BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hôn Em, Kỷ Niệm (4)

23 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1510)
Hôn Em, Kỷ Niệm (4)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

CHƯƠNG BỐN


 Huyện lỵ biến mất cái vẻ cô quạnh nhưng êm đềm. Không còn hàng giậu bìm cho hoàng hôn ghé đậu khoảng khắc. Không còn tiếng chim cuốc gọi nỗi buồn về. Bây giờ chỉ có tiếng kêu đau đớn, tiếng khóc não nề của tội nhân. Bây giờ chỉ có nỗi sợ hãi. Và nỗi sợ hãi bắt đầu bằng xác chết của hai mẹ con người ăn mày trong quán chợ huyện. Người ta đã chết đói. Năm nay tháng chạp kéo dài sang tháng hai. Trời lạnh vô cùng. Lạnh và đói. Nhiều gia đình phố huyện đã ăn cơm một bữa hoặc ăn cơm độn ngô, độn sắn, độn khoai. Vụ chiêm chưa tới. lúa mới có đòng đòng thôi. Sớm nhất cũng tháng tư lúa mới chín vàng. Thế mà đã chết đói. Mỗi sáng người phu quét dọn chợ huyện đều phát giác vài xác chết. Ở chợ Hạ, chợ Lầy, xác chết nhiều hơn. Tin chết đói loan truyền. Rồi trở thành một tin quen thuộc. Vào những ngày… chết đói, dân làng ông lục sự bị quan huyện bắt nuốt phân* xếp hàng nối đuôi nhau lên huyện. Dẫn đầu là một thanh niên mặc âu phục, đeo kính trắng. Người thanh niên mặt mày giận dữ, nắm chặt nắm tay thành trái đấm, giơ cao thét lớn:

- “Đả đảo Phạm Gia Đĩnh”.

Dân làng ông đồng thanh hô:

- “Đả đảo”.

Người thanh niên hô tiếp:

- “Đả đảo ăn tiền”.

Dân làng ông hô theo:

- “Đả đảo”.

Cuộc tuần hành chung quanh phố huyện và chỉ hô hai khẩu hiệu. Lần đầu tiên tôi được nghe động từ đả đảo. Sau đó, đám đông dừng trước cổng huyện chỏ tay vào trong dinh chửi bới quan huyện đủ lời. Lính lệ đóng cổng huyện. Người thanh niên bắt mở. Ông ta rút khẩu súng lục bắn chỉ thiên ba phát. Và dõng dạc hỏi tên lính canh cổng:

- Phạm Gia Đĩnh đâu?

- Bẩm quan lớn, quan lớn …

Người thanh niên dậm chân:

- Tôi không phải là quan lớn. Đả đảo quan lớn!

Tên lính run rẩy thưa:

- Bẩm ông, quan lớn đánh xe với quan bà đi từ sớm.

- Đi đâu?

- Bẩm con không biết.

Bố con tôi đứng xem. Bố tôi bắc ghế cho tôi đứng cao, nhìn rõ. Nhà tôi ở xế cổng huyện nên chuyện gì xảy ra trước cổng huyện, tôi đều được chứng kiến.

Bố tôi nói:

- Tư Mi oai quá.

Tôi hỏi:

- Tư Mi là ai, hở bố?

Bố tôi đáp:

- Là anh chàng bắn súng. Đả đảo Phạm Gia Đĩnh.

- Đả đảo là gì?

- Là không cho làm quan nữa. Đòi bắt quan huyện xử tội.

Bố tôi nói:

- Phải cắt gân nó.

Ông thở dài:

- Nhưng nó trốn mất rồi.

Quan huyện đã trốn mất rồi. Tôi không được xem ông Tư Mi cắt gân ông Phạm Gia Đĩnh. Dưới mắt tôi, lúc này, ông Tư Mi là một hiệp sĩ trừ gian diệt bạo. Ông dám vào tận hang cọp, coi thường quan huyện. Ông dám “đả đảo” quan huyện, “đả đảo” một người ăn tiền, ăn tiền của cả bố mẹ tôi. Ông Tư Mi, nhân vật tiểu thuyết kiếm hiệp có thật. Ông Tư Mi , hình ảnh rực rỡ và xứng đáng cho tôi chiêm ngưỡng. Tôi sung sướng thấy ông Tư Mi ngạo nghễ đứng trước huyện đường. Dân làng ông tuân lệnh ông răm rắp. Họ “đả đảo ăn tiền”, “đả đảo Phạm Gia Đĩnh” đến trưa thì kéo nhau về làng. Hiệp sĩ Tư Mi đã rở mái ngói, phóng xuống bàn quan huyện Phạm Gia Đĩnh một lưỡi dao sáng ngời kèm một bức thư báo tử : “Súc sinh, hôm nay ta tha chết cho mi, hẹn khi khác sẽ tới cắt đầu mi”! Và hiệp sĩ Tư Mi buông chuỗi cười khinh mạn, tung mình trong đêm tối. Tôi gấp trang sách lại. Hình như thế. Dường như thế. Cơ hồ thế. Tôi chờ đợi gặp hiệp sĩ Tư Mi ở chương sách tới. Chương sách tả hiệp sĩ Tư Mi giữ lời hứa, cắt gân Phạm Gia Đĩnh.

Buổi chiều, cả huyện hay tin ông Tư Mi từ Hải Phòng về đòi bắt quan huyện Phạm Gia Đĩnh và quan huyện sợ hãi trốn lủi. Những tội nhân bị đánh đập, bị cắt gân hoặc chống nạng hoặc nhờ thân nhân cáng lên huyện, đứng trước cổng huyện nguyền rủa Phạm Gia Đĩnh tàn tệ và đòi báo thù. Huyện đường vắng hoe, im lặng. Huyện mất quan như rắn mất đầu. Ngay tối hôm đó, lão bếp ra nhà tôi, xin trả lại bố tôi khoản tiền nhỏ. Bố tôi cười, không lấy lại. Lão nhất định trả. Lão ném tiền và chạy. Huyện mất quan nhưng người ta vẫn tiếp tục chết đói. Ít hôm sau, xảy ra cuộc đảo chính Nhật. Và huyện Phụ Dực có quan mới. Và chết đói khủng khiếp hơn. Chết đường. Chết chợ. Chết bờ. Chết bụi. Chết chôn bằng cánh cửa ghép bằng áo quan. Chết chôn bó chiếu. Chết hết chiếu bó xác. Chôn mẹ hôm trước, hôm sau lăn ra chết. Ngô khoai đã hết. Ngô khoai khô cũng đã hết luôn. Mùa lúa còn lâu. Giờ mới chỉ tháng ba. Không còn cây chuối nào sống sót. Người ta đào củ chuối ăn cầm hơi, hy vọng vụ lúa chiêm. Trường huyện đóng cửa. Tôi rất mừng. Những đứa trẻ phố huyện hay bắt nạt tôi, có đứa đã chết đói, có đứa đói lã ngồi co ro một chỗ, hết thích đuổi tôi đánh đấm. Đường phố nhan nhãn người chết và người sắp chết. Chợ họp thưa thớt. Nạn vồ cướp bánh trái diễn ra đều đều. Người ta công khai đánh chết kẻ cướp giữa chợ, pháp luật không truy tố. Kẻ già cả không đủ sức vồ bánh trái thì bắt chấy trên tóc xác chết mà nhấm nháp. Mọi năm, đầu tháng tư, thợ gặt mới từ các nơi kéo đến Phụ Dực. Năm nay họ kéo đến từ tháng ba, đem theo cả vợ con. Không ai chứa họ. Không ai có cơm nuôi họ, chờ giúp việc vặt chờ ngày lúa chín. Họ đói, lăn ra chết nơi đất khách quê người. Chết không một nấm mồ. Họ chết đói và chẳng hiểu tại sao, do đâu mình chết đói.

Cửa hàng bán bánh kẹo của bố tôi đóng cửa. Gia đình tôi cũng sợ chết đói nên phải bóp bụng sáng bữa cháo, trưa bữa cơm. Bố tôi không còn bắt ghế ngồi ôm đàn hát những lời thương nhớ Nam kỳ. Ông có ý định đem gia đình về thị xã. Một hôm lên tỉnh về, ông tả cảnh chết đói ở tỉnh, ở chân cầu Bo, ở dọc đường số 10 thì ông hết muốn đi đâu. Ông thở dài sườn sượt và bắt nhịn thêm bữa cháo.

Bố tôi đi tìm đất sống mới. Ông xuống huyện Tiền Hải thăm thú vài hôm và khoe rằng đó là thiên đàng của dân Thái Bình, nơi rất ít người chết đói. Nhưng Tiền Hải xa quá, bố tôi ngần ngại. Gia đình tôi bám lấy đất Phụ Dực, sống chờ thời. Và tôi “được” ở trong cái địa ngục trần gian, cái địa ngục người trói người, đánh đập người dập xương, nát thịt, người cắt gân người phọt máu đau thương, người đói rét chết thảm khắp chốn. Có làng chết hết. Ông già, bà cả, trẻ con theo nhau chết. Chết chẳng ai chôn. Xác chết trương phình, rữa ra, đầy ròi nằm phơi dưới nắng tháng ba. Tôi nghĩ tới hiệp sĩ Tư Mi. Tại sao ông Tư Mi đủ oai quyền “đả đảo Phạm Gia Đĩnh” mà không đủ thóc gạo cứu đói dân huyện Phụ Dực? Tại sao Nhật đảo chính Tây dân huyện Phụ Dực chết đói. Tôi muốn hỏi bố tôi điều này. Song tôi chắc bố tôi sẽ trả lời bằng cái xua tay. Đành thôi. Giá có chú Phương nhớn nhỉ? Chú sẽ nói cho tôi hiểu vì đâu dân mình phải chết đói.

Những người quá nghèo khổ đã chết hết. Chỉ còn những người nhịn đói giỏi và những người khá giả sống sót sau trận giặc đói kéo dài hai tháng. Lúa đã chín vàng đầy đồng. Người chết rồi, lấy ai gặt lúa? Phố huyện tan dần mùi tử khí và nỗi sợ hãi chết đói cũng tan luôn. Người ta quên chuyện thương tâm, quên thật nhanh, bắt tay vào công việc với niềm hy vọng mới. Nửa tháng sau khối người chết vì bệnh dịch tả, vì uống nước sông, nước ao không khử trùng. Những ông thợ gặt phương xa chưa chết đói, bây giờ chết no vì ăn nhiều, ăn trả thù đói.

Rồi khối kẻ bị phù chân và trăm thứ bệnh khác. Chết dịch, chết no không đáng kể. Còn sống mới đáng kể. Những người còn sống mua đồ lễ, hương vàng tới đền, chùa tạ ơn thánh thần. Dân phố huyện, khi cần cứu đói thì chẳng ai nấu cháo, thổi cơm bố thí cho người đói. Khi không cần, nhà nhà tới tấp hái lá đa cuộn lại, cắm vào cây tre ngắn, nấu cháo đổ vào rồi bày la liệt cùng đường cùng ngõ. Gọi là cúng những hồn đói. Đang lúc tôi rảnh rỗi chẳng biết làm gì thì chú Phương đến. Chú xách chiếc hòm thợ cạo. Chú gầy đi và buồn bã. Chú ngậm ngùi kể chuyện chết đói ở làng Tường An, nơi chôn rau cắt rốn của bố tôi.

Chú Phương lớn không khóc nhưng chú Phương hen khóc sụt sùi. Hai người con trai bỏ làng xóm đi mưu sinh, bỏ mẹ già chết đói nơi quê nhà, chẳng được báo hiếu bằng cách bỏ xác mẹ vào manh chiếu mà chôn dập, chôn vùi. Chú Phương nhớn lại đưa tôi đi tắm ao. Chú dẫn tôi vào chùa và hai chú cháu ngồi dưới gốc một cây cổ thụ. Chú hỏi tôi:

- Cháu còn bị bắt nạt không?

- Còn.

- Tại sao cháu không đánh lại những đứa đánh cháu?

- Cháu đã đánh lại, chúng nó đánh cháu sưng vù mắt.

- Rồi cháu có đánh tiếp không?

- Không.

- Cháu sợ chúng à?

- Cháu không sợ.

- Vậy tại sao?

- Bố cháu bảo phải nhịn nhục, phải tập nghiến răng nhịn nhục ngay từ khi bé nhỏ. Bố cháu bảo to lớn như cái cây cổ thụ người ta vẫn có thể đốn ngã hay giông bão làm trốc gốc nhưng đã chưa ai hạ nỗi nước vì nước mềm.

- Người ta đã tát nước cạn hồ ao, nắng đã làm khô nước sông.

- Bố cháu bảo lại có mưa và lại có nước. Cây trốc gốc là cây chết luôn.

- Bố cháu tên Hùng mà không anh hùng.

- Bố cháu bảo biết nhịn nhục cũng là anh hùng.

- Anh hùng rơm.

- Bố cháu bảo cần giỏi chữ, không cần giỏi võ.

- Thế bố cháu có nói tại sao dân mình chết đói.

- Cháu không hỏi.

- Nghe đây cháu của chú: Cháu đừng cúi xuống như bố cháu. Hãy nhìn lên. Dân mình chết đói vì thực dân Pháp và phát xít Nhật. Ta không thể nhịn nhục thực dân và phát xít. Nhịn nhục mãi sẽ chết đói, sẽ bị cắt hết gân, sẽ lê lết giống loài chó què, miệng bị bịt chặt.

Chú Phương nhớn ra đi ít lâu và chú Phương nhớn trở về giải đáp một thắc mắc tôi mong đợi. Chú nắm chặt nắm tay, giơ cao:

- Phải diệt phát xít, phải tuốt gươm vùng lên.

Chú lắc đầu:

- Làng ta có mỗi mình bố cháu đậu bằng “xéc” mà bố cháu lại nhịn nhục.

Chú nghiến răng ken két:

- Chú không chịu nhịn nhục.

Chú ghé sát tai tôi:

- Chú sắp đi xa, cháu ạ. Chú sẽ cướp chính quyền.

Chú Phương nhớn, thợ hớt tóc rong, người thay bò kéo xe dọa sẽ cướp chính quyền. Tôi hỏi chú:

- Cướp chính quyền là gì?

Đôi mắt chú sáng rực, nhìn phía trời xa:

- Đánh đuổi phát xít Nhật, giành lại thóc lúa để khỏi bị chết đói, giành lại độc lập.

- Độc lập là gì?

- Là không có quan huyện đánh cướp, cắt gân cướp.

Chú say sưa kết tội thực dân, phát xít. Chú quả quyết thực dân và phát xít đã bỏ chết đói ngót một triệu dân mình. Chú Phương nhớn nhắn nhủ tôi “thù này phải trả” nhiều lần và mỗi lần chú nhắn nhủ là một lần tôi ngơ ngác. Tôi chưa thù ai. Chưa biết thù ai. Có lẽ, một người yếu đuối thể xác như tôi, tâm hồn lúc nào cũng bảng lãng lời khuyên nhịn nhục của bố, cho nên mãi tới hôm nay tôi vẫn chưa biết thù ai, mặc dù, có nhiều kẻ tôi phải coi như những kẻ tử thù cần đạp cho chúng nó chết nếu tôi khỏe. Chú Phương nhớn nói chuyện với tôi như nói chuyện với một người tâm đầu ý hợp. Sau này, tôi hiểu rằng, khi quanh ta không ai hiểu tâm sự ta, không ai tin ta làm nổi một công việc khác lạ, ta sẽ thường thích tìm con nít mà kể lể. Vì con nít sẽ nghe ta, không chế giễu đã đành, còn ra chiều kính phục. Hai chú cháu tôi nói chuyện rất lâu dưới gốc cây cổ thụ trong sân chùa. Khi về, chú đòi cõng tôi: “Chú là võ sĩ, cháu quên à? Chú cõng cháu chạy băng băng”. Tôi nói: “Cháu lớn rồi, đầu to bằng cái sọt”. Chú bảo: “Cho chú cõng đi, vài năm nữa chú chẳng còn được cõng cháu”. Và chú Phương nhớn cõng tôi. Chú làm ngựa. Chú chạy trên con đường gạch xây đan. Chú bắt chước ngựa hí vang. Chú cười đùa, chú giục tôi thúc chân vào bụng chú. Chú Phương nhớn đã quên mẹ chú chết đói, vợ chú chết đói hồi tháng ba. Chú quên nỗi buồn để nuôi mối thù. Chú dập tắt dĩ vãng và thắp ngọn lửa tương lai. Hôm khác, chú dắt tôi thơ thẩn trên đường sang Ninh Giang. Chú bồng tôi lên, ngồi trên cột cây số xi măng chỉ tay về phía Núi Voi:

- Cháu biết nơi xa kia mọi người đang làm gì không?

- Không.

- Họ đang sửa soạn về tỉnh đánh đuổi Nhật, cướp chính quyền. Chú sắp đi tới nơi đó.

- Bao giờ chú đi?

- Đêm nay.

- Bao giờ chú về?

- Chú sẽ về sớm.

- Chú có mang hòm thợ cạo đi không?

- Có.

- Chú về huyện Phụ Dực, chú đừng về tỉnh, chú nhé.

- Cháu muốn về đấy à?

- Vâng.

- Làm gì?

- Chú sẽ dẫn đầu một đám người kéo đến cổng huyện, bắn súng lục và đòi bắt quan huyện như ông Tư Mi.

- Tư Mi?

Chú Phương nhớn nghiến răng ken két. Gân trán chú nổi lên to bằng cọng rau muống. Chú nắm chặt nắm tay, không giơ cao mà đấm vào không khí.

- Tư Mi, phải giết nó.

Tôi kinh ngạc:

- Ông Tư Mi là hiệp sĩ, sao chú đòi giết ông ta?

Chú tôi dậm chân:

- Chú đang lùng nó, chú sẽ giết nó.

- Tại sao thế hở chú?

- Nó là Việt gian, nó liếm gót giày phát xít Nhật.

Ông Tư Mi, người hiệp sĩ có thật của tôi, người tôi chiêm ngưỡng và mong đợi xuất hiện thêm lần nữa lại là người chú Phương nhớn bảo là Việt gian và đòi giết.

- Thằng Tư Mi xúi Nhật giết dân ta cháu ạ.

Tôi tin ngay chú tôi. Và thần tượng đầu tiên của đời tôi tan vỡ. Hiệp sĩ Tư Mi liếm giày phát xít Nhật. Có thể vậy chăng?

- Cháu phải tin chú.

- Cháu tin chú.

- Tư Mi phải đền tội xứng đáng.

Rất tiếc tôi đã khơi chuyện ông Tư Mi nên chú Phương nhớn chỉ nói lên những hận thù, chém giết. Chú đưa tôi về nhà và đêm hôm đó, chú ra đi. Người hiệp sĩ đã lên đường hành hiệp.

Vào tháng sáu, bố tôi quyết định trở lại thị xã. Bố tôi chung vốn với bác Quảng mở cửa hiệu bán đồ phụ tùng xe đạp, xe tay ở cầu Kiến Xương. Căn nhà thuê của ông Cai. Tôi về thị xã, biết rõ mặt lính Nhật lầm lỳ, hung ác và thanh kiếm trần óng ánh những huyền thoại rợn người. Tôi được nghe kể lính Nhật đã dùng kiếm trần, thứ kiếm chém sắt như chém bùn, chặt đứt tay những đứa trẻ con ăn cắp thóc ngựa của họ. Tôi được nghe kể lính Nhật treo ngược người Việt, để họ giãy dụa trên không trung cho đến khi chết. Và tôi mong mõi ngày chú Phương nhớn trở về. Tôi lại thấy ông Ban đầu cạo trọc, mặt quần áo lính Nhật, lưng đeo kiếm trần, mặt mũi vênh vang đi sát sĩ quan Nhật. Và tôi hình tưởng ông Tư Mi ở một nơi nào đó, lưng đeo kiếm trần. Tôi chán ghét thị xã, tôi muốn về Phụ Dực. Ở Phụ Dực không có lính Nhật và không có những nòng súng máy đen ngòm. Nhưng tôi phải đi học. Bố tôi xin cho tôi vào trường tiểu học thị xã. Tôi học lớp của thầy giáo Thảo, ngồi cạnh thằng Hải. Thằng này con nhà giàu, Nó đi học bằng chiếc xe đạp nhỏ thật đẹp. Vành, ghi đông mạ kền bóng nhoáng. Hải làm quen với tôi trước. Nó đòi chở tôi về tận nhà. Tôi bằng lòng ngay. Sung sướng và hãnh diện. Lần đầu tiên, trong quãng đời thơ ấu mù mịt tôi được chơi “ngang nhau” với một bạn học và người bạn này tỏ vẻ cần chơi với tôi. Ngày đầu chở tôi về, Hải biết nhà tôi. Nó vào chơi, nó chào me tôi rất lễ phép. Sáng hôm sau, Hải tới nhà tôi sớm, rủ tôi đi học. Nó cho tôi một khúc bánh tây nhồi đầy thịt quay. Hải săn sóc tôi tận tình. Giờ toán pháp, thấy tôi ngồi cắm bút lo sợ, Hải đã chép ra giấy nháp cả toán lẫn lời giải để tôi chép. Sau đó Hải hỏi tôi:

- Long kém toán à?

Tôi thành thật đáp:

- Long dốt. Môn nào cũng dốt.

Hải cười:

- Tại lười chớ gì?

Tôi rơm rớm nước mắt:

- Tại vì đến trường bị bắt nạt.

Tôi ngậm ngùi kể cho Hải nghe những ngày tháng ở Phụ Dực. Nó khoác tay lên vai tôi như một người anh biểu lộ cử chỉ vuốt ve, an ủi:

- Ở đây sẽ không đứa nào dám bắt nạt Long. Mỗi tối, Long đến nhà Hải, chị Hải dạy thêm Long, vài tháng là Long khá.

Tôi ngước mắt nhìn Hải, đôi mắt chưa khô:

- Tại sao Hải muốn giúp đỡ Long?

Hải quay đi chỗ khác:

- Ơ ơ … chúng mình đi uống nước Long nhé.

Tôi đã mon men đến nhà Hải. Bức tường nhà nó xây cao. Cái cổng sắt lớn. Ở một cánh cổng, có vẽ đầu con chó và ghi hàng chữ “Attention, chien méchant” Tôi sợ cái đầu con chó, sợ sự giàu sang của gia đình Hải nên không dám bấm chuông. Tôi cứ vẩn vơ mãi. Rồi tôi lủi thủi về. Sáng sau, Hải trách tôi sai hẹn. Tôi phải nói thật là tôi sợ hãi, không dám vào nhà Hải một mình. Thì nó cười và tới tận nhà tôi dẫn tôi lên nhà nó. Chị nó thử sức học của tôi, khích lệ tôi và dạy học ngay. Bắt đầu là bài tính đố tìm tiền lãi. Có lẽ, tôi đã không học giỏi được qua sự chỉ dẫn của chị thằng Hải. Nhưng ở nhà nó tôi học được bài học về tình người. Và tôi quên hẳn những gì gọi là bất hạnh đã xảy ra cho tôi những tháng ngày cũ. Tôi không hiểu do đâu mà Hải quý mến tôi, do đâu mà cả gia đình nó thương yêu tôi, dù tôi là đứa trẻ con nhà nghèo, học dốt. Điều này, lớn khôn, tôi mới vở lẻ ra rằng: Cuộc đời không phải chỉ rặt những kẻ bắt nạt, hành hạ ta, mà vẫn còn nhiều người giúp đỡ, an ủi ta. Tôi quyến luyến gia đình Hải như tôi quyến luyến gia đình tôi.

Cửa hiệu bán đồ phụ tùng xe đạp, xe tay của bác Quảng và bố tôi ế dài. Chưa đầy một tháng “công ty” tan rã. Bố tôi cố bám lấy tên hiệu Quảng Hùng, trả hết vốn cho bác Quảng, một mình trông coi cửa hiệu để khỏi mất mặt với ông Cai. Bố tôi không sĩ diện hảo. Chắc chắn bố tôi muốn tránh một câu bỉ thử mà ông Cai sẽ nói với mẹ tôi : “Giá mày nghe tao, lấy một thằng Bếp, đời mày đã khác”. Tôi quên chưa nói là cửa hiệu bán phụ tùng xe đạp, xe tay của bố tôi sát nách một hiệu bán phụ tùng xe đạp, xe tay khác. Họ tấp nập khách hàng mà bố tôi thì ngồi ngáp vặt. Ông đã chán ôm cây đàn ca vọng cổ. Cây đàn của bố tôi đứt mất hai dây và nằm ở xó nhà, đầy bụi. Hình như có một nỗi hãi hùng bủa vây quanh thị xã. Bố tôi chìm nghỉm trong nỗi hãi hùng đó. Ông thường thở hắt ra “Tình hình khó khăn”, mỗi tối. Rồi ông trấn tĩnh mẹ tôi: “Mình cần kiên nhẫn”. Quả thật, bố tôi thiếu kiên nhẫn, ông thay đổi nghề xoành xoành. Ông quá nhiều nghề và chẳng có nghề nào tinh vi nên ông đã không tạo nỗi sự ổn định vật chất cho gia đình.

Một hôm, bố tôi hỏi tôi:

- Con học được không?

Tôi trả lời là tôi rất thích đi học. Bố tôi bằng lòng lắm. Ông nói:

- Thời buổi nào thì người học giỏi cũng được trọng dụng. Nếu bố đã không mê đàn sáo …

Lãng-tử-bố-tôi chớp mắt. Ông đã hối hận. Cơm áo vất vả khiến ông oán trách những đoạn đường giang hồ. Một ngày nào đó, thất bại dồn dập thất bại, người ta sẽ tự nguyền rủa những cuộc chi tiêu phù phiếm của tuổi trẻ. Kỷ niệm chỉ có tươi xanh, chỉ có mưa bay trong hồi tưởng nếu người ta không lỡ trớn đời. Lúc người ta biết chắc vinh quang cấm cửa người ta, đó là lúc để than vãn. Ông không tay đàn miệng ca đã đành. Ông còn không cười và ít nói. Và bỗng nhiên, ông thay bốn chiếc răng vàng, ông bảo tôi:

- Mỗi người tuổi trẻ đều có một lần dại dột con ạ. Ta phải đoạn tuyệt những mộng tưởng khi ta có trách nhiệm gia đình.

Bố tôi dặn dò:

- Con nhớ kỹ điều này: Đã chưa ai nuôi sống vợ con mình bằng mộng tưởng.

Mộng tưởng. Đó là danh từ tôi không biết nghĩa. Bố tôi cứ dạy và tôi cứ lắng tai nghe. Tôi mang máng hiểu rằng bố tôi muốn tôi chăm học, học sao cho giỏi. Tôi đã cố gắng học, học bắt kịp những gì tôi đã học mà không vào. Sự sợ hãi trường lớp, thầy bạn đã biến mất. Nhờ Hải. Ngót một tháng trời kèm luyện tôi, chị Hải khen tôi: “Long sắp bằng Hải rồi đó”. Nhưng tôi chưa bằng Hải thì cách mạng nổi dậy. Cuộc cách mạng của chú Phương nhớn. Của những người ngẩn mặt đòi cơm áo và quyền sống. Tôi không hiểu cách mạng là gì. Tôi chỉ thích chú Phương nhớn của tôi. Chú Phương nhớn hẹn về đánh đuổi phát xít Nhật. Chú đã về. Tôi chạy ra phố đón chú, định gặp chú hỏi thêm cách mạng thành công thì còn ai chết đói, còn ai bị cắt gân, còn ai chết trong nhà lao nữa không. Tôi chưa thấy chú trong đám nghĩa quân từ bên kia cầu Bo ùa vào đuổi giặc như đuổi chuột! Nghĩa quân hò hét sắt máu và lời hò hét sắt máu của họ không giết nỗi tên Nhật hung ác nào. Họ bị bắn chết. Họ chùn bước. Họ được cổ võ. Lại tiến lên. Và gục ngã bởi những viên đạn tầm thường của lính Nhật. Tôi đứng nấp dưới một gốc cây hồi, chứng kiến tận mắt “ngày trọng đại của dân tộc” mà buồn cười. Có lẽ, cách mạng nào cũng buồn cười như thế. Khi tôi trưởng thành, chứng kiến thêm vài ba “ngày trọng đại của dân tộc” kiểu đó, tôi cạn khô xúc động. Buổi sáng tẻ nhạt của tổng khởi nghĩa ở tỉnh lỵ trôi qua. Buổi chiều, lửa mới bắt rơm ướt và cháy bùng. Dân chúng ùa ra hô khẩu hiệu. Trẻ con ùa ra phố reo hò. Người ta đả đảo phát xít Nhật khi phát xít Nhật đã đầu hàng. Người ta đã nắm chặt nắm đấm, phóng về phía trước, cương quyết giữ vững nền độc lập. Người ta nói nhiều về tự do dân chủ. Người ta bảo đã đập tan xiềng xích nô lệ. Ban ngày là của người lớn hoan hô đả đảo. Ban đêm là của trẻ con đàn hát. Tỉnh lỵ tối ngày vang vang những lời kết tội tám mươi năm đô hộ dân ta của thực dân Pháp và năm năm phát xít Nhật giày xéo quê ta. Bố tôi nói quan huyện Phạm Gia Đĩnh đã bị cách mạng giết. Ông Tư Mi bị cách mạng ám sát trước ngày tổng khởi nghĩa. Nhiều người bị bắt nhốt, đánh đập. Cả bố thằng Hải cũng bị bắt. Cách mạng, tôi hiểu, vẫn còn là nhà tù, vẫn như đời sống thường nhật. Chỉ khác là những người mới chơi trò cũ và chơi say sưa hơn, quyết liệt hơn, tàn bạo hơn, thâm hiểm hơn, tối tân hơn… Đó là ý nghĩ sau này. Và khi biết nghĩa như vậy, tôi không thích cách mạng nữa. Tôi ghét đổi mới, ghét xáo trộn. Sự chán ghét đã có từ hôm bờ giậu bìm phá bỏ để xây tường cao. Tôi ghét luôn cả bạo động lẫn hình phạt. Tôi không bao giờ tin rằng cái gọi là cách mạng, có thể, một sáng một chiều thay đổi được cả số phận một đời người, một dân tộc. Thường thì cách mạng chỉ tạo thêm những rối loạn và nghĩ cách ổn định nó. Tôi nhìn lại cuộc Cách mạng Tháng tám và thấy hạnh phúc mà cách mạng mưu đồ vẫn ở mãi bờ bến ngày mai, cái ngày mai xa lơ xa lắc, thăm thẳm, mịt mù đến nỗi kim địa bàn không định nỗi phương hướng, quay tít thò lò. Khi chú Phương hen của tôi còn sống và giấc mơ diện bộ quần áo thơm sặc mùi long não, ăn vã một cân giò lụa chưa thành thì chưa có cách mạng. Hoặc cách mạng xét ra không cần thiết. Tôi đã không góp niềm hân hoan cho “Cách mạng Tháng tám thành công muôn năm” như bọn trẻ con bằng tuổi tôi, dưới chân cột đèn. Tôi làm kẻ quan sát. Y hệt tôi đã đứng trên chiếc ghế xem ông Tư Mi và dân làng ông hạch tội Phạm Gia Đĩnh trước cổng huyện đường Phụ Dực. Thu đầy đủ những hình ảnh, nghe đầy đủ những âm thanh nhưng không tham dự. Vì sợ hãi, vì nhút nhát. Vì thiếu thằng Hải, thiếu một cái chăn bông cho mùa lạnh giá.

Cách mạng kéo dài bằng mỗi ngày một cuộc biểu tình tuần hành đả đảo thực dân Pháp và phát xít Nhật. Cách nạng không làm mưa ra thóc, làm gió hóa vải. Nhất là, không làm nước lũ ngừng chảy xiết. Năm nay, nước rút thật chậm. Cơ hồ mưa trên nguồn xối xả và dưới bể hết chỗ chứa nước. Sông Trà Lý ngầu đỏ. Nước xiết chân cầu Bo in là tiếng cưa gỗ. “Nước chảy đá mòn”. Nước lũ điên cuồng chảy, bị chân cầu xi măng cốt sắt cản lối, có thể, nổi giận cưa đứt cái chân cầu. Nước đã dâng ngập cái thước đo mực nước. Nước xấp xỉ mặt đê. Nước cao hơn đường phố thị xã một mét rưỡi. Đê mà vỡ là thị xã chết đuối. Lần đầu tiên tôi nhìn được nước lũ và quyền uy của nó. Nước lũ bắt niềm vui chào đón cách mạng giảm đi một nửa. Những ngày sôi nổi đầu đời cách mạng đã lắng lại từ sau vụ xử tử ông Ban, đã lắng lại vì ác mộng tháng ba. Đê vỡ hẳn sẽ chết đói khủng khiếp. Nên ngày là hoan hô, đả đảo, đêm là lo sợ. Nhịp tim đập theo nhịp trống hộ đê. Sự ồn ào lướt qua thường để lại những vẻ buồn rã rượi. Tôi thấy quang cảnh thị xã cách mạng cũng giống quang cảnh huyện lỵ đảo chính. Đời sống chẳng có gì mới mẻ ngoài những danh từ độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, cộng hòa, Việt gian … Những danh từ ấy đã không an ủi tôi, đã không thúc giục tôi chăm học. Và những người hô hoán những danh từ ấy đã không có cái giọng êm đềm như giọng chị Hiền – chị của Hải. Tôi biết là tôi đã mất hẳn những buổi tối ở nhà Hải, đã mất một nguồn an ủi, đã đứt đoạn những trang học về tình người. Từ hôm có cách mạng, tôi không gặp người bạn duy nhất của thời thơ ấu của tôi. Trường học tạm đóng cửa. Căn nhà của gia đình Hải, nơi đậu nhờ yên ổn của con chim nhút nhát, bị dân quân canh cổng. Tôi qua đó nhiều lần, đứng bên kia đường nhìn sang. Cái đầu chó bị gỡ đi. Câu “Attention chien méchant” bị bôi hắc ín trùm lên. Thế là cách mạng đã xóa mờ dấu vết cũ. Tôi thường trở về rơm rớm nước mắt, chẳng hiểu thằng Hải có khóc khi nhớ đến tôi?

Một buổi chiều tha thẩn trên hè phố, tôi gặp lại Hải, nó đi bộ chớ không đi xe đạp, chiếc xe đạp đẹp nhất thị xã. Hải xách cái “gà men” nhiều ngăn. Nó có vẻ xấu hổ và câu đầu tiên nó hỏi là: “Long có ghét Hải không?” Tại sao tôi lại ghét nó nhỉ? Tôi khoác tay lên vai Hải:

- Đừng hỏi thế.

Nó ứa nước mắt.

- Mọi người oán ghét ba Hải. Cách mạng bỏ tù ba Hải.

Tôi nói:

- Long không là cách mạng. Bố mẹ Long có ghét ba Hải đâu.

Tôi kể cho Hải nghe những lần tôi đứng một bên đường nhìn sang nhà Hải. Nó khóc thành tiếng. “Cách mạng Tháng tám thành công” và cách mạng đó đã làm cho bạn tôi, đứa trẻ ngoan ngoãn hồn nhiên, biết thương người phải khóc. Vậy tôi không thích cách mạng là đúng. Tôi hỏi Hải:

- Xách cơm đi đâu?

- Vào nhà lao.

- Long theo với nhé.

Hai chúng tôi bước bên nhau. Và khi những đứa trẻ khác tụ tâp ca hát hay nhập vào đoàn biểu tình tuần hành thì Hải và tôi lần bước đến cổng nhà lao. Huyện lỵ có nhà lao. Thị xã cũng có nhà lao. Thực dân xây cất nhà lao. Phát xít tống dân mình vào nhà lao. Cách mạng không phá bỏ nhà lao. Cách mạng chỉ chặt xiềng xích lao tù ở những bài hát. Cuộc đời còn lao tù là cuộc đời còn buồn khổ, phập phồng, sợ hãi. Cuộc đời lao tù là cuộc đời còn những đứa con đem cơm nuôi cha. Ở cổng nhà lao, tôi hỏi Hải

- Chị Hiền có được ra phố không?

- Mới được từ hôm qua.

- Long thương chị Hiền lắm.

- Chị Hiền bảo nếu gặp Long dặn Long phải cố gắng học.

Tôi nhớ mãi lời dặn đó. Nhưng tôi đã phụ lòng tốt của chị Hiền. Tôi đã cố gắng nhiều thứ, cố gắng vươn mình thoát khỏi những nghịch cảnh hay cố gắng xua đuổi những đám mây chì phủ kín đời mình, ngoài sự cố gắng học hỏi.

Buổi tối hôm ấy, tôi nằm trên giường mơ mộng đào một đường hầm từ nhà tôi tới nhà lao để cứu bố thằng Hải thoát khỏi cảnh ngục tù. Lúc thức giấc tôi không còn nghe tiếng trống hộ đê nữa. Đê đã vỡ. Nước lũ đã tỏ quyền uy. Những phủ huyện bên kia cầu bo bị nước lũ cuốn phăng, Nước bị giam vít lâu ngày như một gã sát nhân bị xiềng tay xích chân. Khi vượt ngục, nó tàn sát trả thù. Nó hung hăng dẵm nát, phá hủy. Nhà cửa, trâu bò, lợn gà bị cuốn mất hút. Lúa bị chết đuối dưới hàng mấy thước. Nước mênh mông, đồng bằng là biển. Khúc đê bên đây cầu Bo, nhờ vỡ chậm hơn bên kia nên sự thiệt hại nhẹ hơn. Tuy thế, đồng ruộng vẫn bị ngập chìm dưới biển nước.

Ở thị xã, mãi gần sáng nước mới tràn tới. Vì đã tàn cơn phẫn nộ, nước lũ đâm ra mệt mõi, nó làm đầy nước đường phố như một cái vòi nước làm đầy cái bể nước. Cách mạng đang sục sôi, nóng bỏng bỗng bị tưới nước. Sinh hoạt cách mạng lắng lại. Nếu không có bầy nhi đồng kết bè chuối, ghép những cánh cửa gỗ vừa làm thuyền vừa đùa nghịch vừa hô khẩu hiệu “cách mạng tháng tám thành công muôn năm” thì cách mạng cũng bị chìm nghỉm dưới nước lũ. Rồi cách mạng lại chồi lên bằng những cuộc biểu tình tuần hành lội nước. Và bùng cháy, sống động khi thực dân Pháp theo chân quân Anh, Ấn vào Sài Gòn tước khí giới Nhật. Thực dân Pháp chiếm đóng Sài Gòn, mở đầu cuộc kháng chiến của dân miền Nam bằng những tiếng súng Nam Bộ . Thanh niên của mười hai phủ huyện chèo thuyền lên thị xã, tình nguyện vào Nam bộ đánh đuổi thực dân xâm lăng. Thù hận quân cướp nước khiến mọi người quên sợ hãi, quên luôn cả ác mộng tháng ba. Tôi lại gặp chú Phương nhớn dịp này. Chú tình nguyện vào Nam “Tiếng súng vang sông núi miền Nam giục ta ra tranh đấu”.

Tiếng súng Nam bộ giục chú Phương nhớn đi diệt thù. Cả cậu Phạm Mộng Dzực nữa. Hai người tìm đến thăm bố mẹ tôi. Chính tôi đã lội nước, xách “gà men” đi mua phở về cho cậu Dzực và chú Phương nhớn ăn. “Ngày mai chúng em vào Nam rồi anh chị ạ”! Cậu Dzực sảng khoái nói. Cậu hỏi mẹ tôi:

- Thằng Dzực đâu?

Thằng Dzực là em trai tôi. Nó sinh ở Phụ Dực. Bố tôi và cậu Dzực hứa với tôi rằng nếu trong năm chết đói, hai người cùng có con trai thì đứa con của cậu Dzực đặt tên Phạm Mộng Hùng và em trai của tôi sẽ là Vũ Mộng Dzực. Cuối tháng ba, hai ông nhô ra đời. Và lời hứa của hai ông bố đã thực hiện. Cậu Dzực mau miệng:

- Thằng Dzực biết làm gì rồi? Nó biết bò chưa?

Mẹ tôi trả lời:

- Chưa cậu ạ, nó vừa biết lẫy.

Và hỏi:

- Còn thằng Hùng?

Bố tôi vui vẻ:

- Nó đây này, nó đã gãy mấy chiếc răng vàng.

Mọi người cười cởi mở. Kể từ ngày về thị xã tôi mới thấy bố tôi khôi hài. Nhưng giọng điệu của ông bắt đầu cay đắng. Ông nhe hàm răng. Mấy chiếc răng vàng không còn nữa. Không còn một chút mộng tưởng trong tâm hồn ông bố lãng tử của tôi. Khi một người cha nhìn lại, ông ta chỉ còn thấy bổn phận. Và bổn phận của ông là tạo nổi hạnh phúc cho vợ con ông ta. Bổn phận chu toàn là người cha đã tìm được vinh quang của đời sống gia đình. Người ta sinh ra đời không phải để làm lãng tử suốt đời. Rồi mọi người đều trở về dưới mái gia đình. Bất hạnh cho những kẻ thiếu mái gia đình trở về trong hoàng hôn cuộc đời. Bất hạnh cho cả những kẻ vác hàng bao tải tiền bạc trở về với một gia đình tan nát.

Bố tôi mời chú Phương nhớn uống cà phê. Ông nói:

- Bây giờ người ta giết nhau bằng súng, Phương nhớn ạ.

Chú Phương nhớn nói:

- Vâng, thưa anh, em sẽ dùng súng. Em nghĩ có một thứ võ khí mạnh nhất là lý tưởng giành độc lập.

Bố tôi trầm ngâm:

- Người ta đang nói về lý tưởng ấy. Trước khi chú vào Nam, cho anh khuyên một điều, được không?

Chú Phương nhớn lễ phép:

- Xin anh cứ dạy.

Bố tôi nhấp một ngụm cà phê:

- Những người hô hào lý tưởng không bao giờ chết vì lý tưởng, chết cho lý tưởng cả. Những kẻ chết vì lý tưởng đều là những kẻ nghe theo tiếng gọi của lý tưởng.

Chú Phương nhớn cười:

- Anh lúc nào cũng nghĩ đến nghề hớt tóc mưu sinh của em.

Bố tôi im lặng. Chú Phương nhớn rủ tôi lội nước đi chơi phố lụt. Cậu Dzực ở lại hàn huyên với bố tôi. Hai chú cháu tôi tới Ngã tư Vũ Tiên, leo ngồi lên cái bục cao của đội xếp chỉ đường. Câu đầu tiên chú nói với tôi là báo tin cái chết của ông Tư Mi:

- Tư Mi bị giết rồi cháu ạ.

- Cháu có nghe nói.

- Cháu có biết ai giết hắn không?

- Không.

- Bạn thân của chú. Tên Phạm Gia Đĩnh bỏ Phụ Dực chạy sang Từ Sơn làm quan phủ cũng bị giết chết.

- Ai giết quan huyện Đĩnh?

- Cách mạng.

- Tại sao cách mạng giết người nhiều thế?

- Cách mạng cần máu. Cờ cách mạng in bằng máu. Cách mạng uống máu quân thù.

- Cách mạng bỏ tù bố thằng bạn cháu.

- Bố nó làm tay sai cho giặc. Bố nó là Việt gian bán nước hại dân.

- Bố nó không hại ai.

- Cháu phải tin chú.

- Nhưng chú có biết bố nó không?

- Cách mạng biết là chú biết. Mà thôi. Chú cháu mình nói chuyện khác. Cháu còn bị bắt nạt không?

- Không. Nhờ thằng Hải bênh vực cháu, chơi thân với cháu.

- Nó là đứa trẻ cách mạng.

- Bố nó bị cách mạng bỏ tù.

Chú Phương nhớn lãng chuyện:

- Cháu có xuống phố biểu tình, có gia nhập thiếu nhi không?

Tôi đáp:

- Không.

- Tại sao?

- Cháu sợ bị bắt nạt.

- Sẽ không ai bắt nạt ai cả. Cháu phải tin chú. Thế giới đại đồng rồi. Mọi người đều là … đồng chí. Chiều nay cháu tham dự biểu tình với chú.

Chiều hôm ấy, chú Phương nhớn dẫn tôi đi biểu tình tuần hành lội nước đả đảo thực dân Pháp toan đặt ách đô hộ lên đầu dân ta một lần nữa. Tôi được chơi một trò chơi mới lạ. Giữa sân vận động ngập nước, một chiếc tàu chiến của thực dân Pháp kết bằng bè chuối và bằng giấy với đủ quân lính, súng đại bác thả lềnh bềnh. Lá cờ tam tài to tướng. Cũng bằng giấy. Dưới nắng gay gắt của buổi chiều, dân thị xã đứng chung quanh sân, nước ngập quá gối, sát khí đằng đằng. Mặc dù nước lụt, mỗi người đã kiếm hằng chục viên gạch, đá củ đậu thủ sẵn trong túi áo, túi quần hoặc bỏ vào giỏ mang theo. Những người chỉ huy cách mạng thị xã thay phiên nhau kể tội ác của thực dân Pháp và tội của liên quân Anh - Ấn đã che chở thực dân Pháp. Người này kích động lòng yêu nước. Người kia ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng bào Nam bộ. Dân thị xã giơ cao tay thề tiêu diệt giặc xâm lăng. Và hát vang lời thề bảo vệ sông núi.

Sau đó, dân thị xã hô xung phong. Lội nước tiến sát tàu giặc. Gạch đá ném như mưa. Nhiều người bốc đất dưới nước ném. Ném say sưa, ném như thật. Tưởng tàu chiến giấy bọc thép. Tưởng đại bác trên tàu giặc đang khạc đạn. Tưởng quanh mình nhiều người đã ngã gục. Vùng lên. Lớp lớp vùng lên. Chú Phương nhớn giục tôi: “Bắn tan tàu giặc đi cháu”. Tôi ném đá. Tôi ném uể oải. Rồi tôi ném thích thú. Một vài thằng bé không quen cho tôi gạch đá. Nó cười thân mật. Nó vỗ vai tôi. Nó tặng kẹo tôi. Chúng tôi xung phong, xung phong chiến đấu. “Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Tiến lên! Không đầy nửa tiếng, tàu giặc tan tành. Dân chúng leo lên tàu, tưới dầu đốt cháy. Ngọn lửa phừng phùng. Lửa hờn. Lửa đốt cháy tủi nhục của tám mươi năm nô lệ. Mặt trời lặn cho lửa thắp sáng. Chúng tôi reo hò. Dân chúng reo hò. Cho đến khi màn đêm buông phủ mới kéo nhau về. Sau này, khôn lớn và nhìn cách mạng bằng con mắt trào lộng, tôi hồi tưởng những trò chơi yêu nước của những người bị cách mạng thôi miên bằng những nụ cười châm biếm. Nó lố bịch quá. Nó ngớ ngẩn quá. Trò chơi ấy chắc vẫn còn đang tiếp diễn ở khắp hoàn cầu. Nhưng bấy giờ, tôi thích nó quá. Nó xua đuổi nỗi cô quạnh quanh đời sống tuổi nhỏ của tôi. Nó thôi miên tôi, nó quyến rũ tôi. Nó khiến tôi quên nhà lao, nơi giam cầm bố thằng Hải. Nó khiến tôi quên vụ xử tử ông Ban. Nó bắt tôi ngẩn mặt. Và, dưới chân cột đèn mỗi tối, có tôi đến tập hát, làm nhô con yêu nước. Và, mỗi ngày trong đám biểu tình đi qua, có tôi đi hô khẩu hiệu đả đảo thực dân, có tôi đập phá cửa hiệu Tây đen bán vải vì Tây đen đang bắn chết đồng bào Nam bộ của tôi.

Chú Phương nhớn đưa tôi về. Chú hỏi:

- Cháu thích cách mạng chưa?

Tôi đáp:

- Cách mạng vui lắm. Vui hơn ở Phụ Dực.

Vài hôm sau chú Phương nhớn và cậu Dzực vào Nam. Ngày quân Tầu phù của tướng Lư Hán sang Việt Nam tước vũ khí Nhật, báo Cứu quốc đăng tin những người thanh niên Bắc bộ hy sinh ở chiến trường Nam bộ. Có tên chú Phương nhớn. Bố tôi khóc. Tôi đã khóc theo. Hồi ấy, còn nhỏ, tôi tiếc chú vô cùng. Lớn lên và hiểu rõ chuyện đời, tôi bằng lòng chú chết như thế. Chú sẽ tưởng, mãi mãi tưởng chú chết cho nền độc lập của xứ sở. Và đã không ai kết tội những người kháng chiến chống Pháp. Giả thử, chú tôi chưa chết, chú tôi về Bắc rồi lại xâm nhập vô Nam, chú cháu tôi sẽ nghĩ gì về nhau, lúc này? Và nếu chú cháu tôi không đau đớn phán xét lẫn nhau, chú tôi sẽ nghĩ gì về người em ruột của mình, chú Phương hen, sau chín năm “cách mạng thành công” , sau chín năm kháng chiến gian khổ mưu đồ hạnh phúc cho dân tộc, trở về trong “chiến thắng vinh quang” , vẫn thấy em ruột mình thay bò kéo xe và chẳng biết tới khi nhắm mắt có sắm nỗi bộ quần áo đẹp diện Tết và được ăn vã một cân giò lụa? Chú Phương nhớn, chú chết như thế, cháu ngưỡng mộ chú.

Chú Phương nhớn vào Nam, nước rút dần. Nắng hực lửa. Mưa hết nước rồi. Nắng hút hơi nước. Nắng tàn nhẫn. Biểu tình đều đều. Hết đả đảo thực dân lại đả đảo phát xít. Và hoan hô người Việt Nam mới. Người Việt Nam mới là phát xít Nhật hôm qua, theo cách mạng hôm nay. Người Việt Nam mới mặc quần áo nâu, tập nói tiếng Việt “Xin nhận nơi này làm quê hương” . Tôi đi xem người Việt Nam mới dạy quân cách mạng bắn súng, ném lựu đạn. Trong khi, bố tôi tìm đường về huyện lỵ Tiền Hải. Cửa hiệu bán phụ tùng xe đạp, xe tay của bố tôi coi như thất bại. Tôi chưa biết bố tôi sẽ loay hoay bước sang nghề gì mới. Một hôm bố tôi dẫn tôi đi ăn phở và âu yếm hỏi tôi:

- Dạo này con có để ý đến sách vở không?

Tôi thưa:

- Trường chưa mở cửa, bố ạ.

Bố tôi nói:

- Dù là cách mạng, người có học vẫn hơn người thất học. Con ít ra phố chơi đùa, năng ôn bài vở. Văn ôn vũ luyện. Nếu con chán học, bố vui vẻ cho con học nghề.

- Con không chán học.

- Vậy tốt lắm. Con còn tới nhà bạn con học thêm không?

- Gia đình nó lên Hà Nội cả rồi, Bố nó đã được tha.

- Sao con biết?

- Nó nói với con.

Phong trào “nhanh bước nhanh nhi đồng” làm tôi quên Hải và chị Hiền. Nếu bố tôi không hỏi, tôi đã quên. Hôm nọ, Hải đến tìm tôi, báo tin mừng bố nó thoát cảnh lao tù và nói gia đình nó sẽ lên Hà Nội. Tôi buồn một chút thôi. Tôi không hiểu tại sao gia đình nó dọn lên Hà Nội. Cũng chẳng hỏi. Chúng tôi xa nhau từ đó. Không cho nhau một kỷ vật nào.

- Nếu bố làm ăn khá, bố đã thuê người kèm học giúp con. Con nên nhớ rằng không ai ngu dốt cả mà chỉ ngu dốt vì lười biếng và thiếu học. Mọi việc sẽ đổi thay, trừ sự học. Học lúc nào cũng cần thiết, thời buổi nào cũng cần thiết. Con nhớ chưa?

- Con nhớ.

- Các em con trông cậy ở con. Bố sẽ già và chả biết chết lúc nào. Mẹ con chỉ có thể thương yêu các con chớ không thể dạy các con nên người. Con nhớ chưa?

- Con nhớ.

- Bắt đầu từ tối nay, bố dạy con tiếng Pháp.

- Dân mình đang đánh Pháp.

- Chữ Pháp, tiếng Pháp, không phải là giặc Pháp, con nhớ chưa?

- Con nhớ.

Bố tôi giữ đúng lời. Tối đó, thay vì đứng dưới cột đèn ca hát, tôi phải học chia động từ, tập đặt câu và đổi giống đực sang giống cái. Tôi học lỗ hà nó ra lỗ hỗng. Vì tiếng hát ngoài phố vọng tới mời mọc tôi nồng nàn. Tôi thường lén mở cửa, leo cổng trốn ra khi đèn nhà tôi đã tắt. Quá nửa đêm tôi mới mò về. Bố mẹ tôi không hay. Tôi chẳng hiểu tại sao hồi nhỏ, tôi thờ ơ với cách mạng ghê quá, rồi lại say mê cách mạng ghê quá. Chán đấy rồi thích đấy. Nhớ đấy rồi quên đấy. Tâm hồn tuổi dại nào không như tôi. Chỉ tiếc sự say mê cách mạng của tôi chưa được đầy tháng thì bố tôi quyết định dọn nhà xuống Tiền Hải. Tôi mất hết “bạn bè cách mạng”, mất hết “đồng chí”, hiểu theo nghĩa chú Phương nhớn. Giã từ những cột đèn thị xã ban đêm. Giã từ những bài hát phá tan xiềng xích nô lệ. Tôi rời bỏ thị xã cùng với đạo quân u buồn đồn trú trên khuôn mặt bố tôi. Hồi tưởng, tôi muốn ví bố tôi như một kép hát già nua, một kép hát mà thời son trẻ không tìm được sân khấu thích hợp. Thấy thương bố và yêu những chiếc răng vàng biết mấy.

Còn tiếp

* Tác giả quên tên làng này, chỉ nhớ ở gần Ngã tư Môi, làng của ông Tư Mi, một người thân Nhật)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn