Phật tử ăn cơm ở chùa Định Thành Quan, Sài Gòn. Khuôn viên chùa hẹp, Phật tử ăn cơm kiểu “buffet” ở ngoài hành lang. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt) |
Theo giới nghiên cứu thì cái tục ăn cơm chùa có từ lâu đời và ở khắp Việt Nam. Chỉ cái thời bao cấp khó kiếm cả cơm độn mà độ nhật huống chi là chuyện nhà chùa đãi cơm chay.
Nói về chuyện ăn cơm chùa ở Sài Gòn ngày nay, trước tiên là nói về những tiệc chay thịnh soạn được những chùa lớn thết đãi đại chúng. Tất nhiên là theo tinh thần hỉ xả, bá tánh không phân biệt già trẻ bé lớn, có đạo hay ngoại đạo, người ăn xin hay kẻ đại gia tiền tỉ. Đã muốn ăn cơm chùa thì cứ thấy có bàn, có mâm là ngồi vào ăn tự nhiên, đó là chưa kể có không ít người đi ăn cơm chùa còn đem theo bịch nilon để đem cơm chùa về nhà. Của chùa mà!
Ăn cơm chùa ở chùa Hải Quang, quận Tân Bình là được ăn một bữa tiệc kiểu Huế. Ngày rằm lớn nào nhà chùa cũng đãi bún bò Huế, bánh bèo Huế... tất nhiên những món Huế trên gọi theo tên những món mặn nhưng kỳ thực là món chay và lại thơm thanh cao, ngọt trong lành hơn món mặn nhiều. Có lần chúng tôi mời một nhà báo chuyên viết về ẩm thực đến chùa thưởng thức. Ngay khi gắp được vài đũa, ông quay sang tôi nói: “Tôi ngờ rằng bún bò Huế, bánh bèo Huế có gốc là món chay ông ạ. Chắc là do mấy tay nhậu bày đặt thêm thịt, thêm tôm làm vẩn đục vị thanh cao của mấy món gốc Huế này. Cái chuyện này tôi thấy giống như mấy cha cộng thêm cái thứ tào lao chủ nghĩa xã hội vào đạo pháp vậy.”
Nhưng một món chay được cho là món truyền thống chính hiệu của các chùa có gốc miền Nam là món kiểm. Cái món này theo như lời ông bà xưa kể lại là món đinh trong mỗi tiệc chay, chùa nào nấu món này dở thì kể như dân ăn cơm chùa đi cúng chùa khác. Món kiểm tùy chùa nghèo, chùa giàu mà có kiểu nấu khác nhau. Có khi chùa nghèo nấu kiểm chỉ có chuối, khoai mì, khoai lang, nước cốt dừa, đậu phộng đâm mà thơm ngon hết biết. Có khi chùa giàu cho thêm vào nồi kiểm nấm mèo, nấm hương, bún tàu mà lại ngán muốn chết, nuốt không nổi. Thêm một món chay Nam kỳ nổi tiếng nữa là món bánh ít. Tuy là món tráng miệng nhưng người ăn cơm chùa không thể kiếu nhà chùa để ra về nếu chưa được ăn, có khi còn quá đáng chấp tay xá mấy chú tiểu ở nhà bếp xin thêm vài cái.
Mới đây, chúng tôi được vinh dự có mặt ở lễ cúng thất tuần của một vị danh nhân triết học và văn chương bậc nhất ở chùa Già Lam. Trong bữa tiệc chay gồm đủ các món chay ba miền, có món lẩu, cơm chiên, bánh ít, ram, lọc... trong đó ngon nhất vẫn là món bánh ít. Ngon đến nỗi một thi sĩ rất nổi tiếng của làng thi ca VN đương thời, ngồi gần cạnh tôi, ông nói nhỏ: “Này ông bạn, ông ăn hai cái bánh ít rồi đúng không, tôi cũng ăn hai cái, cái dải bên mấy người đàn bà còn ba cái, tôi hai cái ông một cái, mình chơi luôn đi. Bánh ngon quá trời ông ơi, bỏ lại uổng!” Tất nhiên tôi gật đầu.
Ngày nay ở Sài Gòn, một số chùa đãi cơm chùa có phần khác xưa. Âu cũng là do các vấn nạn về cảnh chùa hẹp người đông mà sinh ra những kiểu tiệc buffet và một số món kiểu thức ăn nhanh.
Cảnh lấy thức ăn ở bữa ăn cơm chùa. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt) |
Hôm kỷ niệm Phật Đản Sinh vừa qua, chúng tôi có dự một bữa buffet chay ở chùa Định Thành ở quận 10. Phải nói là rất đáng phục trước cách tổ chức bữa tiệc chay cho hàng ngàn Phật tử của ngôi chùa nằm lọt trong một con hẻm nhỏ với những tín đồ đa phần là giới lao động bình dân. Có khi từ bài học cách tổ chức tiệc chay buffet của chùa này, người ta thấy viễn cảnh tương lai đãi cơm chùa và ăn cơm chùa ở Việt Nam. Hôm đó chúng tôi chọn hai món mì chay kiểu Ý và món kiểm, thật lòng chúng tôi thấy rằng tiệc chay buffet và món chay vừa Tây vừa Ta lại có tính đại chúng hơn hẳn những món chay cổ điển.
Nhưng nói đến ăn cơm chùa cũng phải nói đến chén cơm, chén canh của những ngôi chùa đang nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi. Chúng tôi nhớ có lần đến một ngôi chùa Cẩm Phong ở Cẩm Giang-Trảng Bàng. Hôm đó chỉ là một ngày bình thường, thầy trụ trì có mời chúng tôi ở lại dùng bữa cơm trưa với thầy. Bàn cơm được dọn ra chỉ gồm món canh bắp cải và bầu xào dầu, riêng cơm thì để trong một cái thau bự. Thầy trụ trì là một người miền Nam tánh phóng khoáng chân thật nên trong một thời gian ngắn thầy đã ăn xong hai bát cơm. Phía bàn ăn gần đó, những đứa trẻ mồ côi cũng ăn ngon lành như thầy trụ trì, còn chúng tôi thì nuốt không trôi được nửa chén vì gạo không mềm cơm, đồ chay không ngon.
Chùa cũng có chùa giàu chùa nghèo, chùa có tâm đức lớn, cũng có chùa có vẻ ngoài lòe loẹt nhưng trớt quớt, còn chùa có chuyện lồng ghép đạo pháp và chủ nghĩa xã hội thì miễn bàn. Thế nên, nói là ăn cơm chùa cũng phải nói cho rõ là ăn tiệc chay của nhà chùa hay là ăn cơm thường nhật của nhà chùa. Nói thì mang tội, chớ thường người đi ăn cơm chùa đều mong cầu có món chay ngon, có vị chay thanh khiết để gọi là tận hưởng thực phẩm thế gian chứ không có mục đích cao cả như mấy vị xuất gia và các tu sĩ thuần thành.
Trần Tiến Dũng/Người Việt
20-05-2011
Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn