng đầu của tập thể các chiến sĩ này là chiến đấu chống mọi lực lượng quân sự CS tại chỗ và ngăn chặn chúng xâm nhập từ miền Bắc, cũng như ở bất cứ nơi nào chúng đánh phá trên toàn lãnh thổ Nam VN, nhằm bảo vệ miền đất tự do này mà trong đó, hệ trọng hơn cả là giữ gìn sự êm ấm, an lành cho cuộc sống của toàn thể bà con dân lành, đồng bào mình.
Còn danh xưng Chiến Sĩ Tù Ca thì chưa từng nghe, không hề có trước đây. Cố nhiên. Vì “nó” chỉ mới lóe lên trong ý tưởng của người viết khi ngồi trước màn hình, đào sâu suy nghĩ, thả hồn chìm trong ký ức để thực hiện bài viết này. Thêm nữa, tù cải tạo chỉ có sau Tháng Tư Đen khi toàn bộ lãnh thổ VNCH bị CS cưỡng chiếm. Trong chốn lao tù khốn khổ, vô vọng đó, rải rác đây đó trong các trại tù, một ít chiến hữu hoặc đã là nhạc sĩ từ trước, hoặc chỉ là người thích ca hát hay có năng khiếu đàn địch, viết nhạc, đã thể hiện một sinh hoạt đặc thù trong chốn lao tù CS: đó là đàn hát và viết nhạc trong tù. Họ chính là những Chiến Sĩ Tù Ca.
Một thực thể, tuy chỉ ít ỏi nhỏ nhoi so với con số quân, cán, chính mà cộng sản đã lừa gạt, lùa vào các trại tập trung. Nhưng chính vì vậy họ mới hiếm quý, đáng được trân trọng, nhắc nhở. Đáng được nhận diện, xác nhận và đặt tên. Trong chốn khổ sai tù đày với bao nhọc nhằn đói rét triền miên, với bao biện pháp hành hạ một cách tinh vi từ thể xác đến tinh thần mà tù cải tạo phải gánh chịu từ các cai tù theo chủ trương của đảng và nhà nước CS; lại thêm vào đó là nỗi khốn cùng khi đối diện với một tương lai mờ mịt như một đường hầm chỉ có lối vào mà không lối ra, trước bản án mà ngày tập trung thì có, còn ngày về lại không. Thử hỏi, phải có nghị lực và sức khỏe đến cỡ nào mới là đủ cho đến một ngày về mà tinh thần lẫn thể xác còn lành lặn? Nói không ngoa, tất cả những chiến hữu còn sống sót đến ngày về với gia đình mà tâm thần vẫn bình thường, thể xác không mấy hư hao (nhất là với các chiến hữu thọ án lâu năm) thì phải nói sức khỏe họ là thép, nghi lực họ là bạch kim đấy!
Ở đây, phải nói rằng tiếng đàn, lời ca của những chiến sĩ tù ca đã góp phần không nhỏ trong việc tạo niềm vui, gây nguồn hy vọng, giữ vững nghị lực cho toàn thể bạn đồng tù, ngõ hầu kinh qua những tháng năm dài trong chốn địa ngục trần gian. Và, còn hơn thế nữa, nhóm lên ngọn lửa về một niềm tin tất thắng của chính nghĩa Quốc Gia, của thể chế tự do trên toàn lãnh thổ Việt Nam ở hồi chung cuộc.
Người viết không tin rằng, đàn hát và viết nhạc trong chốn lao tù là những sinh hoạt phổ biến trong thế giới tù nhân ở khắp mọi quốc gia trên thế giới, kể cả miền Nam VN trước 30 tháng 4. “Nó” chỉ có ở các trại cải tạo do CS dựng lên trên toàn cõi Việt Nam sau khi đã nhuộm đỏ toàn diện. Xin đừng hiểu lầm. Nói như thế không có ý cho rằng tù cải tạo CSVN là được thoải mái sinh hoạt đàn địch, ca hát và được tự do... làm thơ, sáng tác nhạc! Không phải vậy.
Thoạt đầu, ca hát, chỉ ca hát, là được phép nếu không muốn nói là bắt buộc ở tất cả các đội tù cải tạo, ở tất cả các lán của mọi trại khắp nơi. Chẳng những thế, ca hát còn được xem như một yếu tố quan trọng của việc học tập tốt, cải tạo tốt để làm thước đo, qua đó “cách mạng” xét cho về sớm. Đúng là miệng lưỡi con người CS. Thế nào là học tập tốt, và đủ tốt để được xét cho về hoặc không? Chỉ là chơi chữ, chỉ là ma mị để “khuôn” tù cải tạo vào “khổ.” Để mọi tù cải tạo đều trở nên ngoan ngoãn ở tù dài hạn với thứ hy vọng hão mà các cán bộ quản giáo luôn mồm ra rả mỗi khi lên lớp hoặc chủ trì những buổi “thu hoạch” của riêng từng đội, từng nhà.
Vậy là cứ thế, đội đội ca hát, nhà nhà ca hát. Ca hát khi lên lớp, ca hát lúc sinh hoạt ngoài trời, ca hát lúc kiểm điểm phê bình hằng đêm... Mà ca hát những gì? Cụ thể là ca hát những bài có nội dung ra sao? Thưa rằng đó là những bài nhạc đỏ, mà phải đỏ lòm, có cả súng đạn máu lửa nữa mới đạt yêu cầu, của các nhạc sĩ “cách mạng” từ đầu tới chân, có bảo chứng. Nhất là trong một hai năm đầu. Vì vậy, những bài điển hình “top hit” thời gian này phải kể tới như “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của Huy Thục, “Bão nổi lên rồi” của Trọng Bằng,... Còn nhiều nữa. Và tất nhiên, những bài nhạc kiểu này sẽ không sống lâu được với thời gian mà sẽ cùng chết với tác giả của nó. Bởi đó là “nhạc máu” tanh tưởi của loài ma quỷ!
Cũng trong thời gian này, rải rác trại nọ trại kia, sau khi hiểu được thời gian học tập là hoàn toàn thả nổi, không phải là mười ngày hay một tháng mà có thể là '”mút mùa lệ thủy” thì xuất hiện một số nghệ nhân trong nghề chế tác. Do khéo tay cùng nắm vững qui trình thủ công cũng như biết rõ các thông số cần thiết, các chiến hữu này đã chế tác được những chiếc tây ban cầm khá đạt, ngoài những món linh tinh khác, từ chính các vật liệu săn nhặt được trong trại. Như thùng đàn thì từ các mảnh ván ép, cần đàn từ các thanh gỗ vương vãi trong các hầm chiến đấu, trục và các phím đàn từ các mảnh kim loại thùng bọng, ca coóng cưa ra, còn dây đàn thì từ các dây điện thoại se vấn loại. Kể ra thì công phu lắm lắm. Nhưng đời tù vốn ngày dài tháng rộng. Những cây đàn trong tù rồi cũng được chế ráp hoàn tất. Đã có đàn tất sẽ có cầm thủ. Danh cầm thủ thì hiếm chứ đàn tàm tạm trại nào cũng có. Rồi cố nhiên. Đã có “cái này” tất sinh thêm “cái kia.” Bạn đàn đã có sao lại có thể không có bạn ca, bạn hát? Sinh hoạt đàn hát trong các trại tù nẩy nở từ đó.
Nói nghe cho vui, nếu như đàn hát nhạc cách mạng là “dòng chính” thì, ca hát nhạc vàng, nhạc phe mình là “dòng phụ.” Nó tồn tại song song với nhau. Một đàng là công khai bề nổi. Một đàng là lén lút, bề chìm, trong ngày nghỉ cuối tuần, khi chỉ có một vài anh em thật sự tin tưởng nhau, và chỉ diễn ra ở một góc lán nào đó của trại. Hát nho nhỏ chỉ vừa đủ cho vài bạn mình nghe thôi. Nói nào ngay, trong một hai năm đầu, sự việc bạn tù đàn hát cho nhau nghe chỉ diễn ra hiếm hoi và cũng không có nhiều sự hào hứng. Nó trái ngược hoàn toàn với thời gian về lâu sau này khi một “chương trình” nhạc vàng hay tù ca diễn ra trong các nhà lán, thường rất “khí thế”! Một phần vì bị chi phối bởi tinh thần phải tự giác học tập tốt lúc đó. Phần khác do những hình phạt khá là nặng nề lúc ban đầu khi tù cải tạo còn bị đặt bổn mạng trong tay toàn quyền sinh sát của bọn bộ đội áo xanh. Đàn hát nhạc vàng (chưa kể tới loại nhạc “phản động” Tù Ca) nếu bị bắt gặp lập biên bản là bị nhốt conex hoặc cùm dài ngày, không sao tránh khỏi. Chưa kể là bị đem bắn bỏ không biết chừng!
Bọn này có lệnh ngầm “tiền trảm hậu tấu.” Do vậy, thời gian đám cán binh áo xanh coi tù, có nhiều chiến hữu ta bị bắn bỏ vì những tội danh lãng nhách: Vợ lén trao thơ khuyến khích trốn trại, bị phát hiện thơ: Bắn! Lỡ miệng khen anh em trốn trại thoát được là anh hùng, bị ăng-ten báo cáo: Bắn! Nhóm trà lá văn nghệ của nhạc sĩ Minh Kỳ, một đêm trước lán, chùm nhum họp bàn tập dượt cho chương trình ca hát mừng quốc khánh 2 tháng 9 năm 75, do trước đó đã xỉ vả một tên cán binh gian tham ăn chặn tiền gởi mua cà phê thuốc lá bên ngoài mặc dù đã có lót tay rồi, bị ném một quả lựu đạn trả thù, đã chết thảm cùng một số bị thương la liệt!
Tháng 5 năm 76, khi được chuyển từ trại Trảng Lớn Tây Ninh về trại an dưỡng Suối Máu Biên Hòa, người viết được nghe thuật lại mọi sự tình về cái chết oan nghiệt của nhạc sĩ Minh Kỳ, lòng cũng tỏ ra kiêng dè, không hát hò líu lo nhiều như ở trại trước. Nhất là nhạc cũ trước 75. Trừ bài “Chuyến Tàu Hoàng Hôn” bởi một phần thỉnh thoảng chợt nhớ tới nhạc sĩ Minh Kỳ, tác giả bài này, với chút lòng thương cảm. Người luôn chịu khó ngồi nghe người viết hát bài trên là nhà báo Huy Vân của nhật báo Tiền Tuyến (đã qua đời tại trại K4 Vĩnh Phú năm 79) với lời phán chọc quê “Hát nhạc ôn ấy hay như rứa có ngày ôn về lán rước đi đấy!”
Ngoài bài “Chuyến Tàu Hoàng Hôn,” một bài khác của “Việt Cộng đội nón tai bèo” là bài “Thuyền Em Đi Trong Đêm” người viết cũng ưa hát riêng cho mình mình nghe bởi nhạc cảm của nó mà người viết có đề cập tới xuất xứ, lai lịch trong bài viết cho số Tết Mậu Tý. Người viết đã chép bài nhạc này hết sức cẩn thận, cả nhạc lẫn lời, trên một tờ giấy tập hoc trò mở rộng. Mặt sau của bốn trang giấy học trò này, họa sĩ Trương Tuấn Khanh, bạn tù cùng lán, đã minh họa người viết trong tư thế ôm đàn, miệng hát với cây đàn là kỳ công chế tác đặc sắc của chính anh ta. Người viết giữ gìn mảnh giấy học trò này hết sức kỹ lưỡng. Và không ngờ, chính nó là lá bùa cứu người viết thoát khỏi sa vòng cùm kẹp biệt giam bởi hát tù ca, chỉ vỏn vẹn một tháng trước ngày được phóng thích. Chi tiết người viết sẽ đề cập tới ở phần gần cuối bài.
Nếu hiểu theo đúng ý nghĩa của hai chữ “Tù Ca” thì, cho đến thời điểm còn bị giam tại trại an dưỡng Biên Hòa, người viết chưa từng hát Tù Ca. Lại càng chưa phải là một chiến sĩ tù ca đúng với hàm ý của hai con chữ là, nói lên tinh thần dũng cảm của một người tù hát nhạc tù. Vậy, Tù Ca phải được hình dung ra sao qua phân tích con chữ? Nó gồm một danh từ đi trước với động từ đi sau. Sự kết hợp này đã biến hai chữ thành một danh từ kép, chỉ tỏ một ý niệm rộng lớn hơn là hiểu như sự kết hợp nghĩa của hai chữ tách rời.
Do vậy, Tù Ca không phải là “người tù ca hát trong tù.” Mà hát nhạc nhạc vàng, nhạc đỏ hay nhạc ngoại quốc... lại càng không phải! Hát những loại bài hát này, thực chất chỉ là hát giải sầu, giải trí hoặc hát để “học tập tốt” mà thôi! Không phải hát Tù Ca. Tù Ca đúng nghĩa phải là những bài nhạc do chính người tù cải tạo sáng tác trong tù (viết ra giấy hay ghi trong trí nhớ), hoặc phổ từ những bài thơ của các bạn tù rồi hát lên cho nhau nghe. Nội dung của các bài Tù Ca rất đa dạng. Tuy nhiên, cũng có thể dễ dàng nhận ra bốn chủ đề chính sau đây: Thứ nhất, chủ đề tình cảm, bao gồm các bài thương nhớ cha mẹ, anh em, gia đình vợ con, người yêu... Thứ hai, chủ đề tù tội, các bài hát như những bức tranh khái quát vẽ ra những khốn cùng trong kiếp tù đày cải tạo... Thứ ba, chủ đề tôn giáo đức tin, bao gồm các bài hát có dính dáng đến Chúa, Phật, Trời cao, các đấng linh thiêng nhằm tán thán niềm thống khổ, than trách lẫn cầu xin che chở này nọ... Thứ tư, chủ đề kêu gọi động viên, bao gồm các bài có giai điệu tiết tấu cùng lời ca đầy tính chất hào hùng lẫn bi tráng...
Điển hình cho nội dung thứ nhất có 2 bài “Hai Hàng Cây So Đũa” (Nguyên Huy tác giả bài thơ, CH. Trọng phổ nhạc, ca sĩ Thanh Lan hát, DVD Asia), “Nhớ Mẹ” (Tác giả Cựu Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, DVD Asia). Nội dung thứ hai, đại diện là bài có lời ca “Trên đồi cao đập đá...” của CH. Hồng? Nội dung ba có bài “Vườn Hồng...” (CH. Trần Ngọc Phong, hiện ở Cali, là người vừa đàn vừa hát bài này rất xuất thần). Nội dung cuối cùng, loại nhạc kêu gọi, ngoài bài “Đôi Giày Dũng Sĩ,” nhạc nghe bốc lửa, người viết cũng hân hạnh đóng góp được ít bài như “Sài Gòn Đừng Khóc Cho Ta,” “Sài Gòn Trong Giấc Mơ,” “Lời Phủ Dụ Sài Gòn”...
Tất nhiên, kho tàng Tù Ca không chỉ có vậy. Chẳng qua do sự trải nghiệm của người viết chỉ hạn chế ở một số trại giam và một ít chiến hữu viết và hát Tù Ca quen biết mà thôi.
Những bài Tù Ca chính hiệu, nếu đã từng được hát lên trong trại tù, thì, nếu không có bạn tù này từng nghe chắc cũng sẽ có bạn tù khác từng biết. Những bài tù ca này, dù người sáng tác có tay nghề hay không, khi hát lên nó sẽ vẫn rất có hồn, chưa hết, có cả mồ hôi, nước mắt và kể cả máu, lả tả chan chứa “bên trong” hoặc rơi xuống theo từng câu nhạc, lời ca của nó. Vậy, một bài tù ca giả hiệu (sáng tác ngoài chốn lao tù hay ở hải ngoại với cuộc sống an lành, no đủ, hạnh phúc...) có thể sáng tác được hay không? Tất nhiên được. Chỉ khó khăn một chút với các tác giả ít vốn sống, kém tay nghề. Dễ dàng hơn với các tác giả giàu khả năng. Nhưng “sáng tạo” như vậy để làm gì? Tù Ca chắc chắn không mang được vinh dự hay tiền bạc gì cho người sáng tác nó bằng viết nhạc tình ca. Vả lại, những người nhạc sĩ tự trọng, chắc không ai bỏ công nặn óc sáng tác nên những nhạc phẩm giả hiệu bao giờ!
Sinh hoạt đàn hát Tù Ca ở các trại miền Bắc, nếu có, cũng chỉ hết sức hạn chế và lén lút. Bản thân người viết, trước khi được chuyển về K2 Vĩnh Phú, không thấy có anh em nào sinh hoạt đàn hát về đêm hay nhằm ngày nghỉ lao động ở trại 3 liên trại 3 Yên Bái cũng như sau đó, ở trại K2 Phố Lu Hoàng Liên Sơn. Có lẽ vì đó chỉ mới vài tháng năm đầu ra Bắc, thần trí anh em còn lắm nỗi hoang mang, tuyệt vọng. Thêm nữa, khí hậu thời tiết, nơi ăn chốn ở của những nơi này không khác gì địa ngục chốn trần gian. Anh em sống bên nhau chập chờn như những bóng ma... đói rét! Không còn sinh khí gì để mà hát hò đàn địch.
Sau khi “được“chuyển về K2 rồi K4 Vĩnh Phú, người viết cũng chỉ dăm ba lần “ngứa cổ hót chơi” cho anh em nghe. Mà chi là nhạc hồng hồng thôi, không đỏ cũng không vàng. Ví dụ các bài “Tình Đồng Chí” (nhạc Vũ Hòa Thanh, hát lời Phạm Duy), “Tình Quê Hương” (thơ Phan Lạc Tuyên, kẻ đào ngũ theo giặc - Nhạc Đan Thọ), “Đàn Chim Việt” (nhạc Văn Cao, hát lời Phạm Duy),...
Khi đến K2 Vĩnh Phú, sinh hoạt Tù Ca của người viết mới bắt đầu nhen nhóm. Núp bóng trong đội văn nghệ trại, có đàn trong tay, người viết lén lút tập đôi ba bài nhạc “phản động” với bạn tù Quách Đức Thành (Houston, Texas). CH Thành này có giọng trầm rất tròn ấm và hùng, hát bè chính để người viết chồng lên bè cao. Hát duo với nhau ở các bài chạy trên âm giai Thứ, nghe rất tới. Nhưng chỉ mình hát mình nghe, khơi khơi vậy thôi. Không dám công khai tập họp anh em đông đảo. Vì ở các trại miền Bắc, không thiếu tai mắt, ăng-ten của cán bộ trại.
Đến khi được chuyển vào trại Thanh Phong rồi Thanh Lâm Thanh Hóa, dường như tinh thần các anh em chuyển trại đều có vẻ “lên lên” chứ không riêng gì người viết. Từ Vĩnh Phú vào Thanh Hóa, có nghĩa là khổ trình tù tội của anh em dần dần “sáng sủa” ra với ý nghĩ chủ quan, được xuôi về Nam. Ở Thanh Lâm, văn nghệ trà lá, tuy vậy, vẫn còn dè chừng. Nhưng chung chung, không khí sinh hoạt ca hát có vẻ bắt đầu khởi sắc. Lại thuộc nhóm tập dượt văn nghệ của trại, lợi dụng tình hình, người viết cùng một vài anh em khác tha hồ hát nhạc vàng. Lê Khiêm là một. Người bạn này có giọng nam cao hay nhất mà người viết biết được trong suốt 7 năm đi tù. Thế là những “Nắng Chiều, Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Không Bao Giờ Ngăn Cách,...” được anh em hát và nghe lại thoải mái.
Song song đó, người viết còn nhớ như in, vở tuồng tự biên tự diễn được anh em dàn dựng rồi đóng với nhau, kết hợp cùng năm ba màn đơn ca, song ca, tam ca và hợp ca khá là rôm rả, được tập dượt ráo riết nhằm trình diễn cho cả trại cùng xem trong một đêm vui khá hào hứng. Người viết nhớ mãi một Phạm Kim Khôi với giọng nói sang sảng khi vào vai Lê Lợi (tác giả tập truyện Thợ Đụng, Cali). Nhớ mãi là vì khi cần hát thì CH ta chỉ hát được giọng mái, rất khổ, nghe như sắp đứt hơi! Một Nguyễn Thế Thăng (Người đoạt giải đầu trong cuộc thi viết Chuyện Người Tù Cải Tạo do nhật báo Viễn Đông tổ chức năm trước, Oregon) nhập vai Liễu Thăng rất hung hăng nhưng lẫm liệt khi tung một cú đá vào tên quân hầu làm tên này té lăn bò càng (do người viết, vốn nhỏ con, đóng)...
Đời tù cải tạo, có văn nghệ kịch kọt, có đàn hát, dù bị chỉ định, bị bắt buộc hay không, vẫn là những giờ phút xả xúp bắp thoải mái nhất. Chưa kể là trong những đêm vui như vậy, được ăn tươi, khẩu phần có khấm khá, “chất lượng” hơn thường ngày.
... Gần cuối năm 80, người viết cùng hằng trăm anh em khác thuộc trại Thanh Lâm được lên tàu lửa chở về Nam. Niềm vui khó tả khi tàu vào tới khu vực Thừa Thiên, Huế. Tàu vượt qua nhiều miền đất thân yêu thuộc Việt Nam Cộng Hòa cũ. Cuối cùng đỗ lại ven một vạt rừng thưa thuộc Long Khánh. Rồi từng đôi một, với một tay phải và trái đã bị còng dính với nhau từ lúc xuất phát, cùng hành trang cá nhân lỉnh kỉnh, lếch thếch lội bộ nhiều cây số để vào trại tiếp nhận mới là Z30A. Nơi đây chính là “vùng đất mới,” là “thiên đàng” của tù Bắc khi về Nam, là đất hứa lý tưởng cho mọi sinh hoạt văn nghệ trong tù, nhất là đối với anh em thích đàn đúm, từ nhạc vàng, nhạc xanh đến “nhạc phản động” Tù Ca. Trừ mỗi loại nhạc... đỏ!
Thật vậy, trong suốt hơn năm trời ở Z30 A rồi sau đó, nửa năm với trại Z30 B sát cạnh, người viết liên tục có mặt trong các sinh hoạt ca hát với anh em mỗi cuối tuần vào ban ngày, không kể ban đêm trong riêng phòng giam đội mình, chưa từng nghe có bất cứ anh em nào hát nhạc “cách mạng.” Khác với một vài năm đầu, không ai bảo ai, anh em “ca nhạc sĩ” đều tự giác tẩy chay mọi bài hát VC. Tinh thần anh em Z30A rất cao. Không những chỉ tẩy chay nhạc đỏ mà thôi, còn tẩy chay cả cờ VC nữa.
Chuyện là, vào khoảng gần ngày lễ quốc khánh VC, trại có mời một đoàn văn công từ thành phố lên trình diễn vở tuồng “Lọ Nước Thần” cho toàn thể trại xem. Nhớ là, có cả kép hề Chuẩn Úy Khả Năng, cũng từng bị đi cải tạo, thủ một vai nhỏ trong tuồng hát. Chắc dụng ý của đoàn hát và ban quản trại là để lấy lòng khán giả tù cải tạo. Nội dung tuồng thuộc loại thần thoại. Chẳng hiểu có hàm ý tuyên truyền gì hay không. Nhưng đến màn chót, lúc sắp vãn, tự dưng có một xen thật “đột biến” diễn ra trên sân khấu, chẳng ăn nhập gì vở tuồng: một diễn viên mặc đồ xanh lính VC, đội mũ tai bèo, hai tay thủ một lá cờ trên đỏ dưới xanh da trời, giữa sao vàng; anh ta phất cao rồi cứ thế chạy qua chạy lai trên sân khấu như con rối. Có anh em nào lại không biết đó là cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một quái thai do Bắc Bộ Phủ nhào nắn ra để hòng ngụy tạo chính nghĩa, đánh phá quân dân miền Nam, để rồi sau 30 tháng 4, chỉ được xem như trái chanh đã vắt hết nước, như con tốt thí hồi tan trận; tuy còn sống sót đấy nhưng vẫn bị khai tử quăng vào thùng rác, vất ra nghĩa địa!
Thế là, như một luồng điện, cơn sóng phẫn nộ trong tích tắc truyền khắp anh em tù. Tất cả đồng loạt đứng dậy biểu lộ thái độ phản đối bằng cách la ó, huýt sáo miệng vang trời. Bọn công an cai tù cùng với đám bảo vệ vòng ngoài túa vào với súng đạn lách cách lên nòng cùng tiếng quát tháo la lối inh ỏi. Còn trên sân khấu, tất cả diễn viên đều thất kinh hồn vía rút hết vào hai bên cánh gà. Liền đó, màn được kéo đóng lại một cách gấp rút. Và vở tuồng chấm dứt ngang xương, không kèn không trống, không cả một tiếng vỗ tay...
Chưa hết, cũng trong đêm diễn này, một sư kiện còn kinh khủng gấp ngàn lần chuyện anh em phản đối cảnh phất cờ Giải Phóng Miền Nam trên sân khấu. Đó là, một nhóm tù người Thượng, không biết từ đâu được chuyển tới khoảng một tuần trước đêm diễn cải lương. Họ bị nhốt chung trong một phòng. Lúc vở tuồng đang đến hồi giữa với sự chểnh mảng tuần tra, lo say sưa xem diễn của bọn công an, không rõ bằng những dụng cụ gì, nhóm tù Thượng đã phá bức được giàn kẽm gai thay thế cho trần phòng rồi trổ nóc nhà, sau đó vượt qua bức tường xây cao hơn 4 mét, bôn tẩu vào những cánh rừng cách trại không xa. Mặc dù sau khi phát hiện, công an cả trại cùng lính VC phối hợp, nỗ lực ráo riết truy tìm suốt nhiều ngày sau đó. Nhưng vô phương. Nhóm tù Thượng như hổ về rừng. Sau này, nghe bọn công an dẫn tù đi lao động mỗi ngày thổ lộ, chúng chẳng bắt lại được một ai.
Thời gian người viết ở Z30A, được biết hầu như phòng giam nào cũng có những đêm hát nhạc. Đặc biệt vào đêm Thứ Bảy cuối tuần, với sự thư thả khi có được trọn ngày nghỉ hôm sau. Tùy “trình độ” của một hai cá nhân là hạt nhân của mỗi phòng, mà tay đệm ghi-ta luôn là chính, mức độ hào hứng ở từng phóng có khác nhau, kể cả thời lượng dài ngắn của đêm vui. Riêng những sáng Chúa Nhật, thường chỉ có một hay hai phòng nào đó là “tụ điểm.” Các tù ca sĩ tự do chạy show, tìm đến hát, chẳng có bầu nào mời mọc hay trả cát-sê, nhưng bạn tù khán giả thì hoan nghênh lắm lắm. Vì càng nhiều “sao,” chương trình càng được phong phú, ngày vui càng được kéo dài. Chính những chương trình văn nghệ sáng Chúa Nhật này là đất dụng võ, là “sàn diễn” hấp dẫn, thu hút nhất đối các ca nhạc sĩ Tù Ca.
Vì có người nghe đông đảo cùng với sự cổ võ nồng nhiệt, kể cả được tiếp đãi trà lá, thuốc thang, bánh trái hậu hĩnh nữa. Hỏi rằng khi hát Tù Ca công khai, ồn ào như vậy, ca sĩ Tù Ca có sợ ăng-ten mật báo không? Ở trại Z30A này, anh em không hề sợ điều đó. Nhóm tù của trại Nam Hà vào trước nhiều tháng ở khu dãy B, trong đó có nhiều anh em rất mặn mà hát Tù Ca, cam đoan với người viết là, ở đây không có tình trạng ăng-ten. Tuy nhiên, những sáng Chúa Nhật, khi có chen lẫn những bài Tù Ca giữa các bài nhạc cũ trước 75 thì nhà trưởng, thường tự giác đi đi lại lại, nhìn ra xa xa, phía cổng chính, xem có “kiến vàng” nào rỗi rảnh mò vào không. Nếu thấy thì la to cho anh em biết ngay để ngưng hát hay chuyển tông... hét nhạc của chúng! Có một lần sang dãy B hát, người viết chạm một trường hợp như vậy. Nhưng không ngưng hát mà chuyển tông ngay một cái... không rét! Đàn vẫn đàn. Ca vẫn ca. “Đoàn quân Việt Nam đi. Sao... mà ốm đói!!...” Chuyện nhỏ!...
Nhưng người viết vẫn thích hơn những đêm cuối tuần ngồi ôm đàn hát và đệm suốt đêm, không hề biết ê ẩm các ngón tay hay mệt mỏi, cho các anh em thay phiên nhau ca hoặc ngâm thơ. Đàn có lúc đứt dây bởi một giai điệu nào đó quá thiết tha, khắc khoải. Nhưng các ngón tay, như có thần lực chịu đựng, không hề có khi nào cảm thấy đớn đau nhỏ máu dù cung đàn, lời ca có đau đớn, xa xót đến đâu! Nhưng, trong những đêm thả hồn trôi trên cung đàn tiếng nhạc và lời ca như vậy, thú thật, có lắm khi không sao ngăn được ngấn lệ tuôn trào! Nhớ nhà nhớ cửa, thương mẹ thương cha. Thương anh chị em, nhớ bạn nhớ bè. Cũng như thương xót cho nỗi cam phận tù đày của chiến hữu đồng tù lẫn của riêng mình...
Hãy hình dung một đêm văn nghệ cuối tuần điển hình. Đêm vừa sụp xuống, ở một khoang cuối góc phòng nào đó, một chiếc đèn con cóc lù mù được đặt ở giữa, đôi khi có thêm một chai lọ có vài cành hoa dại mà một bạn tù nào đó chuẩn bị sẵn từ ban chiều, một điếu cày với gói thuốc lào bên cạnh lon “gô” trà... Và chỉ thế thôi, chẳng cần giới thiệu màu mè gì cả, người viết cất giọng tù ca kêu thương của mình với tiếng đàn tự đệm. Rồi, như thông lệ, như thói quen, các bạn ca sẽ bu lại xung quanh, tuần tự thay phiên nhau hát. Không cần giới thiệu tên bài hay tác giả. Cũng không cần nói tông nói tiếc. Tiếng hát cất lên là tiếng đàn bắt ngay vào, không trật duộc. Thường là, do đã quen với giọng hát bạn tù với những bài ca “tủ” nào đó, người viết dạo trước vài câu bắt trớn cho bạn hát.
Bạn tù chung phòng ở những khoang khác xa hơn, những đêm cuối tuần như vậy, thường cũng không ngủ sớm được. Có người kéo lại ngồi vòng ngoài để thưởng thức. Có người nằm tại chỗ của mình lắng nghe. Nhiều bạn khác đã treo mùng nằm bên trong, cũng vậy. Đôi khi có những tràng pháo tay tán thưởng một bạn ca nào đó, đã hát xuất thần hoặc hát trúng bài ca họ khoái. Rồi là trà nước, cà phê, bánh kẹo, lắm lúc có cả chè cháo của bạn nào đó vừa mới được thăm nuôi, nấu nướng từ chiều, tự động mang đến chiêu đãi nhóm ca nhạc sĩ. Trong ánh đèn con cóc hiu hắt lung linh cộng với chiếc bóng đèn tròn vàng vọt không đủ sáng giữa phòng, không khí càng về khuya lẽ ra phải càng lạnh lẽo theo từng cơn gió của núi rừng lùa qua những chấn song sắt, nhưng tất cả, không ai không cảm thấy bấm áp tấm lòng nhờ âm nhạc vỗ về thể hiện qua tiếng đàn, giọng hát cùng những lời ca quen thuộc từ những tháng ngày xưa cũ...
Vào một đêm Chúa Nhật đầu tháng 4 năm 1982, trong một lán của khu trại Z30 B (khu trại có những dãy nhà nhốt tù rất sơ sài, vách ván mỏng manh, mái tôn ọp ẹp, có thông lệ đón nhận những tù sắp được phóng thích mà người viết mới được chuyển qua lúc giáp Tết Ta, khoảng tháng 1), người viết đang say sưa tập hát cho anh bạn Nguyễn Thảo (nhà thơ Lê Nguyễn trong hội Thơ Tài Tử Cali, hiện ở Florida) bài hát mới toanh phổ từ một bài thơ của anh bạn này, bài thơ vừa sướt mướt vừa có “lửa.” Cả hai đang “bốc” trong giai điệu và lời ca, bất thình lình có tiếng hét bên ngoài cửa sổ (chỗ nằm của người viết và LN ngay sau cửa sổ): “Hai anh kia, hát bài phản động gì đấy, đưa ra xem, nào!”
Giật nẩy mình, điếng hồn. Nhưng nhà thơ, do nhanh trí, còn lòn kịp bài thơ vào mùng bạn Vương Vi (người Việt gốc Hoa, cảnh sát) sát bên. Bài thơ cùng bài nhạc được ký âm bằng viết chì ở ngay mặt sau, vài ngày sau chẳng biết nó “trôi” đến tay ai. Chỉ biết, nghe VV nói, anh ta cũng tiếp tục lòn tờ giấy đó đến một bạn khác nằm cạnh với lời nói nhỏ “Chuyền ngay giùm đi”!
Cùng lúc bài thơ nhạc được chuyền đi, người viết kịp lên tiếng, cố cho giọng cứng cỏi nhưng chân thành: “Đâu có giấy tờ gì cán bộ! Tụi tôi chỉ đang dợt lại một bài hát cũ thôi.”
“Là bài gì? Sao tôi nghe có giặc thù, súng ống gì trong đó...?”
Thật bất cập, ít nhiều cũng có run. Nhưng đối đáp về chuyện lời ca, nhạc này, nhạc nọ, dù sao cũng là “nghề” của tôi. Cán bộ, dù là cán bộ an ninh, làm sao áp đảo được tay tù này. Người viết trả lời ngay: “Bài Tình Đồng Chí đó, cán bộ. Nó có câu: Nằm kề bên nhau chờ giặc tới. Đầu súng trăng treo...” Trong khi tên cán bộ chưa biết ra tay ra sao, người viết nói cứng thêm: “Không tin cán bộ vô khám đi!”
Sở dĩ người viết cứng giọng, chẳng qua tự tin nơi mình và hiểu chút đỉnh về “người.” Qua nhiều trại giam cải tạo, chưa nghe có trường hợp nào cai tù vào bên trong lán kiểm tra hay xét chỗ nằm của một tù nhân nào đó, ban đêm. Chuyện gì cũng chờ sáng. Chúng vốn rất đề cao cảnh giác. Dù có súng ống đi nữa, với chỉ vài đứa, chúng cũng chẳng khi nào dám chui vào phòng giam có cả trăm tù để khám xét. Nhất là việc không đáng.
Hiểu thì vậy, còn đã hát Tù Ca mà lại dám tự tin là sao? Việc này, thưa thật, người viết còn đề cao cảnh giác gấp bội bọn cai tù. Không phải đợi đến năm thứ sáu hay thứ bảy, ngay từ năm đầu tiên, không bao giờ trong hai bao đồ tế nhuyễn của người viết mà có cất giữ nhạc vàng, nói gì đến “nhạc phản động.” Người viết từng chép giùm rất nhiều lời ca của các bài nhạc cũ trước năm 75 cho một số bạn tù, kể cả ký âm các nốt nhạc trên năm dòng kẻ, nhưng cho mình thì không. Vì nó đã có sẵn trong đầu rồi, cần gì. Nói nào ngay, người viết có giữ, mà giữ rất trang trọng trong ba lô hành trang của mình, một bài ca, đầy đủ nhạc lời đàng hoàng. Mà, nếu khám thấy, cai tù cũng chỉ... ngọng! Không kết tội được! Bởi vì đó là một bài nhạc đỏ lòm, với tác giả là Việt Cộng chính hiệu con nai! Bài “Thuyền Em Đi Trong Đêm.”
Và, Hoàng Thiên quả không phụ lòng người biết phòng xa mà... lương thiện và có chính nghĩa Quốc Gia.
Sáng thứ hai, lúc toàn đội xếp hàng ngoài sân chờ gọi xuất trại lao động, tự dưng có tay sĩ quan an ninh trại đi vào đứng trước đội của người viết. Khi đội được gọi xuất trại thì quản giáo chỉ người viết bảo: “Đứng lại!” Tất cả anh em trong đội cùng một số anh em của các đội khác đều hướng ánh mắt về người viết với lòng ái ngại sẽ có chuyện chẳng lành xảy đến cho bạn tù của mình. Sau đó quản giáo ra lệnh người viết trở vào nhà để khám tư trang, chỗ nằm. Tay sĩ quan an ninh trại và quản giáo kèm sát hai bên người viết. Vào phòng, có cả nhà trưởng chứng kiến, toàn bộ hai túi xách hành trang của người viết được tay an ninh và quản giáo xổ tung, lần xét tỉ mỉ từng món một, kể cả rà mò bên trong chiếc gối mỏng, lật tung chiếu và ngó xuống bên dưới gầm ván chỗ nằm. Và chiếc đàn, vốn của một bạn nằm gần đó, hắn cũng bảo nhà trưởng cầm tới để lắc lắc xem có gì bên trong hay không. Dĩ nhiên không. Và cũng dĩ nhiên, không khó khăn gì, hắn đã vớ được ngay bài hát mà người viết lưu giữ. Cũng mong vậy. Vì tin rằng nó sẽ là lá bùa hộ mạng, sẽ biện hộ mạnh mẽ hơn bất cứ lời lẽ nào, dù có lý nhất, mà người viết có thể tự biện hộ cho mình để thoát được tội hát Tù Ca.
Tay an ninh chấm dứt buổi khám xét bằng lệnh người viết phải đi theo hắn ra ngoài trại làm việc. Và hắn chỉ lấy đi một mớ giấy má gồm những trang thơ cũ kỹ của gia đình gởi cho tôi trong một hai năm đầu. Tất nhiên, không bỏ sót trang giấy ghi bài hát.
Không hiểu sao, tâm trạng của người viết, lúc đó, thanh thản một cách kỳ lạ. Khác hẳn tâm lý thông thường của bất cứ bạn tù nào mà người viết từng nghe tâm sự lại, sau khi họ bị gọi đi “làm việc,” nhất là từ miệng sĩ quan an ninh trại. Người viết hoàn toàn không có một chút căng thẳng nào khi chỉ một mình, ngồi đối diện với tay sĩ quan an ninh trại trong chính phòng làm việc riêng của hắn. Mặc dù vậy, cũng vẫn tập lo tập trung tinh thần chuẩn bị trả lời sao cho khôn ngoan nhất trước những câu hạch hỏi của tay sĩ quan an ninh này. Hắn cho uống trà, đã vậy còn mời thuốc lá nữa. Sau đó, để mặc người viết ngồi yên, không hỏi gì.
Tay thẩm vấn an ninh dành khoản mười lăm phút để nhẩm xem hết tất cả các lá thơ nhà của tôi. Xem và xem. Chẳng tra vấn gì. Đến bài nhạc, khi lật ra phía sau, thấy tấm hình, hắn hỏi ai vẽ, ở đâu, lúc nào. Người viết thành thật khai báo: Vì xét thấy cũng chẳng có hại gì cho người bạn tù họa sĩ đã vẽ mình lúc còn ở trại an dưỡng Suối Máu năm 76. Và cũng biết ngay hắn hỏi cũng để cho có hỏi mà thôi. Một điều không ngờ là, hắn cũng chẳng đề cập gì đến chuyện người viết đã hát linh tinh trong đêm qua mà hắn không có chứng cớ cụ thể để kết tội và đưa vào cùm. Sau đó chỉ toàn là những câu dò hỏi linh tinh, lẩm cẩm theo kiểu hỏi mà không cần người bị hỏi trả lời. Vì câu trả lời chi có thể có một đường duy nhất mà người hỏi, vốn là an ninh thẩm vấn chuyên nghiệp, chắc hắn cũng tự đoán ra được rồi. Những câu trả lời đại loại; “Vâng, tôi sẽ luôn luôn cố gắng học tập tốt, lao động tốt, chấp hành nội qui trại tốt... Vâng, tôi luôn luôn muốn trở thành một công dân tốt. Sau này trở về nhà, tôi sẽ luôn tuân thủ mọi lệnh lạc của chính quyền địa phương, lo lao động làm ăn lương thiện, góp phần công sức của mình cùng bà con nhân dân xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, ưu việt... vân vân và vân vân.” Làm chim họa mi thì khó chứ làm két, nhất là chỉ trong khoảnh khắc, thì có khó khăn gì!
Xong buổi “làm việc,” khi cho về trại, tay sĩ quan an ninh trao lại toàn bộ xấp thư nhà cho người viết. Duy nhất, hắn giữ lại bài nhạc chép tay có hình vẽ phía sau. Tuy tiếc và tự thắc mắc, không biết hắn giữ lại “tang vật” đó để làm gì, người viết vẫn nhẹ nhõm rời khỏi phòng hắn ngay.Vì, như cá đang nằm trên thớt, có tiếc và thắc mắc đến đâu, cũng có nên và dám hỏi ngược lại hắn ta không? Mà hỏi để làm gì?!
Khoảng tháng rưỡi sau người viết được phóng thích về nhà.
Bài viết có thể chấm dứt được rồi, ở đây, để tránh dông dài. Nhưng nếu không nêu được thêm đôi điều sau đây, với người viết, niềm hối tiếc chắc sẽ theo đến cuối đời. Điều chi?
Tù Ca, với người viết, và có thể còn có thêm những ai nữa (?),là một hình thái sinh hoạt văn nghệ vô cùng bi tráng, đẹp đẽ trong chốn lao tù cộng sản. Tác động của nó thế nào đối với tù cải tạo, người viết đã đề cập ở phần trên của bài. Tuy chỉ xuất hiện hạn hữu trong một khoảng thời gian cố định, nhưng nó đã để lại một dấu ấn đầy tính nhân bản, chưa dám nói là một dấu ấn văn hóa, rất riêng, và sẽ không bao giờ có chuyện “tái bản” lại. Chắc chắn vậy. nên Tù Ca rất cần thiết được nhận diện, đặt tên và lưu trữ nó trong bảo tàng lịch sử văn hóa của người Việt nói chung, và trên những trang sử Chuyện Tù Cải Tạo CS, nói riêng.
Muốn được thế, phải có một lúc nào đó, có ngay càng tốt, ở một nơi chốn nào đó, một cuộc tập họp càng đầy đủ càng hay, tất cả những chiến hữu nào đã từng tham dự trong các sinh hoạt Tù Ca trong tù (sáng tác, đàn hoặc chỉ đơn thuần là hát). Các bài Tù Ca này phải được trình bày (chứ không phải biểu diễn) lại, phải được in ấn, thu CD hay DVD nếu điều kiện cho phép. Công việc này cần được tiến hành càng sớm càng tốt trước khi quá muộn. Tin rằng, các thành viên tham gia, không ai tiếc gì không đóng góp đôi ba ngàn để thực hiện công trình. Bởi lẽ, để lại cho đời sau, cho con cháu đôi ba bài Tù Ca là có để, và còn mãi. Còn để lại đôi ba ngàn, ngay cả nhiều hơn gấp bội, cũng chẳng là “để lại”gì hết!
Có ai không trong giới chuyên môn sản xuất băng từ đĩa nhạc đọc được đến đây? Người viết đề nghị, xin hãy xung phong làm đầu tàu bảo trợ công trình này. Sẽ không phải lợi nhuận đâu, mà là danh dự cùng tiếng thơm lâu dài từ giới Tù Ca nói riêng, và toàn thể những người từng là tù cải tạo của cộng sản sau ngày mất nước nói chung, sẽ dành trao hết về quý vị.
Hồ Hoàng Hạ
(Phoenix, Arizona, 18 tháng 5, 2008)
Gửi ý kiến của bạn